Thứ Tư, 13 tháng 7, 2016

Một số phán quyết và lập luận của PCA


Vũ Quang Việt

 
(TBKTSG Online) - Tóm tắt nhanh một số điểm trong phán quyết của tòa Trọng tài thường trực quốc tế về Luật Biển (PCA) công bố chiều nay 12-7-2016 về vụ Philipines kiện Trung Quốc liên quan tới "đường 9 đoạn" trên biển Đông.

Người dân Philippines bày tỏ sự vui mừng trước phán quyết của PCA. Ảnh Reuters


1. Tòa Trọng tài Thường trực (PCA) kết luận là chưa bao giờ có quốc gia nào thực thi độc quyền kiểm soát đối với các vùng nước trên Biển Đông. Như vậy "không có cơ sở pháp lý để Trung Quốc đòi chủ quyền với tài nguyên" trong vùng nước nằm trong đường 9 đoạn. 

2.  Các cấu trúc hiện đang tranh chấp trong toàn vùng “Spratly Islands” (Trường Sa) tự nó trong dạng tự nhiên không có khả năng nuôi dưỡng con người và đời sống kinh tế cho nên chỉ có thể là đá (rocks) hay reefs (đá ngầm), không phải là đảo nên chỉ có 12 dặm chủ quyền, không có vùng đặc quyền kinh tế (EEZ) 200 dặm hay thềm lục địa.

3. Các đảo ngầm như Scarborough không có 12 dặm chủ quyền, nó nằm trong EEZ của Philippines, nên thuộc chủ quyền Philippines. Việc Trung Quốc cấm Philippines  đánh cá là trái phép. Trung Quốc đã vi phạm chủ quyền của Philippines. 

4. Xây dựng các đảo nhân tạo là trái phép và Trung Quốc đã gây tổn hại nghiêm trọng đến môi trường biển.

5. Ý nghĩa của phán quyết ở điểm 2 cho thấy là Việt Nam sẽ được toàn quyền hưởng EEZ tính từ bờ biển Việt Nam và không có chồng lấn với ai. Việt Nam hoàn toàn có quyền khai thác dầu hỏa ở khu Tư Chính mà Trung Quốc từng đem tàu ra dọa đuổi còn các nước khác thì sợ phải rút.

Quyết định này cũng có nghĩa là quyền lợi của các nước có đảo tranh chấp, nếu có chủ quyền chỉ được 12 dặm chung quanh, toàn bộ vùng còn lại thuộc biển quốc tế.

6. Phán quyết ở điểm 2 cũng cho thấy là đảo Itu Aba (tiếng Việt là đảo Ba Bình trong quần đảo Trường Sa) là đảo có tranh chấp lớn nhất, không chỉ ở Trường Sa và Hoàng Sa. Như thế, qua phán quyết này, dù ai nắm chủ quyền ở Hoàng Sa thì chủ nhân cũng chỉ được 12 dặm chủ quyền vùng biển chung quanh, không có EEZ.

7. Phán quyết ở điểm 2 cho thấy những cấu trúc đang tranh chấp ở Biển Đông chỉ tạo ra 12 dặm chủ quyền biển ở chung quanh. Toàn vùng biển nằm ngoài là thuộc biển quốc tế.

Phỏng dịch tóm tắt phán quyết của Tòa Trọng Tài Thường trực


(Đọc thêm: Toàn văn Thông cáo báo chí của Tòa trọng tài thường trực quốc tế về vụ The Philippines kiện Trung Quốc, tiếng Anh, PDF)

1. Quyền lịch sử đối với đường 9 đoạn

Tòa cho rằng nếu Trung Quốc có quyền lịch sử đối với các vùng nước trong biển thì quyền lịch sử đó sẽ bị xóa nếu không phù hợp với vùng đặc quyền kinh tế (EEZ) trong Luật Biển Liên hiệp quốc. Tòa cũng nhận xét rằng, mặc dù những nhà du hành hay đánh cá Trung Quốc, hay của những quốc gia khác, đã từng sử dụng các đảo ở Biển Nam Trung Hoa (tức Biển Đông), không có bằng chứng gì Trung Quốc đã thực thi độc quyền kiểm soát đối với các vùng nước hoặc tài nguyên trong đó. Tòa kết luận là Trung Quốc không có cơ sở pháp lý nào để đòi chủ quyền tài nguyên biển nằm trong đường 9 đoạn.

2. Tình trạng các cấu trúc

Trước tiên Tòa xem xét về tình trạng các cấu trúc trên biển, xem xét các cấu trúc mà Trung Quốc đòi chủ quyền, xem cái nào nổi trên mặt nước và cái nào chìm khi nước thủy triều lên. Cái nào nổi trên mặt nước khi thủy triều lên sẽ có chủ quyền 12 dặm biển, cái nào không nổi sẽ không có.

Tòa nhận xét rằng các cấu trúc đã bị thay đổi rất nhiều qua bồi đắp và xây dựng. Tòa lưu ý rằng việc đánh giá dựa trên xem xét các cấu trúc trong điều kiện tự nhiên, và dựa trên vật chất lịch sử để đánh giá. 

Sau đó, Tòa xem xét xem có cấu trúc nào mà Trung Quốc đòi chủ quyền có thể đưa đến chủ quyền vượt 12 dặm. Theo Luật Biển, các đảo tạo ra vùng đặc quyền kinh tế (EEZ) 200 dặm và thềm lục địa, nhưng đá tự nó không thể nuôi dưỡng sự sống con người hay đời sống kinh tế không có EEZ hay thềm lục địa.

Tòa nhận xét rằng sự hiện diện hiện nay của quan chức trên các cấu trúc là lệ thuộc vào sự hỗ trợ từ bên ngoài nên không phản ánh thực tế khả năng của các cấu trúc.

Tòa đã tìm ra rằng các bằng chứng lịch sử phù hợp hơn (để xem xét) và nhận thấy là Spratly Islands (tức Trường Sa) đã từng được các nhóm đánh cá nhỏ sử dụng và rằng việc sử dụng nhất thời không tạo nên sự sinh sống của một cộng đồng vững chắc ổn định và rằng tất cả các hoạt động kinh tế trong lịch sử chỉ nhằm khai thác.

Vì thế, Tòa kết luận là không có một thực thể nào trên Spratly Islands (Trường Sa) có quyền tạo ra hải vực rộng lớn. Thấy rằng không có một cấu trúc nào mà Trung Quốc đòi chủ quyền có thể tạo ra vùng đặc quyền kinh tế, Tòa kết luận rằng có thể - không cần vạch ra biên giới – một số vùng biển nằm trong vùng đặc quyền kinh tế của Philippines, bởi vì nó không chồng lấn với bất cứ sở hữu nào của Trung Quốc.


3. Tính pháp lý của các hành động của Trung Quốc

Sau khi kết luận một số vùng thuộc EEZ của Philippines, Tòa thấy rằng Trung Quốc đã vi phạm chủ quyền của Philippines trong vùng đặc quyền kinh tế của họ khi (a) ngăn cản việc Philippines đánh cá và khai thác dầu hỏa, (b) xây các đảo nhân tạo, (c) không ngăn cấm người Trung Quốc đánh cá trên các vùng này.

4. Tổn hại đến môi trường biển

Tòa xem xét ảnh hưởng đến môi trường biển của các công trình xây dựng lớn mới đây nhằm bồi đắp và xây dựng các đảo nhân tạo trong 7 nơi ở Spratly Islands (Trường Sa) và kết luận rằng Trung Quốc đã gây hại nghiêm trọng đến môi trường đá ngầm san hô và vi phạm nghĩa vụ duy trì và bảo vệ hệ sinh thái mỏng manh và nơi cư trú của các loài  sinh vật biển đang giảm, và bị đe dọa diệt chủng.

Bài đã đăng tại:
http://www.thesaigontimes.vn/148781/Mot-so-phan-quyet-va-lap-luan-cua-PCA.html

Thông cáo báo chí của Tòa Trọng tài Biển Đông


(Chinhphu.vn) – Dưới đây là thông cáo báo chí của Tòa Trọng tài Biển Đông về vụ kiện giữa Phi-líp-pin và Trung Quốc, ban hành tại La Hay ngày 12/7/2016.



Toà Trọng tài ban hành phán quyết


Phán quyết được Toà Trọng tài thành lập theo Phụ lục VII, Công ước của Liên Hợp Quốc về Luật Biển (sau đây gọi là “Công ước”) trong vụ kiện giữa Cộng hoà Phi-líp-pin và Cộng hoà nhân dân Trung Hoa (sau đây gọi là ‘Phi-líp-pin’ và ‘Trung Quốc’) hoàn toàn nhất trí thông qua và ban hành.

Vụ kiện trọng tài này liên quan đến vai trò của các quyền lịch sử và nguồn xác định quyền hưởng các vùng biển tại Biển Đông, quy chế của một số cấu trúc cụ thể và các vùng biển của các cấu trúc này, và tính hợp pháp của các hành vi của Trung Quốc mà Phi-líp-pin cho là vi phạm Công ước. Phù hợp các giới hạn của cơ chế giải quyết tranh chấp bắt buộc của Công ước, Toà Trọng tài đã nhấn mạnh Toà không phán quyết các vấn đề nào liên quan đến chủ quyền đối với các vùng lãnh thổ đất liền và không tiến hành phân định bất kỳ một ranh giới trên biển nào giữa các bên của vụ kiện.

Trung Quốc đã nhiều lần tuyên bố ‘nước này không chấp nhận cũng như không tham gia vào tiến trình trọng tài do Phi-líp-pin đơn phương khởi xướng’. Tuy nhiên, Phụ lục VII quy định rằng “việc vắng mặt của một bên hoặc việc một bên không thực hiện việc biện hộ không tạo nên bất kỳ rào cản nào cho tiến trình tố tụng”. Phụ lục VII cũng quy định rằng trong trường hợp một bên không tham gia vào tiến trình tố tụng, Toà Trọng tài “phải chắc chắn rằng Toà có thẩm quyền giải quyết vụ tranh chấp cũng như nội dung kiện phải được chứng minh đầy đủ cả về mặt pháp lý và thực tế”. Theo đó, trong suốt quá trình tố tụng, Toà Trọng tài đã thực hiện các biện pháp cần thiết để kiểm tra tính xác thực của các đệ trình do Phi-líp-pin đưa ra, bao gồm cả việc yêu cầu Phi-líp-pin cung cấp thêm các lập luận, đặt ra các câu hỏi cho Phi-líp-pin trước và trong hai phiên tranh tụng, chỉ định các chuyên gia độc lập có nhiệm vụ báo cáo Toà về các vấn đề kỹ thuật và thu thập các bằng chứng về mặt lịch sử liên quan đến các cấu trúc tại Biển Đông và chuyển các bằng chứng này để bên bình luận.

Trung Quốc, thông qua Bản Tuyên bố lập trường ban hành tháng 12 năm 2014 cũng như các các tuyên bố chính thức khác, cũng tuyên bố rõ ràng rằng theo quan điểm của nước này, Toà Trọng tài không có thẩm quyền giải quyết vụ kiện. Điều 288 của Công ước quy định: ‘Trong trường hợp xảy ra tranh chấp về việc liệu một toà hay một cơ quan trọng tài có hay không có thẩm quyền, vấn đề này sẽ do chính toà hay cơ quan trọng tài đó quyết định’. Theo đó, Toà Trọng tài đã tổ chức một phiên tranh tụng về thẩm quyền và khả năng thụ lý vụ việc vào tháng 7 năm 2015 và ban hành một Phán quyết về thẩm quyền và khả năng thụ lý vụ việc vào ngày 29 tháng 10 năm 2015, quyết định về một số vấn đề liên quan đến thẩm quyền và sẽ để lại một số vấn đề đê tiếp tục xem xét. Toà Trọng tài, sau đó, tiếp tục triệu tập và tổ chức một phiên tranh tụng về các vấn đề nội dung của vụ kiện từ ngày 24 đến 30 tháng 11 năm 2015.

Phán quyết được ban hành hôm nay giải quyết các vấn đề về thẩm quyền mà Toà chưa quyết định trong Phán quyết về thẩm quyền và khả năng thụ lý vụ việc cũng như giải quyết các vấn đề về nội dung thực chất đối với các yêu cầu mà Phi-líp-pin nằm trong thẩm quyền của Toà. Theo quy định tại Điều 296 của Công ước và Điều 11 của Phụ lục VII Phán quyết này có tính ràng buộc pháp lý và có tính chung thẩm.

Quyền lịch sử và Đường 9 đoạn:


Toà Trọng tài nhận thấy có thẩm quyền để xem xét tranh chấp giữa các bên liên quan đến quyền lịch sử và nguồn của quyền hưởng các vùng biển tại Biển Đông. Về mặt nội dung thực chất, Toà kết luận rằng Công ước quy định một cách toàn diện về các quyền đối với các vùng biển, và việc bảo vệ các quyền tồn tại trước Công ước liên quan đến tài nguyên đã được xem xét, nhưng chúng không được thông qua và quy định tại Công ước. Theo đó, Tòa kết luận rằng trong phạm vi quyền lịch sử của Trung Quốc đối với các nguồn tài nguyên trong các vùng biển ở Biển Đông, quyền này bị xóa bỏ do chúng không phù hợp với chế định vùng đặc quyền kinh tế trong Công ước. Toà cũng nhận thấy dù trong lịch sử, những người đi biển cũng như ngư dân từ Trung Quốc cũng như từ các nước khác đã sử dụng các đảo tại Biển Đông nhưng không có bất kỳ bằng chứng nào cho thấy về mặt lịch sử Trung Quốc đã chỉ một mình thực hiện việc kiểm soát vùng nước này cũng như tài nguyên tại đây. Vì vậy, Toà kết luận không có cơ sở pháp lý để Trung Quốc yêu sách quyền lịch sử đối với tài nguyên tại các vùng biển phía bên trong đường 9 đoạn.


Quy chế của các cấu trúc:


Tiếp theo, Toà Trọng tài xem xét đến quyền hưởng các vùng biển và quy chế của các cấu trúc. Trước tiên, Toà tiến hành đánh giá liệu một số bãi do Trung Quốc yêu sách có nổi khi thuỷ triều lên đỉnh hay không. Các cấu trúc nổi khi thủy triều lên cao sẽ tạo ra quyền ít nhất đối với lãnh hải 12 hải lý trong khi các cấu trúc chìm khi thuỷ triều lên cao sẽ không tạo ra quyền như vậy. Toà nhận thấy rằng các bãi này đã bị làm biến đổi mạnh mẽ do việc bồi đắp, xây dựng và Toà cũng nhắc lại rằng Công ước phân loại các cấu trúc dựa trên điều kiện tự nhiên của chúng và dựa vào các tài liệu lịch sử để đánh giá các cấu trúc. Sau đó, Toà tiến hành đánh giá liệu các có cấu trúc nào trong số các cấu trúc do Trung Quốc yêu sách có thể tạo ra vùng biển ngoài phạm vi 12 hải lý không. Theo Công ước, các đảo tạo ra vùng đặc quyền kinh tế 200 hải lý và thềm lục địa nhưng các “đảo đá không thích hợp cho con người đến ở và có đời sống kinh tế riêng không có vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa”. Toà kết luận rằng quy định này phụ thuộc vào khả năng khách quan của các cấu trúc khi chúng ở tình trạng tự nhiên để có thể duy trì một cộng đồng dân cư ổn định hoặc các hoạt động kinh tế mà không phụ thuộc vào các nguồn lực từ bên ngoài hoặc hoàn toàn chỉ có tính chất khai thác. Toà cũng nhận thấy rằng sự có mặt của các nhân viên công vụ trên các cấu trúc là phụ thuộc vào sự hỗ trợ từ bên ngoài và không phản ánh khả năng của các cấu trúc. Toà cũng thấy rằng các bằng chứng lịch sử có ý nghĩa hơn và nhận thấy quần đảo Trường Sa trong lịch sử được sử dụng bởi một số nhóm nhỏ các ngư dân và rằng đã có một vài hoạt động khai thác phân dơi và đánh cá của Nhật Bản. Toà kết luận rằng việc việc sử dụng ngắn hạn như vậy không phải là sự định cư của một cộng đồng ổn định và rằng các hoạt động kinh tế trong lịch sử chỉ là hoạt động mang tính khai thác. Theo đó, Toà kết luận rằng không một cấu trúc nào tại Trường Sa có khả năng tạo ra các vùng biển mở rộng. Toà cũng quyết định rằng các đảo Trường Sa không thể cùng nhau tạo ra các vùng biển như một thực thể thống nhất. Trên cơ sở kết luận không một cấu trúc nào mà Trung Quốc yêu sách có khả năng tạo ra vùng đặc quyền kinh tế, Toà nhận thấy Tòa có thể không cần phải phân định ranh giới biển mà vẫn có thể tuyên bố rằng một số vùng biển nằm trong vùng đặc quyền kinh tế của Phi-líp-pin vì không bị chồng lấn với bất cứ quyền hưởng vùng biển nào mà Trung Quốc có thể có.

Tính hợp pháp của các hoạt động của Trung Quốc:


Tiếp theo, Toà xem xét tới tính hợp pháp của các hoạt động của Trung Quốc ở Biển Đông. Nhận thấy rằng các vùng nhất định nằm trong vùng đặc quyền kinh tế của Phi-líp-pin, Toà cho rằng Trung Quốc đã vi phạm quyền chủ quyền của Phi-líp-pin trong vùng đặc quyền kinh tế của nước này bằng việc (a) can thiệp vào hoạt động đánh cá và thăm dò dầu khí của Phi-líp-pin, (b) xây dựng đảo nhân tạo và (c) không ngăn chặn ngư dân Trung Quốc đánh bắt ở khu vực này. Toà cũng khẳng định rằng ngư dân từ Phi-líp-pin (cũng như ngư dân từ Trung Quốc) đã có quyền đánh cá truyền thống ở Bãi Scarborough và rằng Trung Quốc đã ngăn chặn các quyền này bằng cách hạn chế việc tiếp cận khu vực này. Toà cũng khẳng định rằng các tàu chấp pháp của Trung Quốc gây ra một rủi ro va chạm nghiêm trọng một cách bất hợp pháp khi họ đã trực tiếp cản trở các tàu của Phi-líp-pin.

Gây hại cho môi trường biển:


Tòa xem xét ảnh hưởng với môi trường biển của các hoạt động bồi đắp và xây dựng nhân tạo trên 7 cấu trúc của Quần đảo Trường Sa gần đây của Trung Quốc, và nhận thấy rằng Trung Quốc đã gây hại nghiêm trọng với môi trường của các rặng san hô và vi phạm nghĩa vụ bảo tồn và bảo vệ các hệ sinh thái dễ bị tổn thương và môi trường sống của các loài đang suy yếu, bị đe dọa và bị huỷ diệt. Toà cũng cho rằng nhà chức trách Trung Quốc đã nhận thức được việc ngư dân Trung Quốc đã đánh bắt các loài rùa biển, san hô và trai khổng lồ quý hiếm trên diện rộng ở Biển Đông (bằng các biện pháp gây ra tổn hại nghiêm trọng với môi trường rặng san hô) và đã không thực hiện các nghĩa vụ của nước này trong việc ngăn chặn và chấm dứt các hoạt động này.

Làm trầm trọng thêm tranh chấp:


Cuối cùng, Tòa xem xét liệu các hoạt động của Trung Quốc kể từ khi Tòa bắt đầu xem xét vụ việc có làm trầm trọng thêm tranh chấp giữa các bên hay không. Toà nhận thấy rằng Toà thiếu thẩm quyền để xem xét tác động của vụ đối đầu giữa tàu hải quân của Phi-líp-pin và tàu hải quân và chấp pháp của Trung Quốc ở Bãi cạn Second Thomas, cho rằng tranh chấp này liên quan đến các hoạt động quân sự và do vậy, nằm ngoài cơ chế giải quyết tranh chấp bắt buộc. Tuy nhiên, Toà nhận thấy rằng việc bồi đắp và xây dựng đảo nhân tạo trên quy mô lớn của Trung Quốc gần đây là không phù hợp với nghĩa vụ của quốc gia thành viên Công ước trong quá trình giải quyết tranh chấp, trong chừng mực mà Trung Quốc đã gây ra những tác hại không thể sửa chữa được với môi trường biển, xây dựng một đảo nhân tạo lớn trong vùng đặc quyền kinh tế của Phi-líp-pin, và phá huỷ các bằng chứng về điều kiện tự nhiên của các cấu trúc ở Biển Đông mà là một phần của tranh chấp giữa các Bên.

Tóm tắt mở rộng của phán quyết của Toà sẽ được trình bày dưới đây.

Toà được thành lập vào ngày 21 tháng 6 năm 2013, phù hợp với chu trình được quy định trong Phụ lục VII Công ước Luật biển, để đưa ra phán quyết về tranh chấp được đệ trình bởi Phi-líp-pin. Toà bao gồm Thẩm phán người Ghana Thomas A. Mensah, Thẩm phán người Pháp Jean-Pierre Cot, Thẩm phán người Phần Lan Stanislaw Pawlak, Giáo sư người Hà Lan Alfred H.A. Soons và Thẩm phán người Đức Rüdiger Wolfrum. Thẩm phán Thomas A. Mensah là Chủ tịch Tòa Trọng tài. Toà Trọng tài thường trực là cơ quan đăng ký trong quá trình xét xử.

Thông tin thêm về vụ việc có thể được tìm thấy ở trang www.pcacases.com/web/view/7, bao gồm Phán quyết về Thẩm quyền, các Quy tắc về thủ tục, các Thông cáo báo chí trước đây, biên bản phiên toà và ảnh. Trình tự thủ tục, đệ trình bởi Phi-líp-pin. và các báo của của chuyên gia của Toà sẽ được công bố trong một thời gian thích hợp, cũng như bản dịch không chính thức bằng tiếng Trung của Phán quyết của Toà.


TÓM TẮT PHÁN QUYẾT CỦA TÒA TRỌNG TÀI VỀ THẨM QUYỀN XÉT XỬ VÀ VỀ NỘI DUNG CÁC ĐỆ TRÌNH CỦA PHI-LÍP-PIN


1. Thông tin cơ bản về Vụ kiện Trọng tài


Vụ kiện Trọng tài Biển Đông giữa Phi-líp-pin và Trung Quốc liên quan đến đơn kiện của Phi-líp-pin đề nghị phán quyết về bốn vấn đề liên quan đến mối quan hệ giữa Phi-líp-pin và Trung Quốc ở Biển Đông. Thứ nhất, Phi-líp-pin muốn Tòa phán quyết về nguồn luật quy định quyền và nghĩa vụ của các bên trên Biển Đông và hiệu lực của Công ước Liên hợp Quốc về Luật Biển (Công ước) đối với yêu sách về quyền lịch sử bên trong cái gọi là “đường chín đoạn” của Trung Quốc. Thứ hai, Phi-líp-pin muốn Tòa phán quyết về liệu một số cấu trúc mà cả Trung Quốc và Phi-líp-pin cùng yêu sách được xác định chính xác là đảo, đảo đá, bãi cạn lúc nổi lúc chìm hay bãi chìm theo Công ước. Quy chế pháp lý của các cấu trúc này theo Công ước quyết định vùng biển mà những cấu trúc đó có thể có được. Thứ ba, Phi-líp-pin muốn Tòa phán quyết liệu một số hành động của Trung Quốc ở Biển Đông có vi phạm Công ước không khi can thiệp vào việc Phi-líp-pin thực thi các quyền chủ quyền và quyền tự do phù hợp với Công ước, cũng như Trung Quốc đã làm tổn hại đến môi trường biển thông qua các hoạt động đánh cá và xây dựng. Cuối cùng, Phi-líp-pin muốn Tòa phán quyết về một số hoạt động do Trung Quốc tiến hành, cụ thể là việc cải tạo đất quy mô lớn và xây dựng đảo nhân tạo ở Trường Sa kể từ khi vụ kiện bắt đầu đến nay đã làm mở rộng và làm phức tạp thêm tranh chấp.

Chính phủ Trung Quốc theo quan điểm không chấp nhận và không tham gia vào trình tự tố tụng của vụ kiện. Trung Quốc đã nhắc lại quan điểm trong các công hàm ngoại giao, trong “Tài liệu lập trường của Chính phủ Cộng hòa nhân dân Trung Hoa về vấn đề thẩm quyền trong Vụ kiện Trọng tài Biển Đông do Cộng hòa Phi-líp-pin khởi xướng” đề ngày 7/12/2014 (“Tài liệu lập trường của Trung Quốc”), trong thư của Đại sứ Trung Quốc tại Vương quốc Hà Lan gửi các thành viên của Tòa Trọng tài và trong rất nhiều tuyên bố công khai. Chính phủ Trung Quốc đã bày tỏ rõ quan điểm rằng các tuyên bố và tài liệu đó “không thể được giải thích là Trung Quốc tham gia vào quá trình tố tụng của vụ kiện dưới bất kỳ hình thức nào”.

Trong Công ước có hai điều khoản xư lý tình huống một bên phản đối thẩm quyền của Tòa Trọng tài và từ chối tham gia vào trình tự tố tụng:

(a) Điều 288 của Công ước quy định: “Trong trường hợp có sự tranh cãi về vấn đề một tòa án hoặc trọng tài có thẩm quyền hay không, thì vấn đề này do tòa án đó quyết định.”

(b) Điều 9 Phụ lục VII, Công ước quy định:

“Khi một trong các bên trong vụ tranh chấp không ra Tòa trọng tài hoặc không trình bày các lý lẽ của mình, thì bên kia có thể yêu cầu Tòa tiếp tục trình tự tố tụng và ra phán quyết. Việc một bên vắng mặt hay việc một bên không trình bày các lý lẽ của mình không cản trở cho trình tự tố tụng. Trước khi ra phán quyết, Tòa Trọng tài cần phải biết chắc chắn rằng không những Tòa có thẩm quyền xét xử vụ tranh chấp mà còn chắc rằng đơn kiện có cơ sở về mặt thực tế và pháp lý.”

Trong suốt quá trình tố tụng, Tòa Trọng tài đã tiến hành một số biện pháp nhằm hoàn thành nghĩa vụ về việc phải tự mình bảo đảm rằng Tòa có thẩm quyền và rằng nội dung kiện của Phi-líp-pin là “có cơ sở về mặt thực tế và pháp lý”. Về vấn đề thẩm quyền, Tòa đã quyết định xem các trao đổi không chính thức của Trung Quốc tương đương với ý kiến phản đối thẩm quyền, Tòa đã tổ chức Tranh tụng riêng về Thẩm quyền và Khả năng thụ lý diễn ra từ ngày 7-13/7/2015, đặt câu hỏi cho Phi-líp-pin cả trước và trong phiên tòa về thẩm quyền, bao gồm các vấn đề có thể chưa được nêu trong các trao đổi không chính thức của Trung Quốc và Tòa đã ra Phán quyết về Thẩm quyền và Khả năng thụ lý vào ngày 29/10/2015 (“Phán quyết về thẩm quyền”), theo đó quyết định một số đệ trình mà Tòa có thẩm quyền và các đệ trình khác được hoãn lại để xem xét chung với các vấn đề về nội dung thực chất. Về vấn đề nội dung, Tòa đã tìm cách kiểm tra độ xác thực của các đệ trình của Phi-líp-pin bằng cách yêu cầu nước này nộp thêm văn ban bổ sung, Tòa đã tổ chức phiên tranh tụng về riêng nội dung thực chất diễn ra từ ngày 24-30/11/2015, đặt câu hỏi cho Phi-líp-pin về những nôi dung khởi kiện cả trước và trong phiên tranh tụng, chỉ định các chuyên gia độc lập đê báo cáo cho Tòa về các vấn đề kỹ thuật, và Toà đã thu thập các ghi chép lịch sử, dữ liệu điều tra thủy văn về Biển Đông trong kho lưu trữ của Văn phòng Thủy văn Anh Quốc, Thư viện Quốc gia Pháp, và Trung tâm lưu trữ Hải ngoại Quốc gia Pháp cũng như cung cấp các tài liệu này, cùng các tài liệu liên quan đến từ các nguồn mở cho các bên trong vụ kiện để các bên đưa ra bình luận.

2. Lập trường của các bên


Phi-líp-pin đã đưa ra 15 đệ trình trong vụ kiện, yêu cầu Tòa xác định: 

1) Phạm vi các vùng biển mà Trung Quốc có quyền được hưởng trên Biển Đông, cũng giống như của Phi-líp-pin, không thể vượt ra ngoài những gì được Công ước của Liên hợp quốc về Luật Biển (“UNCLOS” hay “Công ước”) cho phép;

2) Các yêu sách của Trung Quốc về các quyền chủ quyền và quyền tài phán, và đối với “các quyền lịch sử”, đối với các vùng biển trên Biển Đông nằm bên trong gọi là “đường chín đoạn” là trái với Công ước và không có hiệu lực pháp lý trong chừng mực mà chúng vượt quá các giới hạn địa lý và thực chất của các vùng biển mà Trung Quốc có quyền được hưởng theo UNCLOS;

3) Bãi Scarborough không được hưởng vùng đặc quyền kinh tế hay thềm lục địa riêng;

4) Bãi Vành Khăn (Mischief Reef), bãi Cỏ Mây (Second Thomas Shoal) và đá Xu-bi (Subi Reef) đều là các bãi cạn nửa nổi, nửa chìm và chúng không thể có lãnh hải, vùng đặc quyền kinh tế hay thềm lục địa, đồng thời không phải là các cấu trúc có thể bị thụ đắc thông qua chiếm đóng hay thông qua cách khác;

5) Bãi Vành Khăn (Mischief Reef) và bãi Cỏ Mây (Second Thomas Shoal) là một phần của vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Phi-líp-pin;

6) Đá Ga-ven (Gaven Reef) và đá Ken-nan (McKennan Reef) (bao gồm cả đá Huy-gơ (Hughes Reef)) là các bãi cạn nửa nổi nửa chìm, không thể có lãnh hải, vùng đặc quyền kinh tế hay thềm lục địa, nhưng ngấn nước thấp nhất của chúng có thể được dùng để lần lượt xác định đường cơ sở để tính chiều rộng lãnh hải của đảo Nam Yết (Namyit) và Sinh Tồn (Sin Cowe);

7) Bãi Gạc Ma (Johnson Reef), đá Châu Viên (Cuarteron Reef) và đá Chữ Thập (Fiery Cross Reef) không thể được hưởng vùng đặc quyền kinh tế hay thềm lục địa;

8) Trung Quốc đã can thiệp một cách bất hợp pháp tới việc Phi-líp-pin hưởng và thực thi các quyền chủ quyền của mình liên quan đến các nguồn tài nguyên sinh vật và phi sinh vật trong vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Phi-líp-pin;

9) Trung Quốc đã hành động một cách bất hợp pháp khi không ngăn cản công dân và tàu thuyền của mình khai thác các nguồn tài nguyên sinh vật trong vùng đặc quyền kinh tế của Phi-líp-pin;

10) Trung Quốc đã ngăn cản một cách bất hợp pháp việc ngư dân Phi-líp-pin theo đuổi sinh kế bằng việc can thiệp vào các hoạt động đánh bắt cá truyền thống tại bãi Scarborough;

11) Trung Quốc đã vi phạm nghĩa vụ theo Công ước trong việc bảo vệ và bảo tồn môi trường biển ở bãi Scarborough và bãi Cỏ Mây;

12) Việc Trung Quốc chiếm đóng và tiến hành các hoạt động xây dựng tại bãi Vành Khăn:

(a) vi phạm các điều khoản của Công ước liên quan đến các đảo nhân tạo, thiết bị và công trình;

(b) vi phạm nghĩa vụ của Trung Quốc trong việc bảo vệ và bảo tồn môi trường biển theo Công ước; và

(c) cấu thành những hành vi bất hợp pháp trong việc cố tình chiếm đoạt theo cách vi phạm Công ước;

13) Trung Quốc đã vi phạm các nghĩa vụ theo Công ước trong việc sử dụng các tàu chấp pháp một cách nguy hiểm, gây ra nguy cơ nghiêm trọng về va chạm với tàu Phi-líp-pin hoạt động xung quanh bãi Scarborough;

14) Từ khi vụ kiện trọng tài này được bắt đầu vào tháng 1/2013, Trung Quốc đã làm trầm trọng thêm và mở rộng các tranh chấp thông qua các việc sau:

(a) can thiệp vào các quyền hàng hải của Phi-líp-pin trong vùng nước tại và tiếp giáp bãi Cỏ Mây;

(b) ngăn cản việc luân chuyển và tiếp tế cho lực lượng của Phi-líp-pin đồn trú tại bãi Cỏ Mây; và

(c) đe dọa đến sức khỏe và  đời sống của lực lượng của Phi-líp-pin đồn trú tại bãi Cỏ Mây;

15) Trung Quốc phải chấm dứt có thêm các yêu sách và hành động phi pháp.

Liên quan đến thẩm quyền của Tòa, Phi-líp-pin đã đề nghị Tòa tuyên bố rằng các yêu sách của Phi-líp-pin là “hoàn toàn nằm trong thẩm quyền và khả năng thụ lý của Tòa”.

Trung Quốc không chấp nhận và không tham gia vào vụ kiện này, nhưng tuyên bố lập trường của mình là “Tòa trọng tài không có thẩm quyền đối với vụ kiện này”. Trong Tài liệu lập trường của mình, Trung Quốc đã đưa ra các lập luận sau:

- Bản chất của vụ kiện là chủ quyền lãnh thổ đối với một số cấu trúc biển ở Biển Đông, vấn đề này nằm ngoài phạm vi của Công ước và không liên quan đến việc giải thích hay áp dụng Công ước;

- Trung Quốc và Phi-líp-pin đã thống nhất, thông qua các thỏa thuận song phương và Tuyên bố về cách ứng xử của các bên ở Biển Đông, giải quyết các tranh chấp liên quan thông qua thương lượng. Việc Phi-líp-pin đơn phương khơi kiện tòa trọng tài này là vi phạm nghĩa vụ theo quy định của luật pháp quốc tế;

- Ngay cả khi giả định rằng nội dung cua vụ kiện liên quan đến giải thích và áp dụng Công ước, các nội dung này là một phần không tách rời của quá trình phân định biển giữa hai quốc gia, như vậy sẽ rơi vào trường hợp tuyên bố năm 2006 của Trung Quốc phù hợp với Công ước, tong đó loại trừ các tranh chấp về phân định biển khỏi cơ chế trọng tài bắt buộc hay các cơ chế giải quyết tranh chấp bắt buộc khác;

Mặc dù Trung Quốc không đưa ra các tuyên bố chính thức tương ứng với phần lớn các đệ trình của Phi-líp-pin, trong quá trình tố tụng Tòa đã cố gắng xác định lập trường của Trung Quốc  trên cơ sở các tuyên bố công khai và thư tín ngoại giao.

3. Phán quyết của Tòa về Phạm vi thẩm quyền


Tòa đã xem xét vấn đề phạm vi thẩm quyền xét xử các yêu sách của Phi-líp-pin ở cả Phán quyết về Thẩm quyền, ở chừng mực mà các vấn đề về thẩm quyền có thể được xác định như một vấn đề ban đầu, và trong Phán quyết ngày 12 tháng 7 năm 2016, ở chừng mực mà các vấn đề về thẩm quyền đan xen với các nội dung thực chất của các yêu sách của Phi-líp-pin. Phán quyết ngày 12/7/2016 của Tòa cũng lồng ghép và tái khẳng định các quyết định về thẩm quyền được đưa ra trong Phán quyết về Thẩm quyền.

Để có bức tranh hoàn chỉnh, các quyết định của Tòa về thẩm quyền trong cả hai phán quyết được tóm tắt chung ở đây.

a. Các vấn đề ban đầu


Trong Phán quyết về Thẩm quyền, Tòa đã xem xét một số những vấn đề ban đầu liên quan đến thẩm quyền của Tòa. Tòa nhận thấy rằng cả Phi-líp-pin và Trung Quốc đều là thành viên Công ước và Công ước không cho phép một Quốc gia tự loại trừ mình khỏi cơ chế giải quyết tranh chấp được quy định trong Công ước. Tòa cho rằng việc Trung Quốc không tham gia vào vụ kiện không tước bỏ thẩm quyền của Tòa và Tòa đã được thành lập đúng với  các điều khoản của Phụ lục VII của Công ước, trong đó bao gồm một thủ tục thành lập tòa ngay cả trong trường hợp một bên vắng mặt. Cuối cùng, Tòa đã không công nhận lập luận được nêu trong Tài liệu lập trường của Trung Quốc và cho rằng chi riêng việc đơn phương khởi kiện không thể được coi là sự lạm dụng đối với Công ước.

b. Sự tồn tại của một Tranh chấp Liên quan đến Giải thích và Áp dụng Công ước


Trong Phán quyết về Thẩm quyền, Tòa đã xem xét liệu tranh chấp của các Bên có liên quan đến việc giải thích hay áp dụng Công ước hay không, đây là một điều kiện để sử dụng các cơ chế của Công ước.

Tòa đã bác bỏ lập luận nêu trong Tài liệu lập trường của Trung Quốc rằng tranh chấp của các Bên thực ra là về chủ quyền lãnh thổ và do đó không phải là một vấn đề liên quan đến Công ước. Tòa chấp nhận rằng tồn tại một tranh chấp giữa các Bên liên quan đến chủ quyền đối với các đảo ở Biển Đông, nhưng Tòa cho rằng các vấn đề được Phi-líp-pin đệ trình để giải quyết bằng trọng tài lại không liên quan đến chủ quyền. Tòa cho rằng không cần thiết phải ngầm quyết định về chủ quyền để có thể xem xét các Đệ trình của Phi-líp-pin và rằng việc xem xét đó sẽ không hỗ trợ cho các yêu sách chủ quyền của bất kỳ Bên nào đối với các đảo ở Biển Đông. 

Tòa cũng bác bỏ lập luận nêu trong Tài liệu lập trường của Trung Quốc rằng tranh chấp của các Bên thực tế là về phân định ranh giới biển và do đó bị loại khỏi cơ chế giải quyết tranh chấp bởi Điều 298 của Công ước và bởi một tuyên bố của Trung Quốc vào ngày 25/8/2006 theo Điều khoản này. Tòa nhận thấy rằng một tranh chấp về việc liệu một Quốc gia có quyền đối với một vùng biển hay không là một vấn đề hoàn toàn khác biệt so với vấn đề phân định các vùng biển ở một khu vực mà các vùng biển này chồng lấn.Tòa nhận thấy rằng các quyền được hưởng vùng biển, cùng với nhiều vấn đề khác, thường được xem xét trong việc phân định ranh giới, nhưng cũng có thể phát sinh trong những bối cảnh khác.Tòa quyết định là từ đó không thể kết luận rằng một tranh chấp đối với từng vấn đề trên có thể coi là tranh chấp về phân định ranh giới.

Cuối cùng, Tòa quyết định rằng các Đệ trình của Phi-líp-pin đều phản ánh một tranh chấp liên quan đến Công ước. Với quyết định đó, Tòa đã nhấn mạnh rằng (a) tranh chấp liên quan đến sự tương tác giữa Công ước và các quyền khác (bao gồm bất kỳ “quyền lịch sử” nào của Trung Quốc) là một tranh chấp liên quan đến Công ước và (b) do Trung Quốc không nêu rõ quan điểm của mình, sự tồn tại của một tranh chấp có thể được hàm ý từ hành vi của một Quốc gia hoặc từ sự im lặng, và đây là một vấn đề cần phải được xem xét một cách khách quan.

c. Sự tham gia của Bên thứ ba không thể thiếu


Trong Phán quyết về Thẩm quyền, Tòa đã xem xét việc các Quốc gia khác  cũng có yêu sách đối với các đảo ở Biển Đông không tham gia vào vụ kiện trọng tài có cản trở thẩm quyền của Tòa hay không. Tòa thấy rằng quyền của các Quốc gia khác sẽ không cấu thành “nội dung chính của phán quyết” – tiêu chuẩn để bên thứ ba có thể được coi là không thể thiếu. Tòa cũng lưu ý thêm rằng vào tháng 12/2014, Việt Nam đã đệ trình một tuyên bố lên Tòa, trong đó Việt Nam tuyên bố rằng “không nghi ngờ gì Tòa có thẩm quyền trong vụ kiện này”. Tòa cũng lưu ý rằng Việt Nam, Malaysia và Indonesia đã dự các phiên tòa về thẩm quyền với tư cách quan sát viên, và không Quốc gia nào nêu lên lập luận rằng sự tham gia của mình là không thể thiếu.

Trong Phán quyết ngày 12/7/2016, Tòa lưu ý rằng Tòa đã nhận được công hàm của Malaysia ngày 23/6/2016, trong đó nêu lại những yêu sách của Malaysia ở Biển Đông. Tòa đã so sánh những phán quyết về nội dung thực chất của Đệ trình của Phi-líp-pin với các quyền mà Malaysia yêu sách và tái khẳng định quyết định của mình rằng Malaysia không phải là một bên không thể thiếu và rằng lợi ích của Malaysia ở Biển Đông không ngăn cản việc Tòa xem xét các Đệ trình của Phi-líp-pin.

d. Điều kiện tiên quyết đối với thẩm quyền


Trong Phán quyết về Thẩm quyền, Tòa đã xem xét khả năng áp dụng Điều 281 và 282 của Công ước, là những điều khoản có thể ngăn một Quốc gia sử dụng các cơ chế theo Công ước nếu những quốc gia đó đã đồng ý về việc sư dụng biện pháp khác để giải quyết tranh chấp.

Tòa đã bác bỏ lập luận nêu trong Tài liệu lập trường của Trung Quốc rằng Tuyên bố về Ứng xử của các Bên ở Biển Đông năm 2002 ngăn Phi-líp-pin khởi kiện trọng tài. Tòa cho rằng Tuyên bố trên là một thỏa thuận chính trị và không ràng buộc về pháp lý, không định ra một cơ chế giải quyết tranh chấp một cách ràng buộc, không loại trừ các biện pháp giải quyết tranh chấp khác, và do đó không hạn chế thẩm quyền của Tòa theo Điều 281 hay 282. Tòa cũng đã xem xét Hiệp ước Thân thiện và Hợp tác ở Đông Nam Á, Công ước về Đa dạng sinh học và một loạt các tuyên bố chung của Phi-líp-pin và Trung Quốc về việc giải quyết tranh chấp thông qua đàm phán và kết luận rằng những văn kiện này đều không cấu thành một thỏa thuận có tác dụng ngăn Phi-líp-pin khởi kiện ra trọng tài.

Tòa cũng cho rằng các Bên đã trao đổi quan điểm của mình liên quan đến việc giải quyết các tranh chấp, theo như yêu cầu của Điều 283 của Công ước, trước khi Phi-líp-pin khởi kiện trọng tài. Tòa kết luận rằng điều kiện này đã được đáp ứng theo hồ sơ về trao đổi ngoại giao giữa Phi-líp-pin và Trung Quốc, trong đó Phi-líp-pin đã thể hiện quan điểm muốn lựa chọn đàm phán đa phương, có sự tham gia của cả những Quốc gia khác xung quanh Biển Đông, trong khi Trung Quốc một mực quyết định rằng chỉ có các cuộc đàm phán song phương mới được xem xét.

e. Ngoại lệ và giới hạn của thẩm quyền


Trong phán quyết ngày 12/7/2016, Tòa đã xem xét liệu Đệ trình của Phi-líp-pin liên quan đến các quyền lịch sử của Trung Quốc và ‘đường chín đoạn’ có bị ảnh hưởng bởi việc loại trừ khỏi thẩm quyền các tranh chấp liên quan đến ‘danh nghĩa lịch sử’ theo Điều 298 của Công ước hay không. Tòa đã rà soát nghĩa của cụm từ ‘danh nghĩa lịch sử’ trong luật biển và quyết định là thuật ngữ này dẫn chiếu đến những yêu sách về chủ quyền lịch sử đối với các vịnh và vùng biển gần bờ. Sau khi xem xét các yêu sách và hành vi của Trung Quốc ở Biển Đông, Tòa kết luận rằng Trung Quốc đã yêu sách quyền lịch sử đối với các tài nguyên trong ‘đường chín đoạn’, nhưng không yêu sách danh nghĩa lịch sử đối với các vùng biển ở Biển Đông. Do đó, Tòa kết luận rằng Tòa có thẩm quyền để xem xét các nội dung kiện của Phi-líp-pin liên quan đến quyền lịch sử và về vấn đề ‘đường chín đoạn’ giữa Phi-líp-pin và Trung Quốc.

Trong Phán quyết ngày 12/7/2016, Tòa cũng xem xét liệu các Đệ trình của Phi-líp-pin có bị ảnh hưởng bởi việc loại trừ khỏi thẩm quyền theo Điều 298 những tranh chấp liên quan đến phân định ranh giới biển. Trong Phán quyết về Thẩm quyền, Tòa đã kết luận rằng các Đệ trình của Phi-líp-pin không liên quan đến việc phân định ranh giới, nhưng cũng lưu ý rằng một vài điểm trong Đệ trình của Phi-líp-pin phụ thuộc vào một số khu vực nhất định có cấu thành một phần vùng đặc quyền kinh tế của Phi-líp-pin không. Tòa quyết định rằng Tòa chỉ có thể xem xét những đệ trình đó nếu  Trung Quốc không có khả năng được hưởng một vùng đặc quyền kinh tế chồng lấn với vùng đặc quyền kinh tế của Phi-líp-pin và đã hoãn đưa ra quyết định cuối cùng về thẩm quyền. Trong Phán quyết ngày 12/7/2016, Tòa đã xem xét các bằng chứng về các bãi và đảo mà Trung Quốc yêu sách ở Biển Đông và kết luận rằng không một đảo, bãi nào có khả năng được hưởng vùng đặc quyền kinh tế. Do Trung Quốc không có khả năng được hưởng vùng đặc quyền kinh tế chồng lấn với vùng đặc quyền kinh tế của Phi-líp-pin ở quần đảo Trường Sa, Tòa quyết định là các đệ trình của Phi-líp-pin không phụ thuộc vào việc phân định trước ranh giới.

Trong Phán quyết ngày 12/7/2016, Tòa cũng xem xét liệu Đệ trình của Phi-líp-pin có bị ảnh hưởng việc loại trừ khỏi thẩm quyền theo Điều 298 những tranh chấp liên quan đến hoạt động của cơ quan thi hành pháp luật ở vùng đặc quyền kinh tế hay không. Tòa nhắc lại rằng ngoại lệ ở Điều 298 chỉ có thể áp dụng nếu Đệ trình của Phi-líp-pin liên quan đến hoạt động của cơ quan thi hành pháp luật ở vùng đặc quyền kinh tế của Trung Quốc. Tuy nhiên, do Đệ trình của Phi-líp-pin liên quan đến các sự kiện diễn ra trong chính vùng đặc quyền kinh tế của Phi-líp-pin hoặc ở vùng lãnh hải, Tòa đã kết luận rằng Điều 298 không gây cản trở đối với thẩm quyền của mình.

Cuối cùng, trong Phán quyết ngày 12/7/2016, Tòa đã xem xét liệu các đệ trình của Phi-líp-pin có bị ảnh hưởng bởi việc loại trừ khỏi thẩm quyền theo Điều 298 những tranh chấp liên quan đến hoạt động quân sự hay không. Tòa quyết định là sự đụng độ giữa lực lượng lính thủy đánh bộ của Phi-líp-pin ở Bãi Cỏ Mây và hải quân, lực lượng thực thi pháp luật của Trung Quốc đã cấu thành các hoạt động quân sự và kết luận rằng Tòa không có thẩm quyền đối với Đệ trình số 14(a)-(c). Tòa cũng xem xét liệu các hoạt động cải tạo và xây dựng đảo nhân tạo ở bảy cấu trúc thuộc quần đảo Trường Sa có cấu thành hoạt động quân sự hay không, nhưng lưu ý rằng Trung Quốc đã liên tục nhấn mạnh bản chất phi quân sự của những hoạt động của mình và đã tuyên bố ở cấp cao nhất rằng Trung Quốc sẽ không quân sự hóa sự hiện diện của mình trên Trường Sa. Tòa đã quyết định rằng Tòa sẽ không coi các hoạt động trên có tính quân sự khi mà bản thân Trung Quốc đã liên tục khẳng định điều ngược lại. Do đó, Tòa kết luận rằng Điều 298 không cản trở thẩm quyền của Tòa.


4. Phán quyết của Tòa liên quan đến Nội dung khởi kiện thực chất của Phi-líp-pin


a. ‘Đường chín đoạn’ và Yêu sách Quyền lịch sử của Trung Quốc trên các vùng biển thuộc Biển Đông


Trong Phán quyết ngày 12/7/2016, Tòa đã xem xét đến giá trị của ‘đường chín đoạn’ của Trung Quốc và liệu Trung Quốc có quyền lịch sử đối với các tài nguyên ở Biển Đông bên ngoài giới hạn của các vùng biển mà nước này được hưởng theo Công ước hay không.

Tòa đã xem xét lịch sử của Công ước và những điều khoản của nó liên quan đến các vùng biển và kết luận rằng mục đích của Công ước là phân bổ một cách toàn diện các quyền của các Quốc gia đối với các vùng biển. Tòa nhận thấy rằng câu hỏi về những quyền tồn tại từ trước đối với tài nguyên (đặc biệt là đối với tài nguyên cá) đã được xem xét cẩn thận trong các cuộc đàm phán về sự hình thành vùng đặc quyền kinh tế và rằng một số Quốc gia đã có mong muốn bảo tồn các quyền đánh cá lịch sử ở vùng biên mới này. Tuy nhiên, quan điểm này đã bị bác bỏ và văn bản cuối cùng của Công ước chỉ cho các Quốc gia khác một quyền hạn chế trong việc tiếp cận về đánh cá ở vùng đặc quyền kinh tế (trong trường hợp Quốc gia ven biển không thể khai thác hết lượng cá cho phép) mà không cho các quốc gia khác quyền gì đối với dầu khí hay tài nguyên khoáng sản. Tòa nhận thấy rằng yêu sách về quyền lịch sử của Trung Quốc đối với các tài nguyên là không phù hợp với sự phân bổ chi tiết về quyền và vùng biển của Công ước và kết luận rằng, nếu Trung Quốc có quyền lịch sử đối với tài nguyên ở các vùng biển ở Biển Đông, những quyền đó đã bị xóa bỏ bởi việc Công ước có hiệu lực ở chừng mực mà chúng không phù hợp với hệ thống các vùng biển của Công ước.

Tòa cũng xem xét hồ sơ lịch sử để xác định liệu Trung Quốc có thật là có quyền lịch sử đối với tài nguyên ở Biển Đông trước khi Công ước có hiệu lực hay không. Tòa lưu ý rằng có chứng cứ cho thấy người đi biển và ngư dân của Trung Quốc, cũng như của các nước khác, trong lịch sử đã sử dụng các đảo ở Biển Đông, mặc dù Tòa nhấn mạnh rằng Tòa không có thẩm quyền để xác định chủ quyền đối với những đảo đó. Tuy nhiên, Tòa quyết định là trước khi có Công ước, các vùng biển ở Biển Đông bên ngoài vùng lãnh hải về pháp lý đều là một phần của vùng biển quốc tế, tại đó tàu thuyền của bất kỳ Quốc gia nào đều có thể qua lại và đánh cá một cách tự do. Vì vậy, Tòa đã kết luận rằng việc Trung Quốc qua lại và đánh cá trong lịch sử ở vùng biển của Biển Đông đã thể hiện các quyền tự do trên biển cả, thay vì một quyền lịch sử, và rằng không có chứng cứ nào cho thấy rằng trong lịch sử Trung Quốc đã một mình thực hiện việc kiểm soát các vùng biển ở Biển Đông hay ngăn cản các quốc gia khác khai thác những tài nguyên của mình.

Do đó, Tòa kết luận rằng, giữa Phi-líp-pin và Trung Quốc, không có căn cứ pháp lý nào để Trung Quốc yêu sách các quyền lịch sử đối với tài nguyên, bên ngoài những quyền quy định trong Công ước, tại các vùng biển nằm bên trong ‘đường chín đoạn’.


b. Quy chế của các cấu trúc tại Biển Đông


Trong Phán quyết ngày 12 tháng 7 năm 2016, Tòa Trọng tài đã xem xét quy chế của các cấu trúc tại Biển Đông và các quyền đối với vùng biển mà Trung Quốc có thể đòi hỏi theo Công ước.

Trước hết, Tòa Trọng tài thực hiện đánh giá kỹ thuật về việc liệu một số bãi san hô mà Trung Quốc đòi hỏi có nổi trên mặt nước khi thủy triều lên hay không. Theo Điều 13 và 121 của Công ước, các cấu trúc nổi trên mặt nước vào lúc thủy triều lên cao sẽ ít nhất được hưởng lãnh hải 12 hải lý, trong khi những cấu trúc bị chìm khi thủy triều lên sẽ không có quyền có các vùng biển. Tòa Trọng tài ghi nhận rằng nhiều rặng san hô tại Biển Đông đã bị thay đổi nặng nề do việc cải tạo và xây dựng đảo gần đây và nhắc lại rằng Công ước phân loại các cấu trúc dựa trên điều kiện tự nhiên của nó. Tòa Trọng tài đã chỉ định một chuyên gia thủy văn học để hỗ trợ Tòa trong việc đánh giá các bằng chứng kỹ thuật của Phi-líp-pin và dựa chủ yếu vào các tài liệu lưu trữ và các đánh giá thủy văn trước đây để đánh giá các cấu trúc này. Tòa Trọng tài nhất trí với Phi-líp-pin rằng bãi Scarborough, Gạc Ma, Châu Viên và Chữ Thập là các cấu trúc nổi và Xu Bi, Huy-gơ, Vành Khăn và Cỏ Mây là cấu trúc chìm trong điều kiện tự nhiên. Tuy nhiên, Tòa Trọng tài không nhất trí với Phi-líp-pin về quy chế của Ga Ven (phía Bắc) và Ken Nan và kết luận rằng cả hai đều là cấu trúc nổi.

Tòa Trọng tài tiếp theo đã xem xét liệu có cấu trúc nào mà Trung Quốc yêu sách có thể tạo ra các vùng biển ngoài 12 hải lý hay không. Theo Điều 121 của Công ước, các đảo tạo ra vùng đặc quyền kinh tế 200 hải lý và có thềm lục địa, nhưng “các đảo đá không thích hợp cho con người đến ở hoặc không có đời sống kinh tế riêng sẽ không có vùng đặc quyền kinh tế hoặc thềm lục địa”. Tòa Trọng tài thấy rằng quy định này liên hệ chặt chẽ với việc mở rộng quyền tài phán của Quốc gia ven biển với việc hình thành vùng đặc quyền kinh tế và nhằm để ngăn ngừa việc các cấu trúc không lớn có thể tạo ra các vùng biển lớn, mà điều này xâm phạm vào vùng biển của các lãnh thổ có người ở hoặc vùng biển quốc tế và vùng đáy biển vốn là di sản chung của nhân loại. Tòa Trọng tài giải thích Điều 121 và kết luận rằng các quyền có vùng biển của một cấu trúc phụ thuộc vào (a) năng lực khách quan của cấu trúc; (b) trong điều kiện tự nhiên, nó có thể duy trì hoặc (c) một cộng đồng dân cư ổn định hoặc (d) hoạt động kinh tế mà không phụ thuộc vào tài nguyên bên ngoài và cũng không thuần túy mang tính chất khai thác.

Tòa Trọng tài thấy rằng nhiều cấu trúc tại Trường Sa hiện đang được một hoặc nhiều quốc gia ven biển kiểm soát và họ đã xây dựng các cấu trúc và duy trì nhân lực tại chỗ. Tòa Trọng tài thấy rằng sự hiện diện thời nay phụ thuộc vào các nguồn lực và hỗ trợ bên ngoài và thấy rằng nhiều cấu trúc đã bị biến đổi để nâng cao khả năng sinh sống của con người, kể cả thông qua cải tạo đảo và xây dựng các cơ sở hạ tầng như các nhà máy xử lý nước mặn. Tòa Trọng tài kết luận rằng việc hiện diện của các nhân viên công quyền trên nhiều cấu trúc không chứng minh được khả năng của các cấu trúc này, trong điều kiện tự nhiên, để duy trì cộng đồng cư dân ổn định và cho rằng các bằng chứng lịch sử về việc định cư hoặc đời sống kinh tế có ý nghĩa hơn đối với năng lực khách quan của các cấu trúc. Qua đánh giá hồ sơ lịch sử, Tòa Trọng tài thấy rằng các đảo Trường Sa trong lịch sử từng được các nhóm nhỏ ngư dân từ Trung Quốc và các nước khác sử dụng, và một số công ty khai thác phân chim và đánh cá của Nhật đã có hoạt động tại đây vào những năm 1920 và 1930. Tòa Trọng tài kết luận rằng việc sử dụng tạm thời các cấu trúc của ngư dân không dẫn đến việc cư ngụ của một cộng đồng ổn định và tất cả các hoạt động kinh tế trong lịch sử đều chỉ có tính chất khai thác. Theo đó, Tòa Trọng tài kết luận rằng tất các cấu trúc nổi tại Trường Sa (bao gồm, ví dụ, Ba Bình, Thị Tứ, Bến Lạc, Trường Sa, Song Tử Đông, Song Tử Tây) đều là “đảo đá” về mặt pháp lý và không tạo ra vùng đặc quyền kinh tế hoặc thềm lục địa.

Tòa Trọng tài cũng kết luận rằng Công ước không quy định việc một nhóm các đảo như quần đảo Trường Sa sẽ có các vùng biển với tư cách là một thực thể thống nhất.

c. Các hành vi của Trung Quốc tại Biển Đông


Trong Phán quyết ngày 12 tháng 7 năm 2016, Tòa Trọng tài đã xem xét tính hợp pháp theo Công ước đối với nhiều hành động của Trung Quốc tại Biển Đông.

Sau khi kết luận Vành Khăn, Bãi Cỏ Mây và Bãi Cỏ Rong là cấu trúc chìm, tạo thành một phần của vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Phi-líp-pin và không chồng lấn với bất kỳ vùng biển nào Trung Quốc có thể có, Tòa Trọng tài kết luận rằng Công ước đã rõ ràng trong việc trao quyền chủ quyền cho Phi-líp-pin đối với các khu vực biển trong vùng đặc quyền kinh tế của nước này. Tòa Trọng tài xác định, trên thực tế, Trung Quốc đã (a) can thiệp vào việc thăm dò dầu khí của Phi-líp-pin tại Bãi Cỏ Rong; (b) chủ ý cấm các tàu Phi-líp-pin đánh bắt cá trong vùng đặc quyền kinh tế của Phi-líp-pin và (c) bảo vệ cho và không ngăn ngừa các ngư dân Trung Quốc đánh bắt cá trong vùng đặc quyền kinh tế của Phi-líp-pin tại Vành Khăn và Bãi Cỏ Mây, và (d) xây dựng các công trình và đảo nhân tạo tại Vành Khăn mà không được sự đồng ý của Phi-líp-pin. Do vậy Tòa Trọng tài kết luận rằng Trung Quốc đã vi phạm quyền chủ quyền của Phi-líp-pin đối với vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của nước này.

Tiếp theo Tòa Trọng tài xem xét quyền đánh cá truyền thống tại bãi Scarborough và kết luận rằng ngư dân từ Phi-líp-pin, cũng như Trung Quốc và các nước khác, đã đánh cá tại bãi Scarborough từ lâu và có quyền đánh cá truyền thống tại khu vực này. Do bãi cạn Scarborough nổi trên mặt nước lúc thủy triều lên, cấu trúc này có quyền có lãnh hải, vùng nước xung quanh cấu trúc này không tạo thành vùng đặc quyền kinh tế và quyền đánh cá truyền thống không bị mất đi do Công ước. Dù Tòa Trọng tài nhấn mạnh rằng Tòa không quyết định về vấn đề chủ quyền đối với bãi cạn Scarborough, Tòa xác định rằng Trung Quốc đã vi phạm nghĩa vụ tôn trọng quyền đánh cá truyền thống của ngư dân Phi-líp-pin khi ngăn chặn tiếp cận bãi cạn Scarborough sau tháng 5 năm 2012. Tuy nhiên, Tòa Trọng tài thấy rằng Tòa cũng sẽ có kết luận tương tự đối với quyền đánh cá truyền thống của ngư dân Trung Quốc nếu Phi-líp-pin có hành động ngăn cản việc đánh cá của công dân Trung Quốc tại bãi Scarborough.

Tòa Trọng tài cũng xem xét tác động của các hành vi của Trung Quốc đối với môi trường biển. Để làm việc này, Tòa Trọng tài đã có sự trợ giúp của 3 chuyên gia độc lập về sinh học của rặng san hô được chỉ định để đánh giá các chứng cứ khoa học có được và các báo cáo của chuyên gia của Phi-líp-pin. Tòa Trọng tài xác định rằng việc Trung Quốc cải tạo đất quy mô lớn và xây dựng đảo nhân tạo gần đây tại bảy cấu trúc tại Trường Sa đã gây ra ảnh hưởng nghiêm trọng đối với môi trường rặng san hô và Trung Quốc đã vi phạm nghĩa vụ của mình theo Điều 192 và 194 của Công ước trong việc bảo tồn và bảo vệ môi trường biển đối với các hệ sinh thái dễ bị tổn thương và môi trường sinh sống của các loài động vật bị đe dọa, sắp cạn kiệt. Đồng thời Tòa Trọng tài cũng xác định rằng ngư dân Trung Quốc đã thực hiện việc khai thác động vật bị đe dọa như rùa biển, san hô và trai khổng lồ ở quy mô lớn tại Biển Đông, sử dụng các biện pháp gây hủy hoại nghiêm trọng đối với môi trường rặng san hộ. Tòa Trọng tài xác định rằng chính quyền Trung Quốc đã nhận thức được các hành vi này và không thực hiện nghĩa vụ cẩn trọng theo Công ước để ngăn chặn.

Cuối cùng, Tòa Trọng Tài đã xem xét tính hợp pháp của các hành vi của tàu chấp pháp Trung Quốc tại bãi Scarborough trong hai tình huống vào tháng 4 và 5 năm 2012 khi các tàu Trung Quốc đã tìm cách cản trở tàu Phi-líp-pin tiếp cận hoặc tiến vào bãi Scarborough. Để làm việc này, Tòa Trọng tài đã được một chuyên gia độc lập về an toàn hàng hải được chỉ định để hỗ trợ trong việc xem xét các báo cáo bằng văn bản do các sĩ quan tàu Phi-líp-pin cung cấp và các chứng cứ chuyên gia về an toàn hàng hải do Phi-líp-pin cung cấp. Tòa Trọng tài xác định rằng các tàu chấp pháp của Trung Quốc đã liên tiếp tiếp cận tàu Phi-líp-pin với tốc độ cao và cố gắng cắt đầu các tàu này ở khoảng cách gần, tạo ra nguy cơ đâm va cao và nguy hiểm cho tàu và người của Phi-líp-pin. Tòa Trọng tài kết luận rằng Trung Quốc đã vi phạm nghĩa vụ theo Công ước về Quy định Quốc tế để Ngăn ngừa Va chạm trên Biển 1972 và Điều 94 của Công ước liên quan đến an toàn hàng hải.

d. Làm trầm trọng thêm tranh chấp giữa các Bên


Trong Phán quyết ngày 12 tháng 7 năm 2016, Tòa Trọng tài đã xem xét liệu các hoạt động cải tạo đất quy mô lớn gần đây và xây dựng các đảo nhân tạo của Trung Quốc tại 7 cấu trúc tại Trường Sa từ khi bắt đầu thủ tục trọng tài có làm gia tăng tranh chấp giữa các Bên. Tòa Trọng tài nhắc lại rằng các bên tham gia vào cơ chế giải quyết tranh chấp có nghĩa vụ kiềm chế việc làm trầm trọng thêm hoặc mở rộng một tranh chấp hoặc các tranh chấp về các vấn đề đang được thụ lý. Tòa Trọng tài thấy rằng Trung Quốc đã (a) xây dựng một đảo nhân tạo lớn tại Vành Khăn, một cấu trúc lúc chìm lúc nổi nằm trong vùng đặc quyền kinh tế của Phi-líp-pin; (b) gây ra hủy hoại lâu dài, không thể phục hồi đối với hệ sinh thái rặng san hộ và (c) phá hủy lâu dài các chứng cứ về điều kiện tự nhiên của các cấu trúc này. Tòa Trọng tài kết luận rằng Trung Quốc đã vi phạm các nghĩa vụ về kiềm chế làm trầm trọng thêm và kéo dài tranh chấp giữa các Bên trong khi chờ quá trình xét xử.

e. Hành vi tương lai của các Bên


Cuối cùng, Tòa Trọng tài xem xét đề nghị của Phi-líp-pin về việc đưa ra tuyên bố rằng, từ nay về sau, Trung Quốc cần tuân thủ các quyền và quyền tự do của Phi-líp-pin và tuân thủ các nghĩa vụ của nước này theo Công ước. Về vấn đề này, Tòa Trọng tài thấy rằng cả Phi-líp-pin và Trung Quốc đều đã nhiều lần thừa nhận Công ước và các nghĩa vụ chung về thiện chí trong xác định và điều chỉnh các hành vi của mình. Tòa Trọng tài xét rằng cốt lõi của tranh chấp trong vụ kiện này không nằm ở ý định của Trung Quốc hay Phi-líp-pin trong việc xâm phạm quyền lợi pháp lý của bên kia, mà chính là do có sự hiểu khác nhau cơ bản về các quyền của nước mình theo Công ước đối với các vùng nước thuộc Biển Đông. Tòa Trọng tài nhắc lại rằng trong luật pháp quốc tế có nguyên tắc cơ bản là “không thiện chí” không thể tự suy diễn và thấy rằng Điều 11 của Phụ lục VII đã quy định “phán quyết…sẽ được các bên trong tranh chấp tuân thủ”. Vì vậy, Tòa Trọng tài thấy không cần thiết phải đưa ra tuyên bố nào nữa.

http://baochinhphu.vn/Tin-noi-bat/Thong-cao-bao-chi-cua-Toa-Trong-tai-Bien-Dong/281283.vgp

Thứ Ba, 12 tháng 7, 2016

Tòa PCA bác bỏ chủ quyền của TQ trên biển Đông



Thái Bình




Người dân Philippines biểu tình phản đối Trung Quốc trên đường phố Manila. Ảnh Reuters

(TBKTSG Online) - Tòa trọng tài quốc tế về luật biển (Permanent Court of Arbitration - PCA) tại The Hague (Hà Lan) hôm nay 12-7, dựa vào vụ kiện của Philippines, đã lên án mạnh mẽ các hành vi của Trung Quốc trên biển Đông, từ việc bồi đắp, xây dựng các đảo nhân tạo cho tới việc quấy nhiễu tàu thuyền đánh cá của các nước khác. Tòa ra phán quyết rằng đòi hỏi chủ quyền của Trung Quốc trên vùng biển này là “không có cơ sở pháp lý”.

Tòa PCA không công nhận vùng lãnh hải và vùng đặc quyền kinh tế của các đảo nhân tạo mà Trung Quốc bồi đắp, vốn là những thực thể chìm, chỉ nổi lên khi thủy triều xuống thấp (low-tide elevations); từ đó bác bỏ hiệu lực của đường lưỡi bò 9 đoạn mà Trung Quốc vẽ ra bao trùm 90% diện tích biển Đông.

PCA tuyên bố rằng phần lớn diện tích vùng biển Đông là vùng biển quốc tế, các nước đều có quyền tự do đi lại.

Vụ xét xử có tính chất tiêu biểu này, do Philippines khởi kiện, được coi là bước ngoặc quan trọng trong việc giải quyết các tranh chấp trên biển Đông. Đây là lần đầu tiên chính phủ Trung Quốc bị triệu tập ra trước hệ thống tư pháp quốc tế và các nước láng giềng đều hy vọng rằng kết quả của vụ xét xử sẽ là một hình mẫu cho việc thương thảo với Bắc Kinh, hoặc cho việc đấu tranh với các chiến thuật lấn lướt của nước này trong khu vực.

Phán quyết của tòa quốc tế PCA ở The Hague chủ yếu nghiêng về các cáo buộc của Philippines được kỳ vọng sẽ làm gia tăng áp lực ngoại giao lên Bắc Kinh, buộc Bắc Kinh phải thu hẹp các hoạt động bành trướng quân sự trên vùng biển nhạy cảm này.

Trung Quốc, tới nay vẫn từ chối tham gia tiến trình tố tụng, đã bày tỏ sự phủ định đối với phán quyết của tòa PCA, họ luôn nhấn mạnh rằng Trung Quốc không tôn trọng phán quyết cho dù sẽ bị coi là “kẻ ngoài vòng pháp luật” quốc tế.

Tòa cũng tuyên bố rằng, việc Bắc Kinh từ chối tham gia tiến trình tố tụng không làm mất đi thẩm quyền xét xử của tòa và việc Philippines đơn phương khởi kiện không phải là hành vi lợi dụng cơ chế dàn xếp tranh chấp của Công ước Liên hiệp quốc về luật Biển 1982.

Nhiều quốc gia trong khu vực lo ngại rằng Trung Quốc sẽ phản ứng với phán quyến của PCA bằng cách tăng tốc những nỗ lực kiểm soát toàn bộ vùng biển Đông, bao gồm cả những tuyến đường giao thương thiết yếu nhất của thương mại thế giới, các ngư trường cũng như các mỏ dầu và khí đốt tiềm tàng trong lòng biển.

Giáo sư Philippe Sands QC, đại diện chính phủ Philippines tại buổi công bố, nói rằng “Đây là vụ kiện pháp lý quốc tế có ý nghĩa lớn nhất trong gần 20 năm qua".


Phán quyết của Tòa trọng tài PCA là một trường hợp hy hữu, theo đó một quyết định mang tính kỹ thuật của một cơ quan ít tiếng tăm của Liên hiệp quốc lại có ý nghĩa lớn về địa chính trị: làm sáng tỏ một số vấn đề trọng tâm trong cuộc tranh chấp lãnh thổ ở biển Đông nhưng cũng có thể làm gia tăng căng thẳng giữa Trung Quốc và Mỹ.


Ngược thời gian, cuối năm 2013, Philippines nộp đơn kiện lên PCA, đưa ra 15 mục cáo buộc tuyên bố chủ quyền của Trung Quốc tại biển Đông (đường lưỡi bò) là trái với luật pháp quốc tế. Trung Quốc từ chối tham gia vụ kiện và bác bỏ thẩm quyền của tòa; nhưng năm ngoái PCA tuyên bố tòa có thẩm quyền xét xử 7 trong số 15 cáo buộc của Philippines và đang xem xét quyết định về 8 cáo buộc còn lại.


Cần lưu ý, PCA không phân xử những tuyên bố chủ quyền lãnh thổ mâu thuẫn với nhau của các nước mà chỉ phân xử các quyền hàng hải liên quan tới các tuyên bố đó.


Cơ sở chính để Philippines phát đơn kiện là nghi vấn về hiệu lực pháp lý (legal validity) của đường lưỡi bò 9 đoạn mà Trung Quốc áp đặt trên 90% diện tích biển Đông. Bằng phán quyết hôm nay 12-7, PCA xác định đường lưỡi bò này là “hoàn toàn phi pháp” (effectively illegal).


PCA còn xác định các thực thể ở quần đảo Trường Sa - vốn là các đá, rạn san hô bị Trung Quốc bồi lấp làm thành đảo nhân tạo - là các “low-tide elevations” (các bãi đá chìm chỉ xuất hiện khi thủy triều xuống thấp, không có hải phận riêng), là “rocks” (đá thường xuyên nổi trên mặt biển, có hải phận 12 hải lý) hoặc là “islands” (đảo có đủ điều kiện cho người sinh sống, có vùng đặc quyền kinh tế 200 hải lý).


Tiêu chí phân loại các thực thể này đã được minh định rõ trong Công ước Liên hiệp quốc về Luật Biển 1982 (UNCLOS), vấn đề của PCA là áp dụng các tiêu chí đó vào các thực thể nhân tạo ở Trường Sa như thế nào. Các chuyên gia tin rằng tòa PCA sẽ tuyên bố một số đảo nhân tạo mà Trung Quốc bồi đắp không có chủ quyền pháp lý đối với các vùng biển chung quanh.


Tuy vậy tòa PCA không có quyền thi hành án, không thể buộc Trung Quốc phải thi hành phán quyết và Bắc Kinh cũng sẽ không tự nguyện “rút lui” khỏi các hòn đảo nhân tạo. Nhưng khi phán quyết “nghiêng” về phía nguyên đơn Philippines và Trung Quốc từ chối “bản án” mà vẫn tiếp tục tuyên bố chủ quyền trong đường lưỡi bò thì Bắc Kinh có nguy cơ mất uy tín trầm trọng, có thể bị cô lập về mặt chính trị và ngoại giao. Chính phủ Mỹ nhiều lần nói rằng, qua việc tuân thủ hay bác bỏ phán quyết của PCA về biển Đông, Trung Quốc sẽ cho thấy Bắc Kinh có tôn trọng luật pháp quốc tế hay không.


Bài đã đăng tại:

“Nút thắt” còn, đừng mong kinh tế ĐBSCL phát triển




Trung Chánh


“Nút thắt” còn, đừng mong kinh tế ĐBSCL phát triển. Trong ảnh là ban chủ tọa đang điều hành hội nghị “ĐBSCL- chủ động hội nhập và phát triển bền vững” diễn ra hôm nay 12-7, tại Hậu Giang. Ảnh: Trung Chánh

(TBKTSG Online) – Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) được xem là khu vực có nhiều tiềm năng để hội nhập sâu rộng vào nền kinh tế thế giới và phát triển bền vững. Thế nhưng, theo một số nhà chuyên môn, để hiện thực hóa mục tiêu đó, nhất thiết phải giải quyết được những “nút thắt” đang tồn tại của vùng.

Phát biểu khai mạc hội nghị “ĐBSCL - chủ động hội nhập và phát triển” được tổ chức tại Hậu Giang hôm nay, 12-7, một trong những sự kiện chính trong khuôn khổ Diễn đàn hợp tác kinh tế ĐBSCL Hậu Giang năm 2016 (MDEC-Hậu Giang 2016), ông Trịnh Minh Anh, Chánh văn phòng Ban chỉ đạo liên ngành Hội nhập quốc tế về kinh tế của Bộ Công Thương, khẳng định: “ĐBSCL là khu vực còn nhiều tiềm năng và nguồn lực phát triển kinh tế ở nhiều lĩnh vực như nông nghiệp, công nghiệp, lâm nghiệp, thủy sản và du lịch”.

Cụ thể, theo ông Anh, ĐBSCL có diện tích đất gần 40.000 km vuông, phù hợp phát triển ngành nông nghiệp; có nguồn lợi thủy sản đa dạng và chiếm đến 70% kim ngạch xuất khẩu cả nước; trữ lượng khí đốt khá lớn, khoảng 125 tỉ mét khối; có hơn 700 km bờ biển, khoảng 28.000 km sông ngòi là cơ sở cho việc hình thành hệ thống giao thông vận tải đường thủy, các cảng sông, cảng biển và phát triển du lịch.

Về lĩnh vực phân phối, ông Anh cho biết trong năm 2015, tổng mức bán lẻ của vùng chiếm 18,8% cả nước với hệ thống phân phối rộng khắp, gồm 1.751 chợ các loại (chiếm 20,21% cả nước), 60 siêu thị (chiếm 7,38% cả nước), 11 trung tâm thương mại (chiếm 6,79%), “và đây cũng là thị trường bán lẻ lớn thứ ba cả nước, chỉ sau vùng Đông Nam bộ và Đồng bằng sông Hồng”, ông cho biết.

Nhiều nút thắt

Tuy được đánh giá có nhiều tiềm năng để phát triển, nhưng theo một số nhà chuyên môn tại hội nghị, để khu vực ĐBSCL có thể chủ động hội nhập và phát triển bền vững, trước mắt phải giải quyết cho được những “nút thắt” đang tồn tại của vùng.

Ông Nguyễn Phương Lam, Phó giám đốc Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) chi nhánh Cần Thơ, lưu ý ĐBSCL nên nhìn nhận thẳng vào những thách thức và tồn tại của vùng để có sự thay đổi phù hợp trong thời gian tới.

Cụ thể, về cơ cấu kinh tế, theo ông Lam, hiện nay khu vực nông nghiệp chiếm 33,1% cơ cấu kinh tế của vùng và hiện đang có sự dịch chuyển đúng hướng (giảm nông nghiệp, tăng công nghiệp và dịch vụ), “nhưng hiện nay cả 13 tỉnh/thành chuyên về nông nghiệp như ĐBSCL lại không có một khu nông nghiệp công nghệ cao nào để đẩy mạnh sản xuất, mà chủ yếu dựa vào tự nhiên là một điều rất không ổn”, ông cho biết.

Cũng theo ông Lam, về công nghiệp, qua 30 năm hoạt động xuất khẩu, nhưng ĐBSCL cũng chỉ quanh quẩn với những sản phẩm thô, chưa có sản phẩm giá trị gia tăng cao; còn dịch vụ, thì sức mua tăng nhưng doanh nghiệp trong nước chưa làm chủ được thị trường, mà chủ yếu là doanh nghiệp nước ngoài.

Đối với đầu tư Chính phủ, ông Võ Hùng Dũng, Giám đốc VCCI chinh nhánh Cần Thơ, trong bài viết gửi đến hội nghị, cho rằng mức đầu tư này chưa tương xứng với những đóng góp của vùng. “ĐBSCL tuy là vùng kinh tế còn khó khăn, dân số chiếm 21% và GDP chiếm 17,8% cả nước, nhưng đầu tư trở lại chưa tương xứng (tổng mức đầu tư của Chính phủ vào ĐBSCL chỉ 3.534 tỉ đồng đồng, chiếm 15,5% tổng vốn đầu tư cả nước) với sự đóng góp và nhu cầu phát triển”, bài viết của ông Dũng nêu rõ.

Trong khi đó, về nhân lực, theo ông Lam, dù lực lượng lao động của vùng là dồi dào, chiếm 20% so với cả nước, nhưng khi phân tích về chất lượng, kỹ năng và trình độ, thì ĐBSCL là vùng trũng của cả nước. “Ví dụ, tỷ lệ lao động tốt nghiệp nghề còn thấp, bình quân chỉ 2,64% so với bình quân cả nước là 5,05%, hoặc lao động tốt nghiệp trung cấp chuyên nghiệp chỉ 4,47% so với bình quân cả nước là 7,8%”, ông Lam dẫn chứng.

Theo ông Lam, về giao thông, Chính phủ cần quan tâm đầu tư nhiều hơn cho vùng, nhất là dự án cao tốc Trung Lương- Cần Thơ hay kênh Quan Chánh Bố để tàu lớn vào ĐBSCL, bởi hiện những dự án này còn gặp nhiều khó khăn khiến lượng hàng đi trực tiếp từ cảng ĐBSCL ra nước ngoài là rất khó.

Trong khi đó, mục tiêu thu hút vốn đầu tư nước ngoài (FDI) một mặt là để giải quyết lao động, mặt khác là tiếp cận, nhận chuyển giao công nghệ và học cách quản lý. Nhưng, hiện nay thu hút FDI chỉ mới giải quyết được mỗi vấn đề lao động, việc làm thôi, theo ông Lam.

“Số lượng doanh nghiệp bình quân trên số dân của ĐBSCL hiện nay là 330 dân/doanh nghiệp, còn cả nước chỉ 200 dân/doanh nghiệp, trong khi một nền kinh tế mạnh không thể yếu về số doanh nghiệp như vậy”, ông Lam nêu vấn đề.

Đứng trước những vấn đề nêu trên, ông Lam kiến nghị Chính phủ nên hỗ trợ tối đa trong việc thực hiện đường cao tốc về đến Cần Thơ để tạo thuận lợi cho vận chuyển hàng hóa; nên có cơ chế chính sách đặc biệt trong thu hút FDI vào nông nghiệp; cần có chính sách phát triển doanh nghiệp trong vấn để khởi nghiệp để 5-10 năm tới có lực lượng doanh nghiệp cho vùng phát triển…

Trong khi đó, GS-TS Võ Tòng Xuân, Hiệu trưởng trường Đại học Nam Cần Thơ, cho biết để giúp ĐBSCL chủ động hội nhập và phát triển, thì Nhà nước cần chuẩn bị cho từng thành phần kinh tế của vùng thoát khỏi nguy cơ tụt hậu trong hội nhập bằng cánh tăng cường khả năng cạnh tranh; có giải pháp tạo điều kiện cho doanh nghiệp vươn lên.

Bài đã đăng tại:
http://mobile.thesaigontimes.vn/tinbaichitiet/148744