Thứ Tư, 2 tháng 3, 2016

Nghe và thấy ở Safari Phú Quốc




Trước nhiều thông tin khác nhau về Vinpearl Safari Phú Quốc, vườn thú bán hoang dã đầu tiên ở Việt Nam, chúng tôi vừa đi tham quan nơi này để xem sự thật ra sao.

Sáng ngày 26-2, thấy có vài chục khách Nga, Hàn Quốc, Trung Quốc và nhiều tốp khách Việt Nam nghỉ ở khách sạn Vinpearl Phú Quốc, ngồi xe điện tuktuk vào Safari, cách khách sạn chừng năm cây số. Dọc hai bên con đường nhựa quanh co, tầm nhìn của du khách bị che khuất bởi những cánh rừng nguyên sinh. Bác tài nói khu Safari này rộng hơn 380 héc-ta, nằm ở cực bắc huyện đảo Phú Quốc, thuộc địa phận xã Gành Dầu. Tới nơi, gặp vài đoàn khách khác đang vào cổng, trong đó đoàn khách Việt Nam đông hơn 50 người đi theo tour của Vietravel.

Màn múa trống tưng bừng của tốp nghệ sĩ múa châu Phi đón chào du khách ngay trước cửa Safari. Chúng tôi đi thăm khu vườn thú nhốt trước, khu vườn thú mở sau; giữa chừng có 30 phút xem chim thú "chơi" với con người.

Trong khu vườn thú nhốt rộng 80 héc-ta, những con đường quanh co dốc dưới những vạt rừng già, đôi khi làm mỏi chân du khách. Trong gió rừng rì rào, trời càng về trưa càng nóng. Nhiều gia đình cho trẻ em ngồi lại nghỉ mát dưới bóng cây trên những tấm ghế gỗ rộng, sau lưng họ là tấm bảng ghi song ngữ Việt – Anh: "Không leo trèo, đứng, ngồi hoặc dựa vào tường rào". Dù lội bộ mệt (tổng chiều dài khoảng nửa cây số), nhưng thấy ít có ai bỏ cuộc. Vì chỉ sau một chặng ngắn, mọi người lại được gặp những loài động vật hoang dã lạ mắt. Đây là đàn hồng hạc châu Á và đàn vịt châu Phi dưới hồ nước suối. Kia là ba con sư tử trắng nằm trầm tư trên mỏm đá mé rừng. Rồi tê giác trắng, linh miu châu Phi, hổ Bengal, hổ trắng Ấn Độ, sư tử châu Phi, hổ Đông Dương, bò sừng dài, ngựa vằn, voi châu Á, linh cẩu, lạc đà, linh dương núi, linh dương xanh, khỉ đầu chó, vượn cáo đuôi khoang… Có bầy đang lim dim nằm ngủ, có cặp như hai chú linh dương kia, đang cọ sừng vào nhau. Sống trong vòm lưới, một đàn sáo kêu inh ỏi quyến rũ những con chim rừng sà xuống đậu ở bên ngoài.

Trước mỗi chuồng trại, đều có tấm bảng ghi tóm tắt đặc điểm từng loài bằng hai thứ tiếng Việt - Anh. Tuy vậy, hướng dẫn viên Lê Công Toại, người của Safari, vẫn giải thích thêm. Như với loài hổ Bengal (mà phải qua hai lớp rào lưới sắt cao sáu mét khách mới tới gần được), anh Toại nói: "Nó rất thông minh và dũng mãnh nhưng lại sống đơn độc, tốc độ săn mồi lên tới 65 km/giờ; mỗi con nặng từ 250-350 ký; ở đây mỗi con ăn 10 ký thịt sống mỗi ngày".

10 giờ sáng, các đoàn tụ lại xem và "tương tác" với một số loài thú hoang dã đã được thuần hóa, như vẹt, khỉ, vượn má vàng, cò mỏ thìa, rồng đất, thằn lằn, trăn… Hai cô nhân viên Safari bồng một "em bé" vượn má vàng đang bú sữa bình và một chú rồng đất con đi quanh sân khấu để khách được vuốt ve, chụp ảnh. Bữa đó, có ba du khách Cần Thơ và Hà Nội xuống "chơi" với chim Toucan, chim Sara và trăn bạch tạng. Các bạn ôm con trăn 45 ký quanh cổ chụp hình và "tranh giành" một tờ giấy bạc với chim Sara. Trong khi đó, MC đứng dưới bờ suối hướng lên sân khấu hay nhắc lại với khách tham quan rằng, "con người chúng ta nên cố gắng giữ mối thân thiện với các loài chim thú hoang dã và đừng làm hại chúng".

Rời sân khấu, khách lên xe vào khu thú nuôi thả. Hai bên đường, chỗ này là "lãnh thổ" của nai Săm-ba, chỗ kia là đất của hươu sao, linh dương đen, dê núi, hươu cao cổ, linh dương sừng kiếm, linh dương sừng xoắn… Bữa đó, chúng tôi may mắn chụp được cảnh hai mẹ con dê núi đang băng qua đường; chú dê con vừa đi vừa rúc đầu vào vú mẹ. Anh Toại nói: "Con dê này mới sinh được vài bữa nay". Tới chỗ đàn hươu cao cổ đang ăn lá keo bên mé rừng, xe dừng lại, có hai con hươu tới cọ đầu vào cửa kính, khách trong xe lại thích thú chụp ảnh, quay phim. Ở một cánh rừng khác, gặp một bầy đà điểu từ ven rừng chạy ra và cứ thế chạy trước không cho xe qua mặt. Anh Toại nói: "Loài đà điều châu Phi này chân có hai móng, khác loài châu Úc có ba móng. Con trưởng thành cao hai mét, nặng 150 ký, chạy tới 70 km/giờ. Bộ não của nó chỉ to bằng hạt đậu và mỗi ngày nó phải nuốt thêm sỏi để tiêu hóa thức ăn vì không có răng. Nó sống được 50 năm, mỗi con mái đẻ được tới 3.000 trứng trong một vòng đời".

  Tê giác trắng trong Safari Phú Quốc.


Một du khách đang “thưởng thức” cảm giác được “choàng khăn” bằng một con trăn.



Tới trưa thì tour buổi sáng kết thúc, ai không thích về khách sạn thì ở lại với rừng và Safari với ba nhà hàng tên Rhino, Flamingo, Giraffe cùng nhiều quầy thức ăn nhanh tiện lợi ở dọc cung đường tham quan. Giá vé vào cổng của tour này là 500.000 đồng (người lớn) và 400.000 đồng (trẻ em); người già yếu được miễn phí. Anh Toại nói tour buổi chiều của Safari cũng tương tự tour buổi sáng. Hiện Safari này có hơn 2.000 cá thể của 104 loài động vật hoang dã, nhiều nhất đến từ châu Phi.

Chia tay tour này, sổ tay của chúng tôi ghi lại được ba ý kiến. Anh Alex Leskin, du khách Nga đi cùng con gái bảy tuổi, viết: "Khu vườn thú này đẹp. Thật thích khi nhìn chim thú chơi đùa nhảy nhót trong những khu vực gần như hoang dã. Con gái tôi cũng thích vườn thú này lắm". Anh Lê Văn Kiệt ở Hà Nội, đi cùng vợ và con gái ba tuổi, nói: "Rừng ở đây trong lành, nhân viên lịch sự, có nhiều loại thú lạ, cha con tôi thích nhất là hươu cao cổ". Vợ anh, chị Vũ Thanh Hằng, tiếp lời chồng: "Đây là mô hình safari đầu tiên ở Việt Nam, so với các safari trong khu vực thì số loài động vật chưa nhiều. Vì khu vực này rất rộng, theo tôi, nên có thêm xe điện cho người có nhu cầu, nhất là những gia đình có cháu nhỏ, vì đi bộ xem không hết được".

Bài đã đăng tại:
http://baocantho.com.vn/?mod=detnews&catid=63&p=0&id=175879



Over 2,000 creatures live at Vinpearl Safari

(Trang 1 Saigon Times Daily  25-2-2016)



Lạc Long dịch:

Hơn 2000 cá thể động vật sống tại Vinpearl Safari

Với 108 cá thể được báo cáo là đã chết tại vườn thú Vinpearl Safari Phú Quốc, số lượng cá thể còn sống ghi nhận được vào ngày 19/02 là 2004.

Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn tỉnh Kiên Giang hôm qua đưa ra một báo cáo về tình hình hoạt động của vườn thú Vinpearl Safari. Theo đó, bản báo cáo xác nhận số lượng cá thể còn sống đồng thời bác bỏ tin đồn có hàng ngàn động vật chết tại vườn thú.
Bản báo cáo được công bố vài ngày sau khi chủ đầu tư Vinpearl Safari Phú Quốc, tập đoàn Vingroup, trong tuyên bố của mình đã phủ nhận về cái chết của hàng ngàn động vật.

Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn tỉnh Kiên Giang, 108 cá thể bị chết sau quá trình vận chuyển kéo dài và sự thay đổi thói quen sống đột ngột. Trong khi đó, 135 con khỉ nhỏ đã trốn thoát khỏi lồng do lớp lưới được thiết kế cho những con có kích thước lớn hơn. Thông tin này giống với tuyên bố mà Vingroup đưa ra hôm chủ nhật.

Vườn thú hiện là nơi sinh sống của 104 loài, bao gồm các loại thú, chim chóc và bò sát. Trong đó, có 56 loài được nhập khẩu (25 loài được CITES cấp phép), 48 loài khác có nguồn gốc bản địa, theo nội dung báo cáo được đưa ra bởi đơn vị kiểm lâm địa phương và cảnh sát môi trường hôm thứ ba, sau quá trình điều tra và phân tích các tài liệu liên quan.

Vinpearl Safari đang chăm sóc 14 con tê giác theo một thỏa thuận với sở thú Mỹ Quỳnh ở tỉnh Long An thuộc ĐBSCL. Sắp tới, Ban Quản lý vườn thú sẽ xin giấy phép nhập khẩu tê giác.

Bản báo cáo cũng cho biết hiện số nhân viên đang làm việc tại vườn thú là 232 người, bao gồm 8 chuyên gia nước ngoài. Theo báo cáo, không có nhân viên phụ trách chăm sóc thú rời đi do số lượng lớn động vật chết như tin đồn.

Kiên Giang báo cáo về hoạt động của Vườn thú Vinpearl Safari Phú Quốc


LẠC LONG

Ngày 24-2, Sở NN&PTNT tỉnh Kiên Giang đã gởi báo cáo Bộ NN&PTNT "Về tình hình hoạt động của dự án Vườn thú Vinperal Safari Phú Quốc”.
Báo cáo nêu rõ, dự án này được Thủ tướng Chính phủ, Bộ NN&PTNT và UBND tỉnh Kiên Giang chấp thuận thành lập vào tháng 3-2015, quy mô 498,98 ha tại hai xã Gành Dầu và Cửa Cạn, huyện Phú Quốc, tỉnh Kiên Giang. Đến tháng 12-2015, vườn thú này bắt đầu hoạt động, góp phần tăng thêm sản phẩm du lịch cho Phú Quốc, thu hút khách du lịch trong và ngoài nước, giải quyết việc làm cho lao động địa phương, cùng Vườn Quốc gia Phú Quốc tăng cường công tác quản lý, bảo vệ và phòng chống cháy rừng.

Về các thông tin trên mạng gần đây cho rằng có hàng nghìn thú ở đây bị chết và bỏ vào rừng, môi trường ô nhiễm, nhân viên bỏ việc… báo cáo cho biết ngày 23-2, Chi cục Kiểm lâm Kiên Giang và Phòng Cảnh sát phòng chống tội phạm về môi trường Kiên Giang đã phối hợp kiểm tra tại chỗ. Kết quả: "Không có việc nhân viên tháo chạy khỏi vườn thú như thông tin đã nêu". Và: "Vườn thú hiện đang chăm sóc, nuôi dưỡng 104 loài động vật bao gồm thú, chim và bò sát. Trong đó có 56 loài nhập khẩu (25 loài được CITES cấp phép) và 48 loài có nguồn gốc trong nước".

Trong số 2.236 động vật nhập về, đến ngày 19-2 còn 2.004 cá thể và có thêm 12 cá thể mới sinh ra. Về số lượng động vật sổng chuồng, có 135 con khỉ đuôi dài còn nhỏ, "do thiết kế chuồng là nuôi khỉ lớn nên chạy ra ngoài rừng".

Về số lượng thú chết, có 108 cá thể, "do ảnh hưởng của quá trình vận chuyển, một số cá thể bị giảm sức khỏe, chưa thích nghi với môi trường, thổ nhưỡng và đều kiện khí hậu". Báo cáo cũng khẳng định: "Không có động vật quý hiếm bị chết như sư tử, hổ, báo, tê giác". Và "toàn bộ đậng vật chết được xử lý theo đúng quy định".
Theo báo cáo về thông tin tê giác chưa được CITES cấp phép nhập, thì: "Hiện nay, trong Vườn thú Safari Phú Quốc có 14 cá thể tê giác có nguồn gốc là công ty hợp tác với Vườn thú Mỹ Quỳnh ở tỉnh Long An để trưng bày. Công ty đang làm thủ tục xin nhập tê giác ở nước ngoài theo quy định của pháp luật".

Sở NN&PTNT Kiên Giang cũng cho biết tại báo cáo này: "Ban giám đốc Vườn thú thực hiện tốt các hoạt động đúng quy định pháp luật cũng như các tiêu chuẩn về phúc lợi động vật: chuồng trại được thiết kế bảo đảm an toàn, phù hợp cho đặc tính sinh học từng loài động vật; quy trình chăm sóc sức khỏe động vật được giám sát bởi đội ngũ chuyên gia là các bác sĩ thú y có kinh nghiệm".

Về môi trường, đoàn kiểm tra kết luận "Công ty đã thực hiện đúng theo Đề án đánh giá tác động môi trường được Bộ Tài Nguyên và môi trường phê duyệt".


Đã đăng Báo Cần Thơ 25-2-2016:
http://baocantho.com.vn/?mod=detnews&catid=63&p=0&id=175653