Thứ Năm, 15 tháng 2, 2018

NGÀY XUÂN

Huỳnh Kim

Đêm giao thừa thức cùng trời đất
Sáng đầu năm ngủ với chiêm bao
Tối mùng Một làm mưa bay lất phất
Về quê em ta lặng lẽ ngọt ngào

Em tươi thắm quần hồng áo đỏ
Với môi buồn mắt biếc nụ tầm xuân
Ta muốn hỏi một lời nho nhỏ
Ai tình nhân và ai tình quân

Ta muốn làm cơn mưa đêm xuân
Rơi khao khát ngàn hoa rớt hột
Trọn mùng Ba mùng Hai mùng Một
Cho em ngọt ngào tình quân

***

Tết Mậu Tuất 2018









Du lịch Cần Thơ dấn bước vào năm mới

Năm 2017, ngành du lịch thành phố Cần Thơ tăng trưởng mạnh. Năm 2018, làm gì để hoạt động này thành ngành kinh tế mũi nhọn của một thành phố trung tâm vùng ĐBSCL?

Huỳnh Kim

1.
Vào một sáng sớm cuối năm, nhiều đoàn khách nghỉ tại Vinpearl Cần Thơ Hotel lại chọn tour chợ nổi Cái Răng. Nhiều đoàn tàu du lịch, xuất phát từ bến Ninh Kiều, lại đưa du khách xa gần rẽ sóng nước Cần Thơ. Khách vào khám phá chợ nổi Cái Răng, rồi thích thì đi tiếp đến những nhà vườn quanh đó. Cảnh mua bán sinh động trên sông nước giữa giới thương hồ miền Tây với nhà vườn Cần Thơ cùng những nét sinh hoạt rặt Nam bộ của người dân Cái Răng, Ba Láng, Phong Điền... lại được lan truyền xa hơn. Bữa đó, khi nghe một du khách Nhật nói tour chợ nổi Cái Răng thật là ấn tượng, người hướng dẫn cho biết có khoảng 70% du khách đến Cần Thơ chọn những tour du lịch sinh thái như vậy.

Cũng vào thời điểm đó, Thành ủy Cần Thơ họp hội nghị Đảng bộ mở rộng, nhìn lại năm 2017 và nhìn tới năm 2018. Tại đây, Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao, Du lịch (VHTTDL) thành phố Cần Thơ, ông Trần Việt Phường, chính thức công bố số liệu du lịch Cần Thơ năm 2017. Du khách đến thành phố Cần Thơ ước đạt trên 7,5 triệu lượt, vượt 35% kế hoạch năm và tăng 41% so với cùng kỳ năm 2016. Trong đó, khách lưu trú ước đạt trên 1,9 triệu lượt, tăng 17% so với cùng kỳ, vượt 27% kế hoạch năm. Riêng khách quốc tế có trên 300.000 lượt, tăng 18% so với cùng kỳ và đạt 113% kế hoạch năm. Tổng doanh thu từ du lịch năm 2017 ước đạt 2.800 tỷ đồng, tăng 59% so với cùng kỳ, vượt 40% kế hoạch năm.

Đây là những con số tăng trưởng mạnh mà nguyên nhân hàng đầu, theo ông Trần Việt Phường, là nhờ Sở VHTTDL đã tích cực tham mưu cho UBND thành phố tổ chức triển khai Nghị quyết số 03-NQ/TU về phát triển du lịch Cần Thơ. Cụ thể: “Với cấp thành phố, đã công bố trên các cổng thông tin điện tử; phối hợp tuyên truyền trên báo đài và lồng ghép trong các cuộc hội nghị triển khai đến các ngành và toàn thể cán bộ, công chức, viên chức. Với cấp quận huyện, lồng ghép trong các cuộc tập huấn, bồi dưỡng nghiệp vụ cũng như các cuộc họp về du lịch.

Ông Phường cũng cho biết, ngoài 270 cơ sở lưu trú đang hoạt động (có 19 vườn du lịch và 20 điểm homestay), ngành du lịch đang mời gọi đầu tư 4 dự án du lịch lớn là Cồn Sơn, Vườn cò Bằng Lăng, Cù lao Tân Lộc và Khu du lịch sinh thái Phong Điền. Cũng theo ông Phường, về sản phẩm du lịch đặc thù, năm 2017, Cần Thơ xác định hai loại hình du lịch cần phát triển là du lịch sinh thái sông nước miệt vườn và du lịch MICE. Trong đó, mảng sinh thái sông nước miệt vườn tập trung ở quận Cái Răng và huyện Phong Điền với các tour như tham quan chợ nổi, vườn du lịch, thưởng thức các món ăn đồng quê đặc sản Nam bộ, câu cá giải trí, đờn ca tài tử, cây trái nhà vườn... Ngoài ra, du khách còn trải nghiệm dịch vụ lưu trú tại nhà dân (homestay), tìm hiểu đời sống văn hóa cộng đồng hoặc trải nghiệm du lịch cộng đồng với các di tích lịch sử - văn hóa như đình Bình Thủy, mộ Thủ khoa Bùi Hữu Nghĩa, chùa Nam Nhã... ở quận Bình Thủy.

Năm 2017, ngành du lịch Cần Thơ cũng đã đẩy mạnh công tác xúc tiến và quảng bá du lịch với nhiều địa phương trong và ngoài nước. Đã ký kết hợp tác, liên kết phát triển du lịch với Hải Phòng, Quảng Ninh, Hà Nội, TP Hồ Chí Minh, Bình Định, Lâm Đồng, Khánh Hòa, Phú Yên và 12 tỉnh, thành khu vực ĐBSCL. Với nước ngoài, đã ký ghi nhớ (MoU) với thành phố Nice (Pháp), Pilsen (Séc) và đề xuất ký kết hợp tác du lịch với Nhật Bản, Singapore, TP Sán Đầu (Trung Quốc), tỉnh Chachoengsao (Thái Lan), tỉnh Preah Sihanouk (Campuchia)

2.
Dấn bước vào năm 2018, một năm không có nhiều sự kiện lớn như năm 2017 (Tuần lễ APEC, Hội nghị Phát triển bền vững vùng ĐBBSL...), Giám đốc Sở VHTTDL Cần Thơ Trần Việt Phường, cho biết: “Chúng tôi sẽ tiếp tục phát huy những ưu điểm, những mặt làm được đồng thời khắc phục những hạn chế, khó khăn để tiếp tục phát triển ngành du lịch Cần Thơ”.

Để làm được điều này, ông Phường cũng đã kiến nghị với Hội đồng Nhân dân (HĐND) thành phố Cần Thơ ba việc lớn: Một là, tổ chức giám sát đối với các quận, huyện, sở, ngành thành phố về việc thực hiện Nghị quyết số 03/NQ-TU ngày 1-8-2016 của Thành ủy về phát triển du lịch và Nghị quyết số 29/NQ-HĐND ngày 27- 3-2015 của HĐND thành phố. Hai là, quan tâm bố trí vốn vay lãi suất thấp cho nông dân làm du lịch và kinh phí đào tạo nghề cho lao động nông thôn, góp phần đào tạo, bồi dưỡng kỹ năng nghề cho lao động nông thôn tham gia làm du lịch. Ba là, ban hành cơ chế chính sách hỗ trợ đầu tư cho phát triển du lịch và tăng nguồn kinh phí cho quảng bá xúc tiến du lịch.

Những lo toan này của ngành du lịch Cần Thơ không nằm ngoài bức tranh du lịch chung của ĐBSCL và cả nước. Còn nhớ, phát biểu tại Hội nghị “Thu hút đầu tư hạ tầng - nền tảng phát triển du lịch ĐBSCL” tổ chức tại Cần Thơ ngày 25-10-2017, ông Phạm Thế Triều, Phó chủ tịch Hiệp hội Du lịch ĐBSCL, đã nhấn mạnh rằng: “Tiềm năng phát triển du lịch ĐBSCL là rất lớn nhưng với sự thiếu hụt về cơ sở dịch vụ phục vụ vui chơi giải trí và cơ sở lưu trú hiện hữu, các loại hình dịch vụ này hiện nay ở ĐBSCL như mảnh đất hoang cần được khai phá để phát triển và làm giàu, rất mong các nhà đầu tư quan tâm”.

Trong 8 năm qua, du lịch ĐBSCL tăng trưởng hàng năm hơn 10% cả về lượng khách, lưu trú và doanh thu nhưng riêng khách lưu trú và doanh thu thì vẫn xếp thấp nhất cả nước do thiếu dịch vụ phục vụ theo nhu cầu và thị hiếu du khách. Riêng năm 2016, ĐBSCL đón 28 triệu lượt khách, trong đó có 2,5 triệu lượt khách quốc tế; 8,5 triệu lượt khách lưu trú (có 900.000 khách quốc tế), doanh thu 15.000 tỉ đồng.

Hội nghị này cũng cho biết, quy hoạch phát triển du lịch ĐBSCL đã được Chính phủ phê duyệt ngày 18-11-2016. Theo đó, năm 2020, ĐBSCL sẽ đón 34 triệu lượt khách, có 3,5 triệu lượt khách quốc tế, doanh thu 25.000 tỉ đồng; đến năm 2030 đón 52 triệu lượt khách, có 6,5 triệu khách quốc tế, doanh thu 111.000 tỉ đồng. Năm 2020, vùng này cần có 53.000 phòng khách sạn và đến năm 2030 cần có 100.000 phòng, trong đó có 30% đạt chuẩn 3-5 sao.

Thế nhưng, đến nay ĐBSCL mới chỉ có khoảng 60 khách sạn 3-5 sao với hơn 8.000 phòng, tập trung chủ yếu ở Phú Quốc và Cần Thơ. Các cơ sở lưu trú, khu vui chơi giải trí, những điểm dừng chân lớn, những trung tâm ẩm thực kết hợp giải trí tổng hợp và trung tâm mua sắm qui mô lớn thu hút du khách cũng đang thiếu. Đúng là du lịch ĐBSCL đang rất cần nhà đầu tư.

Lại nhớ chuyện tại buổi tọa đàm về du lịch Nhật Bản tổ chức ở khách sạn Vinpearl Cần Thơ hôm 2-11-2017. Ông Takahashi Ayumi, Trưởng đại diện Văn phòng Cơ quan Xúc tiến Du lịch Nhật Bản (JNTO) tại Việt Nam, cho biết chỉ sau 7 tháng mở văn phòng này tại TP Hồ Chí Minh, du khách Việt Nam thăm Nhật Bản đã tăng 30% so với cùng kỳ năm 2016, cao nhất từ trước đến nay với hơn 230.000 lượt khách.         

Cần Thơ đang xúc tiến hợp tác du lịch với Nhật Bản và nhiều nước khác. Trong ảnh: các đại biểu Cần Thơ và Nhật Bản tại buổi tọa đàm về du lịch
ngày 2-11-2017. Ảnh: H.Kim
Ông Takahashi Ayumi nói: “Chúng tôi được biết, Cần Thơ là thành phố lớn nhất ĐBSCL, là thị trường phát triển nhanh với nhiều ưu điểm hấp dẫn trong khu vực nên chúng tôi rất mong muốn sau tọa đàm này hai bên sẽ có thêm nhiều thông tin cụ thể để phát triển du lịch”. Với vùng ĐBSCL, ông Takahashi Ayumi cho biết mới có khoảng 10% du khách vùng này đi thăm Nhật vì họ “biết về Nhật còn mơ hồ” và “du khách Nhật thì chưa biết nhiều về Cần Thơ và ĐBSCL”.

Điều lạ với chúng tôi bữa đó, khi trả lời phỏng vấn báo giới, ông Takahashi Ayumi nói: “Tôi vừa đi tham quan chợ nổi Cái Răng ở Cần Thơ, tôi rất ấn tượng nhưng đây là tự mình biết để đi chứ lâu nay chưa biết vì việc quảng bá chợ nổi này ở Nhật còn rất mơ hồ. Cho nên nhiệm vụ của chúng tôi là phải quảng bá, xúc tiến du lịch thật cụ thể để giúp du khách hai bên biết được thông tin của nhau”.

Xin kể thêm chuyện Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đi thăm tỉnh Hà Giang hôm 27-11-2017. Sau khi tiếp xúc với nhiều hộ làm du lịch cộng đồng biết giúp du khách truy xuất nguồn gốc hàng nông sản qua Internet, Thủ tướng tin rằng Hà Giang có thể thu hút du khách quanh năm nếu làm tốt công tác truyền thông hình ảnh và bản sắc địa phương, phát triển các loại hình du lịch cộng đồng, đa dạng hóa sản phẩm, khôi phục và phát huy các giá trị lễ hội, văn hóa truyền thống.
         
Tiếp đó, Thủ tướng đề nghị Hà Giang cần góp phần cùng ngành du lịch cả nước trả lời đồng thời 5 câu hỏi: Làm sao để khách đến đông hơn? Làm sao để khách ở lại lâu hơn? Khánh tiêu nhiều tiền hơn? Làm sao để khách quay trở lại nhiều lần hơn? Và làm sao để khách kể về câu chuyện Hà Giang trong thời đại Internet và mạng xã hội có sức lan tỏa rất nhanh trên toàn cầu?

... Xin kết thúc câu chuyện này với ý kiến của ông Võ Thành Thống, Chủ tịch UBND thành phố Cần Thơ, gởi qua email khi biết chúng tôi viết bài báo này: “Năm 2018 và những năm tiếp theo, thành phố sẽ tiếp tục tập trung đầu tư phát triển đồng bộ và toàn diện ngành du lịch để trở thành ngành kinh tế mũi nhọn của thành phố theo tinh thần Nghị quyết số 03 ngày 1-8-2016 của Thành ủy. Công việc này gắn với việc nâng cao vị thế du lịch thành phố vào chuỗi giá trị sản phẩm liên vùng, liên ngành cùng phát triển theo hướng đặc sắc, hấp dẫn, an toàn, thuận tiện để thu hút ngày càng mạnh mẽ hơn du khách đến với Cần Thơ và vùng ĐBSCL”.


* Đã đăng Đặc san VHTTDL Cần Thơ Xuân 2018:






Một chuyến “vi hành” đặc biệt

Huỳnh Kim

Tối 18-12-2017, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã đi thăm “Hội quán nông dân” ở xã Tân Thuận Tây - TP. Cao Lãnh, nơi có mô hình kết nối nông dân với thị trường.
Tối hôm đó, sau khi kết thúc Diễn đàn về rau củ quả và logistics phục vụ nông nghiệp tại Đồng Tháp, anh Sáu Sen, tên thân mật của Bí thư Tỉnh ủy Lê Minh Hoan, rủ tôi cùng “vi hành” một chuyến đặc biệt. Lên xe rồi anh Sáu mới nói ảnh đưa đoàn của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đi thăm hội quán của bà con nông dân trước khi khai mạc Hội nghị Xúc tiến đầu tư tỉnh Đồng Tháp vào sáng hôm sau. Đoàn xe rời UBND tỉnh, len lách trên những con đường làng quanh co rợp bóng xoài dưới ánh đèn điện. Độ gần nửa tiếng sau, anh Sáu nói: “Tới rồi, bên kia sông cái là đất An Giang, còn đây thuộc xã Tân Thuận Tây của thành phố Cao Lãnh”.

Chúng tôi theo sau đoàn của Thủ tướng và mấy vị bộ trưởng, bước vào sân một ngôi nhà cổ. Đây là tụ điểm của hai hội quán có tên là Tân Quê và Thuận Tân. Khoảng sân rộng đã có hơn một trăm bà con nông dân thành viên của hai hội quán này bày sẵn xoài, nhãn, mận... chờ đón khách. Thủ tướng vui vẻ bắt tay, hỏi thăm bà con rồi dừng trước thúng xoài cát, cầm săm soi mấy trái xoài mập ú, trò chuyện rất vui về trái xoài với một chị chủ nhà vườn. Sau đó, Thủ tướng và đoàn ngồi nghe anh Sáu Sen, Bí thư tỉnh, anh Võ Văn Lợi, chủ nhiệm hội quán Thuận Tân và thầy Thích Thiện Xuân giới thiệu ngắn về câu chuyện làm ăn của các hội quán này. Ngay tối bữa đó, nhà báo Đức Tuân đã đưa tin trên Cổng thông tin điện tử Chính phủ về cuộc gặp này:

“Đây là mô hình đang làm thay đổi cách nghĩ, cách làm của người nông dân.Tỉnh Đồng Tháp là địa phương đầu tiên ở ĐBSCL thành lập mô hình hội quán, quy tụ nông dân bàn phương án sản xuất nông nghiệp gắn với nhu cầu thị trường tiêu thụ.Từ hội quán đầu tiên thành lập ở xã An Nhơn, huyện Châu Thành vào tháng 6-2016, đến nay toàn tỉnh có 27 hội quán với khoảng 1.000 thành viên tham gia…Hầu hết các hội quán tập hợp những nông dân cùng sản xuất chung một ngành nghề như lúa, xoài, chanh, cam, quýt, hoa kiểng, sản xuất khô, trồng khoai môn, nuôi lươn, làm bột… tham gia để sinh hoạt, chia sẻ kinh nghiệm, cách làm ăn giỏi. Các nhà khoa học, nhà chuyên môn về nông nghiệp đã đến trao đổi với nông dân về những kỹ thuật sản xuất mới, phương pháp giảm giá thành, tăng năng suất, chất lượng; liên kết với các doanh nghiệp bao tiêu sản phẩm cho nông dân.

Bí thư Tỉnh ủy Đồng Tháp Lê Minh Hoan cho biết, hội quán là không gian để bà con cùng nhau hợp tác, cùng nhau tiến xa như người ta hay nói “muốn đi xa thì phải cùng đi”. Lãnh đạo tỉnh, chuyên gia tư vấn, nhà khoa học cũng đến hội quán sinh hoạt với bà con. Các doanh nghiệp cũng đến đây để “cùng ngồi chung con thuyền vươn ra thế giới” với người nông dân.

Phát biểu trước hơn 100 hội viên của hai hội quán, Thủ tướng bày tỏ vui mừng được chứng kiến một hình thức sinh hoạt mới của người nông dân ĐBSCL. Hội quán giúp bà con bày tỏ tâm tư nguyện vọng, tình cảm, trao đổi thông tin, không chỉ về sản xuất, kỹ thuật mà cả về vấn đề an sinh xã hội, cả về hạ tầng, an ninh trật tự, qua đó tình làng nghĩa xóm gắn bó hơn.Đánh giá cao kết quả bước đầu của mô hình hội quán, là một hình thức tốt tập hợp nông dân, Thủ tướng kỳ vọng thời gian tới các hội quán sẽ đi vào hoạt động tốt hơn, tìm lời giải cho những vấn đề như “nâng cao chất lượng xoài, nhãn khu vực này thế nào, nâng cao năng suất ra sao” hay nếu có sản lượng lớn thì có thể đặt vấn đề chế biến tốt hơn hay chỉ xuất thô như thế này. “Tất cả những vấn đề này chúng ta thảo luận, đặt vấn đề có những quy trình canh tác, an toàn thực phẩm cho người tiêu dùng để của chúng ta giữ mãi thương hiệu xoài Cao Lãnh”, Thủ tướng nói.

Thủ tướng mong chính quyền địa phương tăng cường hỗ trợ bà con tốt nhất để phát triển sản xuất, nâng cao đời sống, giữ vững an ninh trật tự, phát triển thương hiệu nông sản. Từ đó, xây dựng cộng đồng dân cư vững mạnh, văn hóa.Chúc mô hình hội quán của Đồng Tháp thành công hơn nữa, Thủ tướng đề nghị địa phương nghiên cứu mô hình hợp tác xã kiểu mới để hỗ trợ cho bà con tốt hơn, chứ hợp tác xã kiểu mới không phải là ép vào, đánh trống ghi tên mà xuất phát từ quyền lợi, sự tự nguyện của bà con”.

Sáng hôm sau, 19-12-2017, trong phát biểu chỉ đạo Hội nghị Xúc tiến đầu tư tỉnh Đồng Tháp, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã nhắc tới câu chuyện hội quán này. Thủ tướng kể với gần 500 đại biểu trong và ngoài nước dự hội nghị: “Hôm qua tôi đã cùng lãnh đạo các bộ đến thăm hỏi, nói chuyện với các thành viên hội quán ở thành phố Cao Lãnh và được biết, thông qua mô hình này, bà con cùng chia sẻ, cùng bàn chuyện làm ăn, cùng học tập những công nghệ, kỹ thuật, kiến thức mới, với tình cảm hàng xóm láng giềng thương yêu giúp đỡ nhau”. Rồi ông đặt vấn đề: “Vậy chúng ta rút ra bài học gì trong phát triển?” và tự trả lời: “Từ khóa “liên kết” đã trở thành tâm điểm của những thành tích, thành công của Đồng Tháp”.

Chắc rằng bà con nông dân ở hai hội quán này cũng như hết thảy bà con nông dân Đồng Tháp đồng tình với nhận định trên của Thủ tướng khi nghe ông phân tích tiếp như vầy: “Cụ thể, tỉnh đã liên kết sản xuất và thị trường với trọng điểm là sản xuất để phục vụ nhu cầu trong nước và xuất khẩu. Từ đó, Đồng Tháp có sản lượng lúa xếp thứ 3 cả nước, nhiều loại trái cây, rau quả nổi tiếng, một số sản phẩm có thương hiệu. Đặc biệt là liên kết giữa vùng nguyên liệu, ứng dụng khoa học và người nông dân qua mô hình hội quán nông dân, đặt người nông dân ở vị trí trung tâm. Liên kết còn thể hiện qua chủ trương đồng hành cùng doanh nghiệp, bằng việc Đồng Tháp đã kiên trì thay đổi từ nhận thức đến hành động trong bộ máy công quyền, từ ứng xử theo kiểu xin - cho thành đồng hành với doanh nghiệp, có nhiều sáng tạo trong triển khai chương trình khởi nghiệp, tạo điều kiện hỗ trợ phát triển sản phẩm đặc thù của địa phương. Vì thế, trong nhiều năm liền, Đồng Tháp luôn trong tốp đầu về chỉ số PCI. Đồng Tháp cũng là địa phương khởi xướng, cùng với Long An, Tiền Giang, xây dựng triển khai đề án liên kết phát triển tiểu vùng Đồng Tháp Mười. Đặc biệt, Đồng Tháp khởi xướng liên kết qua dịch vụ logistic và hạ tầng giao thông. Cùng các liên kết khác, tinh thần cùng thắng, tinh thần Đồng Tháp “muốn đi xa hãy cùng đi” đang tổ chức thực hiện hết sức nghiêm túc ở nơi đây”.

Tiếp đó, Thủ tướng đã “chốt lại” câu chuyện liên kết này ở dạng khái quát hơn, gợi mở hướng làm ăn mới cho Đồng Tháp nhưng cũng bắt đầu từ những điều cụ thể mà nay ta gọi là “tài nguyên bản địa”. Thủ tướng nói: “Đồng Tháp cần liên kết tài nguyên bản địa với công nghệ và kiến thức rộng khắp của toàn cầu. Thương hiệu của Đồng Tháp từ tự nhiên, con người, lịch sử đang tạo ra sức hấp dẫn. Đồng Tháp cần nhân nó lên bằng sức mạnh tri thức và công nghệ 4.0 của thế giới. Sen của Đồng Tháp không chỉ là món ăn mà còn là một trải nghiệm với chiều dài về cảm xúc, văn hóa và những đặc trưng khác biệt. Hội quán nông dân của Đồng Tháp không phải chỉ là một mô hình liên kết nông dân mà cần phát triển thành chuỗi giao dịch hiện đại, nơi các công nghệ về thương mại điện tử, tương tác trực tuyến, giúp các ý tưởng, thương vụ thăng hoa. Đồng Tháp là nơi thích ứng để nói về ứng dụng các xu hướng công nghệ này”.

…Tối bữa đó, ngay sau chuyến “vi hành” đặc biệt về, tôi đã chuyển email gởi tặng anh Sáu Sen chùm ảnh đi thăm hội quán được chụp vội bằng điện thoại trong ánh đèn đêm bên bờ sông Tiền se lạnh với lời nhắn ấm áp: “Tối nay hay quá anh ơi!”.


* Bài đã đăng báo Đồng Tháp Xuân Mậu Tuất 2018.