Huỳnh Kim
|
Tại buổi họp về liên
kết phát triển tiểu vùng Tứ giác Long Xuyên ở Cần Thơ ngày 17-10. Ảnh: Huỳnh Kim |
(TBKTSG
Online) - Lãnh đạo 3 tỉnh An Giang, Kiên Giang, Hậu Giang và thành phố Cần Thơ đã
thống nhất 7 lĩnh vực liên kết phát triển bền vững tiểu vùng Tứ giác Long Xuyên
(TGLX) sau cuộc họp của Ban điều hành đề án này vào sáng nay, 17-10, tại Cần
Thơ. Đề án này có thể được Tổ chức Bảo tồn thiên nhiên quốc tế (International
Union For Conservation Of Nature - IUCN) tài trợ nguồn vốn lên tới 150 triệu đô
la Mỹ.
Ông
Lâm Quang Thi, Phó chủ tịch UBND tỉnh An Giang, Phó ban thường trực đề án Liên
kết phát triển bền vững tiểu vùng TGLX, cho biết trong tháng 10 này, sẽ báo cáo
Bộ Kế hoạch và Đầu tư để trình Thủ tướng Chính phủ duyệt đề án vào tháng
12-2017.
Theo
ông Thi, bảy lĩnh vực mà tiểu vùng TGLX cần liên kết để phát triển tới năm 2030
là quy hoạch, kế hoạch; sản xuất và xúc tiến thương mại nông nghiệp, thủy sản;
du lịch; quản lý nguồn nước, bảo vệ môi trường thích ứng với biến đổi khí hậu
(BĐKH); thu hút đầu tư; thiết lập hệ thống thông tin vùng; và xây dựng thể chế
chính sách.
Theo
đề án này, TGLX là vùng sản xuất nông nghiệp quan trọng của đồng bằng sông Cửu
Long (ĐBSCL) và cả nước, nằm ở hữu ngạn sông Hậu, một trong hai nhánh chính của
hệ thống sông Cửu Long thuộc 3 tỉnh An Giang, Kiên Giang, Hậu Giang và thành phố
Cần Thơ, rộng hơn 500.000 ha. Vùng này sản xuất chủ yếu là lúa, gạo và cá với tổng
sản lượng lúa gạo khoảng 5 triệu tấn/năm.
Đây
là vùng trũng tự nhiên ở đầu nguồn ĐBSCL, cùng với Đồng Tháp Mười ở tả ngạn
sông Tiền, TGLX có chức năng điều tiết thủy văn cho BBSCL. Vào mùa lũ, vùng này
ngập tự nhiên đến 3 mét, hấp thu khối lượng lớn nước lũ, phù sa, tài nguyên thủy
sản, giúp giảm ngập lụt cho các vùng hạ lưu. Đến mùa khô, nước lũ trong vùng
trũng này bổ sung cho dòng chảy giúp cân bằng ranh giới mặn - ngọt cho các tỉnh
ven biển.
Sáng
kiến liên kết tiểu vùng TGLX nhằm thực hiện Quyết định số 593/QĐ-TTg ngày
26-4-2016 của Thủ tướng Chính phủ về việc ban hành Quy chế thí điểm liên kết
phát triển kinh tế - xã hội vùng ĐBSCL giai đoạn 2016-2020.
Theo
thạc sĩ Nguyễn Hữu Thiện, chuyên gia độc lập về sinh thái ĐBSCL, cố vấn chuyên
môn của ban điều hành đề án này, lâu nay bốn tỉnh trong tiểu vùng TGLX đều theo
đuổi mục tiêu phát triển kinh tế-xã hội riêng lẻ. Điều này đã tạo ra nhiều chồng
chéo và mâu thuẫn, không phát huy được sức mạnh chung, trùng lặp về sản phẩm,
thiếu kết nối về cơ sở hạ tầng, nguồn lực…
Ông
Thiện nhấn mạnh, chỉ riêng với chuỗi giá trị ngành hàng, do thiếu hợp tác nên
thị trường và giá cả nông sản vùng này luôn bấp bênh, mất cân đối về cung-cầu.
“Mức độ tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu của sản phẩm nông nghiệp, nhất là gạo,
cá tra, rau màu và một số sản phẩm trồng trọt, chăn nuôi khác của vùng còn hạn
chế; đầu ra chủ yếu là bán sản phẩm thô; khả năng cạnh tranh của nông sản kém
và chưa có thương hiệu”, ông Thiện nói.
Theo
đề án, tiểu vùng TGLX có liên quan chặt chẽ với nhau về môi trường - kinh tế -
xã hội cho nên đây cũng là là ba cột trụ chính cho phát triển bền vững khi thực
hiện các chương trình liên kết cho tiểu vùng này, nhất là với tác động của biến
đổi khí hậu, thủy điện Mê kông, thâm canh lúa, sụt lún đất đang diễn ra phức tạp
ở ĐBSCL.
Do
vậy, mục đích cuối cùng của đề án là nhằm xây dựng tiểu vùng TGLX phồn thịnh,
nâng cao chất lượng sống của người dân, phát triển bền vững thông qua liên kết
hợp tác, điều phối tốt giữa các địa phương trong tiểu vùng trong các lĩnh vực
liên kết được xác định.
Việc
liên kết này vừa bổ sung những khiếm khuyết do điều kiên tự nhiên đặc thù, gia
tăng hiệu quả kinh tế theo quy mô, liên kết giữa các địa phương sẽ hình thành
vùng trọng điểm sản xuất nông nghiệp hiện đại, công nghiệp và dịch vụ phát triển
nhanh, đảm bảo sự quản lý thống nhất toàn vùng đồng bộ, hiệu quả, ứng phó biến
đổi khí hậu, phát huy tối đa tiềm năng, lợi thế của cả vùng, của mỗi địa phương
trong vùng.
Cuối
buổi làm việc vào sáng nay, ông Lâm Quang Thi đề nghị Tổ chức Bảo tồn thiên
nhiên quốc tế (International Union For Conservation Of Nature - IUCN) vận động
Quỹ Khí hậu Xanh (Green Climate Fund – GCF - thuộc Liên hiệp quốc) tài trợ nguồn
vốn thực hiện đề án này, trị giá 150 triệu đô la Mỹ.
Tiến
sĩ Andrew Benedict Wyatt, Quản lý Chương trình ĐBSCL – (Mekong Delta Programme
Manager - thuộc IUCN), cho biết 7 lĩnh vực của đề án này phù hợp với mục tiêu
hoạt động của IUCN và GCF trong các chương trình khung của Liên hiệp quốc liên
quan tới sản xuất, đời sống, bảo tồn rừng, sức khỏe, nguồn nước, cơ sở hạ tầng…
thích ứng với BĐKH nên dễ được IUCN tài trợ.
“IUCN dự kiến sẽ có được 100-150 triệu đô la Mỹ
tài trợ cho đề án sau khi đề án được chính phủ thông qua”, ông Andrew Benedict
Wyatt nói.
Nội dung liên kết về sản xuất
và xúc tiến thương mại nông nghiệp, thủy sản ở vùng TGLX
- Xác định sản phẩm nông
nghiệp chủ lực của vùng (lúa gạo, thủy sản, trái cây, rau màu) và xác định các
sản phẩm chủ lực của từng tiểu vùng theo quy hoạch.
- Tổ chức sản xuất mặt
hàng chủ lực của tiểu vùng theo hướng phù hợp với nhu cầu, thị hiếu thị trường,
người tiêu dùng, đáp ứng yêu cầu của thị trường trong nước và xuất khẩu, gắn với
Chiến lược xuất nhập khẩu hàng hóa thời kỳ 2011-2020, định hướng đến năm 2030;
Chiến lược phát triển thị trường xuất khẩu gạo của Việt Nam giai đoạn
2017-2020, định hướng đến năm 2030; Đề án phát triển thị trường khu vực thời kỳ
2015-2020, tầm nhìn đến năm 2030 và Đề án phát triển thương hiệu gạo Việt Nam đến
năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030.
- Đẩy mạnh kết nối cung cầu
giữa các tỉnh trong tiểu vùng và giữa tiểu vùng với các tỉnh khác nhất là các tỉnh,
thành phố có thị trường tiêu thụ rộng lớn như TPHCM, Đà nẵng, Hà Nôi… nhằm đẩy
mạnh sự hợp tác liên kết giữa các doanh nghiệp sản xuất chế biến, kinh doanh,
phân phối mặt hàng nông thủy sản trong vùng và tiểu vùng, cũng như trên địa bản
tỉnh.
- Xây dựng quy trình chuẩn
trong sản xuất nông sản sạch.
- Xây dựng bộ tiêu chí chất
lượng sản phẩm (hoặc sử dụng các tiêu chí có sẵn như VietGAP, GlobalGAP…) để đảm
bảo sức khỏe người tiêu dùng và tiếp cận được tới các thị trường cao cấp.
- Xây dựng các chương
trình hợp tác quốc tế với các nước tiên tiến như Nhật Bản, Mỹ để đào tạo nhân lực
nông nghiệp và ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất nông nghiệp sạch.
- Xây dựng thương hiệu Tứ
giác Long Xuyên chung cho các sản phẩm nông nghiệp được thị trường trong nước
và quốc tế chấp nhận và tin tưởng là sản phẩm sạch, chất lượng và an toàn.
- Thành lập các cơ quan,
cơ chế giám sát, kiểm tra chất lượng, cấp mã số cho các sản phẩm mang thương hiệu
Tứ giác Long Xuyên.
- Tổ chức nghiên cứu thị
trường cho các sản phẩm chủ lực của vùng; xây dựng chương trình xúc tiến thương
mại, xâm nhập thị trường cho các sản phẩm chủ lực của vùng.
- Thành lập các văn phòng
đại diện và chợ đầu mối tiêu thụ và quảng bá thương hiệu nông sản mang nhãn hiệu
Tứ giác Long Xuyên tại các trung tâm đô thị lớn trong nội vùng Tứ giác Long
Xuyên như Long Xuyên, Rạch Giá, Vị Thanh và các đô thị lớn như Cần Thơ, TPHCM,
dần dần mở rộng tới các đô thị lớn khác trong cả nước và các thị trường quốc tế.
- Tiến hành các chương
trình quảng cáo sản phẩm sạch mang thương hiệu Tứ giác Long Xuyên trên các
phương tiện truyền thông đại chúng trong nước và quốc tế.
- Thành lập các Hiệp hội doanh nghiệp, Hiệp hội ngành hàng; sắp xếp, kiện
toàn các Hiệp hội doanh nghiệp hiện có cho các sản phẩm chủ lực của vùng để đại diện cho nhà sản xuất và có đủ sức mạnh trong việc đàm phán kinh doanh với đối
tác; đồng thời phát huy vai trò kiến nghị cơ chế chính sách đối với Nhà nước.
* Đã đăng TBKTSG Online 17-10-2-17
http://mobile.thesaigontimes.vn/tinbaichitiet/165662
* Và tại SaigonTimes Daily 18-10-2017
http://english.thesaigontimes.vn/56637/Long-Xuyen-Quadrangle-localities-pledge-tighter-cooperation.html