(TBKTSG Online)- Các đại biểu là doanh nghiệp, nhà khoa học, nhà quản lý dự hội thảo “Thực phẩm công nghiệp và sự cần thiết của công nghệ chế biến cho ngành thủy sản Việt Nam” tổ chức tại Cần Thơ sáng nay (8-4), đã đồng thuận rằng, ngành cá ra Việt Nam muốn tiếp tục phát triển, ngoài sản phẩm phi-lê đông lạnh, phải đầu tư cho sản phẩm tinh chế để mở rộng cả thị trường xuất khẩu và nội địa.
Quang cảnh hội thảo về chế biến cá tra sáng ngày 8-4-2015 tại Cần Thơ. |
Ảnh trang báo SaigonTimes Daily |
Ông Nguyễn Việt Thắng, Chủ tịch Hiệp hội Cá tra Việt Nam (VPA – Vietnam Pangasius Association), cho biết công nghệ chế biến cá tra đã có nhưng các doanh nghiệp mới chỉ dừng lại ở chế biến thô, phi-lê đông lạnh - dòng sản phẩm mà cả thị trường xuất khẩu và trong nước đang giảm dần sức tiêu thụ so với sản phẩm tinh chế. “Tới đây, VPA sẽ giúp doanh nghiệp đầu tư mạnh cho công nghệ chế biến hiện đại, có thể chế biến được tất cả con cá tra kể cả đầu, da để có sản phẩm giá trị gia tăng cung cấp cho thị trường”, ông Thắng nhấn mạnh.
Theo ông Võ Hùng Dũng, Giám đốc Phòng Thương mại và công nghiệp Việt Nam (VCCI) chi nhánh Cần Thơ, cả nước hiện có hơn 300 điểm bán thực phẩm chế biến của Nhật Bản, đa phần từ nguồn cá nguyên liệu nhập, trong khi còn quá ít doanh nghiệp Việt Nam đầu tư vào đây.
Vừa đi khảo sát hai thị trường Mỹ và Trung Quốc về, ông Dũng cho biết cả hai thị trường lớn này đều ưa chuộng sản phẩm cá tra được tự họ tiếp tục chế biến đa dạng từ hàng phi-lê đông lạnh nhập của Việt Nam. Ông Dũng kể: “Cuối tháng ba rồi, tại một lễ hội ẩm thực của Trung Quốc, họ đã tổ chức thi nấu 60 món ăn từ con cá tra nhập của ta. Ông chủ tịch lễ hội này nói rằng, họ có thể chế biến được 600 món từ cá tra vì nó rất phù hợp với người tiêu dùng Trung Quốc”.
Ông Võ Hùng Dũng, người đồng thời là Phó chủ tịch kiêm Tổng thư ký VPA, cho biết chỉ trong hai tháng đầu năm nay, thị trường Trung Quốc đã nhập gần 19,2 triệu đôla Mỹ hàng cá tra đông lạnh Việt Nam, tăng 58% so với cùng kì năm ngoái. “Với nguồn cung lớn, phẩm chất cá tra của ta thích ứng với nhiều phân khúc thị trường”, ông Dũng dự báo.
“Cá tra Việt Nam hiếm khi được chào bán ở châu Âu với dạng khác hơn là miếng phi-lê cấp đông”, ông Rosenberger, phó Tổng giám đốc điều hành Công ty Nienstedt (Đức), nhà cung cấp công nghệ chế biến thực phẩm tiện dụng (convenience food), nhấn mạnh. Ông cho biết cá thanh (fish fingers) là thực phẩm tiện dụng được chế biến từ nguồn nguyên liệu Alaska Pollock nhập từ Mỹ, đang được tiêu thụ mạnh ở châu Âu, năm ngoái lên tới 100.000 tấn, riêng ở Đức là 60.000 tấn. Giá bán cá thanh tại Đức đang từ 50 xu đến 1,2 euro/100gram. Ngoài ra, vẫn theo ông Rosenberger, do biến động tỉ giá giữa euro và đôla Mỹ hiện nay làm cho giá nhập nguyên liệu Alaska Pollock cao nên giá thanh sản phẩm cá thanh châu Âu cũng tăng.
Dẫn số liệu, năm 2014, giá trị thủy hải sản Việt Nam xuất khẩu đạt 7,8 tỉ đô la Mỹ, trong đó cá tra chiếm 22,6%, ông Rosenberger nói: “Nếu Việt Nam thay đổi được ngành chế biến cá tra theo hướng tinh chế thì chắc chắn giá trị này sẽ tăng cao”.
Đã từng dự Hội chợ Vietfish 2014 và vừa đi khảo sát hai ngày trước hội thảo này tại một số doanh nghiệp chế biến xuất khẩu cá tra ở ĐBSCL, ông Rogenberger nhận xét: “Nguyên liệu cá tra của Việt Nam đang có cơ hội rất lớn với thị trường châu Âu vì sản phẩm chỉ mới cấp đông sơ, một lần (trong khi ở Trung Quốc là từ 2-3 lần) và vì biến động tỉ giá hiện nay. Ngoài ra, tuy công nghệ của các doanh nghiệp khá tốt nhưng mới dừng ở chế biến thô nên đa số doanh nghiệp muốn đổi mới công nghệ theo hướng tăng chất lượng và giá trị mà người tiêu dùng đang cần”.
Trao đổi với TBKTSG Online, ông Đào Anh Dũng, Phó chủ tịch UBND TP Cần Thơ, nói: “TP Cần Thơ có hơn 50 doanh nghiệp chế biến xuất khẩu cá tra nhưng tình hình chung giống như ông Rogenberger nhận xét. UBND TP Cần Thơ ủng hộ tối đa các doanh nghiệp cải tiến công nghệ theo hướng này”.
Tất nhiên đổi mới công nghệ chế biến phải đi đôi với hàng loạt nội dung khác từ con giống, thức ăn, qui trình, chất lượng, nguồn gốc nuôi, bao bì, mẫu mã, thương hiệu theo chuẩn quốc tế và theo tinh thần Nghị định 36 của Chính phủ cho tới vốn sản xuất, kinh doanh – đều là những vấn đề mà từ người nuôi tới doanh nghiệp, nhà quản lý, nhà khoa học đang lo tháo gỡ.
Theo Hiệp hội Cá tra Việt Nam, năm 2014, Việt Nam đã xuất khẩu cá tra đến 151 quốc gia và vùng lãnh thổ; đạt hơn 1,76 tỉ đô la Mỹ, tăng 0,4% so với cùng kỳ năm 2013. EU đứng đầu (19,5%), kế đến là Mỹ (19%) và đều giảm so với năm 2013. Các thị trường khác ổn định. Diện tích nuôi 3.516 hecta, sản lượng hơn 1,47 triệu tấn, giá cá nguyên liệu khoảng 25.000 đồng/kg.
Hai tháng đầu năm 2015, xuất khẩu được hơn 224,8 triệu đô la Mỹ, giảm 18,2% so với cùng kỳ năm 2014. Trong đó, Mỹ chiếm 21,7%, EU 17,8%, Mexico 9,8% (tăng 31,3%), ASEAN 8,7%, Trung Quốc 8,5% (tăng 58%), Colombia 5,6% (tăng 1,5%), Arập Xeut 3,1 %, Canada 2,5% (tăng 22,5%), các thị trường khác 22,3% (giảm 18,2%). Giá cá nguyen liệu hiện còn khoảng 23.000 đồng/kg.
* Bài đã đăng tại TBKTSG Online 8-4-2015:
http://mobile.thesaigontimes.vn/tinbaichitiet/128791/