Huỳnh Kim thực hiện
Thứ Sáu, 20/12/2019, 11:11
(TBKTSG) - Ngày 14-12, tỉnh
Bạc Liêu chủ trì lễ ký kết hợp tác phát triển du lịch giữa TPHCM và 13
tỉnh, thành vùng đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) với cam kết Bạc Liêu sẽ
không có sản phẩm du lịch trùng lắp. TBKTSG đã trao đổi với bà Cao Xuân Thu Vân, Giám đốc Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch tỉnh Bạc Liêu, xoay quanh chuyện này.
|
Du khách tham quan cánh đồng điện gió tại Bạc Liêu. Ảnh: Trung Chánh |
TBKTSG: Bà có thể nói rõ hơn về cam kết không có sản phẩm du lịch trùng lắp?
- Bà Cao Xuân Thu Vân: Nếu mình không làm sản phẩm
khác biệt thì du khách không cần đến một vùng đất không thuận lợi về
giao thông như Bạc Liêu và cơ sở lưu trú cũng không cao cấp bằng Cần Thơ
hay Cà Mau. Họ đến Bạc Liêu xong là đi Cà Mau hay Cần Thơ sẽ thích hơn.
Chúng tôi sẽ thổi hồn vào các câu chuyện về những điểm đến của du lịch ở
Bạc Liêu.
TBKTSG: Thổi hồn như thế nào, ví dụ với khu nhà công tử Bạc Liêu?
- Chúng tôi bắt đầu làm nhiều loại hình để du khách hiểu về công tử Bạc
Liêu. Thí dụ kể lại (bằng một vở ca kịch ngắn) chuyện công tử Bạc Liêu
tổ chức thi người đẹp rồi phát giải thưởng cho người đẹp; xé giấy nợ cho
tá điền; chuyện tại sao công tử Bạc Liêu phải nhận thách đố đốt tiền để
nấu chè, và trong cuộc thi đó tại sao công tử Bạc Liêu chấp nhận thua.
Để qua đó thấy được cốt cách của con người vùng đất Nam bộ. Chúng ta
không phải ca ngợi công tử mà muốn nói vùng đất này đã sản sinh ra những
con người này là do điều kiện kinh tế xã hội lúc ấy. Qua đó du khách có
thể hiểu thêm về vùng đất và con người Bạc Liêu bây giờ ra sao.
TBKTSG: Còn với nhạc sĩ Cao Văn Lầu và bài Dạ cổ hoài lang?
- Qua câu chuyện nhạc sĩ Cao Văn Lầu và bài Dạ cổ hoài lang, chúng tôi muốn làm rõ đờn ca tài tử là đờn ca tài tử, Dạ cổ hoài lang với vọng cổ là khác với đờn ca tài tử. Và vọng cổ cũng khác với cải lương. Vọng cổ chỉ là bài ca vua trong sân khấu cải lương.
Mỗi một tuồng cải lương muốn hay là phải người hát vọng cổ hay. Như vậy
thì ba loại hình này khác biệt. Du khách đến Bạc Liêu trải nghiệm ba
loại hình này ở ba không gian hoàn toàn khác nhau. 21 tỉnh thành phía
Nam có di sản đờn ca tài tử nhưng chỉ có Bạc Liêu có Dạ cổ hoài lang, không có vọng cổ.
Chuyện ông Cao Văn Lầu viết bài Dạ cổ hoài lang thì không
nhiều người biết là bài này có bao nhiêu người góp sức để làm cho nó
thay da đổi thịt, góp phần phát triển thành vọng cổ để đóng góp vào sự
phát triển của sân khấu cải lương.
Hiểu được bài Dạ cổ hoài lang mới làm được câu chuyện kể thông
qua nghệ thuật để phục vụ du khách. Câu chuyện từ cái riêng của ông Cao
Văn Lầu, nỗi niềm của ông Cao Văn Lầu là từ cuộc tình của ổng, ổng làm
ra bài này nhưng hòa vào cái nỗi đau chung của dân tộc lúc bấy giờ. Đồng
thời do nhiều người cảm được bài này nên mới thay đổi nhịp từ nhịp đôi
lên tới nhịp 32-64 nhưng nó vẫn trụ lại, vẫn giữ được giá trị cho tới
giờ đúng 100 năm bài Dạ cổ hoài lang ra đời.
TBKTSG: Bạc Liêu cũng có một sản phẩm lạ là đồng hồ đá?
|
Bà Cao Xuân Thu Vân - Giám đốc Sở VH-TT&DL tỉnh Bạc Liêu. Ảnh: Huỳnh Kim |
- Cái đồng hồ đá này theo tôi hiểu cả nước mình chỉ có một cái ở Bạc
Liêu. Nó ra đời từ đầu thế kỷ 20, của nhà bác vật Lưu Văn Lang quê ở
Đồng Tháp làm tặng cho Dinh tỉnh trưởng Bạc Liêu, nằm ngay trung tâm
thành phố Bạc Liêu bây giờ. Chúng tôi cũng thổi hồn vào câu chuyện đó,
kể về nhà bác vật đó. Bạc Liêu đã giữ gìn được cái đồng hồ đá này còn
nguyên như xưa.
Mặc dù biến đổi khí hậu đang diễn ra nhưng không hiểu sao cái đồng hồ
đá này khi mặt trời lên nó vẫn chỉ giờ chính xác. Du khách sẽ nghe kể
chuyện về nó, về người làm ra nó là người Đồng Tháp và thành danh tại
Bạc Liêu, cũng như ông Cao Văn Lầu từ Long An xuống và thành danh ở Bạc
Liêu.
TBKTSG: Với những nơi làm kinh tế thì Bạc Liêu “thổi hồn du lịch” ra sao?
- Ngoài việc khai thác văn hóa bản địa của vùng đất, con người, ngày
nay chúng ta cần khai thác du lịch từ các cơ sơ kinh tế độc đáo. Ở Bạc
Liêu có khu sản xuất tôm công nghệ cao Việt - Úc lớn nhất nước và khu
điện gió ngoài biển.
Có thể thổi hồn vào việc sản xuất con tôm bằng cách để cho du khách
trải nghiệm. Đơn vị sản xuất sẽ nghiên cứu cho du khách được tương tác
với quy trình sản xuất tôm thông qua hiệu ứng của công nghệ cao hoặc
trực tiếp từ một mô hình nhỏ. Qua đó, du khách có thể hiểu khái lược về
quy trình sản xuất tôm công nghệ cao, từ quy trình nuôi tôm bố mẹ đẻ ra
tôm con cho tới lúc trưởng thành.
Còn về điện gió thì không ai xây dựng cánh đồng điện gió để làm du lịch
mà người ta đang làm kinh tế, làm ra điện sạch. Nhưng chúng tôi sẽ thổi
hồn du lịch vào đó. Sẽ kể lại chuyện phải vượt qua bao nhiêu khó khăn
gian khổ để dựng được cây điện gió khổng lồ đầu tiên cao cả trăm mét
trên biển.
Khi cái cây đó đã hoàn thành rồi mới nhân rộng ra hơn 60 cây nữa thành
một cánh đồng điện gió. Mình muốn du khách hiểu giá trị của cây điện
gió, giá trị của khát vọng muốn làm ra điện sạch từ sức gió của vùng
biển Bạc Liêu. Chớ không phải chỉ đến coi cây điện gió cho vui, chụp
hình với nó rồi về.
TBKTSG: Còn với văn hóa và ẩm thực?
- Ba dân tộc Kinh - Hoa - Khmer thì ở Nam bộ nhiều tỉnh, thành đều có
nhưng ở Bạc Liêu rất đặc biệt. Nó giao thoa bắt đầu từ bữa ăn. Chúng tôi
thổi hồn vô bữa ăn với ba món của người Kinh - Hoa - Khmer, thí dụ canh
chua là của người Khmer, cá kho là của người Kinh, món xào là của người
Hoa. Ba món ăn trên bàn đã thể hiện điều này.
Thứ hai là văn hóa, nó giao thoa rất rõ nét. Lễ hội của bất kỳ dân tộc
nào thì các dân tộc kia cũng xem như lễ hội của mình. Chúng tôi đã phục
dựng xong một chương trình lễ hội trên sân khấu. Lễ hội Kỳ Yên gốc của
người Hoa, lễ hội Ok Om Bok mừng lúa mới của người Khmer, và chúng tôi
làm thêm lễ hội Dạ cổ hoài lang của người Kinh.
TBKTSG: Theo bà, ai sẽ làm những chuyện này?
- Đầu tư cho du lịch là đầu tư tiền tỉ tỉ nhưng lượm bạc cắc. Tuy nhiên
chúng ta thu lợi được nhiều nhất là làm cho du khách hiểu được giá trị
về mình và mình cũng hiểu về họ để cùng nhau phát triển đi lên. Bạc Liêu
mong muốn mặc dù mình không có nhiều tài nguyên nhưng sẽ đóng góp vào
bản đồ du lịch ĐBSCL và Việt Nam vài sản phẩm khác biệt để Bạc Liêu có
thể là điểm đến du lịch hấp dẫn theo chính nguồn lực của mình mà du
khách có thể chấp nhận.
Nhưng
tất cả những việc này phải có 5 người làm. Thứ nhứt là những người quản
lý nhà nước như chúng tôi, chính quyền địa phương phải làm. Làm cái gì
mình phải nói rõ cái ý của mình, cái quy hoạch của mình. Thứ hai là ông
chủ điểm du lịch; ổng phải làm sản phẩm để bán chớ không phải làm để
thỏa mãn ổng.
Thứ ba là các doanh nghiệp, gồm doanh nghiệp lữ hành, doanh nghiệp lưu
trú, doanh nghiệp dịch vụ phải kết nối với nhau để tạo ra sản phẩm và
phải đoàn kết với nhau. Thứ tư là người dân, người dân phải nghĩ rằng
đây là việc của mình. Và người thứ năm là du khách, họ cùng làm nên sản
phẩm du lịch.
Tôi trăn trở một điều là các ngành các cấp từ cấp cơ sở phải biết làm
du lịch, nhưng không phải làm theo kiểu hô hào mà phải đưa ra sản phẩm.
Tóm lại là mọi người phải biết làm và phải có nhạc trưởng chỉ huy; dàn
nhạc này là công cụ của chính quyền, về quy hoạch, định hướng cơ chế,
chính sách về đất đai, thuế...
Và phải liên kết vùng. Chúng tôi sẽ cố gắng liên kết cùng với TPHCM và
12 tỉnh, thành ĐBSCL khác. Để cho doanh nghiệp Bạc Liêu gặp được doanh
nghiệp các tỉnh đồng bằng và doanh nghiệp TPHCM, với nguồn lực rất lớn,
sẽ về với đồng bằng để cùng đi, cùng phát triển hướng ra thế giới chớ
không phải chỉ tranh giành trong nội bộ mình.
Đã đăng trên TBKTSG Online