Thứ Hai, 20 tháng 5, 2013

Chuyện anh Tùng in thơ trong nước



Giữa tháng 3 rồi, tôi nhận được email từ Pháp của TS. Nguyễn Tùng: “Cách đây vài tuần, tình cờ tôi tìm lại được hơn ba mười bài thơ viết vào cuối năm 1982 và chưa cho đăng ở đâu cả. Tôi bỗng nảy ra ý cho xuất bản ở trong nước toàn bộ thơ của mình mà phần lớn đã đăng trong các báo Việt kiều ở Pháp (Gió Nội, Tập san Khoa học xã hội và Đoàn Kết), chủ yếu để tặng bạn bè làm kỷ niệm. Nay xin gửi cho anh bản thảo hai tập "Dấu chân không" (đã xuất bản ở Paris năm 1984) và "Nhật ký trong tình" để anh đọc chơi cho vui và góp ý kiến. Nếu anh có kinh nghiệm gì về việc xuất bản thơ ở trong nước, thì xin "tư vấn" cho tôi nhé. Chắc là hơi khó xuất bản, vì trên cả thế giới rất ít người mua sách in thơ!”.



Đọc xong bản thảo hai tập thơ ký tên Đan Tâm của anh Nguyễn Tùng, tôi gởi email “tư vấn” anh nên xuất bản trong nước: “Có hai cách, hoặc do NXB tự kinh doanh hoặc tác giả xin giấy phép NXB rồi tự ấn hành. Làm cách thứ 2 dễ hơn; chỉ khó là làm sao bán được để thu hồi vốn. Còn nếu tác giả chỉ muốn in để tặng bạn bè thì càng dễ. Cả hai cách đều bắt đầu từ lúc gởi bản thảo cho nhà xuất bản. Thí dụ, Đan Tâm muốn làm cách thứ 2 thì xin hãy chuẩn bị bản thảo mail về cho NXB, sau khi có giấy phép thì tự lo in ấn, phát hành”.

Hổng dè anh làm nhanh quá. Ngày 21-4 rồi, anh gởi email cho biết: “Tôi đã nhờ một anh bạn giúp in cuốn thơ của tôi ở NXB Lao Động, tốn cả thảy 11 triệu đồng cho 500 bản”. Tiếp đó, anh nhờ người gửi về Cần Thơ cho tôi 15 tập với lời nhắn qua email: “Nhờ anh ký tặng bạn bè ở miền Tây, nhớ nói là tôi ở xa nên nhờ ký tặng để làm quen” – thật là dễ thương, trong khi chính tác giả chỉ mới nhìn thấy ảnh bìa qua email chứ chưa nhận được tập thơ của mình.

Anh Nguyễn Tùng quê ở Điện Bàn, Quảng Nam, qua Pháp học xã hội học, dân tộc học và triết học ở Đại học Sorbonne. Anh chuyên nghiên cứu văn hóa Việt Nam, dạy ở Đại học Paris-Diderot và từng làm việc hơn 30 năm ở Trung tâm Quốc gia Nghiên cứu khoa học (CNRS, Pháp). Cộng tác với nhiều tờ báo trong nước như Thời báo Kinh tế Sài Gòn, Sài Gòn Tiếp Thị, Xưa & Nay, Thanh Niên, Tuổi Trẻ… anh ký tên Nguyễn Tùng; làm thơ thì lấy bút hiệu Đan Tâm.

Dấu chân không và nhật ký trong tình” có 93 bài thơ, trong đó có 9 bài anh Nguyễn Tùng dịch thơ của Lorca, Mayakovsky, Aragon và Neruda. Với “Dấu chân không”, Đan Tâm tự bạch: “Chúng là dấu vết mờ nhạt của một quãng đời đầy tiếng ồn và cuồng nộ”. Đời như vậy nhưng vào thơ thì nghe nhiều những ám ảnh của nội tâm. Như bài Mùa đông viết năm 1963 ở Paris, chỉ có 4 câu: con chim con / khát khao / ánh sáng mặt trời mùa xuân / đã chết / mùa đông dài vô cùng. Hay bài thơ Dấu vết anh viết trong mùa thu Paris 1966: con chuồn chuồn thơ ấu / bay mất / trong cơn mơ đêm qua / để lại giọt nướt mắt / đọng khô trên má. Còn trong bài Ngày trở lại viết năm 1967, có hai đoạn mở và kết như nỗi ám ảnh tình cảnh quê nhà: ngày trở lại có nắng lên trên mạ / có mây bay về đắm giữa xanh trời / anh sẽ đặt những bước chân rụng lá / vì thưa em vạn vật sắp lên lời /… ngày trở lại giữa quê hương đổ nát / (những rào tre rụi cháy gió thôi bay) / nghe hy vọng reo vang trong tiếng hát / thưa bà con, tôi xin góp đôi tay.

Còn “Nhật ký trong tình” được viết vào cuối năm 1982 và theo như lời tác giả, đó là “chứng tích” sau lần anh và một người bạn thân “lạc vào chốn thiên thai ngay giữa Sài Gòn và gặp một nàng tiên tóc ngắn mà, sau đó, tôi chưa từng cầm tay!”. Thảo nào, họa sĩ Phạm Quốc Tuấn ở Paris đã vẽ được bức tranh màu tím “nàng tiên tóc ngắn” mà giờ đây người trình bày sách ở nhà đã lấy đưa lên bìa tập thơ này. Đọc những dòng “nhật ký” của thời mà tác giả vào tuổi bốn mươi, như trong bài Cảm ơn, có những câu buồn thương như thế này: Cảm ơn em đã làm lòng anh trẻ lại / ở tuổi bốn mươi / khi đã bước vào buổi chiều của cuộc đời / cảm ơn em / đã khiến anh lại có được những tình cảm vụn vặt và nông nỗi.

Giờ thì anh Nguyễn Tùng đã bước qua tuổi bảy mươi, đang nghỉ hưu ở Pháp, năm nào cũng về thăm quê nhà. Cuối năm ngoái anh đưa cả gia đình về thăm Cần Thơ. Ai cũng thích chợ nổi Cái Răng và chụp hình rất nhiều tại ngôi nhà cổ ở Bình Thủy, nơi được chọn đóng phim Người Tình, tác phẩm nổi tiếng của Pháp. Lúc đó, chưa nghe anh Nguyễn Tùng nói gì tới chuyện in thơ ở Việt Nam. ■

* Mời đọc thêm tại báo Thanh Niên thứ Bảy, 17-5-2013:
http://www.thanhnien.com.vn/pages/20130518/nguyen-tung-in-tho-trong-nuoc.aspx