Thứ Ba, 20 tháng 8, 2013

Nói cho người ta nghe

Lạc Long

Không phải là một người có khiếu về lĩnh vực thuyết trình hoặc nói trước công chúng nhưng khi đọc quyển sách Bí quyết trình bày từ các chuyên gia (NXB Dân Trí và Alphabooks ấn hành vào quý 2.2013), tôi cảm thấy mình bị thu hút bởi nghệ thuật thuyết trình từ các diễn giả chuyên nghiệp.

Quyển sách dày 339 trang, gồm 16 chương, theo lời các tác giả, dành cho những ai muốn những cuộc thuyết trình hoặc nói chuyện hằng ngày trở nên cuốn hút người nghe và có sức thuyết phục hơn. Và “đây cũng là cuốn sách cần thiết cho những người muốn theo đuổi sự nghiệp diễn thuyết, huấn luyện hay giảng dạy chuyên nghiệp”. Nói cách khác, cuốn sách như một cẩm nang “nói cho người ta nghe”, từ cách nói chuyện bình thường trong gia đình, với bạn bè, “thuyết phục” sếp trong công sở… cho đến chuyện thuyết trình trước công chúng.



Diễn giả chính, Quách Tuấn Khanh, cùng 13 đồng sự - Hồng Phương Lan, Vũ Hoàng Quốc Tuấn, Lu Tùng Thanh, Lưu Ngọc Lâm, Nguyễn Anh Tuấn, Trần Đức Hưng, Trần Thiên Lý, Nguyễn Đức Nhật, Phan Cử Nhân, Hoàng Minh Việt, Nguyễn Hoài Nam, Huỳnh Ngọc Minh và Trần Hữu Lễ - đã chia sẻ nhiều bí quyết để “nói cho người ta nghe”. Riêng Quách Tuấn Khanh, “là một doanh nhân thành công và là một diễn giả hàng đầu Việt Nam”; là “chủ tịch Power UP Group, diễn giả chính của Công ty d’Oz International (Singapore) và là 1 trong 6 PEP (Personal Efficiency Program – chương trình nâng cao hiệu suất cá nhân), người đầu tiên được chứng nhận quốc tế ở châu Á”. Các đồng tác giả khác cũng là những doanh nhân thành đạt, những diễn giả tiêu biểu có sức ảnh hưởng trong lĩnh vực phát triển con người ở Việt Nam.

Đầu tiên, các tác giả gợi ý việc sử dụng quyển sách sao cho hiệu quả: “Trước khi đọc, hãy nghiêm túc đánh giá kỹ năng trình bày của mình ở mức nào để biết những điểm cần cải thiện hoặc phát huy; đọc kỹ và không nên bỏ qua những bài thực hành được gợi ý trong từng chương; bạn có thể không đọc hết cuốn sách, chỉ đọc những chương mình quan tâm; khi soạn bài trình bày, bạn hãy sử dụng cuốn sách như một cẩm nang hướng dẫn để chuẩn bị thật tốt”.

Mở đầu chương 1, diễn giả Quách Tuấn Khanh bày tỏ: “Thực tế cho thấy, khả năng nói chuyện và trình bày của nhiều người Việt Nam không được tốt”. Theo ông, đa số người ta sinh ra không phải ai cũng là những nhà hùng biện bẩm sinh mà thành công đạt được là do quá trình rèn luyện. Ông viết: “Nếu bạn muốn trình bày tốt, thì cũng giống như mọi kỹ năng khác, hãy thực hành nhiều và điều chỉnh sau mỗi lần thực hành”. Tác giả lấy ví dụ điển hình của cựu giám đốc Apple, Steve Jobs, đã tiến bộ như thế nào qua những cuộc thuyết trình từ năm 1984 đến thành công “tuyệt diệu” vào năm 2007. Quách Tuấn Khanh nhấn mạnh: “Chính việc cam kết rèn luyện đã tạo nên sự khác biệt”. Tác giả khẳng định, khi đã có kỹ năng trình bày tốt, bạn sẽ thu được những lợi thế trong cuộc sống, đó là: có được việc làm tốt; thăng tiến trong công việc; ký được nhiều hợp đồng hơn; tổ chức các cuộc họp chất lượng; xua tan chán nản và căng thẳng; tạo dựng diện mạo bản thân mạnh mẽ hơn; tạo dựng các mối quan hệ; gia tăng quyền lực và trao dồi sự tự tin.

Trong chương 3, chuyên gia Hồng Phương Lan chỉ ra bí quyết để có thể có một buổi thuyết trình thành công, xua tan đi nỗi sợ hãi khi phải đứng trước một đám đông hoàn toàn xa lạ. Bí quyết ấy bao gồm 8 ý: tận dụng mọi cơ hội; chuẩn bị sớm và kỹ lưỡng; dùng lối độc thoại tích cực; thả lỏng cơ thể; không có buổi thuyết trình nào hoàn hảo trăm phần trăm; tập thư giãn; ăn uống hợp lý; chuẩn bị tâm lý trước những tình huống không ngờ. Ngoài ra, để có được một bài thuyết trình hay, thu hút người nghe thì cần phải đảm bảo đủ 3 phần chính, như chuyên gia Lưu Ngọc Lâm giới thiệu trong chương 6: “phần mở đầu” để thu hút sự chú ý; “phần nội dung chính” bám sát các kịch bản đã chuẩn bị trước, xem phản ứng của người nghe và “phần kết luận” giúp người nghe hình dung và sắp xếp lại những điều đã được trình bày, sao cho họ nhớ được càng nhiều thông tin càng tốt.

Ở chương 9, diễn giả Huỳnh Ngọc Minh chia sẻ những bí quyết về việc sử dụng ngôn ngữ để chinh phục người nghe: “Để dùng lời nói hiệu quả, nên tránh dùng biệt ngữ, nên sử dụng ngôn từ mạnh mẽ, giàu hình ảnh, hùng hồn, dứt khoát và chính xác”. Tuy nhiên, trong một buổi thuyết trình, thì không phải chỉ có giọng nói hay nội dung đã được chuẩn bị sẵn, mà “ngôn ngữ cơ thể” cũng được cho là một yếu tố “dẫn đắt người nghe”. Dẫn nghiên cứu của giáo sư tâm lý học Albert Mehrabian, ĐH California, tác giả Lu Tùng Thanh cho biết: “Trong ba yếu tố chuyển tải thông điệp - ngôn từ, giọng nói và ngôn ngữ cơ thể - thì ngôn ngữ cơ thể chiếm vị trí quan trọng nhất, 55% so với 2 yếu tố còn lại là 7% cho ngôn từ, 38% cho giọng nói”.

Đến chương cuối, chuyên gia Trần Hữu Lễ cho rằng “kể chuyện” là một trong những cách chinh phục người nghe. Ông viết: “Các câu chuyện có thể giúp người nghe nắm được một điểm trình bày quan trọng nào đó chỉ với một hình ảnh duy nhất, đôi khi là một chữ duy nhất nào đó. Các câu chuyện có thể đơn giản hóa được các ý niệm phức tạp, làm rõ lên những gì mang tính nhập nhằng, lộn xộn và soi sáng những ý tưởng khó nắm bắt”. Dẫn kinh nghiệm thành công của Steve Jobs, “ông vua” của thương hiệu Apple, tác giả nhấn mạnh: “Steven Jobs là người biết cách biến những buổi thuyết trình của ông thành những show diễn trên sân khấu mà ông là diễn viên chính”.■

Bài đã đăng trên báo Thanh Niên:
http://www.thanhnien.com.vn/pages/20130820/noi-cho-nguoi-ta-nghe.aspx