Đau đáu sông quê là tập ký mới nhất của nhà văn Nguyễn Thanh, do NXB Hội Nhà văn ấn hành vào tháng 7.2013 sau hơn 20 tập truyện, ký và tiểu thuyết ra đời từ năm 1976 đến nay, trong đó có không ít tác phẩm đã đi vào lòng người: Trên đồng Phong Thạnh (ký - 1976), Xóm lở (truyện ngắn - 1982), Thị trấn cuối cùng (truyện vừa - 1987), Chấm lửa đêm chiến tranh (truyện ngắn - 1992), Bóng chiều hôm (truyện ngắn - 2001), Đồng sâu một thuở (tiểu thuyết - 2008), Những lát cắt sau chiến tranh (truyện vừa - 2010)…
Đã lên tuổi 71 (Nguyễn Thanh sinh năm 1942 tại xã Khánh Bình, H.Trần Văn Thời, Cà Mau), nhà văn vốn thích “sống lặng lẽ, đi và viết” ấy dường như đã muốn “nhìn lại mình” qua tập ký này. Đau đáu sông quê phân rõ làm hai phần: phần một có tiêu đề là “Đất và người vùng đất cực Nam Tổ quốc - thời bình”; phần hai là “Viết trong chiến tranh”. Thời chiến, Nguyễn Thanh chọn ra 24 câu chuyện mà chỉ cần nghe tên tác giả đặt cho mỗi chuyện, có thể hình dung không khí chiến tranh thời đó: Đi về phía có tiếng súng; Người đàn bà cản xe bọc thép; Ông già Bá đỏ; Bến tập kết Sông Đốc - xuân 74; Nhớ thương nơi chót cùng đất nước; Nhật ký về những con đường mòn; Chuyện xóm Đìa; Trên đồng Phong Thạnh… Thời bình có: Đất cũ, người xưa và cây me già; Đau đáu sông quê; Vùng biển ấy; Cầu Tắc thủ - một mảnh hồn quê; Rừng cháy và những người đi qua rừng; Tản mạn về ngôi trường cũ; Viết trên nền đất cũ…
Bao nhiêu là “vốn sống” đã tràn ra trong Đau đáu sông quê, như lời nhà văn Lê Văn Thảo: “Hơn năm mươi năm lăn lộn với vùng đất Mũi Cà Mau, trong đó có mười lăm năm trong chiến tranh chống Mỹ. Từng ấy năm sống và chiến đấu, cũng từng ấy năm cầm viết, không thể nói gì hơn về những hiểu biết, gian khổ hiểm nguy anh đã trải qua, đã chịu đựng, tích lũy vốn sống cho ngòi viết của mình”.
Nhà văn Anh Đức cụ thể hơn: “Khi bắt đầu cầm tập bản thảo lên đọc, trong tôi chớm dậy một nỗi ước ao, hy vọng rằng những trang viết của Nguyễn Thanh sẽ đưa tôi trở về vùng đất xưa kia tôi đã từng sống với biết bao kỷ niệm thấm đẫm về những con người nơi miền tận cùng của Tổ quốc, chốn thiên nhiên phóng khoáng còn nhiều vẻ hoang sơ với những cánh rừng đước xanh rì, với các vườn chim và những dòng kinh biển. Đó là Cà Mau của tôi một thời trai trẻ tham gia cuộc kháng chiến chống Pháp rồi chống Mỹ. Quả nhiên nỗi ước ao của tôi đã được nhà văn Nguyễn Thanh đáp ứng”.
Nhà văn trẻ Nguyễn Ngọc Tư nhận xét: “Với nhà văn Nguyễn Thanh, đất và người Cà Mau, Bạc Liêu… hiện ra như được đắp bằng xương thịt…Nếu ngày xưa ông say mê xây dựng hình tượng người lính thì sau này, nhân vật chủ yếu của ông là nông dân. Họ hào sảng, tốt bụng, nhân nghĩa nhưng phải trăn trở, day dứt nhiều trong cuộc mưu sinh”.
Còn Ths Trần Bé Ba nhìn Đau đáu sông quê ở một góc độ khác: “Văn Nguyễn Thanh toát lên những bài học nhân sinh, dù nhẹ nhàng nhưng có sức lay động lòng người. Những gì nhà văn khai thác, xây dựng, đúc kết thành văn đều xuất phát từ tấm lòng yêu thương, trăn trở của nhà văn đối với vùng đất này”.
Xin được trích một đoạn văn của Nguyễn Thanh trong bút ký Đau đáu sông quê với chú thích là “Viết ngắn về má tôi”: “Sông Cái nước ròng không bỏ bãi. Vực sông sâu hoắm được dựng lên hai bờ lá dừa nước bịt khù, sừng sững. Mùa sa mưa, nước đầy tràn từ rừng U Minh Hạ đổ ra thay màu sông xanh biếc thành màu đỏ bầm, ngầu đục. Sông bổ nhào ngàn con sóng lưỡi búa, trắng dã. Ngược lại, mùa khô hạn, sông nhẩn nha, vướng vất làn sương mỏng tanh, thơ mộng lúc chiều tàn”.
Thế mà dòng sông ấy đã cuốn trôi vĩnh viễn người mẹ của mình, người đã một đời nuôi nấng dạy dỗ mình nên người mà cho tới hết chiến tranh mình vẫn chưa một lần về quê thăm lại! Để rồi: “Tôi quá giang đủ loại xe, tàu về nước; tôi đi một mạch tới quê, mọi việc đã an bài! Thì ra, Má chèo xuống ba lá đi sông Cái một mình, chở theo rổ ổi cho mấy đứa cháu ngoại ở xóm Cái Giữa ẩn sau biền lá ven sông. Trên đường về nhà, một cơn giông mưa lớn đột nhiên ập tới… Má vùng ra trong chiếc áo mưa và chống đỡ từ trên mặt sông với lớp lớp sóng dữ cho tới xuống tận đáy sông sâu để rồi khi được mấy trăm con người ở ven sông, trong các kinh rạch kéo đi vớt xác Má, hai bàn tay của Má hãy còn nắm chặt hai vốc bùn!...”.
Nhà văn Lê Văn Thảo đã viết về câu chuyện này: “Thật xúc động biết chừng nào, và cũng đau đớn biết chừng nào, cảnh người mẹ ở quê ra thăm con, sau bao nhiêu năm đi kháng chiến, trở về thành phố vẫn bận bịu với bao việc ở cơ quan, mà chúng ta tưởng là lớn lắm, người mẹ chỉ nhìn con từ xa rồi lên đường trở về, người con lại tiếp tục ra đi, và từ chiến trường xa hay tin mẹ mình đã mất, cũng trên dòng sông trong cuộc sống tảo tần. Mỗi chúng ta đều có lỗi với mẹ mình!”. ■
Mời đọc thêm tại báo Thanh Niên 24.9.2013:
http://www.thanhnien.com.vn/pages/20130924/ky-cua-nguyen-thanh.aspx