Thứ Sáu, 20 tháng 2, 2009

Bơi thuyền kayak trên sông Hậu

Tour "Bơi thuyền kayak trên sông Hậu" của liên doanh khách sạn Việt - Pháp, Victoria Cần Thơ, lâu nay thu hút du khách Mỹ và Nhật. Gần đây, tour này bắt đầu có khách nội địa. Giá cả như nhau, mỗi người 25 đô-la Mỹ.




Hai giờ chiều, chúng tôi khởi hành từ bến tàu khách sạn Victoria thơ mộng bên bờ sông Hậu. Cô Diễm, nữ sinh Cần Thơ, cùng tôi bơi chung một chiếc kayak có hai chỗ ngồi. Năm bạn khác, một người bơi lẻ để lo chụp hình, còn lại bơi đôi. Anh Phạm Hữu Nghĩa, hướng dẫn viên du lịch và là người thiết kế tour này, chạy một chiếc vỏ lãi theo đoàn để dẫn đường và phòng ngừa bất trắc.

Kayak khởi thủy là loại xuồng độc mộc bọc da hải cẩu của người Eskimo, nay khách sạn Victoria Cần Thơ đặt một công ty ở miền Tây đóng toàn bằng composite. Thuyền nhẹ, không chìm, nhưng dễ lật nếu không giữ được thăng bằng.

Diễm ngồi phía trước, nói: "Em biết bơi chút đỉnh nhưng có áo phao thì không sợ". Biết vậy nhưng cũng hồi hộp vì nhìn ra ngoài, sông Hậu đang mênh mông sóng nước phù sa mùa lũ. Tôi nhủ thầm, cây dầm hai mái nhẹ tênh, nếu mình cố móc cho đều hai bên thì chắc là yên bụng.

Ra tới vàm sông Hậu, mọi người rẽ vào sông Cần Thơ, nhắm hướng xóm Chài. Giữa ngã ba sông lộng gió, lại có nhiều tàu đò lục tỉnh đi về bến Ninh Kiều nên sóng mạnh hơn. Có lúc từng con sóng cắt ngang làm nghiêng ngả chiếc kayak, nước tràn cả vào chỗ ngồi. Lúc này Diễm đã ngồi bệt hẳn xuống khoang thuyền, đưa hai bàn tay ra làm hai mái chèo giỡn sóng, chắc là để tìm cảm giác an toàn. Hôm sau, Diễm mới nói: "Lúc đó em sợ thuyền bị lật, nhưng tin là nó được thiết kế cân bằng, nên vẫn muốn phiêu lưu với nó".

Anh Nghĩa cho biết thêm : "Khách Mỹ chịu tour này vì họ thích cảm giác mạnh, lại được bồng bềnh ướt đẫm trên sóng nước Mêkông. Còn khách Nhật lại thích vật lộn với sông nước và cũng thích được bình yên nên bơi len lỏi vào những con rạch nhỏ".


Chiều dần buông, sợ nước ròng mau cạn, chúng tôi bỏ bớt đoạn vàm Hưng Phú - rạch Cái Ðôi, quày ra để kịp vượt sông Hậu vào cồn Ấu. Không dè ra tới giữa sông, nước đã giựt xuống lưng chừng những thân cây bần mọc kéo dài theo đuôi cồn Cái Khế. Tuy vậy, sông Hậu vẫn mênh mông và băng băng sóng gió. Trong khi hai chúng tôi bị gió đẩy trôi xa khỏi đoàn gần nửa cây số thì ở đây một chiếc kayak đã được kéo lên vỏ lãi, chiếc kia phải tách bớt một người lên vỏ lãi theo anh Nghĩa. Chiếc kayak của các bạn tôi đã bị lật ngay chỗ sông cạn nhưng lại đầy sóng gió này. Thế mà Diễm vẫn gan góc không chịu lên tàu lớn, tiếp tục cùng chiếc kayak mong manh ngược dòng sông cái quẹo vào cồn Ấu.

Hoàng hôn đã thắm một góc trời. Những rặng bần hai bên con rạch nhỏ dập dềnh phù sa đỏ trôi chầm chậm theo con nước ròng. Khua nhẹ mái dầm, thuyền kayak cũng lặng lẽ trôi. Quanh co len lách một hồi đã tới nhà vườn ông Hai. Ông bà Hai và cậu con trai út ra tận cầu bần đón khách, đưa ra sau vườn. Ông Hai hái một chùm mận chín tặng Diễm. Từ đó cho tới khi khu vườn xanh đổi thành màu của màn đêm cồn Ấu, là bất tận những câu chuyện quê mùa tình nghĩa giữa khách và chủ. Tôm lóng nướng lửa than, ếch nướng mọi, cháo gà, rượu trái cây... càng làm mọi người chếnh choáng trong tiếng đàn ghi-ta phím lõm của ông già Hai và những bài ca tài tử của chàng trai hàng xóm. Ông Hai nói: "Khách Tây ham cảnh này lắm, cứ đòi ở lại tới khuya".

Dùng dằng quá chén quá giờ, Diễm không thể ở lâu hơn, anh Nghĩa được cử đưa cô về trước rồi quay lại rước đoàn. Người đi kẻ ở coi vậy mà cũng lâm li trên bến rặng bần. Tới chừng con trăng mười bảy loang loáng một vùng trời nước Hậu Giang thì những người khách sau cùng cũng đành chia tay gia chủ, để làm một cuộc vượt sông trăng kỳ thú trên những chiếc kayak mỏng manh đặng quay trở về với phố thị Tây Ðô...■


____________________

Ảnh: Trương Công Khả

Thứ Hai, 16 tháng 2, 2009

Bềnh bồng sông nước miền Tây

Giao thương nào phải chỉ là chuyện đi ra ngoài bán buôn mà còn là rủ người ngoài vào buôn bán. Xin kể chuyện của Ben và Ánh, cặp vợ chồng Việt – Pháp với “ba chị em” du thuyền mang tên dòng sông Hậu và hai nhà hàng trên bến Ninh Kiều…

“Chị hai Bassac” - Ảnh: Benoit Berdu

- Công ty TNHH Xuyên Mê-kông – Trans Mékong – một cái tên rất Việt - Pháp và ý tưởng kinh doanh cũng rất miền Tây, đúng không?
Ben chìa danh thiếp, nói tiếng Việt giọng dí dỏm. Nguyệt Ánh liếc chồng:
- Lúc còn ở Hà Nội, Ben đã vẽ hình một chiếc du thuyền.
Ben tiếp lời vợ:
- Tới năm 1977 về Cần Thơ, mình đã mơ ước ngày nào đó được sống trên một chiếc du thuyền.
Bây giờ, hai vợ chồng đang thỏa ước mơ. Bên bến Ninh Kiều thơ mộng, họ mở hai nhà hàng mang tên Nam Bộ và Sao Mai với phong cách ẩm thực xen kiểu Nam bộ và kiểu Pháp. Nhà hàng Sao Mai nằm gọn trong chợ cổ Cần Thơ, một ngôi chợ do Pháp xây từ hơn 100 năm trước. Chỉ vài bước chân xuống bến tàu trước mặt là gặp “ba chị em” du thuyền mang tên Bassac, tên dòng sông Hậu ngày xưa. Đó là ba chiếc thuyền gỗ đen bóng, lâu lâu về đây neo đậu chờ đưa đón khách đi chơi qua nhiều tỉnh đồng bằng. Cách đó vài khu phố là văn phòng Công ty Xuyên Mê-kông. Vài bước vào con hẻm gần văn phòng trên đường Ngô Quyền, là tổ ấm của Ánh và Ben, với ba cô con gái nhỏ và ông bà ngoại.
- Vì sao anh chị đặt tên du thuyền là Bassac? - Tôi hỏi. Ben lại nói tiếng Việt làu làu:
- Nó mang cái hồn sông nước miền Tây Nam bộ. Nó cũng mang cái hồn của một chiếc thuyền chài miền Tây.
Không phải đi xa, Ben thuê xưởng đóng tàu Hiệp Lợi bên Xóm Chài đối diện bến Ninh Kiều đóng chiếc “thuyền chài” đầu tiên. Ben giải thích:
- Phòng nghỉ và mọi bài trí của thuyền đều bằng gỗ, cả những chiếc đèn lồng cũng được chạm khắc gỗ có hoa văn chữ Thọ và chữ Triện.
- Có vẻ ấm áp gia đình quá! - Tôi nói. Ben cười lúm cái đồng tiền:
- Nhưng nó phải biết “giao thương quốc tế”, tức là không làm cho du khách nước ngoài thấy quá xa lạ khi đi chơi với nó trên sông nước miền Tây.
Rồi anh lấy thí dụ, lắp ổ điện phải tiện tay khách, đường dây điện, bố trí máy, vô-lăng, hệ thống nước uống, nước lạnh, máy lạnh… phải tạo tiện nghi cho khách và phải an toàn, có cách âm, cách nhiệt, chống cháy.
Vợ chồng Ben tin là du khách nước ngài sẽ về với miền Tây ngày càng nhiều hơn, vì theo lời Ben: “Sông nước ở miền Tây thanh bình và đẹp mê hồn”. Công ty Xuyên Mê-kông đang hợp tác với nhiều hãng lữ hành để đưa du khách từ bến Ninh Kiều bềnh bồng sóng nước sông Hậu, sông Tiền, qua Trà Ôn, Cái Bè, lên Mỹ Tho, về Long Xuyên, Châu Đốc… và sẽ có ngày sang cả Campuchia. Tới tháng 2-2009, giá cả các tour này như nhau, 204 USD cho một người đi hai ngày, một đêm. Tất nhiên đi càng đông thì giá càng giảm. Nhưng cũng không đông lắm, chiếc Bassac “chị Hai” chỉ đón 12 du khách, “hai cô em gái” kia thì mỗi chiếc đón 24 khách.
Nhìn xa xa, “chị Hai Bassac” có dáng giống chiếc ghe bầu gốc Cần Đước của giới thương hồ miền Tây. Vợ chồng Ben đã “thổi cái hồn kinh doanh” vào thành chiếc du thuyền ba tầng, có sáu phòng ngủ đôi, phòng đọc sách, phòng xem phim, nhà hàng; có bếp nấu ăn riêng để mở những tour dạy nấu ăn kiểu Nam bộ mà hai nhà hàng trên bến Ninh Kiều lo phần “chủ xị”. Nguyệt Ánh giải thích về khoản này:
- Du thuyền lo phục vụ khách những món ăn đặc sản của miền Tây, nhất là các món cá và tôm nước ngọt.
Ben bổ sung:
- Khách cần sẽ có thêm thuyền kayak và xe đạp để ai thích thì bơi kayak trên kênh rạch hoặc lên bờ chạy xe đạp trong thôn xóm miền Tây.
Nói rồi, Ben sửa kính cận, nheo mắt “chốt lại” ý tưởng kinh doanh của mình:
- Muốn khám phá hết tính chân thực của đồng bằng sông Cửu Long, phải đi bằng tàu vì đặc sản của vùng này là giao thương sông nước.

₪₪₪₪₪₪₪₪

Ben là tên Việt. Ít ai ở Cần Thơ còn nhớ rõ tên thật của anh là Benoit Berdu. Cũng ít người biết ông Tây vui tính dễ thương này quê gốc Normandie, tận miền Tây Bắc nước Pháp, đã từng đến Paris học kỹ sư cơ điện. Mà thời sinh viên, anh lại khoái học tiếng Hoa, tiếng Nhật và khi đi làm thêm ở thư viện Diên Hồng của cộng đồng người Việt ở Paris thì lại mê tiếng Việt. Thế là năm 1992, tốt nghiệp đại học, anh khoác ba lô sang Hà Nội để “khám phá Việt Nam”.

Trên du thuyền Bassac - Ảnh: Benoit Berdu

Bây giờ, thỉnh thoảng dân Cần Thơ hay gặp Ben ghé ăn phở Minh ở đường Huê Viên, nơi có nhiều bóng cây hoàng hậu. Có vẻ mắc cỡ, Ben nói:
- Nó luôn gợi nhớ phố ăn uống Cấm Chỉ ở Hà Nội.
Nguyệt Ánh lại liếc chồng:
- Ở đó bọn em có nhiều kỷ niệm.
Rồi chị kể, hồi còn là sinh viên sư phạm ngoại ngữ ở Hà Nội, chị cùng một nhóm bạn, tối đi làm thêm tại quán Café Paris, hay gặp anh chàng “Tây mắt kiếng” làm việc cho tập đoàn xây dựng GEC Alsthom. Lạ là anh chàng này tối nào cũng ghé quán và cứ thích rủ Nguyệt Ánh đi ăn phở phố Cấm Chỉ.
- Sợ lắm, không dám đi một mình, phải rủ thêm đám bạn.
Nguyệt Ánh cười, còn Ben thì hài hước:
- Tán tỉnh một người nhưng phải rủ mười người đi ăn cháo cá Cấm Chỉ suốt hơn hai năm trời.
Và rồi vào mùa xuân năm 1996, họ làm đám cưới. Tới cuối năm 1997, anh hai chị “thiên di” vào Nam với “hai chú chim non bé bỏng”, Ngọc Sương 16 tháng tuổi và Thiên Nga mới hai tháng tuổi.
- Chỉ vì ước mơ được sống như phù sa sông nước miền Tây.
Ben lại ví von như vậy. Và anh đã làm tổng giám đốc liên doanh Total Gaz Cần Thơ bốn năm, sau đó thêm một năm làm giám đốc chi nhánh Groupama, một công ty chuyên về bảo hiểm nông nghiệp của Pháp tại Việt Nam lúc ấy. Ben nói:
- Tất cả sự khởi động đó là để thực hiện ước mơ làm du thuyền Bassac để được bềnh bồng trên sông nước miền Tây.
Nom hai vợ chồng Việt – Pháp này có vẻ ăn ý với nhau quá, tôi cố tìm một câu hỏi tế nhị để nghe họ chia sẻ. Cả hai đều nhẹ nhàng kể, họ đồng cảm với nhau trong những chuyện tưởng chừng khó hòa nhập hết mình bởi cội nguồn văn hóa khác nhau. Tỷ như chuyện chỉ một mình Ben là người Pháp sống chung với một gia đình Việt có lúc đông tới tám người. Ben nói:
- Ở bên Pháp không như vậy, nhưng ở đây Ben sống rất thoải mái vì tính Ben rất cởi mở, đó là cách sống hòa thuận.
Anh lại hài hước:
- Từ người nước ngoài, giờ mình đã trở thành người nước trong, gạo trắng mất rồi!
Tôi hiểu Ben chơi chữ, vì Cần Thơ nổi tiếng câu ca dao: “Cần Thơ gạo trắng nước trong. Ai đi tới đó lòng không muốn về”. Còn chị Ánh thì nói:
- Ánh thích sống thiệt tình. Mà đất miền Tây, đất Cần Thơ này dễ chịu lắm. Nó làm cho mình cảm thấy thanh bình trong cuộc sống.


___________________

TransMéKong
www.transmekong.com