Thứ Năm, 30 tháng 7, 2015

ĐBSCL: “Có cơ chế của Chính phủ mới liên kết được”



(TBKTSG Online) - Là người chấp bút và đeo đuổi thực hiện đề án liên kết vùng Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) từ tám năm nay, PGS.TS. Nguyễn Văn Sánh, Giám đốc Viện Nghiên cứu phát triển ĐBSCL - Đại học Cần Thơ, trao đổi với TBKTSG xoay quanh câu chuyện này trong bối cảnh quốc tế muốn hợp tác với Việt Nam.
PGS.TS. Nguyễn Văn Sánh, Giám đốc Viện Nghiên cứu phát triển ĐBSCL - Đại học Cần Thơ.
TBKTSG: Theo ông, đã có một quỹ phát triển ĐBSCL được quốc tế hứa hẹn tài trợ để 13 tỉnh, thành ĐBSCL thực hiện liên kết vùng?

- PGS.TS. Nguyễn Văn Sánh: Thật ra vấn đề “liên kết vùng” đã được đưa vào điều 52 Hiến pháp Việt Nam năm 2013; đồng thời dự thảo văn kiện Đại hội Đảng lần thứ XII cũng đã đề cập.

Đối với ĐBSCL, cơ hội mới là qua Diễn đàn ĐBSCL tổ chức tại TPHCM trong hai ngày 2 và 3-2-2015, vấn đề này được đặt ra với tầm nhìn tổng hợp và dài hạn, tập trung vào 5 thách thức lớn đối với phát triển bền vững vùng. Một, là vấn đề chứa lũ và ngăn lũ liên quan đến biến đổi khí hậu và quản lý tài nguyên nông nghiệp, quản lý và sử dụng nguồn nước. Hai, là hệ thống canh tác thích hợp theo từng tiểu vùng sinh thái nông nghiệp. Ba, là quản lý tổng hợp tài nguyên ven biển liên quan đến rừng ngập mặn và đê bao. Bốn, là hiện đại hóa thông tin và kiến thức ra quyết định. Năm, là thể chế và tài chính liên kết vùng trong việc sử dụng quỹ phát triển ĐBSCL.

Các đại biểu dự diễn đàn khẳng định rằng năm vấn đề này không thể được giải quyết bởi từng tỉnh riêng rẽ, mà phải qua liên kết vùng. Từ đó tập trung nguồn lực, đặc biệt về kỹ thuật và tài chính nhằm hỗ trợ ĐBSCL vượt thách thức để phát triển bền vững cả trong hiện tại và tương lai. Một quỹ phát triển ĐBSCL đã được đại diện của Ngân hàng Thế giới, Chương trình Phát triển Liên hiệp quốc UNDP, các chính phủ Đức, Úc, Hà Lan, Nhật Bản đặt ra tại diễn đàn này.

Cụ thể, nguồn quỹ cho ứng phó với biến đổi khí hậu là nguồn vốn phát triển chính thay thế cho nguồn ODA của Việt Nam trong tương lai. Ví dụ, Quỹ Khí hậu xanh dự kiến sẽ giải ngân 10 tỉ đô la Mỹ trong những năm tới. Một nửa nguồn quỹ này dành cho việc thích ứng với biến đổi khí hậu và ĐBSCL có đủ điều kiện tiếp cận nguồn vốn này nếu có cấu trúc thể chế liên kết đảm bảo cho việc đầu tư hiệu quả.

Đến nay, Chính phủ Việt Nam đã giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KHĐT) kết hợp với hai tổ chức GZ (Đức) và JICA (Nhật) nghiên cứu về thể chế liên quan tới liên kết vùng ĐBSCL để sử dụng quỹ hỗ trợ này cho ĐBSCL, kỳ vọng sẽ hoàn thành vào cuối năm nay.

TBKTSG: Nội dung này có khác với đề án liên kết vùng ĐBSCL mà Ban Chỉ đạo Tây Nam bộ cùng với Đại học Cần Thơ, Viện Lúa ĐBSCL và Viện Nghiên cứu cây ăn quả Miền Nam đề xuất từ tám năm trước hay không?

- Rất là “gặp nhau”, vì đề án của mình tập trung lo chuyện phát triển sản xuất và tiêu thụ bốn ngành hàng chủ lực của ĐBSCL là lúa gạo, tôm, cá tra, trái cây đồng thời nâng cao năng lực và sinh kế nông dân trong bối cảnh kinh tế hội nhập và ứng phó với biến đổi khí hậu của vùng. Đề án này đã được cập nhật cho giai đoạn 2016-2020 và đang được Chính phủ xem xét. Nếu đề án sớm được phê duyệt thì sẽ lồng ghép rất tốt cho kế hoạch điều phối liên kết vùng mà quỹ phát triển ĐBSCL đang xúc tiến.

TBKTSG: Vậy thì vì sao chuyện liên kết này vẫn chưa làm được bao nhiêu?

- Theo tôi, vì ba lý do. Thứ nhất là thiếu khung thể chế quản trị vùng. Dù Thủ tướng đã có quyết định thành lập một tổ chức lo điều phối phát triển vùng kinh tế trọng điểm này và quy chế phối hợp giữa các bộ ngành và các địa phương nhưng thực tế chưa phối hợp được bao nhiêu. Thứ hai, việc phân cấp và phân quyền giữa trung ương, vùng và địa phương liên quan tới ngân sách, đầu tư, trách nhiệm... còn rất riêng rẽ và thiếu giải pháp nối kết. Thứ ba, mỗi địa phương ở ĐBSCL vẫn đang phải tự tranh thủ nguồn đầu tư theo kiểu thành tích.

TBKTSG: Viện Nghiên cứu phát triển ĐBSCL nhìn nhận bức tranh kinh tế ĐBSCL hiện nay ra sao?

- Hiện nay, đại bộ phận nông dân vẫn còn nghèo, sản xuất thì nhỏ lẻ, thiếu kỹ thuật, thiếu vốn; chi phí đầu vào thì cao, giá đầu ra lại thấp. Với nông thôn thì việc nghiên cứu và ứng dụng khoa học rất hạn chế và cơ sở hạ tầng còn yếu kém. Thể chế và chính sách hỗ trợ cho nông nghiệp và nông dân thì vừa thiếu, vừa chồng chéo, kém hiệu quả. Còn giá cả thì bấp bênh, thời tiết lại cực đoan và chính sách kinh tế hội nhập cho nông nghiệp còn nhiều bất cập.

Trước thực trạng này, nếu ta biết liên kết vùng để sử dụng hiệu quả và hợp lý nguồn lực ở cả trong và ngoài nước theo năm vấn đề như diễn đàn ĐBSCL vào đầu năm nay đặt ra, chúng tôi tin rằng ĐBSCL sẽ phát triển bền vững.

TBKTSG: Vậy theo ông, cần phải làm gì trước hết?

- Theo tôi, cần thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp. Phải dự báo, phân tích và thông tin về thị trường, đặc biệt với bốn ngành hàng chủ lực của vùng là lúa gạo, tôm, cá tra, trái cây. Phải rà soát và thực hiện quy hoạch theo lợi thế địa phương, vùng trong bối cảnh kinh tế hội nhập, thích ứng với biến đổi khí hậu, giảm tác hại môi trường và quản lý tài nguyên thiên nhiên.

Hiện nay, có thuận lợi là quốc tế đang muốn hợp tác với ta để thực hiện liên kết phát triển bền vững ĐBSCL. Nhưng trước hết Chính phủ cần sớm ban hành khung thể chế, cơ chế, tổ chức và chính sách điều phối liên kết vùng. Nên làm thí điểm đề án liên kết vùng với bốn ngành hàng chủ lực nhằm tăng sinh kế nông dân như đã nói, để lồng ghép với quỹ phát triển ĐBSCL. Trên cơ sở đó, các địa phương, các viện, trường mới làm tiếp được, từ nội dung “liên kết bốn nhà” trong nông nghiệp cho tới việc hợp tác với quốc tế thực hiện các chương trình mà quỹ phát triển ĐBSCL đặt ra. Nói cách khác, có cơ chế của Chính phủ trước thì địa phương mới bắt tay liên kết được.

Bài đã đăng tại:
http://mobile.thesaigontimes.vn/tinbaichitiet/133631

Chủ Nhật, 26 tháng 7, 2015

Vingroup khai trương TTTM Vincom đầu tiên ở ĐBSCL

Trung Chánh


Toàn cảnh Trung tâm thương mại Vincom Hùng Vương nhìn từ bên ngoài.
Ảnh Huỳnh Kim.

(TBKTSG Online) - Tập đoàn Vingroup sáng nay 26-7, đã chính thức khai trương Trung tâm thương mại Vincom đầu tiên ở Đồng bằng sông Cửu Long với tên gọi Vincom Hùng Vương tại thành phố Cần Thơ. Trung tâm này được quản lý bởi công ty Vincom Retail, một thành viên của Vingroup.

Phát biểu tại lễ khai trương, ông Lê Khắc Hiệp, Phó chủ tịch Tập đoàn Vingroup, cho rằng việc khai trương Vincom Hùng Vương “là bước tiến quan trọng trong chiến lược mở hàng loạt các trung tâm thương mại mang thương hiệu Vincom trong năm 2015 tại hầu hết các thành phố lớn trên cả nước, góp phần khẳng định vị thế của Vincom Retail trong lĩnh vực kinh doanh trung tâm thương mại.”

Còn theo ông Đào Anh Dũng, Phó chủ tịch UBND Thành phố Cần Thơ, sự có mặt của Vincom Hùng Vương không chỉ là điểm nhấn cho phát triển đô thị, giúp người dân và du khách có thêm điểm đến tham quan, mua sắm, vui chơi giải trí… mà còn góp phấn vào chiến lược đô thị hóa và công nghiệp hóa theo đúng định hướng của địa phương.

Trung tâm thương mại Vincom Hùng Vương có tổng diện tích mặt sàn 18.000 mét vuông, bao gồm 5 tầng nổi và 1 tầng hầm, nằm tiếp giáp hai mặt đường Hùng Vương và Cách Mạng Tháng Tám.

Theo tập đoàn Vingroup, Trung tâm Vincom Hùng Vương buôn bán các mặt hàng đa dạng, từ các mặt hàng đáp ứng nhu cầu tiêu dùng hằng ngày của người nội trợ cho đến các sản phẩm thời trang, mỹ phẩm, điện máy, nội thất, văn phòng phẩm, ẩm thực…

Bên cạnh đó, Vincom Hùng Vương còn là nơi vui chơi, giải trí hấp dẫn với hệ thống phòng chiếu phim quốc tế CGV hay sân băng Vinpearlland Ice Ring - nơi giới trẻ có thể trải nghiệm các bộ môn nghệ thuật vốn chỉ có ở xứ lạnh như trượt băng, khúc côn cầu…

Trung tâm thương mại Vincom Hùng Vương là Trung tâm thương mại thứ 9 của tập đoàn Vingroup được đưa vào hoạt động trên cả nước. Công ty Vincom Retail là đơn vị sở hữu, vận hành chuỗi Trung tâm thương mại Vincom và Vincom Mega Mall.

Trong ba ngày đầu khai trương, từ 26 đến 28-7-2015, Vincom Hùng Vương áp dụng chương trình khuyến mãi tặng phiếu quà tặng với trị giá 200.000 đồng cho mỗi hóa đơn mua sắm trị giá 2.000.000 đồng cùng nhiều chương trình khuyến mãi khác.

Bài đã đăng tại:
http://mobile.thesaigontimes.vn/tinbaichitiet/133507