Thứ Năm, 13 tháng 10, 2016

Chưa vội khẳng định ĐBSCL đã hết lũ



Nguyễn Hữu Thiện

Cảnh lũ tràn đồng ở ĐBSCL ngày càng ít.


(TBKTSG) - Trong mấy năm gần đây, từ sau trận lũ lớn 2011, nước lũ về đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) là lũ trung bình và thấp. Đỉnh điểm là lũ thấp cực đoan năm 2015 dẫn đến tình trạng hạn mặn mùa khô 2016. Năm nay lũ có về, nhưng vẫn thấp hơn đỉnh trung bình nhiều năm, nên nhiều người đinh ninh từ nay đồng bằng hết lũ cũng là điều dễ hiểu.

Dư luận chung cho rằng do thủy điện thượng nguồn chặn hết nước nên nước không về, suy ra phải bít cửa sông ngăn mặn, đào hồ trữ nước ngọt. Xa hơn, có người bảo từ nay đồng bằng phải trồng cây gì, nuôi con gì cần ít nước, sang Isreal mà học tưới nhỏ giọt.


Lũ thấp do đâu?


Trước tiên nên xét nguyên nhân gây ra lũ thấp. ĐBSCL phụ thuộc lượng nước Mêkông, tổng dòng chảy trung bình 475 tỉ mét khối mỗi năm, trong đó phần Trung Quốc đóng góp 16%, Myanmar 2%, còn lại 82% từ biên giới Lào - Trung Quốc trở xuống, trong đó mưa ở Lào, Đông Bắc Thái Lan, và Campuchia quan trọng nhất. Mưa tại chỗ ở ĐBSCL khoảng 1.400-2.000 mi li mét/năm, đóng góp 11%.

Về thủy điện, các đập ở Trung Quốc và các đập chi lưu là các đập có hồ chứa lớn, trữ nước mùa lũ, xả ra phát điện trong mùa lũ và mùa khô. Còn 11 đập dự kiến trên dòng chính ở Lào và Campuchia vận hành theo ngày, tích nước khoảng 16 giờ, xả ra khoảng 8 giờ.

Trong những năm bình thường, các đập ở Trung Quốc không có khả năng nhiều trong việc kiểm soát nguồn nước do phần đóng góp ít và vì các đập cũng phải xả ra để phát điện.Trong những năm khô hạn, các đập này gia tăng trữ nước và làm tồi tệ thêm tình hình. Năm ngoái, một El Nino cực đoan làm mưa ít kỷ lục trên toàn lưu vực, dẫn đến mực nước mùa lũ thấp kỷ lục, mặn xâm nhập gay gắt ở ĐBSCL. Vậy, nguyên nhân ban đầu của hạn - mặn tại ĐBSCL là El Nino, thủy điện là tác nhân thứ hai gây tồi tệ thêm chứ không phải là nguyên nhân ban đầu.

Lũ thấp và hạn mặn cực đoan xảy ra dù gay gắt, nhưng vẫn chưa thể khẳng định là khuynh hướng vì mới gần đây thôi, năm 2011, chúng ta vẫn có trận lũ khá lớn về đồng bằng.

El Nino là hiện tượng xảy ra theo chu kỳ 2-7 năm một lần, và có những lần cực đoan dẫn đến khô hạn. Trong bối cảnh biến đổi khí hậu, các sự kiện cực đoan được dự báo sẽ diễn ra thường xuyên hơn, ví dụ từ 100 năm một lần xuống còn 20-25 năm một lần, nhưng dù sao cũng không phải là tình hình chung cho tất cả các năm. Ngược với El Nino là La Nina có thể dẫn đến mưa lũ nhiều, theo quy luật bù trừ, vì vậy đang khi hạn mặn do El Nino phải luôn luôn dè chừng La Nina sau đó.

Còn với 11 đập dự kiến ở hạ lưu vực như nói trên, tới nay có hai đập đã khởi công (Don Sahong ở Nam Lào và Xayaburi ở Bắc Lào) nhưng chưa hoàn tất, nên chưa phải là nguyên nhân. Sau này, khi hoàn tất, trong những năm bình thường các đập này không ảnh hưởng lớn đến mực nước ĐBSCL, nhưng những năm khô hạn mỗi đập có khả năng giữ nước từ 1,5-18 ngày, làm nước về chậm cả tháng khi đi qua chuỗi đập. Khi đó, tình hình sẽ nghiêm trọng.

Tác động chính, nghiêm trọng, âm thầm của các đập thủy điện là làm giảm phù sa, cát sỏi về ĐBSCL, giảm phì nhiêu của đất, sạt lở bờ sông, bờ biển và chắn đường di cư của cá. So sánh năm 1992 và 2014, các đập Trung Quốc đã làm giảm phù sa mịn sông Mêkông từ 160 triệu tấn/năm còn 85 triệu tấn năm. Sau này 11 đập ở hạ lưu vực sẽ làm giảm chỉ còn 42 triệu tấn/năm. Khi đó đất sẽ ít được bồi bổ, chi phí làm ruộng sẽ cao. Tất cả các nghiên cứu đều kết luận rằng sau này khi 11 đập ở hạ lưu vực hoàn tất, 100% cát, sỏi sẽ bị chặn, không xuống ĐBSCL nữa, lòng sông sẽ sâu hơn, sạt lở bờ sông, bờ biển sẽ khốc liệt hơn. Hiện nay hơn một nửa chiều dài bờ biển ĐBSCL đang bị sạt lở. Ngoài ra, 100% cá trắng sẽ biến mất ở ĐBSCL do không thể di cư về phía thượng lưu để sinh sản, theo nước lũ trôi về hàng năm nữa.

Hành động phù hợp với thực tế tình hình


Biết rằng tình trạng lũ thấp, hạn mặn là do thời tiết thất thường gây ra, chúng ta không nên chủ quan đinh ninh rằng ĐBSCL hết nước, rồi đi theo hướng đó để phải bất ngờ đối phó với một năm mưa lớn, lũ ập về trong những năm tới.

Lũ thấp và hạn mặn cực đoan xảy ra dù gay gắt, nhưng vẫn chưa thể khẳng định là khuynh hướng vì mới gần đây thôi, năm 2011, chúng ta vẫn có trận lũ khá lớn về đồng bằng.

Đinh ninh ĐBSCL hết nước, rồi bít cửa sông trữ nước, sẽ hủy hoại ĐBSCL nhanh hơn. Đồng bằng liên thông với biển Đông, biển Tây qua hàng ngàn cửa sông lớn nhỏ nên có nước lớn, nước ròng mỗi ngày, nước rong, nước kém hàng tháng. Bít hết lại, mất nước lớn, nước ròng, nước rong, nước kém là mất hết cá tôm, lối sống miền sông nước, biến đồng bằng thành cái hồ lớn tù đọng, ô nhiễm khủng khiếp.

Khi sông biến thành hồ, thì thành phần cá sẽ hoàn toàn thay đổi, cá sông không sống được trong hồ. Khi đó, ô nhiễm sẽ tích tụ, ở đáy sông sẽ thiếu hụt oxy, đến một lúc nào đó cá sẽ chết hàng loạt, nếu còn cá. Khi cửa sông bị bít thì vùng sinh thái nước lợ giàu tôm cá sẽ bị xóa sổ. Sự giao lưu sinh thái giữa sông và biển sẽ bị cắt đứt và cũng ảnh hưởng đến thủy sản biển. Cá biển, nhất là cá nước lợ, vẫn phải vào ra giữa biển và đất liền.

Quan sát kỹ, dù lũ thấp nhưng vẫn có lũ, có thể chứa trong hai cánh đồng lớn, Đồng Tháp Mười và Tứ giác Long Xuyên để giúp giải hạn trong mùa khô. Vậy mà, so giữa năm 2000 và 2011, các ô đê bao ở Tứ giác Long Xuyên đã chiếm chỗ 1.100 ki lô mét vuông, làm giảm không gian trữ lũ từ 9,2 tỉ mét khối xuống còn 4,5 tỉ mét khối, mất 4,7 tỉ mét khối. Nước không vào trong đồng được, chảy tuột hết ra biển thì mùa khô thiếu nước là đúng. Không gian 4,7 tỉ mét khối này ở tại chỗ, lớn gấp nhiều lần dung tích 249 triệu mét khối từ đập Cảnh Hồng, Trung Quốc cách xa hơn 2.000 ki lô mét mà chúng ta từng yêu cầu Trung Quốc xả nước cứu hạn cho đồng bằng vào mùa khô năm nay.

Đào ao trữ nước, nhất là vùng ven biển, thì rất tốt, nhưng nếu không tăng thêm diện tích đê bao khép kín ở vùng đầu nguồn và nếu phục hồi được không gian trữ lũ ở Đồng Tháp Mười và Tứ giác Long Xuyên thì hạn mặn sẽ giảm đáng kể, dù lũ thấp.

Dự báo thời tiết là khó, nhưng dự báo hạn mặn không khó. Chúng ta có thể quan sát diễn biến mưa ở Lào, đông bắc Thái Lan để biết mực nước lũ. Dự báo xâm nhập mặn càng dễ hơn nữa vì xâm nhập mặn không diễn ra bất ngờ qua đêm. Quan sát đỉnh lũ ở Tân Châu, Châu Đốc vào giữa đến cuối tháng 10 có thể biết sau Tết xâm nhập mặn như thế nào.

Chúng ta biết trước sáu tháng thì nên chuẩn bị tích trữ nước ngọt cho sinh hoạt, tránh xuống giống để tránh thiệt hại chứ không nên chờ đến tháng 3, rơi vào thế bị động, mới tiến hành những hành động “khẩn trương” như đầu năm 2016 vừa qua.

Tình hình lũ năm nay đến thời điểm này nếu không còn mưa thêm phía thượng nguồn thì có vẻ đã đạt đỉnh từ đầu tháng 10 với mực nước cao hơn đỉnh lũ năm ngoái khoảng 30 cm. Điều này có nghĩa là hạn - mặn sau Tết năm nay vẫn sẽ có, nhưng đỡ hơn hồi đầu năm nay.

Ngay từ bây giờ, các vùng ven biển cũng nên tích cực trữ nước ngọt cho sinh hoạt bằng các ao hồ, kênh mương, và các phương tiện trong gia đình để dùng trong khoảng tháng 3, tháng 4 tới và tránh xuống giống trong trường hợp khô hạn xảy ra vào mùa khô.

Thật ra đối với người dân ven biển, chuyện mùa khô bị mặn là chuyện “đến hẹn lại lên”, không lạ. Nhưng năm ngoái là năm cực đoan dữ dội lần đầu tiên, nên “khó đỡ”, đặc biệt là ở những nơi bị mặn lần đầu.

Cho dù khí hậu cực đoan, lũ thấp thì ĐBSCL vẫn không phải là sa mạc đến nỗi phải sang học Israel tưới nhỏ giọt vì lượng mưa tại chỗ ở ĐBSCL trung bình từ 1.400-2.000 mi li mét, chiếm 11% lượng nước trên toàn lưu vực.

Vậy ta chỉ nên ghi nhận rằng thời tiết khí hậu đang diễn biến bất thường, chứ khoan vội khẳng định đồng bằng sẽ hết nước hay lũ sẽ vĩnh viễn không về.

Bài đăng tại:
http://mobile.thesaigontimes.vn/tinbaichitiet/152555/

Không có nhận xét nào: