Thứ Ba, 18 tháng 10, 2011

Chuyện lũ lụt, lúa và đê bao ở ĐBSCL

Chuyến đi thực tế khảo sát tình hình lũ lụt ở đồng bằng sông Cửu Long cùng các nhà khoa học cho thấy: trừ những nơi bị vỡ đê làm chết lúa vụ 3, những cánh đồng khác “được” ngập lụt đang đón nhận phù sa có lợi cho vụ đông xuân tới. Vấn đề đặt ra là cái nhìn có lợi cho toàn cục.

Đoàn khảo sát lũ lụt 2011 tại Hồng Ngự chiều 1.10.2011

Trưa 2-10, chúng tôi thuê xe ôm mới tới được khu vực đê bao bị bể hôm 27-9 ở xã Ô Long Vĩ, huyện Châu Thành, tỉnh An Giang vì cách đó gần 10 cây số chỗ ấp Mỹ Quí, xã Mỹ Phú, một xe cạp đất đang đóng cừ tràm hộ đê làm tắc đường ôtô.

“Cứu lúa hổng được thì cứu đê”?

Tới nơi, thấy diễn ra một cảnh hộ đê khá lạ. Cánh đồng lúa vụ 3 rộng 1.500ha phía bờ tây kênh số 7 đã chìm dưới 3m nước từ sau trận vỡ đê đêm đó, giờ đây hàng chục thanh niên cùng bộ đội vẫn đang hì hục bơm cát, đóng cừ gia cố đoạn đê dài chừng 30m vốn đã được hàn lại từ sáng 28-9.

“Phải quyết liệt gia cố đê rồi bơm nước ra để cứu lúa, cứu đê” - ông Hai Điệc, chủ tịch Mặt trận Tổ quốc xã Ô Long Vĩ đang trực ở đây, giải thích. Ông cho biết tỉnh đã đưa về 35 máy bơm, quyết bơm cho hết cánh đồng nước lũ mênh mông đang mấp mé ngoài bờ bao. Trời đất! 1.500ha lúa đã bị ngập năm ngày rồi, làm sao bơm cho cạn biển nước kia để xả ra kênh số 7 cũng đang ngập lụt!

Ông Hai Điệc nói: “Cứu lúa hổng được thì cứu đê”. Đi cùng mọi người bữa đó, tiến sĩ Dương Văn Ni, chuyên gia về môi trường ở Đại học Cần Thơ, nói: “Để nước như vậy đê vững hơn vì nước không chảy. Còn lúa chết rồi, cứu sao được”.

Ông Hai Điệc tỏ ra tiếc 40 công lúa vụ 3 sắp làm đòng. Anh Năm Vững, chạy xe ôm, nói thêm: “Tôi không có đất, thuê bảy công ở đây hết 3 triệu đồng để làm ba vụ lúa. Vụ này mất đứt 2,7 triệu đồng rồi”.

Sáng bữa đó, chúng tôi gọi điện hỏi tình hình lũ lụt trong tỉnh, ông Huỳnh Thế Năng, phó chủ tịch UBND tỉnh An Giang, cho biết đến ngày 2-10 tỉnh đã chi 80 tỉ đồng cứu hộ lũ lụt. Trung ương cũng hứa sẽ chi tiếp 60 tỉ đồng. Cả tỉnh đã bị thiệt hại hơn 400 tỉ đồng, trong đó gần 4.000ha lúa vụ 3 bị chết.

Ông Năng nói theo chủ trương của Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn, năm nay An Giang làm được 144.000ha vụ 3, trong đó có 131.000ha lúa, tăng 15.000ha so với năm rồi. Với cả ĐBSCL, ông Năng tính sơ năm nay làm được hơn 500.000ha lúa vụ 3, tăng hơn 100.000ha. Đi kèm với lúa và hoa màu vụ 3 phải tăng kinh phí đầu tư làm đê bao khép kín cho từng vùng, nhưng chưa ai tính ra con số chi phí này.

Chúng tôi hỏi sao chưa nghe ai nói về chủ trương của bộ hồi đầu năm phải mở rộng diện tích lúa vụ 3 để cố kiếm thêm 1 triệu tấn lúa năm 2011 trong khi không dự báo được lũ lụt lớn như vầy, ông Năng nói: “Cái này chắc sẽ phải có cuộc họp riêng”.

Trước đó, chúng tôi đã đi từ Cần Thơ qua Cao Lãnh, Tam Nông rồi vòng xuống Tân Hồng, Hồng Ngự của Đồng Tháp để qua phà vào đất Tân Châu và Châu Đốc của An Giang. Khác với nỗi lo bị ngập vì xem tivi thấy chiếu cảnh lũ lụt đang tàn phá dữ quá, ôtô 15 chỗ vẫn khô ráo thẳng đường. Cũng không thấy cảnh dân tình biến động, còn giá cả như ngày thường.

Xóm lưới Thơm Rơm (Ô Môn, Cần Thơ) trưa ngày 2-10-2011

Tuy đã 10 năm vắng lũ lụt nhưng bà con vẫn còn nhớ mùa lũ năm 2000. Hôm 1-10, nhiều người nói mực nước còn thấp hơn năm đó chừng hai tấc. Nơi nào không làm lúa vụ 3 thì nước trắng đồng, nơi nào làm vụ 3 thì một bên mênh mông nước, một bên mênh mông lúa xanh rì nằm thấp dưới mặt đê chừng 3m. Chỗ nào có nhiều đê bao khép kín dễ tạo ra dòng chảy mạnh.

Gia đình chị Trần Thị Nở (Tân Hồng, Đồng Tháp)
với cá đồng đánh được trưa ngày 1-10-2011 trong cánh đồng nước lụt


Nếu đê yếu bị bể, nước tràn đồng, lập tức có hàng trăm bộ đội và nhiều lực lượng xung kích cùng với sà lan, xáng cạp, cừ tràm, bao cát... được điều tới vá đê, khẩn trương và quyết liệt không thua cảnh hộ đê ở Ô Long Vĩ. Ở Đồng Tháp, đến ngày 3-10 có gần 1.700ha lúa vụ 3 và khoảng 2.000ha hoa màu trong đê bao bị chết vì ngập. Cả tỉnh bị thiệt hại hơn 300 tỉ đồng và đã chi cả trăm tỉ đồng để cứu hộ.


Tại bờ bao bị vỡ hôm 27-9, cánh đồng lúa vụ 3 rộng 1.500ha
ở xã Ô Long Vĩ (Châu Phú, An Giang) chìm dưới 3m nước


Quá ngưỡng có thể phải trả giá

Vấn đề được đặt ra là có nên bao đê triệt để làm vụ 3 như vậy hay không? Trong chuyến khảo sát lũ lụt này, ngoài tiến sĩ Dương Văn Ni còn có tiến sĩ Lê Anh Tuấn, chuyên gia về biến đổi khí hậu ở Đại học Cần Thơ và thạc sĩ Nguyễn Hữu Thiện, chuyên gia về đất ngập nước thuộc Quỹ Bảo vệ động vật hoang dã quốc tế.

Dọc đường, mọi người tranh thủ thảo luận với nông dân. Ông Tư Tài, xã Tân Mỹ, huyện Thanh Bình, nói: “Tôi làm 10 công hai vụ đông xuân và hè thu ăn chắc, còn vụ thu đông tôi nghỉ, để nước tràn đồng có lợi hơn”. Ông Năm Thiên, ấp An Tài, xã An Phước, huyện Tân Hồng, nói: “Năm nay tôi làm 30 công vụ đông xuân và hè thu, lúa trúng giá lời 90 triệu đồng nhưng tôi bỏ vụ 3, nghỉ cho khỏe”.

Trẻ em bắt cá ở đê Ô Long Vĩ (An Giang) trưa 2-10-2011

Lý do bỏ vì ông tính bảy năm rồi làm ba vụ lúa trong vùng bao đê, riêng lượng phân bón đã tăng tới 30%, chưa tính những chi phí khác mà đất không được hưởng phù sa. Ông nói nếu không bị ngập lụt mà lúa vẫn được giá như năm nay thì lời một công cũng được 2,5 triệu đồng, còn nếu thất giá như năm rồi, một công chỉ kiếm được nửa triệu đồng, có khi huề vốn. “Tại nông dân ở đây hổng có gì làm nên phải bấu vào lúa mà làm vậy thôi” - ông Năm Thiên nói.

Bên An Giang, ông Nguyễn Hiền Đức - chủ tịch UBND xã Mỹ Phú, huyện Châu Phú, làm 30 công trong vùng bao đê sản xuất ba vụ lúa mỗi năm - nói: “Nếu không làm thêm vụ 3 như vầy thì sang vụ đông xuân tình hình sâu bệnh giảm mà độ phì của đất cũng bảo đảm hơn”. Ông đề nghị: “Dù đã quy hoạch làm ba vụ nhưng nếu sau ba năm cho xả lũ một lần vẫn tốt hơn”.
Tiến sĩ Lê Anh Tuấn cho rằng làm đê bao có lợi cho vùng này mà có hại cho vùng khác về kinh tế, môi trường thì coi như có hại cho toàn cục. Theo ông, chỉ nên làm vụ 3 ở những vùng gò cao, không ngập sâu như ở vùng Đồng Tháp Mười và tứ giác Long Xuyên. Ông Tuấn cho biết sản xuất lương thực ở ĐBSCL đã tới ngưỡng, nếu phát triển nữa sẽ phải trả giá, thí dụ như làm thêm vụ 3 thì phải trả giá như hiện nay.

Ông Dương Văn Ni cho rằng 1,5 triệu ha vùng ngập sâu 2m của Đồng Tháp Mười và tứ giác Long Xuyên như là hai túi chứa nước của cả vùng ĐBSCL trong mùa lũ lụt và điều tiết nước trong mùa khô. Nếu vì tăng diện tích lúa mà phải bao đê ngăn lũ sẽ phá vỡ hệ thống điều tiết tự nhiên này, tác hại không thể lường hết được.

Thạc sĩ Nguyễn Hữu Thiện tính một danh sách dài những chi phí tiềm năng trong sản xuất lúa vụ 3: chi phí đầu tư xây dựng và duy tu đê; chi phí nhân lực, tài lực, vật lực cứu đê, cứu lúa; thiệt hại của những diện tích không cứu kịp; đất và con người không được nghỉ ngơi để hồi sức; phù sa không vào đồng được, mất nguồn dinh dưỡng tự nhiên, sau một thời gian đất sẽ bị kiệt dinh dưỡng và chi phí sản xuất sẽ tăng; giảm diện tích nhận nước vào đồng, làm nước chảy xiết hơn trong kênh mương dẫn đến sạt lở và tăng ngập ở những nơi khác, kể cả những thành phố, làng mạc ở phía hạ lưu; chi phí chống sạt lở và các biện pháp bảo đảm an toàn tài sản, tính mạng con người; tăng chi phí nạo vét cửa sông Mekong phục vụ giao thông thủy do phù sa thay vì bồi lắng trên đồng thì bị trôi xuống vùng cửa sông; mất nguồn cá và tài nguyên thiên nhiên, sinh kế mùa lũ; nước thoát ra biển nhanh hơn trong mùa lũ, gây xâm nhập mặn sâu hơn trong mùa khô.

Rồi ông đề nghị: “Cần phải giải bài toán chi phí - lợi ích của việc canh tác lúa vụ 3 trong mùa lũ để xem giữa tổng lợi ích và tổng chi phí cái nào lớn hơn”.

Lúa ma ở Tràm Chim mùa lụt 2011

Những cánh đồng lúa ma

Bữa ở Tam Nông, chúng tôi đã chạy vỏ lãi trên cánh đồng nước lụt mênh mông của vườn quốc gia Tràm Chim để khám phá những cánh đồng lúa ma lớn nhất Đông Nam Á đang cắm rễ sâu hơn 3m nước và sắp trổ đòng. Tiến sĩ Dương Văn Ni cho biết cùng với loài cỏ năn kim là thức ăn chủ lực trong mùa khô, lúa ma là thức ăn chủ lực trong mùa lũ lụt ở vùng này của hàng trăm loài.
Ông nói lúa ma tự mọc hoang dã, năng suất rất thấp nhưng cho gạo thơm ngon. Ở Nam Mỹ, Brazil đã sản xuất gạo lúa ma đóng gói 200g bán qua Mỹ với giá 7 USD một gói, tương đương 3.500 USD/tấn!
Ông Ni chỉ những con chim trích đen đang ăn đọt lúa non và nói nếu không có lúa ma, hệ sinh thái ở đây sẽ mất cân bằng. “Nếu không có mùa lũ lụt và nếu bao đê để ngăn nước lũ thì con người và thiên nhiên ĐBSCL sẽ không thể sống hài hòa với nhau dài lâu được” - ông Ni nói.

* Bài đã đăng tên báo Tuổi Trẻ Cuối Tuần ngày 7-10-2011:
http://tuoitre.vn/Tuoi-tre-cuoi-tuan/Tuoi-tre-cuoi-tuan/459486/Chuyen-lu-lut-lua-va-de-bao-o-DBSCL.html

Thứ Bảy, 4 tháng 6, 2011

Hè này ra Côn Đảo...


Lâu nay, du khách từ ĐBSCL muốn ra Côn Đảo phải về TP.HCM đi tàu hoặc máy bay. Ngày 1-6-2011, hãng VASCO khai trương chuyến bay Cần Thơ – Côn Đảo với máy bay ATR-72 đời mới, giá vé 1,2 triệu đồng/lượt. Từ nay, chỉ sau 40 phút bay, người từ Cần Thơ đã có thể “tắm mình” trong thiên nhiên hoang sơ và chiêm nghiệm dòng lịch sử - tâm linh an tịnh ở Côn Đảo.


* Ngọc trong đá

Trong bài Những bóng ma và biển xanh sâu thẳm đăng ở mục Travel Asia & Australia trên Thời báo Tài chính hồi tháng 3-2011, du khách Claire Wrathall viết: “Trước 1975, Côn Đảo là một nhà giam tàn khốc của chế độ thuộc địa. Hơn 20.000 tù nhân bị giam trên hòn đảo hoang sơ này đã chết. Dù đã thành dĩ vãng, nhưng ở Côn Đảo có những hồi ức lạnh người về quá khứ dã man. Có một tấm biển đồng tưởng nhớ 914 tù nhân khổ sai đã chết khi họ xây dựng cầu tàu Côn Sơn. Hơn 350 người tù đã chết khi xây cầu Ma Thiên Lãnh gần đồn điền Sở Rẫy. Đi bộ leo dốc xuyên khu rừng nhiệt đới rậm rạp, bạn sẽ đến nơi được phát quang để giam cầm và nghiền nát tù nhân. Sau đó là tổ hợp 11 nhà giam, cái lâu nhất do người Pháp xây từ năm 1862, và 4 trong số đó giờ là bảo tàng chứng tích cho những điều kinh hoàng ở đây. Địa ngục trần gian - cụm từ này không phải là nói quá”. Đó là cái nhìn của một người nước ngoài trong số hàng trăm du khách ngoại quốc đang đến với Côn Đảo.

Cây bàng ở Côn Đảo

Tới Côn Đảo mùa hè này, nếu không thích tự khám phá, bạn có thể được người hướng dẫn du lịch đưa đi thăm hết thảy những di tích lịch sử ấy - trong tiếng ve ngân vang khắp núi rừng, dưới bóng râm của những tàng cây bàng cổ thụ trăm tuổi đang đứng trầm tư giữa những chòm bằng lăng tím trẻ trung rực rỡ. Và khi đến viếng nghĩa trang Hàng Dương, thắp nén nhang nơi mộ chị Võ Thị Sáu đang yên nghỉ bên hàng nghìn chiến sĩ cách mạng dưới bóng núi chập chùng, chắc hẳn bạn sẽ có những phút giây vô cùng xúc động, lặng lẽ và riêng tư, như câu chuyện tôi sắp kể tiếp dưới đây.

Hè năm ngoái, một doanh nhân 28 tuổi ở TP.HCM đi Côn Đảo về đã viết một bài tạp bút đăng ở tạp chí Văn hóa Phật giáo. Tôi nhớ đoạn bạn ấy cảm nhận về lịch sử Côn Đảo như là nhìn thấy ngọc ở trong đá vậy: “Cảm giác bình an, hạnh phúc hiển hiện trong tim của mỗi người chúng tôi trong suốt bốn ngày ở đảo. Ngay cả giữa cái bí hiểm, rờn rợn trong không khí tâm linh của những dãy nhà tù hay những dải đất nghĩa trang cũng chẳng khiến chúng tôi sợ hãi, mà chính nó còn làm cái yêu thương chớm nở cho miền đất này nằng nặng hơn. Vài giọt nước mắt len lén lăn chảy theo câu chuyện kể của cô hướng dẫn du lịch về đời sống tù ngục, về sự bất khuất, về sự thành thánh của những con người mà tôi nghĩ trái tim của họ chắc phải bằng ngọc rất sáng, về cái nghĩa của người vợ với chồng, về những tâm hồn cao thượng. Nỗi e ngại bàng bạc về ma cỏ mà lắm người ở đất liền thêu dệt đã bốc hơi đâu mất. Chỉ còn lắng đọng cái thổn thức của tình thương và sự cao quý trong những câu chuyện lịch sử nơi đây”. Vị du khách ấy còn trân trọng ví Côn Đảo như “một bậc Thiền sư”.

* Hoang sơ dân dã

Con đường nhựa duy nhất quanh co phía bờ Đông sẽ đưa bạn từ sân bay Cỏ Ống về thị trấn rồi chạy thẳng xuống Bến Đầm ở phía Nam đảo. Bờ Tây đảo không có đường và núi thường dốc, tuy vậy bạn cũng có thể lội bộ cắt rừng để đến tắm tại bãi Đầm Trầu hay bãi Ông Đụng là nơi gần như hoang sơ tuyệt đối. Cũng như ở bờ Tây, những bãi cát dài trắng phau mịn màng ở bờ Đông là nơi bơi lặn lý tưởng để phục hồi sức khỏe. Có nơi như ở bãi Đất Dốc, từ tháng 12-2010 đã mọc lên khu nghỉ dưỡng 5 sao của tập đoàn Six Senses của Thái Lan với giá phòng lên tới 790 đôla/ngày.

Bằng lăng tím ở Côn Đảo

Nếu bạn nóng lòng muốn “dạo quanh một vòng” trước khi tới tận nơi, người hướng dẫn du lịch sẽ trải tấm bản đồ Côn Đảo ra, lần lượt giới thiệu tiếp với bạn về danh lam thắng cảnh trên đảo. Ra hòn Bảy Cạnh để bơi lội, ngắm san hô, xem vích đẻ trứng trên cát, thăm ngọn hải đăng được xây từ năm 1884. Ra hòn Tài leo núi, xem khỉ, ngắm cảnh, tắm biển, lặn san hô và xem rùa lên bãi đẻ trứng. Ra hòn Trứng vào chiều tà hay bình minh, bạn sẽ say mê với cảnh từng đàn chim lớn bay quanh hòn vì đây là nơi cư trú của nhiều loài chim biển. Quay trở vô bãi Lò Vôi, nơi cảnh quan thiên nhiên thơ mộng, bạn sẽ thích thú với việc cắm trại, tắm biển khi triều lên và xem san hô khi triều xuống. Hoặc đến bãi Nhát đối diện với đỉnh Tình Yêu ở hòn Bà là nơi ban ngày nước biển xanh mênh mông một màu ngọc bích và là địa điểm tuyệt vời để chiều chiều ngồi ngắm hoàng hôn buông xuống giữa đại dương. Chỉ cần thuê một chiếc xe gắn máy với giá 120.000 đồng/ngày hoặc thuê tàu giá 2,5 triệu đồng/tua, bạn có thể thưởng ngoạn được những vẻ đẹp hoang sơ ấy của Côn Đảo.

Bãi Nhát và đỉnh Tình Yêu ở phía xa.


Bạn sẽ đặt phòng tại các nhà nghỉ như Phi Yến, Anh Đào… với giá phòng khoảng 350.000 đồng hay tại khách sạn Sài Gòn - Côn Đảo, Sea Travel, Côn Đảo Resort… với giá từ 45 đến 120 đôla/ngày. Mấy chỗ này đều có chung bãi tắm tên là An Hội dài khoảng ba cây số chạy vòng xuống vách núi phía Nam với bờ cát trắng mịn và khi bạn lội ra xa vài chục mét, nước biển trong xanh vẫn chưa ngập tới vai. Đi chơi đã quay trở về, bạn có thể ăn hải sản tươi ngon tại chính các nhà hàng nơi bạn nghỉ hoặc tại những quán ăn có tiếng như Tri Kỉ, Thu Tâm, Thu Ba, Phương Hạnh, Yến Vân… và chắc chắn bạn sẽ gọi món ốc vú nàng để thưởng thức đặc sản của riêng Côn Đảo.

Dạo chơi thị trấn một vòng, dù đi ban ngày hay ban đêm, bạn dễ nghe thấy lòng mình nhẹ nhàng thanh thản. Đường sá phong quang, ngăn nắp, cây xanh nhiều, không xả rác, không có người ăn xin. Người dân Côn Đảo hiền hòa, mến khách và hết sức dân dã; ở chợ quán không thấy ai nói thách. Đặc sản ở chợ Côn Đảo là món hạt bàng sấy khô hoặc ướp đường béo ngậy; du khách thường mua làm quà, một hủ 70.000 đồng.

Ở đầu chợ Côn Đảo có một tiệm vàng khá lớn nhưng lạ là thường không thấy có người trông coi. Hỏi ông xe ôm gần đó, ổng nói rằng, “trên đảo chẳng ai thèm trộm cướp đâu mà lo”./.


  • Côn Đảo gồm 16 hòn đảo; hòn lớn nhất tập trung hầu hết dân cư (khoảng 5.500 người) của quần đảo với 3 khu vực chính: Cỏ Ống ở phía Bắc, thị trấn Côn Sơn ở trung tâm và Bến Đầm ở phía Nam.

  • Côn Đảo cách cửa sông Hậu 83 km, cách Vũng Tàu 185 km, cách TP.HCM 230 km; nằm trong vùng biển nước sâu, trên trục đường hàng hải quốc tế, giữa ngư trường chính của cả nước.

  • Côn Đảo rộng 76,78 km2, chủ yếu là đồi núi (6.238 ha đồi núi, chiếm 88,4% diện tích tự nhiên); núi Thánh Giá cao nhất, 577 m.

  • Mỗi năm Côn Đảo đón hai mùa gió: gió mùa Đông Bắc (cuối tháng 10 đến tháng 4 năm sau) và gió mùa Tây Nam (từ đầu tháng 5 đến tháng 10). Côn Đảo có nhiệt độ ôn hòa nhất trong vùng biển ven bờ nước ta; nhiệt độ trung bình là 27,8 độ C.

  • Côn Đảo có Vườn Quốc gia, với 1.057 loài thực vật, 135 loài động vật rừng và 1.321 loài sinh vật biển, trong đó có nhiều loài quí hiếm như lát hoa, sóc đen Côn Đảo, bồ câu Nicoba, rùa xanh (vích), đồi mồi, dugong…

============================
Bài đã đăng tại:

Thứ Hai, 25 tháng 4, 2011

Ta là ai?



Câu hỏi đêm đêm cuộn tròn chăn gối
Khi một mình đối diện với thinh không
Ta gần nhau như trong tầm tay với
Mà mênh mông xa mấy cánh đồng


Cha mẹ sanh ta hay trời đất sanh ta
Ngày ở lại đêm ra đi biền biệt
Ta thao thức kiếm tìm điều minh triết
Thiên hạ xôn xao ta lại lạnh lùng


Ta chiêm nghiệm những nỗi buồn con gái
Những niềm vui bè bạn của con trai
Mà câu hỏi vẫn tròng trành ray rứt
Hạnh phúc khổ đau bước ngắn bước dài


Ta gởi cho nhau những lời chúc tụng
Những giấc mơ lành và giấc ngủ ngon
Và đêm đến ta mở toang lồng ngực
Lắng nghe nhau từng nhịp đập hao mòn


Ta ao ước ngày và đêm tái hợp
Quyền lực hóa thân độ lượng quay về
Ta mong muốn âm và dương hòa hợp
Vạn vật sinh sôi hoa trái bộn bề


Đã sanh ra làm con người trần thế
Sống chan hòa với trời đất cỏ cây
Xin nhẹ nhàng làm con người nhập thế
Chia sẻ cùng nhau cuộc sống vơi đầy







Thứ bảy, 23/04/2011 20 giờ 57

Thứ Hai, 4 tháng 4, 2011

Đại học Cần Thơ: nơi đào tạo nguồn nhân lực chính cho ĐBSCL


(TBKTSG Online) -
Trường Đại học Cần Thơ vừa tròn 45 tuổi. Theo GS.TS Bùi Văn Ga, Thứ trưởng Bộ Giáo dục & đào tạo, đây là nơi giữ vai trò nòng cốt trong việc đào tạo nguồn nhân lực cho vùng ĐBSCL. Dịp này, TBKTSG Online đã phỏng vấn PGS.TS Nguyễn Anh Tuấn, Hiệu trưởng Đại học Cần Thơ…


* Thưa ông, Viện Đại học Cần Thơ ra đời ngày 31-3-1966 và chỉ tồn tại đến năm 1975?

PGS.TS Nguyễn Anh Tuấn: Lúc đó, Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) có khoảng 5 triệu người, chiếm 40% dân số miền Nam Việt Nam, nhưng trong hoàn cảnh thiếu thốn về vật chất, khó khăn về phương tiện đi lại nên các cô tú, cậu tú của vùng đất này không mấy ai có đủ điều kiện để lên Sài Gòn học đại học. Sau nhiều cuộc vận động của nhân sĩ, trí thức và các tầng lớp nhân dân trong vùng, Viện Đại học Cần Thơ mới được thành lập.

Dù Viện Đại học Cần Thơ chỉ hoạt động đến năm 1975, nhưng Viện đã thành công trong việc mở ra một hướng đi mới trong lịch sử giáo dục ở ĐBSCL; đào tạo được nhiều cán bộ, trí thức có trình độ cử nhân, kỹ sư, cung cấp nguồn nhân lực chuyên môn chất lượng cao cho sự phát triển của vùng ĐBSCL.

Từ sau khi đổi thành Trường Đại học Cần Thơ thì trường phải đối mặt với cảnh nghèo nàn tụt hậu thời hậu chiến. Trường xoay xở ra sao để đi lên?

PGS.TS Nguyễn Anh Tuấn: Phải nói là lúc đó trường đã đối mặt với muôn vàn khó khăn. Giáo dục ở ĐBSCL tụt hậu nhiều so với các vùng khác, cơ sở vật chất rất nghèo nàn; phòng học bằng tre lá, khuôn viên chủ yếu là đồng hoang, đường sá lầy lội, không có nhà tập thể cho giáo viên và kí túc xá cho sinh viên. Nhưng thuận lợi rất lớn là trường được chính quyền địa phương và nhân dân trong vùng ủng hộ. Được lực lượng thầy cô tại chỗ “kiên trì bám trụ”. Được Bộ Giáo dục và Chính phủ hỗ trợ. Đặc biệt là có sự chi viện nguồn nhân lực từ trung ương và các trường đại học phía Bắc, trong đó có lực lượng cán bộ miền Nam tập kết trở về. Còn nhớ lúc ấy, rất nhiều giảng viên trẻ từ Đại học Vinh, Đại học Nông nghiệp I Hà Nội, Đại học Sư phạm Hà Nội, Đại học Thủy Lợi Hà Nội... đã tình nguyện xa quê hương vô Nam hỗ trợ cho Đại học Cần Thơ. Đây là cơ sở để thầy trò Đại học Cần Thơ từng bước vượt qua khó khăn để xây dựng và phát triển trường thành một trường đại học đa ngành, đa lãnh vực và là cơ sở đào tạo, nghiên cứu khoa học trọng điểm của Nhà nước ở ĐBSCL như hiện nay.
.
* GS.TS Bùi Văn Ga, Thứ trưởng Bộ Giáo dục & đào tạo, nói rằng Đại học Cần Thơ bây giờ là trường đi đầu trong đào tạo gắn với nghiên cứu khoa học để phục vụ ĐBSCL. Ông có thể nói cụ thể hơn hoạt động này?

PGS.TS Nguyễn Anh Tuấn: Nói gọn lại là trường luôn cố gắng cải tiến năng lực giảng dạy, nghiên cứu và chuyển giao công nghệ phuc vụ sản xuất; không ngừng phát triển cơ sở vật chất, mở rộng qui mô và đa dạng hoá chương trình đào tạo, mở rộng phạm vi hoạt động, nâng cao uy tín và vươn mình rai với các trường đại học trong khu vực và trên thế giới.

“Đặc sản” của Đại học Cần Thơ là “Học đi đôi với hành, nghiên cứu khoa học gắn liền với sản xuất và đời sống”. Thầy và trò không chỉ dạy và học trong khuôn viên trường mà còn dạy và học trên đồng ruộng, ở nhà máy, xí nghiệp, công trường; cùng ăn, cùng ở, cùng làm với nông dân, làm thí nghiệm ngay trên đất nông dân để nhân nhanh một giống mới, một kỹ thuật canh tác mới. Hình ảnh thầy và trò Trường Đại học Cần Thơ với dụng cụ thí nghiệm hay tài liệu khuyến nông, đã từ lâu quen thuộc với nông dân và cộng đồng xa xôi, hẻo lánh.

Đại học Cần Thơ đã đào tạo hơn 93.000 cử nhân, kỹ sư, bác sĩ, thạc sĩ, tiến sĩ. Nhiều người trong số họ đã trở thành các cán bộ khoa học đầu ngành, các nhà quản lý, nhà sản xuất và kinh doanh giỏi tại các tỉnh thành trong khu vực và cả nước.

Từ năm 1995, trường đã chủ động phối hợp và liên kết với các trường trong và ngoài nước phát triển đào tạo sau đại học. Đến nay, trường đã tổ chức được 17 khóa đào tạo sau đại học gồm 40 ngành, chuyên ngành với 2.147 học viên cao học và nghiên cứu sinh đã tốt nghiệp ra trường.

Chương trình Phát triển nguồn lực cho các tỉnh ĐBSCL (Chương trình Mekong-1000) do Đại học Cần Thơ khởi xướng và đảm trách đang tiến khá tốt. Đây là bước đột phá trong đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao cho ĐBSCL. Hiện tại, Chương trình Mekong 1000 đã có hơn 500 ứng viên được các tỉnh ĐBSCL tuyển chọn để đưa đi đào tạo thạc sĩ và tiến sĩ ở nước ngoài.

Từ năm 2007, trường đã áp dụng học chế tín chỉ. Trường cũng đã tham gia Mạng lưới Đại học Đông Nam Á (ASEAN University Network - AUN), đã tổ chức đánh giá 12 chương trình đào tạo năm 2009 theo tiêu chuẩn AUN, 16 chương trình năm 2010 và đang triển khai đánh giá tiếp 12 chương trình đào tạo trong năm 2011.

Trong nghiên cứu khoa học và chuyển giao công nghệ của trường, phải nhắc tới nhiều giống cây con mới, những biện pháp canh tác, những ứng dụng khoa học kỹ thuật đã đi vào đời sống và sản xuất trong vùng. Nổi bật là Chương trình nghiên cứu tôm - artémia đã cải thiện được đời sống người dân nghèo ven biển Sóc Trăng và Bạc Liêu. Hay chương trình nghiên cứu cây lúa và hệ thống canh tác, đã lai tạo và tuyển chọn giống lúa kháng rầy, năng suất cao và các hệ thống canh tác thích hợp góp phần xóa đói, giảm nghèo và tăng sản lượng xuất khẩu lúa gạo trong vùng. Riêng các chương trình nghiên cứu quy trình sản xuất và nuôi các giống cá tra, cá basa, tôm càng xanh… đã mang lại lợi ích thiết thực cho người nông dân, góp phần đưa sản lượng xuất khẩu thủy sản của ĐBSCL đứng đầu cả nước.

Sinh viên Đại học Cần Thơ với Chương trình Mê-kông.

* Riêng lĩnh vực hợp tác quốc tế, ông đánh giá ra sao?

PGS.TS Nguyễn Anh Tuấn: Trong hợp tác quốc tế, Đại học Cần Thơ đã quan hệ với hơn 150 viện, trường và tổ chức quốc tế. Trường đã tranh thủ được một số dự án lớn như chương trình “Nâng cấp Khoa Nông nghiệp” từ viện trợ của Chính phủ Nhật Bản (khoảng 23 triệu đô la Mỹ); chương trình MHO của Chính phủ Hà Lan (khoảng 19 triệu đô la Mỹ); chương trình VLIR của Chính phủ Bỉ (khoảng 18 triệu đô la Mỹ); chương trình Trung tâm Học liệu của Tổ chức Atlantic Philanthropy (thông qua ĐH RMIT, khoảng 8 triệu đô la Mỹ).

Đại học Cần Thơ cũng đã tham gia dự án của Chính phủ Việt Nam giúp đỡ nước Lào trong Chương trình Phát triển nông thôn Lào, đạt được thành quả cao. Ngoài ra, trường đang tiếp tục tiến hành một số dự án quan trọng khác như: Dự án Giáo dục Đại học, Dự án Trung Tâm Học Liệu (hợp tác với ĐH Hawaii, Mỹ), Dự án NPT (Netherlands Post-secondary Training).

* Tới đây, làm sao để Đại Cần Thơ thực hiện được chiến lược “đào tạo chất lượng + nghiên cứu khoa học tiến tiến” như xác định của Bộ Giáo dục & đào tạo?

PGS.TS Nguyễn Anh Tuấn: Chúng tôi đang thực hiện đề án Quy hoạch phát triển Trường Đại học Cần Thơ đến năm 2020. Có thể nói như vị đại diện Bộ Giáo dục & đào tạo đã nhấn mạnh tại lễ kỉ niệm 45 năm thành lập trường, là Đại học Cần Thơ phải giữ vai trò nòng cốt trong đào tạo nguồn nhân lực cho vùng ĐBSCL; là một trường đa ngành, đa lĩnh vực, kết hợp nghiên cứu khoa học với phục vụ phát triển kinh tế xã hội ĐBSCL; đi đầu trong hợp tác quốc tế; là đầu mối giao lưu giữa ĐBSCL với thế giới về giáo dục đào tạo và nghiên cứu khoa học và phải hỗ trợ được các trường đại học ở ĐBSCL cùng phát triển.

Chúng tôi hiểu rằng mình cần phải nỗ lực rất nhiều để có thể vươn xa trong sự nghiệp giáo dục đào tạo, trong nền kinh tế tri thức và trong quá trình hội nhập quốc tế. Bên cạnh sự nỗ lực của mình, trường Đại học Cần Thơ còn cần rất nhiều sự hỗ trợ từ Chính phủ, từ Bộ Giáo dục & đào tạo, từ các bộ, ban, ngành trung ương và của các địa phương trong vùng, của các viện, trường, của các cơ quan, doanh nghiệp, và của bạn bè quốc tế.

Đại học Cần Thơ hiện có 12 khoa, 3 viện và 4 trung tâm với 45.800 sinh viên đang học. Thế mạnh của trường là các khoa nông nghiệp & sinh học ứng dụng; thủy sản; công nghệ; công nghệ thông tin & truyền thông; môi trường & tài nguyên thiên nhiên; sư phạm; kinh tế & quản trị kinh doanh và viện nghiên cứu & phát triển công nghệ sinh học; viện nghiên cứu & phát triển ĐBSCL; viện nghiên cứu biến đổi khí hậu.
Đội ngũ cán bộ, viên chức và lao động của trường là 1.958 người. Riêng cán bộ giảng dạy có 1.086 người, trong đó có có 2 giáo sư, 49 phó giáo sư, 181 giảng viên có trình độ tiến sĩ, 205 giảng viên chính, 830 giảng viên; có 756/1.086 giảng viên có trình độ sau đại học, đạt tỷ lệ 70%.


Thứ Hai, 7 tháng 3, 2011

Đập Xayabury là mở đầu những tác hại khó lường cho đồng bằng Sông Cửu Long



Hai nước ở vùng hạ lưu sông Mekong có kế hoạch xây dựng 12 đập thủy điện trên dòng chính Mekong. Ngày 22-9-2010, Lào đã chính thức thông báo về dự án đập Xayabury, đập đầu tiên trong số 12 đập này. Một cuộc tham vấn cấp địa phương đã được tổ chức tại Cần Thơ ngày 14-1-2011 và cuộc tham vấn cấp quốc gia đã được tổ chức ngày 22-2 tại Hạ Long. TBKTSG đã có cuộc trao đổi với Thạc sĩ NGUYỄN HỮU THIỆN, thành viên của nhóm chuyên gia tư vấn thực hiện nghiên cứu “Đánh giá môi trường chiến lược 12 đập trên dòng chính sông Mekong”, về vấn đề này…




TBKTSG: Việc Lào thông báo ý định xây đập Xayabury có tác động như thế nào trong hệ thống 12 đập trên dòng Mekong?

- Thạc sĩ NGUYỄN HỮU THIỆN: Báo cáo Đánh giá môi trường chiến lược 12 dập trên dòng chính sông Mekong nhấn mạnh rằng đối với vùng hạ lưu sông Mekong, chỉ một đập thủy điện dòng chính cũng sẽ tạo ra những sự thay đổi vĩnh viễn và không phục hồi được đối với cả hệ thống.

Hơn nữa, vì có tất cả 12 đập được dự kiến, khi đánh giá tác động thì không nên và không thể tách từng đập ra kiểu như tách từng cây đũa trong bó đũa, mà phải xem xét Xayabury trong bối cảnh chung của 12 đập.

Hiện nay Lào đang có kế hoạch xây 10 đập thủy điện trên dòng chính Mekong và Campuchia xây 2 đập. Như vậy không phải Lào chỉ muốn xây một đập Xayabury và sẽ dừng lại. Nếu đập Xayabury được thông qua lần này thì sẽ trở thành tiền lệ cho các đập khác.

TBKTSG: Trong các đập thủy điện này, lợi ích thuộc về ai?

- Theo tính toán của báo cáo này, Lào sẽ hưởng 70% lợi ích, Campuchia và Thái Lan mỗi nước khoảng 11-12%, và Việt Nam được 5% trong tổng lợi ích kinh tế của 12 đập này.

TBKTSG: Nếu tất cả 12 đập này đựơc xây, tổn thất đối với ĐBSCL sẽ ra sao?

- Danh sách những rủi ro tổn thất của ĐBSCL rất dài và chưa có rủi ro nào được định lượng đúng cả. Một vài ví dụ của những rủi ro tổn thất bao gồm tổn thất cá trắng là nguồn thức ăn của con người, để nuôi thủy sản, dinh dưỡng cho hệ sinh thái, thức ăn của cá đen; tổn thất cá đen ăn cá trắng để tồn tại; tổn thất đa dạng sinh học vì chim, cò, rùa, rắn cần ăn cá; tổn thất về năng suất nông nghiệp vì thiếu nguồn phân bón tự nhiên từ phù sa; tổn thất thủy sản biển vì thiếu dinh dưỡng sông Mekong đưa ra hàng năm; sự sụt lún của đồng bằng vì thiếu phù sa; gia tăng sạt lở bờ sông; và tổn thất dây chuyền lên công nghiệp và dịch vụ như chế biến, vận chuyển, buôn bán nông sản và thủy sản.

TBKTSG: Báo cáo này đã kiến nghị hoãn quyết định xây dựng các đập trên dòng chính trong vòng 10 năm?

- Đúng vậy, và xin lưu ý đây là kiến nghị hoãn quyết định, chứ không phải kiến nghị hoãn việc xây, có nghĩa là sau 10 năm thì sẽ xem xét lại quyết định có xây hay không xây. Đối với lưu vực Mekong, những cân nhắc quan trọng cần phải tính đến là: Thứ nhất, dòng sông Mekong chảy tự do kết nối 4 quốc gia ở vùng hạ lưu có vai trò rất quan trọng về mặt kinh tế, xã hội, văn hóa, và sinh thái. Thứ hai, thậm chí khi chưa có các đập này thì hệ tự nhiên và tài nguyên thiên nhiên trong khu vực đã đang chịu áp lực ngày càng gia tăng. Thứ ba, các tác động tiềm năng của các đập này rất nghiêm trọng và vươn xa về mặt địa lý và còn rất nhiều điều chưa chắc chắn về các dự án dòng chính này. Thứ tư, cần có một phương pháp tiếp cận mới đối với phát triển sông Mekong phù hợp hơn đối với nhu cầu của các quốc gia và các cộng đồng trong lưu vực trong thế kỷ 21.

Trong đó nhóm chuyên gia đã nhấn mạnh rằng “Dòng chính Mekong không bao giờ nên được dùng làm thí nghiệm dù là để chứng minh hay bác bỏ các công nghệ thủy điện đắp đặp chắn ngang sông”.

TBKTSG: Hiện nay có quan điểm cho rằng nếu Việt Nam không tham gia đầu tư thì bỏ mất cơ hội trong khi các nước khác cũng sẽ đầu tư xây đập. Ý kiến của ông thế nào?

- Về cơ hội đầu tư và lợi ích đầu tư thì không đáng gì so với những tổn thất mà ĐBSCL sẽ phải gánh chịu. Nếu Việt Nam vì lợi ích nhỏ của việc đầu tư thì câu chuyện sẽ chấm dứt và chúng ta không còn nói được gì về tác động của thượng nguồn đối với ĐSBCL và sau này cũng không thể bàn đến chuyện đền bù thiệt hại.

TBKTSG: Nhưng các đập này được xây dựng trong lãnh thổ của các nước khác, thì Việt Nam có thể làm gì để gây ảnh hưởng đến quyết định có đắp đập hay không?

- Thật ra “quả bóng” đang nằm trong chân 2 nước là Thái Lan và Việt Nam vì 12 đập này được thiết kế để bán 90% sản lượng điện sang Thái Lan và Việt Nam, chỉ 10% là để cho sử dụng nội địa ở Lào và Campuchia. Nếu Thái Lan và Việt Nam không mua điện từ các đập này thì các đập này khó có thể khả thi vì làm ra điện thì bán cho ai.

Chúng ta lưu ý rằng nguồn đầu tư cho 12 đập này chủ yếu là từ các nhà đầu tư tư nhân. Báo cáo này nói rõ rằng Lào và Campuchia sẽ không có khả năng xây dựng các đập này nếu không có các nhà đầu tư tư nhân. Các nhà đầu tư tư nhân thì đầu tư vì lợi nhuận, nếu không có thị trường bán điện thì họ chắc chắn không đầu tư.

TBKTSG: Nhưng Việt Nam đang thiếu điện trầm trọng, thì vẫn cần mua điện từ các đập này?

- Báo cáo đã nêu rõ, nếu Thái Lan và Việt Nam mua được 90% điện từ 12 đập này thì tính đến năm 2025 lượng điện đó cũng chỉ đáp ứng được 4,4% nhu cầu của Việt Nam. Nếu cân nhắc những thiệt hại to lớn đối với vựa lúa lớn nhất của mình, thì Việt Nam không nên xem nguồn điện từ các đập này là quan trọng trong chiến lược an ninh năng lượng.

TBKTSG: Trong trường hợp các đập này vẫn được xây, thì đối với ĐBSCL có thể có những biện pháp thích nghi nào?

- Nếu trong trường hợp các đập này vẫn được xây dựng thì đối với ĐBSCL có thể nói rằng đây là một trong những mối đe dọa lớn nhất. Mọi mặt của đời sống ĐBSCL, một vùng sông nước trù phú do chính dòng sông mẹ Mekong tạo ra và nuôi dưỡng hàng ngàn năm nay sẽ bị thay đổi, cả về môi trường, kinh tế, xã hội và văn hóa.

Tốt nhất là các đập này không nên được xây. Còn nếu các đập này vẫn được xây thì biện pháp thích nghi nào cũng khó, hoặc là không khả thi, hoặc là quá đắt cho ĐBSCL, vì ba lí do:

Thứ nhất là danh sách các rủi ro tổn thất rất dài và chưa có rủi ro nào được hiểu tường tận và định lượng được cả.

Thứ hai là không phải tổn thất nào cũng có thể khắc phục được. Giảm phù sa thì có thể tăng lượng phân bón để duy trì năng suất, nhưng cũng chỉ đến một lúc nào đó mà thôi. Trong mấy thập kỷ vừa qua, theo Tiến sĩ Lê Phát Quới (Viện Tài nguyên & môi trường TP.HCM), vùng trù phú nhất của ĐBSCL là vùng đất xám gần sông Mekong cũng đã có dấu hiệu biến thành đất xám bạc màu do sử dụng thâm canh vượt mức phù sa bồi đắp. Bây giờ lại thiếu phù sa thì đất sẽ bạc màu nhanh hơn. Số liệu của Thạc sĩ Dương Văn Nhã ở Đại học An Giang so sánh năng suất lúa trong đê bao (ít phù sa) và ngoài đê bao (nhiều phù sa) ở An Giang cho thấy, ngoài đê năng suất lúa ổn định ở mức 5,86-6,74 tấn/héccta trong khi trong đê bao do thiếu phù sa thì chỉ đạt 5,28 tấn/héc ta mặc dù phân bón sử dụng nhiều hơn đến 131-134 kilôgam/hécta. Vậy phân bón không thể thay thế phù sa được. Mà tăng sử dụng phân bón còn gây ra muôn vàn hệ lụy môi trường khác như gây ô nhiễm nước.

Thủy sản nuôi cũng không thể dùng làm biện pháp thay thế thủy sản tự nhiên được bởi vì thủy sản nuôi phụ thuộc vào thủy sản tự nhiên, bột cám, bột cá biển để làm thức ăn và tất cả những thứ này đều phụ thuộc vào phù sa sông Mekong. Khi thiếu phù sa thì sản lượng thủy sản biển vùng ĐBSCL cũng sẽ suy giảm. Ta có thể nhìn sang Australia làm ví dụ. Australia có bờ biển dài 31.218 ki lô mét và một vùng biển rộng 16 triệu ki lô mét vuông, nhưng không đứng nổi hàng top 50 về sản lượng thủy sản quốc gia trên thế giới, là vì giữa lục địa Australia là sa mạc, dòng chảy nghèo dinh dưỡng, nên biển Australia cũng là “biển sa mạc”, năng suất thủy sinh thấp. Nếu dòng chảy song Mekong không tiếp tục mang phù sa ra biển, thì vùng biển ĐBSCL có thể là “biển sa mạc” trong tương lai.

Thứ ba, ngoài tác động của các đập thủy điện thì ĐBSCL lại là một trong 5 nơi được xác định là sẽ chịu ảnh hưởng nặng nề nhất của biến đổi khí hậu. Đối phó với riêng biến đổi khí hậu thôi đã là vất vả và tốn kém lắm rồi.

TBKTSG: Vậy có thể tính tới chuyện chia sẻ lợi ích hay đền bù thiệt hại không?

- Trên thế giới cũng có những thí dụ về những cơ chế thành công trong những điều kiện cụ thể nào đó trong việc chia sẻ lợi ích hoặc đền bù thiệt hại do thủy điện gây ra. Tuy nhiên, trong trường hợp thủy điện Mekong, xem ra vấn đề sẽ rất phức tạp. Sự thành công của một cơ chế chia sẻ lợi ích hay đền bù thiệt hại phụ thuộc vào rất nhiều yếu tố, bao gồm việc tính toán ai bị thiệt hại, thiệt hại bao nhiêu, ai gây ra thiệt hại, gây ra bao nhiêu, và trong việc tổ chức thực hiện đền bù hay chia sẻ lợi ích thì phải có năng lực quản lý, hành chính, kỹ thuật, thể chế ở tất cả các cấp từ địa phương đến quốc gia và khu vực để đảm bảo được sự minh bạch, công bằng, và hiệu quả.

Thiệt hại do các đập Mekong gây ra là trên một vùng rộng lớn, xuyên biên giới, ảnh hưởng hàng chục triệu người và thiệt hại đối với mỗi người hay mỗi ngành là khác nhau. Một nông dân bị giảm năng suất lúa hay tăng chi phí sản xuất do giảm phù sa sẽ bị thiệt hại khác với, ví dụ, một cơ sở chế tạo nước mắm khi nguồn cá biển bị giảm sút do thiếu phù sa sông Mekong đưa ra. Vậy làm sao tính toán cho công bằng và làm sao đảm bảo tiền thiệt hại sẽ đến từng người bị thiệt hại? Trong số 12 đập này thì mỗi đập gây thiệt hại là bao nhiêu và nhà đầu tư nào phải chi trả đền bù bao nhiêu?

Ngoài ra muốn tính toán đuợc thiệt hại thì phải đo số liệu nền (baseline) ngay từ bây giờ trước khi các đập được xây dựng. Ví dụ, cần phải biết năng suất lúa hiện nay là bao nhiêu, thu nhập nông dân hiện nay bao nhiêu, tiêu thụ cá bình quân đầu người là bao nhiêu, các cảng vận chuyển lúa hàng năm bao nhiêu, sản xuất nước mắm hàng năm bao nhiêu… Sau đó phải có hệ thống quan trắc, theo dõi tác động trong quá trình xây các đập và vận hành các đập, và còn phải loại trừ tất cả các yếu tố ảnh hưởng khác như thời tiết, kinh tế thế giới,v.v thì mới tính ra được những con số thiệt hại.

Với tất cả những vấn đề này thì xem ra việc đền bù thiệt hại là khó có thể thực hiện được và việc đền bù hay chia sẻ lợi ích xuyên biên giới lại càng khó hơn.


Bài đã đăng tại:
http://www.thesaigontimes.vn/Home/xahoi/sukien/49002/Dap-Xayabury-la-mo-dau-nhung-tac-hai-kho-luong-cho-DBSCL.html


Thứ Tư, 23 tháng 2, 2011

Giao ban cây lúa



4 đời Viện trưởng Viện lúa ĐBSCL
Lê Văn Bảnh – Bùi Bá Bổng – Nguyễn Văn Luật – Bùi chí Bửu



1.

Mở đầu hội nghị giao ban về sản xuất lúa năm 2011 tại Viện Lúa ĐBSCL mới đây, trên ghế chủ tọa, PGS.TS Bùi Bá Bổng – Thứ trưởng Bộ NN & PTNN, nói vui: “Đây là lần đầu tiên Viện Lúa họp mặt đủ bốn đời viện trưởng. Đầu năm mới như vậy chắc là Viện Lúa phát tài rồi”. Cả hội trường hơn hai trăm người, hầu hết là những nhà khoa học và cán bộ quản lý nông nghiệp khắp ĐBSCL và từ nhiều viện, trường từ TP.HCM về, vỗ tay ầm ầm. Lúc đó mọi người mới nhìn quanh hội trường và thấy bốn ông viện trưởng mỗi ông ngồi mỗi nơi. GS.TS Nguyễn Văn Luật - Viện trưởng đầu tiên giờ đã nghỉ hưu, GS.TS Bùi Chí Bửu - Viện trưởng đời thứ ba sau anh Bổng, hiện là Viện trưởng Viện Khoa học Kỹ thuật nông nghiệp miền Nam và TS Lê Văn Bảnh - đương kim Viện trưởng Viện Lúa ĐBSCL.

Trước khi vào hội trường, mọi người đã kéo nhau đi tham quan một vòng Viện Lúa và xem xét những trà lúa đông xuân đang chín rộ. Dường như ai cũng hi vọng về cây lúa năm nay. Không thấy ai nói ra, nhưng đi ngang các phòng thí nghiệm trong Viện Lúa, có người tự dưng nghe xúc động trong lòng, hiểu rằng để có được 200 ha lúa giống nguyên chủng tốt tươi ngoài kia, phải chắt chiu từ bao nhiêu mồ hôi và trí tuệ từ nơi này.

Anh Bùi Bá Bổng chủ trì buổi giao ban hết sức nhẹ nhàng. Sau các báo cáo chính của Cục Trồng Trọt và Cục Bảo Vệ Thực Vật thuộc Bộ NN & PTNN, anh nhỏ nhẹ “kính mời thầy Luật”, “thầy Huỳnh” (PGS.TS Nguyễn Văn Huỳnh ở Đại học Cần Thơ), “anh Bửu”, “anh Phụng” (PGS.TS Mai Thành Phụng ở Trung tâm Khuyến nông Quốc gia), “anh Bảnh”… phát biểu. Giữa các phát biểu ấy, anh Bổng thường gợi ý vui mà nghiêm túc. Tỉ như: “Tham quan ruộng lúa, tôi thấy anh Bảnh làm tốt hơn thời tôi làm viện trưởng rồi, cho nên tôi tin là cây lúa của mình tới đây sẽ càng tốt hơn”. Hay là: “Anh Phụng là người lăn lộn với bà con nông dân nhiều, chắc là anh sẽ phản ánh được đúng nỗi lòng nông dân”. Hoặc: “Thủ tướng vừa yêu cầu Bộ NN & PTNT xem xét đầu tư cơ sở hạ tầng mở thêm vụ lúa thu đông như Kiên Giang đang làm để tăng lượng gạo xuất khẩu, xin các anh có ý kiến về chuyện này”… Tới gần trưa đứng bóng, sau khi kết luận giao ban, anh Bổng lại nói vui: “Trưa nay Viện Lúa mời cơm, chắc là mình sẽ được ăn gạo ngon rồi”.


2.

Xin ghi lại một số ý kiến đáng nhớ về cây lúa năm nay trong thảo luận của các nhà khoa học nông nghiệp tại giao ban này.

GS.TS Nguyễn Văn Luật: “Không thể chỉ đạo gieo sạ đồng loạt cho cả vùng mà nên linh hoạt theo điều kiện từng nơi, có nơi nước đã rút, có nơi chưa. Cũng không có vụ nào là chính cho mọi nơi mà phải theo điều kiện cụ thể từng nơi; nơi làm xuân hè tốt thì giúp nông dân làm, thu đông cũng vậy. Tóm lại là ta phải tổng kết từ kinh nghiệm thực tế để áp dụng khoa học kỹ thuật và có chủ trương cho đúng”.

PGS.TS Nguyễn Văn Huỳnh: “Ngân hàng HSBC vừa làm điều tra cho thấy, tư thương Việt Nam rất cần vốn làm ăn. Trong nông nghiệp, tư thương có nhiều và nông dân mình giờ đã biết cách làm ăn tập thể rồi. Cần có chính sách vốn cho họ làm ăn”.

GS.TS Bùi Chí Bửu: “Rủi ro về sản xuất nông nghiệp ở ĐBSCL chỉ vài phần trăm trong khi ở đồng bằng sông Hồng là 30%, miền Trung khoảng 50%. Năm 2010 Việt Nam thắng lớn về lúa gạo, đã tăng 1 triệu tấn, chủ yếu cũng tại ĐBSCL. Tuy nhiên dân số cũng tăng mạnh, như vậy là năng suất lúa đứng yên. Trong khi Việt Nam nhắm tới mục tiêu là nước công nghiệp hóa năm 2020, diện tích lúa sẽ giảm. Như vậy phải tổ chức lại cho nông dân sản xuất theo hướng công nghiệp hóa. Và phải làm ưu tiên cho ĐBSCL vì đồng bằng này là vùng có tính sản xuất vô cùng ổn định”.

TS Mai Thành Phụng: “Tôi chưa thấy có báo cáo nào phân tích lời lỗ để giúp nông dân bình ổn giá và kiết kiệm trong sản xuất. Trong báo cáo của Cục Bảo vệ thực vật, cần thêm đánh giá tình hình sử dụng thuốc như thế nào vì ta đang hướng tới sản xuất nông nghiệp bền vững. Tôi dám bảo đảm rằng thực tế đang có tới 90% nông dân không phun thuốc theo tiêu chuẩn “4 đúng”. Theo tôi, cần sớm ban hành pháp lịnh về thuốc bảo vệ thực vật như đã có pháp lịnh về quảng cáo vậy. Một vấn đề khác, ta không thể cấm nông dân sản xuất giống lúa IR-50404 (giống lúa cho năng suất cao nhưng dễ nhiễm rầy nâu) trong khi thương lái vẫn mua gạo IR-50404 bằng với giá gạo xuất khẩu. Vì ta khuyến cáo mà không có giải thích và giúp nông dân làm; ở những tỉnh làm khuyến nông giỏi như An Giang, Đồng Tháp thì nông dân đang làm lúa 50404 nhiều nhứt đồng bằng”.

TS Lê Văn Bảnh: “Để thích nghi với biến đổi khí hậu, Viện Lúa ĐBSCL đã chọn tạo được 30 giống chịu mặn. Chúng tôi sẽ tiếp tục cung cấp giống cho các công ty nhưng cần nhắc lại chuyện sở hữu trí tuệ. Viện Lúa đã bán cho cho các công ty bảy loại giống mới trị giá hơn ba tỉ đồng nhưng chưa có ai trả tiền cả (hội trường cười ầm)… Tôi cũng đề nghị, phải giải quyết phù hợp việc xuất khẩu gạo và tiêu thụ nội địa trong năm nay vì thế giới đang có nguy cơ khủng hoảng lương thực như năm 2008, giá lương thực đang tăng mạnh”.



3.

Chốt lại buổi giao ban, Thứ trưởng Bùi Bá Bổng nhấn mạnh: “Trong quí 1 này, Thủ tướng sẽ ban hành qui hoạch đất lúa và nghị định về quản lý đất lúa trong cả nước”. Ông nói, mục đích chính của chủ trương này nhằm bảo đảm an ninh lương thực và gia tăng năng suất, chất lượng lúa gạo xuất khẩu đồng thời tăng được thu nhập cho nông dân.

Thứ trưởng Bùi Bá Bổng cũng cho hay, từ vụ hè thu năm nay, các tỉnh làm lúa ở ĐBSCL sẽ đầu tư làm các "cánh đồng lúa mẫu" để tiến tới việc sản xuất lúa gạo hiện đại trong vùng. Theo đó, mỗi cánh đồng rộng ít nhất 300 ha, sử dụng giống xác nhận và áp dụng phương pháp cánh tác và thu hoạch theo tiêu chuẩn VietGAP.

Riêng với Viện Lúa ĐBSCL, ông Bổng cho biết Chính phủ đã đồng ý sẽ đầu tư khoảng 200 tỉ đồng để viện này làm quy hoạch hiện đại hóa hoạt động nghiên cứu và ứng dụng khoa học kỹ thuật nông nghiệp hiệu quả hơn.

Năm nay, Bộ NN & PTNT chủ trương cho ĐBSCL và miền Đông Nam bộ, tùy điều kiện từng nơi, sẽ làm 4 vụ lúa (đông xuân, hè thu, thu đông và vụ mùa) với tổng diện tích cả năm trên 4,4 triệu ha, năng suất bình quân trên 5,4 tấn/ha, sản lượng dự kiến hơn 23,9 triệu tấn lúa. Còn với cả nước thì dự kiến năm nay có thể làm được 39 -39,5 triệu tấn lúa nếu như không bị thiên tai dịch bệnh tàn phá nặng.

Riêng vụ đông xuân (vụ lúa chính cho năng suất và chất lượng gạo tốt nhất) ở ĐBSCL, nông dân đang làm hơn 1,5 triệu héc ta; một số nơi bắt đầu thu hoạch và bán cho thương lái với giá hơn 5.000 đồng/kg.

Dự kiện năm nay, cả nước sẽ xuất khẩu khoảng 6-6,5 triệu tấn gạo (hai tháng đầu năm, đã xuất 1,2 triệu tấn). Hiện VFA đang có kế hoạch mua tạm trữ 1 triệu tấn gạo đông xuân để chờ giá xuất khẩu tốt hơn.

***

… Sau buổi giao ban trở về, tôi vẫn băn khoăn chuyện thời sự về nguy cơ khủng hoảng giá lương thực mà gần đây báo chí khắp thế giới đề cập, sao chỉ có TS Lê Văn Bảnh nói rất ngắn tại hội nghị. Tôi gởi e-mail hỏi Thứ trưởng Bùi Bá Bổng, ông mail trả lời như vầy: “Giá lương thực trên thế giới tăng cao, ít có khả năng ảnh hưởng lớn đến tăng giá gạo tại Việt Nam, đặc biệt không tạo ra những cơn sốt giá, vì nguồn cung gạo nước ta cho thị trường nội địa rất dồi dào và rải đều cho cả năm. Hơn nữa, khủng hoảng lương thực thế giới trong năm 2011 dù được nhận định là một nguy cơ nhưng nhiều đánh giá cho rằng sẽ không xảy ra như năm 2008 vì chính phủ của nhiều nước có chuẩn bị tốt hơn, nhất là biện pháp chống đầu cơ lương thực”.

Thứ Sáu, 28 tháng 1, 2011

Giữ đất


(TBKTSG) - “Ba ngày Tết tôi với bả về trong Ô Môn cúng ông bà, ăn Tết với ba đứa con, chòi ruộng này thuê người giữ. Ngày thường cũng vậy, chỉ có giỗ chạp hay lâu lâu sum họp gia đình tôi mới bỏ ruộng về chợ”. Ông Ba Gon nói tiếp: “Làm nông dân mà bị mất đất là coi như tiêu luôn”.


Dựa lưng vào vách lá căn nhà nhỏ bên bờ ruộng, nheo mắt nhìn lướt qua cánh đồng lúa đông xuân cuối năm xanh mơn mởn, ông Ba Gon nói: “Nhưng giữ đất là giữ cái gốc để làm nông nghiệp chớ chỉ làm lúa thì không sống nổi”. Bà Ba vừa ngồi đan lưới vừa xem ti vi, cười ran đồng tình. Bà đan lưới để chắn gà vịt không cho xuống ruộng phá lúa; bầy gà vịt cả trăm con được bà bao trong những ô lưới quanh nhà. Ông bà tính gộp lãi ròng năm 2010 từ hơn một héc ta đất ruộng ở đây: 25 triệu đồng làm lúa + 10 triệu đồng nuôi gà, vịt, cá + 50 triệu đồng làm dịch vụ nông nghiệp.

Ông giải thích: “Nhưng lúa tôi làm là lúa giống nguyên chủng bán cho Viện Lúa đồng bằng sông Cửu Long giá 8.000 đồng một ký chớ hổng phải lúa ăn bình thường. Còn làm dịch vụ thì tôi làm đủ thứ quanh năm cho bà con nông dân xã Tân Thạnh như bơm nước, cày đất, suốt lúa... bằng máy hợp đồng thuê của viện lúa”. Nhìn ông, chỉ thấy bộ ria là mới chứ còn áo sơ mi trắng thì đã trổ màu đất ruộng từ lâu. Ông lại chỉ tay ra cánh đồng trước mặt: “Hổng bám trụ như vậy thì chắc tôi đã bán luôn miếng ruộng này rồi”.

Tết này bước vào tuổi 60, ông Cao Văn Gon làm ruộng từ năm 1975, vậy là tròn 36 năm làm nông dân ở đất Ô Môn, Cần Thơ. “Trải bao thăng trầm mà mình vẫn vượt qua được, cũng thấy tự hào”, ông nói nhỏ nhẹ. Lúc đầu ông nghĩ làm ruộng có thể đủ nuôi ba đứa con ăn học, nhưng rồi tới năm 1987 ông bắt đầu bán đất. Tới giờ, khi ba người con học xong đại học thì ông đã bán gần hết một héc ta ruộng ở Long Hưng, giữ lại ba công vườn và một căn nhà cho con lập nghiệp. Tuổi già nhưng vẫn mê ruộng đồng nên sau khi con cái nên người ông kéo bà vô xã Tân Thạnh, giữ lại miếng ruộng cuối cùng này do cha ông để lại và làm nông theo kiểu như ông nói là phải “có nghề”.

Ông Ba Gon học xong lớp 12 trước năm 1975, biết tiếng Anh và có nhiều năm lăn lộn với hợp tác xã nông nghiệp kiểu cũ thời bao cấp nên ông hiểu ruộng đồng cần gì, nông dân cần gì. Lại được tiếp xúc thường xuyên với các nhà khoa học ở Viện Lúa đồng bằng sông Cửu Long, được áp dụng kỹ thuật canh tác mới và mê thông tin thị trường, nên ông đã biết cách gắn ruộng đồng với dịch vụ nông nghiệp. “Tới vụ, tôi làm quyết liệt, đêm bơm nước thuê, ngày đi suốt lúa khắp nơi”, ông nói tiếp: “Tỷ như vụ đông xuân sau Tết này, tôi sẽ mở thêm dịch vụ kéo lúa bằng xe cải tiến từ ruộng lên bờ. Một héc ta kiếm được 80.000 đồng, ngày làm 5 héc ta, mỗi vụ lúa làm một tháng, một năm hai vụ, kiếm được cả chục triệu. Tôi giữ đất như vậy đó”.

Với chuyện áp dụng kỹ thuật nông nghiệp, ông Ba Gon nói gọn lỏn: “Tôi tiếp thu nhanh, sẵn sàng chỉ lại cho bà con”. Có một thứ mà ông cho là mình đam mê, đó là thông tin kinh tế. “Tôi đọc báo, nghe đài, xem ti vi kỹ lắm. Thông tin nào liên quan tới thị trường trong nước và thế giới là tôi không bỏ sót”, ông kể. Khi nhắc tới chi phí canh tác, ông không xài chữ “thuốc trừ sâu” một cách dễ dãi như cách bà con nông dân quen xài khi kể chi phí “phân bón, thuốc trừ sâu...” mà dùng cụm từ “thuốc bảo vệ thực vật” như nhiều nhà khoa học hay nói.

Nhờ chuyên trồng lúa giống nguyên chủng giá cao và tính toán giỏi nên ông Ba Gon làm lúa luôn được lợi hơn nông dân khác. Nhưng vì mọi thứ, từ vật tư nông nghiệp đến hàng tiêu dùng ở nông thôn đều đang tăng giá, nên ông vẫn cho là “hai vợ chồng tôi làm chỉ đủ sống”. Ông nhận xét: “Mấy năm trước nông dân hơi nhẹ thở, năm nay mệt lắm, đời sống rất khó khăn”. Ông so sánh: “Tôi làm một năm hai vụ đông xuân và hè thu, lời 15 triệu đồng một héc ta trong khi nông dân nơi khác làm ba vụ chỉ lời khoảng 5 triệu đồng một héc ta, mà đa phần bà con chỉ dựa vào cây lúa, thì làm sao đủ sống?”. Rồi ông đề xuất: “Muốn nông dân không bán đất thì trước tiên Nhà nước phải có kế hoạch bình ổn giá cho dân, nhất là giá lúa, và phải tính toán ngay từ đầu vụ. Chớ như vụ đông xuân năm rồi nông dân chỉ bán được giá 2.700-2.800 đồng một ký lúa thì chỉ có chết”.

Vẫn trăn trở với chuyện giữ đất ruộng, ông Ba Gon nói: “Bà con nông dân bây giờ đã tiếp cận được thông tin kỹ thuật nông nghiệp, làm lúa năng suất gấp đôi trước kia. Nhưng về tài chính thì eo hẹp lắm. Vô vụ thì phải vay ngân hàng hoặc vay nóng bên ngoài, thu hoạch xong thì phải bán lúa trả nợ chớ không thể giữ lúa để chờ giá được. Cứ quanh quẩn như vậy hoài. Nhà ai có hai con cho đi học là đuối sức liền”. Rồi ông thổ lộ: “Tôi đang ấp ủ một dự án làm ăn ở nông thôn. Đó là một kiểu hợp tác mới, một kiểu hùn vốn của những người tâm huyết, gắn được đồng ruộng với thị trường, nông dân có cổ phần. Có thể hình dung nó như một loại công ty cổ phần nông nghiệp vậy”.


Mời đọc thêm tại TheSaigontimes Online:


Thứ Ba, 25 tháng 1, 2011

Chuyện cuối năm...

Cuối năm 2010, nhà văn Nguyễn Ngọc Tư lại lặng lẽ ngồi vào bàn viết báo Tết và làm thơ sau những sự kiện tưng bừng của phim Cánh đồng bất tận xảy ra trong năm...



Nhiều tờ báo đặt chị viết bài. Nhận lời với ai, chị vẫn lặng lẽ với từng con chữ. Như chị nói "Tôi viết trong nỗi im lặng" khi cho ra đời truyện Cánh đồng bất tận năm nào. Hồi đó, tháng 8-2005, báo Văn nghệ thuộc Hội Nhà văn Việt Nam đã đăng liền bốn kỳ truyện này. Rồi sau đó in sách đọc rồi sách nói, rồi thành kịch, thành phim. Sách thì đã được tái bản 24 lần với hơn 100.000 bản, đã được Giải thưởng Hội Nhà văn Việt Nam và Giải thưởng Văn học ASEAN. Phim thì doanh thu gần 10 tỉ đồng sau hơn ba tuần chiếu ở một số rạp tại vài thành phố lớn. Cơn sốt phim chưa lắng xuống, nhà xuất bản Trẻ lại cho ra đời tập truyện thứ 14 của chị, Khói trời lặng lẽ, mà chỉ sau một tuần phát hành, sách đã được tái bản. Lúc đó, Nguyễn Ngọc Tư lại ngồi xe đò về Sài Gòn dự ra mắt sách, giao lưu, trả lời phỏng vấn...

Thường thì người ta dễ «vui tưng bừng» trong những sự kiện ấy, nhưng với nhà văn Nguyễn Ngọc Tư, dường như chị ngại lắm. Chị nói: «Đi giao lưu thì ngại thật. Thấy người ta đông tôi kinh hãi lắm, nói chẳng ra ngô ra khoai, nhất là phải nói về những chuyện mà mình không quan tâm mấy, như thể chưa từng có trong đầu mình vậy». Trước nhiều lời chúc mừng phim Cánh đồng bất tận thành công là nhờ truyện phim hay, chị nói: «Cho tới bây giờ tôi vẫn thấy mình được chúc mừng nhầm, tôi không vơ lấy doanh thu rực rỡ của phim làm vinh dự của mình được. Từ khi đứa con tinh thần đó ra đời, người ta đã mặc cho nó một cái áo khác, sống với một tinh thần khác».

Cánh đồng bất tận kể chuyện nông thôn, nhưng cả sách, kịch và phim thì chưa được nhiều nông dân thưởng thức. Tôi băn khoăn hỏi chị về chuyện này thì chị nói rõ ràng: «Tôi không nghĩ viết về nông dân là để giới hạn cho người nông dân đọc. Cách nghĩ đó giống như tôi soi gương mỗi ngày và nhìn mặt mình hiện lên trên đó mỗi ngày. Người khác ngắm tôi, nhìn nhận tôi bằng cái nhìn của họ thì thú vị hơn chứ. Một vài cuốn sách mà để anh hiểu người nông dân hơn, để những giới khác quan tâm đến họ hơn, yêu thương họ hơn, với tôi đã là một tham vọng lớn rồi. Cho đến giờ phút này, sao tôi vẫn nghĩ, một cuốn sách với nông dân là xa xỉ».



«Một cuốn sách với nông dân là xa xỉ», chị không nói gì thêm, tôi thấy dường như có cái gì đó xót xa trong lời ấy. Nhưng mà nhân vật của chị trong Khói trời lộng lẫy giờ đây, chủ yếu vẫn là nông dân. Nông dân và nông thôn 5 năm trước trong Cánh đồng bất tận có khác nhiều so với nông dân và nông thôn 5 năm sau trong Khói trời lộng lẫy hay không? Đọc thì tôi thấy có khác, có những nỗi buồn trần thế hơn, có những nỗi đau thiên nhiên hơn. Còn nhà văn Nguyễn Ngọc Tư thì hỏi lại tôi: «Anh muốn hỏi thời gian tồn tại trong tác phẩm hay ngoài đời? Họ là nhân vật của tôi hay họ đang ở ngoài kia? Nếu là họ ngoài kia, thì dĩ nhiên có khác, nhưng chỉ 5 năm thôi, thì cái khác đó không dễ nhận biết đâu».

5 năm ở thời buổi này mà cái khác của nông thôn không dễ nhận biết thì cũng buồn. Dừng câu chuyện nông dân, hỏi chuyện viết blog, chuyện chị chỉ thu nhập từ nhuận bút để nuôi con thì làm sao cho đủ, nhà văn Nguyễn Ngọc Tư từ tốn nói: «Tôi không chơi blog, không chủ ý viết riêng cho nó cái gì. Chỉ là một nơi cất giữ những bài đã đăng báo, và lâu lâu khoe ảnh của con mình. Tôi cũng ít hỏi mình làm sao cho đủ, câu hỏi của tôi là "vầy đã đủ chưa ta?".

«Vầy đã đủ chưa ta?», nó giống như một lời mình tự dặn mình, trong cõi người ta. Và chị làm thơ. Cuối năm, thỉnh thoảng chị gởi bạn những bài thơ mới viết. Bạn xúi, gửi đăng báo Tết đi Tư. Thơ của chị cũng buồn như văn của chị. Trong bài Nuối tóc, có đoạn buồn này:


Rụng hồi Giêng,
Giêng thêm Giêng vẫn rụng
Tóc rời đi như những cuộc tình đi
những người đi
những mùa đi
Bén ngót trên tay tóc nhặt cuối ngày
Cứa xót vào vai từng từng sợi lẻ

Em nối làm dây đã đủ thả diều
Em bện làm mành đủ che thềm gió
Người vẫn còn đâu đó,
phía sau em…


Kể chuyện Nguyễn Ngọc Tư bây giờ, chợt nhớ chuyện giáo sư kinh tế Trần Hữu Dũng sống ở Mỹ, người đã lập hẳn một trang web về truyện của Nguyễn Ngọc Tư từ nhiều năm trước. Hồi đó, sau khi truyện Cánh đồng bất tận ra đời, ông về Cà Mau thăm Nguyễn Ngọc Tư rồi về viết một bài báo, có đoạn như vầy: "Đến Cà Mau, tôi mới thấy sự gắn kết của Nguyễn Ngọc Tư với con người, với đời sống, với đất nước quanh cô. Bối cảnh gia đình cho Nguyễn Ngọc Tư một cái nhìn mà tôi ít thấy ở ai khác. Đó là cái nhìn thật trưởng thành nhưng của một người rất trẻ. Đó là cái nhìn của kẻ đã sống qua máu lửa, chứng kiến lắm đau thương, nhưng với con mắt vô tư của một người sinh ra sau chiến tranh. Đó là cái nhìn của một người chân chất và trầm lặng, hãnh diện đã làm tròn nhiệm vụ đấu tranh cho đất nước, không chút nghi ngờ tương lai của dân tộc, nhưng chẳng có ảo tưởng nào về những mặt bất toàn của hiện tại".

Tết năm đó, nhà văn Nguyễn Ngọc Tư 29 tuổi…