Chủ Nhật, 26 tháng 1, 2020

Chuyện Thủ tướng tiếp nhận ý kiến của GS. Võ Tòng Xuân

Cập nhật ngày: 18/01/2020 09:57:11

Trong nhiều sự kiện năm 2019, hội nghị “Thủ tướng Chính phủ đối thoại với nông dân” vào ngày 10/12 tại Cần Thơ thu hút giới truyền thông ở phần kết luận khi Thủ tướng nhấn mạnh tới việc đất nước cần có một lớp nông dân đổi mới.

“Tôi nhận được thư góp ý của GS. Võ Tòng Xuân”


Trong mở đầu kết luận hội nghị này trưa hôm đó, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nói: “Tôi nhận được bức thư của GS.TS. Võ Tòng Xuân, nhà nông học của Việt Nam, vì không dự được hội nghị này đã gửi thư cho Thủ tướng đề nghị phải có tư duy đổi mới trong phát triển nông nghiệp nước ta”. Nói tới đây, Thủ tướng dừng lại, không kể tiếp về nội dung bức thư, làm cho nhiều nhà báo tò mò muốn biết GS. Xuân đã góp ý những gì.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nghe giới thiệu về sản phẩm mới của nông dân ĐBSCL bên lề hội nghị ngày 10/12/2019. Ảnh: Lê Hoàng Vũ

Tiếp đó, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh: “Từ sáng đến giờ, tôi và đại diện lãnh đạo các Bộ, ngành đã nhận được rất nhiều câu hỏi của nông dân về những vấn đề thời sự của lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn, về những vướng mắc trong quá trình sản xuất của nông dân. Trong quá trình thảo luận, chúng tôi cũng đã đối thoại trực tiếp để làm rõ các vấn đề”.

Theo Ban Tổ chức, trước hội nghị này, đã có hơn 2.000 câu hỏi của bà con nông dân cả nước, các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp, các chuyên gia... gửi đến Thủ tướng Chính phủ. Các câu hỏi tập trung vào 3 nhóm vấn đề: sản xuất kinh doanh, chế biến, tiêu thụ nông sản; vốn, đất đai, biến đổi khí hậu; môi trường, nông thôn mới, các vấn đề xã hội ở nông thôn.

Trong lúc đối thoại, có lúc Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã giơ cao điện thoại di động của mình lên, nhấn mạnh với 300 nông dân tiêu biểu trong cả nước dự hội nghị, rằng chính bà con nông dân cần tận dụng điện thoại thông minh để có thông tin mới cũng như ứng dụng công nghệ mới vào sản xuất.

Theo Thủ tướng, nông nghiệp Việt Nam đã đạt được những thành công quan trọng. Riêng với vùng đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL), dù đã xuất khẩu nông sản nhiều và đã đảm bảo được một mức lợi nhuận cho người dân, nhưng tại hội nghị này, nhiều vấn đề bất cập, tồn tại trong sản xuất nông nghiệp đã được nêu ra.

Giải đáp về thị trường, ông yêu cầu các Bộ, ngành liên quan như Bộ Công thương, Bộ Tài nguyên và môi trường, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Hội Nông dân Việt Nam cần có dự báo và cung cấp thông tin kịp thời cho nông dân trên các trang web của mình, nhất là thông tin về thị trường, về tiêu chuẩn xuất khẩu. Đặc biệt phải rà soát lại các loại thủ tục và có cơ chế hỗ trợ đối với những sản phẩm nông nghiệp chủ lực liên quan đến quy hoạch, thị trường, vốn, vật tư nông nghiệp.

Những cảnh báo về dịch bệnh, môi trường ở nông thôn là vấn đề rất lớn. Thủ tướng cho biết sắp tới sẽ có hội nghị về vấn đề môi trường ở nước ta, trong đó có vấn đề xử lý chất thải rắn, nhất là rác ở nông thôn. Khởi nghiệp cho nông dân cũng là vấn đề lớn. Thủ tướng Phúc yêu cầu sau hội nghị này, các Bộ, ngành, địa phương phải có chính sách thuận lợi, tạo điều kiện cho bà con nông dân khởi nghiệp và ứng dụng thương mại điện tử.

Liên quan tới sản xuất theo chuỗi như đề nghị của nhiều nông dân, Thủ tướng yêu cầu các địa phương, nhất là ngành nông nghiệp, phải hướng dẫn nông dân sản xuất theo chuỗi, ứng dụng công nghệ mới, đặc biệt là phát triển mạnh nông nghiệp hữu cơ, nông nghiệp sạch.

Về việc cần giảm diện tích đất trồng lúa theo đề nghị của nhiều nông dân, Thủ tướng nói: “Chúng ta đã giảm 500.000 ha đất trồng lúa và chúng ta giảm diện tích để chuyển sang các loại cây trồng, vật nuôi khác”.

Thủ tướng cũng cho biết sẽ tiếp tục xem xét yếu tố đầu vào để giảm giá thành sản phẩm và gia tăng kiểm soát chất lượng để đảm an toàn thực phẩm. Và sẽ có những thêm chủ trương rõ hơn về liên kết vùng.

Sau những giải đáp này, thông điệp cuối cùng trong kết luận hội nghị của Thủ tướng Chính phủ là cách đặt vấn đề với bà con nông dân: “Một câu hỏi lớn là nông dân phải làm gì để cùng Nhà nước thực hiện câu nói của Bác Hồ: Nông dân giàu thì nước ta giàu, nông nghiệp thịnh thì nước ta thịnh?”.

Và người đứng đầu Chính phủ đã nhấn mạnh: “Đất nước ta cần có một lớp nông dân đổi mới, không để đất đai manh mún nhỏ lẻ, để phát triển nông nghiệp. Nông dân Việt Nam cần nâng cao học vấn và kiến thức khoa học công nghệ, kiến thức về thị trường để sản xuất hiệu quả hơn. Nông dân chúng ta phải cứu mình trước khi đòi hỏi Nhà nước cứu mình bằng một tinh thần tự lực, tự cường sẵn có”.

GS. Võ Tòng Xuân đã góp ý gì với Thủ tướng?

Rời hội trường trưa hôm đó, chúng tôi đã gọi điện thoại kể lại chuyện này và hỏi GS. Võ Tòng Xuân về bức thư góp ý của ông. GS. Xuân đã gởi e-mail liền qua điện thoại nội dung bức thư. Xin trích:   

“Hầu hết các câu hỏi của nông dân gởi về hỏi Thủ Tướng đều là những vấn đề muốn Nhà nước làm cho nông dân, hiếm có ý kiến nông dân tự đề xuất việc nông dân ngày nay phải làm gì để cùng Nhà nước thực hiện câu nói của Bác Hồ: “Nông dân giàu thì nước ta giàu. Nông nghiệp ta thịnh thì nước ta thịnh”. Tôi xin đề nghị Thủ tướng yêu cầu lại nông dân cũng phải đổi mới tư duy với Đảng và Nhà nước như sau: Phát triển nông nghiệp bền vững theo chuỗi giá trị bảo đảm nâng cao lợi tức của nông dân, cần có một lớp nông dân đổi mới.

Phần lớn nông dân Việt Nam ngày nay là những người làm ăn nhỏ lẻ trên diện tích đất đai manh mún của mình, nhất là nông dân trồng lúa. Phần lớn bà con nông dân còn nghèo, hoặc rất nghèo. Suy cho cùng cái nghèo của nông dân ta một phần vì chỉ biết trồng lúa giá quá rẻ mà chi phí quá cao, một phần vì chính họ luôn luôn chỉ suy nghĩ nhỏ lẻ. Họ không thấy xa hiểu rộng, chỉ khư khư giữ lấy miếng đất nhỏ bé của mình, từ cái bờ ruộng nhỏ hẹp cũng không muốn phá đi, không chịu cùng nhau dồn điền đổi thửa để có một trang trại lớn với những kênh tưới, kênh tiêu theo đúng kỹ thuật hiện đại. Dĩ nhiên ngày nay chúng ta cũng có một số nông dân giàu, nhưng đây là những nông dân thấy xa hiểu rộng, dám nuôi, trồng những gì khác hơn cây lúa, trên diện tích lớn. Làm sao cho người nông dân nhỏ lẻ chịu thấy xa hiểu rộng để tự họ cũng sẽ làm giàu được? Đây là một thách thức lớn nhất đối với xã hội nông thôn nước ta hiện nay. Trước đây chúng ta “đổ thừa” cho Nhà nước ép dân trồng lúa, lúa và lúa; nhưng bây giờ Nhà nước đã đổi mới tư duy cho chính quyền địa phương đầu tư đa dạng hơn cây lúa, thì đến lượt nông dân nhỏ lẻ cũng phải tham gia với Nhà nước trong chiến lược mới đã được chỉ ra trong Nghị quyết 120 của Chính phủ về Phát triển bền vững ĐBSCL thích ứng với biến đổi khí hậu.

Người nông dân đổi mới mà đất nước ta cần trong thời đại này là những người nông dân, tuy diện tích đất manh mún nhưng biết tự giác thỏa thuận đứng chung nhau trong những hợp tác xã nông nghiệp kiểu mới (HTXNN KM) để tạo thành một cánh đồng lớn sẵn sàng liên kết với các nhà đầu tư lớn xây dựng vùng công nghiệp sản xuất rau quả chế biến, hoặc vùng công nghiệp thủy sản chế biến cung cấp cho thị trường trong nước và thị trường quốc tế. Với sự tổ chức hợp lý của nhà đầu tư và Nhà nước những người nông dân đổi mới này sẽ không bị mất đất, mà đất của mọi người trong HTXNN KM sẽ được phá bỏ bờ ruộng manh mún, cày xới và trang bằng thành cánh đồng lớn được phân lô ngay ngắn theo hệ thống kênh mương đúng theo kỹ thuật khoa học, có hệ thống giao thông thuận tiện cho việc chăm sóc và vận chuyển cây trồng hoặc thủy sản của bà con đến khu chế biến và bảo quản trước khi xuất kho giao cho khách hàng. Như vậy mỗi nông dân xã viên của HTXNN KM đều được chia lại diện tích (trừ tỉ lệ bỏ ra để làm kênh mương và đường giao thông) để canh tác, chăm sóc cây trồng, vật nuôi của mình dưới sự hướng dẫn của cán bộ kỹ thuật của doanh nghiệp.

Người nông dân đổi mới cộng tác trong môi trường mới này sẽ không còn lo lắng trong quá trình nuôi trồng của mình và cũng không lo bị thương lái ép giá. Mọi thứ đều có nhà doanh nghiệp đầu tư lo. Người nông dân đổi mới sẽ thật sự đổi đời, lợi tức thu nhập ổn định cao hơn. Doanh nghiệp cũng có thu nhập ổn định cao hơn, nên sẽ làm nghĩa vụ đóng góp vào GDP của địa phương tốt hơn. Tiền đề của sự thành công này là phải có sự tự giác đổi mới của nông dân. Bây giờ đã đến lúc nông dân phải tự cứu mình trước khi đòi hỏi Nhà nước cứu mình”.

Huỳnh Kim
Đã đăng trên Báo Đồng Tháp Online:

Không có nhận xét nào: