Chủ Nhật, 26 tháng 1, 2020

“Ai mua may tôi bán mai đây!”

Huỳnh Kim
Thứ Bảy,  25/1/2020, 11:29 

(TBKTSG Online)- Sáng nay Mùng Một Tết (25-1), đi thể dục về đã hơn 6 giờ sáng, vẫn thấy hai người bán dưa còn nằm ngủ vùi bên đống dưa hấu ngay ngã tư đường 30/4 – Trần Khánh Dư đối diện khu Vincom Plaza ở quận Ninh Kiều, Cần Thơ.

Trưa hôm qua, 30 Tết, những cây mai vàng không bán được bên bến Ninh Kiều cũng đã được cẩu lên xe chở về vườn. Chợt nghĩ tới lời rao “Ai mua may tôi bán mai đây!” và câu “Thiên thời, địa lợi, nhân hòa”.

Cẩu mai ế lên xe ở bến Ninh Kiều, Cần Thơ trưa Ba mươi Tết Canh Tý 2020. Ảnh: Huỳnh Kim

Tết này ở Cần Thơ, hàng trăm chậu mai vàng dội chợ phải chở về như cảnh chúng tôi chụp được ở bến Ninh Kiều (ảnh trên) hay trước cửa UBND TP Cần Thơ trưa 30 Tết. 

Phần vì giá kêu cao quá, nhiều người yêu mai không mua nổi. Phần vì không biết vì sao trước giao thừa vài bữa tự dưng mai đồng loạt nở sớm. Không kể những cây mai cổ thụ ghi giá vài trăm triệu đến bạc tỷ, nhiều chậu mai bon-sai trước cửa UBND TP Cần Thơ một tuần trước ghi giá 40 triệu đồng thì tới trưa 28 Tết hạ xuống còn... 1 triệu đồng! Những rừng mai vàng rực rỡ ở bến Ninh Kiều, hồ Xáng thổi, Hoàng Văn Thụ... vì thế đã trở thành bối cảnh... chụp ảnh ngày xuân của du khách gần xa. Nhiều người bán mai chỉ biết ngồi chống tay nhìn trời nhìn đất.

Trong khi đó, từ tối 28 đến 30 Tết, những người bán mai nhánh ở ven chợ Xuân Khánh, Ninh Kiều lại đắt hàng. Cũng là mai vàng đã nở lai rai nhưng giá hợp túi tiền người mua bình dân, từ vài chục đến hơn một trăm ngàn một nhánh. Ở đó, tối 29 Tết, tôi thấy có một cô gái cầm nhánh mai giơ cao mời khách chạy xe ngang qua với lời rao là lạ: “Ai mua may tôi bán mai... đây!”.

Cô rao hồn nhiên rồi cười tươi rói, vậy mà mớ mai bó nhánh cao nghệu ở sau lưng cô vừa đem từ Phong Điền ra hồi chiều tối đã bán hết sạch sau vài giờ.

Hai người bán dưa ngủ vùi bên đống dưa ế vào sáng Mùng Một Tết Canh Tý 2020 ở ngã ba đường 30/4 – Trần Khánh Dư (Quận Ninh Kiều, TP. Cần Thơ). Ảnh: Huỳnh Kim

Phải chăng sự may mắn không chỉ đến từ cõi hư vô mà còn đến từ một giá trị và giá cả nhất định? Chưng một nhành mai nở đúng mùng Một Tết, ai cũng thấy đó là niềm vui, may mắn cho cả năm. Người ta chấp nhận “mua” điều may mắn. Và khi người bán hàng nào biết khai thác “đúng điệu” và phù hợp thực tế cuộc sống điều này thì cái câu ông bà ta nói từ hồi xa xưa, giờ vẫn sống động trong nền kinh tế thị trường, “Mua may bán đắt”.

Viết tới đây, tôi lại nhớ tới hình ảnh và bản tin “Người bán đập nát hoa ế” đăng trên VnExpress chiều hôm qua, Ba mươi Tết. Ám ảnh hơn, vào sáng mùng Một Tết này, đọc tiếp trên Facebook của nhà thơ Ngô Vĩnh Nguyên ở Trà Vinh bài thơ ngắn “Những bông hoa bị đòn” đăng kèm một nhành mai vàng nở rộ:

Chợ tết thất thủ chiều ba mươi tết / Những bông hoa ế bị đòn giữa phố / Cây roi người chăm bón đả vào xuân.

Và thật bất ngờ trước hình ảnh giấc ngủ vùi lúc hơn 6 giờ sáng Mùng Một tết này của hai người bán dưa bên đống dưa hấu ế. Bất ngờ vì chưa thấy tết nào ở ngã ba 30/4 –  Trần Khánh Dư, một giao lộ ở trung tâm TP Cần Thơ đối diện khu Vincom Plaza sầm uất, gặp cảnh này. Mấy tết trước, ở đây vẫn có những “núi” dưa hấu nhưng tới chiều Ba mươi là cả người và dưa đều không còn. Tết này, họ ở lại mong bán thêm được trái nào hay trái đó vì những đống dưa vẫn còn đầy kia. Họ đã không được về nhà cúng ông bà đón giao thừa như nhiều nông dân, thương lái khác. Dù dưa hấu của họ chiều hôm qua, họ đã ghi lại giá 8.500 đồng/ký so với 20.000 đồng/ký hồi tuần rồi.

Nhiều người nói năm nay nhờ “thiên thời, địa lợi” nên cây trái, hoa kiểng miền Tây trúng mùa hơn năm ngoái. Chắc là vậy, những rừng mai vàng, núi dưa hấu đỏ tràn ngập phố phường Cần Thơ, thủ phủ của miền Tây Nam bộ, hòa trong ngàn vạn hương sắc hoa xuân. Chỉ tiếc là, có những món hàng tết bị dội chợ nhiều hơn những tết đã qua. Kéo theo những cảnh đời không có tết.

Ngoài chuyện “cung vượt cầu” do không tính hết theo quy luật thị trường, phải chăng câu chuyện “nhân hòa” giữa người bán và người mua trên cái nền thị trường ấy, năm nay là chưa đẹp?

Ngẫm ra câu chuyện “thuận mua vừa bán” và “mua may bán đắt” của ông bà ta xưa, vẫn sống động quá chừng ở thời nay.

Đã đăng trên: TBKTSG Online

Chuyện Thủ tướng tiếp nhận ý kiến của GS. Võ Tòng Xuân

Cập nhật ngày: 18/01/2020 09:57:11

Trong nhiều sự kiện năm 2019, hội nghị “Thủ tướng Chính phủ đối thoại với nông dân” vào ngày 10/12 tại Cần Thơ thu hút giới truyền thông ở phần kết luận khi Thủ tướng nhấn mạnh tới việc đất nước cần có một lớp nông dân đổi mới.

“Tôi nhận được thư góp ý của GS. Võ Tòng Xuân”


Trong mở đầu kết luận hội nghị này trưa hôm đó, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nói: “Tôi nhận được bức thư của GS.TS. Võ Tòng Xuân, nhà nông học của Việt Nam, vì không dự được hội nghị này đã gửi thư cho Thủ tướng đề nghị phải có tư duy đổi mới trong phát triển nông nghiệp nước ta”. Nói tới đây, Thủ tướng dừng lại, không kể tiếp về nội dung bức thư, làm cho nhiều nhà báo tò mò muốn biết GS. Xuân đã góp ý những gì.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nghe giới thiệu về sản phẩm mới của nông dân ĐBSCL bên lề hội nghị ngày 10/12/2019. Ảnh: Lê Hoàng Vũ

Tiếp đó, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh: “Từ sáng đến giờ, tôi và đại diện lãnh đạo các Bộ, ngành đã nhận được rất nhiều câu hỏi của nông dân về những vấn đề thời sự của lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn, về những vướng mắc trong quá trình sản xuất của nông dân. Trong quá trình thảo luận, chúng tôi cũng đã đối thoại trực tiếp để làm rõ các vấn đề”.

Theo Ban Tổ chức, trước hội nghị này, đã có hơn 2.000 câu hỏi của bà con nông dân cả nước, các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp, các chuyên gia... gửi đến Thủ tướng Chính phủ. Các câu hỏi tập trung vào 3 nhóm vấn đề: sản xuất kinh doanh, chế biến, tiêu thụ nông sản; vốn, đất đai, biến đổi khí hậu; môi trường, nông thôn mới, các vấn đề xã hội ở nông thôn.

Trong lúc đối thoại, có lúc Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã giơ cao điện thoại di động của mình lên, nhấn mạnh với 300 nông dân tiêu biểu trong cả nước dự hội nghị, rằng chính bà con nông dân cần tận dụng điện thoại thông minh để có thông tin mới cũng như ứng dụng công nghệ mới vào sản xuất.

Theo Thủ tướng, nông nghiệp Việt Nam đã đạt được những thành công quan trọng. Riêng với vùng đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL), dù đã xuất khẩu nông sản nhiều và đã đảm bảo được một mức lợi nhuận cho người dân, nhưng tại hội nghị này, nhiều vấn đề bất cập, tồn tại trong sản xuất nông nghiệp đã được nêu ra.

Giải đáp về thị trường, ông yêu cầu các Bộ, ngành liên quan như Bộ Công thương, Bộ Tài nguyên và môi trường, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Hội Nông dân Việt Nam cần có dự báo và cung cấp thông tin kịp thời cho nông dân trên các trang web của mình, nhất là thông tin về thị trường, về tiêu chuẩn xuất khẩu. Đặc biệt phải rà soát lại các loại thủ tục và có cơ chế hỗ trợ đối với những sản phẩm nông nghiệp chủ lực liên quan đến quy hoạch, thị trường, vốn, vật tư nông nghiệp.

Những cảnh báo về dịch bệnh, môi trường ở nông thôn là vấn đề rất lớn. Thủ tướng cho biết sắp tới sẽ có hội nghị về vấn đề môi trường ở nước ta, trong đó có vấn đề xử lý chất thải rắn, nhất là rác ở nông thôn. Khởi nghiệp cho nông dân cũng là vấn đề lớn. Thủ tướng Phúc yêu cầu sau hội nghị này, các Bộ, ngành, địa phương phải có chính sách thuận lợi, tạo điều kiện cho bà con nông dân khởi nghiệp và ứng dụng thương mại điện tử.

Liên quan tới sản xuất theo chuỗi như đề nghị của nhiều nông dân, Thủ tướng yêu cầu các địa phương, nhất là ngành nông nghiệp, phải hướng dẫn nông dân sản xuất theo chuỗi, ứng dụng công nghệ mới, đặc biệt là phát triển mạnh nông nghiệp hữu cơ, nông nghiệp sạch.

Về việc cần giảm diện tích đất trồng lúa theo đề nghị của nhiều nông dân, Thủ tướng nói: “Chúng ta đã giảm 500.000 ha đất trồng lúa và chúng ta giảm diện tích để chuyển sang các loại cây trồng, vật nuôi khác”.

Thủ tướng cũng cho biết sẽ tiếp tục xem xét yếu tố đầu vào để giảm giá thành sản phẩm và gia tăng kiểm soát chất lượng để đảm an toàn thực phẩm. Và sẽ có những thêm chủ trương rõ hơn về liên kết vùng.

Sau những giải đáp này, thông điệp cuối cùng trong kết luận hội nghị của Thủ tướng Chính phủ là cách đặt vấn đề với bà con nông dân: “Một câu hỏi lớn là nông dân phải làm gì để cùng Nhà nước thực hiện câu nói của Bác Hồ: Nông dân giàu thì nước ta giàu, nông nghiệp thịnh thì nước ta thịnh?”.

Và người đứng đầu Chính phủ đã nhấn mạnh: “Đất nước ta cần có một lớp nông dân đổi mới, không để đất đai manh mún nhỏ lẻ, để phát triển nông nghiệp. Nông dân Việt Nam cần nâng cao học vấn và kiến thức khoa học công nghệ, kiến thức về thị trường để sản xuất hiệu quả hơn. Nông dân chúng ta phải cứu mình trước khi đòi hỏi Nhà nước cứu mình bằng một tinh thần tự lực, tự cường sẵn có”.

GS. Võ Tòng Xuân đã góp ý gì với Thủ tướng?

Rời hội trường trưa hôm đó, chúng tôi đã gọi điện thoại kể lại chuyện này và hỏi GS. Võ Tòng Xuân về bức thư góp ý của ông. GS. Xuân đã gởi e-mail liền qua điện thoại nội dung bức thư. Xin trích:   

“Hầu hết các câu hỏi của nông dân gởi về hỏi Thủ Tướng đều là những vấn đề muốn Nhà nước làm cho nông dân, hiếm có ý kiến nông dân tự đề xuất việc nông dân ngày nay phải làm gì để cùng Nhà nước thực hiện câu nói của Bác Hồ: “Nông dân giàu thì nước ta giàu. Nông nghiệp ta thịnh thì nước ta thịnh”. Tôi xin đề nghị Thủ tướng yêu cầu lại nông dân cũng phải đổi mới tư duy với Đảng và Nhà nước như sau: Phát triển nông nghiệp bền vững theo chuỗi giá trị bảo đảm nâng cao lợi tức của nông dân, cần có một lớp nông dân đổi mới.

Phần lớn nông dân Việt Nam ngày nay là những người làm ăn nhỏ lẻ trên diện tích đất đai manh mún của mình, nhất là nông dân trồng lúa. Phần lớn bà con nông dân còn nghèo, hoặc rất nghèo. Suy cho cùng cái nghèo của nông dân ta một phần vì chỉ biết trồng lúa giá quá rẻ mà chi phí quá cao, một phần vì chính họ luôn luôn chỉ suy nghĩ nhỏ lẻ. Họ không thấy xa hiểu rộng, chỉ khư khư giữ lấy miếng đất nhỏ bé của mình, từ cái bờ ruộng nhỏ hẹp cũng không muốn phá đi, không chịu cùng nhau dồn điền đổi thửa để có một trang trại lớn với những kênh tưới, kênh tiêu theo đúng kỹ thuật hiện đại. Dĩ nhiên ngày nay chúng ta cũng có một số nông dân giàu, nhưng đây là những nông dân thấy xa hiểu rộng, dám nuôi, trồng những gì khác hơn cây lúa, trên diện tích lớn. Làm sao cho người nông dân nhỏ lẻ chịu thấy xa hiểu rộng để tự họ cũng sẽ làm giàu được? Đây là một thách thức lớn nhất đối với xã hội nông thôn nước ta hiện nay. Trước đây chúng ta “đổ thừa” cho Nhà nước ép dân trồng lúa, lúa và lúa; nhưng bây giờ Nhà nước đã đổi mới tư duy cho chính quyền địa phương đầu tư đa dạng hơn cây lúa, thì đến lượt nông dân nhỏ lẻ cũng phải tham gia với Nhà nước trong chiến lược mới đã được chỉ ra trong Nghị quyết 120 của Chính phủ về Phát triển bền vững ĐBSCL thích ứng với biến đổi khí hậu.

Người nông dân đổi mới mà đất nước ta cần trong thời đại này là những người nông dân, tuy diện tích đất manh mún nhưng biết tự giác thỏa thuận đứng chung nhau trong những hợp tác xã nông nghiệp kiểu mới (HTXNN KM) để tạo thành một cánh đồng lớn sẵn sàng liên kết với các nhà đầu tư lớn xây dựng vùng công nghiệp sản xuất rau quả chế biến, hoặc vùng công nghiệp thủy sản chế biến cung cấp cho thị trường trong nước và thị trường quốc tế. Với sự tổ chức hợp lý của nhà đầu tư và Nhà nước những người nông dân đổi mới này sẽ không bị mất đất, mà đất của mọi người trong HTXNN KM sẽ được phá bỏ bờ ruộng manh mún, cày xới và trang bằng thành cánh đồng lớn được phân lô ngay ngắn theo hệ thống kênh mương đúng theo kỹ thuật khoa học, có hệ thống giao thông thuận tiện cho việc chăm sóc và vận chuyển cây trồng hoặc thủy sản của bà con đến khu chế biến và bảo quản trước khi xuất kho giao cho khách hàng. Như vậy mỗi nông dân xã viên của HTXNN KM đều được chia lại diện tích (trừ tỉ lệ bỏ ra để làm kênh mương và đường giao thông) để canh tác, chăm sóc cây trồng, vật nuôi của mình dưới sự hướng dẫn của cán bộ kỹ thuật của doanh nghiệp.

Người nông dân đổi mới cộng tác trong môi trường mới này sẽ không còn lo lắng trong quá trình nuôi trồng của mình và cũng không lo bị thương lái ép giá. Mọi thứ đều có nhà doanh nghiệp đầu tư lo. Người nông dân đổi mới sẽ thật sự đổi đời, lợi tức thu nhập ổn định cao hơn. Doanh nghiệp cũng có thu nhập ổn định cao hơn, nên sẽ làm nghĩa vụ đóng góp vào GDP của địa phương tốt hơn. Tiền đề của sự thành công này là phải có sự tự giác đổi mới của nông dân. Bây giờ đã đến lúc nông dân phải tự cứu mình trước khi đòi hỏi Nhà nước cứu mình”.

Huỳnh Kim
Đã đăng trên Báo Đồng Tháp Online:

Cơm sôi bớt lửa...

Huỳnh Kim
Chủ Nhật,  19/1/2020, 15:38 

(TBKTSG) - Gần Tết, trong cái se lạnh bên ghế đá bến Ninh Kiều ở Cần Thơ, có cuộc trò chuyện giữa người cha 64 tuổi và người con trai 30 tuổi. Dường như họ nói với nhau về hạnh phúc và khổ đau.

- Qua Tết này con tính có vợ chưa? Hồi 32 tuổi ba đã gặp mẹ và 33 tuổi sanh ra con rồi đó.

- Dạ chưa ba ơi. Vì con chưa gặp người hợp tánh.

- Chín bỏ làm mười, ông bà mình nói rồi. Con tính hợp tánh tới đâu?

- Phải hiểu tánh tình nhau để biết thương yêu, nhường nhịn, chia sẻ nhau. Đừng có ép nhau quá đáng. Vì mỗi người có một cái “đồng hồ sinh học” khác nhau ba ơi.

- Là sao?

- Thí dụ như ba thích nhậu nhiều, con thì không. Ba thích mặc áo màu đỏ, con thích màu xanh. Hay ba mẹ thích tới ngày sinh nhật con cái phải nhắn tin chúc mừng trước khi tặng quà dù ở chung nhà, còn con thì không thích nhắn tin như vậy. Nếu hiểu mỗi người có cái “đồng hồ sinh học” đó, sẽ không ép nhau, sẽ dễ sống với nhau hơn. Con thấy nhiều người hay cãi nhau, giận nhau không đáng vì sự ích kỷ này.

- Con cho đó là ích kỷ sao? Đó là cá tánh mỗi người, là cái tôi riêng của mỗi người đó con.

- Theo con, đây rốt cuộc là ranh giới của ích kỷ và vị tha trong thái độ ứng xử của con người. Nói đó là cái tôi cũng phải. Nhưng con có đọc được chuyện người xưa đã nói nhiều về cái tôi đáng yêu và cái tôi đáng ghét.

- Cái tôi đáng ghét là sao?

- Có một bài báo cũ con vẫn lưu trên điện thoại đây. Kể chuyện ông triết gia người Pháp, Blaise Pascal (1623-1662), đã nói thẳng: “Cái tôi là cái đáng ghét”. Do tự ái và tưởng tượng, người ta thường cho mình là “cái rốn của vũ trụ”. Vì vậy, cuộc đời của nhiều người chỉ là một ảo tưởng liên tục; vì ảo tưởng, người ta lừa dối nhau và tâng bốc nhau. Cũng vì cái tôi, người ta ích kỷ, chỉ nghĩ đến quyền lợi của mình trước hết. Và cũng vì cái tôi dễ theo khuynh hướng tự do của bản năng, thích nổi loạn, bất tuân quy luật trật tự cho nên con người luôn phải canh chừng cái tôi, để uốn nắn, điều chỉnh, hướng dẫn nó khỏi đi chệch đường. Cũng bài báo này kể ông Thalès de Milet (624-545 TCN), triết gia Hy Lạp cổ, cho rằng: “Công việc khó khăn nhất là nhận biết chính mình”. Chính những cái gần ta nhất lại là cái khó thấy nhất, như lông mày, lông mi ở trước mắt ta. Cũng vậy, cái tôi khó nhận biết vì có quá nhiều lớp vỏ bao bọc như nghề nghiệp, chức quyền, tiền tài, của cải, nhất là ảo tưởng về chính mình; và nó còn được nuôi dưỡng bằng tự ái, tự mãn, mặc cảm nữa. Ba thấy có trúng không?

- Có phải vì vậy mà trong cuộc sống ngày nay, ba thấy chuyện ly thân, ly dị, chuyện người thân trong gia đình, bạn bè chia rẽ nhau xảy ra nhiều hơn so với xã hội ngày xưa thời của ông bà nội con?

- Mới đây con có nghe một chuyên gia giải đáp điều này trên ti vi và con thấy thấm thía. Bà ấy nói: “Là vì cuộc sống càng phát triển thì cái tôi của mỗi người càng lớn ra. Mà cái tôi là cái đáng ghét”. Bà chuyên gia này còn nói nhiều người trẻ quên rằng yêu nhau chủ yếu là chuyện giữa hai người còn vợ chồng là chuyện của hai người + hai gia đình + luật pháp. Cho nên khi hai vợ chồng để bùng phát cái tôi đáng ghét lên thì lại đụng tiếp tới bao mối quan hệ khác phải giải quyết. Bả còn nói cái tôi đáng ghét ấy đang phình to hơn trong môi trường mạng xã hội đang phát triển nóng.

- Ba không rành vụ này vì ba không biết xài điện thoại thông minh, không chơi “phây” gì đó như con. Chỉ nghe nói mạng xã hội tai hại quá.

- Không đâu ba. Mạng xã hội đang giúp cho mọi người trên thế giới kết nối với nhau dễ dàng để chia sẻ bao điều trong cuộc sống và giúp nâng cao hiểu biết rất hay. Nhưng chỉ vì không biết làm chủ mình, nên mạng xã hội mới thành miếng đất tốt để phô trương cái tôi đáng ghét này. Con chơi Facebook nhưng con không thích nhận xét hay bình luận, suy diễn lung tung trước bất kỳ thông tin gì con chưa kịp hiểu.

- Ngay ở quận Ninh Kiều này, ba thấy có gia đình, những dịp lễ Tết con cháu lại không chịu về quê thăm ông bà cha mẹ của mình, nói chỉ vì bận việc riêng. Có nhà, tới bữa, phải gọi điện thoại cho con cháu ở trên lầu xuống nhà dưới ăn cơm. Có nhà, hai vợ chồng trẻ chia tay chỉ vì không chịu chiều chuộng nhau. Cũng ở Cần Thơ, chỉ vì tranh chấp một thước đất, một cái chái nhà mà bà con ruột thịt trong một gia đình ngày nào còn thương yêu gắn bó với nhau, giờ thành chia rẽ, không nhìn mặt nhau. Thiệt là buồn. Cái gốc những chuyện này, ba nghĩ lại, cũng đi từ cái tôi đáng ghét như con nói.

- Cho nên con chỉ mong, đã thành vợ chồng, thì đừng để cho cái tôi đáng ghét đàn áp cái tôi đáng yêu mà dẫn đến đổ vỡ tất cả. Con vẫn biết, nếu không còn tôn trọng nhau thực sự thì nên chia tay chớ đừng ràng buộc làm khổ nhau. Nhưng với văn hóa Việt Nam mình, gia đình là tổ ấm. Gia đình bể thì thường dẫn tới đổ bể bao điều khác. Khi đó, cái tôi đáng ghét ấy không đem lại bình an cho chính mình và cũng không tạo ra tình thương cho nhau.

- Con làm ba nhớ tới cái câu: “Cơm sôi bớt lửa chẳng đời nào khê” mà bà nội con ngày xưa hay nhắc. Té ra, Tây hay Đông, xưa nay những người thông thái đã nói rồi. Xử sự với nhau trong xã hội, nhất là giữa những người thân trong gia đình, phải hết sức coi trọng chuyện này. Khác nào như chuyện nấu cơm. Khi cơm đã sôi thì nên bớt lửa để khỏi bị khê. Và bớt lửa thế nào để không bị khê mà cũng không bị sống là suốt một đời trải nghiệm. Ba hiểu rằng “lửa” ở đây, như là sự tồn tại mong manh giữa “cái tôi đáng yêu” và “cái tôi đáng ghét”. Còn “cơm” trong chuyện này, chính là hạnh phúc gia đình.

- Câu “cơm sôi bớt lửa chẳng đời nào khê” con thấy hay à nghen. Để con suy nghĩ tiếp. Mà ba thấy nấu cơm điện bây giờ, công nghệ mới người ta đã cài đặt tự động hết rồi, cơm chín ngon lành vẫn không sống không khê. Dường như hạnh phúc và khổ đau của con người ta nó cũng nằm trong cái nồi cơm điện đó.

Đã đăng trên TBKTSG Online: