Thứ Năm, 26 tháng 3, 2015

Triển lãm nhiều bản đồ và tư liệu quý về Hoàng Sa và Trường Sa



Lần đầu tiên tại Cần Thơ, Bộ Thông tin và truyền thông phối hợp với UBND TP Cần Thơ, tổ chức triển lãm “Hoàng Sa, Trường Sa của Việt Nam – những bằng chứng lịch sử và pháp lý”, khai mạc tối nay (26-3) tại công viên Lưu Hữu Phước. 

Họp báo về triển lãm Hoàng Sa Trường Sa tại Cần Thơ (25-03-2015)


Trao đổi với TBKTSG Online tại cuộc họp báo hôm qua, 25-3, ông Đoàn Công Huynh, Vụ trưởng Vụ thông tin cơ sở - Bộ Thông tin và truyền thông (TT-TT), cho biết đây là lần thứ 22 Bộ TT-TT triển lãm về chủ đề này ở trong nước, bao gồm cả tại huyện đảo Trường Sa, kể từ lần đầu tiên làm tại Hà Tĩnh (6-2013) nhưng lần này tư liệu dồi dào nhất, khẳng định bằng chứng lịch sử và cơ sở pháp lý chứng minh chủ quyền của Việt Nam đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa trên Biển Đông.



Một góc gian triển lãm sáng ngày 26-3, trước giờ khai mạc

Gian triển lãm rộng 500 mét vuông, giới thiệu hàng loạt tư liệu, văn bản, hiện vật, ấn phẩm và gần 100 bản đồ quý được sưu tập công phu ở trong và ngoài nước. Có thể kể một số nhóm tư liệu chính như sau:

Phiên bản các văn bản Hán Nôm, Việt ngữ và Pháp ngữ do triều đình phong kiến Việt Nam và chính quyền Pháp ở Đông Dương ban hành từ thế kỷ XVII đến thế kỷ XX, khẳng định quá trình xác lập, thực thi và bảo vệ chủ quyền của Việt Nam đối với Hoàng Sa và Trường Sa. Đặc biệt là các châu bản triều Nguyễn (1802-1945, từ triều Gia Long đến triều Bảo Đại) ban hành liên quan trực tiếp đến vấn đề khai thác, quản lý, xác lập và thực thi chủ quyền đối với hai quần đảo này.

Phiên bản các văn bản hành chính của chính quyền Việt Nam Cộng hòa ban hành trong thời kỳ 1954-1975, tiếp tục khẳng định quá trình quản lý hành chính, thực thi và bảo vệ chủ quyền của Việt Nam đối với Hoàng Sa, Trường Sa.

Phiên bản các văn bản hành chính của nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam ban hành từ năm 1975 đến nay, khẳng định thực thi và bảo vệ chủ quyền của Việt Nam đối với hai quần đảo này và những vùng biển đảo khác thuộc lãnh thổ Việt Nam.

Một số tư liệu, ấn phẩm do các nước phương Tây biên soạn từ thế kỷ XVIII đến thế kỷ XIX liên quan đến chủ quyền của Việt Nam đối với Hoàng Sa, Trường Sa.

Một số hình ảnh tư liệu về quá trình thực thi và bảo vệ chủ quyền của Việt Nam với Hoàng Sa, Trường Sa từ năm 1930 đền trận “Hải chiến Hoàng Sa” ngày 19-1-1974.

Bộ sưu tập 65 bản đồ chứng minh chủ quyền của Việt Nam Nam đối với Hoàng Sa, Trường Sa, do Việt Nam, phương Tây công bố từ thế kỷ XVII đến nay.

Bộ sưu tập 4 tập bản đồ (atlas) và 30 ban đồ do các nhà nước Trung Quốc xuất bản và phát hành chính thức qua các thời kỳ, cho thấy Trung Quốc không hề quản lý hai quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa (mà họ gọi là Xisha và Nansha) mà ranh giới phía Nam cuối cùng của họ thể hiện ở đó chỉ tới đảo Hải Nam.

Trong đó, đáng chú ý là 4 cuốn atlas do nhà Thanh và Chính phủ Trung hoa Dân quốc xuất bản, gồm có Trung Quốc địa đồ (1908), Trung Quốc toàn đồ (1917), Trung Hoa bưu chính dư đồ (1919) và Trung Hoa bưu chính dư đồ (1933). Các bản đồ này được vẽ chi tiết từng tỉnh, thể hiện rõ các con đường vận chuyển thư từ, công văn trong các tỉnh, thành của Trung Quốc. Nơi nào không thuộc lãnh thổ Trung Quốc thì không thể hiện trên các bản đồ trong atlas này. Cương giới cực nam của Trung Quốc trong đó luôn chỉ giới hạn đến đảo Hải Nam mà không hề nhắc đến Hoàng Sa, Trường Sa.

Ngoài ra, triển lãm còn có bộ Atlas Universel do Philippe Vandermaelen (1795-1869), nhà địa lý học người Bỉ, người sáng lập Viện Địa lý Hoàng gia Bỉ, biên soạn, xuất bản tại Bruxelles (Bỉ) năm 1827.

“Đây là một tài liệu vô giá, không chỉ về mặt học thuật, mà còn là một tài liệu có giá trị pháp lý góp thêm vào bộ hồ sơ chứng minh chủ quyền của Việt Nam đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa”, ông Đoàn Công Huynh, người kiêm nhiệm phó ban tổ3 chức cuộc triển lãm này, nhấn mạnh.

Triển lãm còn giới thiệu những công trình nghiên cứu, ấn phẩm của các học giả Việt Nam và nước ngoài về đề tài này từ năm 1975 đến nay; những hình ảnh, tư liệu về hoạt động phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội của Trường Sa hiện nay; những chương trình “Hoàng Sa, Trường Sa trong trái tim Việt Nam và bạn bè quốc tế”.

Người xem còn được tiếp cận với bộ sưu tập hiện vật và hình ảnh về công cuộc đấu tranh bảo vệ chủ quyền Hoàng Sa, Trường Sa của các chiến sĩ Hải quân Việt Nam như nhóm hiện vật của Lữ đoàn 146 Hải quân sử dụng bảo vệ Trường Sa trong trận chiến năm 1988 với quân Trung Quốc (cáng thương, máy soi hàng, ống nhòm đêm, súng bắn điện, áo cứu sinh, phao neo tàu, vỏ tàu…).

Triển lãm lần này do TS. Trần Đức Anh Sơn, phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển kinh tế xã hội Đà Nẵng, trực tiếp thuyết minh.

Trả lời TBKTSG Online, TS. Trần Đức Anh Sơn cho biết, trong vòng một năm tới, trong chuyến nghiên cứu tại Mỹ từ học bổng Fulbright, ông sẽ tiếp tục sưu tầm hình ảnh, hiện vật cũ theo đề tài này và nhất là những hình ảnh, tư liệu mới nhất về việc Trung Quốc đang xây dựng trái phép tại một số bãi đá ở Trường Sa hiện nay, để bổ sung vào các cuộc triển lãm tới đây về chủ quyền của Việt Nam về Hoàng Sa và Trường Sa.

Cuộc triển lãm lần này nằm trong khuôn khổ Hội sách Cần Thơ lần thứ nhất, khai mạc tối nay và sẽ kéo dài đến hết ngày 31-3./.

* Đã đăng TBKTSG Online 26-3-2015:

http://www.thesaigontimes.vn/128165/Trien-lam-nhieu-ban-do-tu-lieu-quy-ve-Hoang-Sa-va-Truong-Sa.html

Không có nhận xét nào: