Thứ Bảy, 2 tháng 3, 2024

‘Nông dân giàu thì nước ta giàu’

Huỳnh Kim

07:46 02/03/2024

(KTSG) – Giáo sư Tiến sĩ Võ Tòng Xuân, nhà khoa học Việt Nam đầu tiên nhận Giải thưởng VinFuture 2023, thường nhắc lại câu nói của Bác Hồ: “Nông dân giàu thì nước ta giàu. Nông nghiệp ta thịnh thì nước ta thịnh”…

GS. Võ Tòng Xuân (giữa) và GS. Gurdev Singh Khush (thứ 2 từ trái sang) chụp ảnh lưu niệm với các đại biểu dự hội nghị lúa gạo tại Tiền Giang năm 1992. Ảnh: CTV
1. Bài báo đầu tiên tôi viết về Giáo sư Võ Tòng Xuân là bài “Thao thức giữa đồng bằng” đăng báo Quân đội Nhân dân ngày 17-1-1986. Hồi đó, “anh Ba Xuân”, như bà con nông dân miền Tây thường gọi, là người trí thức đầu tiên ở đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) được phong Anh hùng Lao động sau ngày hòa bình 1975.

Anh Ba Xuân đã nổi tiếng với chiến công cùng hàng ngàn thầy trò Đại học Cần Thơ đóng cửa trường hai tháng đi giúp nông dân ĐBSCL nhân giống lúa IR-36 dập tắt dịch rầy nâu, cứu bà con thoát nạn đói, mở đầu cho việc áp dụng tiến bộ kỹ thuật mới trong canh tác lúa.

Còn nhớ, 28 ngày trước khi miền Nam được giải phóng, người con quê đất An Giang ấy, ngay sau khi tốt nghiệp tiến sĩ nông học tại Nhật, đã quyết định quay về Việt Nam. Anh Ba Xuân kể: “Từ một gia đình nghèo, lúc nhỏ tự đi làm để phụ cha mẹ nuôi các em và có tiền đi học đến lúc thành tài; đã từng trải qua một thời bán báo dạo dọc các bến xe đò, đêm đêm đến nhà dạy kèm cho học sinh luyện thi, cho đến quãng đời làm giám đốc kỹ thuật cho một công ty thuốc trừ sâu… tôi đã thấm thía như thế nào giá trị của hai chữ lao động”.

Rồi nói: “Sự giàu có của dân lao động các nước nghèo tài nguyên thiên nhiên mà tôi đã đi qua làm tôi nghĩ đến dân mình – những người chủ nghèo sống trên tài nguyên giàu có. Từ đó tôi đã tự xác định mục đích sống cho đời mình: phải đem hết tri thức của mình đóng góp cho đất nước, làm sao cho dân mình mau trở nên những người chủ giàu như dân các nước tiên tiến. Cách cơ bản nhất theo tôi là đào tạo con người có tri thức và lý tưởng để cùng tham gia phát triển đất nước”.

Thế là những năm 1975-1977, anh và những đồng nghiệp say mê khoa học đã lặn lội qua hàng ngàn héc ta ruộng lúa cháy rụi vì giặc rầy nâu, băng qua những cánh rừng tràm xơ xác vì thuốc khai hoang của Mỹ, những đồng cỏ năng dày mịt hoang vắng mênh mông. Bà con nông dân miền Tây thấy các anh khi thì lội bì bõm, khi thì lắc lư trên xuồng nhỏ hoặc ngồi nghêu ngao trên những mui tàu đò; lúc đi xe đạp, lúc chạy Honda hay đeo cửa một chuyến xe đò cuối cùng nào đó trên một tuyến hương lộ ĐBSCL.

Anh Ba Xuân tâm sự: “Càng ngày mình càng dày dạn trong nghề hơn, càng tìm ra thêm được những kiến thức mới mà sách vở nước ngoài chưa có. Dần dà mình đã xác định được những trở ngại khoa học kỹ thuật làm chậm trễ sự phát triển nông nghiệp của ĐBSCL”.

Mười năm tiếp theo, Giáo sư Võ Tòng Xuân không chỉ đứng trên bục giảng hay trong phòng nghiên cứu khoa học của Đại học Cần Thơ ở cương vị phó hiệu trưởng, mà còn tham gia nhiều tổ chức quốc tế, nhằm phục vụ ĐBSCL với phương châm: đào tạo kết hợp nghiên cứu khoa học, đưa tiến bộ khoa học vào phục vụ sản xuất, phát triển nông thôn. Đó là thành công trong đào tạo kỹ sư trồng trọt và kỹ thuật viên nông nghiệp; trong lai chọn được những giống lúa kháng rầy nâu năng suất cao và kỹ thuật sử dụng đất phèn hợp lý; trong cách phổ biến kiến thức khoa học kỹ thuật thích hợp cho từng đối tượng, cả với người lãnh đạo và bà con nông dân ở ĐBSCL.

Có một dạo, Giáo sư Xuân đã lội khắp các vùng nhiễm mặn, ngập phèn trên những “nông trường lúa thể nghiệm tiến công vào đất hoang” của Nhà nước và Quân khu 9 ở Giồng Găng, Chọc Xây, Vàm Rầy, U Minh, An Biên… Và rồi, sau hai năm nghiên cứu tâm huyết, tại kỳ họp thứ nhất Quốc hội khóa 7, đại biểu Võ Tòng Xuân đã kiến nghị nên ngừng lãng phí hàng trăm triệu đồng ở những nơi còn lâu mới trồng được lúa, để thay cho cây trồng khác. Bộ Nông nghiệp đã đồng ý, và cây tràm đã được sạ đại trà, trở về đúng chỗ của nó, đem lại nguồn lợi gấp nhiều lần trồng lúa.

Đó là thời gian mà theo Giáo sư Võ Tòng Xuân, ông rất vui vì đã góp sức làm cho bà con nông dân ở ĐBSCL hiểu được khoa học kỹ thuật nông nghiệp về cây lúa và đất phèn. Nhưng ông vẫn thao thức: “Cây lúa ĐBSCL còn bộn bề công việc vây quanh nó. Lúa mùa, đất ngập mặn, nhiễm phèn, sâu rầy; rồi trình độ dân trí… Làm sao để tạo ra được giống lúa thích hợp với kỹ thuật tương ứng? Tôi thao thức nhiều về những vùng đất hoang lớn nơi đồng bằng này, mà nông dân thì họ bỏ đi, bu bám sống ven lộ với tỷ lệ sinh đẻ quá cao, cứ như phó mặc cho một số phận vô hình nào đó?”.

2. Cuối năm 2005, Giáo sư Võ Tòng Xuân, khi đó là Hiệu trưởng trường Đại học An Giang, đã chọn ra những bài báo mà ông gửi cộng tác với Thời báo Kinh tế Sài Gòn, cho in tập sách “Để nông dân giàu lên” (NXB Trẻ và TBKTSG). Qua từng bài báo, dù chủ đề, thể loại khác nhau, xuyên suốt tập sách, cho thấy đó là những tâm huyết muốn góp phần làm cho ĐBSCL nói riêng và nông nghiệp, nông dân, nông thôn Việt Nam nói chúng, mau thoát khỏi đói nghèo, biết làm giàu và hội nhập bình đẳng với thế giới.

Giờ đọc lại mỗi bài này, càng thấy nhiều phân tích, dự báo, đề xuất của ông có tầm nhìn xa và thiết thực cho đất nước. Có những chuyện, ví dụ như cho tư nhân xuất khẩu gạo, Giáo sư Xuân đã đề cập từ những năm 1990, khi mà nhiều người còn cho rằng làm như vậy là không bảo đảm an ninh lương thực.

Hoặc như trong bài “Phải học thôi!” viết hồi tháng 2-2005, Giáo sư Xuân mở đầu: “Trong một thế giới đầy cạnh tranh, việc nâng cao trình độ quản lý doanh nghiệp đã trở thành quốc sách của nhiều nước châu Á”. Rồi ông kết luận: “Giám đốc doanh nghiệp được bồi dưỡng đúng chương trình có chất lượng cao càng sớm thì Việt Nam càng có nhiều điều kiện để thắng lợi trên thương trường”.

GS. Võ Tòng Xuân và Đại úy Phạm Ngọc Trọng, Phó Giám đốc Nông trường Giồng Găng (Quân khu 9) trên một cánh đồng tràm ở Đồng Tháp Mười năm 1985. Ảnh: David Carling
Trong bài “Cần sự phát triển cho toàn vùng” (tháng 12-2004), ông nhận xét rằng lúa, cá, tôm, trái cây của ĐBSCL gia tăng sản lượng và xuất khẩu nhưng lợi tức của nhà nông vẫn không tăng tương ứng, nghèo vẫn nghèo. Rồi nhấn mạnh: “Lý do chính: mạnh tỉnh nào làm theo tỉnh ấy; trong tỉnh, mạnh huyện nào lo cho huyện nấy; trong huyện, mạnh người nông dân nào tự lo cho người nông dân ấy.

Kết quả là trăm hoa đua nở: thủy lợi tỉnh này làm thì tỉnh kia ngăn lại; đồng ruộng lúc nào cũng có hàng chục giống lúa được trồng; vườn tược nào cũng có đủ thứ giống dỏm… Thế thì làm sao doanh nghiệp thu gom được một vài giống chất lượng tốt nhất với khối lượng lớn cùng một thời điểm mà khách hàng cần?”.

3. Tối 20-12-2023 vừa qua, Giáo sư Võ Tòng Xuân và người đồng nghiệp của ông ở Viện Lúa Quốc tế IRRI ngày nào, Giáo sư Gurdev Singh Khush, đã được vinh danh ở hạng mục Giải Đặc biệt VinFuture 2023 dành cho nhà khoa học đến từ các nước đang phát triển. Đây là lần đầu tiên một nhà khoa học Việt Nam được trao giải thưởng khoa học và công nghệ quốc tế với sứ mệnh phụng sự nhân loại.

Chia sẻ về giải thưởng này tại buổi gặp mặt các nhà khoa học và tổng kết ngành khoa học năm 2023 của thành phố Cần Thơ vào ngày 29-12-2023, Giáo sư Võ Tòng Xuân cho biết mục tiêu cuối cùng của ông là làm sao cho bà con trồng lúa có lợi tức khá hơn. Giáo sư nhắc lại câu nói của Bác Hồ: “Nông dân giàu thì nước ta giàu. Nông nghiệp ta thịnh thì nước ta thịnh”.

Ông nói: “Bắt đầu từ năm 2023, Việt Nam đã có vài giống lúa ngắn ngày ngon cơm mà lại có thêm hương thơm như giống ST 25 do nhóm ông Hồ Quang Cua lai tạo, được quốc tế vinh danh “gạo ngon nhất thế giới”. Điều này đã giúp nâng giá gạo lên cao hơn gạo trắng của Thái Lan, mở ra triển vọng giúp cho nông dân ta tăng lợi tức cao hơn trước, triển vọng thực hiện được lời nói của Bác Hồ”.

Nhưng theo ông, muốn tiềm năng thành hiện thực, Nhà nước, nhà khoa học và các doanh nghiệp xuất khẩu nông sản cần phối hợp tổ chức cho nông dân sản xuất theo quy trình công nghệ cao trên những cánh đồng lớn. Đồng thời mong nông dân ta phải đổi mới để kết nối chặt chẽ với doanh nghiệp có đầu ra bền vững.

“Người nông dân đổi mới mà đất nước ta cần trong thời đại này là những người nông dân, tuy diện tích đất manh mún, nhưng biết tự giác thỏa thuận đứng chung nhau trong những hợp tác xã nông nghiệp kiểu mới để sẵn sàng liên kết với các doanh nghiệp lớn xây dựng vùng nguyên liệu kèm khu công nghiệp sản xuất rau quả chế biến, hoặc vùng công nghiệp thủy sản chế biến cung cấp cho thị trường trong nước và thị trường quốc tế”, Giáo sư Xuân nói.

Nay đã tuổi 84, ở cương vị Hiệu trưởng danh dự trường Đại học Nam Cần Thơ, Giáo sư Võ Tòng Xuân vẫn giữ phong cách sống giản dị, phương pháp làm việc hiệu quả như bao năm qua. Ông nói: “Tôi không giữ cho riêng mình những gì thu thập được. Phương pháp chính của tôi là làm cho nhiều người cộng tác hiểu và thực hiện được nội dung, kế hoạch công việc. Qua đó, mỗi ngày có thêm nhiều người cộng tác tốt hơn”.

Giáo sư Tiến sĩ Võ Tòng Xuân sinh ngày 6-9-1940 tại Châu Đốc, An Giang.

– Năm 1980: được phong Giáo sư.

– Năm 1985: Anh hùng Lao động.

– Năm 1990: Nhà giáo Ưu tú.

– Năm 1993: Giải thưởng Ramon Magsaysay về “Phục vụ Nhà nước”

– Năm 1995: Bằng tưởng lệ của Thủ tướng Canada về “Phụng sự và đóng góp vào khoa học thế giới”

– Năm 1996: Huy chương “Kỵ mã nông nghiệp” của bộ Nông Lâm Thủy sản Pháp

– Năm 1999: Nhà giáo Nhân dân.

– Năm 2002: Giải thưởng Nikkei Á Châu 2002 về tăng trưởng vùng

– Năm 2005: Giải thưởng Derek Tribe về khoa học kỹ thuật năm

– Năm 2019: Huân chương “Mặt trời mọc” của Chính phủ Nhật Bản về quan hệ Nhật – Việt.

– Năm 2023: Giải thưởng Đặc biệt VinFuture 2023 về phụng sự nhân loại.

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 Đã đăng trên: KTSG Online

https://thesaigontimes.vn/nong-dan-giau-thi-nuoc-ta-giau/

Thứ Hai, 19 tháng 2, 2024

Trở lại Vị Xuyên

Huỳnh Kim

13:00 16/02/2024

(KTSG) – Một ngày cuối thu, chúng tôi đã cùng “về nguồn” với các bạn trẻ Chi đoàn Tạp chí Kinh tế Sài Gòn thăm lại Vị Xuyên – nơi từng là chiến trường khốc liệt suốt 10 năm 1979-1989 ở địa đầu biên cương phía Bắc, giờ đang rộn ràng đón khách thập phương.

Ký ức không quên

Sau khi viếng Nghĩa trang liệt sĩ Vị Xuyên ở thành phố Hà Giang, chúng tôi đi tiếp hơn 20 cây số ra hướng khu kinh tế cửa khẩu Thanh Thủy. Con đường này, thời chiến tranh là độc đạo bị nã pháo suốt ngày đêm. Giờ đây, là quốc lộ 2 rộng rãi, uốn lượn theo màu xanh mênh mông của núi rừng biên giới.

Trên một cánh đồng hoa tam giác mạch ở Hà Giang. Ảnh: Huỳnh Kim
 

Đền thờ các Anh hùng liệt sĩ Mặt trận Vị Xuyên nằm trên điểm cao 468, thuộc xã Thanh Thủy, huyện Vị Xuyên, tỉnh Hà Giang. Lên tới khu nhà tưởng niệm bên vách núi đá dựng, mọi người có thể nhìn thấy các điểm cao 685, 772… và điểm cao 1509, mốc biên giới Việt – Trung. Nơi đây, các bạn trẻ đã thành kính dâng hương tưởng niệm các anh hùng, liệt sĩ đã hy sinh trong cuộc chiến tranh bảo vệ biên cương phía Bắc với tâm nguyện “sống bám đá đánh giặc, chết hóa đá bất tử”. Một bạn trẻ đã ghi vào sổ tay: “Từ 1979-1989, có gần 5.000 cán bộ, chiến sĩ đã hy sinh ở Vị Xuyên. Máu của người lính Việt Nam đã hòa vào lòng đất mẹ để Tổ quốc hoà bình phát triển hôm nay”.

Khoảng 38 năm trước, vào cuối tháng 7-1985, chúng tôi đã lên mặt trận này để viết phóng sự chiến trường cho báo Quân đội Nhân dân. Còn nhớ, cách Đền thờ hôm nay không xa, trong hầm chỉ huy, thiếu tá Trần Bản, Phó đoàn trưởng Đoàn Quang Trung, trải bản đồ quân sự, nói dãy núi 1500 phân định rõ ranh giới hai nước với những điểm cao 1545, 1509, 772… thuộc lãnh thổ Việt Nam, nhưng quân Trung Quốc đã lấn chiếm một số điểm cao này và huy động pháo bắn dữ dội vào quân dân ta. Anh Bản kể chỉ riêng ngày 31-5-1985, quân Trung Quốc đã nã gần 50.000 quả đạn pháo. Với bộ binh, từ 22-5 đến 2-6, bộ đội Đoàn Quang Trung đã bốn lần đánh bại các đợt lấn chiếm của địch.

Anh Bản cho biết bộ đội Đoàn Quang Trung đã cùng các đơn vị địa phương Hà Tuyên (nay là Hà Giang) trấn thủ vùng biên nóng bỏng này và đã đánh thắng mọi hành động lấn chiếm của giặc. Các địa danh sau đây đã gắn liền với đá núi Vị Xuyên, với những tháng ngày chiến đấu kiên cường bảo vệ từng tấc đất, mỏm đá biên cương Tổ quốc: ngã ba Thanh Thủy, hang Làng Lò, đồi Bốn Hầm, hang Suối Cụt, đồi Chuối, Cốc Nghè, Cửa Tử, điểm cao 2000, 1200, 1000, 772, bình độ 300, 400, 685, đồi không tên…

Sau chuyến đi ấy, Báo Quân đội Nhân dân đăng bài ghi chép ba kỳ “Gửi về đồng đội phía Nam”. Cuối bài báo, chúng tôi đã viết: “Lần đầu tiên tôi về với biên cương phía Bắc. Lại là nơi nóng bỏng nhất của đất nước hôm nay. Nơi điểm tựa tiền tiêu này, lửa đã cháy trong tôi. Không chỉ là lửa tội ác của pháo đạn giặc. Còn là lửa sống của đồng đội tôi nơi đây. Lửa chiến đấu hết mình để giữ vững biên cương Tổ quốc. Lửa của tình đồng chí đồng đội và lòng thiết tha yêu quý hòa bình. Mùa lúa chín, con đường làng, lời mẹ dặn lúc ra đi, và em, và bạn, và trường lớp… tất cả là nỗi nhớ lung linh thành ngọn lửa trong ta, cùng cháy lên, nơi đây”.

Chiều hôm đó, chúng tôi đã tặng bản photocopy bài báo này để làm kỷ vật, cùng các bài báo khác viết về du lịch Vị Xuyên hôm nay, cho Ban Quản lý Đền thờ các Anh hùng liệt sĩ Mặt trận Vị Xuyên. Anh Tạ Viết Trường, đại diện Ban Quản lý Đền thờ, cảm ơn các nhà báo trẻ đã có chuyến về nguồn ý nghĩa và giới thiệu với mọi người về những trận đánh ngày xưa trên các điểm cao chung quanh cùng các tour du lịch ngày nay.

Rộn ràng đón khách

Anh Tạ Viết Trường cho biết Đền thờ Vị Xuyên hiện mỗi tuần đón khoảng 1.000 khách đến từ khắp nơi trong nước. “Các đoàn công tác, đoàn khách du lịch đến Hà Giang đều đi viếng Đền thờ Vị Xuyên. Đông nhất là vào dịp tháng Bảy hàng năm, ngày tri ân các anh hùng liệt sĩ đã hy sinh trong cuộc chiến tranh bảo vệ biên giới phía Bắc của Tổ quốc”, anh Trường nói.

Và cũng theo lời anh Trường, từ điểm du lịch tâm linh này, du khách sẽ đi thăm nhiều di tích lịch sử, danh thắng khác như chùa Sùng Khánh, suối khoáng Thượng Sơn, đền Cầu Má, Nậm Dầu, cửa khẩu quốc tế Thanh Thủy, hang Tùng Bá, hang Bản Mào, đỉnh Tây Côn Lĩnh, rừng chè cổ thụ Shan Tuyết, hồ Noong, rừng nguyên sinh Minh Tân, suối nước nóng Quảng Ngần, khu du lịch nghỉ dưỡng suối khoáng Thanh Hà, làng văn hóa dân tộc Dao ở thôn Lùng Tào – Cao Bồ…

Cùng các bạn trẻ Chi đoàn Tạp chí Kinh tế Sài Gòn chụp ảnh lưu niệm tại Đền thờ các Anh hùng liệt sĩ Mặt trận Vị Xuyên – nơi đã tạc vào đá lời thề: “Sống bám đá đánh giặc, chết hóa đá bất tử”.
Ảnh: Ngọc Khánh
 

Vị Xuyên còn hấp dẫn du khách trong và ngoài nước với nhiều lễ hội như Lồng Tồng (xuống đồng) của dân tộc Tày, Nùng, lễ hội Gioóng Boọc của dân tộc Giáy, Sải Sán hay hội Gàu Tào (đi chơi núi) của người Mông, hội Tết Nhảy (Giàng chảo đao) của người Dao hay lễ hội hoa Đỗ Quyên ở xã Cao Bồ. Còn có những trò chơi dân gian như ném còn, đu quay, ném yến, đánh quay, bắn nỏ, phi ngựa, leo núi… cùng các hình thức hát giao duyên của các đôi trai gái dân tộc Mông, Dao, Tày, Nùng với những làn điệu dân ca trữ tình then, cọi, sli, lượn hoặc hát giầu plềnh của người Mông với các nhạc cụ dân tộc như đàn tính, kèn lá, đàn môi, sáo trúc, các bộ trống, xoèng, chọe… rồi tiếp đến là những huyện vùng cao Quảng Bạ, Đồng Văn, Yên Minh, Mèo Vạc… với các địa danh nổi tiếng về du lịch như đèo Mã Pí Lèng, hẻm núi Tu Sản trên sông Nho Quế, cao nguyên đá Đồng Văn, cột cờ Lũng Cú, dốc Thẩm Mã, nhà cổ của vua Mèo Vương Chí Sình…

Nói về phát triển du lịch xanh, bền vững, anh Trường cho hay hướng đi này giúp người dân nâng cao thu nhập, Đảng bộ huyện Vị Xuyên khóa XXIV đã ban hành Nghị quyết số 18 về phát triển du lịch giai đoạn 2021-2025. Theo đó, sẽ thu hút trên một triệu lượt du khách, tăng từ 25-30%/năm; tổng thu từ khách du lịch năm 2025 đạt 210 tỉ đồng; xây dựng từ 35-40 cơ sở lưu trú và hoàn thiện một số sản phẩm du lịch đặc trưng…

Tạm biệt Đền thờ Vị Xuyên hôm đó, chúng tôi đã cùng các bạn trẻ tham quan tiếp một số nơi như anh Tạ Viết Trường giới thiệu. Một bạn trẻ quê ở Cái Răng, Cần Thơ trong đoàn về nguồn bữa đó đã chia sẻ: “Đây là một chuyến dã ngoại nhiều ý nghĩa và cảm xúc”.

Đã đăng trên: KTSG Online

https://thesaigontimes.vn/tro-lai-vi-xuyen/

Thứ Hai, 22 tháng 1, 2024

“Ðời là một cuộc hành trình”

14/01/2024 - 10:56

Giáo sư Bùi Chí Bửu:

“Ðời là một cuộc hành trình” 

Bộ ba ký sự “Ði và học” dày hơn 1.000 trang của GS.TS Bùi Chí Bửu, nguyên Viện trưởng Viện Lúa ÐBSCL và Viện trưởng Viện Khoa học kỹ thuật nông nghiệp miền Nam, vừa hoàn thành. Tập 1 do NXB Giáo dục in năm 2022; hai tập sau do NXB Nông nghiệp ấn hành vào quý IV-2023. Ðây là chuyện kể về 63 tỉnh, thành trong nước và ở nhiều nước khác sau hơn 40 năm làm việc của một người chuyên nghiên cứu về lúa gạo - những câu chuyện chuyên môn lồng trong dòng lịch sử, văn hóa, du lịch với bao tình tự quê hương.

GS.TS Bùi Chí Bửu và tác giả. Ảnh: Lạc Long


Dịp này, GS.TS Bùi Chí Bửu dành cho Báo Cần Thơ một cuộc trao đổi, xoay quanh 3 tập sách này.

Thưa Giáo sư, ý tưởng nào để ông viết xong bộ sách “Ði và học”?

- Thật sự thì không có ý tưởng đầu tiên. Tôi ra trường năm 1977, đi khắp các tỉnh ÐBSCL trong 3 năm đầu. Lúc đó mình đi, ghi chép, đam mê ca dao tục ngữ, nhất là các bản đàn ca tài tử có những câu rất hay. Ngoài ÐBSCL tôi còn tham gia đi tìm lúa hoang trên Tây Nguyên rồi lang thang cả duyên hải Nam Trung Bộ, sưu tập lúa bản địa. Tới năm 2006, tôi được giao nhiệm vụ chủ nhiệm “chương trình giống” cả nước. Tôi có điều kiện đi kiểm tra các đề tài trồng trọt, chăn nuôi, cây rừng, đi suốt từ 2001-2006.

Sau này, tôi được đồng nghiệp mời đi thăm vùng Ðông Bắc, Tây Bắc. Tôi đam mê những câu chuyện của sông Hồng và sông Ðà. Việc đi tìm sự khác biệt ở đồng bằng sông Hồng mất 15-20 năm, nhưng lý thú.

Tôi tham gia Chương trình Bảo tồn tài nguyên di truyền thực vật, được các tổ chức quốc tế tổ chức đi thăm rừng Cúc Phương và nhiều công viên quốc gia ở Quảng Bình, Hà Giang, Cao Bằng, Ðắk Nông…

Tôi tham gia công tác lãnh đạo Viện Lúa từ 36 tuổi. Do vậy, khi đi nước ngoài họp hội nghị khoa học thì phải viết báo cáo cho lãnh đạo Bộ. Hồi ấy, tôi hổng nghĩ sau này sẽ viết thành sách. Khi nghỉ hưu tôi thấy các báo cáo này có nhiều tư liệu hay. Bỏ bớt nội dung hành chính, thêm một chút văn học. Riêng ở những nước đi nhiều như Philippines, Thái Lan, Ấn Ðộ, tôi học được nhiều điều, đặc biệt là văn hóa đạo Hindu và đạo Phật. Sau này tìm hiểu về văn hóa Óc Eo, tôi thấy rất giống nhau. Ðiều này minh chứng giao dịch của các thương nhân từ mấy ngàn năm trước đã cởi mở rồi. Và tôi cũng ngộ ra một điều là cây lúa, ngoài chuyện an ninh lương thực thì nó còn là văn hóa của những cư dân Á châu.

Ði và học trong quá trình 40 năm như vậy, tôi phải cảm ơn ngành nông nghiệp đã cho tôi điều kiện đi nhiều như vậy, để tôi kể lại những câu chuyện bổ ích này.

►​ Vì sao ngoài chuyện chuyên môn, chuyện kể trong 3 tập sách này lại bàng bạc tính văn học với rất nhiều ca dao, tục ngữ?

- Từ nhỏ, tôi đã nghe ba tôi kể chuyện văn thơ của cụ Nguyễn Du, cụ Ðồ Chiểu, của bà Hồ Xuân Hương, rồi những câu chuyện của cụ Nguyễn Trãi - Thị Lộ. Còn mẹ tôi thì dù không đi học bà vẫn thuộc lòng cả Chinh phụ ngâm khúc. Nên tôi đam mê văn học mặc dù hồi nhỏ chuyên ngành của tôi là toán và sinh học.

Cho nên khi mình đi thì những ký ức đó bật dậy. Ngoài văn học bác học còn có nền văn học dân gian, tức ca dao tục ngữ, rất sâu lắng. Bên cạnh đó là chuyện kể dân gian truyền khẩu. Ở Tây Nguyên, Trung Bộ và Tây Bắc có quá nhiều chuyện hay. Tối mình uống vài ba cốc rượu với mấy ông già làng rồi ổng kể chuyện cho mình nghe. Còn về ÐBSCL thì khỏi phải nói, chuyện Nam Bộ đa dạng lắm! Tôi ghi lại hết và tôi lưu trữ rất tốt nên tài liệu còn đủ, khi viết sách cũng gặp thuận lợi.

Tôi chịu ảnh hưởng của nhà văn Sơn Nam nhiều lắm. Tôi gặp bác năm 1983, 1984 ở Thốt Nốt, hai bác cháu nói chuyện suốt đêm. Hồi nhỏ đọc “Hương rừng Cà Mau” của bác rất thích. Tôi thích cái văn hóa la cà của nhà văn Sơn Nam. La cà thì cái nào viết được cứ viết. Học cái phong cách Nam Bộ của nhà văn Sơn Nam rất thích. Nhà văn Hồ Biểu Chánh và nhà thơ Ðông Hồ ở Kiên Giang cũng có ảnh hưởng lớn.

►​Và tác giả cũng muốn giới thiệu như sổ tay du lịch với một số tỉnh thành?

- Ðúng rồi. Sang Thái Lan tôi thấy họ làm du lịch giỏi hơn mình. Phong cảnh Thái Lan không hơn cảnh đẹp ở ÐBSCL, Quảng Bình và nhiều nơi khác. Như ở Cao Bằng có thành nhà Mạc, nhìn vào đó mình nhớ về lịch sử, lại có một thế núi hình cánh cung với những con sông đổ về tạo nên phong cảnh thiên nhiên hùng vĩ. Bờ biển miền Trung dài, đẹp vô cùng. Những năm 1979 đi xe lửa dọc bờ biển miền Trung, thấy cảnh những xác xe tăng, đạn pháo còn nằm ngổn ngang trên bờ biển, thấy rõ một cuộc chiến tranh 20 năm tàn khốc. Bây giờ không còn cảnh đó nữa vì đất nước đã hồi sinh…

Hay như mỗi lần đi thăm hoàng thành Huế thì tôi lại như cảm nhận còn có điều bí ẩn trong dòng lịch sử, và hiểu rằng nhà Nguyễn giỏi thật. Cho nên nhìn vào lịch sử không nên nhìn một chiều, thành kiến. Mà lịch sử đòi hỏi chúng ta phải biết nhìn người xưa, đối xử công bằng với tổ tiên của mình. Công tội đầy vơi mà… Thì đó là những câu chuyện của người làm du lịch. Cho nên tôi đã lồng ghép tất cả vào các bài ký sự của mình.

Bìa 3 tập sách “Ði và học”. Ảnh: Lạc Long


►​ Giáo sư có thể giới thiệu ngắn về mỗi tập?

- Tập 1 chủ yếu kể chuyện đi nước ngoài, 30% là nói về các tiến bộ khoa học trong từng hội nghị quốc tế; còn lại là văn học, là những câu chuyện kể về đặc điểm nước đó. Và chuyện về một số tỉnh trong nước, trong đó có 2 tỉnh tôi nặng nợ nhứt là Ðồng Tháp nơi sinh ra và Tây Ninh, nơi tôi tản cư, trưởng thành và lớn lên.

Tập 2 nói về ÐBSCL, Ðông Nam Bộ, Tây Nguyên và duyên hải miền Trung, là nơi tôi đi nhiều nhứt trong ba, bốn chục năm qua. Ðặc biệt là duyên hải Trung Bộ từ 1979, từ Quảng Trị trở vào, nghèo quá nghèo. Nhưng từ năm 2000 trở đi, từ Nha Trang, Bình Ðịnh ra Ðà Nẵng thì phát triển, tới giờ phát triển mạnh, mừng ghê lắm. Mừng nhứt là Quảng Nam, Quảng Ngãi, thời đó nghèo vô cùng; giờ ngồi viết lại khi tỉnh đã phát triển, mình chảy nước mắt nhớ lúc đó khổ quá. Quyển 2 tình cảm nhiều.

Quyển 3 là một khao khát tìm hiểu về vùng đất của tổ tiên, hơn ba trăm năm trước. Từ thuở mang gươm đi mở cõi / Trời Nam thương nhớ đất Thăng Long. Biết vậy thôi chớ phải đi để biết sự thật. Sử sách thì viết nhà Mạc rất lằng nhằng nhưng tôi đánh giá nhà Mạc rất cao. Ví dụ như trong số người đậu trạng nguyên thời phong kiến thì thời nhà Mạc đã chiếm gần 1/3. Tiếp theo dòng lịch sử thì tôi thấy các tỉnh đồng bằng sông Hồng đang chuyển đổi về nông nghiệp rất lạc quan. Như Hải Dương, hồi xưa nghèo lắm nhưng hiện nay Hải Dương đang đứng thứ 3 về thu nhập trên 1 héc-ta nông nghiệp, sau TP Hồ Chí Minh, Hà Nội, nhờ xuất khẩu cà rốt và các loại rau vụ đông cho các nước lớn, thu ngoại tệ rất cao dù diện tích rất nhỏ. Tôi rất tâm đắc câu: “Nếu không làm được điều vĩ đại thì hãy làm điều nhỏ bằng cách làm vĩ đại”. Tôi ghi chép trong tập 3 những điều đó về đồng bằng sông Hồng.

►​ Vậy tâm huyết của tác giả với người trẻ ở bộ sách này là gì?

- Tôi muốn nhắn nhủ với các bạn trẻ là làm nông nghiệp không chỉ nên ở trong tháp ngà của phòng thí nghiệm. Mà hãy đi nhiều trên ruộng tiếp cận với nông dân. Học được nhiều lắm. Kiểm nghiệm lại lý thuyết nhiều lắm! Làm nông nghiệp phải có 2 điều, có kiến thức chuyên môn sâu và có thực tế.

Và phải hiểu rằng hạt gạo mình ăn, không chỉ là vấn đề an ninh lương thực. Lúa mình ăn nó còn là văn hóa, truyền thống dân tộc nữa. Ăn cơm là văn hóa. Câu hỏi: Mày ăn cơm chưa hàm ý mày khỏe không.

►​Dường như giáo sư lạc quan về ÐBSCL?

- Tôi rất lạc quan về ÐBSCL. Riêng ÐBSCL thì thỏa sức mà viết. Tôi am hiểu đồng bằng khá kỹ và khi viết tôi dùng phương ngữ là chính. Ðồng bằng mình có tiềm năng lớn lắm. Tôi ghi lại đánh giá của Viện Nông nghiệp Quốc gia Pháp (INRA) năm 2006, họ có một so sánh rất thú vị, nếu như nông sản của nước Pháp có khả năng phục vụ 450 triệu người tiêu dùng ở châu Âu/năm, thì riêng ÐBSCL của Việt Nam, lúa gạo, cây ăn quả nhiệt đới, rừng ngập mặn, thủy sản có thể phục vụ 900 triệu người tiêu dùng ở châu Á, theo mô phỏng sinh học. Cho nên những bài viết về ÐBSCL mỗi tỉnh một vẻ, không tỉnh nào giống tỉnh nào.

Người ta nói đồng bằng mình chỉ “lấy giạ đong lúa không lấy giạ đong chữ”. Ðó là chuyện xưa rồi. Nếu mình quan tâm tới chuyện học thì ÐBSCL sẽ lên rất nhanh. Và mình phải chấp nhận điều kiện thiên nhiên của đồng bằng. Ðây là vùng đất biển lùi, cao trình chỉ khoảng 0,6-0,7 mét so với mặt nước biển; đất sét rất nặng thuộc nhóm 2:1, nắng thì co lại, mưa thì giãn ra, không có cây trồng nào có thể phát triển mạnh bằng cây lúa.

Nể nhứt là kỹ năng của nông dân mình. Năm 2022, tôi sang Ấn Ðộ họp, đồng nghiệp tôi đánh giá cao nông dân Việt Nam với kỹ năng ấn tượng lắm; học cấp 1, 2 thôi mà biết điều khiển máy bay tự động, chế máy suốt lúa, máy gặt, máy cày… Kỹ năng đó không phải nông dân quốc gia nào cũng có. Không những tiếp thu cái mới rất nhanh, mà còn sáng tạo. Máy suốt lúa, máy sạ hàng, máy gặt lúa liên hợp được chế lại một cách hiệu quả. Người đồng bằng sống hòa hợp với nhau, không xét nét nghèo giàu, ai cũng có thể kiếm ra tiền nếu siêng năng. Quan hệ không dựa nhiều vào gia tộc như ở đàng Ngoài mà lấy bạn bè tâm giao làm gốc.

►​Chốt lại, có thể nói đi và học là để sống cho có ý nghĩa?

- Suy cho cùng chúng ta đang vừa sống, vừa tìm cách giải thích thế giới này để “Sống sao cho có ý nghĩa”. Trong sách, ý tưởng xuyên suốt là cuộc đời không có đích đến, chỉ có cuộc hành trình luôn tiếp diễn.

Huỳnh Kim (thực hiện)

Đã được đăng trên:

https://baocantho.com.vn/-oi-la-mot-cuoc-hanh-trinh--a168979.html

Thứ Năm, 28 tháng 12, 2023

Góp sức vì một Việt Nam dân giàu nước mạnh

Huỳnh Kim - Lạc Long 

14:05 21/12/2023

(KTSG) – Cuốn sách “Vì một Việt Nam dân giàu nước mạnh” dày 422 trang là tập hợp những kết quả nghiên cứu, nhận định, phân tích, kiến giải của 25 chuyên gia hàng đầu về phát triển kinh tế – xã hội ở Việt Nam về một tương lai phát triển bền vững, hùng cường của đất nước vào năm 2045. Sách do Nhà xuất bản Đại học Quốc gia Hà Nội ấn hành vào tháng 11-2023, nhằm góp sức kiến tạo con đường dân giàu nước mạnh của Việt Nam.

Bìa sách “Vì một Việt Nam dân giàu nước mạnh”. Ảnh: Lạc Long

Bằng cách kết hợp kinh nghiệm thực tiễn, góc nhìn sâu sắc cùng sự nhạy bén của nhiều chuyên gia, cuốn Vì một Việt Nam dân giàu nước mạnh mang đến cho người đọc một cái nhìn tổng quan về kinh tế – xã hội, những vấn đề đặt ra cũng như giải pháp cần thiết vì một Việt Nam dân giàu nước mạnh. Hai đồng chủ biên sách là GS. Trần Văn Thọ, giáo sư danh dự Đại học Waseda (Nhật Bản), hiện là thành viên Hội đồng cố vấn dự án Việt Nam 2045 của Ngân hàng Thế giới và Chính phủ Việt Nam và nhà báo Trần Hữu Phúc Tiến, chuyên gia tư vấn giáo dục và nghiên cứu lịch sử.

Theo GS. Trần Văn Thọ, chỉ còn hai năm nữa Việt Nam tròn 50 năm hòa bình thống nhất và Đại hội 13 của Đảng đã đặt mục tiêu đến năm 2045 Việt Nam sẽ trở thành nước có thu nhập cao. Cuốn sách ra đời để góp tiếng nói vào cuộc thảo luận của toàn xã hội về mục tiêu phát triển dài hạn này của Việt Nam. Cuốn sách sẽ trả lời câu hỏi: Để đạt mục tiêu dân giàu nước mạnh trong khoảng hai thập niên tới, Việt Nam cần chuẩn bị những tiền đề gì? Về các tiền đề này, cuốn sách sẽ bàn vấn đề cần đổi mới thể chế ở những lĩnh vực nào? Cần chiến lược, chính sách cụ thể gì để kinh tế phát triển nhanh, bền vững?

Trong sách, GS. Trần Văn Thọ đã đóng góp bài “Điều kiện để tham gia sâu và cao trong chuỗi cung ứng toàn cầu”. Bài viết nhấn mạnh, để làm được điều này, Việt Nam cần khẩn trương thu hút các dự án đầu tư chất lượng cao từ các công ty đa quốc gia (MNCs), đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao và cải thiện thể chất của doanh nghiệp trong nước nhằm giúp họ tham gia sâu và cao hơn vào mạng lưới cung ứng, kể cả việc liên doanh với các MNCs.

Theo ông Trần Hữu Phúc Tiến, những nội dung đề cập trong sách cũng là đề tài để các bạn sinh viên tranh luận, đồng thời mong muốn nhiều trí thức trẻ hôm nay sẽ trở thành tác giả của các công trình nghiên cứu, các tác phẩm phản biện tương tự trong tương lai.

TS. Huỳnh Thế Du, tác giả bài “Tài chính và bất động sản: Để tránh những chu kỳ khủng hoảng” đưa ra đề nghị Nhà nước cần quy định chặt chẽ các yêu cầu đảm bảo an toàn trong hoạt động của các tổ chức tài chính; các doanh nghiệp cần nâng cao khả năng quản lý rủi ro; và người dân cần trang bị kiến thức cần thiết về tài chính và đầu tư.

TS. Nguyễn Sĩ Dũng, nguyên Phó chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội, trong bài “Vài suy nghĩ về vấn đề hoàn thiện nhà nước pháp quyền”, đã phân tích trách nhiệm giải trình từ ba thể chế chính (tổ chức quần chúng công, truyền thông và tổ chức xã hội dân sự). Ông cho rằng để thực hiện giải trình, cần xây dựng hành lang pháp lý, bao gồm việc kiện toàn khuôn khổ hoạt động của các tổ chức trung gian (như luật về hội) và tạo ra cơ chế để người dân được thể hiện quan điểm, thực hiện được giải trình theo quy định của Hiến pháp.

Theo kỹ sư Võ Quang Huệ, Phó tổng giám đốc Tập đoàn Vingroup, trong bài “Giáo dục nghề nghiệp trước sức ép của nền kinh tế mới”, để đạt được những mục tiêu về xây dựng nguồn nhân lực ở bậc trung (huấn luyện nghề nghiệp), cần đẩy mạnh liên kết giữa doanh nghiệp với Nhà nước và thay đổi nhận thức xã hội về nghề để con đường “nhất nghệ tinh” thu hút được giới trẻ. Ông cho rằng giáo dục nghề nghiệp cần đổi mới phương thức đào tạo theo cách tiếp cận hiện đại và rèn luyện học viên mạnh mẽ về tác phong lao động, tính kỷ luật và tinh thần trách nhiệm.

Riêng về đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL), PGS.TS. Lê Anh Tuấn ở trường Đại học Cần Thơ qua bài “Phát triển ĐBSCL: nơi thể hiện sâu sắc nhất vấn đề tam nông” cho rằng, liên kết tam nông (nông dân, nông nghiệp, nông thôn) là quan trọng nhưng hiện vẫn còn nhiều rào cản. Theo ông, Việt Nam cần nhắm đến một nền nông nghiệp thông minh, áp dụng cho một nông thôn mở theo hướng kinh tế thị trường và người dân sẽ là những nông doanh gia (aro-bussinessmen) quyết định và thụ hưởng các giá trị gia tăng từ nông sản của mình.

Thú vị là ở đầu sách, nhóm tác giả đã đề tặng: “Cuốn sách này dành tặng hai nữ lưu Phạm Chi Lan và Vũ Kim Hạnh”. Kế đó là dòng “cảm tưởng” của ông Bùi Quang Vinh, nguyên Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư: “Tôi vô cùng trân quý chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan và nhà báo Vũ Kim Hạnh, hai nhà trí thức, hai người phụ nữ mà cuộc đời của họ là tấm gương suốt đời trăn trở, suốt đời hoạt động không mệt mỏi để cống hiến cho dân tộc, cho đất nước. Việc phát hành cuốn sách “Vì một Việt Nam dân giàu nước mạnh” không chỉ nhằm đóng góp các giải pháp phát triển đất nước mà còn là món quà nhằm vinh danh hai người phụ nữ này thật không gì trân trọng và phù hợp hơn”.

Tuần rồi, cuốn sách này đã được giới thiệu tại trường Đại học Cần Thơ. Theo bà Phạm Chi Lan, chuyên gia kinh tế cao cấp, để tiến tới một Việt Nam có nền kinh tế phát triển vào năm 2045 là một hành trình dài, nhiều gian nan, thử thách. “Kinh tế thế giới lẫn Việt Nam luôn có sự chuyển biến nhanh chóng, vì vậy, thế hệ trẻ khi đọc cuốn sách này cần hiểu những giá trị mà thời đại mới đặt ra nhằm nắm bắt thời cơ đưa đất nước phát triển thịnh vượng”, bà Phạm Chi Lan nhấn mạnh.

Đã đăng trên: KTSG Online

https://thesaigontimes.vn/gop-suc-vi-mot-viet-nam-dan-giau-nuoc-manh/

Thứ Bảy, 18 tháng 11, 2023

Vị Xuyên – từ chiến trường xưa đến điểm du lịch hấp dẫn

Huỳnh Kim

15/10/2023

(SGTT) – Một ngày giữa tháng 10-2023, tác giả có chuyến thăm lại Vị Xuyên – nơi từng là chiến trường khốc liệt suốt 10 năm 1979-1989 ở địa đầu biên cương phía Bắc, giờ đang rộn ràng đón khách thập phương.
Đền thờ các anh hùng liệt sĩ Mặt trận Vị Xuyên nằm trên điểm cao 468, thuộc xã Thanh Thủy, huyện Vị Xuyên, tỉnh Hà Giang. Ảnh: Nguyên Phong

Vị Xuyên, ký ức “thời hoa lửa”

Đền thờ các anh hùng liệt sĩ Mặt trận Vị Xuyên nằm trên điểm cao 468, thuộc xã Thanh Thủy, huyện Vị Xuyên, tỉnh Hà Giang. Lên tới khu nhà tưởng niệm bên vách núi đá dựng, mọi người có thể nhìn thấy các điểm cao 685, 772 và hướng mốc biên giới Việt – Trung, điểm cao 1509.

Nơi đây, các khách du lịch dâng hương tưởng niệm các anh hùng, liệt sĩ đã hy sinh trong cuộc chiến tranh bảo vệ biên cương phía Bắc với tâm nguyện “sống bám đá đánh giặc, chết hóa đá bất tử”. Một bạn trẻ đã ghi vào sổ tay “Từ 1979 đến 1989, có gần 5.000 cán bộ, chiến sĩ đã hy sinh ở Vị Xuyên. Máu của người lính Việt Nam đã hòa vào lòng đất mẹ để Tổ quốc hoà bình phát triển hôm nay”.

Ảnh: Nguyễn Phong

Dạo đó, vào cuối tháng 7-1985, rời mặt trận 979 ở biên giới Tây Nam, tác giả lên Vị Xuyên để viết phóng sự chiến trường cho báo Quân đội Nhân dân. Còn nhớ, cách đền thờ hôm nay không xa, trong hầm chỉ huy, thiếu tá Trần Bản, phó đoàn trưởng Đoàn Quang Trung, trải bản đồ quân sự, nói dãy núi 1500 phân định rõ ranh giới hai nước với những điểm cao 1545, 1509, 772… thuộc lãnh thổ Việt Nam, nhưng quân Trung Quốc đã lấn chiếm một số điểm cao này và huy động pháo bắn dữ dội vào quân dân ta.

Anh Bản kể chỉ riêng ngày 31-5-1985, quân Trung Quốc đã nả gần 50.000 quả đạn pháo. Với bộ binh, từ 22-5 đến 2-6, bộ đội Đoàn Quang Trung đã 4 lần đánh bại các đợt lấn chiếm của địch. Do đó, con lộ 2 hữu nghị dài 22 cây số “lành lặn” từ Hà Giang ra cửa khẩu ngày nào, tới sáng hôm đó đã bị pháo băm vằm loang lổ.

Anh Bản cho biết bộ đội Đoàn Quang Trung đã cùng các đơn vị địa phương Hà Tuyên (nay là Hà Giang) trấn thủ vùng biên nóng bỏng này và đã đánh thắng mọi hành động lấn chiếm của giặc. Các địa danh sau đây đã gắn liền với đá núi Vị Xuyên, với những tháng ngày chiến đấu kiên cường bảo vệ từng tất đất, mỏm đá biên cương Tổ quốc như ngã ba Thanh Thủy, hang Làng Lò, đồi Bốn Hầm, hang Suối Cụt, đồi Chuối, Cốc Nghè, Cửa Tử, điểm cao 2000, 1000, 1200, bình độ 300, 400, 685, đồi không tên…

 

Lên tới khu nhà tưởng niệm của Đền thờ các anh hùng liệt sĩ Mặt trận Vị Xuyên, mọi người có thể nhìn thấy các điểm cao 685, 772 và hướng mốc biên giới Việt – Trung, điểm cao 1509. Ảnh: Nguyễn Phong

Chiều hôm sau, tác giả đã theo toán vận tải vượt Cửa Tử trên đèo Cốc Nghè để lên các điểm tựa tiền tiêu. Chiều tối, trời mưa nhẹ. Sấm giật rồi pháo địch ùng ùng, đường đạn bay dội vào vách núi ù ù như bão thổi. Đồng chí Thái, lính công binh đi cùng, nói đây là nơi ta và địch đã đánh giáp lá cà nhiều trận để giành lại từng mỏm đá.

Thái kể, với lính vận tải, nhiều đêm, các anh phải lợi dụng ánh chớp của sấm sét hoặc ánh đạn pháo địch nổ hụt phía sau để vọt lên ở tư thế đang bò dốc để kịp rút ngắn đoạn đường. Cánh lính vận tải tính, có cả chục kiểu vận tải tránh đạn pháo ở mặt trận này; không phải chỉ là đi tải, mà còn chạy tải, nhảy tải, bò tải, luồn lách tải… Miễn sao đưa kịp hàng hóa đạn dược lên chốt và cáng thương binh về tuyến sau.

Hôm sau, chúng tôi theo đồng chí Lâm, lính trinh sát quê Gia Lâm, Hà Nội lên “chốt dựng” ở điểm cao 1000. Lâm kể, nơi đây từ 27 đến 31-5-1985, đơn vị anh đã đẩy lùi 3 đợt tiến công lấn chiếm của địch, giữ vững điểm tựa. Tới nơi, một đồng chí chỉ tôi xem một đỉnh núi loang lổ đất đỏ vì pháo địch. Đó là một điểm tựa, nhưng sau mỗi trận pháo lại thấy lính mình loáng thoáng trên đỉnh núi. Là vì ngay sau lưng điểm tựa là một thung lũng.

“Cái khối chắn khổng lồ sau lưng mình buộc đạn pháo lọt thỏm hết xuống đó anh ạ. Cả đạn cối truyền đơn của nó cũng lao xuống đó rồi theo con suối Thanh Thủy cuốn phăng ra sông Lô luôn!” Lâm nói.

Trong hầm chỉ huy đơn vị ở gần điểm cao 1200 hôm đó, chúng tôi càng hiểu hơn địa thế hiểm trở ở nơi này. Ba đỉnh núi nối liền là cụm điểm tựa tiền tiêu của đơn vị, đối mặt với những lô cốt địch thập thò dọc các sườn núi đường biên giới đang bị giặc xâm lấn.

Khoảng 14:00 giờ chiều, anh Thịnh, phó chỉ huy đơn vị, đưa chúng tôi lên chốt trên cùng. Bên điểm cao trước mặt, địch đang bắn tỉa. Đạn rít qua đầu. Pháo từ bên kia biên giới cũng bắt đầu ầm ầm nã xuống khu Bốn Hầm. “Tới giờ hợp xướng của nó rồi đấy!”, anh Thịnh la lên, chúng tôi chạy vào giao thông hào. Đạn pháo từ Bốn Hầm nổ dội lên, cách mấy cây số mà nghe muốn ngạt thở, tức ngực.

Một góc Đền thờ các anh hùng liệt sĩ Mặt trận Vị Xuyên. Ảnh: Nguyên Phong

Tác giả hỏi một chiến sĩ, khẩu đại liên mới triển khai chiều nay của nó đặt ở đâu. Anh áp sát vách hầm, chỉ hướng sườn núi 1200, khuất sau một mỏm đá, nói “Ngay đó đấy. Lúc nãy thủ trưởng Thịnh đã bắn mấy quả M79, nó im, nhưng sau nó lại bắn tiếp”.

Khi pháo lớn đã im hẳn, chúng tôi quay về hầm chỉ huy. Bỗng đại liên địch lại ré lên tành tạch, anh Thịnh nói “Cứ mặc cho nó bắn chỉnh súng trọn hôm nay. Mai ta sẽ tính!”.

Chúng tôi lại quây quần quanh cái bàn làm bằng gỗ hòm đạn. Ở góc hầm, có mấy hộp sắt ủ giá đậu xanh. Bây giờ nhiệm vụ ai người nấy làm. Tranh thủ “trời yên núi lặng” để người chỉ huy tiếp khách phương Nam một chút. Bát nước đường pha viên B1, thuốc lào rít liên tục…

Anh Thịnh hỏi, gian khổ ác liệt nhất ở chiến trường giới Tây Nam, nơi quân tình nguyện Việt Nam đang làm nhiệm vụ giúp bạn Campuchia, là gì. Tôi nói “Sốt rét, mìn và thiếu nước. Cũng như ở đây là pháo với pháo vậy!”. Anh Thịnh trầm ngâm “Vậy là cùng tuyến lửa cả. Xin chia lửa với biên giới Tây Nam! Tôi có nhiều đồng hương Vĩnh Phú ở trong ấy”.

 
Tác giả Huỳnh Kim (trái) tại Nghĩa trang liệt sĩ Vị Xuyên ngày 14-10-2023. Ảnh: Nguyên Phong

… Sau chuyến đi ấy, báo Quân đội Nhân dân đăng bài thơ “Trên điểm tựa một ngàn” và bài ghi chép 3 kỳ “Gửi về đồng đội phía Nam”. Cuối bài báo, tác giả đã viết “Lần đầu tiên tôi về với biên cương phía Bắc. Lại là nơi nóng bỏng nhất của đất nước hôm nay. Nơi điểm tựa tiền tiêu này, lửa đã cháy trong tôi. Không chỉ là lửa tội ác của pháo đạn giặc. Còn là lửa sống của đồng đội tôi nơi đây. Lửa chiến đấu hết mình để giữ vững biên cương Tổ quốc. Lửa của tình đồng chí đồng đội và lòng thiết tha yêu quý hòa bình. Mùa lúa chín, con đường làng, lời mẹ dặn lúc ra đi, và em, và bạn, và trường lớp… tất cả là nỗi nhớ lung linh thành ngọn lửa trong ta, cùng cháy lên, nơi đây”.

Vị Xuyên hôm nay – rộn ràng đón khách thập phương

Theo báo Hà Giang, trong 6 tháng đầu năm 2023, Vị Xuyên đón tiếp gần 1.000 đoàn khách với trên 32.560 lượt người đến viếng các Anh hùng liệt sĩ tại Nghĩa trang liệt sĩ Quốc gia Vị Xuyên và điểm cao 468.

 

Anh Tạ Viết Trường, đại diện Ban quản lý Đền thờ các anh hùng liệt sĩ Mặt trận Vị Xuyên đang chia sẻ với du khách. Ảnh: Đỗ Ân

Anh Tạ Viết Trường, đại diện Ban quản lý Đền thờ các anh hùng liệt sĩ Mặt trận Vị Xuyên, cho biết “Mỗi tuần, nơi đây đón khoảng 1.000 lượt khách đến viếng các Anh hùng liệt sĩ. Phần lớn, du khách đều kết hợp ghé thăm các di tích lịch sử trên địa bàn huyện và tham quan Công viên Địa chất toàn cầu UNESCO Cao nguyên đá Đồng Văn”.

“Du khách đến Vị Xuyên có thể dành thời gian chinh phục đỉnh Tây Côn Lĩnh ngắm hoa đỗ quyên; khám phá văn hóa độc đáo của người Dao, Tày tại Làng văn hóa du lịch cộng đồng thôn Thanh Sơn, thôn Lùng Tao hay ngắm ruộng bậc thang ngút tầm mắt với những ngôi nhà phủ rêu xanh ở Xà Phìn…”, anh Trường nói thêm.

Tác giả Huỳnh Kim trao đổi cùng anh Tạ Viết Trường về du lịch Vị Xuyên hiện nay. Ảnh: Nguyên Phong

Năm 2023, huyện Vị Xuyên đã khảo sát, xây dựng tuyến du lịch khám phá đỉnh Tây Côn Lĩnh. Được mệnh danh là “Nóc nhà Đông Bắc” với độ cao 2.428 m so với mực nước biển, sở hữu bức tranh thiên nhiên đẹp với khu rừng nguyên sinh phủ đầy rêu phong, thảm thực vật vô cùng phong phú, rừng chè Shan tuyết cổ thụ và đặc biệt là nơi bạt ngàn hoa đỗ quyên cổ thụ bung nở mỗi độ Xuân về.

Về sản phẩm du lịch tâm linh, hiện nay, trên địa bàn huyện còn có một số ngôi chùa thu hút đông du khách đến tham quan như chùa Sùng Khánh ở thôn Làng Nùng, xã Đạo Đức, có địa thế, cảnh quan đẹp, có lịch sử lâu đời, ở đây còn lưu giữ bảo vật Quốc gia là Bia đá thời Trần và quả chuông được đúc thời Hậu Lê và chùa Bình Lâm, xã Phú Linh lưu giữ bảo vật Quốc gia là quả chuông thời Trần, cao 103cm, đường kính miệng 65cm, quai được cấu tạo bởi hai hình rồng, trên chuông khắc chữ Hán.

 

Những ngôi nhà phủ rêu xanh ở Xà Phìn. Ảnh: Nhóm Hà Giang Trẻ

Ngoài ra, du khách đến Vị Xuyên có thể trải nghiệm tắm suối nước khoáng nóng tại Khu du lịch nghỉ dưỡng suối khoáng Thanh Hà, xã Quảng Ngần hay tham gia chèo thuyền du ngoạn trên lòng hồ thủy điện Sông Miện, xã Thuận Hòa, đây được ví như hẻm Tu Sản thứ hai của Hà Giang. Một điểm đến khác cũng hấp dẫn không kém đó là Hồ Noong, xã Phú Linh, nằm cách thành phố Hà Giang không xa chỉ khoảng 10km về phía Đông.

Những năm qua, huyện Vị Xuyên tập trung đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng và các sản phẩm du lịch đặc trưng. Đến nay, toàn huyện có 47 cơ sở lưu trú với 417 buồng phòng, 621 giường. Tốc độ tăng trưởng trung bình giai đoạn 2015 – 2020 là 25,8%/năm đối với cơ sở lưu trú và 26,9% đối với số buồng phòng. Huyện ủy huyện Vị Xuyên đặt mục tiêu giai đoạn 2021-2025, huyện thu hút trên 1.000.000 lượt khách thăm quan, du lịch; tốc độ tăng trung bình từ 25%-35%/năm. Tổng thu từ khách du lịch đến năm 2025 đạt 210 tỉ đồng, tốc độ tăng bình quân hàng năm trung bình từ 75% – 87%/năm.

Đã đăng trên: SG Tiếp thị

https://www.sgtiepthi.vn/vi-xuyen-tu-chien-truong-xua-den-diem-du-lich-hap-dan/

Bàn chuyện văn hóa gắn với phát triển kinh tế xã hội ĐBSCL

Huỳnh Kim 

Thứ Sáu, 29/09/2023

(KTSG Online) – Tại tọa đàm “Văn hóa, kinh tế xã hội và nhân văn đồng bằng sông Cửu Long: đặc trưng, đổi mới và phát triển” được tổ chức ở Trường Đại học Cần Thơ sáng nay (29-9), nhiều chuyên gia nhấn mạnh, các hoạt động kinh tế xã hội phải gắn với văn hoá để đạt mục tiêu phát triển bền vững.

Quang cảnh buổi toạ đàm “Văn hóa, kinh tế xã hội và nhân văn ĐBSCL: đặc trưng, đổi mới và phát triển” được tổ chức tại Trường Đại học Cần Thơ sáng 29-9-2023. Ảnh: Huỳnh Kim

Đây là hoạt động nằm trong khuôn khổ diễn đàn về phát triển bền vững ĐBSCL, tầm nhìn 2045, nhằm kết nối các bên liên quan trong nước và quốc tế; đề xuất chính sách, giải pháp cho Chính phủ trong việc phát triển bền vững vùng đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL).

Trích dẫn Nghị quyết số 120 của Chính phủ “Về phát triển bền vững ĐBSCL thích ứng với biến đổi khí hậu” năm 2017, GS.TS. Hà Thanh Toàn, Hiệu trưởng trường Đại học Cần Thơ, nhấn mạnh văn hóa là nguồn lực nội sinh quan trọng để phát triển đất nước, đồng thời cũng là thước đo, tiêu chí để đánh giá việc phát triển bền vững. Nghị quyết này nêu rõ: “Kiến tạo, phát triển bền vững, thịnh vượng, trên cơ sở chủ động thích ứng, phát huy tiềm năng, thế mạnh, chuyển hóa những thách thức thành cơ hội để phát triển, bảo đảm cuộc sống ổn định, khá giả của người dân cũng như bảo tồn được những giá trị văn hóa đặc sắc vùng ĐBSCL”.

Theo GS. Hà Thanh Toàn, Đại học Cần Thơ có nguồn lực gần 2.000 cán bộ, giảng viên và hơn 45.000 học viên; đồng thời, khoa học công nghệ tiên tiến, liên ngành, chuyên sâu; cơ sở vật chất được nâng cấp đồng bộ, hiện đại từ nhiều nguồn lực, gần nhất là dự án ODA của Chính phủ Nhật Bản và có mạng lưới các đối tác trong nước và quốc tế phong phú.

“Trường cam kết đồng hành cùng các cơ quan, đơn vị, đặc biệt kết nối các tổ chức quốc tế, để thực hiện tốt nhất sứ mệnh và trách nhiệm xã hội, góp phần phát triển bền vững ĐBSCL theo tinh thần Nghị quyết 120/CP”, GS. Hà Thanh Toàn nhấn mạnh.

Từ hoạt động nghiên cứu và ghi nhận của JICA, ông Yuichi Sugano, Trưởng đại diện Văn phòng JICA Việt Nam, cho biết ĐBSCL là trọng tâm của Chính phủ Việt Nam trong kế hoạch hành động vì phát triển bền vững và thích ứng với biến đổi khí hậu.

JICA và Đại học Cần Thơ hiện là đối tác đáng tin cậy trong thực hiện chiến lược này. Tổ chức này đã trang bị để trường phát huy khả năng kết nối với cộng đồng doanh nghiệp, chính quyền các tỉnh ĐBSCL và các nhà nghiên cứu quốc tế.

Thông qua sự hỗ trợ và đã hợp tác tài chính từ JICA, Đại học Cần Thơ đã xây dựng tổ hợp phòng thí nghiệm công nghệ cao và tiên tiến, phát triển nguồn nhân lực, nghiên cứu chung và hợp tác kỹ thuật hướng tới phát triển trường thành một cơ sở giáo dục, nghiên cứu khoa học và chuyển giao kiến thức xuất sắc.

Chợ cổ Cần Thơ về đêm là điểm kinh doanh gắn với văn hoá luôn thu hút du khách thập phương. Ảnh: Huỳnh Kim

Về hợp tác phát triển nguồn nhân lực, các chương trình đào tạo thạc sĩ tập trung vào biến đổi khí hậu đã thu hút hàng trăm sinh viên ĐBSCL đến từ các tỉnh, doanh nghiệp.

Ngoài ra còn có 40 dự án nghiên cứu chung về nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản và môi trường gắn với thích ứng với biến đổi khí hậu ở ĐBSCL.

Nhắc lại chủ đề toạ đàm, ông Yuichi Sugano khẳng định: “Chúng tôi cam kết tiếp tục hỗ trợ Trường Đại học Cần Thơ trong việc cung cấp nguồn nhân lực chất lượng cao cho sự phát triển kinh tế – xã hội bền vững của ĐBSCL. Chúng tôi tin rằng sự hợp tác của chính quyền địa phương, trường, cộng đồng doanh nghiệp ĐBSCL sẽ là động lực hướng tới sự phát triển bền vững của khu vực”.

Bánh dân gian Nam bộ nay là Lễ hội thường niên của thành phố Cần Thơ. Ảnh: Huỳnh Kim

Theo TS. Bùi Thanh Thảo, Trưởng khoa Khoa học xã hội và nhân văn, Đại học Cần Thơ, đặc trưng con người văn hóa ĐBSCL là nghĩa khí, hào hiệp, tình cảm, bao dung, năng động, sáng tạo, phóng khoáng, tự do, trách nhiệm, lạc quan, yêu đời, tình nghĩa, mến khách.

Để văn hóa là nguồn lực phát triển kinh tế xã hội ĐBSCL, bà Thảo cho rằng, xu hướng kinh tế hóa văn hóa sẽ tạo ra các ngành công nghiệp văn hóa có thể đem lại nguồn thu, lợi nhuận lớn cho phát triển kinh tế xã hội của vùng. Bà kiến nghị nên sử dụng các giá trị, đặc trưng văn hóa ĐBSCL như một sản phẩm hàng hóa đặc biệt trong hoạt động kinh tế.

Lấy ví dụ về hoạt động phát triển du lịch đặc thù cho ĐBSCL, TS. Bùi Thanh Thảo góp ý cần có sự gắn kết với các hoạt động trải nghiệm vùng sông nước, miệt vườn và với giá trị văn hóa đặc trưng về sinh hoạt truyền thống, sinh kế của người dân như nghệ thuật đờn ca tài tử, văn hóa chợ nổi, lễ hội…

Trong khi đó, phát triển kinh tế xã hội hài hoà với văn hoá và môi trường sẽ là động lực cho phát triển bền vững ĐBSCL, theo góc nhìn của TS. Lê Thanh Hoà, Trưởng khoa Đô thị học, Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn (ĐHQG-HCM). Ông cho biết trong các mô hình phát triển vững gắn kinh tế – xã hội – môi trường được áp dụng gần đây thì văn hoá chưa được lồng ghép toàn diện trong bối cảnh phát triển bền vững tổng thể.

“Phân tích các nghiên cứu về phát triển bền vững vùng ĐBSCL cho phép kết luận rằng quan hệ giữa văn hoá và môi trường có vai trò quan trọng cho phát triển bền vững. Văn hoá có thể được tích hợp vào quy hoạch tổng thể vùng, quy hoạch chiến lược và kế hoạch phát triển vùng theo ba mô hình gồm văn hoá là trụ cột độc lập cho phát triển bền vững; văn hoá là động lực cho phát triển bền vững; văn hoá là nền tảng cho phát triển bền vững”, TS. Lê Thanh Hoà nhấn mạnh.

Cuối buổi toạ đàm, Trường Đại học Cần Thơ đã ký kết thỏa thuận hợp tác với Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn TPHCM và ký kết thỏa thuận hợp tác với Hiệp hội Du lịch ĐBSCL nhằm tối ưu hóa tiềm lực các bên, hướng tới phục vụ cộng đồng hiệu quả hơn.

Đã đăng trên: KTSG Online

https://thesaigontimes.vn/ban-chuyen-van-hoa-gan-voi-phat-trien-kinh-te-xa-hoi-dbscl/