Thứ Sáu, 28 tháng 12, 2018

Đại học Cần Thơ chào hàng công nghệ 4.0 trong nông nghiệp


Huỳnh Kim
Thứ Sáu,  28/12/2018, 13:51 


(TBKTSG Online) - Trường Đại học Cần Thơ (ĐHCT) mong các doanh nghiệp và các địa phương ở ĐBSCL đặt hàng nhà trường trong ứng dụng công nghệ 4.0 vào sản xuất nông nghiệp.

Các đại biểu tham quan các mô hình ứng dụng công nghệ 4.0 bên ngoài hội thảo tại Đại học Cần Thơ sáng ngày 28-12-2018. Ảnh: Huỳnh Kim

Đó là nhấn mạnh của GS.TS Hà Thanh Toàn, Hiệu trưởng trường ĐHCT, tại hội thảo “Ứng dụng công nghệ 4.0 trong nông nghiệp”, tổ chức sáng nay, 28-12. Giáo sư Toàn cho biết tại một hội thảo chuyên đề về đất mới đây ở ĐHCT, các nhà khoa học đã cảnh báo đất đai vùng ĐBSCL đang trong quá trình thoái hóa do thâm canh nông nghiệp, thủy sản chạy theo số lượng và sử dụng quá nhiều phân bón, thuốc hóa học trong thời gian dài.

Đây là lý do để ĐHCT đẩy mạnh đào tạo và nghiên cứu ứng dụng công nghệ 4.0 vào nông nghiệp bao gồm thủy sản cho ĐBSCL để có chuỗi sản phẩm sạch, chất lượng phục vụ hệ thống siêu thị trong, ngoài nước và gia tăng lợi tức cho nông dân.

“Chúng tôi sẵn sàng liên kết với các doanh nghiệp và các tỉnh, thành vùng ĐBSCL thực hiện các mô hình, dự án cụ thể để nông dân có thể ứng dụng được công nghệ 4.0 nhằm mục đích này. Mong các địa phương và doanh nghiệp đặt hàng bài bản với ĐHCT”, ông Toàn nói.

Theo TS Lương Vinh Quốc Danh (Khoa Công nghệ, ĐHCT), thị trường nông nghiệp thông minh trên thế giới từ 5,1 tỉ đô la Mỹ năm 2016 dự báo sẽ đạt 15,34 tỉ đô la vào năm 2025. Riêng ở Việt Nam, dù Chính phủ đang chủ trương “chuyển từ nông nghiệp hóa học sang nông nghiệp hữu cơ, nông nghiệp thông minh” nhưng đa số nông dân vẫn quen canh tác, nuôi trồng theo kinh nghiệm, truyền thống và sự liên kết giữa nghiên cứu, quản lý với chuyển giao, ứng dụng còn rời rạc. Ngoài ra, quy mô sản xuất nhỏ, không tập trung ở ĐBSCL với trên 97% doanh nghiệp vừa, nhỏ và rất nhỏ.

Ông Danh cho biết trường ĐHCT đang cùng một số doanh nghiệp và địa phương ở ĐBSCL, Lâm Đồng ứng dụng hiệu quả nhiều loại hình của công nghệ 4.0, thông qua điện thoại thông minh, trong làm vườn, trồng lúa, nuôi tôm cá, chăn nuôi gia súc.

Các thiết bị và công nghệ 4.0 do ĐHCT lắp đặt và ứng dụng phần nhiều được sản xuất tại Việt Nam, phù hợp thực tế, giá thành thấp hơn hàng nhập khẩu. Thí dụ, thiết bị giám sát độ ẩm của đất “từng phút một” để tưới nước từ điện thoại thông minh cho vườn cam ở Bình Thủy (Cần Thơ), đã tiết kiệm được 25% nước tưới.

Thiết bị giám sát thông số môi trường ao nuôi tôm cá từ điện thoại di động đã giúp nhiều người nuôi ven biển ĐBSCL phát hiện sớm nguồn nước ô nhiễm, kịp ngăn thủy sản chết hàng loạt, giúp giảm chi phí nhân công và tiền điện.

Thiết bị tự động hóa chăn nuôi gia súc đã giúp một đàn bò ở Lâm Đồng tăng lượng sữa, xử lý thức ăn thừa, khai thác sữa hợp lý. Những công nghệ khác trong rồng rau thủy canh, trồng dưa lưới nhà màng, chiếu sáng đèn led cho thanh long... giúp tăng sản lượng, chất lượng và rút ngắn thời gian canh tác.

Riêng công nghệ bay không người lái (UAV) giám sát ruộng lúa ở Định Thành hợp tác với Tập đoàn Lộc Trời (An Giang) từ năm 2015, tuy đem lại nhiều kết quả tốt nhưng, theo ông Danh, “gặp khó vì Thông tư 36/CP về quản lý thiết bị UAV, nên chúng tôi phải dừng chương trình ứng dụng này”.

TS Lương Vinh Quốc Danh cũng cho biết trong thực tế, điều khó khăn nhất trong triển khai ứng dụng công nghệ 4.0 của ĐHCT tại nhiều nơi là nguồn nhân lực, cả ở địa phương, doanh nghiệp và nông dân.

Ông kiến nghị 4 việc: tăng cường đào tạo người biết ứng dụng công nghệ cao, đổi mới giáo trình giảng dạy tại các trường đại học, cao đẳng; tạo điều kiện về vốn, thuế, tập huấn cho doanh nghiệp nhỏ và vừa, trang trại, hợp tác xã; tăng cường gắn kết giữa nghiên cứu, quản lý và chuyển giao ứng dụng; tăng đầu tư cho nghiên cứu sử dụng công nghệ phù hợp thực tiễn và hạ giá thành.

“Không thể có nông nghiệp 4.0 với nguồn nhân lực 0.4”, TS Danh nhấn mạnh.

* Đã đăng TBKTSG Online 28-12-2018:

Sau một năm thực hiện Nghị quyết 120/NQ-CP: Nhiều việc cần làm ngay


Nghị quyết số 120/NQ-CP (Nghị quyết 120) của Chính phủ về Phát triển bền vững ĐBSCL thích ứng với biến đổi khí hậu, ban hành ngày 17-11-2017, liên quan tới gần 30 bộ, ngành và các tỉnh, thành vùng ĐBSCL. Trước đó, phát biểu tại hội nghị chuyên đề để có Nghị quyết này, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã nhấn mạnh, ĐBSCL phát triển theo hướng “thuận thiên” là chính. Tại một hội thảo mới đây ở Trường Đại học Cần Thơ nhìn lại thực tế một năm thực hiện Nghị quyết này, nhiều ý kiến cho rằng còn rất nhiều việc phải làm.

Huỳnh Kim

Những việc đã làm

Sau một năm thực hiện Nghị quyết 120, từ cấp Chính phủ đến địa phương, nhiều tổ chức quốc tế và trong nước đã triển khai được nhiều việc. Ngày 18-12-2017, Văn phòng Chính phủ có Công văn 13449/VPCP-NN về việc lập kế hoạch triển khai Nghị quyết 120, trong đó giao Bộ Tài nguyên và Môi trường (TN&MT) chủ trì, phối hợp với các bộ, cơ quan lập Chương trình hành động tổng thể, báo cáo Thủ tướng phê duyệt trước tháng 2-2018 và yêu cầu các bộ, ban ngành báo cáo tiến độ thực hiện hằng năm. Tháng 12-2017, Bộ TN&MT đề xuất các nhiệm vụ, đề án, dự án triển khai thực hiện Nghị quyết 120. Đến ngày 26-3-2018, Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT) ban hành Quyết định số 337 về Kế hoạch triển khai Nghị quyết 120, xây dựng “Quy hoạch tổng thể phát triển bền vững ĐBSCL thích ứng với biến đổi khí hậu đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050”. Quy hoạch này lồng ghép hợp phần 6 của dự án “Chống chịu khí hậu tổng hợp và sinh kế bền vững vùng ĐBSCL” dưới sự tài trợ của Ngân hàng Thế giới.

3 hình minh họa: TS Lê Anh Tuấn, Phó Viện trưởng VIỆN Nghiên cứu Biến đổi Khí hậu – Trường Đại học Cần Thơ

Mô hình lúa - tôm, mô hình tôm rừng sinh thái ở vùng ven biển ở Kiên Giang, Cà Mau,
Bạc Liêu, Sóc Trăng, Trà Vinh.

Mô hình đa canh kết hợp lúa - màu - chăn nuôi trên các vùng giồng cát, vùng nước lợ
ở Sóc Trăng, Trà Vinh, Bến Tre…

Mô hình lúa - màu (sen, rau), lúa - cây ăn trái, kết hợp du lịch ở vùng ngập lũ sâu hoặc lũ nông ở An Giang, Đồng Tháp, Cần Thơ, Vĩnh Long… (Mô hình đa canh ở vùng ngập lũ).

Trong khi đó, các địa phương vùng ĐBSCL đã lập danh mục các dự án đầu tư phát triển bền vững và thích ứng với biến đổi khí hậu, nước biển dâng trình Bộ TN&MT và Bộ KH&ĐT. Các tỉnh cũng đã liên kết phát triển bền vững ở tiểu vùng Đồng Tháp Mười, Tứ giác Long Xuyên, Bán đảo Cà Mau và Duyên hải phía Đông; triển khai dự án phát triển du lịch ĐBSCL thích ứng biến đổi khí hậu và triển khai các hoạt động sử dụng kinh phí địa phương và gắn kết dự án tài trợ.

Nhiều tổ chức quốc tế và trong nước cũng đã tổ chức nhiều hoạt động. Đại sứ quán Hà Lan, Tổ chức IUCN phối hợp Bộ TN&MT, Hội Nông dân Việt Nam và Trường Đại học Cần Thơ đã tổ chức hội thảo, tập huấn, truyền thông điệp cốt lõi của Kế hoạch ĐBSCL nhằm hỗ trợ triển khai Nghị quyết 120 cho 13 tỉnh, thành ĐBSCL. Trong tháng 11 vừa qua, Đại sứ quán Hà Lan cũng đã làm việc về cơ chế tài chính thực hiện Nghị quyết này.

Tuy nhiên, TS Đặng Kiều Nhân, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Phát triển ĐBSCL thuộc Trường Đại học Cần Thơ, cho rằng: “Các dự án mang tính tổng thể, cấp thiết như nội hàm của Nghị quyết 120 thì chưa phát triển”. Về kinh phí thực hiện Nghị quyết 120, vấn đề bao trùm, tại cuộc họp của Quốc hội hồi tháng 11-2018, Thủ tướng nói Chính phủ sẽ dành 12.000 tỉ đồng cho phát triển bền vững ĐBSCL, nhưng chưa rõ giai đoạn nào?...

Và nhiều việc cần làm ngay

Theo GS.TS Hà Thanh Toàn, Hiệu trưởng Trường Đại học Cần Thơ, ĐBSCL đang đối mặt với nhiều thách thức do biến đổi khí hậu và nước biển dâng, ảnh hưởng đến sinh kế và đời sống của người dân, đòi hỏi phải có những giải pháp toàn diện, lâu dài, cấp bách để phát triển bền vững. “Trường Đại học Cần Thơ cam kết đồng hành với các tỉnh, thành vùng ĐBSCL và sẵn sàng làm đầu mối trong công cuộc phát triển ĐBSCL, thích ứng với biến đổi khí hậu”. 

Ông Lê Minh Hoan, Bí thư Tỉnh ủy Đồng Tháp, cho rằng sớm có một ban điều hành hay ban điều phối cho cả vùng ĐBSCL để thực hiện Nghị quyết 120. Từ đó, theo ông, cần thống nhất sớm hiện thực hóa quan điểm của Nghị quyết này là chuyển từ “tư duy sản xuất nông nghiệp” sang “tư duy kinh tế nông nghiệp”. “Để làm được điều này, cần có đội ngũ các chuyên gia, nhà khoa học kết nối với cộng đồng doanh nghiệp để dẫn dắt người nông dân thay đổi cách làm ăn. Trường Đại học Cần Thơ hoàn toàn có thể hỗ trợ về khoa học công nghệ để làm được việc này” - ông Hoan kỳ vọng.

Nhiều ý kiến của các chuyên gia, nhà quản lý cho rằng để thực hiện Nghị quyết 120, cần thống nhất những vấn đề lớn liên quan đến nhận thức về mặn - hạn - lũ; về quản lý khai thác bền vững tài nguyên thiên nhiên. Cần có đề án liên kết bốn tiểu vùng tại ĐBSCL. Cần cập nhật và hệ thống hóa số liệu, dữ liệu; thực hiện công tác điều tra cơ bản; hoàn thiện và bổ sung hệ thống cơ chế, chính sách; rà soát, hoàn thiện và xây dựng các phương án quy hoạch. Ngoài ra, phải điều tra cơ bản về tài nguyên và môi trường vùng ĐBSCL. Điều tra tổng hợp tài nguyên, môi trường vùng biển Tây Nam bộ phục vụ phát triển kinh tế biển. Xây dựng các điểm quan trắc, giám sát, cảnh báo và dự báo môi trường; hệ thống giám sát nguồn nước; dự báo, cảnh báo hạn hán và xâm nhập mặn. Tham gia cập nhật, hoàn thiện và công bố định kỳ kịch bản biến đổi khí hậu và nước biển dâng cho đồng bằng.

Các quyết sách thực hiện Nghị quyết 120 cần phù hợp với kiến thức bản địa và cần áp dụng khoa học tiên tiến mà không gây hối tiếc hoặc chỉ hối tiếc thấp. Bởi  thực tế nông dân ĐBSCL đã tự tìm được nhiều giải pháp thích ứng hợp với tinh thần “thuận thiên” của Nghị quyết 120. Như mô hình lúa - tôm; mô hình tôm - rừng sinh thái ven biển ở Kiên Giang, Cà Mau, Bạc Liêu, Sóc Trăng, Trà Vinh; mô hình đa canh kết hợp lúa - màu - chăn nuôi trên các vùng giồng cát, vùng nước lợ ở Sóc Trăng, Trà Vinh, Bến Tre; lúa - cây ăn trái kết hợp du lịch ở vùng ngập lũ sâu hoặc lũ nông ở An Giang, Đồng Tháp, Cần Thơ, Vĩnh Long…

Chính phủ cần sớm ban hành chính sách khuyến khích, huy động các nguồn lực xã hội trong nước và nước ngoài cho đầu tư, phát triển vùng ĐBSCL, tập trung vào hạ tầng giao thông, thủy lợi. Đồng thời xây dựng hệ thống cơ sở dữ liệu thống nhất để làm cơ sở cho việc nghiên cứu, triển khai các giải pháp ứng phó với biến đổi khí hậu chung cho toàn vùng...

* Đã đăng Báo Cần Thơ Online 25-12-2018:

ĐBSCL: “Thuận thiên dã tồn”

Huỳnh Kim
Thứ Năm,  20/12/2018, 08:30 


(TBKTSG) - Tuần rồi, TBKTSG phối hợp với trường Đại học Cần Thơ tổ chức hội thảo “Sau một năm thực hiện Nghị quyết 120/NQ-CP về phát triển bền vững ĐBSCL thích ứng với biến đổi khí hậu”. Sau đây là lược ghi ý kiến của một số đại biểu tại hội thảo.

Quang cảnh hội thảo bàn về Nghị quyết 120 ngày 14-12-2018. Ảnh: Huỳnh Kim

GS.TS. Hà Thanh Toàn - Hiệu trưởng trường Đại học Cần Thơ (ĐHCT):
Phải có giải pháp toàn diện, vừa cấp bách vừa lâu dài


- ĐBSCL đóng góp hơn 95% lượng gạo xuất khẩu, 70% sản lượng trái cây, 74,6% sản lượng thủy sản nuôi trồng cả nước. Trong bối cảnh hội nhập kinh tế, ĐBSCL có nhiều cơ hội phát triển nhưng cũng đang đối mặt với nhiều thách thức do đây là vùng đất mẫn cảm với thay đổi của tự nhiên. Biến đổi khí hậu và nước biển dâng diễn ra nhanh hơn dự báo, gây ra nhiều hiện tượng thời tiết cực đoan, ảnh hưởng đến sinh kế và đời sống của người dân, đòi hỏi phải có những giải pháp toàn diện, lâu dài, cấp bách để phát triển bền vững ĐBSCL.

Trường ĐHCT vừa làm việc với Nhật Bản về chương trình hợp tác với 9 trường đại học của Nhật để thực hiện các đề tài nghiên cứu cho ĐBSCL với vốn đầu tư ban đầu hơn 85 tỉ đồng. Các đề tài này phần lớn phù hợp với mục tiêu của Nghị quyết 120. ĐHCT cam kết đồng hành với các tỉnh, thành vùng ĐBSCL và sẵn sàng làm đầu mối trong công cuộc phát triển ĐBSCL thích ứng với biến đổi khí hậu.

PGS.TS. Lê Việt Dũng - Phó hiệu trưởng trường ĐHCT:
Cần thống nhất nhiều vấn đề lớn


- Để thực hiện hiệu quả Nghị quyết 120, cần thống nhất những vấn đề lớn liên quan đến nhận thức về mặn - hạn - lũ; về quản lý khai thác bền vững tài nguyên thiên nhiên. Cần có đề án liên kết bốn tiểu vùng tại ĐBSCL. Cần cập nhật và hệ thống hóa số liệu, dữ liệu; thực hiện công tác điều tra cơ bản; hoàn thiện và bổ sung hệ thống cơ chế, chính sách; rà soát, hoàn thiện và xây dựng các phương án quy hoạch.

Ngoài ra, phải điều tra cơ bản về tài nguyên và môi trường vùng ĐBSCL. Điều tra tổng hợp tài nguyên, môi trường vùng biển Tây Nam bộ phục vụ phát triển kinh tế biển. Xây dựng các điểm quan trắc, giám sát, cảnh báo và dự báo môi trường; hệ thống giám sát nguồn nước; dự báo, cảnh báo hạn hán và xâm nhập mặn. Tham gia cập nhật, hoàn thiện và công bố định kỳ kịch bản biến đổi khí hậu và nước biển dâng cho đồng bằng.

Ông Lê Minh Hoan - Bí thư Tỉnh ủy Đồng Tháp:
Chuyển sang “tư duy kinh tế nông nghiệp”


- Với Nghị quyết 120, nếu không có một ban điều hành hay ban điều phối cho cả vùng ĐBSCL, thì đừng nói đến chuyện thực hiện nghị quyết. Cần sớm hiện thực hóa quan điểm của nghị quyết này là chuyển từ “tư duy sản xuất nông nghiệp” sang “tư duy kinh tế nông nghiệp”. Để làm được điều đó, cần có đội ngũ các chuyên gia, nhà khoa học kết nối với cộng đồng doanh nghiệp để dẫn dắt người nông dân thay đổi cách làm ăn.
Nhưng trước hết phải làm cho tư duy đó đến được với chính người nông dân. Đồng Tháp đang bền bỉ chuyển tải những kiến thức kinh tế thành những ngôn ngữ đời thường, bằng các mô hình thiết thực ở các địa phương trong và ngoài tỉnh, thông qua các “Hội quán nông dân”, để giúp bà con hướng đến sự thay đổi. Ở đó đã có sự kết nối của nhiều chuyên gia, nhà khoa học và các nhà doanh nghiệp.

Bà Lê Thị Minh Phụng, Phó chủ tịch UBND tỉnh Kiên Giang:
Tinh thần là “chủ động - thích ứng”


- Kiên Giang đã cụ thể hóa Nghị quyết 120 với tinh thần “chủ động - thích ứng” để phát triển kinh tế nông nghiệp, nông thôn. Tỉnh đã chủ động đầu tư hệ thống thủy lợi, đê và cống ven biển nhằm kiểm soát mặn - ngọt, điều tiết nước phục vụ đời sống và sản xuất theo đề án tái cơ cấu nông nghiệp kết hợp với các công trình thuộc dự án thoát lũ ra biển Tây.

Còn thích ứng là ở các giải pháp phi công trình như tạo bãi bồi, tái tạo rừng phòng hộ làm “đê mềm”, điều chỉnh cơ cấu cây trồng hợp lý. Bên cạnh đó là phổ biến kiến thức về biến đổi khí hậu tới cộng đồng dân cư giúp người dân có ý thức hơn trong việc bảo vệ môi trường, sản xuất nông nghiệp sạch và bền vững.

Trên cơ sở “chủ động - thích ứng”, Kiên Giang đã phân vùng sản xuất theo từng tiểu vùng sinh thái ngọt, lợ, mặn; chủ động dần trong từng khâu sản xuất giống, thâm canh, chế biến, bảo quản và phân phối sản phẩm nông, lâm, thủy sản tạo chuỗi khép kín; từng bước thay đổi tư duy từ sản xuất nông nghiệp thuần túy sang kinh tế nông nghiệp, kinh tế nông thôn; xoay trục vào nhóm sản phẩm nông nghiệp thủy sản - cây ăn trái - lúa gạo.

Đề nghị Chính phủ sớm ban hành chính sách khuyến khích, huy động các nguồn lực xã hội trong nước và nước ngoài cho đầu tư, phát triển vùng ĐBSCL, tập trung vào hạ tầng giao thông, thủy lợi. Đồng thời xây dựng hệ thống cơ sở dữ liệu thống nhất để làm cơ sở cho việc nghiên cứu, triển khai các giải pháp ứng phó với biến đổi khí hậu chung cho toàn vùng.

Ông Nguyễn Hữu Lập - Phó chủ tịch UBND tỉnh Bến Tre:
Quy hoạch kinh tế-xã hội gắn với phát triển bền vững


- Bến Tre chuẩn bị xây dựng quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội tích hợp với sự phát triển bền vững của cả vùng. Tỉnh đang đẩy mạnh tuyên truyền người dân chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu bằng việc tham gia trồng và bảo vệ hệ thống rừng phòng hộ, rừng ngập mặn. Tỉnh cũng đang vận dụng các bài học kinh nghiệm từ thực tiễn để thay đổi tư duy trong sản xuất. Đó là thực hiện các mô hình canh tác lúa chịu mặn; tôm - lúa; mô hình nuôi tôm hai giai đoạn (ươm tôm giống và nuôi tôm thương phẩm trong hệ thống nuôi trồng thủy sản tuần hoàn); mô hình thâm canh bưởi da xanh thích ứng với biến đổi khí hậu; xây dựng các công trình, dự án thủy lợi trọng điểm phục vụ ngăn mặn, trữ ngọt; xây dựng hệ thống đê biển ứng phó với nước biển dâng và kết hợp làm tuyến giao thông ven biển.

Bến Tre đề nghị Chính phủ sớm ban hành Chương trình hành động tổng thể thực hiện Nghị quyết 120 và Quy hoạch phát triển vùng ĐBSCL. Đồng thời, đề nghị trường ĐHCT và các viện, trường tiếp tục hỗ trợ các tỉnh ĐBSCL trong nghiên cứu và nâng cao chất lượng nguồn nhân lực.

Ông Lê Văn Sử - Phó chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau:
Vai trò của trường ĐHCT rất quan trọng 


- Chủ trương thích ứng với biến đổi khí hậu đặt ra quy hoạch nhưng hiện chưa có tiếng nói chung của nhiều ban ngành về việc này. Quy hoạch vùng cũng chưa rõ. ĐBSCL cần có cơ quan điều phối chung trong việc thực hiện Nghị quyết 120. Việc tổ chức bộ máy thế nào thì đợi sau khi có chương trình hành động tổng thể thực hiện Nghị quyết 120 do Bộ Kế hoạch và Đầu tư đang chủ trì thực hiện.

Vai trò của trường ĐHCT rất quan trọng vì là trường trung tâm ĐBSCL, đào tạo đa ngành. Các tỉnh nên kết hợp chặt chẽ với ĐHCT và đặt hàng nhà trường thực hiện các nghiên cứu cho địa phương.

Bà Võ Thị Hồng Ánh - Phó chủ tịch UBND thành phố Cần Thơ:
Phải tạo ra sản phẩm có chất lượng


- Hoạt động sản xuất nông nghiệp phải cân đối cung cầu. Trong bối cảnh hội nhập, công nghiệp 4.0 sẽ góp phần tạo ra sản phẩm có chất lượng, đáp ứng được yêu cầu thị trường. Chúng ta không thể chậm hơn vì khách hàng luôn cần biết rõ sản phẩm có nguồn gốc và quy trình sản xuất.

Nhưng hiện nay đó là “nút thắt”, nên khi thực hiện Nghị quyết 120 phải lưu ý điều này, để có được sản phẩm chất lượng. Trong khi đó, nhiều doanh nghiệp đang gặp khó khăn trong tiếp cận vốn, đồng thời việc thiếu đồng bộ về quy hoạch hạ tầng cũng là một cản trở để họ làm ra sản phẩm có chất lượng.

Sản phẩm chủ lực của ĐBSCL là lúa gạo, tôm cá và cây ăn trái, nhưng cần phải đa dạng sản phẩm gắn với giá trị gia tăng. Thí dụ với cá tra, từ đầu cá, ruột cá, da cá đều có thể tạo ra sản phẩm giá trị gia tăng, chứ không nên chỉ là sản phẩm phi lê như hiện nay.

PGS.TS. Lê Anh Tuấn - Phó viện trưởng Viện Nghiên cứu biến đổi khí hậu ĐHCT:
“Thuận thiên dã tồn, nghịch thiên dã vong”

- Thực tế, nông dân ĐBSCL đã tự tìm được nhiều giải pháp hợp với tinh thần “thuận thiên” của Nghị quyết 120. Lúc đầu chỉ là những phát kiến đơn lẻ của một số nông dân tiên tiến, sau được sự hỗ trợ của các nhà khoa học và các tổ chức phi chính phủ, các mô hình này dần được hoàn thiện và mở rộng.

Việc tiếp cận thích ứng với biến đổi khí hậu dựa vào hệ sinh thái giúp cộng đồng dân cư chọn lựa các giải pháp thích ứng phù hợp một cách mềm dẻo, ứng phó với các tác động tiêu cực của biến đổi khí hậu; giảm khả năng dễ bị tổn thương và nâng cao khả năng phục hồi trước thiên tai và bất thường của thời tiết. Các giải pháp này chú trọng bảo tồn và khôi phục các hệ sinh thái, quản lý bền vững, tạo lợi ích cho xã hội và môi trường đồng thời cung cấp các dịch vụ sinh thái bền vững.

Do vậy, khi đưa ra các quyết định, luật lệ hiện hành cần có điều chỉnh phù hợp với các kiến thức bản địa và hợp với việc áp dụng các tiến bộ khoa học công nghệ tiên tiến mà không gây hối tiếc hoặc chỉ hối tiếc thấp. Bởi vì: “Thuận thiên dã tồn, nghịch thiên dã vong”.

* Đã đăng TBKTSG Online 20-12-2018: