Chủ Nhật, 16 tháng 12, 2018

Hậu Giang muốn làm kinh tế xanh

Huỳnh Kim
Thứ Tư,  12/12/2018, 15:54 


(TBKTSG Online) - Tại “Diễn đàn Kinh tế xanh 2018 - Hậu Giang xây dựng chuỗi giá trị nông sản định hướng thị trường trên nền tảng logistics” diễn ra tại thành phố Vị Thanh, Hậu Giang ngày 12-12, lãnh đạo tỉnh này đã cùng nhiều chuyên gia, doanh nghiệp bàn chuyện đẩy mạnh việc làm kinh tế xanh.

Đại biểu xem hàng nông sản Hậu Giang bên ngoài hội thảo hôm 12-12. Ảnh: Huỳnh Kim

Ông Lê Tiến Châu, Chủ tịch UBND tỉnh Hậu Giang, cho biết nông nghiệp Hậu Giang tuy giàu tiềm năng nhưng chưa tham gia sâu vào chuỗi giá trị nông sản.

“Trong thời kỳ cách mạng công nghiệp 4.0, mặc dù nền nông nghiệp Hậu Giang còn ở dạng tiềm năng, nhưng ở khía cạnh đầu tư, đây lại là lợi thế lớn nếu biết đón đầu xu thế của thế giới, phát triển nông nghiệp theo chuỗi giá trị nông sản dựa trên nền tảng logictics”, ông Châu nói.

Theo ông Trương Cảnh Tuyên, Phó Chủ tịch UBND tỉnh, Hậu Giang đang tổ chức tái cơ cấu nông nghiệp, ưu tiên đầu tư cho thủy sản, rau quả, lúa gạo và phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao.

“Tỉnh đã thành lập khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao tại huyện Long Mỹ diện tích 5.200 ha với nhiều chính sách hỗ trợ người dân và các nhà đầu tư làm nông nghiệp công nghệ cao, nông nghiệp sạch, xây dựng chuỗi giá trị nông sản”, ông Tuyên cho biết.

Theo ông Nguyễn Đỗ Anh Tuấn, Viện trưởng Viện Chính sách và chiến lược phát triển nông nghiệp và nông thôn, tuy ngành logistics Việt Nam đang tăng trưởng 16-20%/năm (xếp thứ 64/160 trên thế giới và thứ tư ASEAN sau Singapore, Malaysia và Thái Lan - theo World Bank), nhưng chi phí giao thông và vận chuyển chiếm tới 25% so với 7-15% ở các nước phát triển.

Logistics kém phát triển là một trong những nguyên nhân khiến giá thành sản xuất nông sản cao, khó cạnh tranh. Vì vậy, giải bài toán chuỗi giá trị nông nghiệp phải gắn chặt với bài toán phát triển logistics.

Ông Tuấn cho biết hiện nay thị trường logistics toàn cầu dự báo tăng trưởng trung bình 6,54%/năm giai đoạn 2017-2020, và sẽ đạt 15,5 nghìn tỉ đô la Mỹ vào năm 2024. Do vậy, đầu tư đúng cho logistics sẽ giúp đẩy mạnh phát triển chuỗi giá trị nông sản của Việt Nam nói chung và tỉnh Hậu Giang nói riêng.

Theo ông Tôn Nham, Phó Chủ tịch Hiệp hội Nông nghiệp Trung Quốc – ASEAN, nếu tỉnh Hậu Giang đầu tư đúng cho logictics - vận chuyển và xây dựng nền nông nghiệp kỹ thuật số thì sản phẩm nông nghiệp của Hậu Giang, nhất là gạo và cây ăn trái, sẽ chiếm lĩnh thị trường Trung Quốc và ASEAN.

Ông Tôn Nham cho biết năm 2017 Trung Quốc nhập khẩu 125,86 tỉ đô la Mỹ hàng nông sản, tăng 12,5 % so với năm 2016, nhiều nhất là trái cây. Trong đó, Việt Nam đang xuất khẩu chuối nhiều nhất vào Trung Quốc.

So sánh rầu riêng Thái Lan và sầu riêng Việt Nam, ông Tôn Nham nói: “Sầu riêng Việt Nam rất thơm và đi đường gần hơn để sang Trung Quốc nên người tiêu dùng Trung Quốc đang chọn ăn sầu riêng Việt Nam nhiều hơn”.

Ông Tôn Nham cũng cho biết hiện người Trung Quốc đang rất quan tâm đến sức khỏe nên sẵn sàng mua hàng nông sản giá cao miễn là hàng sạch và có chất lượng.

“Chúng tôi mong rằng sau hội thảo này, tỉnh Hậu Giang sẽ có chính sách đầu tư phát triển logistics và xuất khẩu hàng nông sản qua Trung Quốc không phải chỉ theo đường tiểu ngạch mà còn theo đường chính ngạch”, ông Tôn Nham nói.

Ông Lee Yong Kyun, Giám đốc điều hành Công ty Lavifood (Hàn Quốc), cho biết thị trường rau củ quả của thế giới đang tăng. Dự báo tới năm 2021, sẽ đạt 317,1 tỉ đô la Mỹ hàng rau củ quả chế biến và 540 tỉ đô la Mỹ rau củ quả tươi. Trong đó, ở Việt Nam, năm 2020, nhu cầu rau củ quả dự báo sẽ cần tới 19,4 triệu tấn.

“Công ty chúng tôi sẽ hợp tác với tỉnh Hậu Giang xây dựng nhà máy chế biến rau củ quả và đồng hành với nông dân để có sản phẩm chất lượng xuất khẩu cũng như tiêu thụ nội địa trên nền tảng đầu tư phát triển công nghệ thông tin và logistics trong lĩnh vực này”, ông Lee Yong Kyun nhấn mạnh.


* Đã đăng TBKTSG Online 12-12-2018:

Không có nhận xét nào: