Trong số 160.000 tựa sách với 1,8 triệu bản tham gia Hội sách Cần Thơ lần thứ 1 (từ 26 đến 31-3), có cuốn tản văn mới nhất của nhà văn Nguyễn Ngọc Tư, Đong tấm lòng, do NXB Trẻ ấn hành.
Đó là tập tản văn gồm 32 câu chuyện chị tuyển chọn lại sau ba năm sống và viết ở Cà Mau và nhiều nơi khác trên bước đường rong ruổi cùng bao nhiêu phận người. Những con người bình thường trong một xã hội hiện đại đang có nhiều thay đổi lạ thường về nhân tính. Và dù cố gắng viết lạnh lùng, gai góc, bén nhọn, đa phần những câu chuyện ấy đượm buồn. Mỗi câu chuyện thường chỉ dài vài ba trang sách. Đọc nhanh chưa đầy năm phút xong một chuyện, nhưng thường phải nghĩ ngợi dài. Nó làm người đọc nhớ tới câu Kiều ngày xưa, “Sầu đong càng lắc càng đầy”.
Tỉ như trong Đong tấm lòng kể về thói quen đi đám bằng tiền ở một xóm nghèo tên là xóm Chiếc của những người nông dân “nghèo nhứt gánh mình” như dì Chín. “Bà mẹ nói hồi xưa đám giỗ vui, giàu nghèo đề huề không khoảng cách. Ai đem gì về cúng cũng không quan trọng bằng đủ mặt”. Giờ thì: “Xóm mình đám giỗ, thôi nôi hay đầy tháng cũng bằng tiền tuốt. Đi bằng tiền thì gọn gàng và dễ dàng để nấu nướng những món đã tính trước”. Tiếp đó: “Nhưng tiền thì đong đo được, bằng mắt thường. Nó làm tổn thương dì Chín, người sớm mai oằn vai gánh rau đi chợ, gánh thêm ông chồng hen suyễn với bầy con đông. Giỗ năm ngoái Chín líu ríu đưa cậu em năm chục ngàn, sau nghe mợ bĩu môi, thời buổi tiền mất giá chỉ nhiêu đó có mua được gì, không thấm tháp vô đâu. Ngoài chợ người ta đi đám cưới nhà hàng tệ lắm cũng phải ba trăm ngàn”. Và rồi: “Bồn chồn rờ nắn cái túi áo bà ba mỏng dính, Chín nói giỗ năm sau có khi em không về”. Bởi: “Chung quanh người ta nhìn nhau, đo tấm lòng nhau bằng những mệnh giá của tờ giấy lạnh, Chín tránh sao cho khỏi xây xước”. Đong tấm lòng chấm hết bằng một câu văn buồn như vầy: “Con sông chảy xiết qua xóm Chiếc mang theo gì trong lòng nó, chỉ nó biết”.
Nguyễn Ngọc Tư đã in nhiều tập tản văn, nhưng theo chị: “Đây là tuyển tập tản văn mà tôi nghĩ có lối viết khá gần truyện ngắn, có những cái cấu tứ như truyện, chỉ là nhân vật chưa đủ da thịt”. Và chị xác nhận là qua tập sách này, mình “quan tâm đến mối quan hệ giữa người với người, những rạn nứt trong tâm hồn, những tổn thương không thấy được bằng mắt thường”.
Mới hơn với Nguyễn Ngọc Tư là ở tác phẩm này, lần đầu tiên chị tự vẽ 11 bức minh họa. Những nét vẽ giản dị, lạ, triết lí và như lời chị bộc bạch: “Đây gần như là những bức vẽ đầu tay của tôi, và cũng không hứa hẹn nhiều về chúng”.
Chỉ kí tên tặng sách chứ không giao lưu với bạn đọc, vậy Nguyễn Ngọc Tư mong chờ điều gì tại hội sách đầu tiên ở miền Tây này? Tác giả của Cánh đồng bất tận từng đoạt Giải thưởng Văn học ASEAN 2008, mong được nhìn thấy “Cảnh bạn đọc mua sách và chở về bằng… taxi; cảnh hội sách đông người, và mặt mũi ai cũng háo hức”. Và: “Một hội sách giữa lòng miền Tây, là một lời tỏ tình từ sách mà tôi rất mong sẽ được nhiều người đáp lại”.
* Bài đã đăng báo Cần Thơ chủ nhật, 29-3-2015:
http://baocantho.com.vn/?mod=detnews&catid=78&id=162156
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét