Thứ Năm, 2 tháng 1, 2014

Chợ nổi Cái Răng có trạm dừng chân


(TBKTSG Online) – Từ nay, du khách đến Cần Thơ tham quan chợ nổi Cái Răng có thể dừng chân bên bờ sông Vàm Xáng tại Trạm dừng chân chợ nổi Cái Răng vừa được khai trương hoạt động vào chiều tối 1-1-2014.


Lâu nay du khách đi đường thủy từ bến Ninh Kiều đến chợ nổi Cái Răng gần 5 kilômét mất hơn 30 phút, sau khi tham quan một vòng thường quay về. Giờ đây nếu đi đường bộ chỉ cần 10 phút chạy xe là đến trạm dừng chân chợ nổi; hoặc vẫn có thể đi đường thủy và ghé vào trạm dừng chân này để có thêm nhiều chọn lựa cho chuyến tham quan của mình.

Trạm dừng chân chợ nổi Cái Răng là điểm “trên bến dưới thuyền”, rộng 3.000 mét vuông; trên bến giáp với lộ Vòng Cung đi Phong Điền, kết nối với các tour du lịch vườn và các làng nghề trong vùng; ngay dưới bến sông rộng hơn 50 mét là chợ nổi Cái Răng.

Trạm dừng chân chợ nổi Cái Răng có nhà hàng phục vụ từ điểm tâm sáng đến tiệc, liên hoan, cơm khách đoàn đông tới 300 người; có bãi xe rộng và có đội tàu thuyền tổ chức các tour du lịch sinh thái quanh chợ nổi Cái Răng.

Trạm dừng chân chợ nổi Cái Răng do Công ty cổ phần Mía đường Cần Thơ (Casuco) đầu tư, giao cho Công ty Thương mại Du lịch Mía đường Cần Thơ (Casuco Tour) khai thác.

Ành: Metinfo.vn


Ông Trần Văn Hùng, Chủ tịch Hội đồng thành viên Casuco Tour cho biết, Casuco đã đầu tư hơn 4 tỉ đồng cho công trình này; trạm nhắm đến nguồn khách du lịch trong và ngoài nước đang đến ngày càng đông với Cần Thơ và riêng chợ nổi Cái Răng.

Chợ nổi Cái Răng từ lâu là điểm du lịch sông nước đặc trưng của ĐBSCL; năm 2013 đã thu hút hơn 50% trong số trên 1,2 triệu lượt du khách trong và ngoài nước đến với Cần Thơ.

Ảnh: Metinfo.vn

Bài đã đăng tại:

Thứ Ba, 31 tháng 12, 2013

Đồ cổ cuối năm

Đồ cổ cuối năm
Chụp tại nhà anh Lê Chí, sáng ngày 31.12.2013

10 năm ấy, Cần Thơ và Hậu Giang…



Nhân kỷ niệm 10 năm chia tách tỉnh Cần Thơ thành TP.Cần Thơ trực thuộc T.Ư và tỉnh Hậu Giang (1.2004 - 1.2014) - không hẹn mà gặp, hai địa phương này vừa xuất bản hai quyển kỷ yếu: Thành tựu 10 năm thành phố Cần Thơ trực thuộc Trung ươngHậu Giang, 10 năm một chặng đường.
  

Tập sách của Cần Thơ dày 200 trang, khổ 19 x 27 cm, in màu 1.000 cuốn bìa cứng, tập hợp nhiều bài vở, hình ảnh, sơ đồ, thống kê, được trình bày chăm chút tập trung vào chủ đề đúng như tên sách.



Ngay ở lời nói đầu, có thể chia sẻ với mục đích và kỳ vọng của người làm sách: “Đây là ấn phẩm nhằm khẳng định những thành tựu đạt được trong 10 năm thành phố Cần Thơ trực thuộc Trung ương; kết quả của quá trình thực hiện Nghị quyết 45-NQ/TƯ ngày 17.2.2005 của Bộ Chính trị về xây dựng và phát triển thành phố Cần Thơ trong thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước; qua đó giới thiệu những thành tựu, tiềm năng, thế mạnh, triển vọng và hình ảnh về đất nước, con người thành phố Cần Thơ; đồng thời tạo niềm tự hào, tin tưởng của người Cần Thơ vào sự phát triển của thành phố trong thời gian tới”.

Trang tiếp theo in bút tích và chữ ký của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng chúc mừng sự kiện này. Ở đoạn thứ hai, Thủ tướng nói về tương lai của TP.Cần Thơ: “Tôi tin tưởng rằng, thành phố Cần Thơ sẽ tiếp tục phát huy truyền thống tốt đẹp của mình và thành tựu đã đạt được, xây dựng Cần Thơ trở thành thành phố văn minh, hiện đại, trung tâm công nghiệp, thương mại, dịch vụ, du lịch, giáo dục đào tạo và khoa học - công nghệ của vùng đồng bằng sông Cửu Long và của cả nước”.

Những ý chính của hai đoạn trích trên đây được thể hiện qua nội dung còn lại của tập sách gồm 64 bài viết của các nhà báo và cộng tác viên Báo Cần Thơ cùng nhiều vị lãnh đạo, nhà quản lý, nhà khoa học và doanh nhân ở Cần Thơ. Các bài viết và hình ảnh minh họa này được chia thành 4 phần: Xây dựng nền tảng vững chắc; Thành tựu phát triển và hội nhập; Góc nhìn của các tầng lớp nhân dân về TP. Cần Thơ; Cần Thơ phấn đấu khẳng định vị trí trí trung tâm vùng và vai trò kết nối ĐBSCL. Phần cuối cùng là phụ lục gồm hình ảnh các vị lãnh đạo Thành ủy, HĐND, UBND, Ủy ban MTTQ TP.Cần Thơ từ 2004 đến nay cùng danh sách tập thể, cá nhân được thưởng Huân chương Hồ Chí Minh, Huân chương Độc lập và thống kê các chỉ tiêu kinh tế - xã hội chủ yếu của TP.Cần Thơ giai đoạn 2004 - 2013.

Kỷ yếu của Hậu Giang cũng in màu 1.000 cuốn, bìa cứng, dày 342 trang khổ 16 x 24 cm. Thủ bút và chữ ký của Thủ trướng Nguyễn Tấn Dũng đăng sau lời nói đầu, nhấn mạnh: “Tôi tin tưởng rằng tỉnh Hậu Giang sẽ phát huy mạnh mẽ hơn nữa thành tựu đã đạt được và truyền thống tốt đẹp của mình, xây dựng tỉnh Hậu Giang phát triển nhanh, toàn diện, giàu đẹp văn minh, đóng góp xứng đáng vào sự nghiêp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa - dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh”.

Ngoài những nội dung gắn với tên sách Hậu Giang, 10 năm một chặng đường, kỷ yếu của tỉnh Hậu Giang dành phần nhỏ cho “thì tương lai”, gồm có bài “Xây dựng quyết tâm chính trị, nâng cao ý thức, trách nhiệm và năng lực hành động” của ông Trần Công Chánh, Phó bí thư Tỉnh ủy - Chủ tịch UBND tỉnh Hậu Giang và danh mục các dự án trọng điểm kêu gọi vốn đầu tư cùng các dự án nhà máy nhiệt điện trong tỉnh.

Khác Cần Thơ, ở phần cuối cuốn kỷ yếu của Hậu Giang có thêm mảng sáng tác của văn nghệ sĩ gồm 2 ca khúc và 2 bài vọng cổ ca ngợi đất và người Hậu Giang.

Cả hai tập sách, dù chỉ nhìn lại 10 năm, nhưng trong chặng đường ấy, đọng lại cả một thời khai phá đất phương Nam của cha ông ta. Như trong lời nói đầu của tập kỷ yếu Hậu Giang, có nhắc: “Hậu Giang xưa là một vùng đất hoang vu, khai phá vào giai đoạn cuối của quá trình khẩn hoang, sau khi Nam kỳ lục tỉnh trở thành nơi đô hội… Sau gần 300 năm, lịch sử như lặp lại đối với những người đi xây tỉnh mới”.


* Mời đọc thêm tạo Báo Thanh Niên ngày 31.12.2013:
http://www.thanhnien.com.vn/pages/20131231/10-nam-ay-can-tho-va-hau-giang%E2%80%A6.aspx