(TBKTSG Online) - ĐBSCL sẽ phải xây dựng lại quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế xã hội vùng ĐBSCL tầm nhìn đến năm 2030 để giải quyết các điểm nghẽn trong phát triển.
Quang cảnh hội thảo “Phát triển kinh tế - xã hội vùng kinh tế trọng điểm vùng Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) giai đoạn 2016-2020, định hướng đến năm 2030” tổ chức tại Cần Thơ sáng 21-8-2015. |
Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng nêu ý kiến trên tại hội thảo “Phát triển kinh tế - xã hội vùng kinh tế trọng điểm vùng Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) giai đoạn 2016-2020, định hướng đến năm 2030” được tổ chức tại Cần Thơ sáng nay, 21-8.
Lý do theo ông Dũng là phải xử lý các điểm nghẽn đang tồn tại để đưa ra chiến lược tổng thể phù hợp hơn cho sự phát triển trong các năm sau.
Điểm nghẽn đầu tiên theo ông Dũng chính là việc không có sự liên kết giữa các tỉnh trong ĐBSCL: “Sẽ là sai lầm lớn nếu từng địa phương phát triển riêng lẻ, không gắn kết với nhau vì nó sẽ tác động rất lớn trong tương lai dài hạn. Thí dụ như do yếu kém về hạ tầng giao thông liên vùng, nên 70% hàng hóa ĐBSCL vẫn phải qua TPHCM, làm tăng chi phí vận tải.”, ông Dũng nói.
Ông Dũng còn cho biết: “ĐBSCL đóng góp gần 16% GDP cả nước, thứ 3 sau vùng Đông Nam bộ và Đồng bằng sông Hồng song tỷ lệ đầu tư phát triển từ ngân sách nhà nước chỉ chiếm 10% tổng chi đầu tư cả nước, thấp nhất trong các vùng, thể hiện việc tái đầu tư cho ĐBSCL chưa được quan tâm đúng mức”.
Về nguồn nhân lực, theo ông Dũng, tỷ lệ lao động được đào tạo ở ĐBSCL là 45,72%, thấp hơn mức trung bình của cả nước là 54,52% trong khi lực lượng lao động rất dồi dào, hơn 10,1 triệu người, chiếm 20% tổng lao động đang làm việc.
Về thu hút đầu tư nước ngoài, theo ông Dũng, tới nay ĐBSCL mới có 1.013 dự án còn hiệu lực với vốn đăng ký trên 12 tỉ đô la Mỹ, chiếm khoảng 5% so với cả nước.
Để gỡ “điểm nghẽn phát triển tại ĐBSCL” về kết cấu hạ tầng giao thông, ông Dũng cho biết sẽ phải tập trung đầu tư hoàn thành nhiều dự án lớn như đường cao tốc Trung Lương – Mỹ Thuận – Cần Thơ, cầu Cao Lãnh, cầu Vàm Cống, kênh Chợ Gạo, kênh Quan Chánh Bố, cảng biển Hòn Khoai, cảng hành khách quốc tế Phú Quốc, cảng dịch vụ tổng hợp Mũi Đất Đỏ (Phú Quốc)…
Ngoài ra, ĐBSCL cần phát triển các tiểu vùng như tiểu vùng trung tâm (thành phố Cần Thơ), tiều vùng thượng nguồn (An Giang, Đồng Tháp, Kiên Giang), tiểu vùng cửa sông (Sóc Trăng, Trà Vinh, Bến Tre), tiểu vùng bán đảo Cà Mau (Cà Mau, Bạc Liêu và khu vực phía Nam tỉnh Kiên Giang).
Còn ông Lê Vĩnh Tân, Phó trưởng Ban Kinh tế Trung ương, cho rằng phải sớm có thể chế, cơ chế phù hợp để phát triển kinh tế toàn vùng ĐBSCL. “Phải phối hợp hành động, không làm ăn riêng lẻ nữa vì cơ chế xin – cho đã không còn hiệu quả”, ông Tân nhấn mạnh.
GS.TS Phan Thanh Bình, Giám đốc Đại học Quốc gia TPHCM, cũng cho rằng muốn phối hợp hiệu quả thì không thể kéo dài thực trạng “mỗi bộ ngành, địa phương đều có chương trình, quy hoạch riêng về ĐBSCL nhưng ráp lại thì không ra kết quả, thí dụ như vấn đề biến đổi khí hậu”.
Với lĩnh vực giáo dục đào tạo, ông đề nghị lấy trường đại học Cần Thơ làm hạt nhân gắn kết các viện, trường vì hiện nay tỉnh nào cũng muốn có trường đại học nhưng chất lượng không đáp ứng nhu cầu thực tiễn. Trong tổng thể phát triển ĐBSCL, GS.TS Phan Thanh Bình đề nghị: “Bộ Kế hoạch và Đầu tư phải thường trực điều phối, nếu không chúng ta mất sức mà không đạt được kết quả”.
Có mặt tại hội thảo, Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh cũng cho rằng “hạ tầng ĐBSCL chưa đáp ứng yêu cầu, sản xuất nhỏ lẻ, liên kết rời rạc, chất lượng sản phẩm và hiệu quả sản xuất thấp, nguồn lực yếu, biến đổi khí hậu tác động mạnh, cải cách hành chính chậm”. Do vậy mà đời sống của đa phần người nông dân trong vùng chưa được cải thiện tương xứng.
Kết luận hội thảo, Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh cho rằng: “Lợi thế của vùng ĐBSCL cần được phát huy nhằm mục tiêu cuối cùng là nâng cao từng bước đời sống người nông dân trong cả nước. Do vậy các tỉnh, thành trong vùng phải đưa những nội dung này vào nghị quyết của Đại hội Đảng bộ địa phương mình nhiệm kỳ tới”.
BIDV đầu tư mạnh vào ĐBSCL
Ông Trần Bắc Hà, Chủ tịch Hội đồng Quản trị Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV), nói tại hội thảo: “Trong giai đoạn 2016-2020, BIDV cam kết tăng tổng dư nợ tín dụng tại ĐBSCL từ 35.000 tỉ đồng hiện nay lên 115.000 tỉ đồng vào năm 2018 và 160.000 tỉ đồng vào năm 2020, chiếm 16,5% tổng dư nợ của toàn hệ thống các tổ chức tín dựng khu vực ĐBSCL.
Đối với các dự án trọng điểm của vùng, BIDV cam kết dành từ 10.000-15.000 tỉ đồng để triển khai dự án kênh Quan Chánh Bố và kênh Chợ Gạo; dành 12.000 – 15.000 tỉ đồng triển khai các dự án cơ sở hạ tầng, phát triển huyện đảo Phú Quốc”.
Trong khuôn khổ hội thảo, đại diện BIDV đã ký kết 5 hợp đồng tài trợ tín dụng cho vùng ĐBSCL giai đoạn đầu, trị giá 2.133 tỉ đồng, gồm: dự án kênh Quan Chánh Bố (cửa sông Hậu); dự án nâng cấp kênh Chợ Gạo (Tiền Giang); hợp đồng tín dụng với Công ty TNHH Bệnh viện Đa khoa Thanh Vũ Medic trong lĩnh vực y tế (Bạc Liêu); Hợp đồng tín dụng với Công ty TNHH Trung An trong lĩnh vực lương thực và cánh đồng mẫu lớn (Cần Thơ); hợp đồng tín dụng với ba công ty Nam Hải, Thanh Thế, Cổ Chiên trong lĩnh vực thủy sản (Cần Thơ).
Bài đã đăng tại: