Huỳnh Kim
Thứ Năm, 20/12/2018, 08:30
(TBKTSG) - Tuần rồi, TBKTSG phối hợp với trường
Đại học Cần Thơ tổ chức hội thảo “Sau một năm thực hiện Nghị quyết 120/NQ-CP về
phát triển bền vững ĐBSCL thích ứng với biến đổi khí hậu”. Sau đây là lược ghi
ý kiến của một số đại biểu tại hội thảo.
Quang cảnh hội thảo bàn về Nghị quyết 120 ngày 14-12-2018. Ảnh: Huỳnh Kim |
GS.TS. Hà Thanh
Toàn - Hiệu trưởng trường Đại học Cần Thơ (ĐHCT):
Phải có giải pháp toàn diện, vừa cấp bách vừa lâu dài- ĐBSCL đóng góp hơn 95% lượng gạo xuất khẩu, 70% sản lượng trái cây, 74,6% sản lượng thủy sản nuôi trồng cả nước. Trong bối cảnh hội nhập kinh tế, ĐBSCL có nhiều cơ hội phát triển nhưng cũng đang đối mặt với nhiều thách thức do đây là vùng đất mẫn cảm với thay đổi của tự nhiên. Biến đổi khí hậu và nước biển dâng diễn ra nhanh hơn dự báo, gây ra nhiều hiện tượng thời tiết cực đoan, ảnh hưởng đến sinh kế và đời sống của người dân, đòi hỏi phải có những giải pháp toàn diện, lâu dài, cấp bách để phát triển bền vững ĐBSCL.
Trường ĐHCT vừa làm việc
với Nhật Bản về chương trình hợp tác với 9 trường đại học của Nhật để thực hiện
các đề tài nghiên cứu cho ĐBSCL với vốn đầu tư ban đầu hơn 85 tỉ đồng. Các đề
tài này phần lớn phù hợp với mục tiêu của Nghị quyết 120. ĐHCT cam kết đồng
hành với các tỉnh, thành vùng ĐBSCL và sẵn sàng làm đầu mối trong công cuộc
phát triển ĐBSCL thích ứng với biến đổi khí hậu.
PGS.TS. Lê Việt
Dũng - Phó hiệu trưởng trường ĐHCT:
Cần thống nhất nhiều vấn đề lớn- Để thực hiện hiệu quả Nghị quyết 120, cần thống nhất những vấn đề lớn liên quan đến nhận thức về mặn - hạn - lũ; về quản lý khai thác bền vững tài nguyên thiên nhiên. Cần có đề án liên kết bốn tiểu vùng tại ĐBSCL. Cần cập nhật và hệ thống hóa số liệu, dữ liệu; thực hiện công tác điều tra cơ bản; hoàn thiện và bổ sung hệ thống cơ chế, chính sách; rà soát, hoàn thiện và xây dựng các phương án quy hoạch.
Ngoài ra, phải điều tra cơ
bản về tài nguyên và môi trường vùng ĐBSCL. Điều tra tổng hợp tài nguyên, môi
trường vùng biển Tây Nam bộ phục vụ phát triển kinh tế biển. Xây dựng các điểm
quan trắc, giám sát, cảnh báo và dự báo môi trường; hệ thống giám sát nguồn
nước; dự báo, cảnh báo hạn hán và xâm nhập mặn. Tham gia cập nhật, hoàn thiện
và công bố định kỳ kịch bản biến đổi khí hậu và nước biển dâng cho đồng bằng.
Ông Lê Minh Hoan -
Bí thư Tỉnh ủy Đồng Tháp:
Chuyển sang “tư duy kinh tế nông nghiệp”- Với Nghị quyết 120, nếu không có một ban điều hành hay ban điều phối cho cả vùng ĐBSCL, thì đừng nói đến chuyện thực hiện nghị quyết. Cần sớm hiện thực hóa quan điểm của nghị quyết này là chuyển từ “tư duy sản xuất nông nghiệp” sang “tư duy kinh tế nông nghiệp”. Để làm được điều đó, cần có đội ngũ các chuyên gia, nhà khoa học kết nối với cộng đồng doanh nghiệp để dẫn dắt người nông dân thay đổi cách làm ăn.
Nhưng trước hết phải làm
cho tư duy đó đến được với chính người nông dân. Đồng Tháp đang bền bỉ chuyển
tải những kiến thức kinh tế thành những ngôn ngữ đời thường, bằng các mô hình
thiết thực ở các địa phương trong và ngoài tỉnh, thông qua các “Hội quán nông
dân”, để giúp bà con hướng đến sự thay đổi. Ở đó đã có sự kết nối của nhiều
chuyên gia, nhà khoa học và các nhà doanh nghiệp.
Bà Lê Thị Minh
Phụng, Phó chủ tịch UBND tỉnh Kiên Giang:
Tinh thần là “chủ động - thích ứng”- Kiên Giang đã cụ thể hóa Nghị quyết 120 với tinh thần “chủ động - thích ứng” để phát triển kinh tế nông nghiệp, nông thôn. Tỉnh đã chủ động đầu tư hệ thống thủy lợi, đê và cống ven biển nhằm kiểm soát mặn - ngọt, điều tiết nước phục vụ đời sống và sản xuất theo đề án tái cơ cấu nông nghiệp kết hợp với các công trình thuộc dự án thoát lũ ra biển Tây.
Còn thích ứng là ở các giải
pháp phi công trình như tạo bãi bồi, tái tạo rừng phòng hộ làm “đê mềm”, điều
chỉnh cơ cấu cây trồng hợp lý. Bên cạnh đó là phổ biến kiến thức về biến đổi
khí hậu tới cộng đồng dân cư giúp người dân có ý thức hơn trong việc bảo vệ môi
trường, sản xuất nông nghiệp sạch và bền vững.
Trên cơ sở “chủ động -
thích ứng”, Kiên Giang đã phân vùng sản xuất theo từng tiểu vùng sinh thái
ngọt, lợ, mặn; chủ động dần trong từng khâu sản xuất giống, thâm canh, chế
biến, bảo quản và phân phối sản phẩm nông, lâm, thủy sản tạo chuỗi khép kín;
từng bước thay đổi tư duy từ sản xuất nông nghiệp thuần túy sang kinh tế nông
nghiệp, kinh tế nông thôn; xoay trục vào nhóm sản phẩm nông nghiệp thủy sản -
cây ăn trái - lúa gạo.
Đề nghị Chính phủ sớm ban
hành chính sách khuyến khích, huy động các nguồn lực xã hội trong nước và nước
ngoài cho đầu tư, phát triển vùng ĐBSCL, tập trung vào hạ tầng giao thông, thủy
lợi. Đồng thời xây dựng hệ thống cơ sở dữ liệu thống nhất để làm cơ sở cho việc
nghiên cứu, triển khai các giải pháp ứng phó với biến đổi khí hậu chung cho
toàn vùng.
Ông Nguyễn Hữu Lập
- Phó chủ tịch UBND tỉnh Bến Tre:
Quy hoạch kinh tế-xã hội gắn với phát triển bền vững- Bến Tre chuẩn bị xây dựng quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội tích hợp với sự phát triển bền vững của cả vùng. Tỉnh đang đẩy mạnh tuyên truyền người dân chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu bằng việc tham gia trồng và bảo vệ hệ thống rừng phòng hộ, rừng ngập mặn. Tỉnh cũng đang vận dụng các bài học kinh nghiệm từ thực tiễn để thay đổi tư duy trong sản xuất. Đó là thực hiện các mô hình canh tác lúa chịu mặn; tôm - lúa; mô hình nuôi tôm hai giai đoạn (ươm tôm giống và nuôi tôm thương phẩm trong hệ thống nuôi trồng thủy sản tuần hoàn); mô hình thâm canh bưởi da xanh thích ứng với biến đổi khí hậu; xây dựng các công trình, dự án thủy lợi trọng điểm phục vụ ngăn mặn, trữ ngọt; xây dựng hệ thống đê biển ứng phó với nước biển dâng và kết hợp làm tuyến giao thông ven biển.
Bến Tre đề nghị Chính phủ
sớm ban hành Chương trình hành động tổng thể thực hiện Nghị quyết 120 và Quy
hoạch phát triển vùng ĐBSCL. Đồng thời, đề nghị trường ĐHCT và các viện, trường
tiếp tục hỗ trợ các tỉnh ĐBSCL trong nghiên cứu và nâng cao chất lượng nguồn
nhân lực.
Ông Lê Văn Sử - Phó
chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau:
Vai trò của trường ĐHCT rất quan trọng - Chủ trương thích ứng với biến đổi khí hậu đặt ra quy hoạch nhưng hiện chưa có tiếng nói chung của nhiều ban ngành về việc này. Quy hoạch vùng cũng chưa rõ. ĐBSCL cần có cơ quan điều phối chung trong việc thực hiện Nghị quyết 120. Việc tổ chức bộ máy thế nào thì đợi sau khi có chương trình hành động tổng thể thực hiện Nghị quyết 120 do Bộ Kế hoạch và Đầu tư đang chủ trì thực hiện.
Vai trò của trường ĐHCT rất
quan trọng vì là trường trung tâm ĐBSCL, đào tạo đa ngành. Các tỉnh nên kết hợp
chặt chẽ với ĐHCT và đặt hàng nhà trường thực hiện các nghiên cứu cho địa
phương.
Bà Võ Thị Hồng Ánh - Phó chủ tịch UBND thành phố Cần Thơ:
- Hoạt động sản xuất nông
nghiệp phải cân đối cung cầu. Trong bối cảnh hội nhập, công nghiệp 4.0 sẽ góp
phần tạo ra sản phẩm có chất lượng, đáp ứng được yêu cầu thị trường. Chúng ta
không thể chậm hơn vì khách hàng luôn cần biết rõ sản phẩm có nguồn gốc và quy
trình sản xuất.
Nhưng hiện nay đó là “nút
thắt”, nên khi thực hiện Nghị quyết 120 phải lưu ý điều này, để có được sản
phẩm chất lượng. Trong khi đó, nhiều doanh nghiệp đang gặp khó khăn trong tiếp
cận vốn, đồng thời việc thiếu đồng bộ về quy hoạch hạ tầng cũng là một cản trở
để họ làm ra sản phẩm có chất lượng.
Sản phẩm chủ lực của ĐBSCL
là lúa gạo, tôm cá và cây ăn trái, nhưng cần phải đa dạng sản phẩm gắn với giá
trị gia tăng. Thí dụ với cá tra, từ đầu cá, ruột cá, da cá đều có thể tạo ra
sản phẩm giá trị gia tăng, chứ không nên chỉ là sản phẩm phi lê như hiện nay.
PGS.TS. Lê Anh Tuấn - Phó viện trưởng Viện Nghiên cứu biến đổi khí hậu ĐHCT:
“Thuận thiên dã tồn, nghịch thiên dã vong”
- Thực tế, nông dân ĐBSCL
đã tự tìm được nhiều giải pháp hợp với tinh thần “thuận thiên” của Nghị quyết
120. Lúc đầu chỉ là những phát kiến đơn lẻ của một số nông dân tiên tiến, sau
được sự hỗ trợ của các nhà khoa học và các tổ chức phi chính phủ, các mô hình
này dần được hoàn thiện và mở rộng.
Việc tiếp cận thích ứng với
biến đổi khí hậu dựa vào hệ sinh thái giúp cộng đồng dân cư chọn lựa các giải
pháp thích ứng phù hợp một cách mềm dẻo, ứng phó với các tác động tiêu cực của
biến đổi khí hậu; giảm khả năng dễ bị tổn thương và nâng cao khả năng phục hồi
trước thiên tai và bất thường của thời tiết. Các giải pháp này chú trọng bảo
tồn và khôi phục các hệ sinh thái, quản lý bền vững, tạo lợi ích cho xã hội và
môi trường đồng thời cung cấp các dịch vụ sinh thái bền vững.
Do vậy, khi đưa ra các quyết định, luật lệ hiện hành cần có điều chỉnh
phù hợp với các kiến thức bản địa và hợp với việc áp dụng các tiến bộ khoa học
công nghệ tiên tiến mà không gây hối tiếc hoặc chỉ hối tiếc thấp. Bởi vì:
“Thuận thiên dã tồn, nghịch thiên dã vong”.
* Đã đăng TBKTSG Online 20-12-2018:
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét