Thứ Tư, 30 tháng 12, 2015

WB cho vay 260 triệu đô la Mỹ nâng cấp đô thị Cần Thơ


Trung Chánh - Huỳnh Kim


WB tài trợ 260 triệu đô la Mỹ để Cần Thơ phát triển đô thị. Trong ảnh là một góc Thành phố Cần Thơ nhìn từ trên cao. Ảnh: Trung Chánh


(TBKTSG Online) - Ngân hàng Thế giới (WB) sẽ cho Thành phố Cần Thơ vay 260 triệu đô la Mỹ để thực hiện dự án chỉnh trang, nâng cấp đô thị với mục tiêu giúp Cần Thơ phát triển bền vững và trở thành đô thị thông minh, hiện đại.

Tại buổi làm việc giữa UBND TP Cần Thơ với trường Đại học Cần Thơ được tổ chức vào hôm nay 29-12, bà Võ Thị Hồng Ánh, Phó chủ tịch UBND TP Cần Thơ, cho biết trong giai đoạn từ năm 2016 đến 2021, thành phố sẽ triển khai các dự án chỉnh trang, nâng cấp đô thị với tổng vốn đầu tư là 320 triệu đô la Mỹ.

Trong số vốn này, WB cung cấp 260 triệu đô la Mỹ, gồm vốn vay 250 triệu đô la Mỹ  và 10 triệu đô la Mỹ viện trợ không hoàn lại, và phần còn lại là vốn đối ứng của Việt Nam, khoảng 62 triệu đô la Mỹ.

Trao đổi với TBKTSG Online, ông Mai Như Toàn, Phó giám đốc Sở Xây dựng Cần Thơ cho biết thêm, dự kiến vào ngày 18-1-2016 một hội đồng thẩm định của Chính phủ sẽ thẩm định dự án vay vốn này; và nếu mọi chuyện suôn sẻ thì hiệp định vay vốn của WB sẽ được ký kết vào tháng 3-2016. Dự án được thực hiện trong 5 năm, từ năm 2016 đến 2021.

Theo bà Ánh, mục tiêu của dự án là xây dựng các công trình chống ngập cho các quận Ninh Kiều, Bình Thủy, qua đó giúp bảo vệ đồng bộ các công trình và tài sản của người dân.

“Ngoài ra, dự án cũng sẽ đầu tư hệ thống giao thông kết nối với khu vực trung tâm Cần Thơ, bao gồm hệ thống các cầu nối qua sông Cần Thơ gồm cầu trên đường Trần Hoàng Na và cầu Quang Trung, mở thêm các tuyến giao thông huyết mạch kết nối quận Bình Thủy, Ninh Kiều và Cái Răng để giãn dân ở khu vực trung tâm cũng như phát triển đồng bộ giữa các đô thị, qua đó, tạo nguồn thu để trả lại tiền vốn vay của WB”, bà Ánh cho biết.

Theo bà Ánh, một yếu tố quan trọng trong dự án này là ứng dụng công nghệ thông tin để phát triển Cần Thơ trở thành đô thị thông minh thông qua việc quản lý tự động hệ thống chống ngập cũng như ứng dụng vào hệ thống giao thông, chiếu sáng…

“Với dự án này, WB cũng chính thức chọn Cần Thơ là thành phố đầu tiên trên thế giới (được nhận WB cung cấp vốn) để làm thí điểm mô hình đô thị thông minh”, bà Ánh cho biết.

Cũng theo bà Ánh, nếu không có gì thay đổi, thì sau Tết Nguyên đán, WB sẽ đưa các chuyên gia về lĩnh vực này đến làm việc cụ thể hơn với trường Đại học Cần Thơ và UBND Cần Thơ để triển khai đề án đô thị thông minh cho địa phương.

Để chủ động thích ứng, UBND Cần Thơ cũng đã đề xuất một số công việc cần có sự phối hợp thực hiện với trường Đại học Cần Thơ, như đào tạo kỹ năng cho cán bộ của các sở, ngành, quận, huyện của Cần Thơ trong quản lý, phát triển đô thị theo hướng bền vững, ứng phó với biến đổi khí hậu; đào tạo kỹ năng quản lý đô thị có liên quan đến phát triển đô thị thông minh; ứng dụng khoa học nghệ mới vào công tác quản lý và áp dụng các công nghệ này vào những công trình sẽ được xây dựng trong giai đoạn này…


Bài đã đăng tại:
http://mobile.thesaigontimes.vn/tinbaichitiet/140426

Thứ Năm, 24 tháng 12, 2015

Khai trương “sở thú” Vinpearl Safari Phú Quốc


Vân Đình



Vượn cáo đuôi trắng đang chơi với nhân viên Vinpearl Safari Phú Quốc. Ảnh Vân Đình

(TBKTSG Online) - Công viên Chăm sóc và Bảo tồn Động vật Vinpearl Safari Phú Quốc, với bộ sưu tầm khoảng 3.000 cá thể động vật hoang dã quý hiếm từ Nam Phi, châu Âu, Úc, Mỹ..., vừa được khai trương hôm nay 24-12, tại xã Gành Dầu, huyện Phú Quốc, tỉnh Kiên Giang.

Đại diện chủ đầu tư, tập đoàn Vingroup, cho biết Công viên Chăm sóc và Bảo tồn Động vật Vinpearl Safari Phú Quốc (gọi tắt là Vinpearl Safari Phú Quốc) được thực hiện theo mô hình safari trên thế giới.

Theo thiết kế, Vinpearl Safari Phú Quốc có tổng diện tích gần 500 hecta, được xây dựng theo mô hình bán hoang dã với các loài động vật quý hiếm.

Công viên Vinpearl Safari Phú Quốc thuộc quần thể dự án du lịch - nghỉ dưỡng Vinpearl Phú Quốc (tổng vốn đầu tư khoảng 3.300 tỉ đồng) nằm ở bắc đảo Phú Quốc, dựa lưng vào rừng nguyên sinh và quay mặt ra biển. Giai đoạn 1, “sở thú” này được đặt trong 380 hecta đất rừng nguyên sinh, xây dựng khu vườn thú mở (open zoo) và khu bán hoang dã (safari park) lần đầu tiên có ở Việt Nam.

Vinpearl Safari Phú Quốc khởi công xây dựng từ tháng 9-2015.

Tại đây, du khách sẽ tận mắt thưởng ngoạn khoảng 3.000 cá thể động vật thuộc 150 loài đặc hữu đến từ Nam Phi, châu Âu, Úc, Mỹ như hổ Bengal, linh dương Ả Rập, linh dương sừng xoắn, vượn cáo trắng đen… Vinpearl Safari Phú Quốc cũng sở hữu bộ sưu tập những loài động vật quý hiếm như 200 cá thể hồng hạc, 100 tê giác, 60 hươu cao cổ.

“Sở thú” Vinpearl Safari Phú Quốc còn có chuồng cách ly kiểm dịch, khu phố mua sắm sản phẩm du lịch và bệnh viện thú y lớn nhất Đông Nam Á. Du khách cũng sẽ được xem các hoạt động biểu diễn định kỳ của một số loài thú tại các khu hoạt động tiếp xúc và cho thú ăn.

Bài đã đăng tại:
http://mobile.thesaigontimes.vn/tinbaichitiet/140285

Thứ Sáu, 18 tháng 12, 2015

Để trái cây và cá tra ĐBSCL xuất khẩu tốt hơn

Lạc Long



Do hạn chế về trình độ và kỹ thuật canh tác, ngành trồng trọt và thủy sản ở ĐBSCL còn yếu khi cạnh tranh với thế giới. Tại hội thảo "Ứng dụng công nghệ sáng tạo trong phát triển nông nghiệp xanh" tại Cần Thơ vào tuần rồi, nhiều nhà khoa học đã đề xuất giải pháp cải thiện thực trạng này…


* Trồng cây ăn quả theo kiểu Nhật


TS Võ Hữu Thoại, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Cây ăn quả Miền Nam, cho biết nông nghiệp đóng góp tới ¼ GDP của Việt Nam, nhưng với việc lạm dụng thuốc bảo vệ thực vật và những hạn chế trong tập quán, kỹ thuật canh tác cộng thêm quy mô canh tác manh mún, nhỏ lẻ khiến nền nông nghiệp nước ta khó phát triển. Ví dụ tập quán canh tác của nông dân ĐBSCL là trồng cây với mật độ quá dầy. Trong vài năm đầu, có thể cho năng suất cao nhưng càng về sau, cây sẽ cạnh tranh dưỡng chất, ánh sáng… khiến việc tăng năng suất rất khó và hầu như bất khả thi. Trong khi việc duy trì mật độ gieo trồng thích hợp sẽ giúp tăng năng suất cây trồng thêm khoảng 20 - 30%.


Đóng gói bưởi da xanh phục vụ tiêu thụ trong nước và xuất khẩu tại Cơ sở Hương Miền Tây ở tỉnh Bến Tre. Ảnh: VĂN CỘNG

Theo TS Võ Hữu Thoại, việc ứng dụng công nghệ tiên tiến và kinh nghiệm phát triển nông nghiệp của Nhật Bản sẽ giúp nâng cao đáng kể sản lượng và chất lượng cho nông sản ĐBSCL. "Các hộ sản xuất nông nghiệp của Việt Nam cần học theo kinh nghiệm làm nông nghiệp của người Nhật; nhanh chóng kết hợp với nhau, tạo thành chuỗi ngành hàng, tuân theo một quy chuẩn chất lượng thống nhất như VietGAP, BAP… để đảm bảo giá trị, độ an toàn, tin cậy cho sản phẩm làm ra. Ngoài ra, để giảm chi phí đầu vào, các nông hộ nên ứng dụng máy móc tiên tiến cũng như các hệ thống tự động phân tích chất lượng sản phẩm nông nghiệp", TS Thoại nói.

Trong thực tế, nông dân Nhật Bản đã áp dụng những điều này từ hơn 50 năm nay. Nhờ vậy, từ một đất nước suy sụp, thiếu lương thực sau thế chiến thứ 2, Nhật Bản nay đã trở thành bậc thầy trong sản xuất nông nghiệp của thế giới.

Là người nhiều năm làm việc trong lĩnh vực nông nghiệp, ông Hideki Suzuki, Giám đốc Công ty TNHH Bellfarm (Nhật Bản), chia sẻ: "Ở Nhật, quỹ đất sản xuất rất hạn hẹp, lại thường xuyên bị ảnh hưởng của thiên tai, nên chúng tôi phải tối ưu hóa và làm tăng độ màu mỡ cho đất trồng. Một trong những kỹ thuật mà chúng tôi áp dụng và đã thành công là sử dụng phân bón hữu cơ kết hợp với vi sinh vật theo tỷ lệ hợp lý, thay cho phân hóa học và thuốc tăng trưởng".

Ông Hideki Suzuki giải thích rõ, việc trộn phân bón hữu cơ đúng cách giúp tăng lượng lợi khuẩn có sẵn trong đất, đồng thời cũng tăng độ phì nhiêu và làm mềm đất. "Trong trường hợp áp dụng thành công kỹ thuật pha trộn này, nông sản làm ra được đảm bảo tươi ngon và an toàn, đáp ứng được tiêu chuẩn đặt ra của những thị trường nhập khẩu khó tính nhất", ông Hideki Suzuki nói.

Riêng với cây có múi, một dòng cây đặc sản phát triển mạnh ở ĐBSCL lại đang đối mặt với tình trạng già hóa và sâu hại tấn công làm giảm năng suất trong những năm gần đây. Để giải quyết căn bản vấn đề này, TS Võ Hữu Thoại ở Viện Nghiên cứu Cây ăn quả Miền Nam, đề xuất: "Sau một thời gian thu hoạch nhất định, cây trồng cần được cắt tỉa nhánh già để các nhánh non có điều kiện phát triển thay thế. Ngoài ra, để tăng khả năng chống chịu và tuổi thọ cho cây có múi, theo kinh nghiệm mà Viện Cây ăn quả Miền Nam có được khi quan sát các khu vườn của Nhật Bản, họ hoàn toàn sử dụng gốc ghép chứ không dùng cây giống chiết như cách mà chúng ta vẫn thường làm. Gốc ghép giúp cây sống khỏe và dẻo dai hơn hẳn cây chiết".

Cũng theo ông Thoại, một "kỹ thuật thú vị và khá đơn giản" để phòng ngừa bệnh hại cho cây có múi là "trồng ổi xen kẽ vào vườn cây". Lý do, rầy chổng cánh (tác nhân gây hại lớn trên các vườn cây có múi) và một số loài sâu bệnh không thích hoạt chất tạo mùi có trong cây ổi. "Tôi được biết, ở Nhật đã có một loại thuốc mới, chỉ cần bôi vào một điểm trên thân cây, sau đó kiến gây hại và sâu bọ sẽ bu lại ăn rồi tự chết mà không phải phun quá nhiều thuốc trừ sâu", ông Thoại cho biết.


* Nuôi và chế biến cá tra theo khoa học


Theo Tổng cục Thống kê, mỗi năm ĐBSCL cung cấp hơn 52% sản lượng thủy sản cả nước. Năm 2014, diện tích nuôi thủy sản toàn vùng ước đạt 800.000 hecta với sản lượng hơn 2,4 triệu tấn. Trong đó, sản lượng cá tra là 1,2 triệu tấn, chế biến xuất khẩu đạt gần 1,8 tỉ USD. Dù vậy, do những hạn chế về kỹ thuật chăn nuôi, chế biến cũng như khó khăn trong khâu tiêu thụ khiến cho ngành cá tra ĐBSCL còn tiềm ẩn không ít rủi ro.



Thu hoạch cá tra tại phường Thuận An, quận Thốt Nốt, TP Cần Thơ. Ảnh: VĂN CỘNG


PGS-TS. Nguyễn Thị Ngọc Anh, Khoa Thủy sản Đại học Cần Thơ, nhấn mạnh: "Những khó khăn mà ngành cá tra đang đối mặt tập trung vào hai nhóm chính: tổ chức sản xuất và chế biến, tiêu thụ sản phẩm".

Bà Nguyễn Thị Ngọc Anh cho rằng, việc phát triển vùng nuôi, cơ sở chế biến ở các địa phương chủ yếu là tự phát, thiếu quy hoạch và định hướng làm mất cân đối cung - cầu, dẫn đến giá cả sụt giảm. Chất lượng con giống không ổn định cùng với việc 70% nguyên liệu nuôi phải nhập từ nước ngoài cũng làm cho chi phí đầu vào tăng cao. "Người nông dân có thói quen thả nuôi theo mật độ dầy trong thời gian dài khiến môi trường nước bị ô nhiễm, vi khuẩn phát triển nhiều gây ảnh hưởng đến chất lượng và an toàn vệ sinh thực phẩm. Những dòng vi khuẩn mới như Edwardsiella ictaluri gây bệnh gan - thận mủ hay khuẩn Aeromonas hydrophila gây bệnh phù đầu, xuất huyết có thể làm tỷ lệ cá chết trong ao nuôi lên đến hơn 50%", PGS-TS Anh nhấn mạnh.

Nhiều chuyên gia cũng cho rằng, với việc 92% sản phẩm cá tra xuất khẩu của Việt Nam ở dạng thô, hàm lượng chế biến thấp, phần lớn là phi lê đông lạnh nên không tạo được giá trị gia tăng cho ngành hàng. Hiện tại, các doanh nghiệp chưa tập trung đầu tư nâng cấp trang thiết bị công nghệ, đa dạng hóa phân khúc sản phẩm cũng như chưa quan tâm đúng mức đến việc xây dựng thương hiệu cá tra Việt Nam và xây dựng chuỗi phân phối sản phẩm cả trong lẫn ngoài nước cũng là một rào cản khiến ngành cá tra nước ta bị giảm khả năng cạnh tranh. Thêm vào đó, việc xuất khẩu chủ yếu tập trung vào thị trường Mỹ và EU dễ dẫn đến rủi ro khi các thị trường này có biến động bất lợi.

Để giải quyết thực trạng này, PGS-TS Nguyễn Thị Ngọc Anh đề xuất: "Đầu tiên, chúng ta cần quy hoạch lại vùng nuôi, chế biến cá tra ở ĐBSCL. Trong đó, chú trọng đến các hoạt động sản xuất con giống; bảo đảm hài hòa lợi ích theo chuỗi giá trị từ người tiêu dùng đến các cá nhân, tổ chức, doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực sản xuất, chế biến, xuất khẩu và công nghiệp phụ trợ cho ngành hàng cá tra". Bà Anh nhấn mạnh: "Trong những năm tới, không đầu tư các cơ sở chế biến cá phi lê đông lạnh nữa mà chuyển sang thúc đẩy chế biến nhiều sản phẩm cao cấp đóng gói để tăng giá trị cho con cá tra, đưa đời sống hộ sản xuất và kinh tế doanh nghiệp đi lên".

Ngoài ra, áp dụng công nghệ mới vào chăn nuôi cũng giúp cải thiện đáng kể tình trạng cá chết, giúp tăng năng suất, chất lượng và độ tin cậy cho sản phẩm cá tra Việt Nam. Theo kết quả nghiên cứu của các chuyên gia đầu ngành trong lĩnh vực nuôi trồng thủy sản ĐBSCL, công nghệ "Bio-floc" (một dạng phức hợp gồm vi khuẩn dị dưỡng, tảo, động vật nguyên sinh, mảnh vụn hữu cơ) giúp cải thiện môi trường nước, giảm bệnh trên cá vừa là thức ăn tốt cho loài nuôi.

Còn theo công bố của Viện Nghiên cứu Nuôi trồng Thủy sản II thuộc Tổng cục Thủy sản, hiện viện đã thử nghiệm "Mô hình nuôi cá tra thâm canh bằng hệ thống tuần hoàn khép kín" (RAS), cho kết quả khả quan. Ao nuôi đạt năng suất cao, ít thay nước và tăng cường đáng kể chất lượng thịt cá thương phẩm; từ đó, mở ra cơ hội cho nghề nuôi thâm canh, quy mô vừa và nhỏ có giá trị kinh tế cao.

Theo một công bố khác của Khoa Thủy sản, Đại học Cần Thơ, sau 6 tháng thực nghiệm nuôi cá tra áp dụng công nghệ sục khí tiên tiến từ Đan Mạch tại vùng nuôi của Công ty Thuận Hưng (thị xã Ngã Bảy, tỉnh Hậu Giang) cho thấy, tỷ lệ hao hụt giảm, cá tăng trưởng tốt, môi trường cải thiện nhiều so với ao nuôi truyền thống. Sắp tới, mô hình này sẽ được nhân rộng để phục vụ nhu cầu của các hộ nuôi ở ĐBSCL.

Bài đã đăng tại:
http://www.baocantho.com.vn/?mod=detnews&catid=63&id=172880

Thứ Bảy, 12 tháng 12, 2015

ĐBSCL: Loay hoay tìm cách bán nông sản



Nông dân nghèo ở Đồng Tháp mưu sinh trong mùa lũ


(TBKTSG Online) - Đại diện 13 tỉnh, thành phố ĐBSCL tại hội nghị tổng kết năm 2015, triển khai nhiệm vụ 2016 của Ban Chỉ đạo Tây Nam bộ sáng nay, 11-12,  tiếp tục đề nghị trung ương sớm có chính sách phù hợp để vùng này bán được lúa gạo, thủy sản, trái cây nhằm cải thiện đời sống nông dân.

Phó trưởng ban thường trực Ban Chỉ đạo Tây Nam bộ, ông Nguyễn Phong Quang, khi mở đầu hội nghị, đã “kiến nghị Chính phủ chỉ đạo các bộ, ngành trung ương hỗ trợ thông tin cho các địa phương trong vùng trong quá trình hội nhập kinh tế thế giới, đặc biệt là vấn đề tiêu thụ lúa gạo, thủy sản, trái cây khi tham gia Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP).”

Ông Nguyễn Thanh Nghị, Bí thư Tỉnh ủy tỉnh Kiên Giang, cho biết ba năm nay xuất khẩu của Kiên Giang không đạt chỉ tiêu; riêng năm nay tỉnh sản xuất được hơn 4,64 triệu tấn lương thực, hơn 677.000 tấn thủy sản “nhưng tiêu thụ khó khăn, giá cả thấp, đời sống người dân chưa được cài thiện”.

Ông Nghị nhìn nhận sản xuất của Kiên Giang chưa bài bản từ quy hoạch đến thị trường và cho biết “Kiên Giang rất muốn sản xuất lớn nhưng hạ tầng điện, nước, thủy lợi… chưa đáp ứng”. Ông đề nghị: “Chính phủ cần có chính sách thu hút doanh nghiệp đầu tư lớn vào sản xuất nông nghiệp và hạ tầng”.

Ông Trần Quốc Trung, Bí thư Thành ủy thành phố Cần Thơ, “đề nghị Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và Bộ Công Thương có dự báo thị trường, có cơ chế như thế nào để ĐBSCL xuất khẩu hai mặt hàng chủ lực là gạo và thủy sản. Nếu không duy trì và phát triển được hai mặt hàng này thì sẽ ảnh hưởng tới sự phát triển kinh tế chung của toàn vùng”.

Trước đó, Bí thư Tỉnh ủy tỉnh Đồng Tháp, ông Lê Minh Hoan, cho biết ông rất tâm đắc với ý kiến của một doanh nghiệp Hàn Quốc khi tìm cơ hội đầu tư tại Đồng Tháp: “Mọi sự hỗ trợ của nhà nước đều vô nghĩa nếu người nông dân không thay đổi”.

Ông Hoan kể ông thường hỏi bà con nông dân rằng vì sao xoài Thái Lan, quít Trung Quốc vượt hàng ngàìn cây số qua bán tại chợ ở Đồng Tháp mà giá lại rẻ hơn xoài và quít của Đồng Tháp. Theo ông, nông dân Đồng Tháp làm được như họ thì sẽ thoát nghèo.

Ông Hoan cho biết Đồng Tháp đang làm thí điềm nhiều mô hình nhằm giúp nông dân “tự chủ, tự lực có kiến thức thay vì đào tạo nghề cho nông dân như cách Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đang làm ở các trường nghề”.

“Đồng Tháp cũng có mô hình hợp tác xã thuê đất của nông dân và cho doanh nghiệp mua cổ phần trong hợp tác xã”. Những việc làm này, theo ông Lê Minh Hoan, gần như chưa có chủ trương từ trung ương vì chưa có luật, nhưng tất cả nhằm giúp nông sản tiêu thụ được nông sản sao cho có lợi nhất.

Trong khi đó, theo ông Vương Bình Thạnh, Chủ tịch UBND tỉnh An Giang: “Từ năm 2008 tới nay, An Giang đều được mùa nhưng mất giá, với cả lúa gạo và cá tra”. Lý do chính, theo ông Thạnh, là vì thiếu thị trường tiêu thụ.

Dẫn kinh nghiệm thành công trong hợp tác với nông dân của công ty Lộc Trời và kinh nghiệm đầu tư làm lúa xuất sang Nhật của một công ty Nhật tại An Giang, ông Vương Bình Thạnh nói: “Phải xác định thị trường tiêu thụ cho sản xuất của ĐBSCL; người nông dân sản xuất ra phải biết bán cho ai”.

Ông Thạnh đề nghị: “Muốn liên kết, cốt lõi là từ doanh nghiệp. Do vậy, phải có chính sách thoáng hơn để doanh nghiệp đầu tư mạnh hơn vào nông nghiệp”.

Cần hỗ trợ ĐBSCL ứng phó với BĐKH


Theo ông Trần Công Chánh, Bí thư Tỉnh ủy tỉnh Hậu Giang, có bốn việc đang ảnh hưởng lớn tới sản xuất và đời sống người dân Hậu Giang, nhất là nông dân, gồm biến đổi khí hậu, liên kết vùng, đầu tư nước ngoài (FDI) và đào tạo nghề.

Ông Chánh nói, Hậu Giang đã báo động thiếu nước ngọt cho sản xuất và sinh hoạt và xâm nhập mặn sớm hơn mọi năm; liên kết vùng thì chưa có chính sách cụ thể; FDI vào đồng bằng ít vì hạ tầng yếu và chưa có chính sách thu hút phù hợp; đào tạo nghề cho nông thôn thì thầy nhiều hơn trò.

“Trường nghề quá nhiều, bộ nào cũng có trường; chiêu sinh không được, còn chương trình đào tạo thì không thiết thực”, ông Chánh nhấn mạnh.

Ông Nghị thì cho rằng chuyện liên kết vùng chưa chú ý tới tác động của biến đổi khí hậu và nước biển dâng. Ông cho biết Kiên Giang vừa bị thiệt hại hơn 30.000 héc ta lúa do xâm nhập mặn và thiếu nước ngọt, và nói: “Kiên Giang đề nghị Chính phủ đầu tư cấp nước cho các vùng này,… nếu không vài năm tới sẽ thiếu nước ngọt”.

Ông Nguyễn Phong Quang kiến nghị Chính phủ  có cơ chế đặc thù giúp ĐBSCL thích ứng với biến đổi khí hậu và đàm phán với chính phủ các nước thượng nguồn sông Mekong về ảnh hưởng của việc xây đập thủy điện.

Kết luận hội nghị, Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh, Trưởng Ban chỉ đạo Tây Nam bộ, nhấn mạnh các hiệp định thương mại tự do Việt Nam gia nhập đang đòi hỏi Việt Nam phải cải cách sản xuất và nâng cao sức cạnh tranh cho nông sản ĐBSCL.

Phó Thủ tướng đề nghị Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn sớm rà soát Nghị định 210 của Chính phủ về đầu tư vào nông nghiệp để sửa đổi, bổ sung các quy định phù hợp với điều kiện riêng của vùng ĐBSCL.

Ông cũng yêu cầu bộ này cũng sớm trình Chính phủ Nghị định về hợp tác xã nông nghiệp để kịp ban hành.

Bài đã đăng tại:
http://mobile.thesaigontimes.vn/tinbaichitiet/139737

Thứ Sáu, 20 tháng 11, 2015

Thủy điện sông Mekong tác hại lớn đến ĐBSCL




Trang "Nhịp sống đồng bằng"số trước trên Báo Cần Thơ đã ghi nhận phản ứng của người dân về các đập thủy điện trên sông Mekong. Tuần này, Báo Cần Thơ phản ảnh tiếp ý kiến của nhiều chuyên gia trong và ngoài nước về tác hại với riêng ĐBSCL, từ các đập thủy điện này.


Tác động nghiêm trọng


Những ý kiến này được đưa ra tại hội thảo "Thủy điện Mekong: khoa học, chính sách và tiếng nói cộng đồng" do Trung tâm Con người và thiên nhiên (PanNature) tổ chức tại An Giang hôm 10-11. Theo PanNature, ngoài 6 đập đã được xây dựng phía thượng nguồn Mekong thuộc Trung Quốc, một đập đang xây tại Lào thì 10 đập dự kiến xây tiếp tại Lào và Campuchia sẽ tiếp tục gây ra những tác động nghiêm trọng đối với khu vực, đặc biệt là ĐBSCL nằm ở cuối nguồn sông Mekong.



Sơ đồ các đập thủy điện trên dòng chính sông Mekong. Ảnh: Michael Bukley


Sau khi khởi công xây dựng đập thủy điện Xayaburi năm 2012, chính phủ Lào tuyên bố sẽ xây tiếp đập Don Sahong vào cuối năm nay và đang chuẩn bị cho đập Pak Beng, dự án thủy điện thứ ba trên dòng Mekong. "Quy trình ra quyết định về các đập dòng chính theo thủ tục tham vấn (thông báo, tham vấn và thỏa thuận trước - PNPCA) của Ủy hội sông Mekong đang bị các bên nghi vấn và chỉ trích. Quyết định đơn phương của Lào về việc xây dựng đập cho thấy tinh thần hợp tác theo Hiệp định Mekong đang bị lu mờ bởi lợi ích của quốc gia", Giám đốc PanNature - ông Trịnh Lê Nguyên, cho biết.

Mở đầu tham luận "Thủy điện Mekong và tác động tiềm ẩn lên môi trường, sinh kế và an ninh lương thực ĐBSCL", PGS.TS Lê Anh Tuấn, Phó giám đốc Viện Nghiên cứu Biến đổi khí hậu (Đại học Cần Thơ), cho biết năm nay ĐBSCL không có mùa nước nổi, tổn hại lớn cho ruộng đồng, sinh thái cùng sinh kế của người nghèo ở miền Tây vốn sống dựa vào mùa nước nổi. Ông Tuấn cho rằng nếu chuỗi các đập thủy điện trên sông Mekong được xây dựng tiếp thì việc tích nước cho thủy điện vào mùa khô hằng năm sẽ làm ĐBSCL khô hạn hơn và xâm nhập mặn sâu hơn.

Theo ông Tuấn, các con đập này sẽ đánh ngay vào hai trụ cột kinh tế lớn nhất vùng ĐBSCL là nông nghiệp và thủy sản. Việt Nam sẽ mất đi vai trò là nước hàng đầu trong xuất khẩu lương thực và thực phẩm trên thị trường quốc tế. Tiếp đó, người nghèo, cả ở nông thôn và thành thị, sẽ bị tổn thương nặng nhất và hiện tượng di cư sẽ diễn ra trên diện rộng. Thiệt hại do thủy điện cũng sẽ tác động dây chuyền theo hiệu ứng domino với nhiều rủi ro chưa thể dự báo trước, và vận hành thủy điện sẽ làm cho các biện pháp thích ứng với biến đổi khí hậu khó thực hiện và nảy sinh nhiều hệ lụy mới. Ngoài ra, việc xây dựng thủy điện trên sông Mekong sẽ làm suy giảm gần như vĩnh viễn và không khôi phục được phần lớn hệ sinh thái đất ngập nước và tính đa dạng sinh học ở ĐBSCL, ông Tuấn cho biết.

Chỉ riêng phù sa, theo ông Tuấn, sông Mekong xếp thứ sáu trong số 10 con sông lớn trên thế giới, với lượng phù sa đổ ra biển khoảng 160 triệu tấn/năm. "Mà ĐBSCL, nơi có gần 20 triệu người sinh sống với 4 triệu hecta đất tự nhiên, lại hình thành chủ yếu nhờ sự bồi tụ phù sa từ dòng chảy sông Mekong", ông Tuấn nói. Dẫn nghiên cứu về mô hình hồ chứa nước - đập - nhà máy thủy điện trên dòng chính sông Mekong, ông Tuấn cho biết cống xả đáy của hệ thống này chỉ có thể tải khoảng 10-20% lớp tích tụ sạn sỏi, cát thô, bùn, cát mịn… về hạ lưu.

Riêng với nguồn thủy sản ở ĐBSCL, theo một nghiên cứu của ICEM được PGS.TS Lê Anh Tuấn trích dẫn, có tới 440.000 tấn/năm (tương đương một tỉ USD/năm) bị tổn thất do hệ thống đập thủy điện này.

Theo ông Jake Bruner, Trưởng đại diện Tổ chức Bảo tồn Thiên nhiên quốc tế (IUCN), chính phủ Lào sắp xây tiếp đập Don Sahong công suất 260 MW trên dòng Mekong cách biên giới Campuchia chỉ 2 km. Trong khi đó có rất nhiều chuyên gia độc lập đã kết luận rằng đập này có thể gây ra tác động nghiêm trọng đối với nguồn cá di cư. "Đối với Việt Nam, giảm sản lượng cá con sẽ đe dọa ngành xuất khẩu cá da trơn có giá trị nhiều tỉ đô la Mỹ vì loài cá này phụ thuộc nguồn thức ăn là cá trắng di cư", ông Jake Bruner nhấn mạnh.


Ngày mai sẽ ra sao?


Đại diện Tổ chức Sông ngòi Quốc tế (IR), bà Ame Trandem, đặt vấn đề "Tại sao khoa học và chính sách lại thất bại?" và cho biết vì tất cả các đập đã, đang và sắp xây dựng tại Trung Quốc, Lào hoàn toàn không có báo cáo tham vấn trước với Ủy hội sông Mekong và cộng đồng dân cư Mekong cũng hoàn toàn thiếu thông tin.


Hình ảnh nông dân Đồng Tháp mưu sinh trong mùa lũ năm 2011 không còn vì năm nay không có mùa nước nổi.

"Đập Xayaburi đã xây dựng được 40% nhưng chưa có báo cáo tham vấn. Giờ đây chính phủ Lào đã quyết định bắt đầu xây tiếp đập Don Sahong vào cuối tháng 11 này cũng theo kịch bản đó", bà Ame Trandem nói. Bà Ame cho biết có hơn 100 loài cá sông Mekong di cư qua vị trí xây đập Don Sahong trong khi một công ty Malaysia thi công công trình này thừa nhận chưa biết là giải pháp vừa xây dựng vừa tìm cách giảm thiệt hại cá di cư theo kiểu "cầu thang cá" sẽ hiệu quả ra sao.

"Ai sẽ đền bù thiệt hại và ai sẽ chịu trách nhiệm cho những thiệt hại này?" bà Ame hỏi và khẳng định: "Sẽ có khoảng 40 triệu người bị ảnh hưởng từ những con đập này trên dòng chính sông Mekong".

Trả lời câu hỏi "Vậy tại sao những dự án đầy rủi ro này lại được phê duyệt?", ông Jake Bruner của IUCN cho rằng, xuất phát từ bản chất của Hiệp định Hợp tác phát triển bền vững lưu vực sông Mekong, được các nước Campuchia, Lào, Thái Lan và Việt Nam ký kết năm 1995 (Trung Quốc không tham gia).

Theo hiệp định này, 4 quốc gia phải cân nhắc kỹ về các quyết định sử dụng nguồn nước trong lãnh thổ của mình. "Tuy nhiên, những diễn biến gần đây cho thấy giá trị của hiệp định là hạn chế trong việc đáp ứng những thách thức mới, đặc biệt là với tốc độ phát triển thủy điện chóng mặt như hiện nay", theo ông Jake Bruner.

Các điều khoản trong Hiệp định Mekong hướng đến các dự án có thể gây ảnh hưởng lớn xuyên biên giới, như các dự án thủy điện, song lại không rõ ràng và thiếu ràng buộc về pháp lý. Thủ tục thông báo, tham vấn và thỏa thuận trước (PNPCA) không nằm trong nội dung chính của Hiệp định, thậm chí không phải là một quy định, và trên thực tế "chỉ mang tính tự nguyện".

Ông Jake Bruner nhấn mạnh: "Như vậy, trên thực tế khi một quốc gia tin rằng một dự án sẽ đe dọa các lợi ích sống còn của mình thì điều tốt nhất mà Hiệp định Mekong có thể mang lại cho họ chỉ là "đồng thuận với sự bất đồng"".

Trong khi đó, bà Premrudee Daorung, đồng giám đốc Quỹ Phục hồi sinh thái (TERRA), cảnh báo rằng Trung Quốc "đang có kế hoạch xây tiếp cho đủ 15 đập thủy điện trên thượng nguồn sông Mekong!". Bà Premrudee Daorung còn chia sẻ về bài học phát triển thủy điện và các chiến dịch vận động kiên trì của người dân Thái Lan để phản đối hoạt động của đập Pak Mun ở Đông bắc Thái Lan và họ đã thành công. Giờ đây, mỗi năm, chính phủ Thái Lan phải mở cửa đập này một lần để xả phù sa và thủy sản về hạ lưu theo đúng thỏa thuận với người dân.

Bà Premrudee Daorung cũng cho biết người dân Thái Lan đang kiện lên tòa hành chính Thái Lan đối với đập Xayaburi của Lào vì Lào sẽ bán điện cho Thái Lan từ con đập này. "Quan trọng là cộng đồng người dân có được thông tin bị ảnh hưởng để phản đối và chính quyền thì không muốn xảy ra những chuyện này", bà Premrudee Daorung nhấn mạnh như vậy và nói tiếp: "Tôi tin những phong trào chống lại các đập thủy điện như vậy sẽ ngày càng mạnh hơn".


Phải sát cánh ngăn chặn thảm họa



Trao đổi với chúng tôi về hội thảo này, ông Võ Thành Thống, Chủ tịch UBND TP Cần Thơ, cho biết: "Ý kiến của các chuyên gia là xác đáng, nhất là trong hoàn cảnh không thể tránh khỏi của biến đổi khí hậu, nước biển dâng - càng làm cho thảm họa thêm trầm trọng.

Tôi nghĩ, chính phủ các nước đã và dự định xây dựng tiếp hệ thống thủy điện trên sông Mekong, cần có trách nhiệm nghiêm túc và công bằng lợi ích giữa các nước có cùng quyền lợi liên quan đến dòng sông này.

Tôi tin tưởng giới khoa học, các chuyên gia môi trường sẽ sát cánh cùng chúng tôi trong cuộc đấu tranh ngăn chặn thảm họa này vì lợi ích và công bằng cho người dân ĐBSCL và cũng để bảo vệ môi trường tự nhiên, bảo đảm an ninh lương thực, nguồn cung thủy sản… cho thế giới".



Bài đã đăng tại:
http://baocantho.com.vn/?mod=detnews&catid=63&p=0&id=171727

Thứ Năm, 19 tháng 11, 2015

Hãy bảo vệ Rushdie



Salman Rushdie - Tranh: Brett Affrunti vẽ cho Delta Sky Magazine


Sao cái ác lại đánh đu đời cái thiện
Cái sinh thành mọi tôn giáo xưa nay

Hồi giáo là ai
Là cầu nguyện hành hương nhịn ăn bố thí
Và tin đấng Allah cùng sứ giả của Ngài
Truyền thuyết kể Mohamet từng đáp vậy
Nhưng để bảo toàn điều thiện ấy
Là luật lệ tiếp theo
Phải xử tử hình kẻ bỏ đạo

Bạo lực không chỉ có từ chiến tranh
Bạo lực còn sinh ra từ tôn giáo
Bởi thiên đường nào cũng cần lí trí
Và điều thiện cứ nhập nhằng thần thánh – nhân dân

Với Những vần thơ của quỉ Sa-tăng (*)
S. Rushdie chỉ muốn tách thánh thần ra khỏi con người trần thế
Con người đau thương Hồi giáo
Đồng loại của ông
Thế mà Giáo chủ Khomeiny
Đã treo giá hằng triệu đô la
Cho ai, vì Thánh Allah
Giết được nhà văn ấy

Nhân loại đã điên đảo nghìn năm vì chiến tranh lửa máu
Giờ lại đảo điên vì chuyện thánh thần
Cái ác cường quyền chẳng thể mị dân
Dẫu có nhân danh triệu lần cái thiện

Sống cuồng tín bằng sơ đồ lí trí
Ta dễ hóa thành kẻ sát nhân



Quân khu 9, ngày 4-3-1989
 (*) Satanic Verses – cuốn sách đã mang lại án tử hình cho S. Rushdie

Khủng bố ở Paris: Bắt đầu cuộc xung đột giữa các nền văn minh?




Thái Bình

Người Hồi giáo làm lễ Eid al-Fitr tại Công viên Valentines ở London tháng 7-2015. Ảnh: NYT


(TBKTSG) - Sau khi xảy ra cuộc tàn sát ở thủ đô Paris hôm thứ Sáu tuần trước làm hơn 150 người chết, và tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS) lên tiếng nhận trách nhiệm sau đó, nhiều người đã nghĩ ngay tới một cuộc “xung đột giữa các nền văn minh” như dự báo mà nhà kinh tế-chính trị học Samuel P. Huntington đưa ra trong bài báo nổi tiếng “The Clash of Civilizations” đăng trên tạp chí Foreign Affairs năm 1993. Nếu coi Paris là đại diện của văn minh phương Tây và IS là đại diện cho văn minh Hồi giáo ở hình thái cực đoan nhất thì vụ xung đột này báo trước một viễn cảnh u ám cho toàn thế giới.


Lý thuyết của S. Huntington


Trong bài báo gây nhiều tranh cãi của mình, Giáo sư S. Huntington cho rằng sau sự sụp đổ của Liên Xô thì Hồi giáo sẽ trở thành trở ngại lớn nhất đối với sự thống trị thế giới của phương Tây; cuộc chiến tranh lớn sẽ là chiến tranh với Hồi giáo.

Bài báo về sau được tác giả phát triển thành một cuốn sách với nhan đề “The Clash of Civilizations and the Remaking of World Order” (Xung đột giữa các nền văn minh và sự tái lập trật tự thế giới), trong đó ông khẳng định xung đột sẽ xảy ra thường xuyên và dữ dội vì sự khác biệt về văn hóa và tôn giáo hơn là ý thức hệ. Dựa vào sự khác biệt này, S. Huntington chia thế giới thành 7 hoặc 8 nền văn minh, gồm (1) phương Tây (Thiên Chúa giáo-Tin lành); (2) Mỹ Latinh; (3) Hồi giáo; (4) Hán (Trung Quốc); (5) Ấn (Ấn giáo); (6) Chính thống giáo (Nga); (7) Nhật và (8) Phi châu. Các nền văn minh này không tự giới hạn trong biên giới một quốc gia nào mà có thể có một vài quốc gia ở lõi trung tâm và nhiều quốc gia khác nằm trong vùng ảnh hưởng của nó; thậm chí trong một quốc gia cũng có thể có sự xung đột; chẳng hạn như ở Ukraine là xung đột giữa phần phía Tây theo Thiên chúa giáo, gần với văn minh châu Âu với phần phía Đông theo Chính thống giáo gần với văn minh Nga.

Luận đề của Samuel Huntington gây ra nhiều cuộc tranh cãi trong giới học thuật quốc tế. Các học giả châu Âu cáo buộc ông “hợp pháp hóa về mặt lý thuyết” cho cuộc xâm lăng của phương Tây do Mỹ dẫn đầu chống lại các nền văn hóa Hồi giáo. Nhiều người cho rằng ông đã quy nạp đơn giản mà không tính tới những mâu thuẫn, xung đột nội tại trong từng nền văn minh; những người khác phê phán ông đề cao quá đáng các yếu tố văn hóa và tôn giáo như là nguyên nhân cơ bản gây mâu thuẫn mà coi nhẹ vai trò của các yếu tố quan trọng hơn như kinh tế, bất bình đẳng về cơ hội và thu nhập…

Cho đến nay lý thuyết của S. Huntington vẫn tiếp tục được giới học thuật đối chiếu vào thực tiễn, hoặc để phản bác, hoặc để lý giải những biến cố quan trọng đang xảy ra.


Đây là những cuốn sách mà IS đã gửi tới Alex, một cô gái cô độc 23 tuổi ở bang Washington, Mỹ mà IS liên lạc và tuyển dụng. Chỉ sau một thời gian ngắn trao đổi trên mạng xã hội với IS, Alex đã từ bỏ đạo Thiên chúa giáo để cải đạo sang Hồi giáo, và đã chuẩn bị chạy trốn sang Syria tham gia nhóm phiến quân này. Ảnh: NYT

Từ khủng bố đến thánh chiến


Lý thuyết của Huntington có thể sẽ ít gây chú ý nếu thế giới không trải qua những biến động dữ dội từ đầu thế kỷ 21 đến nay. Mười năm sau bài báo của S. Huntington đã xảy ra vụ khủng bố ngày 11-9 ở Mỹ - sự kiện lớn đầu tiên đánh dấu cuộc xung đột giữa tổ chức Hồi giáo cực đoan Al-Qaeda và văn minh phương Tây mà Mỹ là đại diện. Phản ứng của Mỹ: phát động chiến tranh ở Afghanistan, Iraq dưới danh nghĩa “chống chủ nghĩa khủng bố” đã đẩy cả thế giới vào một thời kỳ mới, khác xa so với thế giới của thế kỷ 20 trở về trước. Từ đó đến nay, xung đột chẳng những không dịu xuống mà ngày càng lan rộng, lôi cuốn cả Bắc Phi và Trung Đông vào lò lửa chiến tranh và đặt một số thủ đô vào tình trạng bất an: khủng bố ở Madrid (Tây Ban Nha) tháng 3-2004, London (Anh) tháng 7-2005, Ankara (Thổ Nhĩ Kỳ) tháng 10-2015; Beirut (Liban) tháng 11-2015; Paris (Pháp) tháng 1 và tháng 11-2015. Ngay cả máy bay chở du khách Nga bay trên trời cũng bị đặt bom làm hơn 200 người thiệt mạng... Tất cả những vụ tấn công đều do các tay súng Hồi giáo thực hiện.

Nhưng Hồi giáo không phải là một khối đồng nhất mà có nhiều hệ phái; ngay trong hình thái cực đoan nhất là “thánh chiến” (jihadism) cũng có nhiều phe phái khác nhau, nhưng tất cả đều nảy sinh từ lò lửa chiến tranh Trung Đông, nơi người dân thường hàng ngày bị mất mạng dưới bom đạn của các cuộc chiến tranh, khốn khổ vì kinh tế-xã hội sụp đổ, hàng triệu người phải rời bỏ quê hương xứ sở… Tuyệt vọng với cuộc sống trần gian, nhiều thanh niên Hồi giáo đã dễ dàng rơi vào ảnh hưởng của các tổ chức cực đoan, tham gia “thánh chiến” để chống lại phương Tây mà họ cho là cội nguồn sinh ra các nỗi đau khổ của họ. Từ trong khối bùng nhùng các tổ chức “thánh chiến” đã nảy ra Nhà nước Hồi giáo IS mà về nhiều phương diện có thể coi là một bước phát triển mới.


IS từ đâu đến?


Tổ chức Nhà nước Hồi giáo IS (còn có tên gọi khác là ISIS - nhà nước Hồi giáo ở Iraq và Syria - ISIL, Daesh) lúc đầu chỉ là một nhóm chiến binh Hồi giáo sát cánh cùng Al-Qaeda chống lại sự chiếm đóng của người Mỹ và chính quyền Baghdad trong cuộc nội chiến Iraq những năm 2004-2007. Tháng 10-2006, nhóm này liên kết với một số nhóm khác lập ra cái gọi là Nhà nước Hồi giáo Iraq (ISI) chống lại nhà nước Iraq do Mỹ hậu thuẫn ở Baghdad. Khi nội chiến ở Syria nổ ra tháng 3-2011, ISI thâm nhập vào vùng Tây Bắc vô chính phủ của nước này, tiến hành chiến tranh chống chính quyền Damascus và các nhóm nổi loạn khác.

Tháng 4-2013, lãnh tụ của ISI là Abu Bakr al-Baghdadi tuyên bố thành lập Nhà nước Hồi giáo ở Iraq và Syria (ISIS) trên cơ sở sáp nhập ISI với một số nhóm khác như Al-Qaeda, al-Nusra Front. Tuy nhiên sau tám tháng thương lượng bất thành về phân chia quyền lực, lãnh đạo của Al-Qaeda và al-Nusra quyết định rút khỏi liên minh và cắt đứt quan hệ với ISIS từ ngày 3-2-2014. Vào thời gian này, ISIS phát triển mạnh ở Syria và quay lại chiếm một vùng đất rộng lớn trong đó có thành phố Mosul lớn thứ hai ở Iraq cùng với nhiều giếng dầu và nhiều ngoại tệ trong các ngân hàng. Vào thời điểm tháng 3-2015, ISIS kiểm soát được một vùng lãnh thổ hai bên biên giới Iraq và Syria, rộng hơn lãnh thổ Vương quốc Anh, với dân số khoảng 10 triệu người, lập ra một Nhà nước Hồi giáo thực thụ.

Ngày 29-4-2014 tổ chức này tuyên bố xây dựng nhà nước Hồi giáo toàn cầu (caliphate), đổi tên thành ad-Dawlah al-Islāmiyah (IS) và giáo sĩ Abu Bakr al-Baghdadi được chọn làm Quốc vương Hồi giáo hay thủ lĩnh tối cao (caliph); “thủ đô” được đặt tại thành phố Raqqa (thuộc Syria). Sau khi tuyên bố thành lập caliphate, IS kêu gọi các nhóm vũ trang Hồi giáo khác khắp thế giới quy phục (allegiance), và “mạng lưới” của nó đến nay đã lan rộng khắp các châu lục, bao gồm cả nhóm Abu Sayyaf ở miền Nam Philippines.


IS và nhà nước giáo quyền


Nhà nước Hồi giáo IS tổ chức và hoạt động theo luật Hồi giáo và những lời răn dạy của Đấng Tiên tri được ghi chép lại trong kinh Coran, được lãnh đạo bởi hội đồng giáo sĩ (shura), có quyền hành tuyệt đối về tôn giáo, chính trị và quân sự đối với mọi tín đồ Hồi giáo. Về mặt tư tưởng, IS theo phái Wahhabism/Salafism thuộc dòng Hồi giáo Sunni, chủ trương Hồi giáo “nguyên thủy”, bác bỏ mọi sự canh tân giáo lý Hồi giáo từ trước đến nay; đặc biệt đề cao bạo lực và tính không khoan dung. IS cho rằng không chỉ người “dị giáo” mà bất cứ người Hồi giáo nào không tán thành cách lý giải đạo Hồi của họ đều là những kẻ “phản đạo” cần phải bị tiêu diệt theo một điều luật gọi là takfir. Các tổ chức Hồi giáo cực đoan nổi tiếng khác như Hezbollah ở Iran, Hamas ở Palestine… cũng bị liệt vào “danh sách đen” phải tiêu diệt của IS mà vụ đánh bom vào thành trì của Hezbollah ở Beirut một ngày trước vụ khủng bố Paris là một ví dụ.

Về mặt chính trị, IS chủ trương khôi phục hình thái nhà nước “giáo quyền” (caliphate) tồn tại ở vùng Lưỡng Hà thời Tiên tri Mohammed khoảng 1.500 năm về trước. Mô hình nhà nước caliphate này đối nghịch hoàn toàn với quan niệm nhà nước thế tục và cộng hòa hiện đại. Trong lãnh thổ caliphate, người dân được bảo đảm về an sinh xã hội, được cấp nhà ở và thực phẩm miễn phí, đổi lại họ phải tuân phục mọi mệnh lệnh của quốc vương và bộ máy giáo sĩ, phải siêng năng cầu nguyện, giữ thân thể và ý nghĩ sạch sẽ, không uống rượu và nước có cồn, không kinh doanh kiếm lợi, kẻ trộm cắp bị chặt tay, phụ nữ phải tuyệt đối tuân phục chồng, bắt vợ và con gái kẻ thù làm “nô lệ tình dục” được chấp nhận, đàn ông được có nhiều vợ nhưng ngoại tình là một tội nặng, những hình ảnh mô phỏng con người - tạo tác của Thượng đế - phải bị phá hủy… Tội lỗi nặng nhất ở caliphate là tội phản đạo và báng bổ, kẻ phạm tội bị xử tử bằng cách đóng đinh, chặt đầu hoặc hành quyết ở nơi công cộng…

Rất nhiều vụ giết người khủng khiếp xảy ra trong vùng lãnh thổ của IS - nạn nhân là người nước ngoài hoặc người Hồi giáo bị ghép tội phản đạo - được quay phim và đưa lên mạng trong thời gian gần đây chính là sự thực thi những giáo luật hết sức nghiêm khắc và tàn bạo của IS.


IS, Al-Qaeda và ứng phó


Khác với Al-Qaeda chỉ là một tổ chức bạo lực gồm nhiều nhóm chiến binh riêng lẻ trà trộn trong lòng các xã hội phương Tây và Ảrập, IS là một nhà nước, có lãnh thổ, có quân đội, có guồng máy giáo sĩ cai trị, điều hành mọi dịch vụ; có hệ tư tưởng riêng. Nếu như Al-Qaeda tấn công phương Tây để gây áp lực đòi Mỹ phải rút quân khỏi bán đảo Ảrập, ngừng hậu thuẫn Nhà nước Do Thái và các chính phủ “phản giáo” ở Trung Đông thì mục tiêu của IS cao xa hơn nhiều: chinh phục toàn thế giới, xóa bỏ các quốc gia để lập ra một vương quốc Hồi giáo toàn cầu duy nhất trên trái đất; thay thế các thể chế chính trị thế tục “đồi trụy” bằng caliphate, trong đó các quyền tự do căn bản như bầu cử, ứng cử, các định chế chính trị như đảng phái, nhà nước pháp quyền, liên hiệp quốc… bị xóa bỏ.

Tổ chức IS đã bị Liên hiệp quốc và nhiều nước liệt vào danh sách tổ chức khủng bố; hiện có gần 60 quốc gia trực tiếp hoặc gián tiếp tham gia vào các chiến dịch chống lại IS. Đáng lưu ý rằng, hầu hết các quốc gia Hồi giáo và cộng đồng tín đồ Hồi giáo trên khắp thế giới đều phản đối IS và quan điểm cực đoan về đạo Hồi mà IS đưa ra, tuy nhiên hầu như các nước chưa có biện pháp hữu hiệu trong việc ngăn cản công dân của mình sang Syria “đầu quân” vào IS hoặc bí mật cung cấp tài chính cho tổ chức này.

Ở phương Tây, các học giả chưa có sự đồng thuận trong đánh giá về tổ chức IS và nguy cơ do nó đặt ra, một số học giả vẫn cho IS là một tổ chức khủng bố “phi nhà nước” như Al-Qaeda, Boko Haram hay Abu Sayyaf…; thậm chí cho rằng IS không liên can gì đến đạo Hồi và cộng đồng tín đồ Hồi giáo thế giới.

Đã đến lúc phương Tây phải thừa nhận IS là một hình thái tổ chức nhà nước có mục tiêu thay đổi trật tự thế giới. Nếu như có một mô hình gần giống với nhà nước Hồi giáo IS trong thế giới hiện đại thì có lẽ đó chỉ là nhà nước công xã “Angka” mà Khmer Đỏ lập ra ở Campuchia những năm 1975-1979.

Với một “nhà nước khủng bố” như IS phải có cách đối phó khác. S. Huntington cho rằng, để thấu hiểu xung đột hiện tại và tương lai, cần phải thấu hiểu sự khác biệt về văn hóa. Các quốc gia phương Tây sẽ đánh mất sự thống trị hiện có nếu không thừa nhận bản chất không thể thỏa hiệp của các mâu thuẫn văn hóa. Ông cho rằng, sự chuyển dịch cơ cấu tổ chức địa chính trị đòi hỏi phương Tây phải tự củng cố về văn hóa, từ bỏ việc áp đặt lên các nền văn minh khác các nguyên tắc dân chủ phổ quát của mình, từ bỏ sự can thiệp không ngừng nghỉ bằng sức mạnh quân sự.

Chính phủ Pháp đã phản ứng tức thì với vụ khủng bố Paris bằng cách điều tàu sân bay Charles de Gaulle tới vùng Vịnh Ba Tư, tiến hành không kích hàng chục cứ điểm của IS sâu trong lãnh thổ của caliphate. Cách ứng xử này có phần giống với hành động tấn công Afghanistan mà Mỹ tiến hành sau biến cố 11-9. Có thể đây là phản ứng cần thiết nhưng chắc không phải là giải pháp bền vững trong cuộc chiến chống IS. Để đối phó với những kẻ khủng bố “nhà nước” không chỉ được trang bị súng AK-47 và chất nổ C4 mà có cả mưu toan khôi phục hình thái nhà nước giáo quyền cổ xưa thì có khi bom đạn, tàu sân bay chưa phải là vũ khí hữu hiệu mà lại có thể phản tác dụng. Báo The Economist cảnh báo: “Sợ rằng khi tổ chức này bị sức ép gia tăng ở địa bàn của nó, nó sẽ tung ra nhiều cuộc tấn công thường xuyên hơn ở hải ngoại, chọn những mục tiêu “mềm” ở các thành phố phương Tây để lôi kéo sự chú ý”.

Bài đã đăng tại:
http://www.thesaigontimes.vn/138650/Khung-bo-o-Paris-Bat-dau-cuoc-xung-dot-giua-cac-nen-van-minh.html

Người dân lên tiếng về đập thủy điện trên sông Mekong



Lần đầu tiên "Diễn đàn nhân dân khu vực Mekong" (do Mạng lưới Sông ngòi Việt Nam, Quỹ Phục hồi sinh thái, Trung tâm Con người & thiên nhiên và Trường Đại học An Giang phối hợp tổ chức tại An Giang ngày 11-11) đã thông qua Tuyên bố chung về tác hại của các đập thủy điện trên sông Mekong gửi chính phủ các nước lưu vực Mekong.

Chúng tôi không muốn xây đập trên sông Mekong


Dự Diễn đàn này có các đoàn đại biểu đại diện cộng đồng người dân địa phương và 10 tổ chức quốc tế ở Việt Nam, Thái Lan, Campuchia. Trước đó, họ đã chia sẻ thực tế tác hại của đập thủy điện tại địa phương của mình.

Bà Huỳnh Kim Duyên ở Cà Mau cho biết, do lượng phù sa về giảm, ở U Minh, Thới Bình, Trần Văn Thời… đất sụt giảm, mất rừng, nước ngọt về ít. Nay thì mới tháng 8, "nước mặn đã xâm thực vào sinh kế người dân". Bà Duyên đề nghị: "Chính phủ các nước phải hạn chế thấp nhất việc xây đập trên sông Mekong vì sẽ làm ảnh hưởng đến đời con, đời cháu chúng ta. Chính phủ cần tổ chức những cuộc tham vấn với người dân trong cộng đồng về năng lượng, nguồn nước, sinh kế của người dân".

Ông Trương Văn Khôi, đại diện cộng đồng ấp Vàm Nao, xã Tân Trung, huyện Phú Tân (An Giang) kể, xưa mùng 5-5 nước từ thượng nguồn bắt đầu đổ về mang theo phù sa đỏ đục và cá tôm nuôi sống 30% người dân trong ấp làm nghề đánh bắt cá trên sông. Nhưng từ năm 2005 đến nay, nước thấp, các loài cá suy giảm rất nhiều, 80% dân bỏ nghề, bỏ đi nơi khác. "Có thể là do tác động từ việc xây đập thủy điện trên sông Mekong", ông Khôi nói.

Ông Long Sochet ở tỉnh Pursat (Campuchia), nói từ khi xây đập Sesan ở Bắc Campuchia thì rừng ở đó được chủ công trình khai thác, còn dân cư phải ra đi. Ông cũng cho biết do tác động của đập Sesan và đập Xayaburi bên Lào, mực nước trên hồ Tongle Sap đã giảm 3 mét so với trước, chất lượng nước thay đổi, nguồn cá suy giảm trong khi có tới 95% người dân ở khu vực Biển Hồ sống nhờ vào nguồn cá. "Dân ở làng nổi trên Biển Hồ vì không có sở hữu đất đai nên bị ảnh hưởng rất lớn đến đời sống", ông nói.

 Các đại biểu nhân dân Thái Lan, Campuchia và Việt Nam dự “Diễn đàn nhân dân khu vực Mekong” ngày 11-11-2015
tại An Giang.


Theo ông Chirasak Inthayod ở tỉnh Chiang Rai (Thái Lan): "Người dân đã nghe chuyện xây đập thủy điện ở Trung Quốc từ 10 năm trước. Nay thì nguồn nước trên sông đã thay đổi, mực nước không bình thường, nguồn cá cũng không còn dồi dào như trước nữa".
Còn với ông Channarong Wongla, người dân tỉnh Loei, Đông Bắc Thái Lan: "Chúng tôi đã thấy hậu quả của đập Xayaburi xây trên sông Mekong. Người dân đánh bắt cá không còn nhiều như xưa, được rất ít cá. Người dân không đủ thu nhập để đưa con em tới trường, vào học đại học. Chúng tôi muốn người dân có tiếng nói, muốn sinh viên được biết, được học về thực trạng sông Mekong hiện nay".

Thay mặt đoàn cư dân địa phương Thái Lan, ông Channarong Wongla đã đọc bản tuyên bố riêng của đoàn mình, nhấn mạnh: "Chúng tôi đang gánh chịu hệ quả của những con đập đã xây dựng và sắp xây dựng. Chúng tôi không muốn xây đập trên sông Mekong. Chúng tôi muốn dừng xây đập. Chúng tôi muốn các bên của các chính phủ gặp trực tiếp với người dân. Chúng tôi muốn những nghiên cứu về các dự án thủy điện phải minh bạch, có tham khảo và lắng nghe ý kiến của người dân, đặc biệt với là đập Don Sahong".

Phải bảo vệ các dòng sông


Bản Tuyên bố chung có tiêu đề: "Tiếng nói của người dân: Thông điệp gửi tới chính phủ các nước thuộc lưu vực sông Mekong về đập thủy điện". Tuyên bố nêu rõ: "Các đập được xây dựng trên dòng chính sông Mekong và các dòng sông khác trong khu vực đã gây ra những thay đổi tới hệ sinh thái, đe dọa cuộc sống, sinh kế và kinh tế tại lưu vực sông Mekong. Những người dân tộc thiểu số, phụ nữ và trẻ em là những người bị tác động và ảnh hưởng nhiều nhất bởi những thay đổi đó. Các đập thủy điện cũng là tác nhân khiến biến đổi khí hậu ngày càng trầm trọng hơn. Những đập thủy điện gây tác động ảnh hưởng bao gồm Pak Mun, Yali, Nam Theun 2, Theun-Hinboun, Xayaburi và một số đập khác trên sông Lan Thương, thượng nguồn sông Mekong thuộc lãnh thổ Trung Quốc".

Tuyên bố nhấn mạnh: "Chúng tôi đã chứng kiến và gánh chịu những tác động nghiêm trọng do đập thủy điện gây nên. Đối với chúng tôi, những cộng đồng sống ven sông, những người trải nghiệm từng thay đổi nhỏ của mực nước sông thì không có nghi ngờ gì về việc những con đập đó sẽ gây tác hại nghiêm trọng tới các thế hệ hiện tại và tương lai. Chính vì vậy, không nên xây dựng những con đập này.

Nông dân Campuchia đánh bắt cá trên sông Sesan. Ảnh: SUTHEP


Chúng tôi thực sự lo lắng về đập thủy điện Don Sahong tại Lào khi nó dự kiến xây dựng tại khu vực được coi là tối quan trọng cho cá di cư từ thượng nguồn tới hạ nguồn của sông Mekong. Việc xây dựng đập sẽ gây giảm sụt nghiêm trọng về loài cá và lượng cá tại toàn lưu vực sông. Vị trí hiện tại của con đập đặc biệt nguy hiểm đối với các loài cá khổng lồ sinh sống tại sông Mekong và cá heo Irrawaddy.
Ngoài ra, đập thủy điện Don Sahong sẽ tác động tiêu cực tới ngành nông nghiệp và ngành thủy sản tại Đồng bằng sông Cửu Long. Bất chấp những mối nguy hại con đập này có thể gây ra, Chính phủ Lào vẫn tiếp tục ủng hộ việc xây dựng con đập này mà không lắng nghe ý kiến từ những người dân địa phương trong khu vực.

Chúng tôi chưa bao giờ nhận được các thông tin liên quan đến các đập thủy điện một cách đầy đủ, chưa bao giờ được tham vấn một cách cẩn trọng và chúng tôi cũng không có cơ hội được tham gia vào quá trình ra quyết định với các dự án này. Chúng tôi đã bị buộc phải đối mặt với các tác động không ngừng tăng lên của các dự án thủy điện. Đã đến lúc, Chính phủ các nước cần lắng nghe tiếng nói và tôn trọng quyền quyết định đối với tương lai của các dòng sông và cuộc sống của chúng tôi".

Do đó, Tuyên bố yêu cầu "tổ chức đối thoại trực tiếp giữa chính phủ các nước thuộc lưu vực Mekong và đại diện các cộng đồng thông qua các diễn đàn nhân dân: các chính phủ cần tham gia diễn đàn công khai để lắng nghe và hiểu thêm về các tác động của các đập thủy điện tới người dân. Diễn đàn này sẽ sớm được tổ chức và có sự tham gia của đại diện các cộng người dân sinh sống ở vùng hạ lưu sông Mekong".

Đồng thời, theo tuyên bố, cần tiếp tục có các nghiên cứu để các bên liên quan hiểu một cách đầy đủ về giá trị của các dòng sông, những tác động xã hội và môi trường do các dự án thủy điện gây ra. Các nghiên cứu này cần được các nhà nghiên cứu độc lập thực hiện, có sự tham gia đầy đủ của tất cả các cộng đồng bị ảnh hưởng và cần có đủ thời gian để thu thập thông tin nhằm đưa ra quyết định phù hợp về các dự án này. Nếu các nghiên cứu này đưa ra các bằng chứng về tác động tiêu cực ảnh hưởng tới các nguồn lợi của người dân, các dự án thủy điện phải ngừng xây dựng.

"Cần có các nghiên cứu và hành động khẩn cấp đối với đập thủy điện Don Sahong vì nó nằm ở vị trí rất nhạy cảm đối với nguồn cá sông Mekong. Tổn thất và tác động của dự án này cần phải được công bố đầy đủ và rộng rãi, đồng thời được các chính phủ thuộc vùng hạ lưu sông Mekong thừa nhận", bản tuyên bố viết.

Cuối cùng, bản Tuyên bố khẳng định: "Một lần nữa chúng tôi muốn nhắc lại với các chính phủ rằng: Chúng tôi, những người dân từ lưu vực sông Mekong muốn bảo vệ các dòng sông cho các thế hệ con cháu mai sau. Chính vì vậy, chúng tôi cần được tham gia vào quá trình ra quyết định ảnh hưởng tới các dòng sông này."

Bài đã đăng tại:
http://www.baocantho.com.vn/?mod=detnews&catid=63&id=171481

Thứ Tư, 18 tháng 11, 2015

Xuất khẩu rơm sang Nhật làm thức ăn chăn nuôi



Trung Chánh

Dự kiến từ vụ thu hoạch lúa đông xuân 2015-2016, những tấn rơm đầu tiên của nông trường sông Hậu sẽ xuất sang Nhật Bản. Trong ảnh là đại diện J-BIX và nông trường sông Hậu ký kết bản ghi nhớ - Ảnh: Trung Chánh


(TBKTSG Online) - Bắt đầu từ vụ thu hoạch lúa đông xuân 2015-2016, Nông trường sông Hậu sẽ xuất khẩu những tấn rơm đầu tiên sang thị trường Nhật Bản, nếu mọi việc được triển khai thuận lợi, theo ông Nguyễn Thanh Phú, Giám đốc Nông trường sông Hậu.

Trao đổi với báo chí bên lề buổi ký kết bản ghi nhớ (MOU) hợp tác giữa Nông trường sông Hậu (Cần Thơ) với Hiệp hội xuất nhập khẩu thịt bò Nhật Bản (J-BIX) được tổ chức tại Thành phố Cần Thơ hôm nay (18-11), ông Phú cho biết đây là bước đi đầu tiên trong việc triển khai hợp tác xuất khẩu rơm sang thị trường Nhật Bản và thực hiện dự án nuôi bò bằng nguồn vốn ODA của Chính phủ Nhật Bản tại Nông trường sông Hậu.

“Tuy nhiên, hai bên sẽ triển khai thực hiện xuất khẩu rơm sang Nhật trước,” ông cho biết.

Để thực hiện dự án này, tại buổi ký kết, hai bên đã thống nhất thỏa thuận là phía J-BIX sẽ cử chuyên gia sang Nông trường sông Hậu để tập huấn cho đội ngũ cán bộ ở đây về quy trình kỹ thuật để tạo ra sản phẩm. “Đồng thời, phía Nhật Bản cũng sẽ cung cấp các thiết bị công nghệ tiên tiến nhất cho nông trường để thu gom rơm và chế biến thành thức ăn cho bò để xuất khẩu sang quốc gia này,” ông Phú nói.

Theo ông Phú, nếu điều kiện thuận lợi, dự kiến từ vụ thu hoạch lúa đông xuân 2015-2016 tới, Nông trường sông Hậu sẽ xuất khẩu những tấn rơm đầu tiên sang Nhật Bản, “nhưng số lượng cụ thể bao nhiêu thì hiện vẫn chưa thể biết được.”

Trao đổi với TBKTSG Online, ông Yutaka Aoyama, Giám đốc J-BIX, cho biết hiện nhu cầu nhập khẩu rơm hàng năm của Nhật Bản là 220.000 tấn, trong đó Trung Quốc cung cấp khoảng 100.000 tấn/năm. “Tuy nhiên, hiện nay chúng tôi đã ngưng nhập khẩu rơm từ Trung Quốc vì phát hiện trong rơm có vi khuẩn nên không được phép nhập vào (Nhật Bản),” ông cho biết.

Theo ông Yutaka Aoyama, đó cũng chính là lý do J-BIX tìm nguồn cung thay thế từ Việt Nam cũng như thực hiện việc ký kết bản ghi nhờ hợp tác với Nông trường sông Hậu hôm nay, 18-11.

Theo ông Phú, việc xuất khẩu rơm sang Nhật Bản được xem là cơ hội rất lớn để gia tăng thu nhập cho nông dân của nông trường nói riêng và vùng Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) nói chung. “Thông thường, sau khi thu hoạch lúa, rơm rạ sẽ được bà con nông dân đốt bỏ gây ô nhiễm môi trường, hoặc cày vùi vào trong đất gây ngộ độc hữu cơ trên đồng ruộng, cho nên việc xuất khẩu rơm sang Nhật sẽ là cơ hội vừa giúp tăng thu nhập cho người nông dân vừa làm vệ sinh đồng ruộng, giúp mùa màng đạt hiệu quả hơn,” ông Phú cho biết.

Được biết, ngoài xuất khẩu rơm, Nông trường sông Hậu và J-BIX sẽ triển khai hợp tác thực hiện dự án chăn nuôi bò tại nông trường này bằng nguồn vốn ODA của Chính phủ Nhật Bản. Tuy nhiên, trao đổi về vấn đề này, ông Phú cho rằng trước mắt hai bên sẽ bắt tay vào xây dựng chi tiết dự án và tùy vào đó sẽ đề nghị Chính phủ Nhật hỗ trợ, chứ còn hiện nay con số cụ thể về quy mô nuôi hay vốn hỗ trợ vẫn chưa có. “Hôm nay, ký MOU chỉ về nguyên tắc chung thôi, trên cơ sở đó mới bàn bạc cụ thể để thống nhất việc thành lập dự án và trình Chính phủ Nhật Bản xem xét phê duyệt,” ông Phú thông tin.

Bài đã đăng tại:
http://mobile.thesaigontimes.vn/tinbaichitiet/138654

VietGAP thủy sản sắp được công nhận rộng rãi


Hữu Trãi


Quang cảnh hội thảo về VietGAP thủy sản chiều 17-11-2015 tại Cần Thơ - Ảnh: Hữu Trãi

(TBKTSG Online) – Cuối năm nay, tiêu chuẩn VietGAP trong ngành thủy sản sẽ tham gia chương trình Tổ chức Sáng kiến nuôi trồng thủy sản bền vững toàn cầu (gọi tắt là GSSI), một mốc quan trọng để ngành nuôi trồng thủy sản Việt Nam được quốc tế công nhận, theo ông Nguyễn Huy Điền, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thủy sản.

Phát biểu tại hội thảo “Bàn giải pháp nâng cao hiệu quả áp dụng VietGAP trong nuôi trồng thủy sản” tổ chức tại Cần Thơ chiều nay 17-11, ông Nguyễn Huy Điền cho biết Tổng cục Thủy sản đặt mục tiêu sớm thực hiện công tác hài hòa, công nhận tiêu chuẩn lẫn nhau giữa VietGAP với các tiêu chuẩn quốc tế như GlobalGAP, ASC, BAP và tham gia chương trình GSSI.

Việc làm này nhằm giảm thiểu chi phí chứng nhận cho cơ sở nuôi trồng thủy sản. Ngoài ra, việc đạt nhiều tiêu chuẩn khác nhau cũng khẳng định vai trò, vị thế của VietGAP về sản xuất thực hành nuôi trồng thủy sản tốt của Việt Nam.

“Tổ chức Lương nông Thế giới (FAO) là đơn vị chủ trì thực hiện nhiệm vụ này. FAO đã hợp đồng với GSSI xây dựng các cơ chế, quy chế và các công cụ so sánh giữa các tiêu chuẩn với nhau. Nếu không có gì thay đổi, vào cuối năm nay, FAO sẽ đưa ra công cụ hoàn chỉnh. Công cụ này sẽ là cơ sở thuận lợi cho việc so sánh giữa các tiêu chí, tiêu chuẩn thực hành nông nghiệp tốt (GAP) với nhau,” ông Điền nói.

Theo ông Điền, để đồng bộ tiêu chuẩn VietGAP với nhiều bộ tiểu chuẩn quốc tế và tham gia GSSI, Tổng cục Thủy sản đã ký biên bản ghi nhớ với tất cả các tổ chức này để lập bản đồ so sánh đối chiếu, đánh giá và công nhận hài hòa lẫn nhau.

Riêng với lĩnh vực cá tra, theo ông Võ Hùng Dũng, Tổng thư ký Hiệp hội Cá tra, do chưa hài hòa tiêu chuẩn quốc tế nên cá tra Việt Nam đang chịu sự ràng buộc của chín bộ tiêu chuẩn về nuôi trồng thủy sản bền vững quốc tế do các tổ chức phi chính phủ đặt ra mặc dù đều theo tiêu chuẩn của FAO về bảo đảm an toàn thực phẩm, bảo vệ môi trường, bảo đảm sức khỏe động vật và an sinh xã hội.

“Do vậy người nuôi cá tra gặp khó khăn trong việc định hướng áp dụng tiêu chuẩn nào có hiệu quả. Mặc khác, việc thực hiện cùng lúc các tiêu chuẩn sẽ gây tốn kém nhiều cho người nuôi,” ông Dũng nói.

Theo Tổng cục Thủy sản, từ năm 2013 đến cuối tháng 10-2015, cả nước có 75 cơ sở nuôi trồng thủy sản được chứng nhận VietGAP trên tổng diện tích hơn 686 hecta. Trong đó nhiều nhất là 42 cơ sở nuôi cá tra, diện tích 361 hecta, 23 cơ sở nuôi tôm thẻ chân trắng (233 hecta), còn lại là các cơ sở nuôi  tôm sú, cá rô phi, tôm càng xanh…

Bài đã đăng tại:
http://mobile.thesaigontimes.vn/tinbaichitiet/138583

Thứ Sáu, 13 tháng 11, 2015

KVIP được kỳ vọng giúp kinh tế ĐBSCL cất cánh



Trung Chánh



Hy vọng KVIP sẽ giúp kinh tế ĐBSCL phát triển mạnh. Trong ảnh là ông Nguyễn Minh Toại (đứng), Giám đốc Sở Công Thương thành phố Cần Thơ chủ trì cuộc họp báo - Ảnh: Trung Chánh
(TBKTSG Online) – Vườn ươm công nghệ công nghiệp Việt Nam- Hàn Quốc (Korea Vietnam Incubator Park, gọi tắt là KVIP) sẽ chính thức hoạt động từ ngày 14-11, và được kỳ vọng sẽ giúp kinh tế Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) cất cánh, nhất là ở ba lĩnh vực được ưu tiên, gồm cơ khí chế tạo máy nông nghiệp; chế biến nông sản và thủy sản.

Tại buổi họp báo cung cấp thông tin “Khánh thành vườn ươm công nghệ công nghiệp Việt Nam- Hàn Quốc tại thành phố Cần Thơ” được tổ chức tại địa phương này vào chiều nay, 12-11, ông Nguyễn Minh Toại, Giám đốc Sở Công Thương Cần Thơ, nói: “Vườn ươm này ra đời sẽ đáp ứng nhu cầu chuyển từ sản xuất thô, sang sản xuất sản phẩm có giá trị gia tăng cao hơn gấp 5-10 lần hiện nay.”

Về hình thức hỗ trợ, theo ông Toại, khi một người nào đó (phải là doanh nghiệp, nếu người có ý tưởng không phải là doanh nghiệp, thì phải đăng ký thành lập doanh nghiệp) có ý tưởng sẽ được hỗ trợ vào vườn ươm thông qua hình thức xin vào vườn ươm làm đề án thực hiện ý tưởng dưới sự hỗ trợ từ các nhà chuyên môn của KVIP.

Tuy nhiên, chỉ khi đề án được chọn thông qua một hội đồng xét tuyển thì ý tưởng đó mới nhận được hỗ trợ từ KVIP như bố trí một phòng làm việc; bố trí các chuyên gia đầu ngành hỗ trợ người có ý tưởng xây dựng quy trình thực hiện.

Một khi đã vào được vườn ươm, doanh nghiệp sẽ được đăng ký tham gia hội chợ miễn phí trong và ngoài nước, tùy theo trường hợp; được hỗ trợ đào tạo ở trong và ngoài nước; được hỗ trợ vay vốn; được miễn thuế nhập khẩu máy móc thiết bị phục vụ công tác ươm tạo tại vườn ươm.

Bên cạnh đó, doanh nghiệp có ý tưởng được chọn vào KVIP sẽ được miễn hoặc giảm tiền thuê đất; miễn hoặc giảm tiền thuế doanh nghiệp…

Theo ông Toại, các ý tưởng sẽ được thực hiện dưới sự hỗ trợ của KVIP trong thời gian là ba năm hoặc lâu hơn đối với những trường hợp đặc biệt.

Với sự hỗ trợ như vậy từ KVIP, một số nhà chuyên môn kỳ vọng kinh tế của ĐBSCL sẽ cất cánh, nhất là ở ba lĩnh vực nêu trên.

Theo Ban tổ chức cuộc họp báo, tính đến thời điểm này, đã có năm doanh nghiệp đăng ký vào vườn ươm, trong đó có ba doanh nghiệp đã được xét chọn vào, gồm hai doanh nghiệp Việt Nam và một doanh nghiệp của Hàn Quốc.

Còn theo ông Toại, KVIP sẽ tiếp nhận tất cả các doanh nghiệp có ý tưởng tốt, không phân biệt quốc gia, nhưng khả năng tiếp nhận tối đa là 40 doanh nghiệp.


Dự án vườn ươm công nghệ công nghiệp Việt Nam- Hàn Quốc (KVIP) được xây dựng từ cuối tháng 11-2013 tại khu công nghiệp Trà Nóc 2, Phường Phước Thới, Quận Ô Môn, Thành phố Cần Thơ. Dự án do Sở Công Thương thành phố Cần Thơ trực tiếp quản lý và vận hành.


KVIP được xây dựng với tổng vốn đầu tư trên 21 triệu đô la Mỹ, trong đó vốn viện trợ chính thức (ODA) không hoàn lại của Chính phủ Hàn Quốc là gần 17,7 triệu đô la Mỹ và nguồn vốn đối ứng do UBND thành phố Cần Thơ bố trí từ ngân sách hàng năm là trên 3,4 triệu đô la Mỹ.


KVIP được xây dựng trên tổng diện tích 4,5 héc ta, gồm ba khu vực chính: thứ nhất, khu nhà 4 tầng với diện tích sàn là 9.000 mét vuông, gồm văn phòng điều hành, hơn 30 phòng hỗ trợ doanh nghiệp tham gia ươm tạo và một hội trường với sức chứa 160 người; thứ hai, khu nhà thí nghiệm với diện tích sàn 4.000 mét vuông được trang bị các thiết bị hiện đại nhằm phục vụ công tác nghiên cứu thí nghiệm, kiểm tra chất lượng sản phẩm; thứ ba, khu nhà xưởng với trang thiết bị hiện đại phục vụ cho việc sản xuất thử nghiệm các sản phẩm nghiên cứu tại KVIP.


Bài đã đăng tại:

Thứ Tư, 11 tháng 11, 2015

“Chúng tôi không muốn xây đập thủy điện trên sông Mekong!”



(TBKTSG Oline) - Kết thúc “Diễn đàn nhân dân khu vực Mekong” vào cuối giờ chiều nay 11-11 tại trường Đại học An Giang, các đoàn đại biểu đại diện cộng đồng người dân địa phương và 10 tổ chức quốc tế ở Việt Nam, Thái Lan, Campuchia đã thông qua Tuyên bố chung về tác hại của các đập thủy điện trên sông Mekong gửi chính phủ các nước lưu vực Mekong.

Các đại biểu nhân dân Lào, Campuchia, Thái Lan và Việt Nam tham dự Diễn đàn nhân dân khu vực Mekong" tại An Giang.

Phải bảo vệ các dòng sông


Bản Tuyên bố có tiêu đề: “Tiếng nói của người dân: Thông điệp gửi tới chính phủ các nước thuộc lưu vực sông Mekong về đập thủy điện.”

Nội dung Tuyên bố được soạn thảo ở Thái Lan hôm 25-9-2015 tại cuộc họp các cộng đồng từ lưu vực sông Mekong thuộc ba nước này để bày tỏ quan ngại về các dự án thủy điện dòng chính Mekong trong bối cảnh chính phủ Lào khi đó vừa thông báo quyết định xây tiếp đập thủy điện Don Sahong vào cuối năm 2015.

Tuyên bố nêu rõ: “Các đập được xây dựng trên dòng chính sông Mekong và các dòng sông khác trong khu vực đã gây ra những thay đổi tới hệ sinh thái, đe dọa cuộc sống, sinh kế và kinh tế tại lưu vực sông Mekong. Những người dân tộc thiểu số, phụ nữ và trẻ em là những người bị tác động và ảnh hưởng nhiều nhất bởi những thay đổi đó. Các đập thủy điện cũng là tác nhân khiến biến đổi khí hậu ngày càng trầm trọng hơn. Những đập thủy điện gây tác động ảnh hưởng bao gồm Pak Mun, Yali, Nam Theun 2, Theun-Hinboun, Xayaburi và một số đập khác trên sông Lan Thương, thượng nguồn sông Mekong thuộc lãnh thổ Trung Quốc.”

Do đó, Tuyên bố yêu cầu “tổ chức đối thoại trực tiếp giữa chính phủ các nước thuộc lưu vực Mekong và đại diện các cộng đồng thông qua các diễn đàn nhân dân: các chính phủ cần tham gia diễn đàn công khai để lắng nghe và hiểu thêm về các tác động của các đập thủy điện tới người dân. Diễn đàn này sẽ sớm được tổ chức và có sự tham gia của đại diện các cộng người dân sinh sống ở vùng hạ lưu sông Mekong.”

Đồng thời, theo tuyên bố, cần tiếp tục có các nghiên cứu để các bên liên quan hiểu một cách đầy đủ về giá trị của các dòng sông, những tác động xã hội và môi trường do các dự án thủy điện gây ra. Các nghiên cứu này cần được các nhà nghiên cứu độc lập thực hiện, có sự tham gia đầy đủ của tất cả các cộng đồng bị ảnh hưởng và cần có đủ thời gian để thu thập thông tin nhằm đưa ra quyết định phù hợp về các dự án này. Nếu các nghiên cứu này đưa ra các bằng chứng về tác động tiêu cực ảnh hưởng tới các nguồn lợi của người dân, các dự án thủy điện phải ngừng xây dựng.

“Cần có các nghiên cứu và hành động khẩn cấp đối với đập thủy điện Don Sahong vì nó nằm ở vị trí rất nhạy cảm đối với nguồn cá sông Mekong. Tổn thất và tác động của dự án này cần phải được công bố đầy đủ và rộng rãi, đồng thời được các chính phủ thuộc vùng hạ lưu sông Mekong thừa nhận,” bản tuyên bố viết.

Cuối cùng, bản Tuyên bố khẳng định: “Một lần nữa chúng tôi muốn nhắc lại với các chính phủ rằng: Chúng tôi, những người dân từ lưu vực sông Mekong muốn bảo vệ các dòng sông cho các thế hệ con cháu mai sau. Chính vì vậy, chúng tôi cần được tham gia vào quá trình ra quyết định ảnh hưởng tới các dòng sông này.”

8.000 chữ ký


Trước đó, đại diện cộng đồng dân cư ba nước dự Diễn đàn đã chia sẻ thực tế tác hại của đập thủy điện tại địa phương của mình.

Ông Long Sochet ở tỉnh Pursat (Campuchia), nói từ khi xây đập Sesan ở Bắc Campuchia thì rừng ở đó được chủ công trình khai thác, còn dân cư phải ra đi. Ông cũng cho biết do tác động của đập Sesan và đập Xayaburi bên Lào, mực nước trên hồ Tongle Sap đã giảm 3 mét so với trước, chất lượng nước thay đổi, nguồn cá suy giảm trong khi có tới 95% người dân ở khu vực Biển Hồ sống nhờ vào nguồn cá.

“Dân ở làng nổi trên Biển Hồ vì không có sở hữu đất đai nên bị ảnh hưởng rất lớn đến đời sống,” ông nói.

Ông Chirasak Inthayod ở tỉnh Chiang Rai (Thái Lan), nói: “Người dân đã nghe chuyện xây đập thủy điện ở Trung Quốc từ 10 năm trước. Nay thì nguồn nước trên sông đã thay đổi, mực nước không bình thường, nguồn cá cũng không còn dồi dào như trước nữa.”

Ông Channarong Wongla, người dân tỉnh Loei, Đông Bắc Thái Lan, nói: “Chúng tôi đã thấy hậu quả đập của Xayaburi xây trên sông Mekong. Người dân đánh bắt cá không còn nhiều như xưa, được rất ít cá. Người dân không đủ thu nhập để đưa con em tới trường, vào học đại học. Chúng tôi muốn người dân có tiếng nói, muốn sinh viên được biết, được học về thực trạng sông Mekong hiện nay.” 

Bà Huỳnh Kim Duyên ở Cà Mau cho biết do lượng phù sa về giảm, ở U Minh, Thới Bình, Trần Văn Thời… đất sụt giảm, mất rừng, nước ngọt về ít. Nay thì mới tháng 8, tháng 9, “nước mặn đã xâm thực vào sinh kế người dân.”

Bà Duyên đề nghị: “Chính phủ (các nước) phải hạn chế thấp nhất việc xây đập trên sông Mekong vì sẽ làm ảnh hưởng đến đời con, đời cháu chúng ta. Chính phủ cần tổ chức những cuộc tham vấn với người dân trong cộng đồng về năng lượng, nguồn nước, sinh kế của người dân.”

Ông Trương Văn Khôi, đại diện cộng đồng ấp Vàm Nao, xã Tân Trung, huyện Phú Tân (An Giang) kể, xưa mùng 5 tháng 5 nước từ thượng nguồn bắt đầu đổ về mang theo phù sa đỏ đục và cá tôm nuôi sống 30% người dân trong ấp làm nghề đánh bắt cá trên sông. Nhưng từ năm 2005 đến nay, nước thấp, các loài cá suy giảm rất nhiều, đa số dân bỏ nghề, bỏ đi nơi khác.

“Có thể là do tác động từ việc xây đập thủy điện trên sông Mekong,” ông Khôi nói. 

Thay mặt đoàn cư dân địa phương Thái Lan, ông Channarong Wongla, đọc bản tuyên bố riêng của đoàn mình: “Chúng tôi đang gánh chịu hệ quả của những con đập đã xây dựng và sắp xây dựng. Chúng tôi không muốn xây đập trên sông Mekong. Chúng tôi muốn dừng xây đập. Chúng tôi muốn các bên của các chính phủ gặp trực tiếp với người dân. Chúng tôi muốn những nghiên cứu về các dự án thủy điện phải minh bạch, có tham khảo và lắng nghe ý kiến của người dân, đặc biệt với là đập Don Sahong.”

Ông Channarong Wongla còn cho biết, từ tháng 9-2015 đến hôm nay (11-11), họ đã thu thập được 6.473 chữ ký của cộng đồng người dân Thái Lan, Campuchia và Việt Nam sống ở lưu vực Mekong ủng hộ bản Tuyên bố chung công bố tại Diễn đàn này.

“Chúng tôi mong sẽ có thêm 1.500 chữ ký sau diễn đàn để có ít nhất 8.000 chữ ký đề nghị không xây đập trên sông Mekong gởi đến các chính phủ,” ông Channarong Wongla nói.

Diễn đàn đầu tiên này do Mạng lưới Sông ngòi Việt Nam, Quỹ Phục hồi sinh thái (Terra), Trung tâm Con người và Thiên nhiên (PanNature) và Đại học An Giang phối hợp tổ chức.



Một vài nét trong Tuyên bố:

Quang cảnh ra tuyên bố chung tại Diễn đàn.  Ảnh báo Lao động

"Chúng tôi đã chứng kiến và gánh chịu những tác động nghiêm trọng do đập thủy điện gây nên. Đối với chúng tôi, những cộng đồng sống ven sông, những người trải nghiệm từng thay đổi nhỏ của mực nước sông thì không có nghi ngờ gì về việc những con đập đó sẽ gây tác hại nghiêm trọng tới các thế hệ hiện tại và tương lai. Chính vì vậy, không nên xây dựng những con đập này.


Chúng tôi thực sự lo lắng về đập thủy điện Don Sahong tại Lào khi nó dự kiến xây dựng tại khu vực được coi là tối quan trọng cho cá di cư từ thượng nguồn tới hạ nguồn của sông Mekong. Việc xây dựng đập sẽ gây giảm sụt nghiêm trọng về loài cá và lượng cá tại toàn lưu vực sông. Vị trí hiện tại của con đập đặc biệt nguy hiểm đối với các loài cá khổng lồ sinh sống tại sông Mekong và cá heo Irrawaddy.


Ngoài ra, đập thủy điện Don Sahong sẽ tác động tiêu cực tới ngành nông nghiệp và ngành thủy sản tại Đồng bằng sông Cửu Long. Bất chấp những mối nguy hại con đập này có thể gây ra, Chính phủ Lào vẫn tiếp tục ủng hộ việc xây dựng con đập này mà không lắng nghe ý kiến từ những người dân địa phương trong khu vực.


Chúng tôi chưa bao giờ nhận được các thông tin liên quan đến các đập thủy điện một cách đầy đủ, chưa bao giờ được tham vấn một cách cẩn trọng và chúng tôi cũng không có cơ hội được tham gia vào quá trình ra quyết định với các dự án này. Chúng tôi đã bị buộc phải đối mặt với các tác động không ngừng tăng lên của các dự án thủy điện. Đã đến lúc, Chính phủ các nước cần lắng nghe tiếng nói và tôn trọng quyền quyết định đối với tương lai của các dòng sông và cuộc sống của chúng tôi”.


Bài đã đăng tại:
http://mobile.thesaigontimes.vn/tinbaichitiet/138343

ĐBSCL sẽ tổn thất nặng từ các đập thủy điện trên sông Mekong



(TBKTSG Online) – Các chuyên gia tham dự hội thảo “Thủy điện Mekong: khoa học, chính sách và tiếng nói cộng đồng” đã nhấn mạnh rằng Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) sẽ bị tổn thất nặng từ việc 12 con đập đã và dự kiến sẽ được xây dựng trên sông Mekong thuộc Lào và Campuchia.

Ảnh rừng tràm ngập nước ở An Giang. Ảnh H.H.


Theo các chuyên gia tại hội thảo, hệ sinh thái đất ngập nước và tính đa dạng sinh học đặc trưng của ĐBSCL sẽ suy giảm không phục hồi được nếu các đập thủy điện trên dòng chính sông Mekong tiếp tục được xây dựng. Ảnh rừng tràm ngập nước ở An Giang. Ảnh H.H.
Chiều 10-11, tại thành phố Long Xuyên (An Giang), Trung tâm Con người và Thiên nhiên (PanNature) đã tổ chức hội thảo này.

Theo PanNature, ngoài sáu đập đã được xây dựng phía thượng nguồn Mekong thuộc Trung Quốc, 10 đập dự kiến xây tiếp tại Lào và Campuchia được đánh giá sẽ gây ra những tác động nghiêm trọng đối với khu vực, đặc biệt là ĐBSCL nằm ở cuối nguồn sông Mekong.

Cũng theo PanNature, sau khi khởi công xây dựng đập thủy điện Xayaburi năm 2012, chính phủ Lào mới đây tuyên bố sẽ xây tiếp đập Don Sahong vào cuối năm nay và đang chuẩn bị cho dự án Pak Beng, dự án thủy điện thứ ba của Lào trên dòng Mekong.

“Quy trình ra quyết định về các đập dòng chính theo thủ tục tham vấn (thông báo, tham vấn và thỏa thuận trước – PNPCA) của Ủy hội sông Mekong đang bị các bên nghi vấn và chỉ trích. Quyết định đơn phương của Lào về việc xây dựng đập cho thấy tinh thần hợp tác theo Hiệp định Mekong đang bị lu mờ bởi lợi ích của quốc gia,” đại diện nhà tổ chức hội thảo PanNature nhấn mạnh.

Thiệt hại nghiêm trọng


PGS.TS Lê Anh Tuấn, Phó giám đốc Viện Nghiên cứu Biến đổi khí hậu (Đại học Cần Thơ), trong tham luận “Thủy điện Mekong và tác động tiềm ẩn lên môi trường, sinh kế và an ninh lương thực ĐBSCL,” nhấn mạnh rằng các con đập này sẽ đánh ngay vào hai trụ cột kinh tế lớn nhất vùng ĐBSCL là nông nghiệp và thủy sản. Việt Nam sẽ mất đi vai trò là nước hàng đầu trong xuất khẩu lương thực và thực phẩm trên thị trường quốc tế.

Theo ông Tuấn, người nghèo, cả ở nông thôn và thành thị, sẽ bị tổn thương nặng nhất và hiện tượng di cư sẽ diễn ra trên diện rộng. Thiệt hại do thủy điện sẽ tác động dây chuyền theo hiệu ứng domino với nhiều rủi ro chưa thể dự báo trước được, và vận hành thủy điện sẽ làm cho các biện pháp thích ứng với biến đổi khí hậu khó thực hiện và nảy sinh nhiều hệ lụy mới.

Ngoài ra, việc xây dựng thủy điện trên sông Mekong sẽ làm suy giảm gần như vĩnh viễn và không khôi phục được phần lớn hệ sinh thái đất ngập nước và tính đa dạng sinh học ở ĐBSCL, ông Tuấn cho biết.

Chỉ riêng phù sa, theo ông Tuấn, sông Mekong xếp thứ sáu trong số 10 con sông lớn trên thế giới về lượng phù sa. “Mà ĐBSCL, nơi có gần 20 triệu người sinh sống với 4 triệu hecta đất tự nhiên... lại hình thành chủ yếu nhờ sự bồi tụ phù sa từ dòng chảy sông Mekong,” ông Tuấn nói.

Dẫn nghiên cứu về mô hình hồ chứa nước - đập - nhà máy thủy điện trên dòng chính sông Mekong, ông Tuấn cho biết cống xả đáy của hệ thống này chỉ có thể tải khoảng 10-20% vật liệu tích tụ ở đáy hồ chứa gồm lớp tích tụ sạn sỏi, cát thô, bùn, cát mịn… về hạ lưu.

Riêng với nguồn thủy sản ở ĐBSCL, theo một nghiên cứu của ICEM được TS Lê Anh Tuấn trích dẫn, có tới 440.000 tấn/năm (tương đương một tỉ đô la Mỹ/năm) bị tổn thất do hệ thống đập thủy điện này.

Theo ông Jake Bruner, Trưởng đại diện Tổ chức Bảo tồn Thiên nhiên quốc tế (IUCN), chính phủ Lào sắp xây tiếp đập Don Sahong công suất 260 MW trên dòng Mekong cách biên giới Campuchia chỉ 2 km. Trong khi đó có rất nhiều chuyên gia độc lập đã kết luận rằng đập này có thể gây ra tác động nghiêm trọng đối với nguồn cá di cư. “Đối với Việt Nam, giảm sản lượng cá con sẽ đe dọa ngành xuất khẩu cá da trơn có giá trị nhiều tỉ đô la Mỹ vì loài cá này phụ thuộc nguồn thức ăn là cá trắng di cư,” ông Jake Bruner nhấn mạnh.

Đại diện Tổ chức Sông ngòi Quốc tế (IR), bà Ame Trandem, đặt vấn đề “Tại sao khoa học và chính sách lại thất bại?” và cho biết vì tất cả các đập đã, đang và sắp xây dựng tại Trung Quốc, Lào hoàn toàn không có báo cáo tham vấn trước với Ủy hội sông Mekong và cộng đồng dân cư Mekong cũng hoàn toàn thiếu thông tin.

“Đập Xayaburi đã xây dựng được 40% nhưng chưa có báo cáo tham vấn. Giờ đây chính phủ Lào đã quyết định bắt đầu xây tiếp đập Don Sahong vào cuối tháng 11 này cũng theo kịch bản đó,” bà Ame Trandem nói.

Bà Ame cho biết có hơn 100 loài cá sông Mekong di cư qua vị trí xây đập Don Sahong trong khi một công ty Malaysia thi công công trình này thừa nhận chưa biết là giải pháp vừa xây dựng vừa tìm cách giảm thiệt hại cá di cư theo kiểu “cầu thang cá” sẽ hiệu quả ra sao.

“Ai sẽ đền bù thiệt hại và ai sẽ chịu trách nhiệm cho những thiệt hại này?” bà Ame hỏi và khẳng định: “Sẽ có khoảng 40 triệu người bị ảnh hưởng từ con đập này trên dòng chính sông Mekong”.

Chia sẻ về bài học phát triển thủy điện và các chiến dịch vận động của người dân Thái Lan, bà Premrudee Daorung, đồng giám đốc Quỹ Phục hồi sinh thái (Terra), chiếu hình ảnh hàng trăm người dân kiên trì đứng trước tòa nhà Quốc hội Thái Lan để phản đối hoạt động của đập Pat Mun ở Đông bắc Thái Lan và họ đã thành công.

Bà Premrudee Daorung cũng cho biết người dân Thái Lan đang kiện lên tòa hành chính Thái Lan đối với đập Xayaburi của Lào vì Lào sẽ bán điện cho Thái Lan từ con đập này. “Quan trọng là cộng đồng người dân có được thông tin bị ảnh hưởng để phản đối và chính quyền thì không muốn xảy ra những chuyện này”, bà Premrudee Daorung nhấn mạnh như vậy và nói tiếp: “Tôi tin những phong trào chống lại các đập thủy điện như vậy sẽ ngày càng mạnh hơn”.

Ngày mai, 11-11, tại trường Đại Học An Giang, sẽ diễn ra “Diễn đàn Nhân dân khu vực Mekong” do Mạng lưới Sông ngòi Việt Nam, Quỹ Phục hồi sinh thái (Terra), PanNature và Đại học An Giang phối hợp tổ chức. Theo kế hoạch, vào cuối ngày, diễn đàn này sẽ ra “Thông điệp gửi chính phủ các nước thuộc lưu vực sông Mekong về đập thủy điện”.


Bài đã đăng tại:
http://mobile.thesaigontimes.vn/tinbaichitiet/138266