Chủ Nhật, 2 tháng 4, 2017

Có hai phương án lập liên doanh Cảng Cái Cui ở Cần Thơ


Chiều 28-3, Chủ tịch UBND TP Cần Thơ Võ Thành Thống chủ trì cuộc họp bàn việc xây dựng liên doanh khai thác cụm Cảng Cái Cui gắn với dịch vụ logistics. Báo Cần Thơ phỏng vấn ông về kết quả buổi họp quan trọng này.

Thưa ông, vì sao có cuộc họp với nhiều bộ mà TP Cần Thơ lại là người chủ trì như vậy?


- Ông Võ Thành Thống: Theo sự phân công của Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ trong chuyến làm việc tại TP Cần Thơ hôm 26-2 vừa rồi, Chính phủ đã giao cho UBND TP Cần Thơ chủ trì, phối hợp cùng Ban Chỉ đạo Tây Nam bộ, Bộ Giao thông vận tải, Bộ Quốc phòng, Tổng Công ty Hàng hải Việt Nam (Vinalines) và Tổng Công ty Tân cảng Sài Gòn (SNP) bàn thống nhất việc xây dựng mô hình liên doanh để khai thác cụm Cảng Cái Cui có hiệu quả, phục vụ cho phát triển kinh tế của vùng ĐBSCL. Và phải báo cáo kết quả cho Thủ tướng Chính phủ trước ngày 31-3-2017.

Để thực hiện kết luận này của Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ, UBND TP Cần Thơ đã phân công các sở, ngành tích cực làm công tác chuẩn bị cho buổi làm việc này. Các sở, ngành đã chuẩn bị tương đối chu đáo và với các cơ quan có liên quan, công việc cũng đã liên thông. Cuộc họp này đã bàn bạc để tìm ra mô hình cũng như biện pháp hợp tác trong thời gian tới để báo cáo Thủ tướng Chính phủ cho ý kiến.

Xin ông nói khái quát về mô hình mới này, vừa kinh doanh cảng vừa gắn với dịch vụ logistics?

- Mô hình này là sự liên doanh giữa hai đơn vị là Vinalines và SNP, đang hoạt động độc lập về cảng tại khu vực Cái Cui; liên doanh để khai thác cụm Cảng Cái Cui hiệu quả hơn vì sự phát triển cho cả vùng ĐBSCL. Lâu nay, hai đơn vị trực thuộc Vinalines và SNP là Cảng Cái Cui và Tân cảng - Cái Cui đang hoạt động riêng lẻ dù hai đơn vị chỉ cách nhau vài trăm mét, như Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ đã nhấn mạnh.
Tàu container của SNP cập cảng Tân cảng – Cái Cui. Ảnh: H.KIM


Riêng về logistics, sau khi có ý kiến chỉ đạo của Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ tại cuộc họp về xúc tiến đầu tư logistics cho vùng ĐBSCL tổ chức tại Ban Chỉ đạo Tây Nam bộ vào tháng 1-2017, UBND TP Cần Thơ đã làm các thủ tục để điều chỉnh quy hoạch khu logistics ở khu vực Cảng Cái Cui từ 76 ha lên hơn 242 ha. Việc này đã được thông qua lãnh đạo thành phố và đã gởi xin ý kiến Bộ Công Thương. Sau khi có ý kiến của Bộ Công Thương, TP Cần Thơ sẽ có quyết định điều chỉnh chính thức. Trên cơ sở đó, sẽ mời gọi đầu tư vào các dịch vụ logistics trên khu vực quy hoạch này. Đồng thời cũng làm cơ sở để giao đất cho liên doanh mới giữa Vinalines và SNP.

Như vậy, liên doanh dự kiến giai đoạn 1 là 42 ha này sẽ nằm riêng so với khu logistics?

- Liên doanh này cũng nằm trong tổng quy hoạch điều chỉnh mới hơn 242 ha của khu logistics. Trong khu này không chỉ có một nhà đầu tư mà ngoài nhà đầu tư cảng là hai đơn vị trên, còn có hệ thống kho bãi hậu cần, các dịch vụ logistics khác của nhiều nhà đầu tư khác nữa. Nhưng điều đó cũng không loại trừ việc liên doanh này hoặc hai tổng công ty Vinalines và SNP có thể đầu tư thêm những dịch vụ khác ngoài cảng liên quan tới logistics tại đây.

Thưa ông, kết quả buổi làm việc lại có phương án có thể hình thành một liên doanh giữa ba bên?

- Trong buổi làm việc này, đại diện của SNP và Vinalines đều muốn giữ vốn cổ phần là 51% khi thành lập liên doanh. Đại diện SNP cho biết Tân Cảng – Cái Cui đã hoạt động tàu container nội địa từ mấy tháng nay ngay sau khi thông luồng kênh Quan Chánh Bố và tháng 7 tới bắt đầu đón tàu container quốc tế. Còn đại diện Vinalines cho biết "chuỗi logistics" của Vinalines đã kết hợp hoạt động với Cảng Cái Cui làm hàng rời từ lâu, trước SNP nhiều năm.

Để hóa giải sự khác biệt giữa hai bên, SNP và Vinalines, chúng tôi đã xác định được các mô hình hợp tác liên doanh. Thứ nhất là liên doanh giữa SNP và Vinalines với một bên nắm 51% cổ phần. Thứ hai, nếu không khả thi, sẽ liên doanh ba bên gồm SNP, Vinalines, mỗi bên nắm 49% cổ phần và TP Cần Thơ với đại diện là Quỹ Đầu tư và phát triển Cần Thơ tham gia 2% cổ phần để có thể hài hòa lợi ích giữa các bên. Tất cả nội dung này sẽ được thông qua Thường trực UBND TP Cần Thơ và báo cáo với Thủ tướng Chính phủ trước ngày 31-3 này.

Xin cảm ơn ông!
Huỳnh Kim (thực hiện)

Bài đã đăng báo Cần Thơ 30-3-2017:



3 tháng, Cần Thơ thu hút gần 1,86 triệu lượt du khách

(TBKTSG Online)- Ba tháng qua, có gần 1,86 triệu lượt khách du lịch đến với Cần Thơ, tăng 10% so với cùng kỳ năm ngoái, đa phần thích tham quan sông nước, miệt vườn.
Du khách thích tour sông nước Cần Thơ.
Trong ảnh là tour tham quan cầu Cần Thơ của du khách Sài Gòn. (H.KIM)

Theo ông Lê Minh Sơn, Phó giám đốc Sở Văn hóa Thể thao, Du lịch (VHTT&DL) TP. Cần Thơ, 3 tháng đầu năm nay, trong số gần 1,86 triệu du khách đến với Cần Thơ, có gần 450.000 lượt khách lưu trú, trong đó có hơn 75.000 khách nước ngoài. Tổng doanh thu du lịch đạt trên 496 tỉ đồng, tăng 2% so với cùng kỳ năm 2016. Khoảng 70% du khách đến Cần Thơ thích đi các tour sông nước miệt vườn, làng nghề, nhất là tham quan chợ nổi Cái Răng, cầu Cần Thơ.

Ông Nguyễn Hoàng Ơn, Giám dốc Trung tâm Phát triển du lịch Cần Thơ, cho biết trong 3 tháng tới, du lịch Cần Thơ có thêm các sự kiện có thể thu hút du khách như lễ hội Bánh dân gian Nam bộ, ngày hội vườn trái cây Tân Lộc, ngày hội du lịch văn hóa chợ nổi Cái Răng, ngày hội văn hóa - đêm hoa đăng Ninh Kiều, ngày hội du lịch sinh thái Phong Điền...


Ngành du lịch Cần Thơ cũng vừa triển khai Bộ Quy tắc ứng xử văn minh du lịch của Bộ VHTT&DL; công bố đường dây nóng hỗ trợ du khách (0888.177.666), trang thông tin quảng bá du lịch song ngữ Việt - Anh (http://tourismcantho.vn)... và dự kiến đón 5,6 triệu lượt khách, trong đó có hơn 600.000 khách quốc tế, doanh thu 2.000 tỉ đồng vào cuối năm nay. Năm ngoái, Cần Thơ đã đón hơn 5,34 triệu lượt khách, doanh thu 1.826 tỉ đồng.

* Đã đăng tại TBKTSG Online 31-3-2017:

Satra mở thêm 2 cửa hàng Satrafoods tại Cần Thơ

(TBKTSG Online) – Sau 2 cửa hàng khai trương hồi tháng 1-2017, sáng nay 29-3, Tổng công ty Thương mại Sài Gòn (Satra) đã mở thêm 2 cửa hàng Satrafoods tại quận Ninh Kiều, thành phố Cần Thơ; là cửa hàng thứ 109 trong chuỗi cửa hàng thực phẩm tiện lợi Satrafoods có mặt trên thị trường bán lẻ trong nước.
Những khách hàng đầu tiên mua hàng tại cửa hàng Satra Foods
trên đường 3-2, Cần Thơ sáng ngày 29-3. Ảnh: HK

Cửa hàng Satrafoods thứ 108 nằm tại 201 đường 3-2, quận Ninh Kiều và Satrafoods thứ 109 nằm tại 138 G 2/20 đường Nguyễn Văn Cừ, quận Ninh Kiều, Cần Thơ.

Trao đổi với TBKTSG Online, bà Nguyễn Thị Thanh Hằng, Giám đốc Trung tâm điều hành bán lẻ Satra Cần Thơ, cho biết hàng hóa bán tại đây có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng, truy xuất được nguồn gốc và đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm với giá cạnh tranh.

Rau sạch, có các loại rau sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP, GlobalGAP, rau canh tác hữu cơ. Trái cây có nhiều loại đặc sản của miền Tây Nam bộ và nhập khẩu chính ngạch từ Hà Lan, Pháp, Hàn Quốc, Mỹ, New Zeland…  cùng nhiều loại thực phẩm khác, đáp ứng được các nhu cầu thiết yếu và tiện ích của hộ gia đình.

Bà Hằng cũng cho biết, kế hoạch đến cuối năm nay, Satra sẽ mở thêm 6 cửa hàng tiện ích như vậy tại thành phố Cần Thơ.

Cần Thơ hiện có 16 siêu thị, trung tâm thương mại, 109 chợ truyền thống và cửa hàng tiện tích; tổng mức lưu chuyển hàng hóa tại Cần Thơ năm 2016 đạt hơn 95.624 tỉ đồng. Những thương hiệu lớn như LotteMart, Vincom, VinMart, CoopMart, Big C, Metro, Sense City, Nguyễn Kim, Sài Gòn Chợ Lớn, Satra… đã có mặt tại Cần Thơ.

Đã đăng TBKTSG Online 29-3-2017:


Hai phương án lập liên doanh cảng Cái Cui

(TBKTSG Online) - Có hai phương án đề nghị Thủ tường Chính phủ quyết định về việc thành lập liên doanh khai thác cụm cảng Cái Cui kết hợp với kinh doanh logistics tại Cần Thơ.

Tàu container của SPN cập cảng Tân cảng – Cái Cui. Ảnh: HK

Cuối buổi làm việc vào chiều nay (28-3) giữa đại diện lãnh đạo thành phố Cần Thơ, Bộ Quốc phòng, Bộ Giao thông vận tải, Ban Chỉ đạo Tây Nam bộ, Tổng công ty Tân cảng Sài Gòn (SNP), Tổng công ty Hàng hải Việt Nam (Vinalines), ông Võ Thành Thống, Chủ tịch UBND TP. Cần Thơ, đơn vị được Chính phủ giao chủ trì cuộc họp và phải có báo cáo trước ngày 31-3-2017, cho biết đã thống nhất được hai phương án đề nghị Thủ tướng Chính phủ về việc lập liên doanh để khai thác cụm cảng Cái Cui gắn với hoạt động logistics.


Ông Thống nói: “Để hóa giải sự khác biệt giữa hai bên, SNP và Vinalines, chúng ta đã xác định được các mô hình hợp tác liên doanh. Thứ nhất là liên doanh giữa SNP và Vinalines, sẽ có một bên nắm 51% cổ phần. Thứ hai, nếu không khả thi, sẽ liên doanh ba bên gồm SNP, Vinalines - mỗi bên nắm 49% cổ phần và TP.Cần Thơ với đại diện là Quỹ Đầu tư và Phát triển Cần Thơ tham gia 2% cổ phần để có thể hài hòa lợi ích giữa các bên”.



Ông Thống cũng cho biết, Thường trực UBND TP. Cần Thơ sẽ báo cáo Chính phủ nội dung này trước ngày 31-3-2017. Lý do, theo ông Thống, sau hai lần làm việc tại Cần Thơ mới đây về quy hoạch cảng biển trung tâm ĐBSCL, Phó thủ tướng Vương Đình Huệ đã chỉ đạo phải sớm hình thành liên doanh giữa Tân cảng – Cái Cui (thuộc SNP) và cảng Cái Cui (thuộc Vinalines) chỉ nằm cách nhau hơn 200 mét bên bờ sông Hậu (thuộc quận Cái Răng, TP. Cần Thơ).

Phó thủ tướng Vương Đình Huệ cũng yêu cầu phải gắn hoạt động cảng biển, hàng hải với logistics tại đây theo quy hoạch khu vực logistics hơn 242 héc ta liền kề nhằm phát triển kinh tế - xã hội, an ninh quốc phòng chung cho cả ĐBSCL. Phó thủ tướng cũng đề nghị liên doanh này có thể ra đời vào tháng 6-2017.


Trong buổi làm việc chiều nay, đại diện của SPN và Vinalines đều muốn giữ vốn cổ phần là 51% khi thành lập liên doanh. Đại diện SPN cho biết Tân cảng – Cái Cui đã hoạt động tàu container nội địa từ mấy tháng nay ngay sau khi thông luồng kênh Quan Chánh Bố và tháng 7 tới bắt đầu đón tàu container quốc tế. Đại diện Vinalines cho biết “chuỗi logistics” của Vinalines đã kết hợp hoạt động với cảng Cui (làm hàng rời) từ lâu, trước SPN nhiều năm.



Đã đăng TBKTSG Online 28-3-2017: