Thứ Ba, 24 tháng 1, 2017

Tản mạn cuối năm



Nguyễn Văn Huỳnh



Cần phải chuyển đổi cơ cấu sản xuất cho phù hợp với từng tiểu vùng với lúa, cá, tôm. Ảnh: LÊ HOÀNG VŨ

(TBKTSG) - ... Già rồi nên ngủ sớm, người ta bảo vậy mà! Nên cỡ 9 giờ thì vào phòng đọc nọ đọc kia, đến khoảng 10 giờ là mòn mỏi để ngủ đi là vừa. Nhưng cũng có hôm mới 9 giờ thì sao tờ báo đã bắt đầu nhòe chữ và mắt díu lại nên... ra đi sớm. Có khi nào đi luôn không? Nếu được vậy cũng khỏe, vì nói chuyện này với bác sĩ thì ai cũng bảo không dám đâu, ít có nước nào trên thế giới hiện nay cho phép được ra đi nhẹ nhàng theo ý muốn mặc dù đã có “di chúc” hay theo yêu cầu.

Rồi cứ khoảng 5 giờ sáng là tự nhiên thức dậy, ra mở đèn lên, nấu nước pha cà phê. Thường là cà phê Trung Nguyên, nhưng gần đây có đứa sinh viên cao học cho hai gói robusta và arabica. Hỏi đâu có thì nó nói tụi em liên hệ lấy ở Buôn Ma Thuột để xay mở quán (ở Long Xuyên) đồng thời bỏ mối. Hỏi em pha theo tỷ lệ nào? Em nói thường là 7/3 cho robusta/arabica. Tôi nói robusta thì cho vị đắng chớ arabica thì thơm nhưng nếu để nhiều sẽ bị chua. Hiếm có nơi nào trồng được arabica nên giá đắt hơn và chỉ có những người biết uống mới chuộng. Tôi cũng làm theo công thức được hướng dẫn để uống thử. Bột robusta nâu đen còn arabica nâu vàng hơn. Vì pha cho cả hai vợ chồng nên chỉ có một cái phin mà dồn vô hơi nhiều nên ban đầu nó không chịu chảy, nhưng đến khi chảy được rồi thì lại xuống nhanh (cũng lạ!).

Mùi thơm của arabica là lạ, sáng nay lại gặp giọng hát của Elvis Phương trong Tình khúc vượt thời gian trên ti vi Đồng Tháp, bắt đầu từ lúc 5 giờ rưỡi sáng. Cũng thú vị. Tôi quá thích Elvis Phương từ thời còn đi học với Vết thù trên lưng ngựa hoang nên bây giờ vẫn còn mến anh, mặc dù giọng đã già quá rồi (hình như cũng cỡ tuổi mình thì phải?) nhưng phong cách lúc nào cũng rất chững chạc. Xem thấy khán giả cũng hầu hết đầu đã quá hoa râm, hình như muốn đến để hoài cảm hơn là để nghe thật; xem Phương Dung để nhớ con “Nhạn trắng Gò Công” với Nỗi buồn gác trọ thuở nào; hay Tuấn Ngọc, Anh Khoa với Khúc thụy du làm “loài chim bói cá trên cọc nhọn trăm năm”...

Mà tỉnh Đồng Tháp này cũng ngộ, có ông Bí thư tỉnh ủy (Ủy viên Trung ương Đảng) mà lại chịu viết bài cho Thời báo Kinh tế Sài Gòn với mấy chuyện bình dân như Giày dép còn có số, nói về những người nông dân nghèo nên an phận thủ thường. Quanh năm họ chỉ biết có “làm lúa” từ hai vụ sang ba vụ, để bảo đảm “an ninh lương thực” cho cả nước, còn dư thì Nhà nước xuất khẩu cho với giá rẻ như bèo nên họ thuộc diện nghèo nhất nước. Hay như ông ấy giới thiệu chuyện Trồng xoài trên mạng của nông dân xã Mỹ Đức (Cao Lãnh, Đồng Tháp). Bà con đưa từng cây xoài sai trái có đánh số lên trên mạng, để bất cứ ai ở đâu cứ việc chọn, rồi ngã giá mua thì ông nông dân này sẽ chăm sóc theo ý muốn, để đến ngày thu hoạch, khách mua tới hái trái đem về nhà, hay yêu cầu để họ hái và chở trái đến tận nơi...

Năm vừa qua có một đợt hạn hán lịch sử ở đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL). Đồng lúa cạn khô, nước mặn xâm nhập cho tới vườn cây ăn trái ở trong Vĩnh Long cũng bị rụng lá rồi rụng trái và chết khô, nhứt là các vườn bưởi hàng mấy chục năm tuổi. Đến nỗi các nhà khoa học phát hoảng lên và có cơ hội để lên tiếng. Một là các đập thủy điện trên dòng chính của sông Mêkông đã bị các nước ở thượng nguồn chặn dòng nên phù sa sẽ không đổ về, nguồn cá không tìm về được bãi đẻ, và nước mặn sẽ vào sâu trong nội địa. Hai là không thể cứ làm tối đa hai, ba vụ lúa mỗi năm (cho an toàn lương thực... của cả châu Phi!) mà cần phải chuyển đổi cơ cấu sản xuất cho phù hợp với từng tiểu vùng với lúa, cá, tôm. Và ba là phải biết dự trữ nước ngọt ở các vùng trũng tự nhiên như Đồng Tháp Mười, Tứ giác Long Xuyên chứ không phải cứ lập bờ bao để trốn nước hay khai thông để chắt cạn Đồng Tháp Mười như đang làm.


Nghe nói bưởi da xanh, xoài tứ quý (xoài cát Hòa Lộc ngon nhưng khó xuất vì vỏ mỏng quá), vú sữa Lò Rèn, thanh long năm nay xuất được nhiều sang Nhật, Mỹ nhờ người dân bắt đầu tin ở VietGAP, GlobalGAP do có hợp đồng bao tiêu sản phẩm.


Theo Tiến sĩ Lê Anh Tuấn (Viện Nghiên cứu biến đổi khí hậu, Đại học Cần Thơ), vừa đi thăm đập thủy điện Don Sahong đang xây dựng ở hạ Lào, thì đây sẽ là “tử huyệt của cá”, vì đập sẽ hủy diệt nguồn sống của bao nhiêu triệu người dân ở dưới hạ lưu. Với các đập này thì chẳng những phù sa mà ngay cả cát cũng không xuống được hạ lưu, nên nếu cứ kiểu khai thác cát trên sông như hiện nay thì trong tương lai không xa ĐBSCL sẽ biến mất do sụt lún! Sạt lở bờ sông đang lan dần vô tới nội đồng như ở Bạc Liêu và Trà Vinh gần đây là dấu hiệu báo trước, chưa kể đến ý tưởng khai thác nước ngầm để tưới lúa qua đợt hạn mặn vừa qua.      

Mà nói chi đâu cho xa, các nhánh sông trong nội địa cũng đang bị mình khai thác nước vô tội vạ, với 3-4 đập thủy điện liền kề. Mùa nắng thì mạnh ai nấy chặn dòng để giữ nước chạy máy, còn mưa lớn thì xả lũ vô chừng để khỏi bị vỡ đập nên làng mạc của người dân ở phía dưới chìm trong biển nước, như ở Quảng Ngãi, Bình Định, Phú Yên trong mấy tuần qua! Đâu chỉ có ĐBSCL.

Ờ, mà 8 giờ sáng nay có họp ở Đại học Cần Thơ, xét duyệt các đề cương nghiên cứu sinh (Thesis’ outline). Lúc này người làm tiến sĩ ngày càng nhiều. Có anh ở hội làm vườn của huyện có khả năng được thăng tiến; có chị phó có khả năng sẽ lên chức giám đốc sở... mà ngặt nghèo thay phải có bằng tiến sĩ mới được. Thầy ơi, làm sao giúp em, nếu thầy không hướng dẫn thì giới thiệu giùm người khác. Dễ thôi, nhiều thầy cũng cần lắm để cố gắng lên phó giáo sư hoặc giáo sư. Nhiều cái đề cương trông giông giống nhau, chỉ khác để trị con sâu này chớ không phải con kia, thêm chút gì đó cho có vẻ hiện đại... Mà giúp làm sao được khi chữ Việt của em cũng chưa đầy lá mít, viết chính tả trật ngược trật xuôi, nói chi đến tiếng Anh để tham khảo, liệt kê cho bài viết.

Sáng nay phải duyệt bốn cái đề cương nên chắc phải ngồi đến cuối giờ buổi sáng, vậy nên đi chợ sớm để bả ở nhà có cái để nấu ăn. Thằng cháu nội giờ này chưa thức đâu và mẹ nó cũng ngủ vùi theo để bù việc chăm sóc qua đêm. Cha nó thì nghe đã có rục rịch dậy rồi; chắc cũng phải đi sớm vì mấy cái thanh toán cuối năm cho đề tài nghiên cứu về các rủi ro khi sử dụng nguồn nước tưới ở Sóc Trăng...

Cô Thùy ngoài chợ mời chào hôm nay có mớ tép sông (không phải tép nuôi thường hay tắm thuốc). Cô Thảo nói may còn có miếng thịt đầu mềm mới cắt nè thầy ơi. Cho tôi trái khóm đó và gọt giùm chút nữa lại lấy. Dưa leo hôm nay còn mắc không Diễm vì đã bớt mưa rồi? À, dưa leo với khóm xào tép thì cần thêm mấy trái cà chua, và bả nói nên có rau cần tàu, vậy nhờ con chọn giùm luôn nhe... Có cái chợ chồm hổm ở ngã ba lộ tẻ này cũng đỡ, và đi sớm thấy sự hối hả của bà con thật dễ thương...

Mua một hồi rồi đùm đề xách vô thì đã hơn 7 giờ, bả bảo nên ăn cơm nguội đi cho chắc bụng, thức ăn hôm qua cũng còn ngon, ăn chi quán xá coi vậy chớ không biết có làm sao không vì cái tệ buôn bán bây giờ. Thôi ăn mì gói cho nhanh nghe, sẵn có rau sống mới hái vô nè? Cũng được.

Tết nhất đến nơi rồi, nghe mọi người rộn rịp sắm Tết mà mình vui theo. Tết năm nay trái cây có hơi mắc vì bị hạn mặn vừa qua, lại nữa nghe nói bưởi da xanh, xoài tứ quí (xoài Cát Hòa Lộc ngon nhưng khó xuất vì vỏ mỏng quá), vú sữa Lò Rèn, thanh long năm nay xuất được nhiều sang Nhật, Mỹ nhờ người dân bắt đầu tin ở VietGAP, GlobalGAP do có hợp đồng bao tiêu sản phẩm. Đang có rục rịch cho chuyển đổi hạn điền để cho người dân được tích tụ ruộng đất mà lên sản xuất tập thể... Hy vọng lắm!

Bài đăng tại:
http://mobile.thesaigontimes.vn/tinbaichitiet/156248/

Không có nhận xét nào: