Thứ Năm, 2 tháng 2, 2017

Cần Thơ toan tính gì cho năm 2017?








Trước cửa khu KVIP tại Cần Thơ.

(TBKTSG Online) - Vừa qua tết, Chủ tịch UBND thành phố Cần Thơ VÕ THÀNH THỐNG đã dành cho TBKTSG Online một buổi trò chuyện. Câu chuyện bắt đầu từ Diễn đàn Kinh tế thế giới (WEF) tại Davos (Thụy Sĩ) từ ngày 17 đến 21-1 mà ông Thống tham gia cùng đoàn cấp cao của Chính phủ. Ông nói:

- Năm 2017, thế giới đứng trước những thách thức mới do chủ nghĩa bảo hộ đang có xu hướng hình thành. Điều này có tác động đến toàn cầu hóa trong lĩnh vực kinh tế. Mặt khác, Tổng thống mới của Mỹ vừa nhậm chức và Hiệp định TPP đã được Mỹ rút lại, cũng sẽ ảnh hưởng đến kinh tế của nước ta.

Vừa qua, tại Diễn đàn Davos ở Thụy Sĩ, với chủ đề “Lãnh đạo chủ động và có trách nhiệm”, các nguyên thủ quốc gia, các chuyên gia và lãnh đạo các tập đoàn kinh tế lớn của thế giới cũng đã nhìn nhận tình hình đó như là một thách thức đối với toàn cầu hóa về kinh tế trong giai đoạn hiện nay.


Theo ông, với kinh tế nước ta, tình hình như vậy là đáng lo ngại?


- Tôi nghĩ cũng không đến đổi bi quan. Bởi kinh tế Việt Nam là nền kinh tế mở tương đối sâu rộng và chúng ta đã có nhiều hợp tác song phương và đa phương với những nền kinh tế lớn, trong đó có Mỹ. Dù TPP dừng lại ở Mỹ nhưng nó sẽ ảnh hưởng đến chúng ta về “cơ hội cộng thêm” với nhiều thách thức, nhưng quan hệ của ta với các nước khác qua các hiệp định song phương thì không thay đổi. Ngoài ra, quan hệ kinh tế giữa ta và Mỹ là quan hệ hai chiều, bổ sung cho nhau nên Mỹ không tham gia TPP thì làm cho chúng ta giảm cơ hội thôi.

Nếu chúng ta ổn định được kinh tế vĩ mô, lèo lái được tình hình, hạn chế tối đa ảnh hưởng và phát huy được lợi thế thì chúng ta vẫn có thể phát triển trong năm 2017.



Ông Võ Thành Thống.


Vậy Diễn đàn tại Davos có những tương tác gì với kinh tế nước ta?


- Qua Diễn đàn Davos, tôi thấy các tổ chức kinh tế thế giới cũng rất quan tâm đến Việt Nam, trong đó có những cam kết, hứa hẹn hỗ trợ Việt Nam phát triển kinh tế trong thời gian tới. Ban tổ chức diễn đàn đã ký cam kết hỗ trợ Việt Nam trên các mặt như phát triển nông nghiệp công nghệ cao, tăng cường năng lực cạnh tranh, ứng phó với biến đổi khí hậu, đặc biệt là tạo điều kiện hỗ trợ Việt Nam tái cấu trúc nền kinh tế theo hướng nâng cao chất lượng, tạo thêm giá trị gia tăng, tăng năng lực cạnh tranh trên thương trường quốc tế.

Ngoài ra, tại diễn đàn, Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) đã ký thỏa thuận tài trợ dài hạn cho Việt Nam trên nhiều lĩnh vực, chủ yếu là hạ tầng giao thông, biến đổi khí hậu với gói tài trợ trên 3 tỉ đô la Mỹ. Các khoản nợ trước đây của Việt Nam với ADB cũng sẽ được gia hạn thời gian thanh toán, có cái trên 19 năm với lãi suất ưu đãi.

Mặt khác, nhiều tập đoàn kinh tế thế giới, đặc biệt là các tập đoàn liên quan tới tài chính và viễn thông, cũng rất quan tâm đến việc phát triển của Việt Nam. Trong các buổi tọa đàm, hội thảo, họ có nhiều cam kết trong việc xúc tiến nghiên cứu để có định hướng đầu tư lâu dài cho Việt Nam. Tôi cho rằng đó là những cơ hội và cũng là tiền đề tốt cho kinh tế Việt Nam trong năm 2017.

Riêng với thành phố Cần Thơ thì sao, thưa ông?


- Thủ tướng đã chọn chủ tịch ba thành phố là Hải Phòng, Đà Nẵng và Cần Thơ tham dự diễn đàn này nhằm mục tiêu kép là chuẩn bị cho Hội nghị APEC 2017 do Việt Nam đăng cai vào tháng 11 tới. Tại Davos, Thủ tường đã mời nguyên thủ quốc gia nhiều nền kinh tế lớn, tỉ phú nhiều tập đoàn kinh tế lớn tham gia các sự kiện của APEC 2017. Trong các chuỗi sự kiện của APEC 2017, Cần Thơ được phân công tổ chức hội nghị chuyên về nông nghiệp công nghệ cao thích ứng với biến đổi khí hậu.

Đây là dịp để Cần Thơ quảng bá hình ảnh của mình và mời gọi đầu tư, trước hết về 3 dự án nông nghiệp công nghệ cao cũng như các dự án về hạ tầng du lịch, dự án khu công nghệ thông tin tập trung ở Cần Thơ hiện đang trong qua trình giải phóng mặt bằng.

Thưa ông, các sự kiện này liên quan gì với việc thực hiện chủ đề năm nay của Cần Thơ?


- Cần Thơ rất mong muốn năm 2017, việc thực hiện chủ đề “Đẩy mạnh thu hút đầu tư, nâng cao năng lực cạnh tranh và hội nhập quốc tế” sẽ tiếp tục gặt hái được kết quả tốt hơn năm 2016. Năm nay, Cần Thơ sẽ tăng cường xúc tiến đầu tư để phát triển kinh tế tốt hơn. Cụ thể, sẽ huy động được tối thiểu 55.000 tỉ đồng vốn đầu tư toàn xã hội. Sẽ tập trung cho phát triển và nâng cấp hạ tầng đô thị để tạo điều kiện cho phát triển kinh tế - xã hội và giải quyết đời sống của người dân. Thứ hai là tập trung phát triển thương mại và du lịch. Thứ ba là tập trung cho lĩnh vực nông nghiệp công nghệ cao.

Ông có thể nói thêm về 3 dự án nông nghiệp công nghệ cao và dự án khu công nghệ thông tin tập trung của Cần Thơ?


- Với 3 dự án khu nông nghiệp công nghệ cao thì Cần Thơ đã có quy hoạch từ lâu và cũng đã mời gọi đầu tư. Ba dự án này nằm ở Ô Môn, Cờ Đỏ và Thới Lai, rộng hơn 370 hecta. Còn dự án khu công nghệ thông tin tập trung thì nằm giáp khu dân cư Phú Mỹ, quận Cái Răng, rộng hơn 70 hecta. Cần Thơ đã giao dự án này cho Quỹ Đầu tư phát triển của thành phố lo giải phóng mặt bằng. Cố gắng năm nay xong giải phóng mặt bằng để xây dựng hạ tầng và mời gọi đầu tư vào lĩnh vực công nghệ thông tin.

Thưa ông, có phải sắp tới Vườn ươm Công nghệ công nghiệp Việt Nam – Hàn Quốc (KVIP) ở Trà Nóc sẽ được chuyển đổi mô hình quản lý?


- Vườn ươm KVIP đã được Chính phủ Hàn Quốc tài trợ triển khai từ năm 2012, đến cuối năm 2015 đã hoàn thành, đưa vào khai thác. Đây là một lợi thế của Cần Thơ cũng như của các tỉnh ĐBSCL. Hiện nay vườn ươm đã vận hành nhưng hiệu quả thì chưa được như mong muốn.

Trước tình hình này, Phó thủ tướng Vương Đình Huệ đã rất quan tâm, chỉ đạo Cần Thơ phải có biện pháp để cải thiện tình hình. Trong đó phải thực hiện cho được việc ươm tạo những ý tưởng phục vụ cho khởi nghiệp ở Cần Thơ và các tỉnh ĐBSCL. Phó thủ tướng có gợi ý là nên chuyển việc quản lý vườn ươm này từ ngành công thương sang ngành khoa học-công nghệ. Như vậy, KVIP sẽ được hỗ trợ nghiên cứu hiệu quả hơn, phù hợp với chuyên môn và có thêm nguồn tài trợ cho việc ươm tạo ý tưởng khởi nghiệp, qua đó sẽ góp phần phát triển việc khởi nghiệp ở Cần Thơ và cả ĐBSCL.

Với tinh thần như vậy, dự kiến qua tết này thành phố sẽ làm việc với các sở ngành, chuẩn bị gấp rút điều kiện để chuyển đổi trên cơ sở thay đổi phương thức hoạt động cũng như các giải pháp để phát huy tối đa hiệu quả của vườn ươm.

Chuyển đổi quản lý KVIP từ Sở Công Thương qua Sở Khoa học và Công nghệ làm đầu mối thì mới có đủ khả năng tập hợp lực lượng, trong đó có các viện, trường tham gia vào việc ươm tạo ý tưởng sáng tạo khởi nghiệp. Sử dụng những nguồn nghiên cứu này để hỗ trợ cho những ý tưởng đó.

Có tin Cần Thơ sẽ lập thêm khu công nghiệp công nghệ cao nằm ở gần KVIP?


- Cách đây hai tuần, Thủ tướng đã cho chủ trương lập dự án hình thành khu công nghiệp công nghệ cao đặt gần khu vườn ươm KVIP với diện tích 200 hecta. Nó sẽ gắn liền với vườn ươm. Các doanh nghiệp, các ý tưởng sáng tạo tại vườn ươm, khi thành công, sẽ ra lập nghiệp ở khu công nghiệp công nghệ cao này. Thủ tướng cũng đã giao Bộ Khoa học và Công nghệ cùng nhiều bộ ngành, hỗ trợ UBND TP. Cần Thơ lập dự án khu công nghiệp công nghệ cao, trình Thủ tướng phê duyệt trong năm nay để sang năm 2018 có thể sẽ triển khai trên thực địa.


Bài đăng tại:
http://mobile.thesaigontimes.vn/tinbaichitiet/156540/

Thứ Tư, 1 tháng 2, 2017

Rơi một chiếc hài





(TBKTSG Xuan 2017) - Người lính chựng lại, bàng hoàng, khi chụp hụt một chiếc hài từ tay người thiếu phụ, trước khi nàng nhảy xuống. Cảm giác như mình vừa bế hụt nàng lúc nàng đã quyết định nhắm mắt buông người từ tảng đá cao ở kế bên, mà giữa hai tảng đá là một khe sâu heo hút. Chiếc hài nâu của người thiếu phụ kiều diễm rơi xuống khe đá, dội lên những tiếng vọng buồn buồn.


Nhưng rồi chàng cũng bế được nàng toàn vẹn khi nàng nhảy qua hẻm đá. Không có cái nhắm mắt quyết đoán của nàng, không có vòng tay quyết định của chàng, chuyến du xuân của các bạn Sài Gòn thăm đồi Tức Dụp ở An Giang bữa ấy vỡ tan ý nghĩa.

Gần tới đỉnh, chị đã quyết định tách khỏi đoàn, đi theo một lối không dễ dàng, trên đường xuống núi. Đi theo lối đó, mới có thể gặp được những di tích bi hùng trong hang núi. Và anh, người trong cuộc, không thể nào để chị đi một mình...

- Xuống núi xong rồi, tôi quay trở lại tìm chiếc hài cho chị.

Anh cứ băn khoăn lặp lại. Chị nghe xao lòng, tay níu áo anh, tay giơ cao chiếc hài còn lại:

- Thôi xin gửi lại như một kỷ niệm. Xin góp một kỷ niệm vui vào bao nhiêu kỷ niệm buồn ở đây.

Chị nói khi cả hai bước tiếp qua mấy tảng đá còn ghi rõ ký hiệu một trận đánh giáp lá cà ngày xưa. Anh chợt rùng mình, thoáng nghĩ, nếu hồi nãy mình bồng hụt chị... Ở đây, trong mấy ngách hang, có những ký hiệu cờ Mỹ và cờ vàng ba sọc đỏ; ký hiệu đại đội địa phương quân Tri Tôn với ngày, tháng chiếm lại hang. Mấy chục ký hiệu “giáp lá cà” như vậy cheo leo trên các mỏm đá khô đồi Tức Dụp.

Hai người lại lần theo những hẻm đá đã được dọn thành lối đi cho khách tham quan, để xuống núi. Lâu lâu, trong anh lại vọng lên tiếng hài nâu mỏng manh rơi vào hang đá, bên hơi thở gấp của chị.

- Mong cho đừng có kỷ niệm nào bị vùi lấp nơi đây.

Chị buột miệng khi chợt nhớ lúc trưa, trước khi cả đoàn theo anh rời dốc đá để chui hang. Khi ấy mọi người đã lặng đi trước tin có bộ hài cốt không toàn vẹn của một người lính vừa được phát hiện dưới công trình hồ chứa nước đang xây dở. Đó là một trong những người lính ngã xuống phải chôn tập thể vội vàng sau một trận đánh kéo dài vào tháng 3-1969. Những người lính đã nằm lại nơi đây, bờ hồ chứa nước dưới chân đồi Tức Dụp, cái hồ nước cho trồng lúa và du lịch sinh thái hôm nay.

Càng xuống gần chân núi, anh thấy mình như chơi vơi. Nỗi ưu tư kỳ lạ trong ánh mắt buồn của chị suốt cuộc hành trình, làm anh không dám hỏi, người chồng chiến binh ở phía bên kia của chị ngày xưa, giờ ở nơi đâu.

Khi người thiếu phụ đã đi xa, trở lại Sài Gòn, người lính lại thơ thẩn với tiếng hài rơi. Anh thấy lòng bồi hồi một nỗi buồn thương nhè nhẹ.

Bài đăng tại:http://mobile.thesaigontimes.vn/tinbaichitiet/156297/

Chủ Nhật, 29 tháng 1, 2017

Trò chơi Vương Tiền

Trần Ngọc Thơ

(TBKTSG Xuân) - Nếu nói trên đời này cái gì có nhiều nghĩa nhất, đụng chạm nhất và cũng rắc rối nhất, ắt hẳn đó phải là tiền.

Cái gì cũng quy được thành tiền: từ tiền giấy, vàng bạc, tranh quý, thậm chí có người còn ví tiền như là tiên là Phật. Đó là nói theo dân gian chứ còn về phương diện chuẩn mực để một xã hội có thể vận hành trơn tru thì tiền được hiểu như thế nào, quản lý ra sao đều có phép tắc riêng. Nhưng thực tế là đâu phải ai cũng thích rõ ràng như vậy, sẽ luôn có người bất chấp luật pháp và đạo lý để làm cho tiền luôn mờ mờ ảo ảo. Chẳng hạn trong một gia đình người cha cho con mượn 100 triệu đồng, người con đem cho mẹ vay, rồi người mẹ sau đó cho ông chồng vay lại số tiền này. Nếu gia đình này đem khoe hàng xóm là tổng tài sản (tiền) của “tập đoàn” gia đình mình lên đến 300 triệu đồng thì liệu có gì không rõ ràng hay sai trái? Nhiều khi số tiền 100 triệu đồng ban đầu mà người cha có được cũng là do đi mượn của ông hàng xóm. Giả dụ người cha tuyên bố phá sản không trả được nợ thì có khi 100 triệu đồng tài sản ban đầu đó đã bị phù phép trước đó để trở thành tài sản của người con, còn ông hàng xóm mất trắng. Ai tin thì cứ mà giao dịch mua bán hay vay mượn với họ.
Thời nay đâu nhất thiết phải là vua như ngày xưa mới có quyền năng để chơi các “Trò chơi vương quyền” (như tên của một bộ phim), tập đoàn gia đình nọ không hẳn là vua nhưng có khi còn hơn thế vì họ đang chơi trò chơi tạo tiền mà ít ai quan tâm kiểm soát, cứ không khác gì trò chơi vương tiền thời nay. Mọi thứ sẽ trở thành chuyện tày đình khi vai diễn là các ông vua con cát cứ hay giới quyền quý có tầm ảnh hưởng chứ không phải người dân bình thường.

Bây giờ thử phát triển câu chuyện gia đình ở trên thành câu chuyện lớn của xã hội ngày nay, chẳng hạn có ai đó lập ra công ty mẹ, con, cháu chắt lên đến hàng chục, hàng trăm công ty họ hàng thì tổng tài sản của cả nhóm này lên đến con số khủng khiếp đến cỡ nào. Họ cứ thế đem tài sản này tự giao dịch lẫn nhau và với người khác, rồi tiền cứ thế đẻ ra tiền. Số tài sản này cứ lớn dần, lớn dần đến mức họ cũng không thật sự nhận biết mình đang mắc nợ chính mình, mắc nợ người khác và con số thật sự là bao nhiêu. Nhưng có một điều chắc chắn, là nếu khi mọi việc đổ vỡ thì phần lớn tài sản của người dân hoặc của nhà nước sẽ trôi sông trôi biển hoặc bị biến thành tài sản đắp chiếu, để rồi bằng cách này cách khác chảy vào túi chỉ của một vài nhóm người nào đó.

So với các âm mưu lừa đảo lấy tiền của người sau trả cho người trước chuyên lừa gạt những người cả tin và hám lợi theo mô hình “Ponzi Scheme” mà người bình thường ai cũng có thể làm được, thì trò chơi vương tiền ở mức độ tinh vi hơn nhiều và phải có sự chống lưng của giới thế lực trong xã hội. Cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu năm 2008 diễn ra na ná theo cách này với tổng khoản vay mượn ảo lẫn nhau chỉ tính riêng năm ngân hàng lớn nhất của Mỹ là 247.000 tỉ đô la Mỹ, còn ở quy mô toàn cầu thì lên đến gần 553.000 tỉ đô la Mỹ. Khi các đại gia tài chính ngân hàng và các tập đoàn lâm vào cảnh phá sản sau đó thì chính phủ chìa tay ra cứu trợ họ ngay lập tức mà không màng gì đến số phận của hàng chục triệu thường dân bị tịch biên nhà cửa chỉ vì đến hạn không có tiền trả nợ ngân hàng. Trò chơi vương tiền như vậy nói thẳng ra là một hệ thống gian lận vĩ đại nhất mà lịch sử từng chứng kiến. Cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ vừa qua có kết quả bất ngờ ngoài dự đoán cũng phản ảnh phần nào thái độ của những người bị gạt ra ngoài lề xã hội trước các bất công như thế. Khi các kiểu gian lận này trở nên quá phổ biến trong xã hội ngày nay, sẽ không ngạc nhiên khi thấy bỗng nhiên từ đâu như dưới đất mọc lên các đại gia triệu phú, tỉ phú đô la ngày càng nhiều nhưng theo chiều GDP bình quân đầu người ngày càng suy giảm.

Một xã hội như vậy thì sẽ không lấy gì làm khó hiểu khi các đại gia vụt đến nhưng cũng vụt đi nhanh chóng. Họ đến rồi đi, đôi khi không phải từ quy luật cạnh tranh thương trường mà do số phận trò chơi vương tiền ấn định đến lúc vai diễn nào đó phải lui vào hậu trường nhường sân cho một vai diễn mới, thế cuộc cứ thế mà xoay dần hết lượt này đến lượt khác tham gia dự phần. Nhưng tất cả đều có mẫu số chung giống nhau, bằng cách này hay cách khác liền được giải cứu sau đó, có nơi tuy bị phạt nhưng... cho tồn tại. Giới quyền quý nhiều khi còn xem đó là môn thể thao, ai mệt quá thì ra sân để người khác vào.

Một trong những phương thuốc đơn giản và hiệu nghiệm nhất ngăn không cho các trò chơi vương tiền đến mức gần như trở thành trò chơi thể thao phổ biến, nhất là của giới quyền chức, là các trò chơi phải diễn ra dưới ánh sáng, tức phải công khai, phải minh bạch. Nhưng như thế nào là công khai, minh bạch tưởng dễ hóa ra vô cùng khó. Cái khó không phải đến từ những quy chuẩn thế nào là công khai, là minh bạch mà đến từ những điều khác thuộc về yếu tố con người. Chẳng hạn biết giải thích thế nào đây khi so về mức độ thì tiền phạt do lỗi không công bố thông tin hay công bố thông tin giống như giỡn chơi của các tập đoàn đình đám thời nay thậm chí còn ít hơn cả lỗi của công dân vi phạm luật giao thông. Cái kiểu được phép công bố thông tin như đùa càng tạo thêm động lực cho các ông vua thời nay tiến hành các chiêu trò tạo tiền mà bình thường chỉ là độc quyền của ngân hàng trung ương, đó là tạo tiền từ cái hư vô (creating money out of thin air). Các ngân hàng trung ương có quyền năng chỉ cần hứa hẹn cho ai đó vay tiền hay hỗ trợ một ngân hàng yếu kém nào đó thì tự nhiên tiền sẽ được tạo ra mà có khi không cần phải in hay bơm thêm đồng tiền vật chất nào. Nó giống hệt với cái ví dụ câu chuyện gia đình dẫn ra ở trên: 300 triệu đồng “tiền” được tạo ra chỉ bằng lời hứa. Điều mà chỉ tưởng là đặc quyền duy nhất của ngân hàng trung ương thì ở thời đại bây giờ một nhóm người nào đó có thể hô biến dễ dàng. Ai có được lời hứa hay dựa hơi ngầm một chức sắc nào đó xem như mặc nhiên được ban cho chức năng có quyền tạo ra một khối tiền khổng lồ không khác gì một ngân hàng.

Sự giàu có của các cá nhân và của xã hội nhìn vào danh sách các triệu phú, tỉ phú đô la gia tăng nhanh chóng theo cách thức như thế hóa ra chỉ là ảo ảnh. Trước sau gì mà chẳng có một mắt xích trong hệ thống đổ vỡ vì nó trái với quy luật tự nhiên một cách lạ thường. Nó rồi sẽ mất đi cũng giống như cách được tạo ra từ hư vô ngay lúc mới bắt đầu. Có điều, đó chỉ là ảo ảnh, là mây khói đối với thứ dân hay ẩn dưới thành tích GDP ảo, chứ còn mọi thứ đã được phù phép để trở thành tài sản thật, tiền thật của một nhóm tinh hoa sau hàng loạt các phù phép từ mưu đồ tạo tiền trước đó. Khi tiền và của cải được tạo ra từ ảo ảnh như vậy mà không bị giám sát và ngăn chặn thích đáng, đến một lúc nào đó sẽ tạo ra cái gọi là quá quan trọng hay quá lớn để không thể cho nó phá sản được. Một ông doanh nghiệp nào đó chưa thể gọi là khổng lồ mà chỉ cần đánh động bán một lô đất cho nước ngoài để trả nợ hay ngân hàng cho vay có quá nhiều nợ xấu không thu hồi được là đã thấy nhốn nháo đòi phải bơm tiền cứu trợ ngay lập tức. Ngày nay cái trò chơi giống như môn thể thao tiền tệ này có thể diễn ra ở bất kỳ sân chơi nào trên trái đất này bởi vì quá dễ để chơi và cũng bởi vì con người vốn luôn có sẵn lòng tham, chỉ cần có thêm các ngài X, Y để dựa hơi là trò chơi cứ thế bắt đầu thật không gì đơn giản hơn nữa.

Xã hội nào cũng vậy, ở mức độ nhiều ít khác nhau, luôn có những vấn đề như thế. Điều không thể chấp nhận là nó không được điều chỉnh thích đáng, thậm chí còn bị ngó lơ. Tại sao người ta ít dám đặt ra những luật lệ ngặt nghèo để kiểm soát hiệu quả các trò chơi vương tiền đến vậy. Phải chăng ở các xã hội như thế, con người chính là thánh thần biến thành người tử tế nên họ cứ tự xử với nhau là mọi việc ổn thỏa mà không cần sự xuất hiện của chính quyền; hoặc các thánh thần giờ đã hóa thân làm nhà truyền giáo khích lệ con người học tập các điều tốt đủ để không còn ai có ý nghĩ mưu cầu lợi ích cá nhân bất chấp cái giá phải trả của đồng loại. Thế giới thực ngoài kia đang thay đổi quá nhanh, chừng nào ta mới tỉnh ngộ ra đây?

Bài đã đăng:  http://www.thesaigontimes.vn/156285/Tro-choi-Vuong-Tien.html