Thứ Ba, 15 tháng 9, 2015

Cần Thơ: Dịch vụ sẽ là chủ đạo trong cơ cấu kinh tế


(TBKTSG Online) - Trả lời TBKTSG Online tại buổi họp báo chiều nay (14-9) về Đại hội Đảng bộ thành phố Cần Thơ lần thứ XIII sắp tới, ông Trần Quốc Trung, Phó Bí thư Thành ủy thành phố Cần Thơ, cho biết giải pháp phát triển kinh tế - xã hội hàng đầu của Cần Thơ 5 năm tới là phải nâng cao được chất lượng tăng trưởng kinh tế, gắn với chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng dịch vụ - công nghiệp – nông nghiệp công nghệ cao.


Vincom Hùng Vương của Vingroup khai trương ngày 21-7 vừa qua tại Cần Thơ.
Ông Trần Quốc Trung giải thích lí do đưa dịch vụ lên hàng đầu vì “hai nhiệm kỳ trước, Cần Thơ làm theo hướng công nghiệp – dịch vụ - nông nghiệp nhưng thực tế thu hút công nghiệp rất khó vì kết cấu hạ tầng, dịch vụ đi kèm… chưa đáp ứng được đầu tư lớn”.

Trong khi đó, thực tế làm được đến nay trong cơ cấu kinh tế của Cần Thơ, tỷ trọng khu vực I (nông nghiệp-thủy sản) chiếm 6,75%, khu vực II (công nghiệp-xây dựng) chiếm 35%, còn lại là khu vực III (thương mại - dịch vụ). “Cho nên giai đoạn 2015-2020 đưa công nghiệp lên hàng đầu nữa thì sẽ không đạt được. Mà phải làm từ dịch vụ, thương mại để giai đoạn 2020-2025 có cơ sở đẩy công nghiệp lên”, ông Trung nói.

Để làm được điều này, ông Trung dẫn dự thảo văn kiện đại hội, 5 năm tới, Cần Thơ sẽ “đẩy mạnh tốc độ tăng trưởng và phát triển đa dạng khu vực thương mại – dịch vụ, nhất là dịch vụ tài chính, thương mại, du lịch và các dịch vụ có giá trị gia tăng cao; khai thác có hiệu quả các tiềm năng, lợi thế của thành phố như giao thông vận tải, khoa học công nghệ, thông tin truyền thông…”.

Ngoài ra, ông Trung cho biết Cần Thơ sẽ “đa dạng hóa các loại hình thị trường bán lẻ, khuyến khích đầu tư phát triển các trung tâm thương mại, siêu thị quy mô lớn, hiện đại tại các địa bàn trọng điểm có đông dân cư và các đô thị mới… tăng cường liên kết thương mại, dịch vụ với các tỉnh, thành trong vùng và cả nước”.

Về vấn đề “trung tâm ĐBSCL”, ông Trần Quốc Trung nói rằng đây là việc tiếp tục thực hiện Nghị quyết 45 của Bộ Chính trị đã xác định, đến năm 2020 Cần Thơ phải là thành phố trung tâm và là động lực phát triển của toàn vùng ĐBSCL. Theo ông Trung, đến nay, một số công trình, lĩnh vực về hạ tầng kinh tế xã hội như trường Đại học Cần Thơ, Viện Lúa ĐBSCL, cầu Cần Thơ, sân bay quốc tế Cần Thơ, bệnh viện Đa khoa Trung ương Cần Thơ, hệ thống ngân hàng, siêu thị, trung tâm thương mại… đang phát huy được vai trò trung tâm về giáo dục, y tế, giao thông vận tải, tài chính, thương mại… đối với ĐBSCL.

5 năm tới, nhiều công trình đang được đầu tư tiếp như cụm cảng Cần Thơ, kênh Quan Chánh Bố, Vườn ươm Công nghiệp công nghệ Hàn Quốc – Cần Thơ, các tuyến lộ liên vùng ĐBSCL kết nối với TPHCM, với các vùng kinh tế trọng điểm khác và với khu vực ASEAN… sẽ tiếp tục góp phần thúc đẩy kinh tế ĐBSCL phát triển.


Một số chỉ tiêu phát triển giai đoạn 2015-2020 của thành phố Cần Thơ
- Tốc độ tăng trưởng tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) bình quân 7,5%-8%/năm. Trong đó, khu vực I tăng bình quân 1,2%; khu vực II tăng bình quân 7,9%; khu vực III tăng bình quân 8,2%.
-Tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP – giá hiện hành) bình quân đầu người đạt 96,9 triệu đồng (hiện nay là 78,46 triệu đồng).
-Cơ cấu kinh tế đến năm 2020: tỷ trọng khu vực I chiếm 7,31%; khu vực II chiếm 32,36%; khu vực III chiếm 60,33% trong cơ cấu GRDP.
- Tổng kim ngạch xuất khẩu hàng hóa và dịch vụ đạt 11 tỉ đô la Mỹ; tổng kim ngạch nhập khẩu đạt 3,8 tỉ đô la Mỹ vào năm 2020.
- Tổng vốn đầu tư trên địa bàn đạt từ 280.000-300.000 tỉ đồng; tỷ lệ vốn đầu tư phát triển so với tổng sản phẩm (GRDP) đạt từ 54-58%.
- Tổng thu ngân sách nhà nước tăng bình quân 11%; tổng chi ngân sách tăng bình quân 14%...



Bài đã đăng tại:
http://mobile.thesaigontimes.vn/tinbaichitiet/135702

Không có nhận xét nào: