Thứ Sáu, 27 tháng 5, 2016

Vì sao nông dân ĐBSCL vẫn nghèo?


Lê Anh Tuấn

Người nông dân ĐBSCL không hẳn đói kém nhưng chính sách thị trường hóa và xã hội hóa không đồng bộ, bất hợp lý và thiếu khoa học đã tạo ra sự bất bình đẳng khiến cái nghèo vẫn quanh quẩn cuộc sống của họ. Ảnh: Trung Chánh


(TBKTSG) - Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) là vùng đất đứng đầu về diện tích và sản lượng lương thực, cũng như xuất khẩu nông sản cho cả Việt Nam. Nhưng trớ trêu là vùng ĐBSCL vẫn là nơi có mật độ người nghèo đói cao của Việt Nam, đối tượng nghèo chiếm số đông trong xã hội là những người nông dân.

Có nhiều định nghĩa về cái nghèo: nghèo tính theo thu nhập, nghèo tính theo lượng lương thực hay calori tiêu thụ trên mỗi đầu người, nghèo căn cứ vào sự bất bình đẳng về xã hội... Ở đây, cần hiểu rằng cái nghèo không hẳn là cái đói. Nghèo cần hiểu theo nghĩa rộng, liên quan đến khả năng tiếp cận với các quyền được hưởng thụ và thỏa mãn nhu cầu vật chất và tinh thần cơ bản của con người mà xã hội thừa nhận.

Người nông dân ĐBSCL không hẳn đói kém nhưng chính sách thị trường hóa và xã hội hóa không đồng bộ, bất hợp lý và thiếu khoa học đã tạo ra sự bất bình đẳng khiến cái nghèo vẫn quanh quẩn cuộc sống của họ. Nguyên nhân gây nghèo rất đa dạng và phức tạp, có thể đến từ tất cả hoặc một phần các yếu tố sau:


Nghèo do chính sách bất cập


So với cư dân đô thị, người dân nông thôn phải chịu những cái bất bình đẳng trong chính sách kinh tế và xã hội. Người dân quê phải trả phí các dịch vụ xã hội như điện, xăng dầu, đường sá, trường học, y tế, văn hóa... cao hơn người thành thị nếu xét trên tỷ trọng so với thu nhập. Chi phí sản xuất gồm bơm nước, giống, phân bón, nông dược, công lao động, phí cầu đường, thuế các loại... ngày càng cao trong khi giá bán nông sản bấp bênh. Một bất cập lớn mà người nông dân chịu thiệt thòi là họ phải bảo đảm an ninh lương thực cho đất nước nhưng không quyết định được giá nông sản, phần lớn lợi nhuận rơi vào túi của các nhà buôn.

Đầu tư công tập trung cho vùng đô thị hơn nhiều lần cho vùng nông thôn khiến người nông dân và con em của họ không được hưởng nhiều cơ hội học tập, hưởng thụ văn hóa, chăm sóc y tế, tiến bộ khoa học và thuận lợi về thủ tục hành chính. Chính sách cung cấp dịch vụ như dạy nghề, giải quyết việc làm, tín dụng, bảo hiểm y tế, bảo hiểm xã hội... đến với người nông dân rất hạn chế. Nhiều vùng đất nông nghiệp bị quy hoạch thành nhà máy, cụm dân cư hay khu hành chính... khiến người nông dân bị thu hồi đất, dẫn đến tình trạng mâu thuẫn, khiếu kiện kéo dài làm kiệt quệ vốn liếng, sức lực và thời gian của người dân.


Nghèo do thiếu vốn, thiếu đất, thiếu tay nghề


Tình trạng thiếu vốn, thiếu đất và thiếu tay nghề là thiếu hụt lớn mang tính tự nhiên chung cho người nghèo. Người nông dân nghèo không đủ vốn cho đầu tư sản xuất và dự phòng tái sản xuất. Hệ thống tín dụng nông thôn hiện nay chưa hiệu quả khiến người nông dân phải mua giống, phân bón, thuốc trừ sâu theo kiểu mua chịu, trả góp hoặc trả cuối vụ với lãi suất cao.

Một yếu tố khác nữa liên quan đến cái nghèo là chất lượng dinh dưỡng trong đất ngày một giảm đi do liên tục thâm canh tăng vụ, đất đai bị ô nhiễm do phải sử dụng nhiều phân hóa học, nông dược. Nếu người nông dân chỉ biết độc canh trồng lúa, rau màu, nuôi cá thì không thể thoát nghèo. Họ thiếu tay nghề phụ, như sửa chữa cơ khí nông nghiệp, nghề mộc, nghề hồ, nghề thủ công, chế tác các phụ phẩm nông nghiệp như đan lát, hoặc chế biến nông sản để có một chuỗi giá trị cao hơn. Người nông dân rất ít sử dụng Internet và sách báo để có thông tin về nông sản và tiến bộ nông nghiệp.


Nghèo do thiên tai và phụ thuộc vào thiên nhiên


Sản xuất nông nghiệp và thủy sản ở ĐBSCL phụ thuộc lớn vào nguồn nước và các điều kiện khí hậu. Thiên tai cực đoan và hiện tượng nóng lên toàn cầu làm tình trạng biến đổi khí hậu và nước biển dâng có vẻ ngày càng rõ rệt với việc nhiệt độ tăng cao, phân bố mưa bất thường, gia tăng xâm nhập mặn và khô hạn. Các dự án thủy điện trên sông Mêkông, chuyển dòng chảy, mở rộng đất canh tác ở thượng nguồn là những nguy cơ cho người nông dân với tình trạng nghèo nước, nghèo phù sa và nghèo nguồn thủy sản.


Nghèo do một phần bản tính nông dân


Nông dân thực thụ vùng ĐBSCL là những người chịu khó và sáng tạo. Tuy nhiên, trong họ vẫn có những người an phận, chấp nhận sự bất cập của xã hội, tự nhiên. Một số có thói quen ăn nhậu, đua đòi, lười biếng, ít chịu tiết kiệm phòng xa lâu dài. Một số thanh niên nông thôn có muốn thoát ly quê nghèo, lên thành thị làm công cho những khu công nghiệp, nhưng tay nghề non yếu, tính kỷ luật công nghiệp kém và thói quen tuỳ tiện nên công việc của họ không ổn định.  Một số nông dân được một số tiền kha khá từ việc “bán” đất tại những dự án thì muốn sống an nhàn hoặc quay qua buôn bán, làm dịch vụ nhưng thiếu kinh nghiệm nên trong một thời gian ngắn, vốn hao hụt nhanh chóng và họ trở về tình trạng nghèo hơn. Ngoài ra, còn những yếu tố khác, như sự bất bình đẳng giới (tiền công cho nữ giới thấp hơn nam giới, kỳ thị giới...), bệnh tật không được chữa trị đúng mức nên sức khỏe giảm sút... là những điều kiện bất lợi đẩy tình trạng nghèo khó của nông dân thêm trầm trọng.


Xóa nghèo phải kiên trì liên tục


Vấn đề xóa đói giảm nghèo cho người nông dân vùng ĐBSCL không đơn giản, đòi hỏi chính quyền, nhà quản lý, tổ chức xã hội và nhà khoa học phối hợp thực hiện kiên trì, liên tục. Giải pháp giúp nông dân thoát nghèo cần đồng bộ và tổng hợp, bao gồm những điểm chính:

Thứ nhất, xem xét chủ trương chuyển đổi cơ cấu kinh tế vùng nông thôn, nên duy trì tỷ lệ phát triển nông - lâm - ngư nghiệp, giảm tỷ lệ đầu tư công nghiệp và xây dựng, và tăng hợp lý hoạt động dịch vụ. Hiện đại hóa nông nghiệp và nông thôn theo hướng tăng giá trị hàng hóa nông sản. Hoàn thiện Luật Đất đai theo hướng mở rộng quyền sử dụng hoặc tạo quyền tư hữu đất đai lâu dài và ổn định cho nông dân.

Thứ hai, đặt mục tiêu phát triển nông thôn và ưu đãi nông dân thành một chính sách lớn, đảm bảo người nông dân được quyền hưởng các dịch vụ lợi ích xã hội cho họ. Đầu tư nhân lực, phát triển hạ tầng giáo dục và y tế nông thôn; có chính sách ưu đãi cho trí thức về làm việc lâu dài ở vùng nông thôn. Hỗ trợ vốn cho các dự án xóa đói giảm nghèo, dạy nghề nông thôn và tạo điều kiện phát triển các nghề phụ ở nông thôn. Tạo điều kiện tốt hơn cho các nhà khoa học, các tổ chức xã hội trong và ngoài nước thúc đẩy các chương trình, dự án phát triển nông thôn nhằm tăng cường năng lực cho người nông dân và nâng cao chất lượng cuộc sống của họ.

Thứ ba, tạo điều kiện tốt cho người nông dân tiếp cận thông tin về thị trường nông sản, tiến bộ khoa học - kỹ thuật, pháp lý, bình đẳng giới, các kiến thức cơ bản về bảo vệ môi trường, phòng tránh thiên tai và ứng phó với biến đổi khí hậu. Duy trì môi trường sạch, đẹp và bền vững cho sinh thái vùng nông thôn; người dân nông thôn phải được cung cấp nước sạch, nguồn điện và các tiện nghi hạ tầng khác.

Bài đã đăng tại:
http://mobile.thesaigontimes.vn/tinbaichitiet/146890

Thứ Hai, 23 tháng 5, 2016

Mỹ dỡ bỏ lệnh cấm bán vũ khí sát thương cho Việt Nam


Thùy Dung


Lãnh đạo hai nước trong buổi hội đàm. Ảnh: Kỳ Anh

(TBKTSG Online) – Tại buổi họp báo diễn ra trưa ngày 23-5, Chủ tịch nước Trần Đại Quang hoan nghênh quyết định của Mỹ dỡ bỏ hoàn toàn lệnh cấm bán vũ khí sát thương cho Việt Nam.

Chủ tịch nước Trần Đại Quang cho hay, Việt Nam đánh giá cao quyết định này và đây là một bằng chứng cho thấy hai quốc gia đã bình thường hóa quan hệ hoàn toàn.

Tại buổi họp báo, Tổng thống Obama khẳng định Mỹ sẽ bãi bỏ hoàn toàn lệnh cấm bán vũ khí quân sự cho Việt Nam, vốn được áp đặt khoảng 50 năm qua, đồng thời nhấn mạnh rằng hành động này đã xóa đi "dấu tích dai dẳng của chiến tranh lạnh" và hai nước đã "phát triển được tới một mức độ tin cậy và hợp tác.

"Rõ ràng, hai nước hiện không nên duy trì lệnh cấm nào nữa", ông Obama nhấn mạnh và cho rằng Mỹ sẽ tạo điều kiện thuận lợi để Việt Nam mua vũ khí từ Mỹ.

Về những vấn đề khu vực và thế giới, Chủ tịch nước Trần Đại Quang và Tổng thống Mỹ Obama nhất trí tăng cường hợp tác tại các diễn đàn khu vực và quốc tế. Mỹ có thể hỗ trợ Việt Nam tổ chức hội nghị thượng đỉnh Diễn đàn Hợp tác Kinh tế châu Á - Thái Bình Dương (APEC) 17 cũng như trong nhiệm vụ giữ gìn hòa bình của Liên hiệp quốc.

Chủ tịch nước Trần Đại Quang cho hay: "Chúng tôi tin rằng quan hệ Việt - Mỹ phát triển thịnh vượng không chỉ mang lại lợi ích cho từng nước mà còn có lợi cho hòa bình, ổn định, hợp tác và phát triển ở châu Á - Thái Bình Dương, thế giới và quan hệ ASEAN - Mỹ".

Theo Chủ tịch nước Trần Đại Quang, trong hơn 20 năm bình thường hóa quan hệ kể từ năm 1995, hai nước đã đạt được nhiều thành tựu quan trọng trên nhiều lĩnh vực. Về ngoại giao, từ thù địch, hai nước đã trở thành bạn, đối tác, tăng cường hợp tác song phương và đa phương, chia sẻ ngày càng nhiều các mối quan tâm chung, đặc biệt là an ninh trong khu vực.

Về hợp tác kinh tế, kim ngạch thương mại hai chiều tăng 130 lần. Mỹ là nhà đầu tư nước ngoài lớn thứ 7 ở Việt Nam, và quan hệ hợp tác kinh tế hai nước còn có nhiều tiềm năng phát triển, đặc biệt là sau khi hai nước tham gia Hiệp định Đối tác Thương mại Xuyên Thái Bình Dương (TPP).

Tổng thống Obama cũng cho biết thêm Mỹ sẽ sớm trở thành nhà đầu tư lớn nhất. Thương mại song phương có tiềm năng phát triển, đặc biệt là khi TPP có hiệu lực.

Nói về tầm quan trọng của TPP đối với Việt Nam, Chủ tịch nước Trần Đại Quang cho hay TPP là một bước tiến mà Việt Nam tham gia để hội nhập với thế giới. Việt Nam đang cố gắng để thu hẹp những khác biệt dựa trên sự hiểu biết và tôn trọng lẫn nhau. Việt Nam tích cực chuẩn bị phê chuẩn TPP và cam kết sẽ thực hiện các điều khoản trong hiệp định.

Link:
http://mobile.thesaigontimes.vn/tinbaichitiet/146764