Chủ Nhật, 16 tháng 12, 2018

Tường thuật trực tiếp hội thảo sau một năm thực hiện Nghị quyết 120/NQ-CP về ĐBSCL

Nhóm PV
Thứ Sáu,  14/12/2018, 09:02 

(TBKTSG Online) - Sáng nay, ngày14-12 tại trường Đại học Cần Thơ đã diễn ra hội thảo "Sau một năm thực hiện Nghị quyết 120/NQ-CP về phát triển bền vững ĐBSCL thích ứng với biến đổi khí hậu" do trường Đại học Cần Thơ phối hợp với nhóm Thời báo Kinh tế Sài Gòn (Saigon Times Group) tổ chức. Tòa soạn Thời báo Kinh tế Sài Gòn Online, một ấn phẩm của nhóm Thời báo Kinh tế Sài Gòn tường thuật trực tiếp hội thảo này.



Phát biểu khai mạc hội thảo, GS.TS Hà Thanh Toàn, Hiệu trưởng trường Đại học Cần Thơ (CTU), cho biết đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) có vị trí quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội của cả nước, đóng góp hơn 95% lượng gạo xuất khẩu, 70% sản lượng trái cây, và trên 74,6% sản lượng thủy sản nuôi trồng của quốc gia.

Trong bối cảnh hội nhập kinh tế thế giới, ĐBSCL có nhiều cơ hội phát triển nhưng cũng đang đối mặt với nhiều thách thức do đây là vùng đất mẫn cảm với thay đổi của tự nhiên. Biến đổi khí hậu và nước biển dâng diễn ra nhanh hơn dự báo, gây ra nhiều hiện tượng thời tiết cực đoan, ảnh hưởng đến sinh kế và đời sống của người dân, đòi hỏi phải có những giải pháp toàn diện, lâu dài, cấp bách để phát triển bền vững ĐBSCL.


Nghị quyết số 120/NQ-CP của Chính phủ về Phát triển bền vững ĐBSCL thích ứng với biến đổi khí hậu, ban hành ngày 17-11-2017, liên quan tới gần 30 bộ, ngành và các tỉnh, thành vùng ĐBSCL. Trước đó, phát biểu tại hội nghị chuyên đề để có nghị quyết này, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã nhấn mạnh, ĐBSCL phát triển theo hướng “thuận thiên” là chính.

GS.TS Hà Thanh Toàn, Hiệu trưởng trường Đại học Cần Thơ

Trong chuyến công tác thăm và làm việc tại CTU vào ngày 10-8-2018, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc có mong muốn rằng CTU là cơ sở nghiên cứu, đề xuất chủ trương, giải pháp thực hiện Nghị quyết 120 của Chính phủ về phát triển ĐBSCL thích ứng với biến đổi khí hậu. Thủ tướng nhấn mạnh: “Chính phủ đưa ra chính sách, nhưng hơn ai hết, sinh viên, giảng viên trong trường chính là nơi nghiên cứu thực hiện nghị quyết này với những sáng kiến về lý luận, thực tiễn để đề xuất với Thủ tướng và các bộ ngành”.

Nhằm góp phần tìm giải pháp thực hiện Nghị quyết 120/NQ-CP của Chính phủ về Phát triển bền vững đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) thích ứng với biến đổi khí hậu, CTU phối hợp với Thời báo Kinh tế Sài Gòn (Saigon Times Group) tổ chức hội thảo về đề tài này.

Ban tổ chức kỳ vọng hội thảo sẽ là nơi gặp gỡ của đại diện lãnh đạo các tỉnh, thành vùng ĐBSCL, các chuyên gia, nhà nghiên cứu giúp phân tích những việc đã làm được, chưa làm được và đề xuất giải pháp thực hiện hiệu quả Nghị quyết 120/NQ-CP.

CTU cam kết đồng hành với các tỉnh, thành vùng ĐBSCL và sẵn sàng làm đầu mối trong công cuộc phát triển ĐBSCL, thích ứng với biến đổi khí hậu. Bên cạnh đó, CTU sẽ tóm tắt báo cáo kết quả thực hiện Nghị quyết 120/NQ-CP của Chính phủ để đề xuất trình Thủ tướng thể hiện tính cam kết của Nhà trường trong công tác triển khai và thực hiện hiệu quả Nghị Quyết 120 của Chính phủ, như mong đợi của Thủ tướng.

CTU hôm qua, 14-12 đã làm việc với phía Nhật Bản, bàn về chương trình hợp tác với các chuyên gia của 9 trường đại học của Nhật để thực hiện hàng loạt dự án, đề tài nghiên cứu cho các tỉnh, thành ĐBSCL với vốn đầu tư ban đầu hơn 85 tỉ đồng từ nay tới năm 2022. Các đề tài này phần lớn phù hợp với định hướng, mục tiêu của Nghị quyết 120/NQ-CP của Chính phủ.

Ông Đặng Kiều Nhân, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Phát triển ĐBSCL thuộc Trường Đại học Cần Thơ: "Những đơn vị liên quan đã làm gì trong một năm qua?"


Sau một năm thực hiện nghị quyết 120 của Chính phủ, ông Nhân cho biết, từ cấp Chính phủ đến địa phương và các tổ chức quốc tế cũng như trong nước đã triển khai thực hiện nhiều công việc khác nhau.

Theo ông Nhân, đối với hoạt động triển khai từ Chính phủ, ngày 18-12-2017, Văn phòng Chính phủ có công văn 13449/VPCP-NN về việc lập kế hoạch triển khai nghị quyết 120. Trong công văn có hai ý chính, gồm giao Bộ Tài nguyên Môi trường chủ trì, phối hợp với các bộ, cơ quan lập Chương trình hành động tổng thể, báo cáo Thủ tướng phê duyệt trước tháng 2-2018 và yêu cầu các bộ , ban ngành báo cáo tiến độ thực hiện hàng năm.

Sau đó, cũng trong tháng 12-2017, Bộ Tài nguyên Môi trường chỉ đạo các đơn vị đề xuất các nhiệm vụ, đề án, dự án triển khai thực hiện các nhiệm vụ báo cáo trước 31-1-2018.

Đến ngày 26-3-2018, Bộ Kế hoạch Đầu tư ban hành Quyết định số 337 về Kế hoạch triển khai Nghị quyết 120. Nội dung của kế hoạch này là Xây dựng “Quy hoạch tổng thể phát triển bền vững ĐBSCL thích ứng với biến đổi khí hậu đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050”. Quy hoạch này lồng ghép hợp phần 6 của dự án “Chống chịu khí hậu tổng hợp và sinh kế bền vững vùng ĐBSCL” dưới sự tài trợ của Ngân hàng Thế giới.

Ông Đặng Kiều Nhân, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Phát triển ĐBSCL

Ông Nhân cho biết, Bộ Tài nguyên và Môi trường cũng đã tổ chức Hội thảo tham vấn về chương trình hành động tổng thể thực hiện Nghị quyết 120 tại Cần Thơ  vào ngày 27-4-2018. Trong chương trình này có hai giai đoạn, gồm giai đoạn 2018-2020 tập trung vào các giải pháp phi công trình và giai đoạn 2021-2030 tập trung vào các giải pháp công trình...

Trong khi đó, theo ông Nhân ở các địa phương vùng ĐBSCL đã lập lập danh mục các dự án đầu tư phát triển bền vững  và thích ứng với biến đổi khí hậu, nước biển dâng trình Bộ Tài nguyên Môi trường và  Bộ Kế hoạch Đầu tư.

Các tỉnh cũng liên kết phát triển bền vững ở tiểu vùng Đồng Tháp Mười, Tứ giác Long Xuyên, Bán đảo Cà Mau  và Đuyên Hải Phía Đông; triển khai dự án phát triển du lịch ĐBSCL thích ứng biến đổi khí hậu và triển khai các hoạt động sử dụng kinh phí địa phương và gắn kết dự án tài trợ.

Song song đó, theo ông Nhân, các tổ chức quốc tế và trong nước cũng đã tổ chức nhiều hoạt động, mà cụ thể là Đại sứ quán Hà Lan, Tổ chức IUCN phối hợp Bộ Tài nguyên Môi trường, Hội Nông dân Việt Nam và Đại học Cần Thở tổ chức hội thảo tập huấn, truyền thông điệp cốt lõi của Kế hoạch ĐBSCL nhằm hỗ trợ triển khai Nghị quyết 120 cho 13 tỉnh/thành ĐBSCL.

Theo ông Nhân, tháng 11 vừa qua, Đại sứ quán Hà Lan cũng đã làm việc về cơ chế tài chính thực hiện nghị quyết này.

Tuy nhiên, ông nhận định các dự án mang tính tổng thể, cấp thiết như nội hàm của nghị quyết chưa phát triển.

"Qua họp Quốc hội, Thủ tướng có nói sẽ dành 12.000 tỉ đồng cho ĐBSCL thực hiện nghị quyết này, nhưng chưa rõ giai đoạn nào", ông cho biết.

PGS.TS Lê Việt Dũng, Phó hiệu trưởng Đại học Cần Thơ: "Cần có kế hoạch đồng bộ".

PGS.TS Lê Việt Dũng, Phó hiệu trưởng Đại học Cần Thơ

Để thực hiện thành công và hiệu quả NQ 120 bên cạnh các giải pháp kỹ thuật cụ thể thì vấn đề thay đổi tư duy và quán triệt đồng bộ của nhà quản lý, nhà khoa học và rộng rãi trong cộng đồng thiết nghĩ cần phải có kế hoạch đồng bộ.

Vì vậy các bên liên quan cần có sự thống nhất cơ bản trước khi thực hiện những vấn đề lớn; sự thay đổi quan điểm liên quan đến nhận thức về mặn - hạn - lũ; về quản lý khai thác bền vững tài nguyên thiên nhiên và những chủ trương, chương trình hành động cụ thể.

Ngày 10-8-2018, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và đoàn công tác đến thăm Đại học Cần Thơ (ĐHCT) đã đề xuất : “Riêng với vấn đề tác động của biến đổi khí hậu ở ĐBSCL, Thủ tướng mong rằng ĐHCT là cơ sở nghiên cứu, đề xuất chủ trương, giải pháp thực hiện Nghị quyết 120 của Chính phủ về phát triển ĐBSCL thích ứng với biến đổi khí hậu", "Chính phủ đưa ra chính sách, nhưng hơn ai hết, sinh viên, giảng viên trong trường chính là một cơ quan nghiên cứu thực hiện nghị quyết này với những sáng kiến về lý luận, thực tiễn để đề xuất với Thủ tướng và các bộ ngành”

Nhà trường xin đề ra một số đề xuất sau:

- Cần có chính sách cho các đơn vị ở ĐBSCL để thực hiện nghị quyết.

- Cần có đề án liên kết tiểu vùng. Có bốn tiểu vùng tại ĐBSCL, làm sao phối hợp đồng bộ 4 tiểu vùng và cần có cái nhìn rộng hơn ở 4 tiểu vùng này.

- Cập nhật và hệ thống hóa số liệu, dữ liệu; thực hiện công tác điều tra cơ bản; hoàn thiện và bổ sung hệ thống cơ chế, chính sách; rà soát, hoàn thiện và xây dựng các phương án quy hoạch. Cụ thể sẽ tham gia việc hệ thống hóa số liệu về tài nguyên và môi trường, biến đổi khí hậu; xây dựng hệ thống cơ sở dữ liệu liên ngành về ĐBSCL phục vụ các hoạt động thích ứng với biến đổi khí hậu, cập nhật kịch bản biến đổi khí hậu và nước biển dâng cho Việt Nam, chi tiết hóa cho vùng đồng bằng sông Cửu Long và xây dựng hướng dẫn sử dụng kịch bản biến đổi khí hậu trong xây dựng các đề án, nhiệm vụ phát triển ngành, phát triển kinh tế - xã hội của vùng, của địa phương.

- Điều tra cơ bản về tài nguyên và môi trường vùng ĐBSCL, quy hoạch tổng thế khai thác, sử dụng bền vững và quản lý tổng hợp tài nguyên vùng bờ; điều tra tổng hợp tài nguyên, môi trường vùng biển Tây Nam Bộ phục vụ phát triển kinh tế biến và đảm bảo an ninh quốc phòng.

- Xây dựng các điểm quan trắc, giám sát, cảnh báo và dự báo môi trường; hệ thống giám sát nguồn nước dự báo, cảnh báo, hạn hán và xâm nhập mặn.

- Tham gia cập nhật, hoàn thiện và công bố định kỳ kịch bản biến đổi khí hậu và nước biển dâng cho đồng bằng.

Đối với Bộ Khoa học và Công nghệ, nhà trường kính đề xuất bộ tiếp tục ủng hộ và tiếp tục thực hiện Chương trình phát triển bền vững Tây Nam bộ hiện do Đại học Quốc gia TPHCM và Viện hàn lâm Khoa học xã hội và Nhân văn đồng chủ trì và nếu được thì phân giao cho ĐHCT phụ trách trực tiếp một số hợp phần cũng như đặt bộ phận điều phối tại trường; điều này trước đây chương trình có dự kiến nhưng chưa thực hiện đúng mục tiêu đã đề ra, nhất là sau khi Ban chỉ đạo Tây Nam bộ đã ngừng hoạt động theo chỉ đạo của Trung ương. Có như vậy thì các đề tài khoa học công nghệ sẽ kế thừa và gắn chặt hơn nữa với thực tiễn đồng bằng.

Đối với các tỉnh thành tại Tây Nam bộ, bên cạnh việc tổ chức thực hiện các nhiệm vụ khoa học công nghệ của địa phương mình như trước giờ đã làm thì cũng nên có biện pháp thống nhất khi thược hiện các đề tài có tính chất liên vùng và tiểu vùng; đồng thời định kỳ có sơ/tổng kết để có thể đánh giá và ứng dụng kịp thời cũng như ghi nhận những phát sinh mới từ thực tế.

Ông Lê Minh Hoan, Bí thư Tỉnh ủy Đồng Tháp: Tại sao các tỉnh không phối hợp đẩy mạnh thương hiệu vùng Mekong Delta?


Tham luận tại hội thảo, ông Hoan cho rằng, trong những lần chia sẻ, ông ít đề cập cũng như "than thở" về "vùng trũng hệ thống hạ tầng" của ĐBSCL. “Tôi luôn có suy nghĩ rằng, thay vì mất quá nhiều công sức để đưa ra kiến nghị nhằm tháo gỡ các nút thắt đó, thì chúng ta có thể cùng nhau "tự cứu mình trước khi trời cứu”, ông cho biết.

Ông Lê Minh Hoan, Bí thư Tỉnh ủy Đồng Tháp

Từng lặn lội cùng nông dân, đồng hành cùng doanh nghiệp, tư duy cùng với các chuyên gia và nhà khoa học, ông Hoan phát hiện ra rằng, nông nghiệp nói chung, nông nghiệp Đồng Tháp nói riêng còn nhiều "nút thắt". “Muốn tháo gỡ, vai trò của doanh nghiệp và các chuyên gia, nhà khoa học là rất quan trọng", ông nhấn mạnh.

Theo ông, hai "điểm liệt" được Ngân hàng Thế giới (WB) chỉ ra đối với nông nghiệp Việt Nam đang gặp phải là "chi phí cao, chất lượng thấp" dẫn đến tình trạng "giải cứu nông sản" xảy ra ở nhiều nơi, trên nhiều loại nông sản khác nhau.  "Đúng như vậy, nếu chỉ "loay hoay" với sản xuất theo kiểu tăng diện tích, tăng sản lượng, mà không chú trọng đến chi phí sản xuất, chất lượng nông sản, phát huy công nghệ bảo quản, chế biến, phát triển thị trường, thì nông nghiệp sẽ rơi vào bế tắc và người nông dân không thể thoát ra khỏi rủi ro", ông cho biết.

Nếu không có một Ban điều hành hoặc Ban điều phối cho cả vùng ĐBSCL, thì đừng nói đến thực hiện nghị quyết 120, theo ông Lê Minh Hoan, Bí thư Tỉnh ủy Đồng Tháp.

Vì vậy, theo ông, một trong những ưu tiên hàng đầu là chúng ta cần thống nhất sớm hiện thực hoá quan điểm của Thủ tướng tại Hội nghị phát triển bền vững vùng ĐBSCL thích ứng với biến đổi khí hậu thành kế hoạch hành động cụ thể phù hợp với điều kiện của vùng. "Đó là, chuyển từ "tư duy sản xuất nông nghiệp" sang "tư duy kinh tế nông nghiệp"", ông nhấn mạnh và cho rằng một trong những thành phần vô cùng quan trọng để hiện thực hoá quan điểm đó chính là đội ngũ các chuyên gia và các nhà khoa học từ các viện, trường cùng nối kết với cộng đồng doanh nghiệp để dẫn dắt người nông dân thay đổi.

Theo ông, tư duy sản xuất đã định hình trong một thời gian dài với tôn chỉ "lấy sản lượng làm mục tiêu phấn đấu" của chính quyền, ngành chuyên môn và người nông dân, mà câu chuyện lúa ba vụ là một điển hình. "Bây giờ là lúc chúng ta bớt đi những tác hại của cách làm như vậy", ông cho biết và nói rằng hãy cùng nhau hành động để biến tư duy kinh tế thành hiện thực cho nền nông nghiệp của Đồng bằng.

Thế nhưng, theo ông phải làm sao tư duy đó đến được xã hội, đến được người nông dân mới là điều quan trọng. "Có thể một vài doanh nghiệp lớn, có tiềm lực đã làm được điều này, nhưng còn hàng chục triệu nông dân thì sao?", ông nêu câu hỏi và tiếp tục đặt vấn đề: "Ai và làm thế nào đưa tư duy đó đến họ, đừng để họ bơ vơ trên con đường thay đổi?".

Theo ông Hoan, thời gian qua, Đồng Tháp đang miệt mài, bền bỉ chuyển tải những kiến thức kinh tế thành những ngôn ngữ "thật" đời thường, bằng các mô hình hay ở các địa phương trong và ngoài tỉnh để dẫn giải cho bà con hướng đến sự thay đổi. "Các "Hội quán nông dân" ở Đồng Tháp lần lượt ra đời là để hướng đến điều đó", ông nhấn mạnh và cho rằng địa phương rất cần rất cần các nhà khoa học, chuyên gia cùng tham gia vận hành các Hội quán, để cùng "về làng", kích hoạt sự thay đổi của bà con.

Ông cũng cho rằng thương hiệu vùng hiện còn rời rạc, manh mún. Doanh nghiệp nước ngoài mà ông gặp họ không biết Đồng Tháp hay An Giang nhưng người tiêu dùng Úc có thể biết Mekong Delta, vốn trong địa lý họ được học là vùng đồng bằng phì nhiêu, trù phú.

Vậy tại sao các tỉnh không phối hợp đẩy mạnh thương hiệu vùng Mekong Delta?

Bà Lê Thị Minh Phụng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Kiên Giang: "Cần thành lập ban chỉ đạo thực hiện nghị quyết"

Bà Lê Thị Minh Phụng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Kiên Giang

Năm 2005, Ban Chỉ đạo Tây Nam Bộ đặt bài viết cho quyển sách “Tây Nam Bộ tiến vào thế kỷ 21”, cố Thủ tướng Chính phủ Võ Văn Kiệt lúc đó đã có bài viết “Đạo lý cho sự phát triển của ĐBSCL” để nhìn lại chặng đường 30 năm thực hiện định hướng phát triển cho vùng đất này. Ông nhấn mạnh: “Phải tập trung đầu tư, bù lại cho cả giai đoạn đầu tư nhỏ giọt trước đây, đầu tư kịp thời cho ba mũi đột phá về hạ tầng giao thông, về thủy lợi và về dân trí. Ráo riết, quyết liệt lắm để tối thiểu là sau năm 2015 ĐBSCL có đủ điều kiện cất cánh tới phồn vinh, thịnh vượng” - với ông, đây còn là nhiệm vụ nhưng cũng đồng thời là định hướng để ĐBSCL chúng ta phát triển bền vững.

Thực tế trong hơn 1 thập kỷ qua, sự phát triển của vùng nói chung và các địa phương nói riêng luôn gắn kết chặt chẽ với “3 mũi đột phá” đó. Và trong khoảng 5 năm trở lại đây, trước những tác động bất thường của biến đổi khí hậu và nước biển dâng, hệ quả tiêu cực đối với tác động của con người vào thiên nhiên trong quá trình phát triển, đã và đang là mối đe dọa trực tiếp đến mục tiêu “phồn vinh, thịnh vượng” của vùng đất “chín rồng”.

Với Kiên Giang, những mối đe dọa nêu trên đã không còn là kịch bản, là dự báo nữa mà đã hiện thực bởi sự xâm nhập mặn, sự khan hiếm nước ngọt trong mùa khô, và thời tiết khắc nghiệt, bất thường vào mùa mưa; gây thiệt hại trong sản xuất và ảnh hưởng trực tiếp đến sinh hoạt, đời sống của người dân.

Thực hiện Nghị quyết của Chính phủ, Kiên Giang cụ thể hóa với tinh thần “chủ động - thích ứng”, nhằm mục tiêu cuối cùng là “phát triển kinh tế nông nghiệp, kinh tế nông thôn; lấy người dân làm trọng tâm, góp phần nâng cao sinh kế và nâng mức sống của người dân nông thôn, từng bước tiếp cận mức sống của người dân đô thị”.

Tinh thần “chủ động” của Kiên Giang được thực hiện thông qua giải pháp đầu tư hệ thống thủy lợi, đê và cống ven biển nhằm kiểm soát mặn - ngọt, điều tiết nước phục vụ đời sống và sản xuất của nhân dân theo Đề án tái cơ cấu nông nghiệp của tỉnh - đây còn là giải pháp hữu hiệu trong việc phối kết hợp với các công trình thuộc Dự án thoát lũ ra biển Tây mà trước đây, cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt đã dành gần trọn tâm huyết cho phát triển vùng đất còn hoang hóa của ĐBSCL xưa.

Về tinh thần “thích ứng” thì các giải pháp phi công trình như gây bồi tạo bãi, tái tạo rừng phòng hộ làm “đê mềm”, điều chỉnh cơ cấu cây trồng hợp lý đã và đang được Kiên Giang tập trung thực hiện. Bên cạnh đó, công tác tuyên truyền phổ biến kiến thức về biến đổi khí hậu tới cộng đồng dân cư nhằm giúp người dân có ý thức hơn trong việc bảo vệ môi trường, sản xuất nông nghiệp sạch và bền vững.

Trên cơ sở “chủ động - thích ứng” cùng với các điều kiện đang có, Kiên Giang đã thực hiện phân vùng sản xuất theo từng tiểu vùng sinh thái ngọt, lợ, mặn; chủ động dần trong từng khâu sản xuất giống, thâm canh, chế biến, bảo quản và phân phối sản phẩm nông, lâm, thủy sản tạo chuỗi khép kín; từng bước thay đổi tư duy sản xuất, từ sản xuất nông nghiệp thuần túy sang kinh tế nông nghiệp, kinh tế nông thôn; xoay trục vào nhóm sản phẩm nông nghiệp thủy sản - cây ăn trái - lúa gạo.

Tôi đề nghị chúng ta cần thống nhất kiến nghị Chính phủ:

- Sớm ban hành chính sách khuyến khích, huy động các nguồn lực xã hội trong nước và nước ngoài cho đầu tư, phát triển vùng ĐBSCL, tập trung vào “hạ tầng giao thông, thủy lợi”. Đồng thời xây dựng hệ thống cơ sở dữ liệu thống nhất để làm cơ sở cho việc nghiên cứu, triển khai các giải pháp ứng phó với biến đổi khí hậu chung cho toàn vùng.

- Thành lập ban chỉ đạo (hoặc ban điều phối) thực hiện Nghị quyết số 120/NQ-CP của Chính phủ để việc triển khai các quyết sách từ nghị quyết này được tập trung hơn.

Ý kiến các địa phương rất quan trọng và cần quan tâm. Đề nghị mong Đại học Cần Thơ quan tâm nghiên cứu đề tài song song bởi tất cả các tỉnh người dân sống bằng nghề nông, ảnh hưởng người dân là rất lớn. Cần chú trọng kinh tế tư nhân hướng đến phát triển bền vững.

Ông Nguyễn Hữu Lập, Phó chủ tịch UBND tỉnh Bến Tre: "Tận dụng nguồn lực "nội sinh" và "ngoại sinh" ứng phó biến đổi khí hậu"

Ông Nguyễn Hữu Lập, Phó chủ tịch UBND tỉnh Bến Tre

Trình bày tại hội thảo, ông Lập cho biết, dưới tác động của biến đổi khí hậu, thời gian qua, địa phương này chịu ảnh hưởng ngày càng rõ nét, mà cụ thể là hạn hán, xâm nhập mặn, sạt lỡ, triều cường..., xảy ra với mức độ và cường độ ngày càng cao. Điều này, ảnh hưởng nặng nề đến hoạt động sản xuất, đời sống của người dân. "Đây là tác nhân chủ yếu dẫn đến sự sụt giảm các chỉ tiêu phát triển kinh tế của địa phương", ông nhấn mạnh.

Từ đó, ông rút ra nhận định, đó là con người không thể chống lại biến đổi khí hậu, mà chỉ có thể đề ra các giải pháp thích ứng và chủ động ứng phó, nhất là phát huy nguồn lực "nội sinh” dựa trên nền tảng những tiềm năng, thế mạnh của địa phương và tranh thủ các nguồn lực "ngoại sinh” hỗ trợ để tạo động lực thúc đẩy phát triển toàn diện trong điều kiện biến đổi khí hậu diễn biến phức tạp.

Từ nhận thức đó, địa phương xác định ứng phó biến đổi khí hậu là một trong những nhiệm vụ trọng tâm, đảm bảo cho phát triển bền vững, "nhưng phải nằm trong một chỉnh thể thống nhất, hài hòa với sự phát triển chung của cả vùng ĐBSCL", ông nhấn mạnh.

Ông Lập cho biết, trong năm qua, địa phương đẩy mạnh công tác tuyên truyền người dân chủ động ứng phó biến đổi khí hậu bằng việc kêu gọi người dân tham gia trồng và bảo vệ rừng, nhất là hệ thống rừng phòng hộ, rừng ngập mặn của tỉnh. "Đồng thời, tỉnh đang triển khai thực hiện các công việc chuẩn bị xây dựng quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh, với sự tích hợp cao cho sự phát triển bền vững của vùng.

Ông Lập cho biết, địa phương đã nghiên cứu, ứng dụng các bài học kinh nghiệm trong thực tiễn để thay đổi tư duy trong sản xuất, chuyển từ phát triển theo chiều rộng sang kết hợp hài hòa giữa chiều rộng với chiều sâu, từng bước hình thành và phát triển các mô hình sản xuất thích ứng với biến đổi khí hậu.

Cụ thể, như mô hình canh tác lúa chịu mặn; mô hình tôm - lúa; mô hình nuôi tôm 2 giai đoạn (giai đoạn 1: ươm tôm giống dựa trên hệ thống nuôi trồng thủy sản tuần hoàn có khả năng thích ứng với biến đổi khí hậu và giai đoạn 2: nuôi tôm thương phẩm dựa trên hệ thống nuôi trồng thủy sản tuần hoàn); mô hình thâm canh bưởi da xanh theo hướng thích ứng với biến đổi khí hậu, phòng chống hạn, mặn...

Theo ông Lập, địa phương cũng đầu tư xây dựng các công trình, dự án thủy lợi trọng điểm phục vụ ngăn mặn, trữ ngọt; xây dựng hệ thống đê biển vừa thích ứng phó với nước biển dâng, kết hợp tạo tuyến giao thông ven biển...

Địa phương cũng đề nghị Trung ương sớm ban hành Chương trình hành động tổng thể thực hiện Nghị quyết 120, Quy hoạch phát triển vùng ĐBSCL để làm cơ sở cho các địa phương thực hiện và nghiên cứu xây dựng quy hoạch, kế hoạch phát triển của từng địa phương trong tổng thể chung.

Đồng thời, đề nghị Đại học Cần Thơ và các viện, trường tiếp tục hỗ trợ các tỉnh khu vực ĐBSCL trong nghiên cứu, đề ra các giải pháp nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, đảm bảo nguồn nhân lực đáp ứng được yêu cầu sử dụng lao động trong khu vực và cung ứng cho các tỉnh, thành khác trong cả nước; góp phần phát triển nguồn lực nội sinh này một cách hài hòa.

PGS.TS Lê Anh Tuấn, Viện Nghiên cứu Biến đổi Khí hậu - Đại học Cần Thơ: "Không gây hối tiếc hoặc hối tiếc thấp"

PGS.TS Lê Anh Tuấn, Viện Nghiên cứu Biến đổi Khí hậu - Đại học Cần Thơ

ĐBSCL hiện là vấn đề nóng bỏng đứng trước nhiều thay đổi và thách thức, được xem là khu vực dễ bị tổn thương do những tác động của biến đổi khí hậu (BĐKH) do đặc điểm nằm ở cuối nguồn của một lưu vực sông lớn, tiếp giáp hai mặt với cả biển Đông và vịnh Thái Lan. Đồng bằng là nơi có địa hình rất thấp và bằng phẳng, có nhiều hệ sinh thái nước khác nhau về động thái, rất đa dạng về sinh học và sinh kế với xấp xỉ 18 triệu cư dân mà phần lớn nguồn sống của họ chủ yếu là canh tác nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản và các dịch vụ liên quan.

Các tiếp cận để thích nghi với hiểm họa thiên nhiên của thế giới hiện nay là “thích nghi và chuyển đổi dần theo theo gian trong bối cảnh có nhiều yếu tố bất định”, đặc biệt là thích ứng dựa vào hệ sinh thái (Ecosystem-based Adaptation - EbA) và thích ứng dựa vào các giá trị, cơ chế và kiến thức (Values, Rules and Knowledge - VRK) của cộng đồng trong tiến trình ra quyết định. Theo cách đó, trong sản xuất nông nghiệp và thủy sản, cần theo trình tự:

- Tìm các giải pháp khoa học - kỹ thuật sản xuất và hệ thống canh tác thích nghi;

- Kết hợp giải pháp công trình nhỏ để ít đầu tư và quản lý linh hoạt;

- Chuyển đổi mục đích sử dụng đất phù hợp;

- Đầu tư công trình lớn hơn để quản lý rủi ro và chấp nhận hy sinh một số yếu tố môi trường - sinh thái. Điều này hoàn toàn thuận thiên, giảm bớt sự can thiệp thô bạo vào thiên nhiên và tránh được khả năng “hối tiếc” về sau do những yếu tố bất định của một thế giới đang trong thay đổi nhanh chóng.

Theo phỏng đoán từ nay đến cuối thế kỷ này, trường hợp mực nước biển trung bình dâng lên từ 50-70 cm, sẽ có ít nhất 25% diện tích đất nông nghiệp vùng ven biển ĐBSCL sẽ bị chìm ngập và khoảng 75% diện tích canh tác hiện nay sẽ bị nhiễm mặn mùa khô và khoảng 40-50% diện tích nông nghiệp bị ảnh hưởng của nước mặn ngay cả trong mùa mưa, khó có thể trồng lúa được. Ngoài ra, sự bất thường về lượng mưa, nhiệt độ không khí và các bất thường của thời tiết sẽ gậy thêm những thử thách lớn cho khu vực (hình bên dưới).


Sự bất thường của thiên nhiên sẽ gây nên những tổn thất về năng suất và sản lượng hoặc làm gia tăng chi phí đầu vào cho sản xuất nông nghiệp.

Nông dân, ngư dân, diêm dân và thị dân nghèo sẽ là đối tượng chịu nhiều tổn thương nặng nề do thiếu nguồn dinh dưỡng tối thiểu, thiếu sự sở hữu tài nguyên, thiếu khả năng tài chính, thiếu điều kiện tiếp cận thông tin để có thể đối phó kịp thời với sự thay đổi thời tiết - khí hậu. Dự kiến sẽ có dịch chuyển dòng di cư của nông dân ở các vùng ven biển bị tác động nặng nề do biến đổi khí hậu và nước biển dâng lên các đô thị. Điều này khiến các kế hoạch quy hoạch đô thị bị phá vỡ, trật tự xã hội sẽ là một thử thách, môi trường đô thị sẽ bị xấu đi do sự gia tăng cơ học về dân số.

Ủy ban Liên chính phủ về Biến đổi khí hậu (IPCC, 2007) đã đánh giá vùng ĐBSCL ở Việt Nam là một trong ba đồng bằng lớn trên thế giới chịu nhiều tác động bất lợi và tổn thương do biến đổi khí hậu lên cuộc sống và sinh kế của người dân. Biến đổi khí hậu, nước biển dâng và những tác động về vấn đề nguồn nước xuyên biên giới đang và sẽ là những thử thách rất lớn uy hiếp sự phát triển kinh tế - xã hội của Việt Nam khiến nền nông nghiệp vùng Đồng bằng sông Cửu Long có thể bị mất bền vững. Các nhà quản lý vĩ mô cần phải sớm nhận thức các nguy cơ này và phải có những đối sách hợp lý cho vấn đề.

Việc tạo dựng các chính sách thích hợp để có thể thích ứng với sự thay đổi của khí hậu trong tương lai và lồng ghép vào các kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của địa phương có ý nghĩa lớn.

Đối với sản xuất nông nghiệp, cần phải có những điều chỉnh lịch thời vụ kịp thời, đẩy mạnh nghiên cứu tìm ra các giống cây con mới có thể chịu đựng khô hạn, nhiễm mặn tốt hơn. Trong canh tác nông nghiệp, biện pháp tưới tiết kiệm nước sẽ là một giải pháp giúp nông dân giảm chi phí sản xuất và phù hợp với sự suy kiệt nguồn nước. Bên cạnh đó, các biện pháp công trình trữ nước, thu gom nước mưa, phục hồi nước ngầm, bảo tồn các vùng đất ngập nước, nạo vét củng cố hệ thống kênh mương nhằm gia tăng hiệu quả sử dụng nước, xây dựng và khai thác các nguồn năng lượng tái tạo (gió, mặt trời, sinh khối, dòng chảy) nhằm phục vụ sản xuất và sinh hoạt. Ngoài ra, nên có những tuyên truyền nâng cao nhận thức cộng đồng và các nhà quản lý, tập huấn phương pháp lồng ghép biên đổi khí hậu và kế hoạch phát triển của địa phương.

Sớm nhận thức các nguy cơ tác động của biến đổi khí hậu và nước biến dâng lên sự phát triển kinh tế và xã hội của đất nước, chính quyền và cộng đồng các nhà khoa học Việt Nam đã có những cảnh báo, kiến nghị và đề xuất để có những chính sách cần thiết nhằm ứng phó, cả bao gồm giảm thiểu và thích ứng, với tình trạng nóng lên toàn cầu ảnh hưởng đến Việt Nam, đặc biệt là vùng ĐBSCL, xem đó là mối đe dọa lớn cho an ninh lương thực và sinh kế của người dân. Nhiều văn bản chính thức cấp Nhà nước và địa phương đã ban hành để làm cơ cở pháp lý để các cấp địa phương thực thi.

Hơn 2 thập kỷ qua, nhiều dự án tiếp cập thích ứng và giảm nhẹ BĐKH theo hướng phi công trình và công trình. Trong những năm gần đây, thông qua tập huấn kỹ thuật, nâng cao ý thức bảo vệ môi trường, phát triển bền vững thì các dự án phi công trình cũng đã cải thiện lồng ghép chương trình mục tiêu quốc gia về BĐKH.

Các dự án phân bố rộng phù hợp với yếu tố sinh thái vùng gồm, sinh kế liên quan đến nông lâm ngư nghiệp ven biển gắn với sinh thái rừng ngập mặn; nuôi trồng thủy sản nước ngọt, canh tác lúa, các nghề tiểu thủ công nghiệp khác gắng với hệ sinh thái nước ngọt. Bước đầu các phương án công trình tập trung chính vào bảo vệ sinh kế như công trình trữ nước ngọt ở các vùng trũng, bảo vê cơ sở hạ tầng, nhà ở khỏi tình trạng ngập lụt…. phương án này dần được cải thiện và lồng ghép để thích ứng và giảm nhẹ BĐKH như, nâng cấp và tôn cao nền nhà để ứng phó với nước biển dâng, cải tạo và xây dựng mới hệ thống điều tiết lũ lụt trong nội đồng, lũ lụt đầu nguồn.

Có thể kể ra vài mô hình như sau:

Mô hình lúa - tôm, mô hình tôm rừng sinh thái ở vùng ven biển ở Kiên Giang, Cà Mau, Bạc Liêu, Sóc Trăng, Trà Vinh (Mô hình đa canh dưới tán rừng ngập mặn).

Mô hình đa canh kết hợp lúa - màu - chăn nuôi trên các vùng giồng cát, vùng nước lợ ở Sóc Trăng, Trà Vinh, Bến Tre… (Mô hình đa canh vùng giồng cát ven biển).

Mô hình lúa - màu (sen, rau), lúa - cây ăn trái, kết hợp du lịch ở vùng ngập lũ sâu hoặc lũ nông ở An Giang, Đồng Tháp, Cần Thơ, Vĩnh Long… (Mô hình đa canh ở vùng ngập lũ).


Thực tế, người nông dân ở ĐBSCL đã tự tìm những giải pháp thích ứng khá hợp hợp với tinh thần “thuận thiên” nghị quyết 120/NQ-CP. Lúc đầu chỉ là những phát kiến đơn lẻ của một số nông dân tiên tiến, sau được sự hỗ trợ của các nhà khoa học và các tổ chức NGOs, các mô hình này dần được hoàn thiện và mở rộng khá ổn định.

Việc tiếp cận thích ứng với biến đổi khí hậu dựa vào hệ sinh thái giúp cộng đồng dân cư chọn lựa các giải pháp thích ứng phù hợp một cách mềm dẽo ứng phó với các tác động tiêu cực của biến đổi khí hậu, giảm khả năng dễ bị tổn thương và nâng cao khả năng phục hồi trước thiên tai và bất thường thời tiết, giải pháp này chú trọng bảo tồn và khôi phục các hệ sinh thái, quản lý bền vững, tạo lợi ích cho xã hội và môi trường đồng thời cung cấp các dịch vụ sinh thái bền vững.

Trong việc đưa ra các quyết định, cần, các thể chế - luật lệ hiện hành có điều chỉnh và các kiến thức bản địa hợp với việc áp dụng các tiến bộ khoa học công nghệ tiến tiến mà không gây hối tiếc hoặc hối tiếc thấp.

Ông Tuấn ví von bằng câu: "Thuận thiên dã tồn, nghịch thiên dã vong" để nói về phát triển thuận thiên ở ĐBSCL.

Bà Võ Thị Hồng Ánh, Phó chủ tịch UBND thành phố Cần Thơ tại phần thảo luận tại hội thảo, bà Ánh cho rằng hoạt động sản xuất nông nghiệp phải cân đối cung - cầu. “Về phía cung, vùng có tiềm năng phát triển, nhưng tiềm năng ở phía người sử dụng, tức cầu, thì nó nằm ở đâu?”, bà nêu câu hỏi và cho rằng thị trường đòi hỏi chất lượng sản phẩm thế nào và sản phẩm nông nghiệp của vùng đã đáp ứng được?

Theo bà Ánh, trong bối cảnh hội nhập, cách mạng 4.0 sẽ góp phần tạo ra sản phẩm có chất lượng, đáp ứng được yêu cầu thị trường. “Vì vậy, chúng không thể chậm hơn được”, bà nhấn mạnh và cho rằng khách hàng khách hàng luôn yêu cầu phải biết rõ sản phẩm có giống từ đâu, quy trình sản xuất ra sao…

Tuy nhiên, theo bà, khi quay lại thực trạng sản xuất thì do sản phẩm ta không truy suất được nên thị trường khó đón nhận. “Đó là nút thắt, vì vậy nghị quyết 120 cũng cần lưu ý điều này để có sản phẩm chất lượng”, bà gợi ý.


Trong khi đó, đối với doanh nghiệp, hiện họ đang gặp nhiều khó khăn trong vấn đề tiếp cận vốn cũng như việc thiếu đồng bộ về quy hoạch hệ thống hạ tầng đang “cản trở” doanh nghiệp trong tiếp cận sản phẩm có chất lượng.



Bà dẫn trường hợp một doanh nghiệp chiết xuất tinh dầu từ cám gạo cho thấy, dù vùng ĐBSCL là vựa lúa, sản lượng cám gạo rất lớn, nhưng vẫn không thể đáp ứng được nhu cầu của doanh nghiệp. Bởi, sản phẩm không thể về đến nhà máy kịp, trong khi yêu cầu sản phẩm phải đến nhà máy không muộn hơn 8 giờ kế từ khi sản xuất. “Như vậy, đòi hỏi cần phải có các bến cảng vệ tinh, cần phải quy hoạch nhà máy vùng nguyên liệu”, bà cho biết và đề xuất cần nghiên cứu thêm.


Một vấn đề nữa, theo bà Ánh, sản phẩm chủ lực của vùng ĐBSCL là lúa gạo, tôm cá và cây ăn trái. Tuy nhiên, bà gợi ý cần đa dạng sản phẩm. “Chẳng hạn, đối với con cá tra, từ đầu cá, ruột cá, da cá đều có thể tạo ra sản phẩm giá trị gia tăng, chứ không chỉ đơn thuần là sản phẩm phi lê như hiện nay:”, bà dẫn chứng.

Tại hội thảo, ông Lê Văn Sử, Phó chủ tịch UBND tỉnh Cà mau, cho biết một năm qua cho thấy các ban, ngành địa phương, báo chí vào cuộc quyết liệt. Khối lượng công việc không nhỏ tuy nhiên so với yêu cầu còn chậm. Các tỉnh trước khi thực hiện phải đánh giá hiện trạng rà soát quy hoạch mới làm nghị quyết. Làm nghị quyết phải phù hợp quy hoạch vùng, phải thực hiện tổng thể nghị quyết. Chủ trương thích ứng khí hậu phải đặt ra quy hoạch. Tuy nhiên hiện chưa tìm ra tiếng nói chung của nhiều ban ngành.

Do quan điểm khác nhau về biến đổi khí hậu. Quy hoạch vùng chưa rõ. Cái Lớn cái Bé thực hiện nhiệm vụ ĐBSCl nhưng hiện chưa có phương án. Các tiểu vùng có thể làm nên bắt tay nhau. Tôi kiến nghị, chúng ta phải cùng nhau kiến nghị Trung ương đặc biệt Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn... đẩy nhanh kế hoạch làm cơ sở cho địa phương thực hiện.

ĐBSCL cần liên kết vùng. Cần có cơ quan điều phối, liên kết vùng. Ai chủ trì cần có sau kế hoạch tổng thể của Bộ Kế hoạch và Đầu tư.

Vai trò ĐHCT rất quan trọng, bởi đây là trường trung tâm ĐBSCl đào tạo đa ngành. Từ nghiên cứu cơ bản, cải tiến kỹ thuật... ĐHCT đều có thể tham gia. Địa phương nên kết hợp chặt chẽ với ĐHCT thực hiện nhiệm vụ nghiên cứu do địa phương đặt hàng.

Về cơ chế chính sách, đặc biệt cơ chế cho nông nghiệp nông thôn. Nhiều chính sách thực hiện không được nhiều, không khả thi. Cần xây dựng mô hình, làm thí điểm cho các chính sách. Cần triển khai mô hình, xin cơ chế thí điểm. Cách nào tốt kiến nghị với Trung ương.

Xây dựng liên kết chuỗi, ví dụ tỉnh Đồng Tháp là một thành công. Hình như chưa có liên kết bền vững, chưa đạt đến, chưa có chia sẻ. Các giá trị gia tăng chưa được chia sẻ đồng đều. Điều này đi ngược với nhiều nước trên thế giới. Các ngành hàng chủ lực nên xây dựng mô hình thí điểm. Đây là vấn đề hết sức quan trọng.

Theo TS Dương Văn Ni, Đại học Cần Thơ, các vấn đề ĐBSCL gặp phải thì rất nhiều đồng bằng khác trên thế giới đều gặp phải, ví như ở Mỹ hay Hà Lan. Ở Hà Lan, họ lập ủy ban phát triển đồng bằng, có tư cách pháp lý làm việc với các ban ngành, có ngân sách độc lập (hơn 1 tỉ euro hàng năm), được tự chọn nhân lực mình cần, những người này tách ra khỏi công việc sau khi hoàn thành việc ở ủy ban mới trở lại công việc cũ.
Ở nước ta còn thiếu cơ chế điều hành tổng hợp. Bộ Tài nguyên và Môi trường điều phối nhưng nằm ngang các bộ khác nên khó điều hành.

ĐHCT tiếp xúc nhiều với các chuyên gia Hà Lan nên cần đưa ra nhiều ý kiến thiết thực để chúng ta học tập.

GS- TS Hà Thành Toàn, Hiệu trưởng Đại học Cần Thơ đề xuất cần phải có nhạc trưởng trong điều hành thực hiện nghị quyết 120, “nhưng ai là nhạc trưởng thì phải đề xuất Chính phủ”, ông nói. Riêng với Đại học Cần Thơ, ông cam kết phát huy và thực hiện hiệu quả hơn nữa các mô hình đã triển khai thời gian qua. “Hiện nay, Đại học Cần Thơ đang phối hợp với các đơn vị, doanh nghiệp thực hiện ba mô hình về tích tụ ruộng đất”, ông cho biết.

“Chúng tôi sẽ làm nhiều việc vì sự phát triển của ĐBSCL. Chúng tôi cam kết đồng hành cùng Chính phủ, các bộ ngành để phát triển vùng phù hợp, sử dụng đất đai hiệu quả nhất để tăng thu nhập người dân phát triển bền vững ĐBSCL”, ông cho biết.

* Đã đăng TBKTSG Online 14-12-2018:

* Mời xem thêm:
















Một số đài Truyền hình như: VTV9, Nhân Dân, Cần Thơ, Hậu Giang… cũng đưa tin trong chương trình thời sư tối 14-12-2018.

Không có nhận xét nào: