Thứ Ba, 16 tháng 7, 2013

Nỗi buồn có ích


Theo chủ trương “duyệt phim con heo” của Ban tuyên giáo tỉnh nọ, để có góp ý về “sự tác hại” của loại phim này, ba người nữ (có hai còn là con gái) buộc phải ngồi xem một phim sex bên cạnh nhiều người nam nữ khác, phần nhiều là cán bộ viên chức nhà nước. Từ đầu tới cuối buổi phim, thế giới nội tâm của họ gần như là một cuộc phản kháng cái chủ trương kinh dị ấy.

Cuối câu chuyện, thái độ của Thùy, một trong ba nhân vật nữ, như sôi cháy lên: “Chị giận dỗi lên xe, không biết giận gì, chỉ thấy lòng tràn ngập giận dữ và đau buồn. Buồn không biết nói sao cho hết. Cái lũ đóng phim, cái lũ làm phim, cái lũ bán phim và cái lũ đã bắt những người như chị ngồi xen với đàn ông để xem chúng bằng màn ảnh rộng giữa thanh thiên và bạch nhật. Thực sự chị muốn tru lên, như một con chó hoang - có những lúc không phải thét hay rú hay khóc nấc lên mà là tru lên thì mới đáng và mới thỏa”.

Trước đó, giữa hội trường phim đang chiếu: “Cô bạn nhà báo non rú khẽ lên rồi lấy nón vải úp lên mặt. Cô gái già ở Phụ nữ tỉnh trố mắt, không chớp, không cử động, như vừa bị phang một cú trúng ngực, không cả thở. Thực sự Thùy không dám quan sát những người ngồi rải rác chung quanh, chị thấy mình như bị lột trần, dưới bao nhiêu đôi mắt cử tọa đàn ông kia. Sao chúng tôi có thể bị đối xử như vậy? Sao họ nỡ cho chúng tôi ngồi xem phim sex với bao nhiêu người đàn ông quen biết giữa ban ngày ban mặt như vậy? Họ định tra tấn chúng tôi bao lâu nữa, cái thứ phim tham khảo này? Mỗi phút là bao nhiêu cử động và âm thanh, ai dám chạy ù ra, để có thể bị coi là thần kinh yếu hay là đạo đức giả? Chị nghĩ, nghĩ mãi với đôi mắt mở trừng trừng, vừa căm hờn vừa choáng váng. Rồi còn “sứ mệnh” tọa đàm vào buổi chiều nữa chứ”.



Đó là truyện Chưa phải ngày buồn nhất mà nhà văn Dạ Ngân chọn làm tên cho tập truyện ngắn mới nhất của mình, do NXB Phụ Nữ ấn hành vào quý 2.2012. Đề tài của truyện sinh thành từ chuyện có thật ở một tỉnh nọ từ 20 năm trước. Cùng với 10 truyện ngắn kia, những chuyện thế thái nhân tình trong xã hội này, qua bút pháp Dạ Ngân - vốn là một cô gái theo cách mạng từ năm 15 tuổi ở quê nhà Long Mỹ (Hậu Giang) - đã được soi rọi đến tận cùng thân phận. Mà ở đó, cái nỗi buồn của kiếp người, dù có ẩn tàng đằm thắm hay phát tiết xung thiên, vẫn cứ ám ảnh không nguôi.

Đây là tập truyện ngắn thứ 7 của Dạ Ngân, dấu ấn của những năm tháng rời Hà Nội sau khi nghỉ hưu (2009) từ Tuần báo Văn nghệ về làm “cư dân mới của Sài Gòn”, như chị nói. Trước đó, tháng 8.2007, là tập truyện Nước nguồn xuôi mãi, ghi dấu “những năm tháng buồn vui với Hà Nội” của chị. Trước đó nữa, là những cuốn tiểu thuyết và truyện dài đã làm nên tên tuổi nữ sĩ Dạ Ngân: Ngày của một đời (1989), Mẹ mèo (1992), Miệt vườn xa lắm (2002) và nhất là Gia đình bé mọn (2004) đã được dịch sang tiếng Anh và phát hành tại Mỹ.

Tâm sự về tập truyện Chưa phải ngày buồn nhất, chị kể: “Bốn năm cùng với ốc đảo Thanh Đa, tôi thấy mình tự do hơn khi không phải sống đời viên chức nữa. Viết báo để nuôi văn, trong khi chờ đợi cuộc sống đô thị ngấm vào, tôi nghe thấy ký ức mỗi ngày, như tiếng thở của sông dài, như tiếng gió của vườn khuya. Truyện nào trong tập này cũng dậy lên mùi hương của thời xa xưa buồn, chắc chắn các bạn sẽ bảo là buồn. Nhưng đây chưa phải là những gì buồn nhất, tôi cam đoan như vậy, khi bạn liên tưởng đến những trải nghiệm của chính bạn. Văn chương không nói chuyện vui, vì nỗi buồn bao giờ cũng hiện hữu và có ích với những ai muốn những điều tốt đẹp hơn cho con người”.

Vâng, nỗi buồn có ích, xin chia sẻ với chị Dạ Ngân, ngay cả ở đoạn này, trong truyện ngắn Vợ lính của tập truyện Chưa phải ngày buồn nhất: “Chòi cứ chung đụng, nam và nữ cách nhau một tấm liếp mỏng. Chị em tôi nằm trở đầu trong chiếc mùng đơn nhỏ xíu của tôi trên nền chòi. Cây đèn dầu trên vách, gối cao trên chiếc thùng tài liệu, tôi nhìn rõ vẻ mặt nhiều tâm trạng của em tôi sau khi nó tạm biệt chồng. Mười chín tuổi, mấy ngày trăng mật trong bom pháo, lần này nữa là lần thứ ba người vợ lính được tắm hơi chồng…”. ■


Bài đã đăng trên báo Thanh Niên:
http://www.thanhnien.com.vn/pages/20130716/noi-buon-co-ich.aspx