Thứ Tư, 15 tháng 4, 2015

ASTON tổ chức thi hùng biện tiếng Anh tại Cần Thơ



Trung tâm Anh ngữ quốc tế Sài Gòn - Aston (trực thuộc Tập đoàn Giáo dục Hoa Kỳ - Aston Education Group - AEG) chi nhánh Cần Thơ vừa phối hợp với Phòng Giáo dục và đào tạo quận Ninh Kiều, TP Cần Thơ tổ chức hội thi hùng biện tiếng Anh học sinh tiểu học, từ ngày 28-3 đến 11-4-2015.



Ông Jean Pierre Guill và ông Trần Văn Thiếu trao giải nhất cho em Thái Phạm Khánh Tâm và em Huỳnh Ngọc Minh Khuê

Hội thi nhằm đánh giá hiệu quả việc thực hiện Đề án “Dạy và học ngoại ngữ trong hệ thống giáo dục quốc dân giai đoạn 2008-2020” của Thủ tướng Chính phủ và tạo sân chơi học tập, giao lưu tiếng Anh cho học sinh tiểu học quận Ninh Kiều.
   
Từ 970 thí sinh thi vòng 1 (ngày 28-3), đến 11-4, còn lại 30 thí sinh thi chung kết ở hai nhóm lớp 2-3 và 4-5. Chủ đề thi là gia đình, bạn bè, trường học, vật nuôi và hoạt động yêu thích.

Kết quả, giải nhất nhóm lớp 2-3 thuộc về em Thái Phạm Khánh Tâm, học sinh lớp 2, trường tiểu học Lê Quý Đôn; em Huỳnh Ngọc Minh Khuê, học sinh lớp 4, trường tiểu học Nguyễn Du, đoạt giải nhất nhóm lớp 4-5. Mỗi giải thưởng trị giá 18 triệu đồng, trong đó có một năm học bổng học Anh văn tại Aston Cần Thơ.

Hai em Khánh Tâm & Minh Khuê

Ban tổ chức còn tặng 1 giải nhì, 1 giải ba và 5 giải khuyến khích cho mỗi nhóm. Tổng trị giá giải thưởng là 160 triệu đồng (trong tổng số gần 300 triệu đồng chi phí tổ chức cuộc thi, do Aston Cần Thơ tài trợ).

Trao đổi với Saigon Times Daily, ông Jean Pierre Guill, Tổng giám đốc Aston tại Việt Nam, nói: “Tiếng Anh của nhiều học sinh tiểu học Cần Thơ rất khá, cần tạo thêm điều kiện học tập để giúp các em tiến xa. Aston dự kiến sẽ mở thêm hai chi nhánh ở ĐBSSL, tại Cà Mau và Long Xuyên hoặc Rạch Giá trong năm tới”.

Ông Trần Văn Thiếu, Trưởng Phòng GD&ĐT quận Ninh Kiều, nói: “Nhu cầu học tiếng Anh tăng cường của thiếu nhi ở Cần Thơ rất lớn. Quận rất muốn tổ chức hội thi như vậy  nhưng không có kinh phí. Aston Cần Thơ là trung tâm ngoại ngữ quốc tế đầu tiên ở ĐBSCL làm được điều này”.

Aston mở chi nhánh Cần Thơ vào tháng 6-2014 với các chương trình đào tạo tiếng Anh thiếu nhi, thiếu niên theo chuẩn quốc tế Cambridge như Starters, Movers, Flyers, PET, KET và chuẩn Toefl như Toefl Primary và Toefl Junior.

Aston tại Việt Nam được thành lập vào cuối năm 2005; trước Cần Thơ, đã mở 5 trung tâm tại TP.HCM và Hải Phòng. Tập đoàn AEG đang mở rộng hoạt động ở châu Á từ 19 năm qua với hơn 125 trung tâm như vậy./.

* Đã đăng Saigon Times Daily 13-4-2015:




Thứ Hai, 13 tháng 4, 2015

Cá tra đồng bằng “đấu” cá thanh châu Âu


Sản phẩm cá tra ở ĐBSCL, tới cuối năm 2014, với tên Pangasius, đã được xuất khẩu đến 151 quốc gia và vùng lãnh thổ, doanh thu hơn 1,76 tỉ đô la Mỹ. Tuy nhiên, nếu được tinh chế thay vì chỉ xuất hàng phi-lê đông lạnh, giá trị con cá tra đồng bằng hẳn sẽ cạnh tranh được với cá thanh châu Âu.


Bốn lý do chuộng cá thanh

Ông Rogenberger trao đổi với cử tọa tại hội thảo

“Cá thanh (fish fingers) là sản phẩm cá tiện dùng phổ biến nhất tại Đức”. Ông Rosenberger, phó tổng giám đốc điều hành Công ty Nienstedt (Đức), nói tại một hội thảo về công nghệ chế biến thủy sản diễn ra ở Cần Thơ hôm 8-4. Cá thanh cũng rất phổ biến ở các nước châu Âu khác; năm ngoái, người tiêu dùng ở châu Âu đã ăn hơn 100.000 tấn cá thanh. Giá bán các nhãn hiệu cá thanh tại Đức, vẫn theo lời ông Rosenberger, từ 50 xu đến 1,5 euro/100g.

 
Sở dĩ như vậy - chuyên gia này giải thích tiếp - là vì cái “gu” của người tiêu dùng châu Âu hiện nay thích sử dụng thực phẩm tiện dụng (convenience food) mà trong đó, các loại “làm sẵn để ăn liền” chiếm đầu bảng. Ông lấy thí dụ người Đức thích đi siêu thị mua các nhãn hiệu iglo hoặc ja! cá thanh giá thấp, rồi khái quát bốn lí do cá thanh trở thành sản phẩm tiện dụng phổ biến nhất ở quê hương mình: “Đó là thực phẩm của gia đình; trông không giống cá; khẩu vị không như cá; dễ làm chín; có được miếng cắn giòn”.

Alaska Pollock là nguồn nguyên liệu chính nhập từ Mỹ để chế biến thành các sản phẩm cá thanh. Từ nguyên liệu này, các nhà chế biến ở châu Âu làm ra 17 loại gia vị khác nhau “áo” lên từng sản phẩm để đáp ứng thị trường riêng mỗi nước. Nguyên liệu cá thường chỉ chiếm 60%, sao cho “không còn mùi cá, miếng ăn nhỏ một gắp tay, đóng gói hợp với gia đình 1-2 người, ăn gọn một gói là đủ, không dư thừa”.

Thậm chí, nếu được chế biến theo dòng sản phẩm sinh học hữu cơ (ở Việt Nam hay gọi là sản phẩm xanh), như các nhãn hiệu Bio Fischstabchen hay Seelachs Fischstabchen, giá bán mỗi hộp có thể tới 5-6 euro.

Cơ hội cho cá tra

Nhân viên Hiệp hội Cá tra Việt Nam giới thiệu sản phẩm thủy sản tinh chế từ công nghệ cao của Đức, tại hội thảo ở Cần Thơ ngày 8-4.

“Cá tra Việt Nam hiếm khi được chào bán ở châu Âu với dạng khác hơn là miếng phi-lê cấp đông”, ông Rosenberger nhấn mạnh như vậy sau khi dẫn số liệu, năm 2014, giá trị thủy hải sản Việt Nam xuất khẩu đạt 7,8 tỉ đô la Mỹ, trong đó cá tra chiếm 22,6% và châu Âu là nơi nhập nhiều nhất (19,5%).

 
Ông Rosenberger hỏi: “Cá tra Việt Nam có chất lượng tốt, sản lượng dồi dào, vậy làm sao để bán được giá tốt hơn?”. Ông lấy thí dụ, từ cá tra phi-lê nhập, doanh nghiệp chế biến Pháp đã làm ra sản phẩm Pangasius “Petit” nhãn hiệu bofrost mỗi phần ăn nặng 750g, phục vụ cả cho gia đình và nhà hàng, được bán với giá 12,95 euro. Từ đó, vị chuyên gia về công nghệ chế biến thực phẩm hàng đầu của Đức, khuyến cáo: “Nếu Việt Nam thay đổi được ngành chế biến cá tra theo hướng tinh chế thì chắc chắn giá trị này sẽ tăng cao”.

Đã từng dự Hội chợ Vietfish 2014 ở TP.HCM và vừa đi khảo sát hai ngày trước hội thảo này tại một số doanh nghiệp chế biến xuất khẩu cá tra ở ĐBSCL, ông Rogenberger nhận xét: “Nguyên liệu cá tra của Việt Nam đang có cơ hội rất lớn với thị trường châu Âu vì sản phẩm chỉ mới cấp đông sơ, một lần (trong khi ở Trung Quốc là từ 2-3 lần). Ngoài ra, do biến động tỉ giá, hiện nay giá đô la Mỹ và euro gần bằng nhau, làm cho nguyên liệu Alaska Pollock nhập từ Mỹ tăng, cho nên Việt Nam càng có lợi khi xuất khẩu hàng cá tra sang châu Âu, lợi hơn nữa sau khi các hiệp định thương mại tự do Việt Nam – EU hoặc TPP được ký kết”.

Câu chuyện tiếp theo, thuộc về các doanh nghiệp chế biến xuất khẩu cá tra của Việt Nam và các nhà quản lý, nhà khoa học. Riêng ở Cần Thơ, ông Đào Anh Dũng, Phó chủ tịch UBND TP Cần Thơ, nói: “TP Cần Thơ có hơn 50 doanh nghiệp sản xuất và chế biến xuất khẩu cá tra nhưng tình hình chung giống như ông Rogenberger nhận xét. UBND TP Cần Thơ ủng hộ tối đa các doanh nghiệp cải tiến công nghệ theo hướng này”./.

* Bài đã đăng tại báo giấy Sài Gòn Tiếp Thị ra ngày 10-4-2015.