Thứ Ba, 12 tháng 7, 2016

Tòa PCA bác bỏ chủ quyền của TQ trên biển Đông



Thái Bình




Người dân Philippines biểu tình phản đối Trung Quốc trên đường phố Manila. Ảnh Reuters

(TBKTSG Online) - Tòa trọng tài quốc tế về luật biển (Permanent Court of Arbitration - PCA) tại The Hague (Hà Lan) hôm nay 12-7, dựa vào vụ kiện của Philippines, đã lên án mạnh mẽ các hành vi của Trung Quốc trên biển Đông, từ việc bồi đắp, xây dựng các đảo nhân tạo cho tới việc quấy nhiễu tàu thuyền đánh cá của các nước khác. Tòa ra phán quyết rằng đòi hỏi chủ quyền của Trung Quốc trên vùng biển này là “không có cơ sở pháp lý”.

Tòa PCA không công nhận vùng lãnh hải và vùng đặc quyền kinh tế của các đảo nhân tạo mà Trung Quốc bồi đắp, vốn là những thực thể chìm, chỉ nổi lên khi thủy triều xuống thấp (low-tide elevations); từ đó bác bỏ hiệu lực của đường lưỡi bò 9 đoạn mà Trung Quốc vẽ ra bao trùm 90% diện tích biển Đông.

PCA tuyên bố rằng phần lớn diện tích vùng biển Đông là vùng biển quốc tế, các nước đều có quyền tự do đi lại.

Vụ xét xử có tính chất tiêu biểu này, do Philippines khởi kiện, được coi là bước ngoặc quan trọng trong việc giải quyết các tranh chấp trên biển Đông. Đây là lần đầu tiên chính phủ Trung Quốc bị triệu tập ra trước hệ thống tư pháp quốc tế và các nước láng giềng đều hy vọng rằng kết quả của vụ xét xử sẽ là một hình mẫu cho việc thương thảo với Bắc Kinh, hoặc cho việc đấu tranh với các chiến thuật lấn lướt của nước này trong khu vực.

Phán quyết của tòa quốc tế PCA ở The Hague chủ yếu nghiêng về các cáo buộc của Philippines được kỳ vọng sẽ làm gia tăng áp lực ngoại giao lên Bắc Kinh, buộc Bắc Kinh phải thu hẹp các hoạt động bành trướng quân sự trên vùng biển nhạy cảm này.

Trung Quốc, tới nay vẫn từ chối tham gia tiến trình tố tụng, đã bày tỏ sự phủ định đối với phán quyết của tòa PCA, họ luôn nhấn mạnh rằng Trung Quốc không tôn trọng phán quyết cho dù sẽ bị coi là “kẻ ngoài vòng pháp luật” quốc tế.

Tòa cũng tuyên bố rằng, việc Bắc Kinh từ chối tham gia tiến trình tố tụng không làm mất đi thẩm quyền xét xử của tòa và việc Philippines đơn phương khởi kiện không phải là hành vi lợi dụng cơ chế dàn xếp tranh chấp của Công ước Liên hiệp quốc về luật Biển 1982.

Nhiều quốc gia trong khu vực lo ngại rằng Trung Quốc sẽ phản ứng với phán quyến của PCA bằng cách tăng tốc những nỗ lực kiểm soát toàn bộ vùng biển Đông, bao gồm cả những tuyến đường giao thương thiết yếu nhất của thương mại thế giới, các ngư trường cũng như các mỏ dầu và khí đốt tiềm tàng trong lòng biển.

Giáo sư Philippe Sands QC, đại diện chính phủ Philippines tại buổi công bố, nói rằng “Đây là vụ kiện pháp lý quốc tế có ý nghĩa lớn nhất trong gần 20 năm qua".


Phán quyết của Tòa trọng tài PCA là một trường hợp hy hữu, theo đó một quyết định mang tính kỹ thuật của một cơ quan ít tiếng tăm của Liên hiệp quốc lại có ý nghĩa lớn về địa chính trị: làm sáng tỏ một số vấn đề trọng tâm trong cuộc tranh chấp lãnh thổ ở biển Đông nhưng cũng có thể làm gia tăng căng thẳng giữa Trung Quốc và Mỹ.


Ngược thời gian, cuối năm 2013, Philippines nộp đơn kiện lên PCA, đưa ra 15 mục cáo buộc tuyên bố chủ quyền của Trung Quốc tại biển Đông (đường lưỡi bò) là trái với luật pháp quốc tế. Trung Quốc từ chối tham gia vụ kiện và bác bỏ thẩm quyền của tòa; nhưng năm ngoái PCA tuyên bố tòa có thẩm quyền xét xử 7 trong số 15 cáo buộc của Philippines và đang xem xét quyết định về 8 cáo buộc còn lại.


Cần lưu ý, PCA không phân xử những tuyên bố chủ quyền lãnh thổ mâu thuẫn với nhau của các nước mà chỉ phân xử các quyền hàng hải liên quan tới các tuyên bố đó.


Cơ sở chính để Philippines phát đơn kiện là nghi vấn về hiệu lực pháp lý (legal validity) của đường lưỡi bò 9 đoạn mà Trung Quốc áp đặt trên 90% diện tích biển Đông. Bằng phán quyết hôm nay 12-7, PCA xác định đường lưỡi bò này là “hoàn toàn phi pháp” (effectively illegal).


PCA còn xác định các thực thể ở quần đảo Trường Sa - vốn là các đá, rạn san hô bị Trung Quốc bồi lấp làm thành đảo nhân tạo - là các “low-tide elevations” (các bãi đá chìm chỉ xuất hiện khi thủy triều xuống thấp, không có hải phận riêng), là “rocks” (đá thường xuyên nổi trên mặt biển, có hải phận 12 hải lý) hoặc là “islands” (đảo có đủ điều kiện cho người sinh sống, có vùng đặc quyền kinh tế 200 hải lý).


Tiêu chí phân loại các thực thể này đã được minh định rõ trong Công ước Liên hiệp quốc về Luật Biển 1982 (UNCLOS), vấn đề của PCA là áp dụng các tiêu chí đó vào các thực thể nhân tạo ở Trường Sa như thế nào. Các chuyên gia tin rằng tòa PCA sẽ tuyên bố một số đảo nhân tạo mà Trung Quốc bồi đắp không có chủ quyền pháp lý đối với các vùng biển chung quanh.


Tuy vậy tòa PCA không có quyền thi hành án, không thể buộc Trung Quốc phải thi hành phán quyết và Bắc Kinh cũng sẽ không tự nguyện “rút lui” khỏi các hòn đảo nhân tạo. Nhưng khi phán quyết “nghiêng” về phía nguyên đơn Philippines và Trung Quốc từ chối “bản án” mà vẫn tiếp tục tuyên bố chủ quyền trong đường lưỡi bò thì Bắc Kinh có nguy cơ mất uy tín trầm trọng, có thể bị cô lập về mặt chính trị và ngoại giao. Chính phủ Mỹ nhiều lần nói rằng, qua việc tuân thủ hay bác bỏ phán quyết của PCA về biển Đông, Trung Quốc sẽ cho thấy Bắc Kinh có tôn trọng luật pháp quốc tế hay không.


Bài đã đăng tại:

Không có nhận xét nào: