Thứ Năm, 26 tháng 3, 2015

Triển lãm nhiều bản đồ và tư liệu quý về Hoàng Sa và Trường Sa



Lần đầu tiên tại Cần Thơ, Bộ Thông tin và truyền thông phối hợp với UBND TP Cần Thơ, tổ chức triển lãm “Hoàng Sa, Trường Sa của Việt Nam – những bằng chứng lịch sử và pháp lý”, khai mạc tối nay (26-3) tại công viên Lưu Hữu Phước. 

Họp báo về triển lãm Hoàng Sa Trường Sa tại Cần Thơ (25-03-2015)


Trao đổi với TBKTSG Online tại cuộc họp báo hôm qua, 25-3, ông Đoàn Công Huynh, Vụ trưởng Vụ thông tin cơ sở - Bộ Thông tin và truyền thông (TT-TT), cho biết đây là lần thứ 22 Bộ TT-TT triển lãm về chủ đề này ở trong nước, bao gồm cả tại huyện đảo Trường Sa, kể từ lần đầu tiên làm tại Hà Tĩnh (6-2013) nhưng lần này tư liệu dồi dào nhất, khẳng định bằng chứng lịch sử và cơ sở pháp lý chứng minh chủ quyền của Việt Nam đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa trên Biển Đông.



Một góc gian triển lãm sáng ngày 26-3, trước giờ khai mạc

Gian triển lãm rộng 500 mét vuông, giới thiệu hàng loạt tư liệu, văn bản, hiện vật, ấn phẩm và gần 100 bản đồ quý được sưu tập công phu ở trong và ngoài nước. Có thể kể một số nhóm tư liệu chính như sau:

Phiên bản các văn bản Hán Nôm, Việt ngữ và Pháp ngữ do triều đình phong kiến Việt Nam và chính quyền Pháp ở Đông Dương ban hành từ thế kỷ XVII đến thế kỷ XX, khẳng định quá trình xác lập, thực thi và bảo vệ chủ quyền của Việt Nam đối với Hoàng Sa và Trường Sa. Đặc biệt là các châu bản triều Nguyễn (1802-1945, từ triều Gia Long đến triều Bảo Đại) ban hành liên quan trực tiếp đến vấn đề khai thác, quản lý, xác lập và thực thi chủ quyền đối với hai quần đảo này.

Phiên bản các văn bản hành chính của chính quyền Việt Nam Cộng hòa ban hành trong thời kỳ 1954-1975, tiếp tục khẳng định quá trình quản lý hành chính, thực thi và bảo vệ chủ quyền của Việt Nam đối với Hoàng Sa, Trường Sa.

Phiên bản các văn bản hành chính của nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam ban hành từ năm 1975 đến nay, khẳng định thực thi và bảo vệ chủ quyền của Việt Nam đối với hai quần đảo này và những vùng biển đảo khác thuộc lãnh thổ Việt Nam.

Một số tư liệu, ấn phẩm do các nước phương Tây biên soạn từ thế kỷ XVIII đến thế kỷ XIX liên quan đến chủ quyền của Việt Nam đối với Hoàng Sa, Trường Sa.

Một số hình ảnh tư liệu về quá trình thực thi và bảo vệ chủ quyền của Việt Nam với Hoàng Sa, Trường Sa từ năm 1930 đền trận “Hải chiến Hoàng Sa” ngày 19-1-1974.

Bộ sưu tập 65 bản đồ chứng minh chủ quyền của Việt Nam Nam đối với Hoàng Sa, Trường Sa, do Việt Nam, phương Tây công bố từ thế kỷ XVII đến nay.

Bộ sưu tập 4 tập bản đồ (atlas) và 30 ban đồ do các nhà nước Trung Quốc xuất bản và phát hành chính thức qua các thời kỳ, cho thấy Trung Quốc không hề quản lý hai quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa (mà họ gọi là Xisha và Nansha) mà ranh giới phía Nam cuối cùng của họ thể hiện ở đó chỉ tới đảo Hải Nam.

Trong đó, đáng chú ý là 4 cuốn atlas do nhà Thanh và Chính phủ Trung hoa Dân quốc xuất bản, gồm có Trung Quốc địa đồ (1908), Trung Quốc toàn đồ (1917), Trung Hoa bưu chính dư đồ (1919) và Trung Hoa bưu chính dư đồ (1933). Các bản đồ này được vẽ chi tiết từng tỉnh, thể hiện rõ các con đường vận chuyển thư từ, công văn trong các tỉnh, thành của Trung Quốc. Nơi nào không thuộc lãnh thổ Trung Quốc thì không thể hiện trên các bản đồ trong atlas này. Cương giới cực nam của Trung Quốc trong đó luôn chỉ giới hạn đến đảo Hải Nam mà không hề nhắc đến Hoàng Sa, Trường Sa.

Ngoài ra, triển lãm còn có bộ Atlas Universel do Philippe Vandermaelen (1795-1869), nhà địa lý học người Bỉ, người sáng lập Viện Địa lý Hoàng gia Bỉ, biên soạn, xuất bản tại Bruxelles (Bỉ) năm 1827.

“Đây là một tài liệu vô giá, không chỉ về mặt học thuật, mà còn là một tài liệu có giá trị pháp lý góp thêm vào bộ hồ sơ chứng minh chủ quyền của Việt Nam đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa”, ông Đoàn Công Huynh, người kiêm nhiệm phó ban tổ3 chức cuộc triển lãm này, nhấn mạnh.

Triển lãm còn giới thiệu những công trình nghiên cứu, ấn phẩm của các học giả Việt Nam và nước ngoài về đề tài này từ năm 1975 đến nay; những hình ảnh, tư liệu về hoạt động phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội của Trường Sa hiện nay; những chương trình “Hoàng Sa, Trường Sa trong trái tim Việt Nam và bạn bè quốc tế”.

Người xem còn được tiếp cận với bộ sưu tập hiện vật và hình ảnh về công cuộc đấu tranh bảo vệ chủ quyền Hoàng Sa, Trường Sa của các chiến sĩ Hải quân Việt Nam như nhóm hiện vật của Lữ đoàn 146 Hải quân sử dụng bảo vệ Trường Sa trong trận chiến năm 1988 với quân Trung Quốc (cáng thương, máy soi hàng, ống nhòm đêm, súng bắn điện, áo cứu sinh, phao neo tàu, vỏ tàu…).

Triển lãm lần này do TS. Trần Đức Anh Sơn, phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển kinh tế xã hội Đà Nẵng, trực tiếp thuyết minh.

Trả lời TBKTSG Online, TS. Trần Đức Anh Sơn cho biết, trong vòng một năm tới, trong chuyến nghiên cứu tại Mỹ từ học bổng Fulbright, ông sẽ tiếp tục sưu tầm hình ảnh, hiện vật cũ theo đề tài này và nhất là những hình ảnh, tư liệu mới nhất về việc Trung Quốc đang xây dựng trái phép tại một số bãi đá ở Trường Sa hiện nay, để bổ sung vào các cuộc triển lãm tới đây về chủ quyền của Việt Nam về Hoàng Sa và Trường Sa.

Cuộc triển lãm lần này nằm trong khuôn khổ Hội sách Cần Thơ lần thứ nhất, khai mạc tối nay và sẽ kéo dài đến hết ngày 31-3./.

* Đã đăng TBKTSG Online 26-3-2015:

http://www.thesaigontimes.vn/128165/Trien-lam-nhieu-ban-do-tu-lieu-quy-ve-Hoang-Sa-va-Truong-Sa.html

Chủ Nhật, 22 tháng 3, 2015

1,8 triệu bản sách tại Hội sách đầu tiên ở miền Tây


Tại cuộc họp báo chiều ngày 20-3, ông Đỗ Hoàng Trung, Giám đốc Sở Thông tin - truyền thông TP Cần Thơ, cho biết từ ngày 26 đến 31-3-2015, tại công viên Lưu Hữu Phước, TP Cần Thơ tổ chức Hội sách lần thứ nhất, cũng là hội sách đầu tiên ở 13 tỉnh thành miền Tây Nam bộ, với chủ đề “Sách - tri thức và văn hóa”. 



Quang cảnh buổi họp báo chiều ngày 20-3-2015
Đây là hội sách có qui mô lớn thứ 2 ở Việt Nam, sau TP.HCM, với 54 nhà xuất bản, công ty trong cả nước tham gia mở 211 gian hàng với 160.000 tên sách và 1,8 triệu bản.
 

Hội sách này nhằm tôn vinh những giá trị của sách trong đời sống xã hội; khuyến khích và phát triển văn hóa đọc trong cộng đồng và tạo ra kênh liên kết giữa các đơn vị xuất bản, phát hành sách lớn của TPHCM, Hà Nội với Cần Thơ và cả vùng ĐBSCL.
 

Tại hội sách, có các buổi nói chuyện, tọa đàm về sách; giao lưu giữa các nhà văn hóa, nhà khoa học, nhà văn, nhà thơ và tác giả với độc giả; tổ chức các cuộc thi đọc sách, thi kể chuyện theo sách, bình sách; thi vẽ tranh theo sách dành cho thiếu nhi và các chương trình văn nghệ.
 

Thư viện TP Cần Thơ giới thiệu 3.000 tài liệu về địa chí Cần Thơ và Nam bộ (ngày 29-3). Nhà văn trẻ Nguyễn Ngọc Tư sẽ kí tặng bạn đọc cuốn tản văn mới nhất, “Đong tấm lòng” (sáng ngày 28-3).
 

Tại hội sách, còn có cuộc triển lãm bản đồ và trưng bày tư liệu “Hoàng Sa, Trường Sa của Việt Nam – những bằng chứng lịch sử và pháp lý”.
 

Tuần lễ hội sách Cần Thơ sẽ miễn phí vào cửa và gửi xe kèm các chương trình giảm giá bán sách từ 20% trở lên.
 

Hội sách này do UBND TP Cần Thơ phối hợp với Cục Công tác phía Nam (Bộ Thông tin và truyền thông), Hội Xuất bản Việt Nam, Sở Thông tin và truyền thông TPHCM, Tổng Công ty cổ phần phát hành sách TPHCM cùng tổ chức.

Đau đầu chuyện rác thải ở Phú Quốc


Rác thải, và gần đây là phế liệu, đang ngày càng “phình” ra ở huyện đảo Phú Quốc, tỉnh Kiên Giang, khiến du khách ngán ngẩm và cả người dân địa phương cũng bức xúc. Nhiều ý kiến lo ngại rằng điều đó sẽ ảnh hưởng lớn đến việc thu hút du lịch lẫn đời sống dân cư ở huyện đảo xinh đẹp này. 



Bãi rác chính trên đảo Phú Quốc
Vựa phế liệu Ngọc Lợi ỏ Dương Đông
Sổ tay của chúng tôi còn ghi một số ý kiến của du khách và người dân địa phương về chuyện này. Ngày 16-5-2009, tại khu nghỉ dưỡng Sao Biển (Dương Đông), hai vợ chồng Marilyn và Alan, du khách người Anh, nói: “Tôi không nghĩ rằng mọi người Việt Nam đã nhận ra đất nước mình đẹp đến mức nào, vì nếu họ nhận ra thì họ đã giữ cho nó sạch sẽ hơn; ở Phú Quốc, chỗ nào cũng gặp rác. Tôi hy vọng nơi này sẽ không phát triển theo hướng “Tây phương hóa” và làm biến dạng nó. Nên giữ cho các khu nghỉ dưỡng nhỏ vừa phải, phù hợp với bản sắc của đất nước mình”.

Cũng tại Sao Biển, hôm 9-9-2014, hai du khách trẻ người Đức, Nadine và Jonas, góp ý: “Phú Quốc cần thận trọng đừng để phát triển du lịch quá nhanh. Tôi nghĩ đây sẽ là vấn đề đối với thiên nhiên đáng yêu trên đảo. Tụi tôi yêu những bờ biển ở Phú Quốc lắm nhưng thật đáng tiếc là chỗ nào cũng có rác”. 


Vựa phế liệu trong hẻm khu phố 1
Chủ nhân khu nghỉ dưỡng Sao Biển ấy, ông Phạm Mỹ, tỏ ra bức xúc khi nói với chúng tôi qua điện thoại hôm 11-3-2015: “Chưa có gì thay đổi hết. Rác nhiều hơn, phế liệu cũng nhiều hơn, cũng đổ tùm lum như rác vậy. Chưa thấy có dự án xử lý rác thải nào xuất hiện trên đảo”.
   
Còn nhớ bữa đó (9-9-2014), đi một vòng quanh thị trấn Dương Đông, chúng tôi thấy có hơn một chục vựa phế liệu trên những trục đường du lịch chính. Như ở đoạn chưa đầy 200 mét lề đường Trần Hưng Đạo (khu phố 7) đã có 3 vựa phế liệu, chứa đủ thứ từ sắt thép, tôn thiếc, ve chai, bao bì… Đường ở đây không có lề, nhưng có chỗ người ta quăng bao phế liệu ra mé lộ, xe chạy phải né nói chi người đi bộ. Trong một con hẻm chật chội thuộc khu phố 1 cũng có một vựa phế liệu chất cao nghệu. 
   
Ông Nguyễn Văn Bé, 81 tuổi, dân cố cựu ở thị trấn Dương Đông, nói: “Đường Trần Hưng Đạo thẳng xuống sân bay hầu như không có cống, nước thoát chảy tràn qua lộ. Dân làm nhà, sửa chữa đụng đâu thải đó, cát, gạch, sỏi… tràn hết ra đường”. Ông Bé cho biết nhu cầu xây nhà nghỉ, khách sạn, resort càng tăng (tăng khoảng 500 phòng trong vòng một năm vào lúc đó và sẽ tăng 2.000 phòng trong hai năm tiếp theo) thì rác thải và phế liệu càng ngổn ngang mà không thấy ai quản lý.
   
Sáng hôm sau, dạo quanh bãi biển Bà Kèo nơi có các khu nghỉ dưỡng và khách sạn san sát nhau, xém chút nữa tôi giẫm phải xác một con chuột cống. Nhiều thứ rác thải đô thị khác cũng theo sóng biển tấp lên bờ cát mỗi ngày trong khi người thu dọn làm không sạch. Còn theo lời ông Phùng Xuân Mai, Tổng giám đốc Khu nghỉ dưỡng Sài Gòn - Phú Quốc, “Hiện nay nước thải ở hầu hết các cơ sở sản xuất, khách sạn, khu nghỉ dưỡng đều xả hết ra sông ra biển”. Về đơn vị mình, ông Mai kể: “Mỗi ngày ở đây có khoảng 70 mét khối nước sinh hoạt thải ra đều được xử lý thành nước thải loại A, chưa đủ tưới cho 3 hecta cây xanh và bãi cỏ của khu resort”. Không có nhiều lắm những doanh nghiệp tự lo xử lý chất thải như vậy ở Phú Quốc.
    
Trong khi Phú Quốc chưa có nhà máy xử lý rác thải thì có một bãi rác tập trung cho cả đảo ở gần Gành Dầu, mỗi ngày nhận từ 70 - 80 tấn rác. Bãi rác rộng 50 hecta ấy lại nằm trùm lên khu đất của một dự án du lịch 200 hecta. Rác được đổ tràn từ rừng ra mé lộ, bốc mùi hôi thối. Đáng tiếc là bãi rác này lại nằm ngay ở cửa ngõ khu phức hợp Vinpearl Phú Quốc rộng 304 hecta cách đó không xa.
   
Chiều hôm đó, khi được hỏi về chuyện thời sự này, Phó chủ tịch UBND huyện Phú Quốc, ông  Huỳnh Quang Hưng, cho biết: “Chúng tôi đang kêu gọi đầu tư xây dựng nhà máy xử lý rác tại Phú Quốc, có thể trong năm nay sẽ có”. 


 
Một vựa phế liệu trên đường Trần Hưng Đạo, PQ, ngày 9.9.2014

Đã sáu tháng trôi qua, giờ thì theo lời ông Phạm Mỹ ở khu nghỉ dưỡng Sao Biển: “Người dân và du khách bức xúc lắm, không biết bao giờ Phú Quốc xử lý xong chuyện rác thải này? Nguy nhất là các vựa phế liệu nó phình ra ngày càng nhiều. Ở các vựa này, có nơi giờ thành chỗ giấu những thùng nhớt ăn cắp từ một căn cứ quân đội để tuồn ra bán lẻ ngoài đường. Không còn là chuyện rác thải mà nguy cơ cháy nổ trong các khu dân cư luôn rập rình vì chẳng thấy ai trang bị bình chữa cháy cả”./.

* Bài đã đăng báo Sài Gòn Tiếp Thị ngày 13-3-2015:
http://www.sgtiepthi.vn/dau-dau-chuyen-rac-thai-o-phu-quoc/