Thứ Sáu, 18 tháng 11, 2016

Satra sẽ phát triển hệ thống bán lẻ tại Cần Thơ


Một cửa hàng thực phẩm tiện lợi Satrafoods ở TPHCM. Ảnh: TL

(TBKTSG Online) - Xem Cần Thơ là trung tâm thương mại lớn nhất 13 tỉnh, thành vùng ĐBSCL, Công ty Thương mại Sài Gòn (Satra) trực thuộc UBND TPHCM, sắp “đổ bộ” về thành phố này với một hệ thống bán lẻ lớn.

Phát biểu với gần 100 doanh nghiệp, cơ sở sản xuất hàng nông thủy sản vùng ĐBSCL tại hội thảo “Kết nối cung – cầu phát triển chuỗi cung ứng nông sản thực phẩm an toàn năm 2016” tổ chức tại Cần Thơ chiều 18-11, ông Nguyễn Phúc Khoa, Phó tổng giám đốc Satra, nhấn mạnh: “Trên cơ sở đánh giá tiềm năng thị trường, phân tích mạng lưới bán lẻ tại Cần Thơ hiện nay, Satra dự kiến sẽ triển khai đầu tư phát triển hệ thống bán lẻ lớn tại đây”.

Theo ông Khoa, trước mắt Satra sẽ đầu tư mở chuỗi cửa hàng thực phẩm tiện lợi Satrafoods, tiếp đó phát triển mô hình trung tâm thương mại Centre Mall và siêu thị Satramart ở tất cả các huyện, thị của thành phố Cần Thơ, nhiều nhất tại quận Ninh Kiều.

“Dự kiến, cuối năm nay Satra sẽ mở văn phòng chi nhánh bán lẻ và triển khai bộ máy nhân sự, nguồn hàng để đến tháng 1-2017 có thể khai trương chuỗi cửa hàng Satrafoods tại Ninh Kiều”, ông Khoa nói.

Ông Khoa cũng nói với các nhà cung cấp hàng nông thủy đặc sản vùng ĐBSCL rằng hiện nay còn nhiều hộ nông dân, nhà vườn chưa chú trọng đến hồ sơ chất lượng sản phẩm. “Hàng nông thủy sản vào hệ thống siêu thị, cửa hàng của Satra phải có đủ hồ sơ chứng minh đạt tiêu chuẩn hiện hành về an toàn vệ sinh thực phẩm, riêng các loại rau đưa vào Satrafoods phải đạt tiêu chuẩn VietGap”, ông Khoa nhấn mạnh.

Ông Nguyễn Minh Toại, Giám đốc Sở Công Thương Cần Thơ, cho biết thành phố này đang có 16 siêu thị, trung tâm thương mại, 107 chợ truyền thống và cửa hàng tiện tích; tổng mức lưu chuyển hàng hóa tại Cần Thơ năm nay ước đạt 95.620 tỉ đồng. Những thương hiệu lớn như LotteMart, Vincom, VinMart, CoopMart, Big C, Metro… đã có mặt tại Cần Thơ.
320 đơn vị tham gia Hội chợ Nông nghiệp quốc tế tại Cần Thơ


Các gian trưng bày đặc sản ĐBSCL tại hội thảo kết nối cung – cầu hàng nông thực phẩm an toàn ở Cần Thơ.


Hội thảo kết nối cung – cầu trên diễn ra trong khuôn khổ Hội chợ Nông nghiệp quốc tế năm 2016 tại Trung tâm Xúc tiến đầu tư - thương mại và hội chợ triển lãm Cần Thơ, từ ngày 18 đến 22-11.

Hội chợ thu hút 450 gian hàng của 320 đơn vị, doanh nghiệp tham gia, trong đó có 50 gian hàng của Ấn Độ, Nhật, Hoa Kỳ, Pháp, Anh, Đức, Đài Loan, Singapore… Sản phẩm quảng bá tại hội chợ bao gồm máy móc, thiết bị, vật tư, công nghệ hỗ trợ, công nghệ sinh học nông nghiệp; các sản phẩm nông lâm thủy sản xuất khẩu, giống cây trồng, đặc sản vùng ĐBSCL, hàng tiêu dùng.

Ngoài hội thảo trên, hội chợ còn có hội nghị kết nối giao thương các doanh nghiệp Việt Nam – Hàn Quốc; hội nghị kết nối ngân hàng và doanh nghiệp; hội thảo giới trẻ khởi nghiệp trong lĩnh vực nông nghiệp thông minh; hội thi nhà nông đua tài và hội thảo quốc tế về phát triển ĐBSCL.

Bài đăng tại:
http://mobile.thesaigontimes.vn/tinbaichitiet/154059/

Thứ Hai, 14 tháng 11, 2016

AKTV sẽ hoàn trả 100% tiền cho người tiêu dùng


(TBKTSG Online)- Đây là loại hình kinh doanh mới xuất hiện ở Việt Nam, được kí kết lần đầu ở Cần Thơ tối ngày 13-11. 

Ông Fred Kod (bên phải) và ông Trương Đức Sang giới thiệu mô hình kinh doanh AKTV tại Cần Thơ tối ngày 13-11-2016.

Theo ông Trương Đức Sang, Giám đốc kinh doanh Công ty cổ phần Ăn khế trả vàng  (AKTV), một liên danh giữa ba đối tác Việt Nam – Singapore – Hongkong vừa được Sở Kế hoạch và đầu tư TPHCM cấp phép, đóng tại 152/20, Thành Thái, Q.10, TPHCM, AKTV sẽ hoàn trả 100% tiền cho người mua hàng tại các đối tác của công ty này. 

Ông Sang cho biết, hiện nay AKTV đang đàm phán liên kết với các đối tác kinh doanh 15 nhóm dịch vụ gồm nhà hàng, khách sạn, phòng khám, thẩm mĩ viện, bệnh viện, vé máy bay, thời trang, taxi, điện máy, siêu thị, trung tâm thương mại, bàn ghế salon, và lữ hành du lịch.



Ông Trương Đức Sang (trái) và ông Nguyễn Ngọc Hà kí liên kết kinh doanh AKTV tối ngày 13-11-2016 tại Cần Thơ.

Ông Nguyễn Ngọc Hà, Giám đốc Công ty cổ phần Du lịch Sông Hậu (Cần Thơ), nơi chuyên kinh doanh dịch vụ đám cưới, nhà hàng, giải trí du lịch (đơn vị kí kết đầu tiên  với AKTV tối 13-11), nói: “Đây là giải pháp tài chính kích cầu thông minh vì các bên tham gia đều có lợi. Nơi bán hàng và AKTV hưởng lợi từ phần trăm huê hồng thỏa thuận từ hóa đơn mua hàng còn người tiêu dùng hưởng lợi từ việc được hoàn vốn 100%”.

Về cách được hoàn vốn, ông Trương Đức Sang cho biết sau khi đăng kí mã số khách hàng theo hướng dẫn tại trang web www.ankhetravang.vn (bắt đầu hoạt động từ ngày 15-11-2016), hoặc gọi hotline 1900.966.928, khách hàng chỉ cần chụp ảnh hóa đơn mua sắm tại nơi có liên kết với AKTV (có xác nhận của cơ sở kinh doanh) và gửi email ảnh này cho AKTV, hệ thống tự động sẽ cập nhật hoàn tiền lại cho khách hàng theo hình thức chuyển khoản hoặc tiền mặt.

Cụ thể, cứ mỗi 1 triệu đồng mua sắm (bao gồm nhiều hóa đơn mua sắm trong 09 ngày liền trị giá 1 triệu đồng), sẽ được AKTV hoàn lại 8.000 đồng/ngày (0,8%); sau 125 ngày khách hàng sẽ được hoàn vốn 100%. 

Với ý tưởng kinh doanh này, ông Nguyễn Ngọc Hà kỳ vọng, riêng lĩnh vực dịch vụ đám cưới và nhà hàng, công ty Du lịch Sông Hậu sẽ thu hút nhiều khách hàng hơn lâu nay vì các gói hàng này trị giá cao mà càng cao thì khách hàng càng có lợi.

Ông Fred Koh, Giám đốc điều hành (người Singapore) của AKTV cho biết, đây là mô hình đầu tiên trên thế giới được đăng kí độc quyền bởi AKTV, sẽ được phát triển ở Việt Nam và nhiều nước khác./.

Chủ Nhật, 13 tháng 11, 2016

Thay vì hô "cả lớp trật tự" như ở Việt Nam, người Do Thái dạy trẻ em lúc nào cũng phải ồn ào như cái chợ vỡ



Không hoành tráng, chẳng xinh đẹp, máy lạnh cũ bung cả nắp, bảng te tua, học sinh ồn áo như chợ vỡ... nhưng những lớp học này đã nuôi dưỡng nên những thiên tài trong tương lai.

Được sự hỗ trợ của Bộ Ngoại giao, Bộ Giáo dục và Bộ Kinh tế Israel, chúng tôi đã đến Israel thực hiện chuyến tham quan và khảo sát các mô hình trường học phổ thông ở thành phố Jerusalem, để tận mắt xem trí thông minh Do Thái được bồi dưỡng thế nào.

Sáng thứ hai, chúng tôi được tới thăm trường Makor Chaim. Tiến sỹ Haim Rubinstein, giám đốc GD Tiểu học của Jerusalem trong buổi gặp mặt nói: "Vấn đề của mọi nền giáo dục hiện nay trên thế giới là chúng ta không biết được tương lai sẽ như thế nào. Thế giới thay đổi rất nhanh và không thể đoán trước 15 năm nữa sẽ ra sao.

Tôi học đại học năm 1971, trong trường đại học Jerusalem, chúng tôi khi đó được học trên hệ thống máy tính hiện đại nhất, nhưng tôi không thể tưởng tượng được giờ nó chỉ là chiếc điện thoại nhỏ bé trong túi quần mình.

Vậy thì điều quan trọng nhất của việc học là để giải quyết vấn đề, làm việc đội nhóm (vì tất cả mọi công trình nghiên cứu đều do một team (đội) làm chứ không phải là do một cá nhân). Học sinh phải xác định được vấn đề, biết đặt câu hỏi đúng, biết tự học và tự khám phá".

Học sinh lớp lớn hơn đóng vai trò là giáo viên dạy lớp nhỏ. Ảnh: Thu Hà.
Học sinh lớp lớn hơn đóng vai trò là giáo viên dạy lớp nhỏ. Ảnh: Thu Hà.


Nghe thì quên, đọc thì nhớ và làm thì hiểu


Chúng tôi tiếp tục tới thăm phòng học giờ thực hành khoa học, họ cho rằng "nghe thì quên, đọc thì nhớ, và làm thì hiểu".

Lớp học ồn ào như cái chợ vỡ. Trong phòng, học sinh túm tụm từng nhóm, hoặc là đang thử chạy cỗ máy này, hoặc đang tháo lắp các máy khác, có nhóm còn nằm bẹp xuông đất để quan sát.

Giáo viên ở đây cho rằng, một lớp học quá trật tự là một lớp học không hiệu quả. Họ đã từng tới Việt Nam, và nhận xét: ở Việt Nam học sinh rất ngoan, rất dễ thương, giơ tay phát biểu, nhưng quá trật tự, và ngại ngần.

Ở đây lớp học rất ồn, học sinh chạy lộn xộn, nhưng rất hào hứng, và khi có khách tới thăm, các bạn ấy càng hào hứng hơn.


Những học sinh tại trường Tiểu học cuả Jerusalem (Israel) hào hứng trong giờ học. Ảnh: Thu Hà.
Những học sinh tại trường Tiểu học cuả Jerusalem (Israel) hào hứng trong giờ học. Ảnh: Thu Hà.


Học sinh dạy cho học sinh


Ở giờ học này học sinh lớp lớn đóng vai giáo viên xuống dạy cho học sinh nhỏ hơn. Các giáo viên nhí dạy nhiệt tình, các em nhỏ háo hức lắng nghe, rồi làm thử, rồi chất vấn.

Giáo viên nhí đều là học sinh bình thường, chủ yếu là do xung phong, chứ không phải là chỉ chọn học sinh giỏi. Các bạn ấy cũng được thầy cô dạy nghiệp vụ cho 1 buổi từ cách quản lý lớp, tới các bước thu hút học sinh...

Tôi hỏi: "Học với anh chị thì thấy thế nào?" Các bé trả lời: " Rất thoải mái, rất vui. Học với giáo viên có thể sẽ bối rối, xấu hổ còn với anh chị thì bài học vui hơn, nên học tốt hơn".

Các giáo viên nhí cũng được "trả công" từ việc đi dạy: hiểu bài hơn, thêm kiến thức mới khi nghe những câu hỏi của các bạn và có nhiều bạn hơn.

Từ bé đã được học phát minh sáng chế


Chia sẻ kiến thức, chia sẻ thông tin, chia sẻ ý tưởng là một đặc trưng văn hóa của tôn giáo Do Thái - văn hóa Jauruta. Học Kinh Thánh họ cũng học theo đôi chứ không học một mình.

Các bé được học phát minh sáng chế từ nhỏ. Chúng tôi vào lớp 6, xem 1 tiết lắp ráp mô hình để tìm hiểu về tác dụng của lưc đàn hồi. Mỗi bạn lắp ráp 1 cái mô hình gồm 2 bánh xe, một trục làm bằng bìa các tông và dây thun và 1 cái que xiên nhỏ.


Học sinh lớp 6 tham gai tiết học về sáng chế. Ảnh: Thu Hà.
Học sinh lớp 6 tham gia tiết học về sáng chế. Ảnh: Thu Hà.


Có bé thì làm rất nhanh chỉ có 1 phút, có bé chậm hơn, loay hoay chưa ráp xong. Không hề gì, các bạn sẽ giúp đỡ nhau, chạy thoải mái từ bàn này qua bàn kia. Có nhiều bé chạy ra hành lang, kiếm chỗ rộng để cho mô hình của mình lăn được xa.

Khám phá xong thì làm bài tập. Mỗi học sinh được phát cho mấy tờ giấy. Phải lập bảng so sánh xem nếu quay 20 vòng dây thì xe sẽ chạy được bao nhiêu viên gạch, nếu quay 40 vòng thì chạy bao nhiêu... sau đó vẽ đồ thị toán học về nó. Học sinh nào cũng hiểu rất sâu, nói ro ro rành mạch nguyên lý tại sao nó lại hoạt động như thế.

Lớp học không hoành tráng, chẳng xinh đẹp. Máy lạnh cũ tới mức bung cả nắp, thùng rác thì để giữa phòng, bảng cũng te tua, nhưng mắt mũi bé nào cũng rực sáng và hào hứng không thể nín được.

Làm thế nào? Tại sao? Cô không biết. Em thử xem.


Ở Israel , giáo viên không phải là người truyền thụ kiến thức, mà giáo viên phải làm cho học sinh tò mò hơn, và tự tin đi tìm hiểu. Giáo viên chỉ hỏi: Làm thế nào? Tại sao? Cô không biết. Em thử xem.

Bộ Giáo dục Israel có có các tiêu chuẩn khung, rồi các công ty tư nhân sẽ có nhiều bộ sách giáo khoa. Giáo viên sẽ tự lựa chọn sách giáo khoa, và tự quyết định sẽ dạy nó như thế nào, làm bằng mô hình gì... để đạt được mục đích mỗi học sinh là một nhà khoa học nhí.

Học sinh lớp 6 là đã phải tự tìm kiếm đề tài nghiên cứu riêng của mình, viết đề án, rồi bắt tay vào làm, thất bại thì làm lại, và rồi trình bày trước cả lớp.

Ngó về Việt Nam mình, nơi "rừng vàng biển bạc" thì sách giáo khoa vẫn được coi là khuôn vàng thước ngọc, giáo viên vẫn có sứ mệnh thiêng liêng là truyền thụ tri thức, và học sinh thì như những cái hộp lèn chặt chữ. Nhìn đâu cũng thấy những đôi mắt cận thị, lờ đờ vì bị ép học và thiếu ngủ, thiếu lửa...


Bài đăng tại:
http://cafef.vn/thay-vi-ho-ca-lop-trat-tu-nhu-o-viet-nam-nguoi-do-thai-day-tre-em-luc-nao-cung-phai-on-ao-nhu-cai-cho-vo-20161112081953491.chn