Thứ Sáu, 28 tháng 1, 2011

Giữ đất


(TBKTSG) - “Ba ngày Tết tôi với bả về trong Ô Môn cúng ông bà, ăn Tết với ba đứa con, chòi ruộng này thuê người giữ. Ngày thường cũng vậy, chỉ có giỗ chạp hay lâu lâu sum họp gia đình tôi mới bỏ ruộng về chợ”. Ông Ba Gon nói tiếp: “Làm nông dân mà bị mất đất là coi như tiêu luôn”.


Dựa lưng vào vách lá căn nhà nhỏ bên bờ ruộng, nheo mắt nhìn lướt qua cánh đồng lúa đông xuân cuối năm xanh mơn mởn, ông Ba Gon nói: “Nhưng giữ đất là giữ cái gốc để làm nông nghiệp chớ chỉ làm lúa thì không sống nổi”. Bà Ba vừa ngồi đan lưới vừa xem ti vi, cười ran đồng tình. Bà đan lưới để chắn gà vịt không cho xuống ruộng phá lúa; bầy gà vịt cả trăm con được bà bao trong những ô lưới quanh nhà. Ông bà tính gộp lãi ròng năm 2010 từ hơn một héc ta đất ruộng ở đây: 25 triệu đồng làm lúa + 10 triệu đồng nuôi gà, vịt, cá + 50 triệu đồng làm dịch vụ nông nghiệp.

Ông giải thích: “Nhưng lúa tôi làm là lúa giống nguyên chủng bán cho Viện Lúa đồng bằng sông Cửu Long giá 8.000 đồng một ký chớ hổng phải lúa ăn bình thường. Còn làm dịch vụ thì tôi làm đủ thứ quanh năm cho bà con nông dân xã Tân Thạnh như bơm nước, cày đất, suốt lúa... bằng máy hợp đồng thuê của viện lúa”. Nhìn ông, chỉ thấy bộ ria là mới chứ còn áo sơ mi trắng thì đã trổ màu đất ruộng từ lâu. Ông lại chỉ tay ra cánh đồng trước mặt: “Hổng bám trụ như vậy thì chắc tôi đã bán luôn miếng ruộng này rồi”.

Tết này bước vào tuổi 60, ông Cao Văn Gon làm ruộng từ năm 1975, vậy là tròn 36 năm làm nông dân ở đất Ô Môn, Cần Thơ. “Trải bao thăng trầm mà mình vẫn vượt qua được, cũng thấy tự hào”, ông nói nhỏ nhẹ. Lúc đầu ông nghĩ làm ruộng có thể đủ nuôi ba đứa con ăn học, nhưng rồi tới năm 1987 ông bắt đầu bán đất. Tới giờ, khi ba người con học xong đại học thì ông đã bán gần hết một héc ta ruộng ở Long Hưng, giữ lại ba công vườn và một căn nhà cho con lập nghiệp. Tuổi già nhưng vẫn mê ruộng đồng nên sau khi con cái nên người ông kéo bà vô xã Tân Thạnh, giữ lại miếng ruộng cuối cùng này do cha ông để lại và làm nông theo kiểu như ông nói là phải “có nghề”.

Ông Ba Gon học xong lớp 12 trước năm 1975, biết tiếng Anh và có nhiều năm lăn lộn với hợp tác xã nông nghiệp kiểu cũ thời bao cấp nên ông hiểu ruộng đồng cần gì, nông dân cần gì. Lại được tiếp xúc thường xuyên với các nhà khoa học ở Viện Lúa đồng bằng sông Cửu Long, được áp dụng kỹ thuật canh tác mới và mê thông tin thị trường, nên ông đã biết cách gắn ruộng đồng với dịch vụ nông nghiệp. “Tới vụ, tôi làm quyết liệt, đêm bơm nước thuê, ngày đi suốt lúa khắp nơi”, ông nói tiếp: “Tỷ như vụ đông xuân sau Tết này, tôi sẽ mở thêm dịch vụ kéo lúa bằng xe cải tiến từ ruộng lên bờ. Một héc ta kiếm được 80.000 đồng, ngày làm 5 héc ta, mỗi vụ lúa làm một tháng, một năm hai vụ, kiếm được cả chục triệu. Tôi giữ đất như vậy đó”.

Với chuyện áp dụng kỹ thuật nông nghiệp, ông Ba Gon nói gọn lỏn: “Tôi tiếp thu nhanh, sẵn sàng chỉ lại cho bà con”. Có một thứ mà ông cho là mình đam mê, đó là thông tin kinh tế. “Tôi đọc báo, nghe đài, xem ti vi kỹ lắm. Thông tin nào liên quan tới thị trường trong nước và thế giới là tôi không bỏ sót”, ông kể. Khi nhắc tới chi phí canh tác, ông không xài chữ “thuốc trừ sâu” một cách dễ dãi như cách bà con nông dân quen xài khi kể chi phí “phân bón, thuốc trừ sâu...” mà dùng cụm từ “thuốc bảo vệ thực vật” như nhiều nhà khoa học hay nói.

Nhờ chuyên trồng lúa giống nguyên chủng giá cao và tính toán giỏi nên ông Ba Gon làm lúa luôn được lợi hơn nông dân khác. Nhưng vì mọi thứ, từ vật tư nông nghiệp đến hàng tiêu dùng ở nông thôn đều đang tăng giá, nên ông vẫn cho là “hai vợ chồng tôi làm chỉ đủ sống”. Ông nhận xét: “Mấy năm trước nông dân hơi nhẹ thở, năm nay mệt lắm, đời sống rất khó khăn”. Ông so sánh: “Tôi làm một năm hai vụ đông xuân và hè thu, lời 15 triệu đồng một héc ta trong khi nông dân nơi khác làm ba vụ chỉ lời khoảng 5 triệu đồng một héc ta, mà đa phần bà con chỉ dựa vào cây lúa, thì làm sao đủ sống?”. Rồi ông đề xuất: “Muốn nông dân không bán đất thì trước tiên Nhà nước phải có kế hoạch bình ổn giá cho dân, nhất là giá lúa, và phải tính toán ngay từ đầu vụ. Chớ như vụ đông xuân năm rồi nông dân chỉ bán được giá 2.700-2.800 đồng một ký lúa thì chỉ có chết”.

Vẫn trăn trở với chuyện giữ đất ruộng, ông Ba Gon nói: “Bà con nông dân bây giờ đã tiếp cận được thông tin kỹ thuật nông nghiệp, làm lúa năng suất gấp đôi trước kia. Nhưng về tài chính thì eo hẹp lắm. Vô vụ thì phải vay ngân hàng hoặc vay nóng bên ngoài, thu hoạch xong thì phải bán lúa trả nợ chớ không thể giữ lúa để chờ giá được. Cứ quanh quẩn như vậy hoài. Nhà ai có hai con cho đi học là đuối sức liền”. Rồi ông thổ lộ: “Tôi đang ấp ủ một dự án làm ăn ở nông thôn. Đó là một kiểu hợp tác mới, một kiểu hùn vốn của những người tâm huyết, gắn được đồng ruộng với thị trường, nông dân có cổ phần. Có thể hình dung nó như một loại công ty cổ phần nông nghiệp vậy”.


Mời đọc thêm tại TheSaigontimes Online:


Thứ Ba, 25 tháng 1, 2011

Chuyện cuối năm...

Cuối năm 2010, nhà văn Nguyễn Ngọc Tư lại lặng lẽ ngồi vào bàn viết báo Tết và làm thơ sau những sự kiện tưng bừng của phim Cánh đồng bất tận xảy ra trong năm...



Nhiều tờ báo đặt chị viết bài. Nhận lời với ai, chị vẫn lặng lẽ với từng con chữ. Như chị nói "Tôi viết trong nỗi im lặng" khi cho ra đời truyện Cánh đồng bất tận năm nào. Hồi đó, tháng 8-2005, báo Văn nghệ thuộc Hội Nhà văn Việt Nam đã đăng liền bốn kỳ truyện này. Rồi sau đó in sách đọc rồi sách nói, rồi thành kịch, thành phim. Sách thì đã được tái bản 24 lần với hơn 100.000 bản, đã được Giải thưởng Hội Nhà văn Việt Nam và Giải thưởng Văn học ASEAN. Phim thì doanh thu gần 10 tỉ đồng sau hơn ba tuần chiếu ở một số rạp tại vài thành phố lớn. Cơn sốt phim chưa lắng xuống, nhà xuất bản Trẻ lại cho ra đời tập truyện thứ 14 của chị, Khói trời lặng lẽ, mà chỉ sau một tuần phát hành, sách đã được tái bản. Lúc đó, Nguyễn Ngọc Tư lại ngồi xe đò về Sài Gòn dự ra mắt sách, giao lưu, trả lời phỏng vấn...

Thường thì người ta dễ «vui tưng bừng» trong những sự kiện ấy, nhưng với nhà văn Nguyễn Ngọc Tư, dường như chị ngại lắm. Chị nói: «Đi giao lưu thì ngại thật. Thấy người ta đông tôi kinh hãi lắm, nói chẳng ra ngô ra khoai, nhất là phải nói về những chuyện mà mình không quan tâm mấy, như thể chưa từng có trong đầu mình vậy». Trước nhiều lời chúc mừng phim Cánh đồng bất tận thành công là nhờ truyện phim hay, chị nói: «Cho tới bây giờ tôi vẫn thấy mình được chúc mừng nhầm, tôi không vơ lấy doanh thu rực rỡ của phim làm vinh dự của mình được. Từ khi đứa con tinh thần đó ra đời, người ta đã mặc cho nó một cái áo khác, sống với một tinh thần khác».

Cánh đồng bất tận kể chuyện nông thôn, nhưng cả sách, kịch và phim thì chưa được nhiều nông dân thưởng thức. Tôi băn khoăn hỏi chị về chuyện này thì chị nói rõ ràng: «Tôi không nghĩ viết về nông dân là để giới hạn cho người nông dân đọc. Cách nghĩ đó giống như tôi soi gương mỗi ngày và nhìn mặt mình hiện lên trên đó mỗi ngày. Người khác ngắm tôi, nhìn nhận tôi bằng cái nhìn của họ thì thú vị hơn chứ. Một vài cuốn sách mà để anh hiểu người nông dân hơn, để những giới khác quan tâm đến họ hơn, yêu thương họ hơn, với tôi đã là một tham vọng lớn rồi. Cho đến giờ phút này, sao tôi vẫn nghĩ, một cuốn sách với nông dân là xa xỉ».



«Một cuốn sách với nông dân là xa xỉ», chị không nói gì thêm, tôi thấy dường như có cái gì đó xót xa trong lời ấy. Nhưng mà nhân vật của chị trong Khói trời lộng lẫy giờ đây, chủ yếu vẫn là nông dân. Nông dân và nông thôn 5 năm trước trong Cánh đồng bất tận có khác nhiều so với nông dân và nông thôn 5 năm sau trong Khói trời lộng lẫy hay không? Đọc thì tôi thấy có khác, có những nỗi buồn trần thế hơn, có những nỗi đau thiên nhiên hơn. Còn nhà văn Nguyễn Ngọc Tư thì hỏi lại tôi: «Anh muốn hỏi thời gian tồn tại trong tác phẩm hay ngoài đời? Họ là nhân vật của tôi hay họ đang ở ngoài kia? Nếu là họ ngoài kia, thì dĩ nhiên có khác, nhưng chỉ 5 năm thôi, thì cái khác đó không dễ nhận biết đâu».

5 năm ở thời buổi này mà cái khác của nông thôn không dễ nhận biết thì cũng buồn. Dừng câu chuyện nông dân, hỏi chuyện viết blog, chuyện chị chỉ thu nhập từ nhuận bút để nuôi con thì làm sao cho đủ, nhà văn Nguyễn Ngọc Tư từ tốn nói: «Tôi không chơi blog, không chủ ý viết riêng cho nó cái gì. Chỉ là một nơi cất giữ những bài đã đăng báo, và lâu lâu khoe ảnh của con mình. Tôi cũng ít hỏi mình làm sao cho đủ, câu hỏi của tôi là "vầy đã đủ chưa ta?".

«Vầy đã đủ chưa ta?», nó giống như một lời mình tự dặn mình, trong cõi người ta. Và chị làm thơ. Cuối năm, thỉnh thoảng chị gởi bạn những bài thơ mới viết. Bạn xúi, gửi đăng báo Tết đi Tư. Thơ của chị cũng buồn như văn của chị. Trong bài Nuối tóc, có đoạn buồn này:


Rụng hồi Giêng,
Giêng thêm Giêng vẫn rụng
Tóc rời đi như những cuộc tình đi
những người đi
những mùa đi
Bén ngót trên tay tóc nhặt cuối ngày
Cứa xót vào vai từng từng sợi lẻ

Em nối làm dây đã đủ thả diều
Em bện làm mành đủ che thềm gió
Người vẫn còn đâu đó,
phía sau em…


Kể chuyện Nguyễn Ngọc Tư bây giờ, chợt nhớ chuyện giáo sư kinh tế Trần Hữu Dũng sống ở Mỹ, người đã lập hẳn một trang web về truyện của Nguyễn Ngọc Tư từ nhiều năm trước. Hồi đó, sau khi truyện Cánh đồng bất tận ra đời, ông về Cà Mau thăm Nguyễn Ngọc Tư rồi về viết một bài báo, có đoạn như vầy: "Đến Cà Mau, tôi mới thấy sự gắn kết của Nguyễn Ngọc Tư với con người, với đời sống, với đất nước quanh cô. Bối cảnh gia đình cho Nguyễn Ngọc Tư một cái nhìn mà tôi ít thấy ở ai khác. Đó là cái nhìn thật trưởng thành nhưng của một người rất trẻ. Đó là cái nhìn của kẻ đã sống qua máu lửa, chứng kiến lắm đau thương, nhưng với con mắt vô tư của một người sinh ra sau chiến tranh. Đó là cái nhìn của một người chân chất và trầm lặng, hãnh diện đã làm tròn nhiệm vụ đấu tranh cho đất nước, không chút nghi ngờ tương lai của dân tộc, nhưng chẳng có ảo tưởng nào về những mặt bất toàn của hiện tại".

Tết năm đó, nhà văn Nguyễn Ngọc Tư 29 tuổi…