Thứ Bảy, 7 tháng 1, 2017

Trông... hợp tác xã nông nghiệp Nhật Bản



Võ Tòng Xuân

Dâu tây sạch trồng trong nhà màng ở Nhật.Ảnh: VTX



(TBKTSG) - Đầu tháng 11-2016 vừa qua, Saigon Co-op đã tổ chức chuyến tham quan học hỏi kinh nghiệm thực tế về việc tổ chức mô hình hợp tác xã nông nghiệp (HTXNN) rất thành công của Nhật Bản.

Hệ thống HTXNN Nhật Bản

Chúng tôi tham quan HTXNN của tỉnh Saga và tỉnh Karatsu.
Tại Saga, sau khi gặp ông Chủ tịch Hiệp hội các HTXNN của tỉnh, chúng tôi thăm nhà hàng phục vụ thịt bò nổi tiếng của Saga do một HTXNN nuôi bò cung cấp, và HTXNN Shirota-nishi sản xuất lúa bên cạnh nhà máy chế biến gạo Tenshino Uta cũng của HTXNN này đầu tư.

Tại tỉnh Karatsu, chúng tôi tham quan HTXNN Karatsu với hai nhóm chuyên sản xuất cây ăn trái: một nhóm sản xuất và chế biến quýt, nhóm kia sản xuất và đóng hộp dâu tươi. Nhóm nào cũng có nhà máy chế biến bên cạnh. Một nông dân chuyên sản xuất rau cao cấp cho các nhà hàng của vùng Kyushu đã tiếp đoàn, giải thích cụ thể hoạt động của ông ta. Vào ngày cuối của đoàn, chúng tôi gặp được TS. Kenji Cho, chuyên ngành kinh tế nông nghiệp, chuyên gia nghiên cứu về HTXNN của Nhật Bản, để tìm hiểu sâu thêm về hệ thống HTXNN của Nhật.

Nông dân Nhật Bản ngày nay là những người khá giả không thua các tầng lớp khác trong xã hội. Mọi cá nhân và cơ quan trong vùng của HTXNN đều được mời tham gia HTXNN: xã viên chính thức (nông dân có đất, hoặc chủ các công ty, tổ chức liên quan trực tiếp đến nông nghiệp), và xã viên liên kết (cá nhân hoặc tổ chức không dính líu gì đến nông nghiệp nhưng cư trú trong vùng). Xã viên được tận dụng các dịch vụ của Tổng liên đoàn HTXNN tại địa phương, từ phương tiện hướng dẫn sản xuất, bảo hiểm nhân thọ, du lịch, tín dụng/ngân hàng, đến an sinh xã hội.

Hệ thống HTXNN Nhật Bản được tổ chức theo ba cấp: cấp xã-huyện có hợp tác xã (HTX) đơn mục tiêu (chỉ chuyên trồng lúa, hoặc nuôi heo, hoặc trồng nho...); cấp tỉnh có Liên hiệp HTX và HTX đa mục tiêu (vừa có lúa, có nuôi bò, trồng cam, quýt...); cấp trung ương có Tổng liên đoàn HTXNN. Tổ chức của mỗi HTXNN bao gồm: 1) đại hội xã viên bầu ra hội đồng quản trị; 2) ban điều hành; 3) ban kiểm tra; 4) nhân viên chuyên môn (kế toán, tài vụ, tín dụng); 5) các tổ sản xuất chuyên (cây, con...); 6) các nhà máy chế biến, đóng hộp, cơ sở dịch vụ; 7) đoàn thể an sinh xã hội.

Trong giai đoạn mới thành lập, từ  thập niên 1950-1970, HTXNN chưa tích lũy đủ vốn thì nhà nước trung ương, tỉnh, huyện tài trợ cho HTXNN hoạt động. Vốn tài trợ của nhà nước ba cấp gộp lại có thể đến 90% nhu cầu vốn để xây dựng cơ sở hạ tầng sản xuất. Ngày nay các HTXNN đều khá hơn rồi, tài trợ của nhà nước vẫn còn nhưng ít hơn, nông dân vay vốn để phát triển những hoạt động sản xuất theo công nghệ cao. Ví dụ, tại tổ sản xuất dâu của HTXNN Karatsu, một nhà máy phân loại trái dâu theo độ đậm màu đỏ, kích thước trái, độ cân đối của trái, dấu vết bất thường trên trái, cho đến khâu đóng hộp dâu tươi và dán nhãn hiệu của HTXNN Karatsu đã được HTXNN đầu tư.

Thành viên của những tổ sản xuất này được chuyên viên HTX hướng dẫn đúng theo quy trình do sở nông lâm của tỉnh phổ biến, từ khâu trồng, chăm sóc, bảo vệ thực vật đúng chuẩn an toàn vệ sinh thực phẩm, đến thu hoạch, đưa sản phẩm nguyên liệu sạch về nhà máy.

Trong HTXNN Saga còn có thêm hình thức công ty sản xuất cung ứng nguyên liệu cho HTX. Chúng tôi đến thăm một công ty như thế. 16 người gom đất lại thành cánh đồng lớn dưới sự điều hành của một người đứng đầu, sản xuất lúa cho HTX hoàn toàn bằng cơ giới (được HTXNN Saga cho vay vốn đầu tư).

Nông dân xã viên yên tâm sản xuất mà không lo đầu ra nữa vì đã có ban điều hành HTX lo liệu tất cả. Trong khi đó thì HTX luôn thực hiện đúng hợp đồng với khách hàng, là những siêu thị trong và ngoài tỉnh. Người tiêu dùng Nhật Bản không lo sợ phải ăn sản phẩm không an toàn. Môi trường đất, nước, và không khí được giữ trong lành vì nông dân làm theo đúng quy trình kỹ thuật.


Chợ đầu mối


Đoàn chúng tôi tham quan ba loại chợ mà nông dân xã viên HTXNN có thể tiêu thụ sản phẩm trồng trọt, chăn nuôi, hoặc chế biến của họ.

Loại chợ thứ nhất là siêu thị mini tại địa phương do nông dân lập ra. Những xã viên có sản xuất ngoài kế hoạch lớn của HTXNN có thể đem sản phẩm làm thêm đến đây gửi bán, trả tiền huê hồng cho siêu thị.

Loại chợ thứ hai là chợ bán lẻ cấp thành phố, điển hình là chợ Ito Sai Sai - một siêu thị trong thành phố Itoshima do HTXNN Itoshima đầu tư xây dựng và điều hành quản lý. HTXNN Itoshima có 1.500 hộ dân gồm phần lớn người già và phụ nữ. Đầu ra của những sản phẩm có khối lượng lớn là những siêu thị ở xa, còn những sản phẩm có khối lượng nhỏ do phụ nữ và người già sản xuất thì họ đem đến chợ này gửi bán. Mỗi xã viên tự định giá bán của mình, tiếp tục đem hàng đến bổ sung khi hàng của mình gần hết. Đến 6 giờ chiều họ phải chở về nhà những sản phẩm còn tồn chưa bán được. Họ phải trả huê hồng cho ban quản lý chợ tính từ lượng sản phẩm bán được.


Loại chợ thứ ba là chợ đầu mối lớn. Một HTXNN có thể ký hợp đồng bán khối lượng lớn sản phẩm thường xuyên, trực tiếp cho hệ thống siêu thị lớn, hoặc cũng có thể bán trực tiếp tại chợ đầu mối lớn của tỉnh hoặc của vùng. Chợ đầu mối Vegefru của Fukuoka là một chợ bán sỉ rau quả tươi, mới được khai trương tại thành phố đảo Fukuoka vào tháng 2-2016, thay thế ba cái chợ cũ trước đây. Chợ đầu mối mới này được xây dựng trên diện tích 150.000 mét vuông, là một trong những chợ đầu mối lớn nhất ở Nhật Bản, tiếp nhận rau củ quả tươi không chỉ từ Fukuoka mà còn từ cả vùng đảo Kyushu. Bên trong Vegefru có một khu kho cách nhiệt thật kín, tổng cộng gần 10.000 mét vuông, gồm 30 kho nhỏ giữ nhiệt ở 5 độ C để bảo quản tươi rau quả của khách hàng trong khi chờ đấu giá, và một khu trung gian gần 10.000 mét vuông duy trì ở nhiệt độ 15 độ C để cho các hoạt động trưng bày hàng mẫu và các sàn đấu giá. Tất cả rau, củ, quả đều được xếp rất gọn trong thùng giấy carton. Một anh đứng cạnh tôi nói hồi tháng 6 vừa qua, anh ta đấu giá - mua được xoài Việt Nam giá 1.200 yen/trái (12 đô la Mỹ/trái).

Trên tầng 2 của chợ có các phòng thí nghiệm kiểm tra nồng độ lưu tồn thuốc trừ sâu trên rau quả tươi trước và sau khi giao hàng. Còn có một hội trường đa dụng để tổ chức các sự kiện thường xuyên, như đấu giá thực phẩm và các lớp học nấu ăn. Các sản phẩm tươi sống của chợ Vegefru được bán đi khắp nước Nhật và Vegefru hướng đến trở thành một trung tâm rau quả tươi của châu Á, trong đó tập trung chủ yếu vào người tiêu dùng Hồng Kông và Đài Loan. Chợ này trở thành một điểm du lịch của Fukuoka. Ban lãnh đạo ở đây hàng ngày cộng tác với các công ty du lịch cho du khách như chúng tôi đến thăm.

Trông người mà ngẫm đến ta


Qua chuyến tham quan này, tôi thấy, HTXNN kiểu mới Nhật Bản là một công cụ xóa nghèo rất hiệu quả của Chính phủ Nhật Bản: tạo điều kiện cho nông dân nghèo trở thành tầng lớp giàu có ở nông thôn bằng biện pháp đồng bộ qua chính sách sáng suốt của nhà nước.

Luật HTXNN phù hợp từng thời kỳ phát triển kinh tế xã hội, đi kèm với Luật Nông nghiệp Nhật Bản. Từ luật này, hệ thống HTXNN được tổ chức từ trung ương đến cấp xã, được phân bổ ngân sách giúp nông dân qua việc bao cấp ở những mức độ khác nhau để đạt mục tiêu phát triển mà nhà nước đặt ra trong từng thời kỳ.

Ngành nông nghiệp và các khoa học khác tập trung nghiên cứu xác định toàn bộ kỹ thuật cho chuỗi giá trị từng ngành hàng nông, lâm nghiệp và thủy sản trên tất cả các vùng sinh thái, cho tất cả nông dân xã viên các HTX học tập thành tập quán canh tác mới, quý trọng và bảo vệ môi trường.

Việc thiết lập các hình thức chợ đầu ra cho nông sản phù hợp trình độ sản xuất của xã viên HTX tại các địa phương. Với chủ trương này của nhà nước, mỗi người nông dân - xã viên đều nhận thức phải sản xuất sản phẩm có chất lượng cạnh tranh, do đó cả xã hội Nhật và kể cả quốc tế đều tin tưởng.

Nhật Bản cho phép hệ thống HTXNN tổ chức các dịch vụ phục vụ nông dân như: ngân hàng tín dụng (xuất phát từ quỹ tín dụng của từng HTXNN), công ty du lịch (bao gồm tours du lịch, chuỗi nhà hàng và chuỗi khách sạn của HTX), công ty bảo hiểm y tế và nhân thọ (cho tất cả xã viên), các dịch vụ phục vụ sản xuất nông nghiệp, và an sinh xã hội (các đơn vị chăm sóc người già, thiếu nhi, thanh niên, phụ nữ).

Phong trào hợp tác hóa của Việt Nam đã trải qua bao thăng trầm, nhưng đến nay vẫn chưa tạo điều kiện cho nông dân ta làm giàu. Thời nay ta có quá nhiều HTXNN ở dạng hình thức mà nội dung thì mạnh xã viên nào nấy bơi, phần lớn vẫn còn nghèo, để cho giới thương lái và các công ty dịch vụ đầu vào và đầu ra làm giàu.

Luật HTXNN của ta chưa có điểm nào để khuyến khích người nông dân nghèo tự giác xin gia nhập. Cần sửa lại luật sao cho người nông dân nghèo thấy rằng “nếu luật là như vậy mà mình không vô hợp tác xã là mình bị thiệt thòi, mất cơ hội làm giàu”. Hợp tác xã không tự bơi một mình mà cả chuỗi giá trị sản xuất ngành hàng cần được tổ chức đồng bộ, đồng hành với nông dân.

Bài đăng tại:
http://mobile.thesaigontimes.vn/tinbaichitiet/155686/

Thứ Tư, 4 tháng 1, 2017

Cần Thơ: Doanh thu bán lẻ xếp thứ ba cả nước


Trung Chánh


Người tiêu dùng chọn mua thực phẩm tại một siêu thị ở Cần Thơ. Ảnh: Trung Chánh.

(TBKTSG Online) – Kết thúc năm 2016, doanh thu bán lẻ hàng hóa của thành phố Cần Thơ đạt 95.625 tỉ đồng, vượt xa các địa phương còn lại trong vùng Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) và vượt cả Đà Nẵng, Hải Phòng để vươn lên thứ 3 trong số 5 thành phố trực thuộc trung ương có tổng mức bán lẻ hàng hóa cao nhất nước.

Thông tin trên được Sở Công Thương Cần Thơ cho biết tại hội nghị “Tổng kết công tác ngành công thương năm 2016 và triển khai kế hoạch năm 2017” tổ chức tại TP Cần Thơ hôm nay, 4-1.

So với địa phương có tổng mức bán lẻ hàng hóa cao thứ 2 tại ĐBSCL là An Giang, thì tổng mức bán lẻ hàng hóa của Cần Thơ cao hơn đến trên 11.000 tỉ đồng (An Giang đạt 84.613 tỉ đồng) và cao hơn địa phương có tổng mức bán lẻ hàng hóa thấp nhất vùng là Trà Vinh (21.063 tỉ đồng) đến 75.562 tỉ đồng.

Còn nếu so với các thành phố trực thuộc Trung ương, thì tổng mức bán lẻ hàng hóa của Cần Thơ xếp vị trí thứ 3, sau TPHCM và Hà Nội, nhưng trên Đà Nẵng và Hải Phòng.

Cụ thể, địa phương có tổng mức bán lẻ hàng hóa năm 2016 cao nhất là TPHCM đạt 682.703 tỉ đồng; thứ 2 là Hà Nội, đạt 505.000 tỉ đồng; Cần Thơ xếp thứ 3, đạt 95.625 tỉ đồng; Hải Phòng và Đà Nẵng giữ vị trí thứ 4 và 5 với tổng mức bán lẻ hàng hóa lần lượt đạt 91.192 tỉ và 77.050 tỉ đồng.

Ông Huỳnh Trung Trứ, Phó giám đốc Sở Công Thương Cần Thơ, cho biết do hoạt động bán lẻ của địa phương trong năm sôi động nên đã có không ít nhà đầu tư trong ngành bán lẻ đẩy mạnh đầu tư và đưa thêm các siêu thị, trung tâm thương mại mới vào hoạt động, giúp doanh thu bán lẻ của địa phương tăng lên.

Cụ thể, theo ông Trứ, trong năm 2016, đã có 4 siêu thị, trung tâm thương mại mới được đưa vào hoạt động tại Cần Thơ, đưa tổng số siêu thị, trung tâm thương mại đến nay là 18.

Trong khi đó, theo ông Nguyễn Minh Toại, Giám đốc Sở Công Thương Cần Thơ, sắp tới sẽ có thêm một số trung tâm thương mại, cửa hàng bán lẻ mới của Tổng công ty Thương mại Sài Gòn (Satra) cũng như của Tập đoàn Vingroup sẽ đầu tư vào Cần Thơ. Nhiều khả năng Satra sẽ đầu tư mở chuỗi cửa hàng thực phẩm tiện lợi Satrafoods trước, sau đó phát triển mô hình trung tâm thương mại Centre Mall và siêu thị Satramart ở Cần Thơ, tập trung ở quận Ninh Kiều.

Theo ông Trứ, trong năm 2017, địa phương cũng đặt mục tiêu tổng mức bán lẻ hàng hóa đạt trên 105.000 tỉ đồng, tăng 9,87% so với năm 2016.


Về kim ngạch xuất khẩu, năm 2016 Cần Thơ đạt trên 1,5 tỉ đô la Mỹ, tăng 3,4% so với năm 2015 và đứng vị trí thứ 3 trong vùng ĐBSCL, sau Tiền Giang (trên 2,1 tỉ đô la Mỹ) và Long An (trên 4,1 tỉ đô la Mỹ).


Nếu so với các thành phố trực thuộc Trung ương, kim ngạch xuất khẩu của Cần Thơ trong năm 2016 chỉ xếp trên Đà Nẵng (1,3 tỉ đô la Mỹ) và sau TPHCM (31,8 tỉ đô la Mỹ), Hà Nội (trên 10,6 tỉ đô la Mỹ) và Hải Phòng (trên 5,1 tỉ đô la Mỹ).


Về nhập khẩu, năm 2016 của Cần Thơ chỉ đạt trên 293 triệu đô la Mỹ, đạt 58,4% kế hoạch năm, giảm 26% so với năm ngoái.


Bài đăng tại:
http://mobile.thesaigontimes.vn/tinbaichitiet/155697/

Bút ký: Cánh bướm nâu


1.

Vậy là đất nước đã hòa bình thống nhất được hơn bốn chục năm. Hơn nửa đời người đã trôi qua. Trong quãng đất trời thăm thẳm ấy, hai mươi năm tôi đã mặc áo lính. Tôi nhập ngũ ở Quân khu 7, đi học sĩ quan ngoài Bắc, về phục vụ ở Quân khu 9 và Mặt trận 979; làm anh lính pháo binh kiêm thông tín viên Báo Quân đội Nhân dân rồi qua hẳn với Báo Quân khu 9. 

Hai mươi năm đời lính, có nhiều năm tháng ở mặt trận Tây Nam trên chiến trường Campuchia và cả ở biên giới phía Bắc, hướng Hà Giang và Lạng Sơn. Trong những tháng ngày chiến chinh gian nan ở hai đầu đất nước, có biết bao chàng trai trẻ như tôi, đã ra đi không trở về. Tôi may mắn còn nguyên lành, chuyển về làm việc ở Thời báo Kinh tế Sài Gòn từ năm 1996. Thế nhưng sau những trận sốt rét ác tính kinh hoàng trong những mùa khô biên giới Campuchia – Thái Lan, tôi lại hay trầm tư suy nghĩ mông lung về sự tồn tại của một kiếp người.

Trong cái cõi tâm linh mơ hồ đó, dù đã giã từ vũ khí, nhưng tới năm 1998, tôi lại xung phong làm một việc mà cho tới bây giờ, câu chuyện ngày ấy vẫn cứ đong đưa lặng lẽ ở trong lòng mỗi khi tôi ngẫm nghĩ về thời gian, sự sống và cái chết.

Chuyện về người cha vợ của tôi, dân Cần Thơ tập kết ra Bắc năm 1954, là trung úy ở sư đoàn 338, sau chuyển ngành về Khu Gang thép Thái Nguyên rồi bị bệnh chết năm 1969, lúc 50 tuổi, mai táng trên núi Chùa thuộc tỉnh Bắc Thái lúc bấy giờ, nhưng mãi 29 năm sau hài cốt mới được đưa về Nam.

2.

Câu chuyện bắt đầu từ một giấc mơ.

Đêm hôm ấy, khoảng hai giờ sáng, lần đầu tiên trong đời, chị Dần nằm chiêm bao thấy một ngôi mộ hoang. Mộ um tùm cỏ dại, nằm ven một ngọn đồi, dưới chân đồi là ruộng lúa. Có một con bướm nâu to bằng lòng bàn tay bay theo chị rồi đậu trên mộ. Chị Dần tỉnh dậy, thấy sợ, kể lại giấc mơ với người chị vừa từ Cần Thơ ra. Chị Liên làm ở Tòa án tỉnh Cần Thơ, về quê Thái Nguyên nghỉ hè, nghe giấc mơ của cô em dâu, mới bảo, chuyến này về chị cũng muốn đi tìm mộ giúp cho gia đình một người  bạn ở Cần Thơ, rồi đưa tấm sơ đồ mộ chí bạn gởi theo cho chị Dần xem. Lật tấm sơ đồ cũ nát gởi từ Bắc Thái về Cần Thơ sau năm 1969, chị Dần lơ mơ đoán ra địa danh núi Chùa, một ngọn núi thấp ở thôn Hương Chùa, xã Hà Châu, huyện Phú Bình, cách thị trấn Ba Hàng, huyện Phổ Yên chỗ nhà chị hơn mười cây số. Nhớ lại giấc mơ có con bướm nâu lạ lùng, chị Dần bảo để mình đi tìm mộ thay cho chị Liên.

Sáng ra chị Dần đạp xe vào Phú Bình, dọc đường mua ít nhang đèn. Vào tới núi Chùa, hỏi những người dân làng, biết trên núi có một khu mộ cũ có mai táng bộ đội miền Nam tập kết vốn là cán bộ Khu Gang Thép Thái Nguyên. Lang thang tới trưa, chị Dần gặp ông Kiếm, một nông dân nhà ở gần khu mộ. Bác Kiếm đưa chị ra triền núi, bảo nơi đây còn nhiều mộ của “các cụ bộ đội tập kết ngày xưa”. Tiếc là không nấm mộ nào còn bia, cái nhỏ cái to ngập tràn cỏ dại. Chị Dần lo âu, lâm râm khấn: “Lạy cụ Thạnh, linh thiêng xin cụ báo cho con gặp được mộ phần”. Chợt có một con bướm nâu chấp chới bên mình, con bướm to bằng lòng bàn tay, chị Dần lại khấn: “Linh thiêng, xin đậu lại”. Không ngờ con bướm nâu bay tiếp một đoạn rồi đáp xuống ngôi mộ cuối cùng. Chị Dần giật mình khi nhìn thấy một phần mộ quạnh hiu đầy cỏ dại nằm kề bên bờ ruộng, cảnh tình giống y như trong giấc chiêm bao đêm hôm qua. Thế rồi chị Dần thắp nhang cúng vái bên nấm mộ và hẹn với bác Kiếm sẽ quay lại.

Trở về nhà chiều hôm đó, chị Dần kể lại câu chuyện với chị Liên và anh Huấn chồng chị. Chị Dần là y sĩ ở bệnh viện huyện Phổ Yên, tỉnh Thái Nguyên, còn anh Huấn là cựu chiến binh trở về từ chiến trường miền Nam sau ngày giải phóng. Anh Huấn liền giục chị Liên gọi điện báo về chị bạn đồng nghiệp là mợ của vợ tôi ở Cần Thơ.

Hay tin này, suốt đêm tôi thấy lòng dạ bồn chồn, bèn bàn với mẹ và vợ, sau ngày giải phóng đã có lần người thân trong nhà tìm chưa ra mộ, giờ để tôi một lần “đi tìm đồng đội” xem sao. 

3.

Nhà tôi ở khu gia binh Trần Khánh Dư cũ, thuộc phường Xuân Khánh, cách nhà mẹ vợ tôi chừng năm cây số trong ấp Lợi Nguyên, xã An Bình, Cần Thơ. Sáng sớm ngày 24-8-1998, khi đang chờ xe về Sài Gòn để bay ra Hà Nội, đi Thái Nguyên thì mẹ vợ tôi điện thoại ra. Mẹ vừa nói vừa khóc, rằng đêm qua mẹ nằm mơ gặp cha tôi, tướng mạo y như trong tấm hình tôi phóng to mang theo, mặc đồ đại cán, quân hàm trung úy. Ông nhắc mẹ nhớ dặn tôi là “khi tìm gặp mộ, đào lên rồi phải rửa xương cho thiệt kỹ trước khi tẩm liệm đưa về”. 

Tôi khoác ba lô lên đường mà bụng dạ cồn cào hình ảnh giấc chiêm bao của mẹ. Hồi tiễn chồng đi tập kết, mẹ mới 25 tuổi, là một hoa khôi y tá của Trường Thiếu sinh quân Quân khu đóng ở Cà Mau. Ngày đó, mẹ đang mang thai Lệ Thanh, con gái út, còn đứa anh trai thì chưa đầy hai tuổi. Vậy là hai cha con Lệ Thanh - vợ tôi bây giờ - từ hồi đó, đã không biết mặt nhau.

Hôm sau tôi lên Thái Nguyên, tìm gặp anh Huấn, chị Dần. Chưa từng biết nhau mà khi gặp nhau, cứ như là chuyện của anh em ruột thịt trong nhà. Ba người con của anh chị đang học ở Hà Nội. Trưa hôm đó anh Huấn chở tôi lên nhà bác Kiếm, rồi tìm gặp cả bà Vụ, chủ đất khu mộ bên triền núi Chùa. Bác Vụ đã gần bảy mươi, kể rằng mười năm trước khi vỡ hoang khu đồi núi này để trồng sắn, nhà bác đã gặp dãy mộ, nhưng bia thì cái còn cái mất. Riêng phần mộ cuối chân đồi, tấm bia đã đổ bể, bác chỉ còn nhớ là bia có ghi quê người mất ở Cần Thơ. Sợ dân chăn trâu lấy cắp, bác đưa tấm bia bể lên gửi trong nhà chùa trên đồi nhưng bây giờ chẳng hiểu sao nó cũng không còn nữa.

Nhìn những nấm mộ buồn hiu liêu xiêu bên triền đồi trong buổi chiều trung du hoang vắng, tôi chợt nghe lạnh cả người. Thầm nghĩ Bắc Trung Nam đâu cũng là nhà, nhưng vẫn thấy ngậm ngùi vì đã hơn hai chục năm đất nước hòa bình thống nhất mà vẫn còn bao kiếp người tha hương, chưa sum họp gia đình, lạnh lẽo nắm xương tàn xa xứ. Lại nghe lòng thoáng nỗi hoài nghi. Trong mười một nấm mộ này, trung úy Trần Hữu Thạnh yên nghỉ chính xác ở chỗ nào, dù trong sơ đồ ghi rõ “mả ông Thạnh” nằm ở cuối cùng phía Nam triền núi. Tôi trải tờ giấy pơ-luya úa vàng vẽ sơ đồ mộ chí ra để trước nấm mộ rồi đặt la bàn, dóng hướng vào dãy bình độ ngọn đồi trước mặt theo đúng kỹ thuật của con nhà pháo binh. Hết thảy vật chuẩn đều khớp với những điểm dấu chỉ ngôi mộ vẽ trong sơ đồ. 

Nhưng anh Huấn, bác Kiếm, bác Vụ và cả ông Sở, chủ tịch xã Hà Châu, đều khuyên tôi nên mời thêm thầy cúng xin âm dương chứng dám để cho lòng được thanh thản. Vậy là chúng tôi tìm tới nhà ông thầy Thiều bên thôn Châu Tuấn, người chuyên lo chuyện ma chay cúng bái ở xã. Ông Thiều ngoài bốn mươi, người thấp cỡ thước rưỡi, mắt sáng, da trắng, mày đậm, môi đỏ, đầu lúc nào cũng đội cái nón cối bộ đội. 

Chuyện tôi không thể nào quên là trưa hôm sau, vừa khi ông thầy Thiều khấn vái gieo trúng hai đồng tiền sấp ngửa thì có một con bướm màu nâu to bằng lòng bàn tay của tôi, chấp chới quanh ngọn khói nhang. Chợt nhớ tới giấc mơ của chị Dần, tôi nhắm mắt khấn thầm: “Có phải linh hồn trung úy Thạnh, xin đậu lại”. Lạ thay, khi tôi vừa mở mắt ra, con bướm nâu cũng vừa đáp xuống bờ cỏ trên nấm mồ trước mặt. Tôi rùng mình thở hắt một tiếng, con bướm vội bỏ bay đi, chìm dần trong nắng trưa trên lưng ngọn núi Chùa.

4.

Tôi ngả người trên ghế máy bay, chuyến bay sáng ngày 30-8-1998 Hà Nội – TP Hồ Chí Minh, muốn ngủ một giấc nhưng không tài nào ngủ được. Các bạn ở Văn phòng đại diện Thời báo Kinh tế Sài Gòn tại Hà Nội đã lo giúp mọi thủ tục để hài cốt cha tôi được cùng về theo khoang hành khách. 29 năm, hài cốt đã hóa thành cát bụi, chỉ còn một ít đủ vóc hình hài, đã được chị Dần tẩm liệm cẩn thận trong tấm vải đỏ, đựng trong một cái hộp đặt giữa túi xách và dặn tôi không được rời tay cho tới giờ cải táng là sáu giờ chiều hôm đó, tại quê nhà.

Tôi thầm thì động viên trung úy Trần Hữu Thạnh: “Xưa ba xuống tàu đi tập kết khi Bắc - Nam còn chia cắt, giờ ba về bằng đường hàng không khi nước nhà đã sum vầy, thế cũng là vui. Cái hậu sự này chứa chan biết bao nhiêu tình nghĩa, của ngày hôm qua và mới mấy bữa nay; của chị Liên, chị Dần, anh Huấn, anh Sở, của gia đình bác Kiếm, bác Vụ và nhiều bác nông dân thôn Hương Chùa đã giúp tìm kiếm và bốc mộ ba”. Tôi lại nhớ lời dặn của ông thầy Thiều: “Cố gắng về cho kịp sáu giờ tối ngày 30-8, là giờ tốt. Nhớ đi thẳng ra nơi cải táng, đừng ghé đâu cả. Nhớ đưa hài cốt đặt trong quách sành”. Tôi đã điện thoại về nhà dặn lại tất cả mọi chuyện.

Tối hôm đó, dường như có đầy đủ bà con nội ngoại gia đình bên vợ tôi tham gia lễ cải táng tại nhà bà Hai Tần, mẹ vợ tôi. Vừa mừng vừa tủi, như là cảnh gia đình đã đón ông ngoại và mấy cậu, dì trở về sau ngày miền Nam giải phóng. Gia đình xây sẵn ngôi mộ phía sau nhà, trên cái nền cao của ngôi nhà lớn bị bom đánh tan tành hồi tết Mậu Thân 1968. Hài cốt trung úy Trần Hữu Thạnh được cải táng nơi đây, không xa mồ mả tổ tiên trong khu vườn xanh um của gia tộc có gốc ở miền Trung vào đây lập nghiệp từ hơn một trăm năm trước.

Chuyện sau cùng tôi muốn kể ra đây là hình bóng của con bướm nâu lạ lùng lần đầu tiên trong đời tôi gặp ở núi Chùa. Bữa đó, dù đã gần tám giờ tối, trong khi mọi người đang tề tựu trong nhà, chợt có con bướm nâu, hình hài y như tôi đã gặp, chập chờn bay vào nhà, bay trên đầu mọi người rồi bay lại bàn thờ đầy nhang khói, đậu lại chỗ khung ảnh thờ tổ tiên rồi lại đậu trên tấm hình trung úy Trần Hữu Thạnh. 

Hôm sau, khi tôi đi làm về, vợ tôi kể hồi sáng có con bướm nâu to bằng lòng bàn tay đã bay vào nhà tôi ở khu gia binh Trần Khánh Dư. Lạ một điều là khi vợ tôi lên nhà trên thì con bướm bay theo, khi vợ tôi xuống bếp con bướm cũng bay theo. Cho tới khi ánh mặt trời chiếu xiên vào gian phòng khách xập xệ ngổn ngang sách báo của tôi, mới thấy con bướm nâu từ tốn bay ra khỏi nhà, mất hút trong con hẻm nhỏ./.


* Bài đã đăng Tạp chí Văn nghệ Cần Thơ số 89 
(tháng 11 &12-2016):





Thứ Hai, 2 tháng 1, 2017

Du lịch đón năm mới với niềm vui và nỗi ưu tư



Đào Loan


(TBKTSG Online) - Sáng nay, ngày đầu năm 2017, cơ quan quản lý cùng doanh nghiệp du lịch nhiều địa phương trên cả nước đã tổ chức các buổi lễ đón những vị khách quốc tế đầu tiên đến trong năm 2017. Ngành du lịch đón năm mới với niềm vui về số lượng khách du lịch tăng trưởng kỷ lục nhưng vẫn còn nhiều nỗi lo.

Đại diện ngành du lịch Đà Nẵng đón chào những vị khách đến thành phố đầu tiên trong năm mới - Ảnh: Như Tâm



Tại Đà Nẵng, ngành du lịch đã đón những vị khách quốc tế đến từ Singapore qua chuyến bay của hãng hàng không Silk Air. Chuyến bay đưa 150 khách mang các quốc tịch Singapore, Đức, Anh, Ý... đến tham quan và nghỉ dưỡng ở thành phố biển miền Trung.

Năm 2016 được Đà Nẵng xem là năm thành công của ngành du lịch với tổng lượng khách đạt 5,51 triệu lượt, tăng 17,6% so với năm trước. Trong số này, khách quốc tế đạt 1,67 triệu lượt, tăng hơn 31,6%.

Trong năm mới, dự báo lượng khách du lịch đến Đà Nẵng, đặc biệt là khách quốc tế vẫn tăng trưởng tốt với điểm nhấn là hai thị trường lớn Hàn Quốc và Nhật Bản. Thị trường Nhật Bản cũng sẽ có bước tăng trưởng đáng kể nhờ đường bay mới nối Osaka với Đà Nẵng sắp khai trương trong quí 1 này.

Hiện nay, Đà Nẵng có 20 đường bay quốc tế, trong đó có 11 đường bay thường kỳ và 9 đường bay thuê chuyến. Dự kiến trong năm 2017, sẽ có thêm các đường bay từ Thái Lan (Bangkok, Chiangmai) đến Đà Nẵng do 3 hãng Thai Airways, Vietjet Air, AirAsia khai thác và đường bay từ Osaka do hãng Jetstar Pacific khai thác.

Ông Trần Chí Cường, Phó giám đốc Sở Du lịch Đà Nẵng, cho biết ưu tiên hàng đầu trong năm mới là tạo sản phẩm cho khách du lịch và chuẩn bị dịch vụ để phục vụ cho một lượng khách lớn đến thành phố trong sự kiện Tuần lễ cấp cao APEC 2017.

"Chúng tôi đã chuẩn bị cho nhiều sự kiện du lịch, chẳng hạn lễ hội pháo hoa sẽ được tổ chức trong hai tháng thay vì chỉ vài ngày. Việc chuẩn bị cơ sở hạ tầng, dịch vụ cho APEC cũng đang vào giai đoạn nước rút, một số khách sạn đầu tư thêm phòng tổng thống để phục vụ khách... Chúng tôi kỳ vọng năm 2017 sẽ tiếp tục là năm phát triển tốt của du lịch Đà Nẵng", ông Cường nói với TBKTSG Online.

Tại TPHCM, sáng đầu năm, những vị khách quốc tế từ Đức, Anh đến thành phố trên các chuyến bay sớm của hai hãng hàng không Vietnam Airlines và Thai Airways đã nhận được sự chào đón của lãnh đạo thành phố, Sở Du lịch cùng các doanh nghiệp trong ngành.

Năm 2016, thành phố đã đón được đón khoảng 5,2 triệu lượt khách quốc tế và khoảng 21,8 triệu lượt khách nội địa. Tổng thu từ du lịch đạt 103.000 tỉ đồng, tăng 9% so với năm trước. Trong năm mới, TPHCM kỳ vọng sẽ đón 5,6 triệu lượt khách nội địa, 24 triệu lượt khách quốc tế, đưa tổng thu du lịch lên 112.000 tỉ đồng.

Theo ông Bùi Tá Hoàng Vũ, Giám đốc Sở Du lịch TPHCM, ngành du lịch chú trọng đến việc xây dựng sản phẩm du lịch mới và tạo sự kiện. Trong đó, sản phẩm du lịch đường sông vẫn được ưu tiên hàng đầu, kế đó là phát triển các sản phẩm gắn với nông nghiệp, nông thôn, tạo sự kiện ở phố đi bộ Nguyễn Huệ, những nơi có nhiều người nước ngoài lui tới như khu phố Phạm Ngũ Lão, Bùi Viện, tạo khoảng 4 chương trình khuyến mãi mua sắm.

"Chúng tôi muốn nâng cao chất lượng sản phẩm, dịch vụ và cả thái độ ứng xử với khách du lịch. Chẳng hạn, Sở sẽ tổ chức những chương trình nâng cao cách ứng xử với khách du lịch như tập huấn cho những người lái taxi có thái độ ứng xử tốt, thân thiện với du lịch", ông Vũ nói với TBKTSG Online.


Khách Nga đã trở lại TPHCM bằng máy bay thuê bao sau hai năm tạm ngưng, một trong những tín hiệu tốt cho sự phát triển của ngành du lịch thành phố trong năm mới - Ảnh: Đào Loan


Nhiều doanh nghiệp cũng cho biết đã có kết quả kinh doanh tốt trong năm 2016 và đặt mục tiêu tăng trưởng tốt trong năm 2017 nhưng vẫn còn những nỗi lo về chất lượng nguồn nhân lực, quản lý chất lượng điểm đến của Việt Nam. Bên cạnh đó, những khó khăn khách quan về tình hình bất ổn của thế giới, việc đồng tiền của một số quốc gia mất giá sẽ làm du lịch đắt hơn, du khách đi du lịch gần hơn cũng là những vấn đề khiến doanh nghiệp ưu tư trong năm mới.

Ông Phạm Hà, CEO của Công ty Du lịch Luxury Travel, cho biết công ty tăng trưởng 20% trong năm 2016 và kỳ vọng 25% trong năm mới. Luxury Travel sẽ tập trung vào thị trường mới nổi với những sản phẩm trải nghiệm. Về điểm đến chung, những thị trường như Nga, Trung Quốc, Bắc Âu, Mỹ... sẽ tăng nhờ có đường bay mới; Ấn Độ, Trung Đông và Nam Phi là thị trường mới nổi mà du lịch Việt Nam cần phát triển.

Tuy nhiên, Việt Nam cần phải chú trọng nguồn nhân lực, quản lý điểm đến tốt, giữ gìn môi trường, đa dạng hoá trải nghiệm, nhắm tới phân khúc cao cấp, thực hiện các hoạt động xúc tiến du lịch trong và ngoài nước tốt hơn nữa.

Trong năm 2016, cả nước đón hơn 10 triệu lượt khách quốc tế và 62 triệu lượt khách nội địa, kỳ vọng trong năm mới sẽ đón 11,5 triệu lượt khách quốc tế và 66,7 triệu lượt khách trong nước.


Năm đột phá trong phát triển cơ sở hạ tầng, dịch vụ du lịch của Phú Quốc


Ông Nguyễn Văn Sáu, Phó giám đốc Sở Du lịch tỉnh Kiên Giang, cho biết ngành du lịch tỉnh kỳ vọng năm 2017 sẽ là năm đột phá về việc phát triển cơ sở hạ tầng và dịch vụ để đảo ngọc Phú Quốc tăng trưởng lượng khách du lịch mạnh mẽ trong những năm tới.


Trong đó, sự tăng trưởng về khách sạn, đặc biệt là khách sạn cao cấp sẽ là một  trong những điểm nhấn của Phú Quốc. Cả đảo hiện có gần 12.000 phòng khách sạn nhưng đến năm 2017 sẽ tăng đến 17.000 phòng, trong đó có 7.000-8.000 phòng có tiêu chuẩn từ 4 đến 5 sao.


"Phú Quốc sẽ có những tổ hợp khách sạn có hàng ngàn phòng như tổ hợp của Vinpearl với 4.500 phòng, Sun Group với 1.000 phòng và nhiều nơi khác. Lúc trước, du khách thường than phiền rằng Phú Quốc thiếu phòng nhưng nay tình hình đã khác", ông nói với TBKTSG Online ngay trong sáng đầu năm mới.


Cũng theo ông Sáu, những công trình lớn sẽ đi vào hoạt động trong năm 2017 như cảng An Thới, hệ thống cáp treo du lịch vượt biển cùng với việc hoàn thiện sân đỗ, đường lăn của sân bay quốc tế Phú Quốc cũng sẽ tạo cột mốc cho du lịch đảo ngọc phát triển trong những năm tới. "Hiện nay, Phú Quốc chỉ có một số chuyến bay quốc tế từ Singapore, Siêm Riệp, Quảng Châu và Thụy Điển nhưng khi dịch vụ du lịch phát triển, sân bay hoàn thiện thì du khách sẽ đến nhiều hơn", ông nói.

Năm 2016, tỉnh Kiên Giang đã đón 5,4 triệu lượt khách du lịch, tăng 24% so với năm trước. Trong đó, có 320.000 lượt khách quốc tế. Hầu hết khách quốc tế đến và ở lại tại Phú Quốc. Trong năm 2017, tỉnh kỳ vọng tổng lượng khách đạt 5,8 triệu lượt, trong đó có 360.000 lượt khách quốc tế.
Khánh Nghi


Bài đăng tại:
http://mobile.thesaigontimes.vn/tinbaichitiet/155581/