Thứ Bảy, 8 tháng 7, 2017

Thái Lan tiếp thị mạnh tại Cần Thơ

(TBKTSG Online)- Tại lễ khai trương “Tuần lễ Thái Lan tại Cần Thơ” sáng nay, 7-7, đại diện lãnh đạo Thái Lan đã tiếp thị hàng Thái và cho rằng còn nhiều cơ hội hợp tác đầu tư giữa doanh nghiệp hai bên.

Lễ khai trương “Tuần lễ Thái Lan tại Cần Thơ” sáng nay, 7-7. Ảnh Huỳnh Kim

Phát biểu tại lễ khai trương này, bà Ureerat Ratanaprukse, Tổng lãnh sự Thái Lan tại TP.HCM, cho biết đến tháng 6-2017, tổng đầu tư của Thái Lan tại đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) đạt gần 400 triệu đô la Mỹ với 88 dự án.

“Tuy nhiên, vẫn còn nhiều cơ hội hợp tác đầu tư, đặc biệt trong lĩnh vực du lịch và ngành công nghiệp hỗ trợ nông nghiệp công nghệ cao”, bà Ureerat Ratanaprukse nói.

Trong đoàn Thái Lan còn có đại diện hãng hàng không Thái – VietJet Air, đơn vị vừa mở lại đường bay thẳng Cần Thơ – Bangkok. Đây là sự kiện mà theo bà Ureerat Ratanaprukse, “đã khẳng định tiềm năng du lịch và sự tăng trưởng kinh tế của thành phố Cần Thơ”.

Bà Ureerat Ratanaprukse cho biết Văn phòng Thương vụ Thái Lan tại TP.HCM sẽ hợp tác với Công ty Vinexad của Việt Nam và các bên liên quan để xúc tiến mạnh hơn sự hợp tác giữa doanh nghiệp hai bên, thí dụ như tổ chức tuần lễ Thái Lan tại Cần Thơ hôm nay.

Lãnh sự Thương mại, Giám đốc Văn phòng Thương vụ Thái Lan tại TP.HCM, bà Pitinun Samanvorawong cho biết hội chợ này có 122 gian hàng Thái Lan đến từ 84 công ty; trưng bày các sản phẩm và dịch vụ về máy móc nông nghiệp, thực phẩm và đồ uống, chăm sóc sức khỏe và sắc đẹp, đồ gia dụng, sản phẩm da, trang sức và phụ kiện thời trang, giáo dục, du lịch và nhà hàng.

Theo ông Nguyễn Minh Toại, Giám đốc Sở Công thương Cần Thơ, hiện Cần Thơ có 5 dự án đầu tư của Thái Lan với vốn đăng ký 41,327 triệu đô la Mỹ, chủ yếu ở ngành chế biến nông thủy sản. Năm ngoái, Cần Thơ xuất qua Thái Lan 36 triệu đô la Mỹ và nhập về 4,3 triệu đô la. Bốn tháng đầu năm nay, Cần Thơ xuất qua Thái 5,8 triệu đô la Mỹ, nhập về 1,7 triệu đô la. Hàng xuất chủ yếu là thủy sản, may mặc, dược phẩm; hàng nhập nhiều nhất là dược liệu, nông dược, vải, hóa chất, phân bón, nguyên liệu thủy sản.

Huỳnh Kim


Đã đăng TBKTSG Online 7-7-2017:

Xúc tiến dự án đường sắt cao tốc TP Hồ Chí Minh - Cần Thơ

Văn phòng UBND TP Hồ Chí Minh vừa có văn bản thông báo kết luận của Chủ tịch UBND TP Hồ Chí Minh, Nguyễn Thành Phong về nội dung làm việc hôm 15-6 giữa TP Hồ Chí Minh với một số tỉnh, thành ĐBSCL xúc tiến dự án đường sắt TPHCM - Cần Thơ.

Tóm tắt quy hoạch chi tiết dự án đường sắt cao tốc TPHCM – Cần Thơ.
Ảnh: H.KIM

Theo đó, TP Hồ Chí Minh sẽ phối hợp với các tỉnh Long An, Tiền Giang, Đồng Tháp, Vĩnh Long, TP Cần Thơ và một số đơn vị nghiên cứu thống nhất về quy hoạch và hình thức đầu tư tuyến đường sắt TP Hồ Chí Minh- Cần Thơ nhằm đẩy nhanh công tác chuẩn bị hồ sơ tuyến đường sắt này, trình cấp trên phê duyệt.

TP Hồ Chí Minh và các tỉnh, thành ĐBSCL đồng thuận với đề xuất của Viện Khoa học Công nghệ Phương Nam và Tập đoàn Tài chính MorFund (Canada) về sự cần thiết đầu tư tuyến đường sắt cao tốc TP Hồ Chí Minh - Cần Thơ phục vụ phát triển kinh tế của các địa phương.

Ông Nguyễn Thành Phong giao Sở Giao thông Vận tải (GTVT) TP Hồ Chí Minh chủ trì, phối hợp với Sở GTVT các tỉnh Long An, Tiền Giang, Đồng Tháp, Vĩnh Long, TP Cần Thơ, Công ty Cổ phần Tư vấn Thiết kế giao thông vận tải phía Nam và Viện Khoa học Công nghệ Phương Nam thống nhất về quy hoạch tuyến đường sắt cao tốc TP Hồ Chí Minh- Cần Thơ, làm cơ sở trình Bộ GTVT phê duyệt điều chỉnh quy hoạch.

Sở Kế hoạch và Đầu tư (KH-ĐT) TP Hồ Chí Minh được giao chủ trì, phối hợp với Sở KH-ĐT Long An, Tiền Giang, Đồng Tháp, Vĩnh Long, TP Cần Thơ và Tập đoàn Tài chính MorFund, Viện Khoa học Công nghệ Phương Nam, Công ty Đầu tư tài chính nhà nước TP Hồ Chí Minh (HFIC) thống nhất phương thức hợp tác đầu tư cho tuyến đường sắt này. Qua đó, đẩy nhanh công tác chuẩn bị hồ sơ trình các cấp có thẩm quyền phê duyệt.

Dự án đường sắt này có chiều dài 135,5 km, khổ đường 1.435 mm, tốc độ 200 km/giờ cho tàu khách, 150 km/giờ cho tàu hàng. Điểm đầu của dự án tại ga Tân Kiên, Bình Chánh (TP Hồ Chí Minh) đi qua các tỉnh Long An, Tiền Giang, Vĩnh Long và điểm cuối tại ga Cái Răng (TP Cần Thơ).

Dọc tuyến sẽ có 11 nhà ga, xung quanh các ga sẽ là các thành phố vệ tinh dự kiến sẽ đầu tư phát triển công nghiệp sạch và nông nghiệp kỹ thuật cao góp phần phát triển kinh tế cho các vùng có đường sắt đi qua. Ngoài ra, còn có hành lang an toàn rộng 700 ha dọc theo các tuyến đường sắt. Tổng số vốn đầu tư cho dự án này ước tính 5 tỉ USD (112.000 tỉ đồng).

Theo nghiên cứu của Viện Khoa học và Công nghệ Phương Nam, đường sắt TP Hồ Chí Minh- Cần Thơ là đường sắt cao tốc theo tiêu chuẩn Hàn Quốc phù hợp với tiêu chuẩn đường sắt cao tốc Việt Nam. Về hướng tuyến sẽ xây dựng dọc theo đường cao tốc TP Hồ Chí Minh- Mỹ Thuận với chiều dài 100km, giảm được 30km so với đi theo hướng ven biển.

Viện Khoa học và Công nghệ Phương Nam đã mời các đối tác Nhật Bản và Hàn Quốc để huy động vốn đầu tư cho dự án, theo hình thức BOT. Hiện có một số đối tác của Mỹ, Hàn Quốc, Trung Quốc, Canada quan tâm đến dự án. Riêng Tập đoàn Tài chính MorFund (Canada) đề xuất đầu tư theo hình thức PPP.


Theo Viện Khoa học và Công nghệ Phương Nam, việc đầu tư hệ thống đường sắt TP Hồ Chí Minh- Cần Thơ là cần thiết bởi dự án phù hợp với quy hoạch đến năm 2020 và sẽ tác động đến phân công lao động và chuyển dịch cơ cấu kinh tế của vùng ĐBSCL.

Cần Thơ sẽ làm hết mình cho dự án này sớm triển khai

Trao đổi với chúng tôi về dự án này, ngày 2-7, ông Võ Thành Thống, Chủ tịch UBND TP Cần Thơ, cho biết: “Hôm ấy tôi bận công tác nên phân công Phó Chủ tịch UBND TP Cần Thơ Trương Quang Hoài Nam cùng đại diện Sở Giao thông vận tải TP đi dự. Tôi có viết thư cho anh Nguyễn Thành Phong, Chủ tịch UBND TP Hồ Chí Minh, nhờ anh Hoài Nam chuyển đến cuộc họp là Cần Thơ rất mong đợi dự án này. Nếu hoàn thành đưa vào hoạt động sẽ góp phần phát triển mạnh mẽ khu vực ĐBSCL và giảm áp lực cho hạ tầng TP Hồ Chí Minh cũng như chúng ta sẽ có thêm những đô thị vệ tinh nằm dọc tuyến đường nơi đặt các nhà ga. Do đó TP Cần Thơ hết lòng ủng hộ và sẽ làm hết mình cho dự án này sớm triển khai. Tôi tin rằng lãnh đạo các tỉnh ĐBSCL, dù có dự án đi qua hay không, cũng sẽ rất ủng hộ vì lợi ích thiết thực với người dân vùng này. Hôm chiều thứ 5 tuần rồi (ngày 29 tháng 6- PV), nhân lúc họp ở Ban Chỉ đạo Tây Nam bộ, tôi cũng thông tin với anh Nguyễn Nhật, Thứ trưởng Bộ Giao thông vận tải về việc này và ảnh cũng đồng tình cao”.

Huỳnh Kim - Lê Anh
* Đã đăng Báo Cần Thơ thứ Ba, 4-7-2017:

Satrafoods mở rộng ở Cần Thơ


(TBKTSG Online) - Sáng nay (29-6), Tổng Công ty Thương mại Sài Gòn (Satra) đã khai trương thêm 3 cửa hàng thực phẩm tiện lợi (Satrafoods) tại Cần Thơ, nâng tổng số cửa hàng của Satra tại địa phương đầu tiên ngoài TPHCM lên con số 7. 

Những khách hàng đầu tiên mua sắm tại cửa hàng Satrafoods
 trên đường Phan Đình Phùng, Cần Thơ ngày 29-6. Ảnh: Huỳnh Kim

Với các cửa hàng được đưa vào hoạt động tại Cần Thơ hôm nay, Satra đã có tổng cộng 126 cửa hàng trong chuỗi Satrafoods, trong đó có 119 cửa hàng tại TPHCM.

Khác với các cửa hàng Satrafoods ở TPHCM, các cửa hàng tại Cần Thơ còn có thêm quầy hàng kinh doanh đặc sản của các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long như mắm cá linh, khô cá sặc, tôm khô Cà Mau, kẹo dừa Bến Tre và các loại rau, củ, quả an toàn như bầu, bí, mướp, rau lang, rau muống… do các hợp tác xã của Cần Thơ sản xuất.


Có mặt tại Cần Thơ từ đầu năm 2017, đến nay 7 cửa hàng thực phẩm tiện lợi Satrafoods đang quen thuộc với người tiêu dùng đồng bằng với tiêu chí “Hàng tận gốc, tươi mỗi ngày”. Khoảng 80% trong số gần 4.000 mặt hàng ở mỗi cửa hàng này là thực phẩm, có nguồn gốc an toàn với giá cả cạnh tranh. Đây cũng là địa điểm kinh doanh thịt heo theo chuẩn VietGAP mang thương hiệu Vissan.

6 tháng, tổng mức bán lẻ tại Cần Thơ tăng 9,8%

Tổng mức bán lẻ hàng hóa và dịch vụ tại Cần Thơ trong 6 tháng đầu năm nay ước đạt hơn 55.608 tỉ đồng, tăng 9,8% so với cùng kỳ năm 2016. Cần Thơ hiện có 16 siêu thị, trung tâm thương mại, 112 chợ truyền thống và cửa hàng tiện ích.

Những thương hiệu lớn như LotteMart, Vincom, VinMart, CoopMart, Big C, Metro, Sense City, Nguyễn Kim, Điện máy Sài Gòn Chợ Lớn, Thế giới di động, Satra… đều đã hiện diện ở Cần Thơ.

Huỳnh Kim
*Đã đăng TBKTSG Online 29-6-2017:

* Và tại Saigon Times Daily 30-6:


Mở chuyến bay thẳng Cần Thơ – Bangkok


(TBKTSG Online) - Sáng nay (27-6), máy bay Airbus 320 của hãng Thai Vietjet Air chở đầy 179 người đã bắt đầu chuyến bay thẳng Cần Thơ - Bangkok, phục vụ mùa du lịch hè 2017 của du khách đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL).

Du khách làm thủ tục đi Bangkok tại sân bay Cần Thơ sáng ngày 27-6.
Ảnh: Huỳnh Kim

Đây là đường bay thẳng khứ hồi thuê chuyến (charter) do Công ty cổ phần Dịch vụ vận chuyển Thế giới (WorldTrans) khai thác, phối hợp với UBND TP. Cần Thơ, Tổng cục Du lịch Thái Lan, hãng hàng không Thai Vietjet Air và số một công ty du lịch ĐBSCL.
Trao đổi với TBKTSG Online, ông Trần Trường Huy, Tổng giám đốc WorldTrans, cho biết WorldTrans chỉ thực hiện các chuyến charter giữa Cần Thơ và Bangkok vào mùa cao điểm; khi có đông khách, sẽ bay thường xuyên và hướng tới việc mở thêm các đường bay charter nối Cần Thơ với Đài Loan, Hàn Quốc, Nhật Bản vào dịp Tết.

Theo ông Huy, đường bay Cần Thơ - Bangkok được mở xuất phát từ nhu cầu của du khách miền Tây muốn khám phá Thái Lan trong dịp hè này mà không phải mất thêm 4 tiếng đi ô tô lên TPHCM. Mỗi chuyến bay cách nhau 4 ngày, chủ yếu đưa và đón du khách ĐBSCL sau một tour du lịch ở Thái Lan.

Hiện Cảng hàng không quốc tế Cần Thơ đang phục vụ các chuyến bay nối Cần Thơ với TPHCM, Hà Nội, Đà Nẵng, Phú Quốc, Đà Lạt, Côn Đảo, Bangkok. Vào dịp Tết tại sân bay này còn có các chuyến bay khứ hồi đi Đài Bắc, Đài Trung, Cao Hùng (Đài Loan).

Riêng trong tháng 7 tới sẽ có thêm 8 chuyến bay charter, bắt đầu từ ngày 1-7 với giá vé khứ hồi từ 4,5 - 4,8 triệu đồng/vé tùy theo khách đi đoàn hay đi lẻ. Khách có thể mua vé tại website: www.worldtrans.vn hoặc tại các phòng vé thuộc các công ty du lịch ở ĐBSCL.

Theo WorldTrans, năm 2016 có trên 900.000 lượt du khách Việt Nam đi Thái Lan, trong đó có khoảng 10% từ các tỉnh ĐBSCL và dự báo năm nay con số đó sẽ vượt mức một triệu. Đó là chưa kể hàng ngàn hành khách đi công tác, học tập, trao đổi văn hóa - kinh tế giữa hai nước.

Theo Tổng cục Du lịch, năm 2016, 13 tỉnh, thành phố vùng ĐBSCL đã đón trên 7,6 triệu lượt khách lưu trú, tăng 15% so với năm 2015, trong đó có khoảng 900.000 khách quốc tế (tăng 27%); doanh thu 9.700 tỉ đồng, tăng 12,4% so với năm 2015.

Vào ngày 26-6, Hãng hàng không Jetstar Pacific đã bắt đầu bán vé cho đường bay thẳng nối liền hai thành phố Hà Nội, Đà Nẵng và Osaka (Nhật Bản). Jetstar Pacific trở thành hãng hàng không giá rẻ đầu tiên thực hiện hai đường bay này.

Jetstar Pacific cho biết các chuyến bay đầu tiên từ Đà Nẵng và Hà Nội sẽ bắt đầu được khai thác lần lượt từ ngày 1-9 và 2-9, với bốn chuyến bay khứ hồi mỗi tuần từ cả hai thành phố.

Jetstar Pacific sẽ sử dụng đội máy bay mới Airbus A320 với số lượng 180 ghế cho các đường bay Hà Nội - Osaka và Đà Nẵng - Osaka. Vé một chiều hạng phổ thông cho các chuyến bay trên những đường bay này có giá từ 1.500.000 đồng.

Ông Nguyễn Quốc Phương, Tổng Giám đốc Jetstar Pacific cho biết, hai đường bay mới hướng đến mục tiêu giúp khách du lịch và doanh nhân hai nước đi lại dễ dàng hơn, đồng thời được khám phá vùng đất mới với mức giá rẻ hợp lý.

Jetstar Pacific hiện khai thác  gần 100 chuyến bay quốc tế mỗi tuần đến Singapore, Thái Lan, Hồng Kông, Đài Loan, Quảng Châu và hơn 500 chuyến bay nội địa mỗi tuần đến  hầu hết các thành phố, điểm du lịch của Việt Nam.

Huỳnh Kim

* Đã đăng TBKTSG Online 27-6-2017:

* Và tại Saigon Times Daily 28-6:


Có lũ sớm vẫn tăng sản xuất lúa thu đông


(TBKTSG Online)- Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN-PTNT) chủ trương vẫn tăng sản xuất lúa thu đông năm nay ở đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) mặc dù có dự báo lũ sớm sắp về với vùng này.

Ông Lê Quốc Doanh chủ trì hội nghị tại Cần Thơ sáng 23-6-2017.
Ảnh: Huỳnh Kim

Phát biểu chỉ đạo hội nghị “Sơ kết sản xuất lúa hè thu 2017, triển khai kế hoạch sản xuất vụ thu đông, vụ mùa 2017 tại Đông Nam bộ và ĐBSCL” tổ chức tại Cần Thơ sáng nay, 23-6, ông Lê Quốc Doanh, Thứ trưởng Bộ NN-PTNT, nhấn mạnh rằng năm nay mùa lũ có thể về sớm ở ĐBSCL, do vậy các tỉnh và ngành thủy lợi, thủy văn phải có dự báo, có kế hoạch chắc chắn để bảo đảm an toàn cho sản xuất vụ lúa thu đông.
Theo ông Doanh, thu đông nay đã là vụ lúa chính rất quan trọng của ĐBSCL trong khi giá lúa gạo đang tăng và sản lượng vụ đông xuân vừa rồi bị giảm do ảnh hưởng của thời tiết (mưa sớm, nắng giảm).


Báo cáo về kế hoạch này của ông Lê Thanh Tùng, đại diện Cục Trồng trọt, cho thấy năm nay ĐBSCL sẽ sản xuất 832.000 héc ta lúa thu đông, tăng 7.071 héc ta so với năm 2016; năng suất ước đạt  55,9 tạ/héc ta, tăng 4,93 tạ/héc ta; sản lượng ước đạt hơn 4,65 triệu tấn, tăng 446.410 tấn so với vụ thu đông 2016.



Theo ông Tùng, tăng lúa thu đông để bù đắp việc sụt giảm 226.095 tấn lúa trong vụ đông xuân rồi trong khi “tình hình xuất khẩu gạo có khả quan và nhiều triển vọng tăng trưởng về lượng và giá có lợi cho cả người sản xuất và doanh nghiệp”. Ông Tùng cũng cho biết cách nay 10 năm chỉ có 5 tỉnh ở ĐBSCL làm lúa thu đông, nay cả 13 tỉnh, thành trong vùng đã sản xuất lúa thu đông.



Về giải pháp né lũ sớm, ông Tùng nói: “Quan điểm chỉ đạo là ưu tiên sản xuất vụ thu đông ở những vùng an toàn đối với lũ; lấy mức lũ năm 2011 để bố trí sản xuất cho vùng ngập sâu ở Đồng Tháp Mười và tứ giác Long Xuyên; hạn chế thấp nhất thiệt hại bằng các giải pháp đồng bộ về thời vụ, cơ cấu giống, hệ thống đê bao, cống đập, thu hoạch, vận chuyển, phơi sấy”.



Theo Trung tâm Dự báo Khí tượng thủy văn Nam bộ, mùa lũ 2017 ở thượng nguồn sông Mêkông có thể đến sớm. Đến cuối tháng 7 tới, mực nước đầu nguồn sông Cửu Long tại Tân Châu (Đồng Tháp), Châu Đốc (An Giang) có khả năng ở mức 2,5-3 mét, nguy cơ xảy ra ngập lụt ở huyện Tân Hưng, Vĩnh Hưng (Long An) và một số vùng ven sông, ngoài đê bao các tỉnh An Giang, Đồng Tháp. Đỉnh lũ năm nay ở đầu nguồn sông Cửu Long khả năng ở mức báo động 2-3 (sông Tiền tại Tân Châu từ 4-4,5 mét, sông Hậu tại Châu Đốc từ 3,5 - 4 mét).



Tình hình tiêu thụ lúa gạo
Theo thống kê của Hiệp hội lương thực Việt Nam (VFA) lũy kế từ đầu năm đến 31-5-2017:
+ Lượng gạo xuất khẩu đạt 2,282 triệu tấn, trị giá FOB đạt 974,873 triệu USD, trị giá CIF đạt 1,012 tỉ USD, giá FOB bình quân 427,17 USD/tấn. So với cùng kỳ năm 2015, số lượng tăng 9,71%, trị giá FOB tăng 11,29%, trị giá CIF tăng 12,29% và giá FOB bình quân tăng 6,06 USD/tấn.
+ Hợp đồng đã đăng ký đạt 3,536 triệu tấn, giảm 0,2% so cùng kỳ năm 2015, hợp đồng chưa giao là: 1,254 triệu tấn, tồn kho doanh nghiệp là 1,151 triệu tấn.
Theo Cục Trồng trọt
Giá thành sản xuất lúa vụ Hè Thu 2017
Theo ước tính của Bộ Tài Chính, dự kiến giá thành sản xuất lúa kế hoạch của vụ Hè Thu 2017 ở ĐBSCL bình quân toàn vùng khoảng từ 3.148 đến 5.192 đồng/kg, tỉnh có giá thành sản xuất lúa cao là Bến Tre, 5.192 đồng/kg; tỉnh có giá thành sản xuất lúa thấp nhất là Cà Mau, 3.148 đồng/kg; các tỉnh còn lại bình quân 3.900 đồng/kg.
Giá thành sản xuất lúa kế hoạch vụ Hè Thu 2017 ĐBSCL bình quân khoảng 3.992 đồng/kg, tăng hơn 154 đồng/kg so với giá thành thực tế lúa Hè Thu năm 2016 (3.840 đồng/kg), tương đương với việc tăng thêm đầu tư khoảng 1.420 tỉ đồng trên tổng sản lượng lúa Hè Thu 2017 (150 đồng/kg X 9,5 triệu tấn lúa).
Theo Cục Trồng trọt

Huỳnh Kim

* Đã đăng TBKTSG Online 23-6-2017: