Thứ Tư, 15 tháng 4, 2009

Ra Phú Quốc gặp Cội Nguồn

Có một cặp vợ chồng năm nay ngoài ba mươi tuổi, mê đảo Phú Quốc tới nỗi, đã lập ra bảo tàng tư nhân đầu tiên ở ĐBSCL mang tên Cội Nguồn Phú Quốc. Bảo tàng này mọc lên sau gần mười năm họ say mê sưu tầm và bảo tồn mọi thứ gắn bó với hòn đảo du lịch nổi tiếng ở vùng biển Tây Nam đất nước…


Phước Huệ và Phương Đài

Đó là một khu nhà năm tầng đồ sộ dựa lưng vào một ngọn đồi thoai thoải nằm bên đường Trần Hưng Đạo, thị trấn Dương Đông. Chưa tính tiền đất từ hơn năm héc ta do cha mẹ cho, vợ chồng Huỳnh Phước Huệ và Nguyễn Thị Phương Đài đã bỏ ra hơn sáu tỉ đồng đầu tư vào đây. Quanh bảo tàng là những khu cây xanh xen trong các gian nhà nuôi chó xoáy Phú Quốc, chim ó biển và khu bán quà lưu niệm đặc sản Phú Quốc. Đã ba lần ghé thăm nơi này, mỗi lần gần một buổi, vậy mà tôi cũng chỉ như người “cỡi ngựa xem hoa”.

Bảo tàng Cội Nguồn

Theo lời anh Huệ, Phú Quốc có lịch sử khai hoang lập ấp khá sớm ở ĐBSCL. Năm ngoái là tròn 300 năm hình thành Phú Quốc kể từ 1708 - năm Mạc Cửu sáp nhập vùng đất Hà Tiên bao gồm đảo Phú Quốc, vào xứ Đàng Trong của Việt Nam. Nói rồi, hai vợ chồng dẫn khách lang thang qua từng gian trưng bày hàng nghìn hiện vật. Có gian âm u những cánh rừng già trăm tuổi với hàng chục loại gỗ rừng nhiệt đới. Có gian trưng bày dấu tích vua Gia Long những năm trôi dạt ra đây (1782 - 1786). Chỗ khác, khách đứng trầm tư bên hai miếng ván ghe lương thực lấy từ xác con thuyền bị giặc Pháp đánh chìm, của người anh hùng Nguyễn Trung Trực, mất năm 1868. Rồi những thuyền chài, làng chài nguyên thủy với nghề làm nước mắm, trồng tiêu… cùng bao nhiêu phong tục tập quán của người dân tứ xứ mang tới hòn đảo xinh đẹp ấy. Cội Nguồn Phú Quốc đang trưng bày 540 hiện vật liên quan tới những chuyện này.

Nhà sàn Phú Quốc

Gian bếp ngư dân Phú Quốc xưa


Mảnh ván thuyền lương của Nguyễn Trung Trực

Bình gốm nhặt trên các xác tàu thuyền chìm quanh đảo

Hai vợ chồng Huệ - Đài còn kỳ công sưu tầm được 2.645 cổ vật gắn với đảo gồm gốm, đá, sứ, đồng và gỗ hóa thạch. Ngoài gỗ hoá thạch, còn lại đã được Trung tâm UNESCO Nghiên cứu Bảo tồn cổ vật Việt Nam, thẩm định có niên đại từ thế kỉ 15 trước Công nguyên đến đầu thế kỉ 20. Phước Huệ kể, bộ rìu đá 50 cái, sưu tầm tại vùng đất xã Cửa Cạn. Bộ sưu tập biển và rừng Phú Quốc có 20 hiện vật từ xương bò biển, cá voi, nanh heo rừng, 90 loài sò, ốc và 10 loại san hô. Độc đáo là hai vợ chồng đã sưu tầm được 20 mảnh rêu hóa thạch hàng triệu năm tuổi. Riêng bộ sưu tập lõi gỗ rừng thì họ đã có 30 tác phẩm nghệ thuật dân gian độc đáo. Ở đây còn có 300 thư mục, tài liệu tiếng Việt, Anh, Pháp về đất và người Phú Quốc cùng với trên 100 tác phẩm tranh dân gian và đương đại sáng tác về Phú Quốc.

Một sắc phong của triều Nguyễn dành cho Mạc Cửu

Dáng người gầy, giọng nói nhỏ nhẹ, Phước Huệ luôn được Phương Đài “bổ sung thông tin” trong những câu chuyện khởi nghiệp của hai vợ chồng. Từ khi còn học đại học quản trị kinh doanh ở TP.HCM, Huệ đã viết cẩm nang du lịch về đảo Phú Quốc. Ra trường về làm hướng dẫn viên du lịch cho khách sạn Sài Gòn – Phú Quốc, anh càng có dịp khám phá và say mê hơn hòn đảo quê nhà. Rồi anh gặp chị, cùng làm nghề du lịch. Thế là tận dụng mọi cơ hội lang thang khắp đảo, hai vợ chồng không bỏ qua một mảnh vỡ sành, một nhánh cây khô hay một hòn đá sỏi nào trong những chuyến lên rừng xuống biển cùng du khách. Rồi nghe có ngư dân nào muốn bán món này món kia, anh chị lại lặn lội tìm mua cho được.

Huỳnh Phước Huệ bên số cổ vật chờ bày biện

Dần dà, họ mở cơ sở Cội Nguồn, chuyên trưng bày các món sưu tầm được, kết hợp với việc bán hàng lưu niệm cho du khách – hầu hết là hàng mỹ nghệ vỏ ốc, vỏ sò và ngọc trai Phú Quốc (có viên ngọc trai giá tới 4.000 đô-la Mỹ). Ba năm nay, du khách ghé Cội Nguồn ngày càng đông và theo lời Huệ, mỗi ngày có khoảng 90% du khách ra Phú Quốc ghé Cội Nguồn. Năm ngoái, thấy đã có quá nhiều người “mê” Phú Quốc, hai vợ chồng quyết định lập bảo tàng Cội Nguồn Phú Quốc. Ngày 23-2-2009, UBND tỉnh Kiên Giang đã ký quyết định thành lập bảo tàng này – đây là bảo tàng tư nhân thứ chín ở Việt Nam, cho tới thời điểm này. Nơi đây đang có gần hai mươi nhân viên làm việc, trong đó có người được đào tạo chuyên ngành bảo tàng từ trong đất liền ra.

Vịnh Thái Lan nhìn từ sân thượng bảo tàng Cội Nguồn

“Có phải để bán hàng cho sung hơn không?” - tôi hỏi vui. Huỳnh Phước Huệ từ tốn nói: “Hai vợ chồng chỉ muốn có thêm nhiều người hiểu về Phú Quốc”. Nguyễn Thị Phương Đài nhỏ nhẹ: “Ảnh sợ nay mai Phú Quốc mất đi nhiều thứ vì bây giờ người ta xây dựng dữ quá”. “Nhưng, thí dụ như để có 57 lát gỗ trưng bày kia thì chắc là anh phải đốn hạ tới 57 cây gỗ rừng?”. Huỳnh Phước Huệ lại từ tốn trả lời: “Cái đó mình sưu tầm tại công trình sân bay Phú Quốc đang thi công, ở đó cây cối bị đốn bỏ nhiều lắm”.

Ảnh: Dương Thế Lộc, Huỳnh Kim