Võ Tòng Xuân
Dâu tây sạch trồng trong nhà màng ở Nhật.Ảnh: VTX |
(TBKTSG) - Đầu tháng 11-2016 vừa qua, Saigon Co-op đã tổ chức chuyến tham quan học hỏi kinh nghiệm thực tế về việc tổ chức mô hình hợp tác xã nông nghiệp (HTXNN) rất thành công của Nhật Bản.
Hệ thống HTXNN Nhật Bản
Chúng tôi tham quan HTXNN của tỉnh Saga và tỉnh Karatsu.Tại Saga, sau khi gặp ông Chủ tịch Hiệp hội các HTXNN của tỉnh, chúng tôi thăm nhà hàng phục vụ thịt bò nổi tiếng của Saga do một HTXNN nuôi bò cung cấp, và HTXNN Shirota-nishi sản xuất lúa bên cạnh nhà máy chế biến gạo Tenshino Uta cũng của HTXNN này đầu tư.
Tại tỉnh Karatsu, chúng tôi tham quan HTXNN Karatsu với hai nhóm chuyên sản xuất cây ăn trái: một nhóm sản xuất và chế biến quýt, nhóm kia sản xuất và đóng hộp dâu tươi. Nhóm nào cũng có nhà máy chế biến bên cạnh. Một nông dân chuyên sản xuất rau cao cấp cho các nhà hàng của vùng Kyushu đã tiếp đoàn, giải thích cụ thể hoạt động của ông ta. Vào ngày cuối của đoàn, chúng tôi gặp được TS. Kenji Cho, chuyên ngành kinh tế nông nghiệp, chuyên gia nghiên cứu về HTXNN của Nhật Bản, để tìm hiểu sâu thêm về hệ thống HTXNN của Nhật.
Nông dân Nhật Bản ngày nay là những người khá giả không thua các tầng lớp khác trong xã hội. Mọi cá nhân và cơ quan trong vùng của HTXNN đều được mời tham gia HTXNN: xã viên chính thức (nông dân có đất, hoặc chủ các công ty, tổ chức liên quan trực tiếp đến nông nghiệp), và xã viên liên kết (cá nhân hoặc tổ chức không dính líu gì đến nông nghiệp nhưng cư trú trong vùng). Xã viên được tận dụng các dịch vụ của Tổng liên đoàn HTXNN tại địa phương, từ phương tiện hướng dẫn sản xuất, bảo hiểm nhân thọ, du lịch, tín dụng/ngân hàng, đến an sinh xã hội.
Hệ thống HTXNN Nhật Bản được tổ chức theo ba cấp: cấp xã-huyện có hợp tác xã (HTX) đơn mục tiêu (chỉ chuyên trồng lúa, hoặc nuôi heo, hoặc trồng nho...); cấp tỉnh có Liên hiệp HTX và HTX đa mục tiêu (vừa có lúa, có nuôi bò, trồng cam, quýt...); cấp trung ương có Tổng liên đoàn HTXNN. Tổ chức của mỗi HTXNN bao gồm: 1) đại hội xã viên bầu ra hội đồng quản trị; 2) ban điều hành; 3) ban kiểm tra; 4) nhân viên chuyên môn (kế toán, tài vụ, tín dụng); 5) các tổ sản xuất chuyên (cây, con...); 6) các nhà máy chế biến, đóng hộp, cơ sở dịch vụ; 7) đoàn thể an sinh xã hội.
Trong giai đoạn mới thành lập, từ thập niên 1950-1970, HTXNN chưa tích lũy đủ vốn thì nhà nước trung ương, tỉnh, huyện tài trợ cho HTXNN hoạt động. Vốn tài trợ của nhà nước ba cấp gộp lại có thể đến 90% nhu cầu vốn để xây dựng cơ sở hạ tầng sản xuất. Ngày nay các HTXNN đều khá hơn rồi, tài trợ của nhà nước vẫn còn nhưng ít hơn, nông dân vay vốn để phát triển những hoạt động sản xuất theo công nghệ cao. Ví dụ, tại tổ sản xuất dâu của HTXNN Karatsu, một nhà máy phân loại trái dâu theo độ đậm màu đỏ, kích thước trái, độ cân đối của trái, dấu vết bất thường trên trái, cho đến khâu đóng hộp dâu tươi và dán nhãn hiệu của HTXNN Karatsu đã được HTXNN đầu tư.
Thành viên của những tổ sản xuất này được chuyên viên HTX hướng dẫn đúng theo quy trình do sở nông lâm của tỉnh phổ biến, từ khâu trồng, chăm sóc, bảo vệ thực vật đúng chuẩn an toàn vệ sinh thực phẩm, đến thu hoạch, đưa sản phẩm nguyên liệu sạch về nhà máy.
Trong HTXNN Saga còn có thêm hình thức công ty sản xuất cung ứng nguyên liệu cho HTX. Chúng tôi đến thăm một công ty như thế. 16 người gom đất lại thành cánh đồng lớn dưới sự điều hành của một người đứng đầu, sản xuất lúa cho HTX hoàn toàn bằng cơ giới (được HTXNN Saga cho vay vốn đầu tư).
Nông dân xã viên yên tâm sản xuất mà không lo đầu ra nữa vì đã có ban điều hành HTX lo liệu tất cả. Trong khi đó thì HTX luôn thực hiện đúng hợp đồng với khách hàng, là những siêu thị trong và ngoài tỉnh. Người tiêu dùng Nhật Bản không lo sợ phải ăn sản phẩm không an toàn. Môi trường đất, nước, và không khí được giữ trong lành vì nông dân làm theo đúng quy trình kỹ thuật.
Chợ đầu mối
Đoàn chúng tôi tham quan ba loại chợ mà nông dân xã viên HTXNN có thể tiêu thụ sản phẩm trồng trọt, chăn nuôi, hoặc chế biến của họ.
Loại chợ thứ nhất là siêu thị mini tại địa phương do nông dân lập ra. Những xã viên có sản xuất ngoài kế hoạch lớn của HTXNN có thể đem sản phẩm làm thêm đến đây gửi bán, trả tiền huê hồng cho siêu thị.
Loại chợ thứ hai là chợ bán lẻ cấp thành phố, điển hình là chợ Ito Sai Sai - một siêu thị trong thành phố Itoshima do HTXNN Itoshima đầu tư xây dựng và điều hành quản lý. HTXNN Itoshima có 1.500 hộ dân gồm phần lớn người già và phụ nữ. Đầu ra của những sản phẩm có khối lượng lớn là những siêu thị ở xa, còn những sản phẩm có khối lượng nhỏ do phụ nữ và người già sản xuất thì họ đem đến chợ này gửi bán. Mỗi xã viên tự định giá bán của mình, tiếp tục đem hàng đến bổ sung khi hàng của mình gần hết. Đến 6 giờ chiều họ phải chở về nhà những sản phẩm còn tồn chưa bán được. Họ phải trả huê hồng cho ban quản lý chợ tính từ lượng sản phẩm bán được.
Loại chợ thứ ba là chợ đầu mối lớn. Một HTXNN có thể ký hợp đồng bán khối lượng lớn sản phẩm thường xuyên, trực tiếp cho hệ thống siêu thị lớn, hoặc cũng có thể bán trực tiếp tại chợ đầu mối lớn của tỉnh hoặc của vùng. Chợ đầu mối Vegefru của Fukuoka là một chợ bán sỉ rau quả tươi, mới được khai trương tại thành phố đảo Fukuoka vào tháng 2-2016, thay thế ba cái chợ cũ trước đây. Chợ đầu mối mới này được xây dựng trên diện tích 150.000 mét vuông, là một trong những chợ đầu mối lớn nhất ở Nhật Bản, tiếp nhận rau củ quả tươi không chỉ từ Fukuoka mà còn từ cả vùng đảo Kyushu. Bên trong Vegefru có một khu kho cách nhiệt thật kín, tổng cộng gần 10.000 mét vuông, gồm 30 kho nhỏ giữ nhiệt ở 5 độ C để bảo quản tươi rau quả của khách hàng trong khi chờ đấu giá, và một khu trung gian gần 10.000 mét vuông duy trì ở nhiệt độ 15 độ C để cho các hoạt động trưng bày hàng mẫu và các sàn đấu giá. Tất cả rau, củ, quả đều được xếp rất gọn trong thùng giấy carton. Một anh đứng cạnh tôi nói hồi tháng 6 vừa qua, anh ta đấu giá - mua được xoài Việt Nam giá 1.200 yen/trái (12 đô la Mỹ/trái).
Trên tầng 2 của chợ có các phòng thí nghiệm kiểm tra nồng độ lưu tồn thuốc trừ sâu trên rau quả tươi trước và sau khi giao hàng. Còn có một hội trường đa dụng để tổ chức các sự kiện thường xuyên, như đấu giá thực phẩm và các lớp học nấu ăn. Các sản phẩm tươi sống của chợ Vegefru được bán đi khắp nước Nhật và Vegefru hướng đến trở thành một trung tâm rau quả tươi của châu Á, trong đó tập trung chủ yếu vào người tiêu dùng Hồng Kông và Đài Loan. Chợ này trở thành một điểm du lịch của Fukuoka. Ban lãnh đạo ở đây hàng ngày cộng tác với các công ty du lịch cho du khách như chúng tôi đến thăm.
Trông người mà ngẫm đến ta
Qua chuyến tham quan này, tôi thấy, HTXNN kiểu mới Nhật Bản là một công cụ xóa nghèo rất hiệu quả của Chính phủ Nhật Bản: tạo điều kiện cho nông dân nghèo trở thành tầng lớp giàu có ở nông thôn bằng biện pháp đồng bộ qua chính sách sáng suốt của nhà nước.
Luật HTXNN phù hợp từng thời kỳ phát triển kinh tế xã hội, đi kèm với Luật Nông nghiệp Nhật Bản. Từ luật này, hệ thống HTXNN được tổ chức từ trung ương đến cấp xã, được phân bổ ngân sách giúp nông dân qua việc bao cấp ở những mức độ khác nhau để đạt mục tiêu phát triển mà nhà nước đặt ra trong từng thời kỳ.
Ngành nông nghiệp và các khoa học khác tập trung nghiên cứu xác định toàn bộ kỹ thuật cho chuỗi giá trị từng ngành hàng nông, lâm nghiệp và thủy sản trên tất cả các vùng sinh thái, cho tất cả nông dân xã viên các HTX học tập thành tập quán canh tác mới, quý trọng và bảo vệ môi trường.
Việc thiết lập các hình thức chợ đầu ra cho nông sản phù hợp trình độ sản xuất của xã viên HTX tại các địa phương. Với chủ trương này của nhà nước, mỗi người nông dân - xã viên đều nhận thức phải sản xuất sản phẩm có chất lượng cạnh tranh, do đó cả xã hội Nhật và kể cả quốc tế đều tin tưởng.
Nhật Bản cho phép hệ thống HTXNN tổ chức các dịch vụ phục vụ nông dân như: ngân hàng tín dụng (xuất phát từ quỹ tín dụng của từng HTXNN), công ty du lịch (bao gồm tours du lịch, chuỗi nhà hàng và chuỗi khách sạn của HTX), công ty bảo hiểm y tế và nhân thọ (cho tất cả xã viên), các dịch vụ phục vụ sản xuất nông nghiệp, và an sinh xã hội (các đơn vị chăm sóc người già, thiếu nhi, thanh niên, phụ nữ).
Phong trào hợp tác hóa của Việt Nam đã trải qua bao thăng trầm, nhưng đến nay vẫn chưa tạo điều kiện cho nông dân ta làm giàu. Thời nay ta có quá nhiều HTXNN ở dạng hình thức mà nội dung thì mạnh xã viên nào nấy bơi, phần lớn vẫn còn nghèo, để cho giới thương lái và các công ty dịch vụ đầu vào và đầu ra làm giàu.
Luật HTXNN của ta chưa có điểm nào để khuyến khích người nông dân nghèo tự giác xin gia nhập. Cần sửa lại luật sao cho người nông dân nghèo thấy rằng “nếu luật là như vậy mà mình không vô hợp tác xã là mình bị thiệt thòi, mất cơ hội làm giàu”. Hợp tác xã không tự bơi một mình mà cả chuỗi giá trị sản xuất ngành hàng cần được tổ chức đồng bộ, đồng hành với nông dân.
Bài đăng tại:
http://mobile.thesaigontimes.vn/tinbaichitiet/155686/
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét