Thứ Bảy, 8 tháng 7, 2017

Xúc tiến dự án đường sắt cao tốc TP Hồ Chí Minh - Cần Thơ

Văn phòng UBND TP Hồ Chí Minh vừa có văn bản thông báo kết luận của Chủ tịch UBND TP Hồ Chí Minh, Nguyễn Thành Phong về nội dung làm việc hôm 15-6 giữa TP Hồ Chí Minh với một số tỉnh, thành ĐBSCL xúc tiến dự án đường sắt TPHCM - Cần Thơ.

Tóm tắt quy hoạch chi tiết dự án đường sắt cao tốc TPHCM – Cần Thơ.
Ảnh: H.KIM

Theo đó, TP Hồ Chí Minh sẽ phối hợp với các tỉnh Long An, Tiền Giang, Đồng Tháp, Vĩnh Long, TP Cần Thơ và một số đơn vị nghiên cứu thống nhất về quy hoạch và hình thức đầu tư tuyến đường sắt TP Hồ Chí Minh- Cần Thơ nhằm đẩy nhanh công tác chuẩn bị hồ sơ tuyến đường sắt này, trình cấp trên phê duyệt.

TP Hồ Chí Minh và các tỉnh, thành ĐBSCL đồng thuận với đề xuất của Viện Khoa học Công nghệ Phương Nam và Tập đoàn Tài chính MorFund (Canada) về sự cần thiết đầu tư tuyến đường sắt cao tốc TP Hồ Chí Minh - Cần Thơ phục vụ phát triển kinh tế của các địa phương.

Ông Nguyễn Thành Phong giao Sở Giao thông Vận tải (GTVT) TP Hồ Chí Minh chủ trì, phối hợp với Sở GTVT các tỉnh Long An, Tiền Giang, Đồng Tháp, Vĩnh Long, TP Cần Thơ, Công ty Cổ phần Tư vấn Thiết kế giao thông vận tải phía Nam và Viện Khoa học Công nghệ Phương Nam thống nhất về quy hoạch tuyến đường sắt cao tốc TP Hồ Chí Minh- Cần Thơ, làm cơ sở trình Bộ GTVT phê duyệt điều chỉnh quy hoạch.

Sở Kế hoạch và Đầu tư (KH-ĐT) TP Hồ Chí Minh được giao chủ trì, phối hợp với Sở KH-ĐT Long An, Tiền Giang, Đồng Tháp, Vĩnh Long, TP Cần Thơ và Tập đoàn Tài chính MorFund, Viện Khoa học Công nghệ Phương Nam, Công ty Đầu tư tài chính nhà nước TP Hồ Chí Minh (HFIC) thống nhất phương thức hợp tác đầu tư cho tuyến đường sắt này. Qua đó, đẩy nhanh công tác chuẩn bị hồ sơ trình các cấp có thẩm quyền phê duyệt.

Dự án đường sắt này có chiều dài 135,5 km, khổ đường 1.435 mm, tốc độ 200 km/giờ cho tàu khách, 150 km/giờ cho tàu hàng. Điểm đầu của dự án tại ga Tân Kiên, Bình Chánh (TP Hồ Chí Minh) đi qua các tỉnh Long An, Tiền Giang, Vĩnh Long và điểm cuối tại ga Cái Răng (TP Cần Thơ).

Dọc tuyến sẽ có 11 nhà ga, xung quanh các ga sẽ là các thành phố vệ tinh dự kiến sẽ đầu tư phát triển công nghiệp sạch và nông nghiệp kỹ thuật cao góp phần phát triển kinh tế cho các vùng có đường sắt đi qua. Ngoài ra, còn có hành lang an toàn rộng 700 ha dọc theo các tuyến đường sắt. Tổng số vốn đầu tư cho dự án này ước tính 5 tỉ USD (112.000 tỉ đồng).

Theo nghiên cứu của Viện Khoa học và Công nghệ Phương Nam, đường sắt TP Hồ Chí Minh- Cần Thơ là đường sắt cao tốc theo tiêu chuẩn Hàn Quốc phù hợp với tiêu chuẩn đường sắt cao tốc Việt Nam. Về hướng tuyến sẽ xây dựng dọc theo đường cao tốc TP Hồ Chí Minh- Mỹ Thuận với chiều dài 100km, giảm được 30km so với đi theo hướng ven biển.

Viện Khoa học và Công nghệ Phương Nam đã mời các đối tác Nhật Bản và Hàn Quốc để huy động vốn đầu tư cho dự án, theo hình thức BOT. Hiện có một số đối tác của Mỹ, Hàn Quốc, Trung Quốc, Canada quan tâm đến dự án. Riêng Tập đoàn Tài chính MorFund (Canada) đề xuất đầu tư theo hình thức PPP.


Theo Viện Khoa học và Công nghệ Phương Nam, việc đầu tư hệ thống đường sắt TP Hồ Chí Minh- Cần Thơ là cần thiết bởi dự án phù hợp với quy hoạch đến năm 2020 và sẽ tác động đến phân công lao động và chuyển dịch cơ cấu kinh tế của vùng ĐBSCL.

Cần Thơ sẽ làm hết mình cho dự án này sớm triển khai

Trao đổi với chúng tôi về dự án này, ngày 2-7, ông Võ Thành Thống, Chủ tịch UBND TP Cần Thơ, cho biết: “Hôm ấy tôi bận công tác nên phân công Phó Chủ tịch UBND TP Cần Thơ Trương Quang Hoài Nam cùng đại diện Sở Giao thông vận tải TP đi dự. Tôi có viết thư cho anh Nguyễn Thành Phong, Chủ tịch UBND TP Hồ Chí Minh, nhờ anh Hoài Nam chuyển đến cuộc họp là Cần Thơ rất mong đợi dự án này. Nếu hoàn thành đưa vào hoạt động sẽ góp phần phát triển mạnh mẽ khu vực ĐBSCL và giảm áp lực cho hạ tầng TP Hồ Chí Minh cũng như chúng ta sẽ có thêm những đô thị vệ tinh nằm dọc tuyến đường nơi đặt các nhà ga. Do đó TP Cần Thơ hết lòng ủng hộ và sẽ làm hết mình cho dự án này sớm triển khai. Tôi tin rằng lãnh đạo các tỉnh ĐBSCL, dù có dự án đi qua hay không, cũng sẽ rất ủng hộ vì lợi ích thiết thực với người dân vùng này. Hôm chiều thứ 5 tuần rồi (ngày 29 tháng 6- PV), nhân lúc họp ở Ban Chỉ đạo Tây Nam bộ, tôi cũng thông tin với anh Nguyễn Nhật, Thứ trưởng Bộ Giao thông vận tải về việc này và ảnh cũng đồng tình cao”.

Huỳnh Kim - Lê Anh
* Đã đăng Báo Cần Thơ thứ Ba, 4-7-2017:

Không có nhận xét nào: