Đại biểu tham quan các gian hàng du lịch địa phương tại Hội nghị về du lịch ở Cần Thơ ngày 25-10. Ảnh: Huỳnh Kim |
(TBKTSG Online) - Phát biểu tại Hội nghị “Thu hút đầu tư hạ tầng - nền tảng phát triển du lịch đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL)” do Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam, chi nhánh Cần Thơ (VCCI Cần Thơ) và các Trung tâm xúc tiến Thương mại Đầu tư và du lịch 13 tỉnh, thành vùng ĐBSCL tổ chức tại Cần Thơ ngày 25-10, ông Phạm Thế Triều, Phó chủ tịch Hiệp hội Du lịch ĐBSCL nhấn mạnh rằng dịch vụ du lịch vùng này như mảnh đất hoang đang chờ các nhà đầu tư khai phá.
“Nhưng hiện nay, ĐBSCL mới chỉ có khoảng 60 khách sạn 3-5 sao với hơn 8.000 phòng, tập trung chủ yếu ở Phú Quốc và Cần Thơ. So với quy hoạch, cơ sở lưu trú thiếu trầm trọng, khu vui chơi giải trí lớn chỉ có hai địa điểm là Vinpearl Phú Quốc và Nhà Mát - Bạc Liêu, chưa có điểm dừng chân lớn, chưa có trung tâm ẩm thực kết hợp giải trí tổng hợp và trung tâm mua sắm qui mô lớn thu hút du khách”, ông Triều nói.
Chia sẻ quan điểm này, ông Phan Đình Huê, Giám đốc Công ty Dịch vụ du lịch Vòng tròn Việt, chuyên gia về tư vấn phát triển du lịch, phân tích thêm về hạ tầng du lịch ĐBSCL. Theo ông Huê, sân bay Cần Thơ vẫn chưa kết nối với các nước trong khu vực, trong khi sân bay Cà Mau thì vẫn đóng cửa mà khách lại rất cần bay đến Hà Nội và TPHCM. Đường bộ thì chưa có cao tốc Cần Thơ – PhnômPênh (Campuchia); đường nối Cà Mau – Rạch Giá – Hà Tiên thì không tốt. Đường thủy thì thiếu cảng sông cho du thuyền; chưa có quy hoạch khu lưu trú ban đêm cho du thuyền có phòng ngủ; cảng biển thì không có nơi đón du thuyền.
“Như vậy, để nối ĐBSCL với các nước trong khu vực, xây dựng tam giác du lịch Cần Thơ – PhnômPênh – Sài Gòn và phát triển du lịch thuyền trên sông – biển thì ĐBSCL còn phải đầu tư nhiều về giao thông vận tải”, ông Huê nói.
Trao đổi với TBKTSG Online, ông Nguyễn Phương Lam, Phó giám đốc VCCI Cần Thơ, xác nhận hạ tầng du lịch ĐBSCL rất yếu, cả hạ tầng kỹ thuật lẫn dịch vụ cung ứng, trong khi du lịch được hầu hết các tỉnh trong vùng đưa vào chiến lược phát triển là ngành kinh tế mũi nhọn. “ĐBSCL đang thiếu điều kiện tốt và an toàn ở những điểm đến; lại có ít nơi mua sắm, giải trí để thu giá trị gia tăng trong khi ta có nhiều cảnh quan đẹp và sản phẩm đặc trưng ấn tượng. Về dịch vụ, hầu như còn tự phát vì tính dễ dãi của các địa phương. Vì thế cần hệ thống đào tạo dịch vụ đúng đắn cho ngành du lịch thì mới mong du lịch ĐBSCL thay đổi được”, ông Lam nói.
Tại hội nghị này, các tỉnh thành vùng ĐBSCL đã giới thiệu với các nhà đầu tư trong và ngoài nước 33 dự án mời gọi đầu tư thuộc nhóm bất động sản và du lịch với tổng vốn gần 7.800 tỉ đồng và 45 dự án khác liên quan tới nông nghiệp, công nghiệp, chế biến, chế tạo, hạ tầng logistic với tổng vốn khoảng 150.000 tỉ đồng.
* Đã đăng TBKTSG Online 25-10-2017:
* Và tại Saigon Times
Daily 26-10-2017:
http://english.thesaigontimes.vn/56773/Mekong-Delta-tourism-in-dire-need-of-investors.html
http://english.thesaigontimes.vn/56773/Mekong-Delta-tourism-in-dire-need-of-investors.html
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét