Thứ Bảy, 28 tháng 1, 2017

Sáng mùng 1 Tết Đinh Dậu 2017

Sáng mùng 1 Tết Đinh Dậu 2017

Thứ Tư, 25 tháng 1, 2017

Cần Thơ khai mạc đường hoa xuân



Cửa sau đường hoa xuân Cần Thơ trước giờ khai mạc tối 24-1-2017. 

(TBKTSG Online)- Vừa mở cửa khai mạc vào tối hôm qua 24-1 (27 tết), hàng nghìn lượt người đã vào tham quan thưởng ngoạn đường hoa xuân Cần Thơ ở sát bên chợ hoa Tết gần bến Ninh Kiều.

Đường hoa xuân Cần Thơ dài hơn 300 mét, nằm gọn trên đường Võ Văn Tần, nối đại lộ Hòa Bình với chợ hoa Tết bến Ninh Kiều. Ngay sau giờ khai mạc, hàng nghìn lượt khách, trong đó có hàng trăm du khách trong và ngoài nước đang đi chơi chợ hoa Tết Ninh Kiều, đã vào tham quan, chụp ảnh trong đường hoa.

Có nhiều gia đình từ huyện ra, đã thích thú chụp ảnh trước mô hình chiếc máy bay đang cất cánh trên thảm hoa tươi vạn thọ. Trong khi đó, nhiều du khách nước ngoài lại thích chụp ảnh với trẻ em trước mô hình nhà cổ Bình Thủy đầy hoa tươi vây quanh.

Với chủ đề “Sắc xuân đất nước”, đường hoa Cần Thơ phục vụ người đi chơi tết 4 nội dung. Các mô hình, tiểu cảnh giới thiệu đặc trưng quê hương ba miền Bắc - Trung - Nam thuộc nội dung “Sắc xuân đất nước”. Mô hình chợ nổi Cái Răng, cầu đi bộ Ninh Kiều, du thuyền, nhà vườn du lịch, nhà cổ Bình Thủy, máy bay cất cánh… thuộc nội dung “Cần Thơ phát triển”. Câu chuyện “Cổ tích biển” là nội dung tái hiện truyện Mai An Tiêm ra đảo trồng dưa hấu với kết thúc là mô hình cặp dưa hấu lớn trước cổng sau. Ngoài cổng chính trên đường Hòa Bình là mô hình chú gà trống khổng lồ đang cất tiếng gáy (có âm thanh) là điểm nhấn của nội dung “Gà và xuân mới”.

Tất cả 50 mô hình, tiểu cảnh này được xếp đặt nghệ thuật và sinh động cùng với khoảng 90.000 giỏ hoa tươi các loại. Năm nay, 9 quận, huyện của TP. Cần Thơ lần đầu tiên tham gia tạo hình nghệ thuật đường hoa xuân với thành phố, nhằm quảng bá du lịch địa phương mình.

Đường hoa xuân Cần Thơ chi phí hơn 6 tỉ đồng từ vốn xã hội hóa; mở cửa đến hết ngày 2-2 (mùng 6 tết).
Trao đổi với TBKTSG Online, ông Trần Việt Phường, Giám đốc Sở Văn hóa - Thể thao - Du lịch TP. Cần Thơ, kỳ vọng đường hoa xuân Cần Thơ năm nay sẽ là điểm nhấn để thu hút thêm du khách đến với Cần Thơ.

Năm ngoái, Cần Thơ đón hơn 5,34 triệu lượt khách, doanh thu 1.826 tỉ đồng. Năm 2017 này, Cần Thơ dự kiến đón 5,6 triệu lượt khách, trong đó có hơn 600.000 khách quốc tế, doanh thu 2.000 tỉ đồng.

Bài đăng tại:
http://mobile.thesaigontimes.vn/tinbaichitiet/156451/

Thứ Ba, 24 tháng 1, 2017

Tản mạn cuối năm



Nguyễn Văn Huỳnh



Cần phải chuyển đổi cơ cấu sản xuất cho phù hợp với từng tiểu vùng với lúa, cá, tôm. Ảnh: LÊ HOÀNG VŨ

(TBKTSG) - ... Già rồi nên ngủ sớm, người ta bảo vậy mà! Nên cỡ 9 giờ thì vào phòng đọc nọ đọc kia, đến khoảng 10 giờ là mòn mỏi để ngủ đi là vừa. Nhưng cũng có hôm mới 9 giờ thì sao tờ báo đã bắt đầu nhòe chữ và mắt díu lại nên... ra đi sớm. Có khi nào đi luôn không? Nếu được vậy cũng khỏe, vì nói chuyện này với bác sĩ thì ai cũng bảo không dám đâu, ít có nước nào trên thế giới hiện nay cho phép được ra đi nhẹ nhàng theo ý muốn mặc dù đã có “di chúc” hay theo yêu cầu.

Rồi cứ khoảng 5 giờ sáng là tự nhiên thức dậy, ra mở đèn lên, nấu nước pha cà phê. Thường là cà phê Trung Nguyên, nhưng gần đây có đứa sinh viên cao học cho hai gói robusta và arabica. Hỏi đâu có thì nó nói tụi em liên hệ lấy ở Buôn Ma Thuột để xay mở quán (ở Long Xuyên) đồng thời bỏ mối. Hỏi em pha theo tỷ lệ nào? Em nói thường là 7/3 cho robusta/arabica. Tôi nói robusta thì cho vị đắng chớ arabica thì thơm nhưng nếu để nhiều sẽ bị chua. Hiếm có nơi nào trồng được arabica nên giá đắt hơn và chỉ có những người biết uống mới chuộng. Tôi cũng làm theo công thức được hướng dẫn để uống thử. Bột robusta nâu đen còn arabica nâu vàng hơn. Vì pha cho cả hai vợ chồng nên chỉ có một cái phin mà dồn vô hơi nhiều nên ban đầu nó không chịu chảy, nhưng đến khi chảy được rồi thì lại xuống nhanh (cũng lạ!).

Mùi thơm của arabica là lạ, sáng nay lại gặp giọng hát của Elvis Phương trong Tình khúc vượt thời gian trên ti vi Đồng Tháp, bắt đầu từ lúc 5 giờ rưỡi sáng. Cũng thú vị. Tôi quá thích Elvis Phương từ thời còn đi học với Vết thù trên lưng ngựa hoang nên bây giờ vẫn còn mến anh, mặc dù giọng đã già quá rồi (hình như cũng cỡ tuổi mình thì phải?) nhưng phong cách lúc nào cũng rất chững chạc. Xem thấy khán giả cũng hầu hết đầu đã quá hoa râm, hình như muốn đến để hoài cảm hơn là để nghe thật; xem Phương Dung để nhớ con “Nhạn trắng Gò Công” với Nỗi buồn gác trọ thuở nào; hay Tuấn Ngọc, Anh Khoa với Khúc thụy du làm “loài chim bói cá trên cọc nhọn trăm năm”...

Mà tỉnh Đồng Tháp này cũng ngộ, có ông Bí thư tỉnh ủy (Ủy viên Trung ương Đảng) mà lại chịu viết bài cho Thời báo Kinh tế Sài Gòn với mấy chuyện bình dân như Giày dép còn có số, nói về những người nông dân nghèo nên an phận thủ thường. Quanh năm họ chỉ biết có “làm lúa” từ hai vụ sang ba vụ, để bảo đảm “an ninh lương thực” cho cả nước, còn dư thì Nhà nước xuất khẩu cho với giá rẻ như bèo nên họ thuộc diện nghèo nhất nước. Hay như ông ấy giới thiệu chuyện Trồng xoài trên mạng của nông dân xã Mỹ Đức (Cao Lãnh, Đồng Tháp). Bà con đưa từng cây xoài sai trái có đánh số lên trên mạng, để bất cứ ai ở đâu cứ việc chọn, rồi ngã giá mua thì ông nông dân này sẽ chăm sóc theo ý muốn, để đến ngày thu hoạch, khách mua tới hái trái đem về nhà, hay yêu cầu để họ hái và chở trái đến tận nơi...

Năm vừa qua có một đợt hạn hán lịch sử ở đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL). Đồng lúa cạn khô, nước mặn xâm nhập cho tới vườn cây ăn trái ở trong Vĩnh Long cũng bị rụng lá rồi rụng trái và chết khô, nhứt là các vườn bưởi hàng mấy chục năm tuổi. Đến nỗi các nhà khoa học phát hoảng lên và có cơ hội để lên tiếng. Một là các đập thủy điện trên dòng chính của sông Mêkông đã bị các nước ở thượng nguồn chặn dòng nên phù sa sẽ không đổ về, nguồn cá không tìm về được bãi đẻ, và nước mặn sẽ vào sâu trong nội địa. Hai là không thể cứ làm tối đa hai, ba vụ lúa mỗi năm (cho an toàn lương thực... của cả châu Phi!) mà cần phải chuyển đổi cơ cấu sản xuất cho phù hợp với từng tiểu vùng với lúa, cá, tôm. Và ba là phải biết dự trữ nước ngọt ở các vùng trũng tự nhiên như Đồng Tháp Mười, Tứ giác Long Xuyên chứ không phải cứ lập bờ bao để trốn nước hay khai thông để chắt cạn Đồng Tháp Mười như đang làm.


Nghe nói bưởi da xanh, xoài tứ quý (xoài cát Hòa Lộc ngon nhưng khó xuất vì vỏ mỏng quá), vú sữa Lò Rèn, thanh long năm nay xuất được nhiều sang Nhật, Mỹ nhờ người dân bắt đầu tin ở VietGAP, GlobalGAP do có hợp đồng bao tiêu sản phẩm.


Theo Tiến sĩ Lê Anh Tuấn (Viện Nghiên cứu biến đổi khí hậu, Đại học Cần Thơ), vừa đi thăm đập thủy điện Don Sahong đang xây dựng ở hạ Lào, thì đây sẽ là “tử huyệt của cá”, vì đập sẽ hủy diệt nguồn sống của bao nhiêu triệu người dân ở dưới hạ lưu. Với các đập này thì chẳng những phù sa mà ngay cả cát cũng không xuống được hạ lưu, nên nếu cứ kiểu khai thác cát trên sông như hiện nay thì trong tương lai không xa ĐBSCL sẽ biến mất do sụt lún! Sạt lở bờ sông đang lan dần vô tới nội đồng như ở Bạc Liêu và Trà Vinh gần đây là dấu hiệu báo trước, chưa kể đến ý tưởng khai thác nước ngầm để tưới lúa qua đợt hạn mặn vừa qua.      

Mà nói chi đâu cho xa, các nhánh sông trong nội địa cũng đang bị mình khai thác nước vô tội vạ, với 3-4 đập thủy điện liền kề. Mùa nắng thì mạnh ai nấy chặn dòng để giữ nước chạy máy, còn mưa lớn thì xả lũ vô chừng để khỏi bị vỡ đập nên làng mạc của người dân ở phía dưới chìm trong biển nước, như ở Quảng Ngãi, Bình Định, Phú Yên trong mấy tuần qua! Đâu chỉ có ĐBSCL.

Ờ, mà 8 giờ sáng nay có họp ở Đại học Cần Thơ, xét duyệt các đề cương nghiên cứu sinh (Thesis’ outline). Lúc này người làm tiến sĩ ngày càng nhiều. Có anh ở hội làm vườn của huyện có khả năng được thăng tiến; có chị phó có khả năng sẽ lên chức giám đốc sở... mà ngặt nghèo thay phải có bằng tiến sĩ mới được. Thầy ơi, làm sao giúp em, nếu thầy không hướng dẫn thì giới thiệu giùm người khác. Dễ thôi, nhiều thầy cũng cần lắm để cố gắng lên phó giáo sư hoặc giáo sư. Nhiều cái đề cương trông giông giống nhau, chỉ khác để trị con sâu này chớ không phải con kia, thêm chút gì đó cho có vẻ hiện đại... Mà giúp làm sao được khi chữ Việt của em cũng chưa đầy lá mít, viết chính tả trật ngược trật xuôi, nói chi đến tiếng Anh để tham khảo, liệt kê cho bài viết.

Sáng nay phải duyệt bốn cái đề cương nên chắc phải ngồi đến cuối giờ buổi sáng, vậy nên đi chợ sớm để bả ở nhà có cái để nấu ăn. Thằng cháu nội giờ này chưa thức đâu và mẹ nó cũng ngủ vùi theo để bù việc chăm sóc qua đêm. Cha nó thì nghe đã có rục rịch dậy rồi; chắc cũng phải đi sớm vì mấy cái thanh toán cuối năm cho đề tài nghiên cứu về các rủi ro khi sử dụng nguồn nước tưới ở Sóc Trăng...

Cô Thùy ngoài chợ mời chào hôm nay có mớ tép sông (không phải tép nuôi thường hay tắm thuốc). Cô Thảo nói may còn có miếng thịt đầu mềm mới cắt nè thầy ơi. Cho tôi trái khóm đó và gọt giùm chút nữa lại lấy. Dưa leo hôm nay còn mắc không Diễm vì đã bớt mưa rồi? À, dưa leo với khóm xào tép thì cần thêm mấy trái cà chua, và bả nói nên có rau cần tàu, vậy nhờ con chọn giùm luôn nhe... Có cái chợ chồm hổm ở ngã ba lộ tẻ này cũng đỡ, và đi sớm thấy sự hối hả của bà con thật dễ thương...

Mua một hồi rồi đùm đề xách vô thì đã hơn 7 giờ, bả bảo nên ăn cơm nguội đi cho chắc bụng, thức ăn hôm qua cũng còn ngon, ăn chi quán xá coi vậy chớ không biết có làm sao không vì cái tệ buôn bán bây giờ. Thôi ăn mì gói cho nhanh nghe, sẵn có rau sống mới hái vô nè? Cũng được.

Tết nhất đến nơi rồi, nghe mọi người rộn rịp sắm Tết mà mình vui theo. Tết năm nay trái cây có hơi mắc vì bị hạn mặn vừa qua, lại nữa nghe nói bưởi da xanh, xoài tứ quí (xoài Cát Hòa Lộc ngon nhưng khó xuất vì vỏ mỏng quá), vú sữa Lò Rèn, thanh long năm nay xuất được nhiều sang Nhật, Mỹ nhờ người dân bắt đầu tin ở VietGAP, GlobalGAP do có hợp đồng bao tiêu sản phẩm. Đang có rục rịch cho chuyển đổi hạn điền để cho người dân được tích tụ ruộng đất mà lên sản xuất tập thể... Hy vọng lắm!

Bài đăng tại:
http://mobile.thesaigontimes.vn/tinbaichitiet/156248/

Chủ Nhật, 22 tháng 1, 2017

Mặt trái của Tết

 


Nguyễn Thanh Lâm

Tết, lắm nghi thức làm khổ người nghèo. Ảnh: Thành Hoa
 
(TBKTSG) - Vào dịp Tết, nhu cầu thị trường tăng vọt ở nhiều mặt hàng, dịch vụ, phần lớn là các nhu cầu ăn uống, quà cáp, cúng kiếng, về quê... Cầu lớn thì giá cả ở phía cung thường nên giảm (nếu bị nhiều đối thủ cạnh tranh), hoặc để kiếm lợi nhuận do lượng cầu gần như vững chãi phải được đáp ứng thì cũng có thể tăng (nếu ít cạnh tranh trên địa bàn hẹp, chẳng hạn).

 
Nhưng một thông lệ đầy tệ hại cho nền kinh tế là sự ngấm ngầm thông đồng tăng giá vào mỗi dịp Tết, mà đã tăng lên và thiết lập một mặt bằng giá mới thì thật khó mà giảm xuống. Cứ xem diễn biến giá của tô phở hay ổ bánh mì trong mấy chục năm qua thì sẽ thấy mức lạm phát trên thực tế là như thế nào.
 
Nhìn ở góc độ xã hội, những ý nghĩa đẹp đẽ của Tết truyền thống đã bị chính truyền thống bảo thủ hủy hoại. Nói không ngoa, quá nhiều người đau khổ với những phong tục đã chuyển thành hủ tục. Như Tết là cách gì cũng phải tụ tập về đại gia đình, đặc biệt là bên nội (do giữ nếp trọng nam khinh nữ). Ở châu Âu, đêm Noel thường được xem như Tết, sự đoàn tụ thường chỉ trong phạm vi gia đình hẹp giữa những người đang sinh sống với nhau, chẳng ai buộc dâu rể tụ tập để phải lo tất bật đi lại, xáo trộn cả xã hội, nhiêu khê chuyện ăn ở.
Hoặc như một tập tục là muốn làm gì thì cũng phải thanh toán nợ nần trước Tết, cho dù trả nợ xong, sau Tết sẽ lại mượn lại. Thế là tín dụng đen có sẵn miếng đất màu mỡ để gieo mầm và cắt cổ.

Hay như cách nhìn về người nghèo. Dù nhà nghèo mấy thì trẻ con vẫn phải có quần áo mới. Bởi nếu mặc đồ cũ ngày Tết thì chúng sẽ cảm thấy tủi hổ, còn người lớn thì sợ những chấn thương tâm lý như thế sẽ hủy hoại một phần hay toàn phần tuổi thơ của đứa trẻ. Gia đình dù có thất nghiệp, đói meo cũng phải đủ lễ cúng kiếng, không chỉ vào đêm giao thừa. Không có bánh tét, bánh chưng, không có cặp dưa hấu để chưng trên bàn thờ thì xem như không có Tết. Hàng mã thì đốt bất kể trời đất bị ô nhiễm khói độc. Sao vậy? Sao lắm nghi thức làm khổ người nghèo quá vậy? Cuộc sống bầm dập suốt cả năm chưa hành hạ họ đủ hay sao? Và cho dù cuộc sống đã có phần sung túc thì sự thể hiện đời sống tâm linh vẫn có những cách thức văn minh hơn việc hái lộc, đốt vàng mã và "đút lót" thần thánh.

Dịp Tết cũng là dịp cho một số nhà giàu khoe của với cây mai tiền tỉ, với cành đào tiền triệu, với dưa hấu khối vuông bạc triệu, với quà cáp biếu xén để hợp thức hóa tham nhũng bằng chiêu bài tình nghĩa, có trước có sau.
 
Dịp Tết cũng là dịp cho một số nhà giàu khoe của với cây mai tiền tỉ, với cành đào tiền triệu, với dưa hấu khối vuông bạc triệu, với quà cáp biếu xén để hợp thức hóa tham nhũng bằng chiêu bài tình nghĩa, có trước có sau.

 Tết mà không đi thăm nhau thì sẽ bị trách móc, bị liệt vào hạng người bất nghĩa. Mọi người tất bật chạy tới chạy lui, đi đâu cũng móc tiền lì xì, cộng lại cả tháng lương không đủ. Thật tội nghiệp cho những người độc thân chỉ cho đi và không hề nhận lại. Đãi bôi và nặng nề hình thức như vậy để làm gì khi ngày thường không quan tâm đến nhau, khi bệnh hoạn hay gặp tai họa chẳng thấy hỏi han, chia sẻ?
Rồi khi đi tới nhà ai thì cũng uống một ly rượu nhỏ, đi mười nơi là hơn 1 xị. Ba ngày Tết, thậm chí 10 ngày, lâng lâng như mây bay và mệt mỏi tứ chi, cũng chẳng làm ra được một đồng nào, một giá trị nào đáng kể.

Việt kiều cũng ùn ùn về Tết, kẹt cứng cả sân bay. Phải thông cảm cho họ với niềm thương nỗi nhớ và về nước dịp Tết thì ai cũng rảnh, dễ thăm viếng nhau. Thế là giá thuê khách sạn cũng tăng lên vùn vụt, nhất là những nơi trọng điểm du lịch. Mài dao một năm, chém một tuần!
 
Cả nước đóng cửa cả tháng Giêng vì là tháng ăn chơi. Một đất nước còn nghèo mà chơi sang như thế thì làm sao khá lên nổi? Nước Nhật đã từ bỏ Tết Âm lịch vì họ chọn năng suất và hiệu quả, chọn nếp sống văn minh và hạnh phúc đơn giản, khi chỉ còn Tết Dương lịch và các ngày nghỉ để tái sản xuất sức lao động được trải dài trong năm, không gây xáo trộn hay ùn tắc tàu xe, không gây khó cho quản trị đất nước và cũng không tạo đợt tăng giá hàng hóa dịch vụ để sự lạm phát gần như được lập trình vào mỗi dịp Tết đến.
 
Tết xong là mệt mỏi "lết" vào năm mới. Cảnh những ngày làm việc đầu năm ở các cơ quan cũng như các công ty đều thiếu sức sống nếu không muốn nói là bạc nhược. Ngoại xâm chỉ cần đánh úp vào dịp Tết là tan tác chim muông!
 
Sao chuyện hệ trọng như vậy mà không thấy ai xây dựng đề án kiến tạo lại cách sinh sống và nghỉ ngơi, cách phân biệt mỹ tục và hủ tục, cách tổ chức lao động sản xuất và nghỉ phép hàng năm, cách chia sẻ tình người trong mọi ngày, mọi lúc?
 
Mặt trái của Tết cũng chính là mặt trái của cuộc sống. Chúng ta bị cuốn hút vào vòng xoáy đó vì chúng ta chưa nghiên cứu đầy đủ những tác động của phong tục tập quán và xây dựng cách sống kế thừa một cách có phê phán; xã hội chưa mạnh mẽ cải tạo, tổ chức cuộc sống cộng đồng thật sự văn minh và giữ được nhịp tiến hóa đi lên.

Dù sao, người viết bài này cũng kính chúc mọi người an lạc trong tâm hồn, nhất là trước lúc xuân về. Hạnh phúc là sự thanh thản và niềm vui trong lòng.

Bài đăng tại:
http://mobile.thesaigontimes.vn/tinbaichitiet/156213

Có TPP hay không Việt Nam cũng phải cải cách

 

Minh Tâm

Sức ép cải cách, thay đổi của Việt Nam đã rất lớn. Ảnh minh họa: Minh Tâm

(TBKTSG Online) – Nước Mỹ, thành viên lớn nhất đã rút khỏi Hiệp định đối tác Xuyên Thái Bình Dương (TPP) theo tuyên bố chính thức của tân tổng thống nước này, ông Donald Trump. Đây là một tin rất không vui với 11 nước còn lại tham gia đàm phán TPP, trong đó có Việt Nam. Nhưng, theo các chuyên gia kinh tế, Việt Nam vẫn còn rất nhiều việc phải làm, dù có hay không có TPP.

Cách thời điểm ông Trump tuyên bố sẽ rút khỏi TPP ngay ngày đầu tiên nhậm chức khoảng một tuần, hôm 15-1, ông Herb Cochran, Giám đốc điều hành Hiệp hội Thương mại Mỹ tại Việt Nam (AmCham) khu vực TPHCM đã chia sẻ thông tin mới nhất về TPP mà ông cập nhật được sau chuyến về Mỹ đón năm mới với nhiều doanh nghiệp Việt Nam.
 
Theo ông Herb Cochran, TPP đang bị trì hoãn so với kế hoạch ban đầu. Tuy nhiên, nhiều thượng nghĩ sĩ, lãnh đạo đảng tại Mỹ thì vẫn cho rằng, cuối cùng thế nào TPP cũng sẽ được thông qua, dù chậm trễ, tương tự như hiệp định thương mại giữa Mỹ và Hàn Quốc từng bị chậm 5 năm so với kế hoạch. Bản thân ông Herb Cochran cũng luôn tin tưởng điều đó.
 
Cũng theo ông Herb Cochran, việc cắt giảm thuế của mặt hàng may mặc, nhóm hàng có kim ngạch xuất khẩu lớn từ Việt Nam đi Mỹ, trong TPP không phải được áp dụng ngay lập tức ở mức 0%. Phải đến năm thứ 12, 13 sau thời điểm TPP có hiệu lực thì thuế của nhóm mặt hàng này mới về mức thấp.
 
Vì vậy, với tất cả những diễn biến này, ông Herb Cochran cho rằng, Việt Nam cần đổi chiến lược: thay vì chăm chăm vào TPP thì nên tập trung vào tạo thuận lợi thương mại bằng logistics và thời gian vận chuyển.
 
Hiện tại, thời gian nhập khẩu hàng từ Mỹ về Việt Nam mất 15-16 ngày vận chuyển cộng với 21 ngày thông quan hải quan. Như vậy là quá lâu.
 
Mục tiêu mà cả hai bên đang hướng tới là còn 48 giờ vào năm 2018, giảm 20% chi phí thương mại cho doanh nghiệp xuất nhập khẩu. Hai bên cũng đã ký hiệp định tạo thuận lợi thương mại với hàng loạt nội dung. Tất nhiên, việc triển khai các hoạt động rất phức tạp. Điều chắc chắn là các cơ quan phải đoàn kết, phối hợp, cam kết và quyết tâm.
 
Và kinh nghiệm được ông Herb Cochran rút ra sau một thời gian dài hợp tác thúc đẩy tạo thuận lợi thương mại ở Việt Nam, đó là: (1) đối thoại phải có mục đích, nhắm đến từng vấn đề, giải quyết xong thì mới chuyển sang vấn đề khác; (2) quan trọng là sự triển khai của cấp dưới, dù lãnh đạo cấp cao đã phát biểu, khẳng định và (3) tránh lợi ích nhóm.
 
Tiến sĩ Vũ Thành Tự Anh, Đại học Fulbright Việt Nam tại một sự kiện của Câu lạc bộ Doanh nghiệp dẫn đầu (LBC) diễn ra giữa tuần rồi cũng nhận định, có TPP hay không thì Việt Nam cũng phải cải cách, thay đổi. Bởi lẽ, sức ép phải cải tổ đã rất lớn: thâm hụt ngân sách rất cao; nợ công đụng trần; dư địa ngân sách ngày một eo hẹp; tình hình già hóa dân số, năng suất lao động giảm; biến đổi khí hậu… Trước mắt, ngay trong năm 2017, Việt Nam sẽ phải chèo lái trong một thế giới đầy bất định.
 
Chính phủ mới đã đưa ra hàng loạt thông điệp. Thứ nhất, là thay đổi mối quan hệ giữa Chính phủ với doanh nghiệp mà theo đó Chính phủ đóng vai trò kiến tạo, phục vụ, liêm chính và hành động. Thứ hai, ưu tiên chất lượng tăng trưởng thể hiện ở việc không chạy theo tốc độ tăng trưởng bằng mọi giá; chú trọng năng suất, đổi mới, sáng tạo. Và ba là hướng tới tăng trưởng bền vững: không đánh đổi môi trường vì tăng trưởng.

Trong bối cảnh đó, doanh nghiệp Việt Nam phải nhìn nhận, đánh giá tình hình để có những bước đi phù hợp, tồn tại và phát triển.
 
Bài đăng tại: