Sản phẩm cá tra ở ĐBSCL, tới cuối năm 2014, với tên Pangasius, đã được xuất khẩu đến 151 quốc gia và vùng lãnh thổ, doanh thu hơn 1,76 tỉ đô la Mỹ. Tuy nhiên, nếu được tinh chế thay vì chỉ xuất hàng phi-lê đông lạnh, giá trị con cá tra đồng bằng hẳn sẽ cạnh tranh được với cá thanh châu Âu.
Bốn lý do chuộng cá thanh
Ông Rogenberger trao đổi với cử tọa tại hội thảo |
“Cá thanh (fish fingers) là sản phẩm cá tiện dùng phổ biến nhất tại Đức”. Ông Rosenberger, phó tổng giám đốc điều hành Công ty Nienstedt (Đức), nói tại một hội thảo về công nghệ chế biến thủy sản diễn ra ở Cần Thơ hôm 8-4. Cá thanh cũng rất phổ biến ở các nước châu Âu khác; năm ngoái, người tiêu dùng ở châu Âu đã ăn hơn 100.000 tấn cá thanh. Giá bán các nhãn hiệu cá thanh tại Đức, vẫn theo lời ông Rosenberger, từ 50 xu đến 1,5 euro/100g.
Sở dĩ như vậy - chuyên gia này giải thích tiếp - là vì cái “gu” của người tiêu dùng châu Âu hiện nay thích sử dụng thực phẩm tiện dụng (convenience food) mà trong đó, các loại “làm sẵn để ăn liền” chiếm đầu bảng. Ông lấy thí dụ người Đức thích đi siêu thị mua các nhãn hiệu iglo hoặc ja! cá thanh giá thấp, rồi khái quát bốn lí do cá thanh trở thành sản phẩm tiện dụng phổ biến nhất ở quê hương mình: “Đó là thực phẩm của gia đình; trông không giống cá; khẩu vị không như cá; dễ làm chín; có được miếng cắn giòn”.
Alaska Pollock là nguồn nguyên liệu chính nhập từ Mỹ để chế biến thành các sản phẩm cá thanh. Từ nguyên liệu này, các nhà chế biến ở châu Âu làm ra 17 loại gia vị khác nhau “áo” lên từng sản phẩm để đáp ứng thị trường riêng mỗi nước. Nguyên liệu cá thường chỉ chiếm 60%, sao cho “không còn mùi cá, miếng ăn nhỏ một gắp tay, đóng gói hợp với gia đình 1-2 người, ăn gọn một gói là đủ, không dư thừa”.
Thậm chí, nếu được chế biến theo dòng sản phẩm sinh học hữu cơ (ở Việt Nam hay gọi là sản phẩm xanh), như các nhãn hiệu Bio Fischstabchen hay Seelachs Fischstabchen, giá bán mỗi hộp có thể tới 5-6 euro.
Cơ hội cho cá tra
Nhân viên Hiệp hội Cá tra Việt Nam giới thiệu sản phẩm thủy sản tinh chế từ công nghệ cao của Đức, tại hội thảo ở Cần Thơ ngày 8-4. |
“Cá tra Việt Nam hiếm khi được chào bán ở châu Âu với dạng khác hơn là miếng phi-lê cấp đông”, ông Rosenberger nhấn mạnh như vậy sau khi dẫn số liệu, năm 2014, giá trị thủy hải sản Việt Nam xuất khẩu đạt 7,8 tỉ đô la Mỹ, trong đó cá tra chiếm 22,6% và châu Âu là nơi nhập nhiều nhất (19,5%).
Ông Rosenberger hỏi: “Cá tra Việt Nam có chất lượng tốt, sản lượng dồi dào, vậy làm sao để bán được giá tốt hơn?”. Ông lấy thí dụ, từ cá tra phi-lê nhập, doanh nghiệp chế biến Pháp đã làm ra sản phẩm Pangasius “Petit” nhãn hiệu bofrost mỗi phần ăn nặng 750g, phục vụ cả cho gia đình và nhà hàng, được bán với giá 12,95 euro. Từ đó, vị chuyên gia về công nghệ chế biến thực phẩm hàng đầu của Đức, khuyến cáo: “Nếu Việt Nam thay đổi được ngành chế biến cá tra theo hướng tinh chế thì chắc chắn giá trị này sẽ tăng cao”.
Đã từng dự Hội chợ Vietfish 2014 ở TP.HCM và vừa đi khảo sát hai ngày trước hội thảo này tại một số doanh nghiệp chế biến xuất khẩu cá tra ở ĐBSCL, ông Rogenberger nhận xét: “Nguyên liệu cá tra của Việt Nam đang có cơ hội rất lớn với thị trường châu Âu vì sản phẩm chỉ mới cấp đông sơ, một lần (trong khi ở Trung Quốc là từ 2-3 lần). Ngoài ra, do biến động tỉ giá, hiện nay giá đô la Mỹ và euro gần bằng nhau, làm cho nguyên liệu Alaska Pollock nhập từ Mỹ tăng, cho nên Việt Nam càng có lợi khi xuất khẩu hàng cá tra sang châu Âu, lợi hơn nữa sau khi các hiệp định thương mại tự do Việt Nam – EU hoặc TPP được ký kết”.
Câu chuyện tiếp theo, thuộc về các doanh nghiệp chế biến xuất khẩu cá tra của Việt Nam và các nhà quản lý, nhà khoa học. Riêng ở Cần Thơ, ông Đào Anh Dũng, Phó chủ tịch UBND TP Cần Thơ, nói: “TP Cần Thơ có hơn 50 doanh nghiệp sản xuất và chế biến xuất khẩu cá tra nhưng tình hình chung giống như ông Rogenberger nhận xét. UBND TP Cần Thơ ủng hộ tối đa các doanh nghiệp cải tiến công nghệ theo hướng này”./.
* Bài đã đăng tại báo giấy Sài Gòn Tiếp Thị ra ngày 10-4-2015.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét