Thứ Bảy, 31 tháng 12, 2016

Xã đảo Hòn Nghệ có điện lưới quốc gia


Những trụ điện đưa điện lưới quốc gia ra đảo Hòn Nghệ ở Kiên Giang. Ảnh: Đình Hoàng

(TBKTSG Online) - Hơn 2.000 người dân sống trên xã đảo Hòn Nghệ thuộc huyện Kiên Lương, tỉnh Kiên Giang, đã có điện lưới quốc gia vào tối hôm qua, 30-12.


Theo thông cáo báo chí của Tổng công ty Điện lực miền Nam, Công ty Điện lực Kiên Giang đã chính thức đóng điện, hoàn thành dự án cấp điện lưới quốc gia cho xã đảo Hòn Nghệ vào 19 giờ tối 30-12.

Khởi công vào ngày 10-10-2015, xuất phát từ bờ Hòn Chông (huyện Kiên Lương, Kiên Giang), hệ thống trụ điện và đường dây 22 kV trên không dài 16,37 km đã vượt biển, đưa điện lưới từ đất liền ra đảo Hòn Nghệ. Đây là đường dây 22 kV dài thứ hai trong nước sau dự án cấp điện cho xã đảo Lại Sơn (huyện Kiên Hải, Kiên Giang) với đường dây 110 kV, dài 24,495 km.

Công trình gồm có đường dây 22 kV trên biển dài 16,37 km và đường dây trung thế 3 pha 9,94 km; 8 trạm biến áp tổng công suất 975 kVA; 526 bộ công tơ, nhánh rẽ để cấp điện cho 526 hộ dân với 2.229 người trên đảo.

Riêng đường dây vượt biển 22 kV công suất truyền tải 14,14 MVA, có khả năng cung cấp hàng triệu kWh mỗi năm, nhiều hơn hàng chục lần so với năng lực cấp điện của các tổ máy phát diesel ở Hòn Nghệ lâu nay.

Tổng mức đầu tư của dự án này trên 140 tỉ đồng, thực hiện bằng nguồn vốn của Tổng công ty Điện lực miền Nam.

Bài đăng tại:
http://mobile.thesaigontimes.vn/tinbaichitiet/155570/

Thứ Năm, 29 tháng 12, 2016

Thủ tướng: 9 hạn chế và 10 thành tựu của nền kinh tế năm 2016


Tư Hoàng



Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc. Ảnh chinhphu.vn

(TBKTSG Online) - “Hiện tại, khi chúng ta đang ngồi đây, bão lũ vẫn đang tiếp tục đe dọa các tỉnh miền Trung. Nhiều con sông, nước đã vượt báo động 3, đồng bào đang rất lo lắng, mệt mỏi” - Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nói tại Hội nghị Chính phủ với các địa phương triển khai nhiệm vụ kế hoạch kinh tế-xã hội và ngân sách Nhà nước năm 2017.

Thủ tướng tổng kết, đây là một năm thiên tai xảy ra liên tục, vô cùng khắc nghiệt diễn ra trên diện rộng.

Bên cạnh đó, tình trạng quản trị yếu kém, trì trệ đang bộc lộ làm khu vực DNNN làm ăn thua lỗ hàng loạt.

Ngành khai khoáng và nông nghiệp chậm tăng trưởng. Nông nghiệp, do ảnh hưởng thiên tai nên đã làm thiệt hại 1% GDP. Lĩnh vực khai khoáng chỉ xuất khẩu 15 triệu tấn dầu cả năm nay, thấp hơn 1 triệu tấn so với 2015.

Thủ tướng yêu cầu phải làm rõ những tồn tại, hạn chế của năm 2016, điển hình là việc công nghiệp khai khoáng giảm mạnh, trong đó riêng dầu thô giảm 13%, kim ngạch xuất khẩu dầu giảm 36% do giá dầu giảm thấp.

Ông khẳng định lại cam kết triển khai xây dựng Chính phủ liêm chính với quyết tâm chống tham nhũng, chống lợi ích nhóm; tích cực thực hiện chủ trương Chính phủ hành động với việc lập Tổ kiểm tra việc thực hiện nhiệm vụ với các bộ, ngành, địa phương.

Theo Thủ tướng, tình hình kinh tế-xã hội nước ta hiện có 9 tồn tại, hạn chế và 10 thành tựu nổi bật.


9 tồn tại, hạn chế

  • Ngành công nghiệp khai khoáng giảm mạnh. Chỉ số sản xuất ngành khai khoáng giảm, kim ngạch xuất khẩu dầu thô giảm 36,7% do giá dầu thô giảm mạnh.
  • Thiên tai hạn hán, xâm nhập mặn, lũ lụt nghiêm trọng.
  • Sự cố môi trường gây hậu quả nghiêm trọng, nhất là môi trường biển ở 4 tỉnh miền Trung.
  • Các dự án nghìn tỷ thua lỗ, mất vốn.
  • Các ngân hàng thương mại yếu kém, mất vốn, rủi ro cao, trong đó có một số ngân hàng được mua lại với giá 0 đồng.
  • Xảy ra nhiều vụ cháy nổ, tai nạn giao thông nghiêm trọng.
  • Nhiều vụ tội phạm đặc biệt nghiêm trọng xảy ra.
  • Có các sai phạm trong công tác cán bộ như vụ Trịnh Xuân Thanh…
  • Xếp hạng quốc tế về năng lực cạnh tranh và đổi mới sáng tạo giảm. Cụ thể, xếp hạng năng lực cạnh tranh toàn cầu giảm 4 bậc, ở vị trí 60; đứng thứ 6 trong các nước ASEAN. Chỉ số đổi mới sáng tạo toàn cầu năm 2016 giảm 7 bậc, xếp hạng 59 trong tổng số 128 quốc gia, vùng lãnh thổ và đứng thứ 4 khu vực ASEAN.

10 thành tựu nổi bật

  • Kinh tế vĩ mô về cơ bản là ổn định, các cân đối lớn cơ bản được bảo đảm; tăng trưởng kinh tế khá (CPI tăng 4,74%; GDP tăng 6,21%, cao hơn các nước đang phát triển ở châu Á 5,5%, khu vực Đông Nam Á 4,5%). Tín dụng tăng khoảng 17%; dự trữ ngoại hối đạt 41 tỉ đô la Mỹ, cao nhất từ trước đến nay. Thu ngân sách Nhà nước đạt mục tiêu đề ra. Tổng đầu tư toàn xã hội đạt 33% GDP; xuất khẩu tăng 8,6%, xuất siêu 2,68 tỉ đô la.
  • Kết quả phát triển doanh nghiệp khởi sắc. Lần đầu tiên có trên 110.000 doanh nghiệp thành lập mới với số vốn đăng ký trên 891.000 tỉ đồng, cao nhất từ trước đến nay, tăng 16,2% về số doanh nghiệp và 48,1% về vốn. Có gần 27.000 doanh nghiệp trở lại hoạt động.
  • Thu hút đầu tư nước ngoài đạt kỷ lục. Vốn FDI thực hiện đạt 15,8 tỉ đô la, tăng 9%, cao nhất từ trước đến nay. Đến 26-12, cả nước có 2.556 dự án FDI mới với tổng vốn đăng ký 15,18 tỉ đô la. Tính chung, tổng vốn đăng ký mới, tăng thêm và góp vốn, mua cổ phần đạt 24,4 tỉ đô la, tăng 7%.
  • Khu vực dịch vụ, du lịch khởi sắc. Dịch vụ tăng 6,98%; thu hút trên 10 triệu lượt khách quốc tế, cao nhất từ trước đến nay.
  • Môi trường kinh doanh được cải thiện. Việt Nam xếp thứ 82/190, tăng 9 bậc so với năm 2015.
  • Xây dựng nông thôn mới đạt kết quả tích cực. Đến nay có 30 đơn vị cấp huyện và 2.235 xã đạt chuẩn nông thôn mới, đạt trên 25%.
  • Các lĩnh vực xã hội có nhiều chuyển biến tốt. Tỷ lệ hộ nghèo theo chuẩn đa chiều giảm còn khoảng 8,5%. Tạo việc làm cho trên 1,6 triệu lượt người. Tỷ lệ tham gia bảo hiểm y tế lần đầu tiên đạt trên 81%… Về thể thao, lần đầu tiên Việt Nam đạt huy chương vàng tại Olympic.
  • Công tác xây dựng pháp luật được chú trọng. Ban hành 162 nghị định quy định chi tiết các luật, nhất là Luật Đầu tư và Luật Doanh nghiệp; không còn nợ đọng văn bản thuộc thẩm quyền của Chính phủ.
  • Tập trung phòng chống thiên tai, ứng phó với biến đổi khí hậu và bảo vệ môi trường; đã có chủ trương đóng cửa rừng tự nhiên, xử lý nghiêm các vụ phá rừng. Trong bối cảnh khó khăn, chủ trương của Chính phủ là không để người dân nào bị dứt bữa, bệnh tật trong thiên tai.
  • Chỉ đạo quyết liệt xử lý các vấn đề quan trọng, cấp bách, bức xúc (như sự cố môi trường biển tại 4 tỉnh miền Trung, vệ sinh an toàn thực phẩm), tăng cường kỷ luật, kỷ cương; quyết tâm chống tham nhũng, lợi ích nhóm; thực hiện tiết kiệm, chống lãng phí.

Bài đăng tại:
http://mobile.thesaigontimes.vn/tinbaichitiet/155447/