Thứ Sáu, 12 tháng 7, 2013

Bông điên điển


Gởi tặng Long & Trinh câu chuyện có thật bên dưới, trong mùa lũ lụt năm 2000.




Một ổ rơm loi thoi nối với cái chái nhà lá bằng một chiếc xuồng, giữa bộn bề sóng nước Tịnh Biên, An Giang. Một đám điên điển còi cọc lơ thơ bông vàng cách ổ rơm cũng độ một chiếc xuồng. Cái gò cao nhất, cái “giang sơn tránh lũ” của ba chị em, lúc ba mẹ đi giăng câu ngoài đồng. Con chị chừng mười ba tuổi, mặc cái áo cổ lá sen, cái quần đen sủng nước, ánh mắt sáng mà buồn; hai đứa em trai nhỏ hơn chị độ bốn, năm tuổi, tóc vàng hoe, thằng anh ở trần, thằng em cười cái miệng có duyên giống chị.



Bữa nay trời êm gió, từ sáng tới giờ ba chị em phát hiện trong ổ rơm có hai chú chuột chạy lũ, ba đứa chơi trò mèo bắt chuột. Mỗi đứa một góc ổ rơm, cứ rình chờ con chuột nào trốn bên kia hổng xong chạy ra bên này là túm đuôi. Chuột cứ chui ra chui vào ổ rơm. Ba chị em cứ làm mèo vờn chuột. Ổ rơm muốn sụm xuống luôn. Hết thảy mệt đừ, hai con chuột bò hết nổi mà hai thằng em không tha. Tự nhiên con chị sợ hai chú chuột chết, không cho em chơi nữa. Bèn rủ em đẩy xuồng ra hái bông điên điển.





Cụm điên điển giờ chỉ còn mươi nhánh bông vàng vừa nở. Bữa nào cũng hái, làm sao bông kịp trổ cho đầy. Hai đứa em trai, đứa móc xuồng, đứa níu bông cho chị hái. Chẳng bao lâu mà cũng lưng rổ. Tự nhiên con chị thấy tiếc mấy nhánh non, rung rinh những cánh bông vàng trong nắng như đàn bướm nhỏ đang bay. Nó nhớ cô giáo thích mặc áo vàng lên lớp. Mà nó cũng thích màu vàng như cô giáo lớp năm. Nó nheo mắt nhìn xa xăm qua bên kia cánh đồng trắng nước, chỗ cái xóm đó, trường của nó cũng đang ngâm mình trong lũ cả tháng nay rồi. Anh mắt nó bỗng sáng lên rồi lại buồn hiu hắt.
“Thôi đừng hái nữa bé Tư! Để đó mai nó trổ tiếp. Ba má sắp về rồi!”. Con chị can thằng em út chực bẻ nốt cái nhánh bông điên điển vàng tươi như cánh bướm vàng. ■




Thứ Tư, 10 tháng 7, 2013

Quê nhà và bạn bè


Ngoại trừ số phận nghiệt ngã, ai cũng có quê nhà và bạn bè ở trong lòng, có khi suốt cả đời. Đôi khi một mình, cô đơn, cũng có hình hài bè bạn, quê hương trong những cơn độc thoại. Người bình thường đã vậy, nhà văn, qua thanh lọc tâm hồn, như kiểu kể chuyện của nhà văn Nguyễn Quang Sáng, chuyện đó đôi khi trở thành độc đáo.



Năm 1976, nhà văn Nguyễn Quang Sáng đưa đoàn làm phim về làng Mỹ Luông (Chợ Mới, An Giang), quê ông, để quay bộ phim “Mùa gió chướng” do ông chuyển thể từ tiểu thuyết cùng tên của chính mình. Ông kể: “Có lẽ vui nhứt và ấn tượng mạnh nhứt là đoàn phim “Mùa gió chướng” trở về làng. Trước khi bộ phim ra mắt khán giả thành phố, phim chiếu cho dân làng xem, gọi là đền ơn đáp nghĩa. Người xếp lớp lớp trên cánh đồng vừa gặt, nưng nức mùi rơm. Cảnh làng, con sông đó, lục bình trôi lên trôi xuống, nhà sàn có cả trăm năm bên nhà thờ, con đường, rặng cây, ai mà chẳng thấy, chẳng đi, chẳng biết nhưng khi hiện lên màn ảnh thì đẹp lạ lùng, vừa quen vừa lạ, dù là phim đen trắng, nhưng lại rực rỡ sắc màu. Mỗi cảnh, mỗi vỗ tay, tiếng vỗ tay vừa dứt lại rộ lên. Không ai đè nổi cảm xúc khi thấy dân làng trong vai quần chúng, dù chỉ thoáng qua. Có người không được quay trước mặt, chỉ quay từ phía sau, người đóng vẫn nhận ra mình. “Đó, đó. Tao đó”. “Đâu, đâu, sao không thấy”. “Cái lưng, cái đít của tao đó”... Đêm ấy, có nhà tắt đèn, nhưng chủ nhà vẫn ngồi lai rai với đoàn phim, vui tới sáng”.

Và đây là đoạn chót của câu chuyện “Nhà văn về làng”; cái tình quê, tình người qua cốt cách của một người già (khi kể lại chuyện này, năm 2002, ông đã 70 tuổi): “Người bạn hàng xóm cùng lứa tuổi hỏi: “Sáng, mày tuổi gì?”. “Tân Mùi”. “Con dê”. “Ừ”. Hai tay nó đánh chát một cái: “Đúng rồi!”. Tôi hỏi: “Đúng cái gì?”. Mắt nó bỗng sáng lên: “Mày không phải tá, không phải tướng là phải rồi. Tuổi con dê của mày chỉ làm nghệ sĩ thôi”.

“Nghe, tôi chợt nghĩ đến một số văn nghệ sĩ cùng có tuổi Mùi, nhạc sĩ Hoàng Hiệp, nhà thơ Phùng Quán cùng Tân Mùi với tôi. Nhạc sĩ Trần Long Ẩn cũng tuổi Mùi, nhưng là Kỷ Mùi, nhỏ hơn tôi. Nhưng tôi có một người bạn, thiếu tướng Phạm Chuyên tuổi Kỷ Mùi và còn nhiều nữa, nói chung không hẳn là vậy, nhưng tôi không tranh luận, coi như suy đoán của bạn là đúng, cho nó sướng.

“Năm nay, nước rút, tôi về làng, gió chướng cũng về. Gió không chỉ lao xao trong lá mà còn thổi là đà dài theo mặt đất, ngọn gió thổi khô những sình lầy khi con nước trở về sông. Người bạn tôi nói: “Mày về đúng lúc quá!”. Tôi chưa hiểu đúng lúc là lúc gì, dịp gì thì nó nói: “Con dê thì ăn lá so đũa, người thì phải ăn bông so đũa. Ở thành phố có ăn bông so đũa không?”. “Làm gì có mà ăn”. “Có nhớ có thèm không?”. “Thèm chớ sao không thèm”. “Nhìn ra coi”. Tôi nhìn ra, hàng so đũa bên đường đang mùa bông, bông so đũa trắng ngần đong đưa theo gió”.

Quê nhà của nhà văn Nguyễn Quang Sáng mộc mạc, tự nhiên như vậy đó mà sao nó như đang chạm tới đáy lòng. Là nhà văn, ông có nhiều người bạn văn nghệ mà ông chơi thân và quý trọng. Và khi viết về họ, với đầy ắp những chi tiết sống động, cả về phẩm cách, tài năng và thói tật cùng lối kể chuyện hóm hỉnh rặt phong cách nông dân Nam bộ, ông đã vẽ chân dung bạn bè gần gũi từ những con người nổi tiếng như nhạc sĩ Trịnh Công Sơn, nhà thơ Bùi Giáng, nhà thơ Nguyễn Duy, nhà văn Nguyễn Tuân, nhà thơ Lê Giang, nhà thơ Thu Bồn, đạo diễn Nguyễn Ngọc Bạch, đạo diễn Hồng Sến, nhạc sĩ Hoàng Hiệp, nhạc sĩ Hoàng Việt, nhạc sĩ Xuân Hồng, nhà văn Sơn Nam, nhà văn Lê Vĩnh Hòa, nhà văn Nguyễn Đình Thi…

Như chuyện Nguyễn Quang Sáng viết “Mùa gió chướng” khi còn ở Hà Nội và đã chọn bài hát phản chiến “Đại bác ru đêm” của Trịnh Công Sơn khi ấy đang ở Sài Gòn, đưa vào tiểu thuyết này: “Đại bác đêm đêm dội về thành phố, người phu quét đường dừng chổi đứng nghe… Suốt một năm trời ở chiến trường đồng nước của Tháp Mười, đêm nào tôi cũng nghe tiếng đạn đại bác. Đạn đại bác mà nổ ngay mình, mình phải lặn xuống nước, không thể gọi là ru được. Nhưng đại bác nổ ở một nơi xa thì đúng là như ru, ru đêm. Một năm - 6.1966 - 9.1967, trên đồng nước, đêm nào tôi cũng nghe đại bác ru đêm”. Thế rồi hai người đã thành bạn thân chỉ vài tháng sau ngày 30.4.1975: “Tôi mang quyển “Mùa gió chướng” lật ngay trang có ca khúc “Đại bác ru đêm” trang 281, ký tặng Sơn. Trịnh Công Sơn, đưa tay sửa kính, ngước nhìn tôi, lặng đi một hồi lâu rồi bất thần đứng dậy, đưa tay bắt tay tôi rất trịnh trọng. Sau này “Mùa gió chướng” chuyển thành phim. Đoàn làm phim đã công phu tìm được cái băng có bài “Đại bác ru đêm” qua giọng hát của Khánh Ly trong tiếng đàn guitar của Trịnh Công Sơn”…

Tình bạn ấy, không chỉ là chuyện của hai người, nó còn là tình tự quê hương. Và NXB Văn nghệ, vào năm 2008, đã tập hợp những câu chuyện này, in thành tập bút ký của nhà văn Nguyễn Quang Sáng, mang tên “Nhà văn về làng”. ■

Bài đã đăng trên báo Thanh Niên:
http://www.thanhnien.com.vn/pages/20130709/que-nha-va-ban-be.aspx