TS. Dương Văn Ni (trái) trong chuyến khảo sát lũ lụt ở Đồng Tháp Mười tháng 9-2011. Ảnh: Lạc Long |
(TBKTSG) - Trong hai ngày 25 và 26-9-2015, một hội thảo giới thiệu đề án thành lập Bảo tàng Lịch sử tự nhiên Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) được Viện Nghiên cứu động vật hoang dã Patuxent và Bảo tàng Lịch sử tự nhiên Smithsonians tổ chức tại Washington DC (Hoa Kỳ). Sau hội thảo, phía Hoa Kỳ sẽ cử một cơ quan làm đối tác chính thức với trường Đại học Cần Thơ, nơi soạn thảo và chủ trì thực hiện đề án bảo tàng này. TBKTSG đã phỏng vấn TS. DƯƠNG VĂN NI, Phó trưởng ban thường trực đề án Bảo tàng Lịch sử tự nhiên ĐBSCL.
TBKTSG: Vì sao Bảo tàng Lịch sử tự nhiên ĐBSCL lại nằm trong hệ thống bảo tàng lịch sử tự nhiên của cả lưu vực sông Mêkông và dự kiến sẽ đặt tại Cần Thơ?
- TS. DƯƠNG VĂN NI: Sông Mêkông bắt nguồn từ Tây Tạng và chảy trên chiều dài gần 4.800 ki lô mét qua các quốc gia Trung Quốc, Myanmar, Lào, Thái Lan, Campuchia, Việt Nam.
Hiện nay, lưu vực sông Mêkông đang chịu nhiều sự xáo trộn của các quốc gia mà nó chảy qua, như thâm canh và mở rộng đất nông nghiệp, xây dựng các khu công nghiệp, các khu dân cư tập trung, khai thác rừng quá mức, hay xây dựng nhiều đập thủy điện... Những tác động này ảnh hưởng nghiêm trọng đến hệ sinh thái tự nhiên dẫn đến suy giảm đa dạng sinh học. Nhiều loài sinh vật trên lưu vực sông Mêkông đã bị tuyệt chủng hay đang có nguy cơ bị tuyệt chủng. Thí dụ cá ông nược (cá heo nước ngọt), hiện chỉ còn khoảng 100 con ở vùng Stung Treng - Campuchia. Nếu ở đó họ xây hai đập thủy điện nữa thì nhóm cá heo này sẽ mất vĩnh viễn.
Vì vậy, xây dựng Bảo tàng Lịch sử tự nhiên Mêkông là công việc hết sức cần thiết cho các quốc gia trong lưu vực sông Mêkông. Bảo tàng Lịch sử tự nhiên Mêkông là một hệ thống gồm năm bảo tàng ở Myanmar, Lào, Thái Lan, Campuchia và Việt Nam. Bảo tàng Lịch sử tự nhiên ĐBSCL của Việt Nam dự kiến sẽ đặt tại thành phố Cần Thơ, do đây là trung tâm của ĐBSCL và là phần cuối nguồn của lưu vực sông Mêkông.
Bảo tàng Lịch sử tự nhiên ĐBSCL được xây dựng theo hướng bảo tàng lịch tự nhiên hiện đại sẽ đóng góp vào phát triển khoa học, tham quan du lịch, giáo dục cộng đồng và nâng cao kinh tế - xã hội của thành phố Cần Thơ và cả vùng ĐBSCL nói chung.
TBKTSG: Một bảo tàng lịch sử tự nhiên hiện đại khác với bảo tàng truyền thống ra sao?
- Thông thường, khi nói đến bảo tàng là mọi người thường liên tưởng đến những gì có liên quan đến quá khứ với những mẫu vật đã qua xử lý, không còn biến đổi. Tuy nhiên, một bảo tàng lịch sử tự nhiên hiện đại ngày nay thường tích hợp nhiều chủ đề và bao gồm nhiều lĩnh vực có liên quan đến tự nhiên, con người và cả quá trình phát triển.
Về tổng thể, có thể chia một bảo tàng hiện đại thành hai mảng lớn: mảng học thuật và mảng trưng bày. Mảng học thuật bao gồm các hạng mục như các tài liệu khoa học, các mẫu vật chuẩn, các sản phẩm như sách báo, phim ảnh...
Mảng trưng bày không chỉ là những thứ đã qua xử lý như sấy khô, ngâm hóa chất hay nhồi bông... mà còn là những bộ sưu tập sống, ví như bộ sưu tập các loài cá (còn gọi là thủy cung), bộ sưu tập các loài động vật (gọi là sở thú), bộ sưu tập thực vật (vườn thực vật). Không chỉ là những thứ đã xảy ra trong quá khứ mà nó bao gồm cả quá khứ, hiện tại và tương lai. Ví dụ với chủ đề nhà ở vùng ĐBSCL, thì không chỉ có các mô hình nhà ở trong quá khứ hay hiện tại mà còn có thể là những mô hình nhà ở trong tương lai nhằm thích nghi với chuyện lũ lụt, bão tố...
Vì văn hóa là sự giao thoa và tương tác lâu đời giữa các yếu tố tự nhiên và con người, do đó các bảo tàng chuyên đề về văn hóa cũng thường được bố trí trong quần thể bảo tàng lịch sử tự nhiên, để tăng tính giáo dục.
Ví dụ, nếu chúng ta muốn xây dựng Bảo tàng Văn hóa ẩm thực ĐBSCL, thì nhất thiết phải có phần chế biến thức ăn từ cá, như làm các loại mắm chẳng hạn. Nhưng để người xem có thể hiểu sâu sắc vấn đề này thì trước tiên họ phải hiểu môi trường tự nhiên của ĐBSCL, hiểu sự sáng tạo của cha ông trong cách đánh bắt cá, rồi mới hiểu sự sáng tạo của người dân trong chế biến ra nhiều món ăn về cá.
Như vậy, mảng trưng bày chỉ có thể thực hiện được khi nào mảng nghiên cứu đã được thực hiện hoàn chỉnh.
TBKTSG: Phạm vi thực hiện đề án này ra sao?
- Về mặt địa lý thì đề án này ưu tiên thực hiện trên địa bàn 13 tỉnh, thành thuộc ĐBSCL của Việt Nam. Tuy nhiên, về mặt sinh thái, thì ĐBSCL là một phần của lưu vực sông Mêkông. Riêng phần đồng bằng thì bao gồm toàn bộ vùng đồng bằng ngập nước theo mùa của sông Mêkông, trong đó khoảng 20% diện tích nằm trên lãnh thổ Campuchia. Vì vậy mà các thông tin thu thập có thể được mở rộng ra cho toàn bộ lưu vực và đồng bằng này, tùy theo mức độ chuyên sâu.
Việc thu thập thông tin, tài liệu sẽ bao gồm tất cả các lãnh vực có liên quan đến ĐBSCL, trong đó ưu tiên là các tài liệu đã được công bố có liên quan nhiều đến tự nhiên. Chúng tôi cũng quan tâm thu thập các thông tin liên quan đến sự sáng tạo và thích nghi của người dân đối với môi trường và cuộc sống hàng ngày như nông cụ sản xuất và chế biến lúa gạo, ngư cụ đánh bắt và chế biến cá tôm, những vật dụng sinh hoạt hàng ngày... Việc thu thập mẫu vật để lưu trữ (specimens) thì bước đầu tập trung cho đa dạng sinh học.
TBKTSG: Còn về nguồn lực chuyên môn để thực hiện đề án này?
- Mảng học thuật (mẫu vật, ngân hàng tài liệu và các sản phẩm học thuật) sẽ do trường Đại học Cần Thơ làm đầu mối hợp tác nghiên cứu với các viện, trường trong và ngoài nước thực hiện. Hơn 10 năm qua, trường Đại học Cần Thơ đã liên kết nghiên cứu và đào tạo với hơn 20 trường đại học trong lưu vực sông Mêkông. Vì vậy mà nguồn nhân lực để thực hiện công tác nghiên cứu đã được chuẩn bị đầy đủ.
Hiện nay có rất nhiều giáo sư của Mỹ, Úc, Nhật, Hà Lan... sẵn sàng tham gia hỗ trợ công tác thẩm định chuyên môn cho chúng ta xây dựng bảo tàng này.
TBKTSG: Được biết, đề án đang gặp khó trong việc tìm quỹ đất và nguồn kinh phí. Theo ông, có thể giải quyết việc này như thế nào?
- Phần trưng bày mẫu vật sống (thủy cung, sở thú, vườn thực vật) cần có quỹ đất, vốn xây dựng hạ tầng ban đầu và chi phí quản lý rất tốn kém. Mà đây lại là phần hấp dẫn lớn nhất đối với mọi người, và cũng là nơi có hiệu quả giáo dục và truyền đạt kiến thức cao nhất nếu mọi thứ được chuẩn bị nghiêm túc dựa vào kết quả nghiên cứu khoa học. Nhiều quốc gia đã quy hoạch quần thể bảo tàng tại những trung tâm thành phố lớn, vừa làm điểm nhấn cho thành phố và có cơ hội quảng bá kiến thức cho nhiều người.
Thực tế là nhiều bảo tàng trên thế giới được xây dựng từ nguồn đóng góp của xã hội, cả ở trong và ngoài nước.
Người Việt Nam chúng ta có văn hóa “ăn trái nhớ kẻ trồng cây, uống nước nhớ người đào giếng”. Vì vậy dù hiện nay chúng ta chưa giàu, việc tìm quỹ đất trong các thành phố đông đúc rất khó khăn, nhưng tôi tin là các cấp lãnh đạo và người dân sẽ rất ủng hộ cho việc xây dựng một bảo tàng lịch sử tự nhiên của ĐBSCL. Được như vậy thì tất cả lịch sử tự nhiên phong phú của ĐBSCL và trí tuệ sáng tạo của người dân trong toàn xã hội từ thời mở mang bờ cõi cho đến ngày nay sẽ được cô đọng lại trong một không gian vài chục héc ta. Đây sẽ là điểm thu hút mọi người đến tham quan học tập và vui chơi giải trí có ý nghĩa quan trọng đặc biệt ở ĐBSCL.
Bài đã đăng tại:
http://mobile.thesaigontimes.vn/tinbaichitiet/135791