Thứ Sáu, 19 tháng 2, 2016

Chủ tịch Cần Thơ: giải quyết thắc mắc của DN hàng tháng

Ông Võ Thành Thống, Chủ tịch UBND TP Cần Thơ, phát biểu tại hội nghị ở Cần Thơ ngày 18-2-2016.


(TBKTSG Online) - Tân Chủ tịch UBND thành phố Cần Thơ Võ Thành Thống tại một hội nghị sáng nay đã yêu cầu thủ trưởng các đơn vị trực thuộc UBND thành phố Cần Thơ phải xếp lịch tiếp doanh nghiệp; riêng ông sẽ giải quyết các nhu cầu của doanh nghiệp hàng tháng.

Cuối hội nghị “Đánh giá môi trường thu hút đầu tư trên địa bàn thành phố Cần Thơ” tổ chức sáng nay, 18-2, tại Cần Thơ, ông Võ Thành Thống nêu “nhiệm vụ số 1” mà các đơn vị trực thuộc UBND thành phố Cần Thơ phải thực hiện là: “Tăng cường hỗ trợ nhà đầu tư, tạo điều kiện thuận lợi cho các dự án sớm triển khai và hoạt động sản xuất kinh doanh, tăng vốn thực hiện đầu tư và mở rộng sản xuất kinh doanh trên địa bàn”.

Để hỗ trợ việc này, ông Thống cho biết: “Hằng tháng, bắt đầu từ tháng 3-2016, chủ tịch thành phố Cần Thơ sẽ họp để giải quyết, tháo gỡ từng việc một; có thể chọn ngày 14 hoặc 16, vì ngày 15 chủ tịch thành phố tiếp dân”.

Về nội dung họp, ông Võ Thành Thống nói với TBKTSG Online: “(chuyện này sẽ) do Sở Kế hoạch và Đầu tư tổng hợp nhưng nếu doanh nghiệp yêu cầu gặp trực tiếp thì sẽ mời họp chung để giải quyết”.

Ông Thống yêu còn cầu Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư, Sở Tài nguyên - Môi trường, Sở Xây dựng, Chi cục trưởng Chi cục Thuế thành phố Cần Thơ và các cơ quan liên quan, “thứ Hai hàng tuần dành thời gian tiếp doanh nghiệp để tháo gỡ các vấn đề doanh nghiệp cần”. 

Tân Chủ tịch UBND thành phố Cần Thơ cũng yêu cầu các sở, ban ngành, các quận, huyện phối hợp với các cơ quan như hải quan, thuế… tham mưu cho UBND thành phố xây dựng chính sách ưu đãi đầu tư về thuế, đất đai, xuất nhập khẩu... đối với các ngành, lĩnh vực ưu tiên như công nghiệp chế biến, nông nghiệp, dịch vụ, công nghệ và đề xuất danh mục dự án của ngành và địa phương mình.

“Các công việc này phải hoàn tất và gửi về Sở Kế hoạch và Đầu tư trước ngày 5-3 tới để trình UBND thành phố”, ông Thống nói rõ thời hạn.

Trước đó, nhiều đại biểu đã đề nghị UBND thành phố Cần Thơ nên cử một phó chủ tịch ủy ban làm đầu mối giải quyết cho được những điểm nghẽn về thu hút đầu tư trên địa bàn thành phố Cần Thơ tồn tại nhiều năm qua.

Những điểm nghẽn này, như ông Võ Thành Thống đã “chốt lại” vào lúc 12 giờ trưa nay, gồm tám vấn đề: (1) Quy mô thu hút vốn đầu tư còn rất khiêm tốn so với nhu cầu phát triển, nhất là thu hút các dự án FDI chiếm tỷ lệ thấp cả về số lượng dự án và vốn đăng ký; (2) tỷ lệ lấp đầy tại các khu công nghiệp còn thấp; (3) nhiều lĩnh vực chưa thu hút được đầu tư, kể cả đầu tư trong nước như lĩnh vực nông nghiệp; (4) hạ tầng giao thông thành phố chưa đáp ứng kịp nhu cầu phát triển; (5) cạnh tranh thu hút đầu tư giữa các tỉnh thành trong khu vực ngày càng cao; (6) công tác xúc tiến đầu tư chưa đạt yêu cầu; (7) thành phố chưa có quỹ đất sạch để thu hút các nhà đầu tư, nhất là đầu tư nước ngoài, giá thuê đất cao; (8) chính sách ưu đãi chưa thật sự hấp dẫn nhà đầu tư, đặc biệt là các nhà đầu tư lớn, các tập đoàn kinh tế.


Đến cuối năm 2015, thành phố Cần Thơ có 388 dự án đầu tư còn hiệu lực, với tổng số vốn đầu tư 85.350 tỉ đồng, gồm 68 dự án đầu tư nước ngoài (FDI), vốn đầu tư 20.087 tỉ đồng (chiếm 24% tổng vốn đầu tư), tương đương 956,5 triệu đô la Mỹ; và 320 dự án đầu tư trong nước với tổng số vốn 65.263 tỉ đồng (chiếm 76% tổng vốn đầu tư), tương đương 3.133,8 triệu đô la Mỹ.

Cả thành phố hiện có 15.339 doanh nghiệp thuộc các loại hình với tổng số vốn đăng ký kinh doanh là 95.162 tỉ đồng đang hoạt động trên các lĩnh vực công nghiệp, thương mại, dịch vụ, xuất - nhập khẩu…Về nguồn vốn hỗ trợ phát triển chính thức (ODA), giai đoạn 2011 - 2015, đã thu hút tám dự án/chương trình với tổng mức đầu tư trên 3.000 tỉ đồng; đã giải ngân các dự án khoảng 2.186 tỉ đồng (trong đó có 939 tỉ đồng vốn đối ứng); nhận từ nguồn viện trợ phi chính phủ (NGO) cho 65 dự án/chương trình với tổng kinh phí phê duyệt 153,3 tỉ đồng.

Cần Thơ có tám khu công nghiệp với tổng diện tích 2.267 ha, đã cho thuê  567,2 ha (gần 40% diện tích).

Đến nay, các khu chế xuất và công nghiệp có 220 dự án còn hiệu lực với tổng số vốn đăng ký xấp xỉ 2 tỉ đô la Mỹ, tổng số vốn đầu tư thực hiện đạt 894,5 triệu đô la Mỹ, chiếm 45,7% tổng vốn đầu tư đăng ký. Trong đó, có 198 dự án đầu tư trong nước (vốn đăng ký 1,74 tỷ USD, vốn thực hiện 711,1 triệu đô la Mỹ); 21 dự án FDI đang hoạt động (vốn đăng ký 198,4 triệu đô la Mỹ, vốn thực hiện 180,7 triệu đô la Mỹ); một dự án ODA đang hoạt động với số vốn đăng ký 21,1 triệu đô la Mỹ, vốn thực hiện  2,7 triệu đô la Mỹ; giải quyết việc làm và thu nhập cho hơn 31.716 lao động.

Về thương mại - dịch vụ và công nghiệp - xây dựng, Cần Thơ hiện có 321 dự án, tổng vốn đăng ký 67.618 tỉ đồng, tập trung trên các lĩnh vực du lịch sinh thái, nhà hàng khách sạn, siêu thị…

Khu vực xây dựng có 67 dự án, tổng vốn đăng ký 17.732 tỷ đồng tập trung trên các loại hình đầu tư khu dân cư, khu tái định cư và khu đô thị mới.

Nguồn: Sở Kế hoạch và Đầu tư thành phố Cần Thơ


Bài đã đăng tại: