Thứ Bảy, 27 tháng 8, 2022

Nhớ ông Sơn Nam

Huỳnh Kim 

(KTSG) – “Cái cốt cách người Việt Nam mình là nhân nghĩa” (Sơn Nam)

Ông thầy

Nhà văn Sơn Nam là ông thầy dạy tôi viết báo từ cuộc sống. Trước năm 1975, nhà tôi ở chung con hẻm nhỏ với nhà văn trên đường Lạc Long Quân, quận Tân Bình, Sài Gòn, nay là TPHCM. Tôi vào bộ đội rồi chuyển sang nghề báo. Phóng sự đầu tiên tôi nhờ ông đọc, viết về đảo Phú Quốc gửi báo Quân đội Nhân dân, hồi năm 1986. “Chú Tám dạy tôi viết báo với”, tôi nói, và cho tới giờ, tôi vẫn thực hành lời dạy viết báo của nhà văn Sơn Nam: “Cố gắng viết ngắn, câu nào cũng có thông tin”.

Một lần khác, vào năm 1993, tôi theo nhà văn vào xã Tây Phú thuộc huyện Thoại Sơn, tỉnh An Giang. Trong khi chúng tôi cứ loay hoay với mấy cái báo cáo tổng kết về chuyện đi khai hoang vùng Tứ giác, thì nhà văn Sơn Nam đã lội lòng vòng quanh chợ xã. Quay về, ông chỉ hỏi anh bí thư xã mấy câu mà nghe xong thấy… quá nể: “Có gái giang hồ vào Tứ giác tìm tình yêu hay không?”; “Có người nông dân bất mãn? Có anh cán bộ cường hào?”; “Điện thoại bàn đã gọi ra quốc tế nhưng sách báo về xã thấy còn ít quá?”…

Bút tích nhà văn Sơn Nam. Ảnh: Huỳnh Kim
Khi nghe anh bí thư xã kể chuyện bà con nông dân lập miếu Thần Nông, 17-3 Âm lịch hàng năm họ cúng tạ ơn trời đất, tổ tiên và cây lúa, nhà văn Sơn Nam nói: “Đó là đạo. Làm ruộng là đạo, giữ đất là đạo. Khuyến nông tức là cách giữ đạo làm nông, thì dân mới giàu mạnh được. Tôi lội chợ Tây Phú, thấy có đánh bi da, có tiệm vàng, có cái kéo rèn từ Phú Tân đưa qua, có bộ xa lông tre lấy mẫu từ Mộc Hóa, có cô bán quán quê Đồng Tháp, có thầy giáo quê Thanh Hóa… Người tứ xứ về Tứ giác sanh cơ lập nghiệp, thì cần giữ cái đạo làm người, thì kinh tế thị trường ở đây mới nên bộ mặt nông thơn mới”.

Khi ghé thăm chùa, thăm khu di chỉ văn hóa Óc Eo, cánh nhà báo chúng tôi lăng xăng hỏi nhà chùa đủ chuyện thì nhà văn Sơn Nam lặng lẽ thắp nhang trước bàn thờ Phật, cúng dường nhà chùa và bố thí cho người nghèo chung quanh chùa.

Đó là những bài học làm báo và làm người nhớ đời của tôi.

Giản dị

Lần nào gặp, tôi cũng thấy ông giản dị, lạc quan và hầu như nói chuyện gì với ông, tôi cũng học được nhiều điều bổ ích. Sơn Nam là một nhà văn nổi tiếng nhưng tôi thấy người ta rất dễ tiếp xúc và chuyện trò với ông. Ở nhà, trong quán cà phê, giữa cuộc họp… hay bất cứ đâu, hễ rảnh rang là ông sẵn sàng la cà với mọi người, nhất là với giới bình dân.

Nhà văn Sơn Nam và tác giả tại Cần Thơ hôm 15-1-2001. Ảnh: Quốc Anh
Một lần tôi về Sài Gòn ghé thăm khi ông đang nằm trên giường bệnh. Ông gầy lắm, nhưng nói chuyện thì tỉnh táo, ánh mắt rất vui. Ông khuyên tôi nên coi bộ phim Mê Kông ký sự mà theo ông thì còn gặp được những hình ảnh văn hóa gốc của nhiều dân tộc chưa bị “con người hiện đại” can thiệp. Ông nói rất lạc quan: “Nếu còn sống được tới 85 tuổi, tôi sẽ viết tiếp câu chuyện này, ở hai bên bờ sông Tiền, sông Hậu của đồng bằng sông Cửu Long”.

Tôi đang giữ tập truyện Hương rừng Cà Mau do Nhà xuất bản Trẻ tái bản lần đầu tiên sau năm 1975, tháng 11-1986, in giấy vàng khè, giá 25 đồng, có chữ ký tặng bằng bút bi màu đỏ của nhà văn Sơn Nam. Tôi cũng đang treo bên kệ sách, bút tích của nhà văn Sơn Nam chép bài thơ thay lời tựa tập truyện Hương rừng Cà Mau.

Lần đó, vào ngày 15-1-2001, nhân chuyến về Cần Thơ, nhà văn ghé nhà tôi chơi. Sau đó, ông ngồi chép lại bài thơ vào mặt sau một tờ lịch lớn và ký tặng vì biết tôi rất thích bài thơ đó. Tôi tò mò hỏi chú Tám viết bài thơ trong hoàn cảnh nào, ông nói: “Viết từ năm 1961, trong nhà tù Phú Lợi; hồi đó chánh quyền Sài Gòn bỏ tù cái tội mình vẫn theo kháng chiến”.

Nhân nghĩa

Trung tuần tháng 3-1990, nhà văn Sơn Nam về Cần Thơ để chuẩn bị cho một công trình nghiên cứu về chùa Nam Nhã. Lúc này ông đã 64 tuổi, vẫn thường xuyên đi về miền Tây. Biết tôi chuyển sang làm ở Báo Quân khu 9 và cộng tác với mấy tời báo ở Sài Gòn, Hà Nội, ông nhắn tôi đi uống cà phê đêm rồi về nhà tôi chơi. Lâu ngày gặp nhau, không hiểu sao tôi vẫn muốn nghe ông nói chuyện về miền Tây, về đồng bằng sông nước mà khi đó dù đã cưới vợ quê gốc Cần Thơ, lúc nào tôi cũng thấy mình thiếu cái… cốt cách miền Tây.

Tôi còn nhớ đã hỏi ông như thế này: “Cái cốt cách người đồng bằng mình, theo chú Tám, là sao?”. Ông trả lời: “Cái cốt cách người Việt Nam mình là nhân nghĩa. Ông vua mà không nhân nghĩa thì sẽ bị cái nhân nghĩa của nhân dân “cách cái mạng”. Hàng xóm có đám ma, mình góp tiền lo đám, dù người đó lúc còn sống mình không ưa. Không phải chỉ ông vua chết, mình mới cúng. Người ăn mày chết, mình cũng cúng. Đứa trẻ chết, mình cúng. Xưa, công chúa Thuận Thiên than lạnh với cha, vua Lý Thánh Tông họp quần thần bảo: Trẫm thương dân như thương công chúa. Công chúa mặc hai lớp áo cung đình còn than lạnh, huống hồ là muôn dân của trẫm bị cầm tù vì nghèo và dốt. Nay trẫm lệnh phải phát đủ quần áo để muôn dân được ấm. Đó không phải là mị dân, cái gốc của nó là nhân nghĩa Việt Nam”.

Ông còn nói thêm về cái hiện trạng sống thiếu nhân nghĩa xung quanh ta. Tôi giật mình nghĩ lại mình. Lúc đó đã mười bốn năm kể từ ngày ba tôi mất. Lúc đó, đời lính đã tạm yên, không còn ra Mặt trận 979 nữa, nhưng vợ chồng tôi chưa bao giờ nghĩ tới chuyện thờ phượng ba tôi, tất cả để một mình mẹ già của tôi ở Sài Gòn lo nhang khói. Mà hai vợ chồng tôi lúc đó đã là đảng viên, luôn nghĩ mình sống có ích, có nghĩa với dân với nước! Có ngờ đâu, có những lúc thấy tâm hồn trống vắng cô đơn kỳ lạ mà không làm sao hiểu nổi. Như là đêm hôm đó, tôi cập rập tiễn ông già 64 tuổi ra khỏi căn nhà “gia binh” già nua của mình, gió đêm lạnh ngắt.

Đã đăng trên: KTSG Online

https://thesaigontimes.vn/nho-ong-son-nam/

Đường điện 220kV vượt biển ra Phú Quốc sẽ vận hành vào tháng 9-2022

Huỳnh Kim 

26/08/2022 15:33 

(KTSG Online) – Theo tin từ Tổng công ty Điện lực miền Nam (EVN SPC), đến sáng nay (26-8), công trình đường dây điện 220kV vượt biển nối Kiên Lương với đảo Phú Quốc, tỉnh Kiên Giang đã hoàn thành trên 95%, dự kiến sẽ đóng điện vận hành trong tháng 9-2022.

Công đường điện dài hơn 80km vượt biển nối Kiên Lương với Phú Quốc. Ảnh: Trần Đình Hoàng
Công trình đường dây điện 220kV vượt biển này dài hơn 80,44 km, được xem là dài nhất Việt Nam, nối xã biển Kiên Bình, huyện Kiên Lương với thành phố Phú Quốc. Cả tuyến có 169 trụ, trong đó có 117 trụ vượt biển trên không, dài 64,7km. Mỗi trụ thép cao từ 51 – 87 mét, nặng 54 – 114 tấn, cắm sâu dưới lòng biển từ 20-50 mét; mỗi trụ cách nhau 600 mét, được cố định trên một móng trụ bê tông rộng 400 m2.

Dự án do đội ngũ kỹ sư, công nhân Việt Nam tự thiết kế, quản lý, xây dựng và thi công. Toàn bộ vật liệu xây dựng do Việt Nam sản xuất, chịu được tác động của sóng biển trong mọi điều kiện thời tiết. Công trình có tổng vốn đầu tư trên 2.200 tỉ đồng do Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) giao EVN SPC làm chủ đầu tư, khởi công từ tháng 3-2019.

Công trình này đã gặp nhiều khó khăn như điều kiện thi công trên biển với sóng lớn cấp 4-5, mưa bão, khó khăn do dịch bệnh Covid-19, giá cả nguyên vật liệu tăng cao và do đền bù giải phóng mặt bằng tại hai bờ Kiên Bình và Phú Quốc kéo dài.

Theo EVN SPC, công trình hiện đã hoàn thành toàn bộ 117 trụ và móng trụ trụ thép trên biển và 39 móng trụ và trụ thép phía bờ Kiên Bình. Tại bờ Phú Quốc, đã làm xong 12/13 móng trụ còn hạng mục dựng trụ thép trên bờ Phú Quốc đã hoàn thành 8/13 trụ. Với hạng mục kéo dây điện trên biển, dự án đã làm được gần 60/64,7 km, kéo dây đoạn tuyến trên bờ, hoàn thành gần 12/15,6km.

EVN SPC đang đôn đốc đơn vị giám sát và các nhà thầu khẩn trương thi công một số vị trí còn lại của hạng mục kéo dây trên biển và kéo dây đoạn tuyến trên bờ tại Phú Quốc để kịp đóng điện trong tháng 9-2022.

Công đường điện dài hơn 80km vượt biển nối Kiên Lương với Phú Quốc. Ảnh: Trần Đình Hoàng
Theo số liệu của EVN SPC, thành phố Phú Quốc hiện đang sử dụng điện lưới quốc gia từ cáp ngầm 110kV xuyên biển Hà Tiên – Phú Quốc. Từ ngày có điện lưới quốc gia (tháng 2-2014), Phú Quốc luôn trong tình trạng phát triển nóng, đặc biệt là trong lĩnh vực đầu tư phát triển hạ tầng du lịch.

Vì vậy, nhu cầu tiêu thụ điện tăng rất nhanh, với tốc độ bình quân trên 50%/năm, vượt xa dự kiến. Theo tính toán, tốc độ tăng trưởng điện thương phẩm giai đoạn 2021-2025 tại Phú Quốc tăng bình quân 30%/năm, khiến tuyến cáp ngầm không đủ cung cấp điện cho Phú Quốc.

Riêng từ đầu năm 2022 đến nay, cùng với việc bùng nổ du lịch tại Phú Quốc, nhu cầu tiêu thụ điện cũng tăng cao. Dự báo, nhu cầu phụ tải của thành phố Phú Quốc cuối năm nay tăng lên khoảng 120MW và năm 2023 sẽ lên đến khoảng 170MW, vượt quá khả năng cấp điện từ tuyến cáp ngầm điện 110kV hiện hữu.

Do vậy, việc sớm hoàn thành công trình đường dây 220kV Kiên Bình – Phú Quốc sẽ đảm bảo nguồn điện ổn định lâu dài cho đảo ngọc.

Đã đăng trên: KTSG Online

https://thesaigontimes.vn/duong-dien-220kv-vuot-bien-ra-phu-quoc-se-van-hanh-vao-thang-9-2022/