Chủ Nhật, 27 tháng 11, 2022

Ba điểm mới tại diễn đàn Mekong Connect 2022

Huỳnh Kim

24/11/2022

(SGTT) – Diễn đàn Mekong Connect năm nay diễn ra tại Cần Thơ trong hai ngày 23 và 24-11, có ba điểm mới so với các diễn đàn trước.
Tại một phiên thảo luận của Mekong Connect sáng ngày 24-11-2022. Ảnh: Ngọc Bích.

Diễn đàn năm nay vẫn do các tỉnh, thành trong Mạng lưới liên kết ABCD Mekong (An Giang – Bến Tre – TP Cần Thơ – Đồng Tháp), TPHCM và Hội Doanh nghiệp Hàng Việt Nam chất lượng cao (Hội DN HVNCLC) tổ chức. Tuy vậy, theo ban tổ chức, có ba điểm mới.

Một là, diễn đàn diễn ra khi đã có những nghị quyết, quyết định về phương hướng phát triển mới, quy hoạch tích hợp cho Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL). Đây là nền tảng để Mekong Connect 2022 đưa ra những chương trình liên kết, tích hợp cụ thể.

Thứ hai, với sự phát triển khá mạnh của hoạt động khởi nghiệp nông nghiệp trong nước, Mekong Connect 2022 dành hai ngày cho “Ngày hội khởi nghiệp” và “Phiên chợ khởi nghiệp xanh”. Đây là không gian giúp doanh nghiệp khởi nghiệp giao lưu chia sẻ kinh nghiệm, tìm kiếm cơ hội phát triển thị trường, nhất là về tiếp thị, phân phối sản phẩm.

Điểm mới thứ ba, diễn đàn quan tâm hơn tới “phát triển bền vững”, trong đó chuyển đổi số là yếu tố hết sức quan trọng để thúc đẩy đổi mới nông nghiệp.

Các đại biểu chụp ảnh lưu niệm trước gian hàng TPHCM tại Mekong Connect 2022. Ảnh: Ngọc Bích
Hiện giữa các tỉnh, thành trong mạng lưới ABCD Mekong và TPHCM đã có nhiều liên kết về kinh tế, y tế, giáo dục, du lịch; đã có đường giao thông kết nối các cửa khẩu, các cảng dọc sông Hậu; có những công trình hợp tác giữa TPHCM với các tỉnh ĐBSCL trong việc chọn vùng nguyên liệu xây dựng chuỗi giá trị. TPHCM và ĐBSCL cũng đã hợp tác về thương mại điện tử, chế biến.

Theo bà Vũ Kim Hạnh, Chủ tịch Hội DN HVNCLC, để việc liên kết không nằm trên chủ trương, trên giấy mà là bằng hành động, Mekong Connect năm nay bàn về một loạt nội dung như nâng chất liên kết – tích hợp, khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo từ cuộc chuyển đổi số, viện trường và nguồn nhân lực cho kinh tế nông nghiệp, kinh tế biên mậu, Kinh tế tuần hoàn, xây dựng vùng nguyên liệu bền vững và chú trọng chế biến nâng cao giá trị gia tăng cho nông sản.

Những nội dung này nhằm giúp đưa kinh tế của địa phương và cả vùng bứt phá trong giai đoạn mới sau đại dịch Covid-19, theo tinh thần các nghị quyết của Đảng và Nhà nước mà trọng tâm là quy hoạch tích hợp vùng ĐBSCL 2021 – 2030, tầm nhìn 2050.

Riêng với thành phố Cần Thơ, theo bà Nguyễn Thị Kiều Duyên, Giám đốc Trung tâm Xúc tiến Đầu tư Thương mại và Hội chợ triển lãm Cần Thơ (CPA), đơn vị đồng tổ chức, thì CPA mong muốn Mekong Connect 2022 kết nối thêm được nhiều hoạt động hỗ trợ cho doanh nghiệp ở thành phố Cần Thơ cũng như doanh nghiệp vùng ĐBSCL.

Cụ thể hơn, CPA tiếp thu, ghi nhận những ý kiến đóng góp, tư vấn, khuyến nghị của các chuyên gia, nhà nghiên cứu, doanh nghiệp trong việc giúp Cần Thơ thành lập Trung tâm liên kết, sản xuất, chế biến, tiêu thụ nông sản vùng ĐBSCL theo Nghị quyết số 45/2022/QH15 của Quốc hội dành cho cơ chế đặc thù của thành phố Cần Thơ. Sau Mekong Connect 2022, hy vọng trung tâm này sẽ sớm hình thành.

Đã đăng trên: Saigon Tiếp thị

https://www.sgtiepthi.vn/ba-diem-moi-tai-dien-dan-mekong-connect-2022/

Nghĩa tình miền Tây

Huỳnh Kim

21/11/2022 - 13:26

Sách “Nghĩa tình miền Tây” (nhiều tác giả) vừa được Báo Thanh Niên và NXB Hồng Đức ấn hành. Sách dày 480 trang, giá 175.000 đồng. Đây là kết quả sau 4 tháng mở cuộc thi viết, đồng thời cũng là chuyên mục “Nghĩa tình miền Tây” trên Báo Thanh Niên.

Ông Lê Quốc Phong, Bí thư Tỉnh ủy tỉnh Đồng Tháp (trái), trao giải nhất cho tác giả Lê Hồng Xương (TP Hồ Chí Minh).

Tại lễ trao giải cuộc thi viết và ra mắt sách “Nghĩa tình miền Tây” hôm 18-11-2022 ở Đồng Tháp, nhà báo Nguyễn Ngọc Toàn, Tổng Biên tập Báo Thanh Niên, cho biết, trong 4 tháng ấy, chuyên mục này trên Báo Thanh Niên được xem như “cuốn nhật ký đẫm màu hoài niệm, đầy cung bậc cảm xúc của các tác giả trên mọi miền đất nước và cả người Việt đang học tập, sinh sống ở nước ngoài, về tình đất và người miền Tây”. 

Ngoài các tản văn, tùy bút, ghi chép, sách còn có các bài chính luận, gồm nhiều đề xuất, kiến nghị, hiến kế xây dựng và phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội các tỉnh miền Tây để hưởng ứng Nghị quyết số 13-NQ/TW ngày 2-4-2022 của Bộ Chính trị khóa XIII về Phương hướng phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng ĐBSCL đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.

Là giám khảo của hạng mục tản văn, tùy bút, ghi chép, nhà văn Nguyễn Ngọc Tư nhận xét: “Một chủ đề tưởng dễ, lại khó. Bởi thứ tình cảm không thể nói khơi khơi tôi yêu lắm tôi thương lắm, mà phải đặc tả vào con người, vào chi tiết, vào hành động. Dễ lẩy ra được những thứ mang tính biểu tượng của một vùng đất vốn nức tiếng thơm thảo rộng lòng, nhưng khó tìm góc nhìn lạ, thấu đáo. Vụng về một chút sẽ đi vào lối mòn khi viết hoặc nói về miền Tây, về những con người khoáng đạt cho đi mà không tiếc gì, về những vùng đất trù phú, cưu mang hết thảy phận đời, không phân biệt. Nhiều chi tiết trong tập sách này bạn đọc sẽ có cảm giác chúng đang lặp lại, cả những kỷ niệm riêng tư của từng người đối với miền Tây lại hao hao nhau, những cho - nhận lúc lận đận, ngặt nghèo... Nhưng biết làm sao được, bởi cá tính miền Tây xưa nay không giấu gì cho riêng mình, vui buồn, yêu ghét hay tốt xấu đều phơi bày ra hết, viết hay nói về đất chỉ có mỗi cách viền đi viền lại, tô đậm thêm hai chữ nghĩa tình”.

Còn với nhà báo Trần Hoàng Tuyên, Phó Giám đốc Trung tâm BSA - Trưởng đại diện Tạp chí Thế giới hội nhập tại ĐBSCL, giám khảo của cả hai hạng mục cuộc thi, thì hơn 200 tác phẩm dự thi với 90 tác phẩm in sách, là “những bài viết máu thịt với đồng bằng”. Anh viết trong “Lời nói đầu” tập sách: “”Nghĩa tình miền Tây” là cơ hội để gợi lại, nhắc nhau, đánh thức và cùng hành động vì một tương lai bình yên, sự phát triển bền vững. Bằng những kiến thức, mối quan tâm và cách kiến giải, chúng ta có được những bài viết máu thịt với đồng bằng. Trước hết, là sự đồng cảm về một vùng đất chịu nhiều rủi ro nhất do biến đổi khí hậu và sức ép từ thượng nguồn. Thứ đến là tìm một lời giải tâm huyết gắn mình với những số phận yếu thế hơn. Sau cùng, “Nghĩa tình miền Tây” là cách nói thay lời cho những tấm lòng bao dung - làm giỏi hơn nói”.

Kết quả cuộc thi viết “Nghĩa tình miền Tây”

Bìa sách “Nghĩa tình miền Tây”.

 
Ở hạng mục tản văn, tùy bút, ghi chép, Ban tổ chức trao 1 giải Nhất cho “Đình ông Nguyễn…” của tác giả Nguyễn Chí Ngoan (Kiên Giang). Hạng mục còn có 1 giải Nhì, 2 giải Ba, 6 giải Khuyến khích. 

Ở hạng mục chính luận - tác phẩm đề xuất, kiến nghị, hiến kế xây dựng và phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội các tỉnh miền Tây; đoạt giải Nhất là bài “Định vị thành phố đảo động lực trên hành lang phát triển Tây Nam bộ”, tác giả Lê Hồng Xương (TP Hồ Chí Minh). Bên cạnh đó là 1 giải Nhì, 2 giải Ba, 5 giải Khuyến khích.

Ngoài ra, còn có giải phụ: Bài viết được yêu thích nhất (căn cứ lượt xem và like trên thanhnien.vn) thuộc về “Cần Thơ không cô đơn”, tác giả Phan Hoàng Vinh (Cần Thơ); Bài viết hay nhất về quê hương Đồng Tháp Mười là “Thả dớn đón cá linh non”, tác giả Lê Nữ Kim Cương (TP Hồ Chí Minh).

Đã đăng trên: Cần Thơ Online

https://baocantho.com.vn/nghia-tinh-mien-tay-a153470.html

Bàn tiếp chuyện làm lúa ở ĐBSCL

Huỳnh Kim

21/11/2022 - 09:34

Tại Hội thảo "Phát triển ĐBSCL, giải pháp từ cây lúa" do báo Thanh Niên phối hợp với UBND tỉnh Đồng Tháp tổ chức hôm 18-11-2022, nhiều đại biểu đã bàn tiếp câu chuyện, phải chuyển từ tư duy sản xuất sang tư duy kinh tế để bảo đảm nâng giá trị lúa gạo góp phần phát triển bền vững ĐBSCL.

Nông dân Hậu Giang thu hoạch lúa.
 

Trong phát biểu ghi hình gửi hội thảo, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) Lê Minh Hoan cho rằng nhiều năm nay, ngành lúa gạo chạy theo tư duy sản xuất, lấy sản lượng làm mục tiêu và làm mọi cách để tăng sản lượng nhưng vẫn không giúp tăng thu nhập, thậm chí là ngược lại.

Dẫn hình ảnh "Think rice - Think Thailand" tại một hội chợ ở Thái Lan, ông Hoan nói, người Thái đã tiếp cận tư duy khác đối với ngành hàng lúa gạo trong khi chúng ta đang tiếp cận ở tư duy sản lượng. "Tôi nói lại một lần nữa là chúng ta phải chuyển từ tư duy sản xuất nông nghiệp sang tư duy kinh tế nông nghiệp, đó là chiến lược phát triển nông nghiệp nông thôn", Bộ trưởng Lê Minh Hoan nhấn mạnh.

Ông cũng nhắc lại lời một lão nông ở Đồng Tháp nhắn gửi trước khi ông nhận nhiệm vụ Bộ trưởng Bộ NN-PTNT, là "Nếu lúa có giá, thì nông dân chúng tôi sẵn sàng ra ngoài đồng để giăng mùng, để ngủ giữ lúa cho Chính phủ, để làm an ninh lương thực. Còn nếu lúa không có giá, thu nhập của người trồng lúa không sống nổi thì chúng tôi sẽ bỏ ruộng, lúc đó mới là vấn đề đối với an ninh lương thực".

Theo ông Hoan, nông nghiệp ĐBSCL không phải một loại nông sản để buôn chuyến, mà đã trở thành một chuỗi ngành hàng kinh tế. Bởi vì đến lúc, sản lượng sẽ nhỏ lại, diện tích sẽ giảm nhưng phải tăng về chất và về giá trị.

"Mục tiêu của chúng ta nằm ở chỗ đó. Chúng ta phải tổ chức lại một hệ sinh thái ngành hàng, có sự tham gia đầy đủ từ các nhà khoa học, các viện, các trường, các hợp tác xã tới người nông dân rồi chính quyền địa phương vào cuộc. Đó là một chuỗi để nâng hình ảnh của ngành lúa gạo lên, nâng thương hiệu của lúa gạo ĐBSCL lên, nâng cái chuỗi giá trị lên. Tôi tin rằng chúng ta làm được", Bộ trưởng Lê Minh Hoan nói.

Ông Lê Quốc Phong, Bí thư Tỉnh ủy Tỉnh Đồng Tháp, cho rằng với vị thế của một vùng đất nông nghiệp, vựa lúa lớn nhất nước, ĐBSCL kỳ vọng chờ đón nhiều chính sách, giải pháp để bứt phá, phát triển. Dẫn Báo cáo Kinh tế thường niên vùng ĐBSCL mới được công bố, ông Lê Quốc Phong cho biết, điểm sáng nhất năm 2021 là nông nghiệp ĐBSCL vẫn tăng trưởng 3,4%; xuất khẩu nông sản, thủy sản đóng vai trò then chốt trong việc duy trì thặng dư thương mại của Việt Nam.

Tuy vậy, theo Bí thư tỉnh Đồng Tháp, thu nhập của nông dân trồng lúa chưa ổn định và vẫn còn thấp so với các loại nông sản khác. Những bất ổn liên quan nguyên liệu đầu vào, chi phí tăng, thị trường không ổn định, giá bán thấp tiếp tục đe dọa đến thu nhập của nông dân.

Về giải pháp, ông Lê Quốc Phong đề cập đến báo cáo "Hướng tới chuyển đổi Nông nghiệp Xanh ở Việt Nam: Chuyển sang mô hình lúa gạo carbon thấp" của Ngân hàng Thế giới công bố hôm 24-9-2022. Theo đó, việc chuyển sang cách trồng lúa giảm phát thải là giải pháp tiềm năng để tối ưu hóa việc sử dụng giống, phân bón, thuốc trừ sâu, giúp giảm chi phí đầu vào từ 20 - 30% và tăng sản lượng từ 5-10. Qua đó lợi nhuận ròng tăng khoảng 25%, đạt mục tiêu cắt giảm 30% sản lượng khí mê-tan vào năm 2030, tăng khả năng cạnh tranh của gạo xuất khẩu.

Theo ông Dương Tấn Hiển, Phó Chủ tịch UBND TP Cần Thơ, giá thành sản xuất lúa ở Cần Thơ bình quân mỗi vụ từ 3.500 - 4.100 đồng/kg. Giá vật tư đang tăng cao nên lợi nhuận trồng lúa của nông dân giảm mạnh. Cần Thơ có 136 -140 mô hình cánh đồng lớn, tổng diện tích gần 35.000 ha và gần 25.000 hộ tham gia, trong đó 40% diện tích được bao tiêu sản phẩm với giá cao hơn thị trường từ 50 - 150 đồng/kg.

Phụ phẩm lúa gạo như rơm rạ, tấm, cám… ở Cần Thơ hàng năm có khoảng 1,3 triệu tấn nhưng mới có 40% diện tích được thu gom trồng nấm rơm, chăn nuôi, làm phân bón hữu cơ. Mỗi năm, bà con thu nhập thêm từ nguồn bán rơm được gần 1 triệu đồng/ha. Theo ông Hiển, nhìn chung tình hình trồng lúa ở Cần Thơ  có tăng trưởng nhưng chưa ổn định bền vững, thu nhập người trồng lúa chưa cao do nhiều yếu tố chủ quan, đặc biệt biến đổi khí hậu, giá vật tư xăng dầu tăng cao, nông dân không tha thiết với ruộng lúa.

"Cần chuyển đổi vùng trồng lúa kém hiệu quả sang trồng cây, vật nuôi khác; thúc đẩy tích tụ ruộng đất, tăng quy mô cho chủ thể sản xuất để tạo điều kiện cơ giới hóa, sản xuất hàng hóa lớn, áp dụng khoa học công nghệ và chuyển đổi số để tăng năng suất lao động", ông Dương Tấn Hiển đề xuất.

GS.TS Võ Tòng Xuân, chuyên gia kinh tế nông nghiệp, cho rằng từ năm 1989 đến nay, nông dân trồng lúa đã giúp cho Việt Nam vào vị trí top 3 quốc gia xuất khẩu gạo nhiều nhất thế giới. Thế nhưng người trồng lúa vẫn chưa làm giàu được do chạy theo sản lượng bằng việc sử dụng quá nhiều hóa chất, giá thành cao, chất lượng thấp, vừa phí phạm nước tưới. Cây lúa nước ta phải sống chung với biến đổi khí hậu, vừa làm nhiệm vụ chính trị bảo đảm an ninh lương thực vừa làm nhiệm vụ kinh tế cho xã hội. Trong khi đó, một số ít nông dân đã làm giàu nhờ chuyển sang sản xuất cây con khác không phải cây lúa.

Giải pháp, theo GS Võ Tòng Xuân, Nhà nước cần quy hoạch lại ba vùng sản xuất lúa theo hướng phù hợp và bền vững ờ ĐBSCL. Ở vùng đất phù sa cổ xen lẫn đất phèn sâu, quanh năm có nước ngọt, không có nước mặn xâm nhập, hệ thống thủy lợi đã được trang bị đầy đủ thì có thể áp dụng kỹ thuật canh tác an toàn thực phẩm chất lượng cao, chủ yếu sử dụng giống lúa ngắn ngày năng suất cao, hạt dài, trung bình, hoặc tròn tùy theo nhu cầu của khách hàng. Với vùng trũng, phù sa có phèn, hàng năm bị ngập lũ trong mùa mưa và thủy triều, khô hạn trong mùa nắng đang sản xuất 3 vụ lúa/năm trong các vùng đê bao ngăn lũ có đầy đủ hệ thống thủy lợi, thì hướng tới sẽ giảm diện tích lúa. Còn với vùng ven biển thì đây là vùng sản xuất bền vững nhất. Phải quy hoạch để trồng lúa chất lượng cao xen nuôi tôm càng xanh trong mùa mưa và nuôi thủy sản nước lợ, nước mặn trong mùa nắng.

Còn theo TS Võ Hùng Dũng, nguyên Giám đốc VCCI Cần Thơ, không thể trông chờ tăng giá lúa vì Việt Nam là quốc gia xuất khẩu gạo, tùy tiện nâng giá bán sẽ ảnh hưởng tới cạnh tranh. Có thể cải thiện bằng nhiều giải pháp, trong đó, cần giúp người nông dân được định giá tài sản cao hơn. Dẫn bài học những nơi có tốc độ phát triển kinh tế mạnh ở ĐBSCL như Long An, An Giang, Đồng Tháp, Tiền Giang, Cần Thơ, ông Dũng nói: "Một khi có thể thu hút đầu tư, chuyển đổi mục đích đất trồng lúa và kết hợp chuỗi ngành hàng lớn thì tài sản của người dân có thể tăng lên".

Thu hút đầu tư như thế nào, theo ông Dũng, phải làm từ cả bên ngoài và bên trong. Với nguồn lực đầu tư từ bên ngoài, cần cải thiện hạ tầng giao thông, logistics; nguồn lực từ bên trong cần nhất là thay đổi cơ chế từ đất đai để khuyến khích người nông dân tiếp tục trồng lúa, có thể làm giàu từ cây lúa. Thế nhưng hiện nay, tỉ lệ đất phi nông nghiệp quá thấp khiến đất làm khu công nghiệp rất đắt, chi phí đền bù giải tỏa cao, cản trở thu hút vốn đầu tư bên ngoài. Trong khi đó, giá trị đất nông nghiệp thấp, nông dân lại không có tài sản thế chấp ngân hàng nên càng thiếu cơ hội đầu tư.

TS Võ Hùng Dũng góp ý: "Gần bốn triệu nông hộ trong vùng hiện thiếu nguồn lực; qua mỗi chu kỳ, giá trị đất nông nghiệp của họ lại hao mòn dần, tài sản lại tiếp tục xuống thấp hơn. Nếu có thể sửa đổi thể chế, đặc biệt là Luật Đất đai về tỷ lệ chuyển đổi đất nông nghiệp thì sẽ có hàng triệu hộ dân có thêm tiền, thêm vốn để đầu tư. Giá đất nông nghiệp tăng là cơ hội tăng giá trị tài sản, tăng thu nhập cho người nông dân, cũng là cơ hội tái cấu trúc ngành kinh tế nông nghiệp vùng ĐBSCL".

Đã đăng trên: Cần Thơ Online

https://baocantho.com.vn/ban-tiep-chuyen-lam-lua-o-dbscl-a153452.html

Sôi nổi Ngày Văn hóa Việt Nam – Hàn Quốc tại Cần Thơ

Huỳnh Kim

21/11/2022

(SGTT) – Nhân kỷ niệm 30 năm thiết lập quan hệ ngoại giao Việt Nam – Hàn Quốc, Ngày Văn hóa Việt Nam – Hàn Quốc tại thành phố Cần Thơ đã khai mạc sáng nay (21-11) tại Trường Đại học Kỹ thuật Công nghệ Cần Thơ. 
Văn nghệ mừng Ngày Văn hóa Việt Nam – Hàn Quốc tại Cần Thơ sáng ngày 21-11-2022. Ảnh: Huỳnh Kim

Có 20 gian hàng của các đơn vị Hàn Quốc và thành phố Cần Thơ giới thiệu các nét đặc trưng về văn hóa, ẩm thực của hai quốc gia. Các đơn vị còn tổ chức một số hoạt động như thi chế biến các món ăn Việt Nam – Hàn Quốc; trình diễn võ Vovinam, Taekwondo; trình diễn K-pop; trình diễn đàn Ukulele; biểu diễn trống truyền thống Hàn Quốc Samulnori; biểu diễn trang phục truyền thống Việt Nam – Hàn Quốc; trải nghiệm mặc thử trang phục truyền thống Hàn Quốc, trò chơi dân gian Hàn Quốc, món ăn Hàn Quốc; tham quan tranh sơn dầu của họa sĩ Hàn Quốc.

Dịp này, ban tổ chức cũng đã trao 270 suất học bổng, mỗi suất trị giá 2 triệu đồng cho các sinh viên vượt khó học giỏi và trẻ em Việt – Hàn có hoàn cảnh khó khăn ở Cần Thơ.

Trao học bổng trị giá 540 triệu đồng tại ngày văn hoá. Ảnh: Huỳnh Kim
 

Phát biểu tại sự kiện, ông Ha Gwang Yun, Trưởng Văn phòng đại diện tỉnh Jeollanamdo (Hàn Quốc) tại Đông Nam Á đóng ở TPHCM, cho biết Việt Nam là nước xuất khẩu lớn thứ ba và là nước nhập khẩu lớn thứ năm của Hàn Quốc; Hàn Quốc là nước đầu tư trực tiếp nước ngoài lớn nhất Việt Nam. Hiện nay, hơn 8.000 doanh nghiệp Hàn Quốc đang hoạt động tại Việt Nam, tạo ra một triệu việc làm và 30% tổng kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam.

Năm 2019, trước khi dịch Covid-19, đã có 4,3 triệu người Hàn Quốc đến thăm Việt Nam, đứng thứ hai chỉ sau Nhật Bản. Gần đây, giao lưu giữa hai nước đang mở rộng từ kinh tế sang nhiều lĩnh vực khác như văn hóa, thể thao, giáo dục. Ở Việt Nam hiện cũng đang có rất nhiều siêu thị lớn, cửa hàng tiện lợi mang thương hiệu Hàn Quốc.

Theo ông Ha Gwang Yun, Văn phòng Jeollanamdo khu vực Đông Nam Á được mở tại TPHCM để hỗ trợ thực hiện các hoạt động hợp tác, giao lưu với các quốc gia khu vực Đông Nam Á, đặc biệt là ở các lĩnh vực thương mại, đầu tư, hỗ trợ xuất khẩu, quảng bá du lịch, văn hóa.

Jeollanamdo là nơi sản xuất nông sản cao cấp lớn nhất Hàn Quốc; tập trung vào các ngành công nghiệp truyền thống như thép, hóa học, đóng tàu, các ngành công nghiệp tiên tiến như pin thứ cấp, năng lượng, thực phẩm nông thủy sản, vật liệu nông nghiệp được trang bị cấu trúc công nghiệp hài hòa. Đây cũng là thủ đô du lịch văn hóa, thân thiện với môi trường, và có lịch sử lâu đời, sâu sắc, bao gồm môi trường tự nhiên; nổi bật như bãi bùn di sản thiên nhiên thế giới được UNESCO công nhận với khoảng 2.000 hòn đảo dọc bờ biển.

“Với các ngành công nghiệp chiến lược tiên tiến như chất bán dẫn và dữ liệu, chúng tôi có kế hoạch đẩy nhanh bước nhảy vọt kỹ thuật chuyển đổi số công nghiệp lần thứ tư và xây dựng ‘trung tâm công nghiệp năng lượng mới toàn cầu’ dựa trên nguồn tài nguyên sạch, dồi dào. Sau này, chúng tôi hy vọng có thể hợp tác chặt chẽ hơn với thành phố Cần Thơ trong nhiều lĩnh vực khác như nông nghiệp, dầu mỏ, hóa học, năng lượng, môi trường”, ông Ha Gwang Yun nhấn mạnh.

Học sinh, sinh viên Cần Thơ tham gia Ngày hội Văn hoá Việt Nam – Hàn Quốc. Ảnh: Huỳnh Kim
 

Theo ông Nguyễn Thực Hiện, Phó Chủ tịch UBND thành phố Cần Thơ, trong 30 năm qua, kim ngạch thương mại giữa hai nước đã tăng gấp 150 lần và đang tiến tới mục tiêu 100 tỉ đô la Mỹ vào năm 2023.

Thành phố Cần Thơ và tỉnh Jeollanamdo đã ký Bản ghi nhớ hợp tác vào năm 2012; đã hợp tác tập huấn cán bộ; giao lưu văn hóa; thành lập Góc thông tin của tỉnh Jeollanamdo tại Trường Đại học Kỹ thuật Công nghệ Cần Thơ.

“Thành phố Cần Thơ xác định Hàn Quốc là một trong những đối tác quan trọng hàng đầu trong quá trình hội nhập quốc tế của địa phương. Lãnh đạo thành phố hết sức trân trọng những đóng góp của các nhà đầu tư nước ngoài, trong đó có nhà đầu tư, doanh nghiệp Hàn Quốc”, ông Nguyễn Thực Hiện nói.

Đã đăng trên: Saigon Tiếp thị

https://www.sgtiepthi.vn/soi-noi-ngay-van-hoa-viet-nam-han-quoc-tai-can-tho/

Hạt gạo – drone – máy chà

Huỳnh Kim

Thứ Ba, 22/11/2022

(KTSG) – Lần đầu tiên ở Hội chợ Nông nghiệp quốc tế Việt Nam tại Cần Thơ có nhiều gian hàng máy móc công nghệ cho sản xuất nông nghiệp như vậy: bảy gian hàng drone và bốn gian hàng “máy chà gạo”. Một cuộc cạnh tranh về công nghệ sản xuất và chế biến gạo giúp tăng chất lượng, lợi nhuận, bảo vệ môi trường.

1.

Drone là phương tiện bay không người lái, hay gọi là máy bay nông nghiệp cho dễ hiểu. Một máy bay loại này, có thể làm ba việc là gieo hạt, rải phân bón, phun thuốc. Anh Nguyễn Ngọc Hiếu, chủ gian hàng Công ty XAG Mekong (có trụ sở tại TPHCM, văn phòng đại diện ở Đồng Tháp), nói: “Làm thủ công, thí dụ phun thuốc, mỗi ngày một người chỉ phun được 5 héc ta lúa trong khi hai người sử dụng máy bay này thì phun được 50 héc ta, lại về sớm hơn mà khỏi phải lội ruộng, chỉ việc ngồi bên bờ kênh xem máy bay… bay”.

Khách tham quan drone ở gian hàng Singapore tại hội chợ Cần Thơ vào đầu tháng 11 này.
Ảnh: Huỳnh Kim
 
 

Chủ gian hàng Công ty Nicotex Cần Thơ Đỗ Trường Giang tính rằng máy bay này giúp giảm 30% chi phí về phân, thuốc, lúa giống, 50-60% tiền công lao động; bà con ít bị độc hại và chủ động với thời tiết hơn.

Ông Giang nói tiếp: “Các dịch vụ cho thuê máy bay nông nghiệp đang cạnh tranh dữ quá, nhưng nhờ đó mà nông dân có lợi. Trước mình làm dịch vụ bay một héc ta 350.000 đồng, giờ có nơi chỉ còn 120.000 đồng nên không làm nữa, để cho nông dân tự sắm máy làm dịch vụ này có lợi hơn”.

Tại các gian hàng, drone có xuất xứ từ Trung Quốc được trưng bày rất nhiều, như DJI, XAG, Top X Gun… và có giá bán thấp hơn giá drone nước khác. Tùy loại, một bộ drone có giá từ 300 triệu đến gần 700 triệu đồng, bán kèm khóa tập huấn.

Hầu hết, các công ty tham gia triển lãm năm nay đều cho biết đã mở văn phòng hay chi nhánh tại một số tỉnh làm lúa nhiều trên khắp đất nước. Và công ty nào cũng cho hay sẽ mở rộng thị trường vì tin chắc đây là xu hướng canh tác mới mà bà con nông dân ĐBSCL cần.

Anh Nguyễn Văn Hoàng Nguyên, ở gian hàng của Công ty Trường Thịnh (TPHCM), nói: “Tới đây, Trường Thịnh vẫn tập trung thị trường miền Tây và mở thêm thị trường miền Đông Nam bộ và Tây nguyên, phục vụ cho cả cây sầu riêng và cây công nghiệp”.

Còn anh Văn Thanh Liêm, chủ gian hàng drone Công ty TNHH Minh Ngọc (Long An), bán dòng máy hiệu Top X Gun, giá 370 triệu đồng/bộ, lại băn khoăn: “Hy vọng hãng Top X Gun cải tiến tối ưu máy bay nông nghiệp để giảm giá bán xuống còn 270 triệu đồng một bộ và mình có chính sách giúp nông dân mua trả góp được thì tốt quá”.

Còn có một gian hàng của Công ty ZenMuse (Singapore), dán slogan: “ZenMuse – chuyên gia về máy bay không người lái nông nghiệp chuyên nghiệp”. Chị Thùy Trang, người phiên dịch tại gian hàng này, cho biết ZenMuse đang tìm kiếm các doanh nghiệp làm đại lý và khai trương chi nhánh đầu tiên tại Việt Nam, đặt tại Cần Thơ vào ngày 16-11. Họ bán hai dòng máy ZenMuse, giá 285 triệu và 310 triệu đồng/bộ. Chị Trang nói: “Zen Muse muốn phát triển rộng ra cả vùng ĐBSCL”.

2.

Có người nói “máy chà gạo” bây giờ quá hiện đại, khi tham quan hệ thống máy xay xát và máy tách hạt, tách màu của các thương hiệu Bùi Văn Ngọ, Bùi Văn, DCT và CNC. Đó là những cỗ máy xay xát nặng cả tấn, nhập thiết bị điện cơ tiên tiến của Nhật Bản; khi đưa vào dây chuyền sản xuất gạo có thể chiếm trọn một tòa nhà hai tầng.

Ví dụ: máy bóc vỏ lúa, máy tách trấu, máy tách thóc, máy xát trắng gạo, máy xát trắng thử mẫu gạo, máy đánh bóng gạo, máy sàng tạp chất, máy sàng tạp chất gạo, sàng rung, sàng đá, sàng đảo, trống phân hạt, trống trộn gạo, trống tách hạt lép, lò trấu, máy lọc bụi, mấy sấy, phụ kiện.

Giá bán máy cũng tùy từng loại, từ 98 triệu đến 617 triệu đồng một chiếc. Giá bán cả dây chuyền chế biến từ lúa ra gạo sẽ dựa vào công suất sản xuất 8, 12, 14, 15, 24 tấn/giờ, có giá từ 3,4 – 38,5 tỉ đồng một dây chuyền.

Một góc gian hàng máy xay xát gạo của Công ty Bùi Văn tại hội chợ Cần Thơ. Ảnh: Huỳnh Kim
 

Theo ông Bùi Trọng Hiếu, Giám đốc Công ty Bùi Văn, các cỗ máy này giúp cho ra hạt gạo đạt tiêu chuẩn tiêu thụ nội địa và xuất khẩu. Ngoài ra, máy phải cho thu hồi gạo nhiều nhất, ở mức 67-69% sau khi bỏ cám, trấu và gạo không gãy, vỡ.

Ông Hiếu kể, khách hàng của ông mong được tiếp tục thay đổi công nghệ. Sao cho giảm điện năng hơn, thu hồi thành phẩm cao hơn, thu hồi được hết phụ phẩm (tấm, trấu, cám) và góp sức bảo vệ môi trường. Như vậy mới tiết kiệm chi phí cho nhà máy chế biến gạo, vì cũng là sản xuất gạo như bà con nông dân nhưng chi phí cao sẽ không có lời.

“Gạo còn bán được thì hệ thống máy xay xát còn đổi mới. Tôi kỳ vọng ngành lúa gạo Việt Nam ổn định giá để giúp ngành chế biến xuất khẩu gạo phát triển”, ông Hiếu nói.

Với máy tách hạt, tách màu DTC thì theo ông Dương Hoàng Tín ở Công ty DTC, sau khi gạo được xay xát, đánh bóng, dòng máy này sẽ tách tiếp phế phẩm của gạo để chất lượng hạt gạo tốt hơn, có giá trị hơn, đáp ứng tiêu chuẩn xuất khẩu và tiêu thụ nội địa.

Máy nhập từ Trung Quốc, công suất 10-15 tấn/giờ, giá bán 1,3 tỉ đồng. Nhu cầu này là từ thị trường, DTC đã có khách hàng ở 13 tỉnh, thành ĐBSCL từ hơn 8 năm nay. Ông Tín nói: “Tôi hy vọng ngành lúa gạo Việt Nam ngày càng phát triển, có lợi nhuận tốt hơn cho nông dân, doanh nghiệp chế biến gạo và cho cả chuỗi cung ứng gạo”.

Cũng nhập từ Trung Quốc là cỗ máy tách hạt hiệu CNC giá 1,1 tỉ đồng của Công ty Smart Sort. Ông Trương Phước Toàn, phụ trách kinh doanh của công ty này giải thích, quá trình sản xuất, do sấy, xay xát, lau bóng hoặc bị ẩm… gạo còn lẫn hạt xanh, non, bạc bụng, vàng hoặc còn đá, sỏi nên mới có dòng máy công nghệ cao này.

“Sản phẩm này có tiềm năng trở thành sản phẩm chính trong dây chuyền sản xuất sau cùng của hạt gạo”, ông Toàn nhận định.

 Đã đăng trên: KTSG Online

https://thesaigontimes.vn/hat-gao-drone-may-cha/